Thứ Năm, 8 tháng 12, 2022

06 ca khúc chưa đăng ký bản quyền.



Bài số 1.




Bài số 2.





Bài số 3.

 
      Viết chung với Hồ Dân Thính. 
      Tại trại 3. Hiệp Đức. Quảng Nam.


Bài số 4.


Phổ thơ Nguyên Cẩn.
Bài số 5.


Phổ thơ Vu Gia
Bài số 6.


Phổ thơ Nhật Chiêu.




 







 

Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2022

NGUYỄN SÁNG VÀ CHỮ KÝ TRÊN BA BỨC TRANH VẼ TRONG GIAI ĐOẠN 1944-1945.

 

NGUYỄN SÁNG VÀ CHỮ KÝ TRÊN BA BỨC TRANH VẼ TRONG GIAI ĐOẠN 1944-1945.

  

I – Chữ ký Tháng 1/1944.

 

                    
        Hình 01 – Cô gái Hà Nội. Than thỏi(Fusain)/giấy. Năm vẽ: 1944. Và chữ ký. 

     Dựa vào con dấu bằng mực đỏ của BTC đóng vào nơi góc phải dưới tác phẩm "Cô gái Hà Nội". Nội dung cho biết là có vẽ chân dung để lấy tiền cứu trợ đồng bào bị nạn bom ở Hà-Nội. Thời điểm tổ chức kỳ Triển lãm là Tháng 01 (Janvier) (1). Chỉ thấy tháng chứ không thấy có nêu ngày. Về niên đại 1944 được Nguyễn Sáng viết đè lên con dấu của BTC bằng than thỏi cùng chữ ký của ông rất rõ ràng.  

* Xét bao quát trên họa trường cho đến năm nay 2022. Chưa thấy xuất hiện một tác phẩm nào của họa sĩ Nguyễn Sáng có tuổi già hơn bức tranh "Cô gái Hà Nội" này. Hiện tại nó có thể được xem là tác phẩm xuất hiện sớm nhất kể từ trước tới nay của họa sĩ Nguyễn Sáng. 

* Riêng về chữ ký của họa sĩ Nguyễn Sáng viết theo thể triện nhìn giống như một cái huy chương trên bức tranh "Cô gái Hà Nội " vào tháng 01 năm 1944. Dựa vào những tài liệu đã được công bố trên mạng xã hội. Lúc này ông đang học năm cuối Khóa XIV tại Trường Mỹ Thuật Đông Dương. Căn cứ vào vật chứng trên. Có thể xem đây là chữ ký thời kỳ đầu mà ông sử dụng từ khi chưa tốt nghiệp. Và cũng chưa phát hiện được chữ ký nào của họa sĩ Nguyễn Sáng ở dạng thức này trước năm 1944. 

 

II – Chữ ký năm 1945.

 

                           
                 Hình 02 – Mẹ ông Đức Minh. Phấn tiên/giấy. Năm vẽ: 1945. Và chữ ký.

 

                    
                   Hình 03 – Thụy Ký. Sơn dầu/bố. Năm vẽ 1945. Và chữ ký.

            (Hình 02&03. Nguồn: Nguyễn Sáng. Tác giả; Quang Việt. NXB. Mỹ Thuật)

 

III – So sánh 03 chữ ký “Văn Sáng” viết theo thể triện.


Hai chữ "Văn Sáng" trong bức "Cô gái Hà Nội". Hơi ngả về bên trái. 

 

                 Cô gái Hà Nội.                      Mẹ ông Đức Minh.                Ông Thụy Ký

                   Hình 04 – Chữ ký “Văn Sáng” theo thể Triện trên 03 bức tranh.

-        Ảnh chụp ba chữ ký “Văn Sáng” của họa sĩ Nguyễn Sáng (Tên đầy đủ trong khai sinh là: Nguyễn văn Sáng). Viết theo thể triện. Cả ba cho thấy chúng có nét tương đồng rất lớn. (Mới nhìn thoáng qua giống như một cái huy chương).

-        Trên hai bức. “Mẹ ông Đức Minh” và “Thụy Ký” đều được ghi vẽ cùng năm 1945. Ngoài chữ "Văn Sáng" ra, họa sĩ Nguyễn Sáng còn viết thêm vào cụm từ “Nguyen van Sang” bằng Quốc ngữ mà không đánh dấu mũ. Ở cụm từ này mạch bút cũng có chút khác biệt. Mẫu tự “e” trong chữ “Nguyen” ở bức “Mẹ ông Đức Minh” bị thiếu nét. Nên không thể hiện trọn vẹn chữ “Nguyen” như ở bức vẽ “Ông Thụy Ký ” (Xem. Hình 02&03).. Riêng bức “Cô gái Hà Nội” vẽ năm 1944. Không thấy có dòng chữ này (Xem. Hình 01). 

