Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

4 - TIN BỢM! MẤT BÒ!!!

4 - TIN BỢM! MẤT BÒ!!!



      Một câu chuyện có thật đã từng xảy ra ở Cholon khi phong trào người Hoa qui cố hương. Một số đông đang lo lắng chờ đến dịp xuất cảnh bán chính thức bất hợp pháp của mình ( Theo cái nhìn của Chính Quyền sở tại )… Chui!... Nửa nạc nửa mỡ? Chả ai muốn đi nhưng cũng vì hoàn cảnh mà họ phải đành lòng, bứt ruột rời bỏ cái mảnh đất hiền hòa, đầy màu mỡ này. Nơi đã từng quá dễ dãi để cho nhiều thế hệ từ cha ông đến con cháu mấy đời nhà họ núp bóng ngồi chễm chệ ở các Chành, Bang, Hội..v.v.. Họ liên kết với nhau, rồi cấu  kết với quan chức tham nhũng địa phương, hể hả cùng nhau thao túng, thoải mái vơ vét thu gom của nả đem chất đầy ngắc những dãy phố dài sọc ở Đề Ngạn. Nơi nào có “ ăn ” là có ngay cánh áo “ Xá-xẩu ” phất phơ trước gió để thực hiện tiêu chí ngầm: “ Sống ở đất người ta, ăn no ngủ kỹ ở đó, lấy nhiều vợ là dân bản xứ, sinh con đẻ cháu cho đông, không quên tiếng mẹ đẻ. Hy sinh đời cha, củng cố đời con cháu. Hễ có tiền nhiều là mua đất, mua từ từ lấn dần dần như vết dầu loang cho mai mốt chỗ nào cũng thành Tàu hết! ”. Cholon là nhỏ, Singapore là lớn hai ví dụ điển hình.( Tao báo trước cho hay rồi đó. Cha ông đã giữ được cho đến nay…Tới phiên tụi bay…làm sao coi cho được thì làm. Không chừng xuống biển đóng bè mà sống đó nghe! )
           Nè! Lạc đề rồi cha nội…Ừ! Xin kể tiếp…  
      Đâu có ai ngu dại gì mà vất lại của nả mình đã tốn biết bao công sức mới thu tóm được.“ Phải tìm mọi cách để mang đi chớ! Đi tay không về tới bển, lạ nước lạ cái, người đông của khó, đất thó cũng không có mà cạp! Làm sao sống! ”  Bằng mọi cách phải làm sao mang đi càng nhiều càng tốt. Ấy vậy mới xảy ra những cớ sự  đáo để.
      “ - Trăm sự nhờ nị giúp cho! Dzàng thì ngộ có nhiều nhưng nặng quá làm sao mang đi! Ra tới cửa khẩu. Đồng thau, Hải quan nó còn giữ lại. Dzàng thì làm sao chui cho lọt. Nó mà biết được là ngộ có  nhiều dzàng, nó tịch thu hết đâu cho ngộ mang theo, còn bị bỏ tù nữa đó. Chết! Chết! chỉ có chết! Biết sư phụ có tay nghề lại quen biết nhiều trong giới mua bán tranh. Ngộ sẽ bỏ ra một mớ cây dzàng nhờ nị mua dùm ít tranh quí để mang đi cho gọn nhẹ qua mắt tụi Hải Quan cửa khẩu. Tới bển bán có lời càng tốt còn không thì chỉ mong bán cho huề vốn hoặc lỗ chút đỉnh cũng được, miễn sao có chút tiền để mà sống, mà nuôi mấy đứa vợ cùng một đám con đông quá chừng!!! Nị cố gắng giúp dùm nhé! Ngộ sẽ hậu tạ và rất mang ơn nị không bao giờ quên! ”.( Tạm dịch phóng lợn cợn cho dễ hiểu vì tiếng Tiều, tiếng Quảng ngộ không piết ).
      Đó là lời nói của một đại gia người Việt gốc “ Chệt ”. Một đại tài chủ nhiều tiền lắm bạc đã tự hạ mã, chắp tay ngồi trên ghế ở quán cà phe bên lề con đường nhựa nghiêng vai, kề tai buông lời thống thiết o bế một chàng hoạ sĩ cùng Bang cùng giống giúp mình tẩu tán tài sản khi sắp phải rời khỏi mảnh đất đã từng cưu mang nuôi sống hắn từ bấy lâu nay. Ở cái cõi đời này khi có một món lợi tự dưng người ta mang đến, đã không có điều kiện ràng buộc nào thì chớ, mà lại còn được người ta tâng bốc năn nỉ xin mình ban ơn, giúp đỡ nữa! Có cái gì vinh hạnh cho bằng phải không nhỉ? ( Anh hay chị có bao giờ thấy người nào đang tâm từ chối cái chuyện hay ho như thế này bao giờ chưa? ).
      “ Thôi được! Đây cũng xem như là món quà giúp đỡ người anh em cùng nòi giống bây giờ đang ở thế kẹt phải nhờ vả đến. Nếu từ chối, người ta chê mình hẹp hòi? Chả sao! Cứ theo gót chân của Phật. Ta hãy dang tay hỷ xả làm phước một chuyến. Trái phải gì sau hẵng hay! Tới đâu thì tới. Giúp người như chữa cháy. Giúp người là tự giúp mình. Ông bà xưa đã có câu như vậy. Với lại người ta năn nỉ nhờ mình chứ bộ! Mình đâu có xin xỏ nó đâu! Hừ !!! Được mình giúp là phúc ba đời nhà nó rồi! Thử hỏi? Nếu mình không giúp thì làm sao nó có thể mang cả vài chục ký vàng ra khỏi xứ này! Vô phúc lại mất tiệt chứ chả chơi đâu! Nói thì nói.
Có ai ăn cơm nhà đi vác ngà voi ?! Phải có qua có lại mới toại lòng nhau chứ! Kể ra thì thằng này nó cũng biết điều chắc không đến nỗi nào! Giúp nó chắc là phải có lại quả thôi! . Một suy nghĩ rào trước bao sau thật kín kẽ làm chuẩn mực cho cái gật đầu đồng ý của ngài họa sĩ sắp thành danh nhưng chưa biết vào lúc nào
      Thế là một nguồn thông tin sốt dẻo được chính thức phát tán đi, hoà quyện, giao thoa bằng mồm và lưỡi của các chuyên gia cò cốt lan tỏa khắp chốn trong giới giang hồ mua bán tranh cũ… câu chuyện cứ sôi lên sùng sục như nồi “ Sủi cảo ” đang đà quá lửa nơi đường Hà tôn Quyền, nhất thời chưa thể kềm hãm được cái khẩu hiệu:
     “ Ai có tranh quí cứ mang tới đây giá cả không thành vấn đề, cứ vừa ý ngộ là được! Ngộ cân hết! Ai biết ở đâu có tranh quí cứ chỉ cho Ngộ. Mua được là có huê hồng khỏi có lo!.”
      Câu chuyện toác ra như quả cầu lửa phát nổ ở trời Âu hồi đó. Giờ đang có chiều hướng giống dzậy ở chợ tranh…nóng hực….
      Mọi điều xảy ra thật thuận lợi, xuôi chèo mát mái cho anh chàng hoạ sĩ khi đang cầm quyền trượng trong tay. Nhưng ở đằng sau hậu trường cà phê lại có biết bao điều vo ve ấm ức về chuyện này và cũng đã có nghe phong phanh đâu đó một vài câu đại để.
      “ Ô…ố..i… d…ào! cái thằng cóc cắn  đó mà biết cái con khỉ mẹ gì. Nó chỉ là thằng hoạ sĩ nửa mùa. Tranh của nó vẽ dở ẹc! bán chả chó nào mua! Đói thấy mẹ  nay nhờ vố này mới khá!!!  Nhìn cái bản mặt nó kìa! Cứ vênh lên như tấm ván ép vô nước bị người ta đem quăng ra sân giữa trưa nắng gắt. Thấy ghét dễ sợ! Mẹ nó!!!  Nếu không có chuyện này thì chỉ có chết đói nhăn răng! Cà phê vzớ cũng không có mà uống!!!  Đừng có chảnh!!! Mà cũng không hiểu sao thằng cha tài chủ A.Qu. đó ngu đến thế!!!  Bộ hết người rồi sao mà lại đi nhờ thằng cà chớn đó? Mày mà nhờ tao thì có phải hay hơn không?!.”       
      Không hiểu cái thằng thối mồm nào lại ăn nói hàm hồ, vô sư vô sách đến vậy nhỉ? Ông bà bảo không sai tí nào! “ Trâu cột ghét trâu ăn ” có khác!
     Thời gian thì vẫn cứ đủng đỉnh đưa quađẩy lại theo con lắc của cái đồng hồ vô cảm treo trên tường ở Bưu Điện Quận 5… Không lâu sau râm ran nghe thiên hạ kháo. Tay tài chủ nhờ ngài họa sĩ tốt số nọ mà đã vơ vào được cũng khá bộn. Nhỉnh hơn trăm tấm đôi chút thì phải. Mà đó cũng chỉ là tin đồn! Có ai được mời vào tận kho, đếm tận tay đâu mà nói cho chính xác.
      Cho đến một buổi chiều vàng nắng nhạt, gió thổi hiu hiu, dìu dịu. Ngoài đường xe cộ vẫn cứ chen nhau giành đường bóp còi inh ỏi. Tay hoạ sĩ được ngài tài chủ cho người nhắn tin vời đến nhà để tham khảo ý kiến.
      - Ngộ mới mua được hai tấm tranh của  thằng cha La nó mang tới! Nó nói là cũng quen biết nị! Nó đưa cho ngộ xem hai tấm này! Vừa nói ngón tay của ngài tài chủ chỉ chỉ vào hai bức tranh đang để tênh hênh trên bàn. Nói tiếp… Thấy nói cùng tác giả mà mấy bữa trước nị đã có mua dùm cho ngộ bốn tấm rồi đó! Nị còn nhớ hông? Ngộ thấy nó cũng tội nghiệp qúa! Già pạc cả lầu mà vẫn phải chạy pán, pán kiếm chút đỉnh tiền dzề nuôi dzợ con. Mà sao là giá cả của nó sao rẻ quá xá? Ngộ nghĩ qzuài hổng dza! Thây kệ mà! mua cho ló mừng. Có hai trăm lô la! Lâu có dziều gì! Mua đại cho ló dzui. Mà thiệt à nha! Ló mừng lắm. Ló cảm ơn ngộ quá chời quá lất hà! Khi nó đi mất dzồi, ngộ lấy bốn tấm bữa trước nị mua dùm đem ra so coi. Ủa! Nó kỳ cục quá xá chừng! Cùng tác giả mà chẳng giống nhau cái gì hết! Chữ viết cũng khác. Rồi ký tên cũng hổng giống! Con dấu càng trật chìa! Như vậy là làm sao? Tay tài chủ thắc mắc, nửa Ta nửa Tàu cứ rối tinh cả lên hỏi. ( Nói tiếng cứ pha pha Ta Tàu mệt quá! Nói đại tiếng Việt hết cho mau. Thông cảm nghe ).
      - Có gì đâu! Bốn tấm ngộ mua cho nị bữa trước mới là thiệt!?!?.Tiếng nói của nhà hoạ sĩ  gằn giọng chắc bắp, lanh lảnh vang lên thật hùng hồn trong căn phòng khá rộng nhưng đồ đạc thì bày biện lung tung, chất cao nghệu gần đến trần nhà, chẳng có trật tự gì thành ra lại chật. Ngài họa sĩ khẳng định chắc như đinh đóng cột. Nghe lõm bõm! Hình như là đấng họa sĩ này chẳng hề ngó ngàng, không chút đếm xỉa gì đến hai tấm tranh nọ do tay tài chủ để sờ sờ trên bàn. Cứ như là sợ đụng vào nó mình bị sứt móng! Như vậy đã rõ, không cần phải thuyết minh gì thêm cho mệt. Đương nhiên hai tấm của tay tài chủ mới mua của cha La đầu bạc là giả rồi. ( Ừ!!! Đồ giả coi chi cho dơ tay bẩn mắt!. Thế mới bộc lộ được dáng cách của người sành điệu, của người có bản lãnh chứ!). Với thái độ câng câng kẻ cả đó của chàng hoạ sĩ. Ngài tài chủ đâm ra bẽn lẽn, ngượng ngùng như kẻ chui lộn mùng trong đêm bị bà con quả tó, bèn phân bua cho đỡ sượng sùng...
      - Đúng của rẻ là của ôi! Không nghe lời thày chưa chết là may lắm rồi!!!
      - Rẻ hả? Nị có thấy ai đem vàng đi bán rẻ không? Mấy cái thằng chạy cò này nó chuyên môn đi lừa bịp thiên hạ! Nó nói rẻ cho mình ham! Đồ thiệt coi! Nó có bán rẻ cho nị không? Chắc cái này của thằng nào biết nị bỏ tiền ra mua. Nó gài bán đồ dỏm cho mình đây! Anh họa sĩ thuyết cho tay tài chủ nghe một đoạn cái lẽ ở đời thế nào là…

      - Thôi! Nị nhờ ai đem bán quách nó đi cho rảnh mắt! Được bao nhiêu cũng được! không quan trọng. Đồ xịn mang đi cho bõ! Đồ dỏm mang đi vừa phải mất tiền lo lót sang bển đem bán  người ta cười cho thúi cái đầu! Tay tài chủ thở dài buồn năm phút tâm sự. ( Rõ đến khổ! Biết ăn nói làm sao bây giờ? Ăn cơm chúa múa tối ngày. Chậc!!! Phải chiều lòng chủ chứ sao giờ! Một cái tắc lưỡi ra chiều chẳng đặng đừng ). Thế là ngài hoạ sĩ lại đành phải ra tay cứu vớt, ôm hai tấm tranh dỏm đi nhờ cò bán dùm cho vừa lòng chủ.

Đới ngoan Quân. Mỹ nhân hương thảo. Mực nho trên giấy xín chỉ. Cỡ 31cm x 54cm. Năm 1959.

           Cận Nhân Uông Sĩ Thận. Cúc Thạch. Mực nho trên giấy. Cỡ. 29,5cm x 84cm. Năm 1741.


            Cận Nhân Uông Sĩ Thận. Mai Trúc. Mực nho trên giấy. Cỡ. 30,5cm x 83cm. Năm 1741.

(Còn tiếp)


5 - DƯƠNG ĐÔNG KÍCH TÂY.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét