Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

7 - CÀNG CỔ CÀNG DỄ COI…?

 7 -  CÀNG CỔ CÀNG DỄ COI…?


        Càng cổ càng dễ coi!.Càng mới càng khó coi !.” Một lời của con người có bản lãnh nghề nghiệp, đầy kinh nghiệm nói có khác. Tôi nặng đầu suy nghĩ.
    
       Khi muốn đánh giá một mẫu vật có độ tuổi cao hay thấp. Điều cơ bản trước tiên là phải xác định xem vật đó được để trên mặt đất hay được chôn dấu trong lòng đất. Nó có được bảo vệ qua một lớp bao bì gì đó hay không. Ta phải nhớ là bất kỳ ở đâu sự tác động của môi trường chung quanh là điều không thể tránh khỏi. Chính điều này cộng hưởng với chất liệu cấu tạo ra mẫu vật  nó sẽ cho ta những yếu tố đặc trưng. Dựa vào những dấu vết đó mà ta xét đoán và đánh giá. Chắc chắn một điều là nó luôn luôn cho ta thấy những dấu hiệu đặc trưng, thật rõ ràng và trung thực. Không mập mờ. Những yếu tố nhất định phải có này là một bằng chứng cụ thể nhất để cho ta thấy nó tồn tại trên mặt đất này một khoảng thời gian như thế nào đó nên mới bị gặm nhấm, bồi đắp bởi môi trường chung quanh mà nó có hiện tượng như vậy. Có thể nói sơ qua là do con người, côn trùng hay do độ ẩm, khô của khí hậu, bụi bặm lâu ngày chày tháng ảnh hưởng trực tiếp vào. Tất cả sẽ cho ta thấy sự cũ kỹ, già nua đã trải qua vì thời gian của nó. Chẳng hạn như giấy xuyến chỉ. Thay vì như tôi nghĩ nó ngả vàng, nhưng trên thực tế từ màu trắng nó lại ngả sang màu xám tro. Càng lâu màu xám càng xậm hơn. Đó mới chỉ là màu sắc của giấy. Còn độ dẻo dai thì sao? Ai cũng biết giấy của Trung Quốc tốt hơn của phương Tây về độ bền, dẻo. Có lẽ do người Trung Hoa làm bằng thủ công khi giã bã giấy chỉ bị tơi còn tồn tại những sợi hữu cơ không tan thành bột như khi bị đánh bằng máy. Nên khi làm thành sản phẩm. Chất liệu làm giấy của Trung Quốc còn những sợi nhuyễn hữu cơ quyện với keo chúng đan kết vào nhau nên dễ có độ dẻo dai hơn. Còn trong chất liệu của phương Tây là những hạt bột. Khi còn keo độ bám dính còn tồn tại thì còn độ bền. Nhưng nếu trải qua thời gian lâu năm chất keo kết dính bị phân hủy thì các bột giấy sẽ dễ bị rã ra, làm cho tờ giấy bị dòn đi mau hư hỏng và ố vàng. Đó là ta chưa nói đến chất tẩy trắng nó cũng tác động không nhỏ đến độ bền của giấy. Giấy xín chỉ làm bằng phương pháp thủ công, tùy theo độ dày mỏng mà người ta sẽ tráng lên nhiều lớp, mỗi lớp là một tuyên. Giấy tam tuyên là có ba lớp mỏng đồ dính vào nhau. Có một điều quan trọng nữa tôi không thể bỏ qua, đó là lúc tôi thấy Vinh cào vào chỗ có nét mực để thử chứ không cào vào chỗ giấy trắng, tiệt không có lời giải thích. Biết vậy nhưng không dám hỏi vì tôi nghĩ. Nếu hắn muốn chỉ bảo cho mình thì hắn đã nói rồi, còn hắn im lặng đó là dấu hiệu không muốn cho mình biết, hỏi chắc hắn đã nói thật. Sự suy nghĩ ấy làm tôi nín thinh không dám bộc lộ thắc mắc của mình. Chuyện này nó ám ảnh tôi mãi nhưng rồi sau cùng tôi cũng nghiệm ra.
       Theo tôi được biết mực tàu thường được làm bằng chất liệu bột than cây tùng trộn với keo, đem ép nén thành thỏi, Khi muốn viết phải cho nước vào nghiên mực một dụng cụ chuyên dùng rồi nhúng thỏi mực vào mài cho chất bột mực tuơm ra đến khi đã có độ quánh đủ để xử dụng. Khi viết chất bột của mực theo ngọn bút lông bám, ngấm sâu vào mặt giấy, khi khô lớp bột than chỗ mực đậm tạo nên một độ dày nhất định dù rất nhỏ khác hẳn với mặt giấy trắng không mực. Lúc còn mới mực bột cùng chất keo chưa bị phân hủy nên sẽ còn độ dẻo. Nhưng với một thời gian càng lâu năm chất keo không còn, chất bột mực ăn vào mặt giấy đã khô đi, quánh lại cộng thêm thời tiết cùng nhiều thứ khác tác động làm cho nó bị đét, dòn đi. Càng lâu tác động này càng tăng theo thời gian. Khi ta tách ra để vò. Nếu mực và giấy mới còn độ dẻo dai nên sẽ vón cục khó nát. Nếu lâu năm, giấy khô mực kiệt  khi ta miết mạnh nó sẽ mau tan, vụn nát thành bột. Khi ta miết nhẹ mà nó mau rã thì chứng tỏ càng cao tuổi. Càng mạnh, lâu thì ngược lại. Chỗ này  cũng còn tùy vào kinh nghiệm của ta có được mà phán đoán. Đây là điều quan trọng đáng để ta lưu tâm. Sự trải nghiệm trong nghề nghiệp sẽ quyết định là ta giỏi hay lơ mơ, đúng hay sai khi ta cầm vật đó trên tay mà phán đoán. Bạn cần phải thử bao nhiêu tấm để biết? Đã qua tay bạn được bao nhiêu bức tranh có từng khoảnh khắc ở những thời gian khác nhau để bạn thử mà rút ra kinh nghiệm? Khó quá bạn nhỉ. Tranh lâu năm ở đâu mà nhiều vậy để cho bạn thử? Như vậy thì có muốn biết cũng không đơn giản. Nhưng cũng không phải là thừa. Sẽ có dịp ứng dụng nếu bạn hiểu rõ nó.

      Đây chỉ là một nhận xét mang tính cảm quan, thủ công, chỉ có tác dụng với những người chơi tranh tài tử, giúp cho họ có một phần nào nhận định khi giám định  bức tranh lúc cấp thời. Cũng chỉ là sự hiểu biết mập mờ phục vụ cho cái thú chơi cho vui, chứ ở các nước văn minh họ sẽ có những phương pháp giám định có thể chính xác đến từng năm. Thôi kệ biết được chút đỉnh còn hơn không. Tránh được bé cái lầm được chừng nào hay chừng nấy. Biết làm sao? Không hiểu mấy tay làm tranh giả có nghiệm ra cái dzụ này không? Nè tui nói chơi cho vui đó nghe! Chưa chắc đã đúng đâu đó! Đừng có đem áp dụng làm tranh giả để rồi người ta chửi cha cho mà nghe đó ngheng.

(Còn tiếp).

        8 -  NGHỀ CHƠI CŨNG LẮM CÔNG PHU.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét