Thứ Ba, 16 tháng 6, 2020

NIỀM VUI CỦA CHUYỆN CHƠI TRANH CŨ

NIỀM VUI CỦA CHUYỆN CHƠI TRANH CŨ

      Chuyện cứ ngỡ đi vào quên lãng thế mà nó đã quay trở lại thật bất ngờ, bắt nguồn từ một thông tin của một nhà mua bán cổ vật có mỹ danh Quang Râu…

        Họa sĩ Nguyễn Tuấn. Làng chài buổi sớm mai. Sơn dầu / bố. Kích thước: 80cm x 60cm. Vẽ năm 1972. Chữ ký góc trái dưới.


           Chữ ký Họa sĩ Nguyễn Tuấn. Thoạt nhìn cứ tưởng của người Tây phương ký.


I – VÀO TRUYỆN

       Câu chuyện bắt nguồn từ một bức tranh sơn dầu vẽ cảnh sinh hoạt làng cá ven biển buổi sớm mai rất đẹp đã được lưu giữ từ rất lâu trong nhà. Cứ mỗi lần đứng trước nó ngắm là mỗi lần nỗi băn khoăn lại kéo về đè nặng tâm khảm. Không phải vì xấu hay đẹp. Xin khẳng định là bức tranh này rất có duyên, càng nhìn càng thích, càng mê cái không khí bàng bạc, sương khói lung linh đầy tính nghệ thuật hội họa cực kỳ lôi cuốn làm say mê lòng người. Cái băn khoăn trăn trở ở đây là ở chữ ký của tác giả. Cố vận dụng mọi cách để đọc, hiểu vẫn không thành. Có lẽ họa sĩ có ý nghĩ theo kiểu." Ôi dzào! Mình ký là thiên hạ biết ngay ấy mà…". Do tính chủ quan như thế nên đâm ra thờ ơ không chú trọng mấy vào những yếu tố vật lý (bút - mực) cần yếu khi viết nên đã làm mất đi sự mạch lạc nét của dạng tự và đã ký rồi thì cứ để nguyên không đồ - sửa.… Chữ ký trong tác phẩm này rơi vào tình huống cá biệt đó. Theo dấu vết để lại từ chữ ký cho thấy. Khi ký tác giả đã dùng cây cọ lông cứng đã cùn cộng với chất liệu sơn làm mực hơi quánh, đã thế lại được viết lên trên nền mặt sơn vuốt bằng bay gồ ghề hơi ráo mặt nên nét chữ không kết dính nhiều, chỉ lướt nhẹ qua để lại những nét bè xước chỗ còn chỗ mất, đứt quãng không liền mạch rất khó hình dung. Mới thoạt nhìn vào chữ ký với nhiều dạng tự viết liền mạch dính chùm với nhau và ở nơi ba ký tự cuối cùng nhìn giống như mẫu tự "w", "a" và "z", làm cho người đọc rất dễ hình dung đây là tên của một họa sĩ phương Tây nào đó vẽ. 

        Sau khi nhận định và phân tích tỉ mỷ nhiều yếu tố sẵn có ở bức tranh. Cho thấy với phong cách này không thể do người Tây phương mà do họa sĩ Việt Nam vẽ thì đúng hơn. Loại bỏ được yếu tố người nước ngoài vẽ. Những ký tự nằm cuối cùng của chữ ký phát lộ ra là dãy số. Số "72" chứ không là những mẫu tự "a" hay "z" như đã nhầm tưởng lúc ban đầu. Đó cũng là một bước tiến khi tách được năm vẽ. Nhưng với những chữ còn lại. Mặc dù đã bỏ ra nhiều thời gian để tìm hiểu vẫn không thể đọc được, đành bó tay chịu thua.  Quả thật. Có bức tranh đẹp, ưng ý mà không nắm rõ được tên và lý lịch họa sĩ. Nghĩ thấy ấm ức vô cùng….

        

       II - NHỜ CỘNG ĐỒNG MẠNG.

        Năm 2017 có đưa lên trang Cauminhngoc Art Shop. Để nhờ cộng đồng chơi tranh trên FB hỗ trợ đọc dùm và giao hẹn nếu ai đọc được sẽ có thưởng.


   Mẩu tin đăng trên Cauminhngoc Art Shop.

          Một thời gian sau. Anh bạn Diệp Thị alo cho biết chữ ký đó theo anh rất có thể là họa sĩ Nguyễn Tuấn. Và anh Diệp Thị có gởi cho một mẩu thông tin về cuộc triển lãm của họa sĩ này nhưng không có thấy tranh và chữ ký. 
Điều này cho thấy chưa được trọn vẹn vì bạn Diệp Thị chỉ đọc được tên nhưng chưa thể chứng minh rõ tác giả là ai một cách cụ thể…
          Giải thưởng vì thế mà chưa được trao và câu chuyện dần trôi vào quên lãng và không ai nhắc đến. 

Mẩu tin nhắn của bạn Diệp Thị 



III – CÂU CHUYỆN ĐƯỢC SÁNG TỎ.

      Cho đến gần đây. Tháng 6/ 2020. Tình cờ vào nhóm Tranh Gia Định thấy bạn Quang Râu có đưa lên một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Tuấn. Đặc biệt một điều là ngoài chữ ký trên tác phẩm ra còn có thêm một cái nhãn giới thiệu tóm lược về lý lịch họa sĩ dán ở phía sau rất đầy đủ và rõ ràng. Một yếu tố tối cần cho giới chơi tranh cũ để nắm bắt về quá trình hoạt động của họa sĩ lúc đương thời.

Tranh của Họa sĩ Nguyễn Tuấn của nhà mua bán cổ vật Quang Râu ( Nguồn Tranh Gia Định )


          Chữ ký của họa sĩ Nguyễn Tuấn. Góc trái dưới.

Nhãn thông tin về họa sĩ  dán phía sau tác phẩm.

       Dựa vào nội dung của tờ nhãn cho biết là tác phẩm này được vẽ sau năm 1975. Bởi hai câu.

- Hội viên hội Mỹ Thuật Thành Phố. ( Trước 1975 không có Hội này )

- Có 02 tranh trưng bày ở Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Hà Nội.

Đồng thời cũng cho biết họa sĩ sinh năm 1946. Trong quá trình hoạt động trước 1975 họa sĩ đã có 02 giải thưởng.

- Giải hội họa  của hãng Esso năm 1973. 

- Giải Văn Học Nghệ Thuật toàn quốc năm 1974.

 

IV - SO SÁNH CHỮ KÝ CỦA HỌA SĨ NGUYỄN TUẤN QUA HAI THỜI KỲ


Chữ ký của họa sĩ Nguyễn Tuấn năm 1972

Chữ ký của họa sĩ Nguyễn Tuấn sau năm 1975


A - Phân tích.

I - NHỮNG NÉT TƯƠNG ĐỒNG GIỮA HAI CHỮ KÝ.


1 - Có sự tương đồng giữa hai mẫu tự “N” đứng đầu và dính liền với chữ “Tuấn” .

         2 - Mẫu tư “T”. Ở nét xổ xuống của cả hai cùng có khuynh hướng cong hóp về trái.

3 - Mẫu tự “U”. Cả hai nét đáy hơi hở chân không dính nhau, giống hai mẫu tự “i” ghép lại.

  4 - Mẫu tự  “a”. Mạch bút cả hai hở đầu, trông gần giống như mẫu tự “u”.

      5 - Mẫu tự “n” cuối cùng. Cả hai đều không cho thấy rõ được giáng cách mẫu tự “n”. Điểm đặc trưng của mẫu tự “n” này là mạch bút cuối chữ được vuốt hất lên vượt hẳn tổng thể chữ ký.

II - NHẬN XÉT RIÊNG CÁCH VIẾT TỪNG CHỮ KÝ.

- Ở chữ ký của năm 1972. Những yếu tố mạch bút không đều, tưa và đứt đoạn... Cho thấy  tác giả sử dụng bút cùn, lông cứng, sơn làm mực viết hơi quánh.  nên khi viết chữ bị tưa, mạch bút có chỗ bị đứt đoạn, một phần do nền nơi chữ ký được vuốt bằng bay nên có phần gồ ghề không đều ảnh hưởng phần nào đến mạch bút nên rất khó đọc.

- Chữ ký trên tác phẩm vẽ sau năm 1975. Nét chữ đều và mịn. Chứng tỏ tác giả sử dụng bút lông mềm, chất sơn làm mực viết loãng ký trên mặt nền bằng phẳng nên chữ ký rõ ràng mạch bút liên tục không bị gấp khúc. Hơi khó đọc.

 

B – KẾT LUẬN       

 Với những phân tích cụ thể như trên ta khẳng định. Cả hai chữ ký này đều của họa sĩ Nguyễn Tuấn. Chỉ khác nhau về thời gian viết mà thôi.

-         Một viết năm 1972

        -         Một viết sau năm 1975.

 

   V - Phần thưởng 

Quyển sách nói về họa sĩ Bùi xuân Phái. Được trao cho bạn Diệp Thị. Câu chuyện này cũng đã tạo ra được niềm vui cho bạn Diệp Thị và tôi. Nhất là nó đã giải tỏa được nỗi uẩn ức chất chứa trong lòng bấy lâu nay vì chuyện chưa biết rõ đích xác tác phẩm là của ai. Nay đã biết đích xác tác phẩm này do họa sĩ Nguyễn Tuấn vẽ. Người đã từng có hai giải thưởng khá đình đám trước năm 1975. Đó là giải ESSO 1973 và giải Văn Học Toàn Quốc 1974.





Phụ lục: 
Một tác phẩm khác của họa sĩ Nguyễn Tuấn trong bộ sưu tập Tranh Việt Kinh Luân.

Họa sĩ Nguyễn Tuấn năm 1979


Cauminhngoc

12/6/2020

Thứ Hai, 8 tháng 6, 2020

HỌA SĨ CÙ NGUYỄN VÀ NIỀM ĐAM MÊ SẮC MÀU...

                Đôi chút về họa sĩ Cù Nguyễn... 


             Hình 01.  Chân dung họa sĩ Cù Nguyễn qua đôi bàn tay của họa sĩ Đặng Hoài Nam.

        
Hình 02. HS. Cù Nguyễn qua nét phác của họa sĩ Uyên Huy.

Hình 03. HS. Cù Nguyễn trong Niên Giám Văn Nghệ Sĩ. Do PQVK Đặc trách Văn Hóa phát hành năm 1970.

         
           Họa sĩ Cù Nguyễn. Tên Khai sinh. Nguyễn Niệm. Sinh năm: 1938. Tại Hội An. Tự học hội họa từ năm 1957. Bản tính khiêm tốn ít lời, dốc lòng vì bạn bè. Có lẽ nhờ thế mà anh được rất nhiều bạn bè trong giới văn nghệ sĩ có tên tuổi yêu mến như: Nhạc sĩ Trịnh công Sơn, Giáo sư Hán học Đinh Tấn Dung, Nhà văn Dương Nghiễm Mậu, nữ văn sĩ Nhã Ca, nhà thơ Tô Thùy Yên, Họa sĩ sân khấu Đặng Hoài Nam...v..v... cùng nhiều thành viên trong Hội Họa Sĩ Trẻ và nhiều hơn thế nữa.... ( Anh đã từng bán chiếc huy chương vàng mà anh đoạt được năm 1961, để giúp bạn là một nữ văn sĩ rất nổi tiếng trước 1975. Khi đó chiếc Huy chương đúc bằng vàng thật. Sau năm 1961 Huy chương chỉ mạ, không còn đúc bằng vàng thật nữa ).


       Sau khi đất nước bị chia cắt bởi Hiệp định Geneve (1954). Miền Nam Việt Nam đã quyết định mở cửa đổi mới.  Với mong muốn toàn xã hội được tiếp cận luồng gió văn minh – văn hóa cấp tiến trên thế giới, hầu bắt kịp đà tiến hóa của nhân loại… Một giai đoạn có thể xem là nền móng của sự phát triển toàn diện ở miền Nam sau hiệp định Geneve.


         Họa sĩ Cù Nguyễn đoạt giải Huy Chương Vàng Hội Họa Mùa Xuân. Năm Tân Sửu ( 1961 ). (Sau họa sĩ Văn Đen một năm). Huy chương Đồng. Hội Hoa Mùa Xuân Năm 1964 ( Theo lời HS. Cù Nguyễn năm 1964 này không có ai đoạt Huy Chương Vàng. Trịnh Cung và Âu Như Thuy đoạt Huy Chương Bạc ). Nằm trong thời kỳ văn  hóa nghệ thuật đang trên đà thay da đổi thịt này. Một thời điểm mà xã hội đòi hỏi mọi người phải có sự nỗ lực cách tân trong lãnh vực của mình. Trong tranh của họa sĩ Cù Nguyễn khi này một phần nào đã đáp ứng được sự đòi hỏi khắt khe đó nên nó đã giúp cho anh đạt được thành quả rất đáng trân trọng trong lãnh vực hội họa. Một lãnh vực mà anh luôn khát khao đam mê và đeo đuổi. Nhìn chung, đây là một dấu hiệu đáng mừng, đáng khích lệ. Nó cho thấy có sự nhạy bén, chịu tìm tòi và tích cực đổi mới của thế hệ bắt đầu dấn thân vào đời, muốn thể hiện chính mình, muốn vươn tới vươn xa, vượt qua những rào cản khuôn phép thủ cựu trì trệ bấy lâu nay ...

       
 
       
                                   
                Hình 04. Tác phẩm đoạt Huy Chương Vàng năm 1961 của họa sĩ Cù Nguyễn.

                       
             Hình 05. Báo chí đưa tin trên trang nhất về HS Cù Nguyễn bên tác phẩm

                                           
    Hình 06. Chứng thư đoạt Huy chương Vàng 1961, cấp cho HS. Cù Nguyễn. 
                                                       (Bản photocopy )

                                   
Chụp lại qua ảnh chụp. Chiếc Huy chương Vàng và chứng thư đoạt giải Hội Họa Mùa Xuân năm 1961 của họa sĩ Cù Nguyễn.


                                           
          Hình 07. Chứng thư đoạt Huy Chương Đồng 1964, cấp cho HS. Cù Nguyễn. ( Theo lời Cù Nguyễn năm này không có Huy chương Vàng. Trịnh Cung Huy chương Bạc...).
                                                         ( Bản photocopy )

          Họa sĩ Cù Nguyễn được xem là một thành viên trụ cột tích cực trong giai đoạn khơi nguồn cho việc thành lập ra Hội Họa Sĩ Trẻ tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Trả lời phỏng vấn của Phan Nhiên Hạo. Họa sĩ Trịnh Cung cho biết:
“   …. Ngy Cao Uyên là họa sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ và ông Nguyễn Tấn Hồng là một trí thức yêu hội họa, cũng là Bộ trưởng Bộ Thanh Niên, đóng vai mạnh thường quân. Theo trí nhớ của hoạ sĩ Cù Nguyễn, cuộc họp ban đầu để bàn về việc lập hội gồm có: bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng, các hoạ sĩ Ngy Cao Uyên, Vị Ý, Cù Nguyễn, Âu Như Thụy và nhạc sĩ Phạm Duy. Thế nhưng khi họp để chính thức thành lập hội tại nhà bác sĩ Nguyễn Tấn Hồng trên đường Phan Thanh Giản, Quận 3, Sài Gòn, ngoài ông Nguyễn Tấn Hồng chỉ có chúng tôi gồm có các họa sĩ và điêu khắc gia: Ngy Cao Uyên, Hiếu Đệ, Cù Nguyễn, Nguyễn Trung, Nghiêu Đề, Nguyễn Phước, Nguyễn Lâm, Mai Chững, Đinh Cường, Hồ Thành Đức và tôi. Lúc đó là tháng 11 năm 1966. ( Họa sĩ Trịnh Cung )”.

                                             ( Ghi chú:  Hội Họa Sĩ Trẻ ra đời Tháng 11 năm 1966 )

        Với họa sĩ Cù Nguyễn ngoài niềm đam mê hội họa, anh mơ ước có một cuộc sống thầm lặng yên bình, an nhiên tự tại là mãn nguyện.…  Chính vì quan niệm sống như thế nên anh có phần hạn chế trong việc sinh hoạt cộng đồng. Cá tính hướng nội này khiến cho tên tuổi của anh bị bó lại, không sôi nổi ồn ào như những họa sĩ cùng tranh lứa có thành quả không được như anh...
     Vào thời bao cấp anh cũng đã lặng lẽ cùng vợ bán sách báo cũ ở đường Đặng thị Nhu. Quận I, để mưu cầu cho cuộc sống. Anh thổ lộ.  “ Không tác phẩm nào vượt qua tác phẩm gia đình ”…   Anh chỉ quay lại hoạt động hội họa sau khi kinh tế gia đình đã có phần dễ thở...  Hành trình kế tục luôn là niềm say mê hội họa song song với nhịp sống gia đình, không có chuyện bên trọng bên khinh và anh cũng xem đó là một cách thể hiện sự kính trọng với người vợ yêu quý… Anh thường khoe là mình rất may mắn khi có một người vợ quán xuyến chịu thương chịu khó, cả đời tận tụy vì chồng con nên mới có thời gian để thỏa mãn nỗi đam mê về hội họa của mình. Với HS. Cù Nguyễn thế là quá đủ... Cuộc đời và xã hội đó là chuyện muôn thuở vướng vào chỉ rước thêm sự phiền lụy thị phi và " Càng cao danh vọng, càng dầy gian nan ". 

         

Hình 08. HS. Cù Nguyễn. Suối tóc. Lụa. Cỡ 58cm x 80cm. Chữ ký góc phải dưới.


Hình 09 . HS. Cù Nguyễn. Miền diễm ảo. Màu nước. Cỡ: 39cm x 37cm. Chữ ký góc phải dưới.


Hình 10 . HS. Cù Nguyễn. Xuân và tuổi thơ. Màu nước. Cỡ: 37cm x 39cm. Chữ ký góc phải dưới.


Hình 11. Cù Nguyễn. Phù vân - Trăng & Hoa. Màu nước/ giấy. Kích thước: 37cm x 52cm. Chữ ký góc trái dưới. 



         Có một cái gì đó cuốn hút khi nhìn vào tranh họa sĩ Cù Nguyễn. Không phải ở cái nhìn trực cảm mướt mát ban đầu… Mà là những hình thể kỳ ảo dị dạng, đa sắc đa chiều của sự vật thực tại đã được quán thu và chuyển hóa, định dạng bởi lăng kính tâm thức rung cảm nghệ thuật nội tại của họa sĩ Cù Nguyễn mà cấu thành. Không gây cảm súc trực quan nhưng luôn khơi gợi được sự lắng đọng thâm trầm đầy ảo thị khi tiệm cận… Tranh của Cù Nguyễn cũng cho thấy ở đó cả là một sự dàn trải chăm chút và cẩn trọng bởi sự chủ động tư duy hội họa cùng bản lĩnh chứ không phải ở những khoảnh khắc vung tay vô tình mà có... Anh đã tạo được nét riêng cho mình, khó mà nhầm lẫn với tranh của ai khác...

      Xem tranh của họa sĩ Cù Nguyễn nó đòi hỏi ở người thưởng ngoạn phải có tâm thức tĩnh lặng và kiên nhẫn. Phải soi kỹ từng tấc vuông trên mặt bằng cá biệt của anh mới cảm thụ hết được những tinh túy nằm trong từng nhát cọ hoặc những gam màu đậm - chắc trầm mặc, chau chuốt cẩn trọng phong phú và trân quý mà anh đã dày công bố cục gắn kết từ những thành tố đa sắc, đa góc cạnh, cào xoắn cục bộ nổi cộm hoặc mịn màng giao thoa cùng nhau biến thành những chủ thể đầy ẩn dụ gói ghém trong hình thái trừu tượng nổi trôi bồng bềnh giữa vùng miền phông nền độc - đa sắc mênh mang trào dâng nỗi niềm, ẩn chứa đầy những sự trì kéo thúc phược nơi cõi người ta... Và cũng cần đào xâu vào khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ đường nét và màu sắc. 
        Rất có thể khi ta nhìn vào mảng hình họa của họa sĩ Cù Nguyễn vào những giai đoạn sau này mà cho rằng ông có phần yếu về mảng hình họa nên đã biến thể qua hình thái trừu tượng để che dấu khuyết điểm của mình. Điều này sẽ rất đúng với những ai chưa nắm bắt về quá trình phát triển nghề nghiệp của ông. Nó cũng dễ hiểu vì những tác phẩm thời sơ khai của ông đã không thể dễ tìm thấy trên họa trường. Do đó mà sự hiểu lầm đáng tiếc này đã xảy ra. Nhưng cũng rất may, gia đình của ông vẫn còn lưu giữ được một số ảnh chụp lúc xưa và trong những ảnh chụp này có đôi bức đã giúp cho ta thấy được sự vững vàng của ông trong mảng hình họa chứ không yếu kém như một số người vẫn tưởng. Ở phần giới thiệu về những tác phẩm đầu đời của họa sĩ Cù Nguyễn trong bài này. Người viết có đưa lên hai bức ảnh chụp do ông thực hiện bằng lối vẽ chân dung. Một bức chân dung em bé bên cạnh tác phẩm được thể hiện qua lối vẽ truyền thần. Một bức vẽ cô gái tuổi trăng tròn đeo băng-đô trắng vẽ bằng sơn dầu. Xét về mặt vẽ chân dung tả thực. Hai bức này ít nhiều gì nó cũng minh chứng cho chúng ta thấy được kỹ năng hình họa được phô diễn rất chuẩn mực và đã xóa tan đi nỗi nghi ngờ về sự yếu kém hình họa của họa sĩ Cù Nguyễn. Như vậy. Ta có thể nói rằng họa sĩ Cù Nguyễn thích dùng lối phá cách theo tư duy trừu tượng nội tâm để diễn đạt hình thái sự vật trong tác phẩm của mình. Chứ không phải ông không thể mô tả chúng đúng với nhãn quan thực tại quy nạp. Tranh của ông thoạt nhìn nó đầy vẻ góc cạnh, cuồng quái lạ lẫm. Dẫu vậy khi ngắm nhìn thật kỹ mới thấy được sự ảo diệu của sự pha trộn giữa hai luồng tư duy Đông Tây. Có nghĩa là: Dù hình thể có cuồng quái có như thế nào đi chăng nữa. Nó vẫn luôn nằm trong cái lý của sự vật... 
       Những tác phẩm của họa sĩ Cù Nguyễn phát sinnh từ nội tại biến thể qua tư duy bay bổng để rồi thoát ra trên mặt bố bằng bàn tay điêu luyện có chủ tâm. Ở đó cả là một sự chăm chút, chắt lọc và chau chuốt đến từng phân vuông. Nhất là về phần màu sắc. Một bản hòa âm sắc độ đĩnh đạc trên từng tác phẩm rất là Cù Nguyễn. Ta chịu khó quan sát kỹ đến phần phông nền và chữ ký của Cù Nguyễn trên mỗi tác phẩm. Nó sẽ nói lên tất cả. Ta có thể nói là không hiểu Cù Nguyễn vẽ gì. Chứ không thể nói Cù Nguyễn làm việc hời hợt cẩu thả... 
       Một sự canh tân trong hội họa đã được họa sĩ Cù Nguyễn phát triển ngay từ đầu thập niên 60/TK 20. Có thể nói là khá sớm với miền Nam khi đó. Và điều này đã dẫn đến chiếc huy chương vàng năm 1961 của ông là vậy... 




Hình 12. HS. Cù Nguyễn. Tây Nguyên Lễ Hội. Sơn dầu/ bố. Cỡ: 133cm x 109cm. Chữ ký góc trái dưới.

Hình 13. HS. Cù Nguyễn. Đêm trắng. Sơn dầu/ bố. Cỡ: 75cm x 60cm. Chữ ký góc phải dưới.

Hình 14. HS. Cù Nguyễn. Bướm mơ. Sơn dầu/ bố. Cỡ: 80cm x 65cm. Chữ ký góc trái dưới.

Hình 15. HS. Cù Nguyễn. Rối nước. Sơn dầu/ bố. Cỡ: 135cm x 107cm. Chữ ký góc phải dưới.

Hình 16. HS. Cù Nguyễn. Chim chuyền. Sơn dầu/ bố. Cỡ: 80cm x 65cm. Chữ ký góc trái dưới.

Hình 17. Cù Nguyễn. Thu Vàng. Sơn dầu/ bố. Kích thước: 65cm x 80cm. Năm vẽ: 1997. Chữ ký mé phải giữa.


Hình 18. HS. Cù Nguyễn. Chim có tổ. Sơn dầu/ bố. Cỡ: 134cm x 109cm. Chữ ký góc trái dưới.

Hình 19. HS. Cù Nguyễn. Suối Trăng. Sơn dầu/ bố. Cỡ: 130cm x 100cm. Chữ ký mé trái dưới.
Với hình họa vô thể trong tác phẩm. Họa sĩ Cù Nguyễn gợi cho ta thấy một bản luân vũ dưới ánh trăng của vạn vật... Nào là... Cỏ lá, chim hoa, sóng nước và giống loài thủy sinh, phiêu sinh...v...v... đang quay cuồng...


         Cũng rất khó khi ta muốn sắp xếp cho họa sĩ Cù Nguyễn vào một trường phái hội họa nhất định nào đó khi mà cả rừng trường phái nở rộ trên mặt phẳng nghệ thuật thế giới. Có lẽ phần này chúng ta nên dành riêng cho những nhà nghiên cứu và phê bình. Còn với người yêu thích nghệ thuật hội họa trong xã hội thì có phần đơn giản hơn. Có nghĩa là ngoài sự hiểu biết hạn chế về chuyên môn còn lại trong họ là niềm đam mê cháy bỏng và thích sưu tập. Chính điều này đôi khi dẫn đến chuyện đọc và hiểu tác phẩm hội họa không kinh qua phần kinh điển trường lớp mà chỉ là sự cuốn hút bởi cung bậc cảm thụ thị súc nhất thời, của bản năng hoặc do thị hiếu cá tính trí tri lúc quán thu trực diện bản thể tác phẩm mà nên...
     

         Cái muốn nói trong tranh của họa sĩ Cù Nguyễn là nó phản ánh triết lý nhân sinh tích cực chứ không hề khơi gợi sự yếm thế hay bi lụy… Tranh của Cù Nguyễn là thế… Như những đợt sóng ngầm luôn cuồng nhiệt trong tĩnh lặng của biển cả. Phải là sự chậm rãi và trí tri mới thấy có cái gì đó đối với những ai muốn cảm thụ. Giống như phải tích cực khơi dậy những gì ẩn chứa trong tác phẩm của anh, ta mới hiểu những gì anh muốn thổ lộ… Tranh Cù Nguyễn là vậy… Không thể cỡi ngựa xem hoa mà được.

MỘT SỐ TÁC PHẨM CỦA HỌA SĨ CÙ NGUYỄN THỜI KỲ ĐẦU CÒN SÓT LẠI QUA ẢNH CHỤP.











HỌA SĨ CÙ NGUYỄN VÀ BẠN BÈ.

       Để nói về quá trình hoạt động nghệ thuật của họa sĩ Cù Nguyễn trên họa trường sau 1975 cũng không thấy là bao nhiêu. Thời vàng son lẫy lừng đã đi vào quá khứ, hiện tại là cuộc sống khó khăn cùng với bản tính khiêm tốn khiến anh càng thêm co lại. " Cái khó nó bó cái khôn ". Anh tránh né cộng đồng, tìm vui trong vỏ ốc hội họa,  không gian giao tiếp cùng bạn bè có phần hạn chế khiến cho mọi người ít biết đến... Nghĩ thì vậy. Thực tế họa sĩ Cù Nguyễn vẫn có nhiều người hâm mộ, bạn bè thân thiết quan tâm đến anh... Trong đó có nhà biên khảo Khổng Đức ( Đinh Tấn Dung ) đã có đôi giòng nhận định về giòng tranh của anh nhân kỳ triển lãm cá nhân năm 2012 với chủ đề " Hướng tới tương Lai ".


                        Triển lãm tranh của Hóa sĩ Cù Nguyễn năm 2012

Nhà Hán học, biên khảo Đinh tấn Dung đã có nói về họa sĩ Cù Nguyễn: 

" ... là loại tranh không hình tượng (non-figuratif), giống như  tranh trừu tượng mà không mang dấu ấn gì của trường phái nầy; có thể nói đó là kết tinh của hơn 50 năm sống lăn lóc trong nghệ thuật. Cù Nguyễn cũng từng thổ lộ là không học, không chịu ảnh hưởng  của trường phái hội họa nào, mà chỉ tự học hỏi, tự tìm tòi với sự đam mê của bản thân. Điều này quá rõ Cù Nguyễn luôn luôn cố tạo dựng cho mình một bản sắc, một đường lối riêng biệt, nên từ năm 1961, lúc mới ngoài 20 tuổi Cù Nguyễn đã đạt được huy chương vàng về hội họa giữa Sàigòn hoa lệ này. Tuy nhiên vẫn không lạc ra ngoài cái quỉ đạo trào lưu tiến hóa của nhân loại là quay về với nội tại, với tâm linh, xa rời cái thực trạng ngoại hình đầy bụi bặm phũ phàng của thiên nhiên; không sao chép thiên nhiên như một đối tượng, mà chỉ quan sát, quán thông, khế hợp với nó để moi sâu, lột trần, thu hút cái bản chất thực tại tiềm ẩn trong đó. Vì vậy có thể nói nghệ thuật của Cù Nguyễn là nghệ thuật thuần túy – nghệ thuật phát sinh chân lý – nghệ thuật được mở rộng với cảm tính, với tự do, phát huy đến tận cội ngưồn  thực tại siêu việt của cái thế giới bên kia (de ce qui est au-dela), nó bao hàm cả vận mệnh, cả cuộc sống của con người, trong đó có liên quan đến sứ mệnh của dân tộc, của lịch sử. Mỗi bức tranh của Cù Nguyễn là một thế giới hình trạng riêng biệt (forme) từ đường nét đến màu sắc... "

Nguồn: Từ Hoài Tấn    [ Trích đoạn. Xem tranh Cù Nguyễn. Khổng Đức ( Đinh Tấn Dung ) ].












NHỮNG CUỘC TRIỂN LÃM CHUNG VÀ RIÊNG CỦA HỌA SĨ CÙ NGUYỄN.









NHỮNG KỲ TRIỂN LÃM TRONG QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CỦA HỌA SĨ CÙ NGUYỄN.


1961. Đoạt huy chương Vàng. Hội họa Mùa Xuân do Văn Hóa Vụ tổ chức.
1964. Đoạt Huy Chương Đồng. Hội họa Mùa Xuân do Văn Hóa Vụ tổ chức.
1964. Triển lãm tranh sơn dầu chung với họa sĩ Âu như Thuy. Tại Phòng Thông Tin Đô Thành.
1966. Triển lãm riêng 25 tác phẩm tranh sơn dầu.
1967. Triển lãm riêng. 30 bức tranh sơn dầu.
1969. Triển lãm chung với Mai Chửng. Tranh sơn dầu và điêu khắc. Tại Galerie Continental.
1971. Triển lãm chung với họa sĩ Nguyễn Trung. Tranh khắc gỗ và sơn dầu. Tại Galerie Continental.
1973. Triển lãm tập thể cùng với 15 thành viên Hội Họa Sĩ Trẻ.
197… Triển Lãm Hội Họa và điêu khắc. Gồm 10 thành viên. Hội Họa sĩ Trẻ tổ chức. Do Goetheinstitut bảo trợ.
1991. Vào tháng 8. Triển lãm riêng. Tại 133. Hai Bà Trưng. Quận I.
1991. Triển lãm chung với 14 họa sĩ khác. Do Hội Nhà Báo tổ chức.
2011. Triển lãm chung tại phòng tranh Tự Do. Số 53 Hồ tùng Mậu. Phường bến Nghé. Quận 1.
2012. Triển lãm riêng. ” Hướng Tới Tương Lai ”. Gồm 40 bức tranh sơn dầu. Tại Hội Mỹ Thuật Thành Phố.

         Nhìn vào bảng quá trình hoạt động. Cho thấy trước năm 1975, họa sĩ Cù Nguyễn sinh họat chuyên môn khá đều đặn. Nhưng sau 1975 chuyện này có phần hạn chế thấy rõ. Một điều đáng tiếc nhưng biết nói sao cho vừa. Khi mà trách nhiệm gia đình không thể buông bỏ... và cuộc sống luôn vậy " Tre già, măng moc " quy luật muôn đời....

Cauminhngoc.

21/12/2019.