-        Nếu tách cụm từ “Văn Sáng ” ra làm hai phần. “Văn” và “Sáng”. Chữ “Văn”. Ở nơi ba bức tranh, giống nhau hoàn toàn. Riêng chữ “Sáng” thì cho ta thấy có đôi chút khác biệt bởi cách trình bày của Nguyễn Sáng khi ký.

-        Chữ “Sáng” viết trên bức “Mẹ ông Đức Minh” và bức “Cô gái Hà Nội”. Cả hai giống nhau khoảng 80% (Xem Hình. 04). Chỉ dấu của sự khác biệt này xảy ra khi mạch bút nơi mẫu tự “A” của bức “Cô gái Hà Nội” có nét liền mạch nối vào mẫu tự “n”. Và chữ ký đầu hơi ngả về bên trái. Trên bức “Mẹ ông Đức Minh” không thấy có dấu vết này và chữ ký được viết thẳng đứng. (Xem. Hình.04).

-        Riêng chữ “Sáng” trên bức “Ông Thụy Ký” được trình bày một cách cầu kỳ phức tạp hơn. Toàn thể chữ “Sáng” viết hơi rối rắm và bị đóng khung trong một mái vòm, giống như cái ly úp xuống. Đó là sự khác biệt rất rõ ràng so với với hai bức kia…

-        Sự giống nhau đến hơn 80% của chữ “Sáng” nơi bức “Cô gái Hà Nội” và “Mẹ ông Đức Minh”. Đem so với chữ “Sáng” ở bức “Ông Thụy Ký”. Nó có sự khác biệt khá rõ ràng. Từ đó. Ta có thể cho rằng bức “Mẹ ông Đức Minh” được vẽ trước bức “Ông Thụy Ký”. Cho dù cả hai cùng được vẽ trong năm 1945.

-     Thông thường họa sĩ Nguyễn Sáng ký tên và ghi thêm năm vẽ vào tác phẩm nhưng không ghi ngày tháng. Ở bức "Cô gái Hà Nội" cũng vậy. Chỉ có ghi năm 1944 mà thôi. Nhưng con dấu của BTC được đóng khống vào tờ giấy có chỉ rõ thời gian tổ chức cuộc Triển lãm và vẽ chân dung vào "Tháng 01 năm 1944". Mục đích để lấy tiền cứu trợ đồng bào bị nạn bom ở Hanoi. Sự kiện triển lãm xảy ra vào đầu năm Tây lịch. Nhưng lại trùng khớp với tháng Chạp năm Quý Mùi, Âm lịch. Tháng Chạp là thời điểm cuối năm. Năm hết Tết đến, các hội đoàn thường hay tổ chức Cây Mùa Xuân để lấy tiền cứu tế cho những người gặp khó khăn trong cuộc sống. Và con dấu của BTC đóng trong bức tranh "Cô gái Hà Nội" chỉ rõ cho mục đích cao cả đó. Đây là một dấu son rất đặc biệt, có một không hai ghi dấu trong bức chân dung "Cô gái Hà Nội" này... 


                  IV - Những đặc điểm có trong bức tranh “Cô gái Hà Nội”.

        A - Quan điểm của giới nghiên cứu và sưu tập: 

        Trong giới sưu tập họ đã đưa ra một số đều kiện dùng làm tiêu chuẩn để đánh giá một vật phẩm và rất coi trọng những món nào mang trên mình một trong những yếu tố có tính chất sau đây: 

      - Văn hóa.

      - Lịch sử.

      - Nghệ thuật.

      - Kinh tế. 

      Nếu hội đủ được càng nhiều yếu tố trên thì giá trị của nó càng tăng. Chính vậy ta thử nhận định xem tác phẩm này của Nguyễn Sáng có hội đủ được những điều vừa nêu ra hay không? Hay ở mức độ nào?   

         B - Nhận diện những đặc điểm mà tác phẩm sở hữu.

01 – Bức tranh già tuổi nhất của Nguyễn Sáng. (Văn hóa. Lịch sử)

02 – Tác phẩm có mang trên mình thông điệp về lịch sử và nhân đạo. Thể hiện ở con dấu của BTC. Nội dung. Cuộc triển lãm có vẽ chân dung (truyền thần) để lấy tiền cứu trợ đồng bào bị nạn bom ở Hà Nội. Đây là một dấu son lưu vết trên bức tranh cực kỳ đặc biệt về lịch sử và văn hóa. Có một không hai rất hiếm thấy…  (Văn hóa – Lịch sử)

03 – Bút pháp đặc biệt kết hợp giữa Đông-Tây. (Có sự cách tân trong thuân pháp). Tài năng bộc lộ khi Nguyễn Sáng còn đang học năm cuối Khóa XIV. (1941-1945). Tại Trường Mỹ Thuật Đông Dương.   (Văn hóa – Nghệ thuật).

04 – Họa sĩ được giới nghiên cứu và sưu tập nghệ thuật đánh giá là đứng đầu trong nhóm tứ trụ đình đám ở giai đoạn sau của Trường Mỹ Thuật Đông Dương: Nhất Sáng. nhì Liên, tam Nghiêm, tứ Phái. Ở giai đoạn đầu là: Nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn. (Lịch sử - Văn hóa)

 05 – Tác phẩm rất quý hiếm còn sót lại được vẽ ở giai đoạn tiền chiến (Trước năm 1945). của danh họa Nguyễn Sáng. (Lịch sử - Văn hóa - Kinh tế).

                       Cauminhngoc

                        11/11/2022


 (1) Dựa theo dấu vết trên hiện vật cho thấy. Con dấu được Ban Tổ Chức đóng khống vào giấy vẽ trước khi giao cho họa sĩ vì thế mà chữ ký của Nguyễn Sáng đã nằm đè lên trên con dấu rất rõ ràng.  

Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

HỌA SĨ TÚ DUYÊN VÀ TÁC PHẨM "SAU CƠN MƯA" VẼ BẰNG SƠN DẦU.

          HỌA SĨ TÚ DUYÊN VÀ TÁC PHẨM " SAU CƠN MƯA " VẼ BẰNG SƠN DẦU.



Hình 01. Họa sĩ Tú Duyên. Sau cơn mưa. Sơn dầu/ bố. Năm vẽ: 10/1967. Chữ ký góc phải dưới.
                 ( Tác phẩm này được nhà sưu tập tranh miền Nam Vũ đình Hải tặng ngày 16/4/2020 ).



        Khi nói về họa sĩ Tú Duyên mọi người thường liên tưởng ngay đến tranh Thủ ấn họa, tranh lụa qua các đề tài về thi ca, nhân vật lịch sử Việt Nam. Còn khi đặt vấn đề họa sĩ Tú Duyên có vẽ tranh sơn dầu hay không? Một câu hỏi khó để có thể trả lời như thế nào cho phải vì đa phần trước nay mọi người đều chưa thấy tác phẩm sơn dầu nào của họa sĩ Tú Duyên xuất hiện trên họa trường. Do vậy khi đứng trước tác phẩm sơn dầu vẽ mô tả một ngôi làng ven biển ở phương Tây sau cơn mưa do họa sĩ Tú Duyên thực hiện trên đây (Hình 01). Chắc chắn nó sẽ mang đến cho người xem một sự bất ngờ thú vị lẫn lòng thán phục về tài năng đa dạng của người họa sĩ bậc thày này. Như vậy, họa sĩ Tú Duyên cũng có vẽ tranh sơn dầu chứ không phải chỉ có vẽ tranh lụa và thủ ấn họa mà thôi ....và có thể xem đây là tác phẩm cá biệt, rất hiếm hoi trong suốt quá trình sáng tác của ông chăng?

 
 I - Dẫn nhập.
           Tầng mây nặng nề tối ám dư chấn của trận mưa vừa chớm tạnh vẫn còn vần vũ lưng trời đang cố nhoài mình xà xuống thật thấp phả màn khí lạnh, ẩm ướt phủ trùm khắp ngôi làng ven biển vắng tênh không một bóng người. Dưới tầng mây xám. Phía xa tít hé lộ một nền trời bãng lãng vài cụm mây trắng bồng bềnh giữa vùng không gian hửng nắng xanh lơ, khích động cường độ ánh sáng tràn về đánh thức những mảng tường sũng nước phản quang chói lóa, khơi nguồn cho sự vượt thoát khỏi cảnh giới âm u do trận mưa mang đến. Ngôi làng rạng rỡ,  nổi bật đằng sau đụn cát vàng ôm cứng cái bờ kè đang duỗi mình đỡ hai con thuyền nằm chỏng trơ phơi mình bên mé nước thong dong vờn bóng trên lưng những lượn sóng biển nhấp nhô phản chiếu lung linh cảnh vật đa sắc chung quanh. Một không gian tĩnh lặng, một khung cảnh biển trời u tịch, êm đềm nhàn nhã sau cơn mưa lắng đọng hồn người được họa sĩ Tú Duyên dàn trải trên mặt bố rất mạch lạc, đầy biểu cảm và cuốn hút. Những gì biểu lộ trong tranh cho thấy họa sĩ Tú Duyên đã quán thu ngoại cảnh bằng tâm nhãn rồi diễn đạt lại bằng hình sắc ngoại thể hiện thực bằng chất liệu sơn đầy ắp không khí hội họa như thế này quả là điều lạ lẫm hiếm thấy trong quá trình sáng tác xuyên suốt của ông. Do vậy chỉ khi có dịp được đứng trước tác phẩm sơn dầu cá biệt này để mà chiêm nghiệm, lúc đó ta mới cảm nhận hết được sự đa dạng mang tầm vóc bậc thày của họa sĩ Tú Duyên nó như thế nào. Và khi xét và đánh giá về di sản nghệ thuật để lại. Họa sĩ Tú Duyên xứng đáng đứng vào hàng " Đại lão gia " trong làng hội họa Việt Nam chứ không thể ở vị trí nào khác (1).   

       II - Mô tả.
        Bức tranh được thực hiện bằng chất liệu sơn dầu với phong cách tạo hình rất hiện đại. Sự vật được biểu thị bằng những khối mảng cùng những gam màu đơn giản được phân định bởi những đường viền chắc khỏe rất gần gũi với mô thức tranh thủ ấn họa sở trường của ông. Sự kết hợp nhuần nhuyễn này khiến từng sự vật dàn trải trong tác phẩm phát huy triệt để được tính chất bản thể của chúng một cách mạnh mẽ và trọn vẹn. Ở đây cho thấy cả là một sự vay mượn sáng tạo chứ không sao chép. Chủ đích khơi gợi, đánh động cảm xúc ảo thị đa chiều nơi người thưởng lãm những khi quán vào từng mảng, từng vùng, từng chi tiết trong tác phẩm. Ông đã phô diễn một kỹ năng triết lý hội họa mang tính hiện thực đầy ấn tượng. Phải có một sự thông tuệ cùng nhãn quan già dặn của bậc thày mới dàn trải được một tác phẩm hội họa có sức cuốn hút mãnh liệt như thế này. Rất ít gặp trong quá trình sáng tác của họa sĩ Tú Duyên.  

       
      1 / Phần phối cảnh: Để tạo phối cảnh cho tác phẩm " Sau cơn mưa. ". Họa sĩ Tú Duyên đã phân lớp rất rõ ràng.

Hình 02 - Phần phối cảnh phân lớp tổng quan cho tác phẩm.

                  - Phần Tiền cảnh:    Rẻo nước có hai con thuyền và tầng mây u ám.
                  - Phần Trung cảnh:   Ngôi làng và bờ kè. 
                  - Phần Hậu cảnh:   Nền trời xanh lơ và những cụm mây cuối trời. Là một mảng trời dịu mát thông thoáng nhẹ nhàng bị ép giữa hai vùng sắc độ cực sáng, cực tối của tầng mây và ngôi làng. Cái trác tuyệt cần nắm bắt ở đây là họa sĩ Tú Duyên đã tận dụng vùng sáng tối sẵn có nơi phần Trung cảnh làm vách chắn, buộc tầm nhìn của lãm khách phải chuyển hướng vào vùng không gian thông thoáng dịu mát. Nút mở cuối cùng trong bố cục phân lớp tổng thể của bức tranh và đó cũng chính là phần Hậu cảnh. Việc áp đặt sự đơn sơ và thông thoáng vào phần rỗng Hậu cảnh. Mục đích để giải tỏa, tạo sự tương phản, đối kháng với những rối rắm phồn tạp dàn trải trên mặt bằng tổng thể bức tranh đang chi phối tầm nhìn và gây nên sự bức bối trong tâm trí người xem. Một sự sắp đặt có chủ đích, rất chăm chút đầy vi diệu và cực kỳ tinh tế, không những lột tả được hiệu quả tối ưu cho chiều viễn cận mà còn giúp cho phần Hậu cảnh trở nên quan yếu hơn vì đã đảm trách thêm một vị thế hỗ trợ tích cực cho " Lối thoát " của tác phẩm. Sự chăm chút đến từng chi tiết ở đây khiến bức tranh càng tăng thêm phần sinh động, càng gây được sự cuốn hút mạnh mẽ cho người xem. Tóm lại. Với những phần việc tinh tế chi ly như thế này, ta chỉ có thể bắt gặp ở những tác phẩm của bậc thày lão luyện và thông tuệ mà thôi. ( Hình 02 ).

 

      2 / Phần màu sắc: Bảng màu được sử dụng không nhiều, có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhưng mỗi một màu đều hàm chứa tính ẩn dụ rất cao, đầy tinh tế và sâu sắc.
 
        a -  Mảng xanh cobalt. Mang sắc tối đậm, nằm vắt suốt chiều ngang trên đỉnh bức tranh. Mảng màu được tản, vờn dày mỏng không đều biểu diễn một đám mây u ám ẩm ướt nặng nề của trận mưa chưa dứt hẳn đang vần vũ thòng những cái đuôi hơi nước trôi lướt thướt trên bầu trời làng biển và đang dần tan loãng dưới ánh nắngCó thể xem tảng mây xanh cobalt này là màu chủ để diễn ý cho nội dung bức tranh mô tả chuyện ngôi làng vừa trải qua một trận mưa rất lớn. ( Hình 03 ).  


     Hình 03. Mảng xanh cobalt trên đỉnh bức tranh mô tả tầng mây sau cơn mưa.

        b -  Mảng xanh ngọc dưới tảng mây đen. Mảng đệm giữa hai vùng sáng và tối. Màu xanh lơ là vùng không gian ảo thị, mang màu sắc của sự thanh thản nhẹ nhàng đẩy tầm nhìn người xem vào cõi mênh mông sâu thẳm. Đồng thời nó cũng đảm nhiệm hai công việc. 
         * Làm nổi bật sự u ám nặng nề và tăng thêm phần sinh động của tảng mây
         * Tách rời giữa ngôi làng với tầng mây và nâng cấp thêm sự chói chan của những mảng tường một cách rất khéo léo
         Có thể xem đây là một vùng thông thoáng nhất chứa đựng chiều sinh khí cho bức tranh. ( Hình 04 ).


                              Hình 04. Mảng xanh ngọc dưới vầng mây đen.

         c - 
Màu trắng nơi các vách tường của dãy nhà là những mảng phẳng dẹt có sắc độ trắng thuần khiết được đặt xen kẽ bên cạnh những gam màu xậm tối của các mái nhà thành một quần thể Domino chạy suốt từ trái qua phải. Do vậy mà sắc trắng càng trở nên nổi bật bởi sự tương phản giữa hai sắc độ. Ở đây màu trắng biểu thị cho cường độ rực rỡ của ánh nắng đang lan tỏa khắp nơi, hắt đọng lên mọi sự vật xua tan đi màn trời u ám ẩm ướt đang cố tồn tại. Những vách tường của dãy nhà này cũng là vùng có sắc độ sáng trắng mạnh nhất. Đập vào mắt người xem ngay lập tức mỗi khi đứng trước tác phẩm. Một bố cục màu kinh điển, tạo được hiệu ứng mạnh làm tăng thêm sự sinh động cho bức tranh. ( Hình 05 ).


                                     Hình 05. Mảng màu trắng nơi các vách tường.

    
       d - Màu xanh lá được sử dụng trong tác phẩm này cũng là một cái tuyệt của họa sĩ Tú Duyên. Ông đã sử dụng nó để thay thế cho mảng xanh của thảm thực vật thường thấy trong thiên nhiên. Màu xanh lá được ông bố cục từng mảng rải rác khắp tác phẩm liên kết cùng những gam màu cận sắc làm cho các màu nóng chung quanh dịu hẳn lại, cân bằng thị cảm người xem. Có thể nói màu xanh lá trong bức tranh này là mảng màu dịu mát, thích thú và đáng yêu nhất. Rất khó có thể thay thế nó bằng một bảng màu khác để hay và có ý nghĩa hơn... Một thủ thuật chơi màu quá là tuyệt. ( Hình 06 & 06 bis ).

                                       Hình 06 . Màu xanh lá trong tác phẩm.


   Hình 06bis. Màu xanh lá được đặt để trong các đường nhấn mạnh của quy tắc hội họa...

     
     e - Màu đỏ. Màu đỏ. Màu đỏ sơn viền mép mạn con thuyền nằm ở trung tâm bức tranh là màu nóng nhất. Điểm nhấn tích cực trong bố cục màu, tạo sự thu hút mạnh mẽ đồng thời hóa giải đi sự trầm lắng và đơn điệu của bảng màu tổng thể. Không những vậy nó còn giúp cho không khí trong bức tranh ấm áp hẳn lên. Không có màu đỏ này bức tranh sẽ rất tẻ nhạt và lạnh lẽo vô cùng. ( Hình 07 ).  



                                        Hình 07. Màu sắc tổng quan của tác phẩm.

       f 
Ngoài những màu vừa kể trên, các màu còn lại trong bức tranh được xem là những màu tương tác đóng góp cho sự phối sắc thêm hoàn chỉnh, chẳng khác gì việc phối bè trong dàn hợp xướng.

        
        III. Tính động trong bức tranh. Trong tác phẩm này có hai phần mô tả cho cái động đều nằm ở phần Tiền cảnh. Đó là đám mây xanh cobalt nằm ở trên đỉnh và phần rẻo nước nằm dưới cùng bức tranh.

       A/ Mảng động thứ nhất. Đám mây đen nặng nề nằm ở trên đỉnh bức tranh mô tả cho sự vần vũ của tầng hơi nước sau cơn mưa còn đang tồn tại chưa tan hết. Vùng này mang tính động rất mạnh mẽ.

                     
      Hình 08. Mảng động thứ nhất là tầng mây xanh dương xậm của trận mưa trên bầu trời.

   
       Họa sĩ Tú Duyên đã dùng màu xanh cobalt cùng bút pháp bôi màu không đều có khuynh hướng đổ xuống để mô tả đám mây tối ám sau cơn mưa còn vần vũ chưa tan. Sự bôi màu loang lổ không đều này mục đích để truyền tải tính động của sự vật còn đang diễn tiến.  Nhìn vào ta sẽ có cảm giác như chúng đang xô đẩy xoắn xuýt vào nhau... ( Hình 08 )

            B/ Mảng động thứ hai. Sự lung linh của sóng nước nơi tận cùng bức tranh.

                                  Hình 09. Mảng động thứ hai là vùng sóng nước.


           Những điểm đặc sắc nơi mảng động thứ hai.... 
            
      Mảng động thứ hai của tác phẩm này là cả một mảng màu lòe loẹt, rối rắm của rẻo nước đầy những đợt sóng dạt dào. Nhưng khi định thần quán thu mới thấy được sự trác tuyệt.  Họa sĩ Tú Duyên đã có cách xử lý hình và sắc rất bản lãnh. Ông áp đặt những mảng màu phẳng dẹt đan chen với những hình thể dị dạng lớn nhỏ dài ngắn, đứt gãy để mô tả cho chiều chuyển động của sóng nước cùng sự hấp thụ ảnh chiếu vật thể ở môi trường chung quanh tác động xuống mặt nước. Việc diễn đạt quá tinh tế này đã giúp cho mảng động thứ hai trở nên cực kỳ lung linh và vô cùng sống động. Có vẻ như họa sĩ Tú Duyên đã nắm bắt được khoảnh khắc ngưng đọng của chiều không gian thực đang diễn tiến của ngoại cảnh để đem dàn trải lại trên mặt bố cho chúng ta xem. Đẩy người thưởng lãm đi từ ngạc nhiên này đến sự thán phục khác... thật tài tình không thể nói cho cùng… ( Hình 09 ).

Hình 10 - Nguồn sáng đến từ bên trái qua phải bức tranh... Bóng chiếu tương phản của từng vật thể được biểu diễn bằng sợi chỉ cùng màu.

       C - Tác phẩm sẽ tăng thêm phần thú vị khi ta hiểu rõ được việc Tú Duyên sử dụng hình và sắc để mô tả sự lung linh của sự vật hắt bóng trên mặt sóng nước. Một sự diễn đạt tuyệt khéo và tinh tế khi đem hình thái tĩnh để biểu diễn cái động ở trong mảng thứ hai này.   

     1 - Con thuyền màu đỏ. Trên con thuyền chỉ thấy hai màu. Màu đỏ trên vành be và màu vàng nghệ bên hông dưới.

           - Ánh nắng trực tiếp vào lòng thuyền. Khiến cho mạn trong và sàn con thuyền sáng hẳn lên. Sự bắt sáng của từng chi tiết trong lòng thuyền được mô tả rất cụ thể rành mạch không lẫn lộn. Phải tinh tế lắm mới có thể dùng sắc độ để phân định và truyền đạt cho người xem cảm thụ hình ảnh vật thể một cách chi ly như vậy... 

           - Vệt nâu xậm nằm dài dưới đáy thuyền. Đây là bóng của con thuyền đổ xuống mặt cát chứ không phải phần đáy thuyền... Một sự bóc tách giữa con thuyền và ảnh chiếu của nó xuống mặt nước bằng một gam màu nâu đậm rất tinh tế không thể chê vào đâu được. 

        - Hãy quan sát con thuyền màu đỏ nằm nghiêng trên bờ cát. Ta sẽ thấy hai màu vàng nghệ và đỏ nơi mạn phải hắt bóng xuống mặt nước trong trạng thái đứt đoạn và nhạt nhòa. Mỗi khi ảnh thực của vật thể hắt xuống mặt nước đang giao động sẽ dẫn đến chuyện bóng bị gấp khúc và màu sắc hơi bãng lãng... 

                  - Màu vàng nghệ ở phần dưới gần mạn đáy con thuyền có phần sáng hẳn lên rất trái ngược. Đúng ra vùng này phải xậm tối vì ánh sáng tới bị be thuyền che khuất. Nhưng họa sĩ Tú Duyên đã cho thấy cái nhìn cực tinh tế của ông khi đứng trước sự vật. Do con thuyền nằm nghiêng, mạn thuyền áp sát mặt nước nên màu vàng nghệ nơi đây bị ánh nước phản quang hắt ngược lên làm cho sắc độ hơi bạc bớt đi, không còn xậm màu như những nơi khác... Quả là tuyệt vời. Nếu xem lướt qua chắc chắn ta sẽ không thể nắm bắt được chuyện này. Đúng là bậc thày vẽ có khác...

         2 - Con thuyền màu xanh lá. Con thuyền đã được kéo lên khỏi mặt nước để nằm trên bờ cát. Cho thấy có 03 màu. Xanh lá chạy viền quanh be thuyền. Màu vàng đất bên hông và màu nâu xậm ở vùng đáy thuyền... Hai mảng màu vàng và nâu bị bờ cát có cây cọc che khuất nên chỉ còn thấy ảnh chiếu của màu xanh lá trên mạn be thuyền và bờ kè hắt xuống mặt nước mà thôi. Chi tiết.

- Màu xanh lá ở mé trái chỗ có cái cọc neo thuyền. Đây là bóng phản quang từ be thuyền mạn bên trái hắt xuống.

           - Quầng màu xanh lá dưới mặt nước bắt đầu từ bánh lái ở đuôi con thuyền chạy vòng đến mỏ chiếc tàu màu đỏ có dạng giống như con số 3. Là do màu sơn ở đuôi con thuyền và giải bờ kè có màu xanh lá trên đỉnh bờ cát phản chiếu xuống.

        3 - Ở phần các bờ cát.
          * Màu vàng nghệ. Đây là màu của rẻo bãi cát trên đó có đóng một cái cọc để neo thuyền hắt xuống có cả bóng đổ của cây cọc neo thuyền... Và màu vàng nghệ này được dàn trải ở những nơi khác trong bức tranh đều mang đầy đủ chức năng và ý nghĩa từng phần hay khu vực nó đảm trách.
         * Màu trắng. Mô tả độ phản quang của cát ngậm nước khi bị ánh nắng chiếu vào lóe sáng lên. 

        4 - Những màu trên mặt sóng nước.
        * Màu trắng được tác giả dùng trong vùng vụng nước này mục đích để mô tả sự phản quang lóe lên từ lưng sóng khi bắt ánh nắng. Một cách để diễn tả sự lung linh của mặt nước đang xao động.
       * Màu xanh cobalt trên mặt nước. Độ phản chiếu tầng mây của cơn mưa hắt xuống.
       * Màu xanh lá trên mặt nước. Màu xanh trên be thuyền mé trái hắt xuống.
       * Màu xanh da trời trên mặt nước. Màu của nền trời hửng nắng hắt xuống. Toàn thể màu xanh da trời được sử dụng trong mảng này không ngoài mục đích mô tả ráng trời hửng nắng phản chiếu xuống.  
       * Dải màu vàng nghệ trên mặt nước. Vệt màu này bắt đầu loang dài từ rìa trái dưới bức tranh kéo vào đến tận vùng bóng hắt xuống mặt nước của mũi thuyền màu đỏ . Dải màu vàng này chia làm hai đoạn.
        i - Đoạn thứ nhất. Tính từ rìa trái bức tranh kéo đến cái bánh lái của chiếc thuyền xanh lá tạo vệt cắt thẳng đứng xuống mặt nước. Màu vàng nghệ của nơi này là màu vàng của mạn thuyền bên trái hắt xuống mặt nước.
       ii - Đoạn thứ nhì. Tính từ cái bánh lái con thuyền loang đến vùng bóng của mũi thuyền màu đỏ. Màu vàng nghệ này được hắt xuống bởi phần đuôi và mé hông mạn phải con thuyền màu xanh lá hắt xuống. ( Hình 10 ).


    IV - Đường dẫn và Lối thoát của tác phẩm.
      Khi đứng trước một tác phẩm vẽ phong cảnh người xem hay bị rối bởi không biết mình phải bắt đầu từ nơi chốn nào để thưởng lãm trọn vẹn nội dung tác phẩm. Chính vì điều này mà người họa sĩ thường tuân thủ theo một điều rất cơ bản. Đó là tạo ra Đường dẫn và Lối thoát cho bức tranh. Việc này không ngoài mục đích giúp người xem du lãm trọn vẹn vào nội dung có thứ lớp không còn bị rối loạn lung tung. Và trong tác phẩm " Sau cơn mưa " này họa sĩ Tú Duyên đã cho ta thấy ông đã đặt để Đường dẫn và Lối thoát của bức tranh nó nghiêm túc như thế nào. ( Hình 11 ).
 
Hình 11. Đường chân trời; Đường dẫn vào; Lối thoát và Vùng tựa cùng những đường mạnh trong bức tranh.


           1 - Đường dẫn vào bức tranh: 

         Khi mới thoạt nhìn vào bức tranh, cái cảm nhận đầu tiên ập đến là bị màu đỏ nóng rực của chủ thể (con thuyền) nằm ở trung tâm chi phối. Vây quanh là cả một sự choáng ngợp bởi rừng vật thể hình kỷ hà thô phác cùng sắc màu rực mạnh chiếm lĩnh tổng thể. Một cục diện rối rắm chồng chéo cực kỳ khó chịu. Không biết khởi điểm từ đâu để thưởng lãm bức tranh cho trọn vẹn. 

         Để giải quyết cho nút thắt phức tạp này. Họa sĩ Tú Duyên đã khai thác ưu thế ở phần Tiền cảnh. Ông kiến tạo sự cuốn hút bằng hiệu ứng động nơi các đường lượn uyển chuyển nhấp nhô, đa sắc đầy sự tương phản của những lượn sóng xô đẩy nhau hướng về phía rìa phải dưới. Đã thế họa sĩ Tú Duyên lại còn đưa thêm ảnh chiếu của bờ cát vàng cùng độ lóe sáng của ánh nước vào góc phải dưới làm “ Vùng tựa ”. Khiến tầm mắt đang thuận chiều đi theo hướng các lượn sóng bị chặn lại một cách đột ngột. Buộc phải quay ngược vào trong bức tranh. Có thể nói góc phải dưới này là vị trí cận cảnh và thông thoáng nhất. Cũng là nơi hội tụ khá nhiều yếu tố về quy tắc về bố cục. “ Đường mạnh đứng phải ”. “ Đường mạnh nằm ngang dưới ”. “ Vùng tựa ”…v.v… Một khu vực chiếm hữu khá nhiều yếu tính về điểm mạnh theo luật bố cục được Tú Duyên khai thác triệt để đã khiến cho người am hiểu không thể không suy nghĩ về cách chọn vị trí đầy ấn tượng này của ông. Với tính chất đặc thù như thế nên họa sĩ Tú Duyên đã chọn nơi này để thích danh của mình vào. Đồng thời cũng lấy nó làm “ Đường dẫn ” cho bức tranh. Điểm khởi nguồn cho sự du lãm. Dẫn ta đi khắp bức tranh một cách có thứ lớp không bị rối loạn. ( Hình 11 ).  


               2 - Lối thoát của bức tranh. 

       Lối thoát của bức tranh " Sau cơn mưa " có diện tích khá khiêm nhường được đặt ở vị trí gần sát mé góc phải trên và nằm trọn trong vùng không gian của phần Trung cảnh. Lối thoát này được cấu tạo bởi hai đường chéo tưởng tượng có chân lệch trái và phải tiếp giáp với đường chân trời của hai dãy nhà tạo thành.

      a - Đường chéo thứ nhất. Bắt đầu từ đỉnh ngoài mái nhà to lớn ở tận cuối dãy gần sát với rìa phải bức tranh. Từ đó kéo một đường tưởng tượng chếch phải thẳng xuống vượt qua căn nhà nhỏ chạm với bờ kè để có một đường chéo. Đường chéo này được xem là đường chéo thứ nhất rất cần thiết để cấu thành Lối thoát của bức tranh.

      b - Đường chéo thứ nhì. Đường chéo tưởng tượng này hình thành bởi hai ngôi nhà nhỏ bé nhú lên lên khỏi bờ kè, sát rìa phải bức tranh. Mặc dù không lớn nhưng độ lệch của hai mái nhà cũng đủ để cho ta hình dung được một đường chéo tưởng tượng kéo dài từ mé phải trên chếch trái xuống chạm đường chân trời. Một nút chặn có chủ đích cho dù không to lớn nhưng hai căn nhà nhỏ bé cũng tạo được cảm giác giới hạn, không cho tầm mắt đi thẳng ngoài bức tranh. Và nó được xem như là đường chéo thứ nhì phụ lực với đường chéo thứ nhất để xây dựng nên Lối thoát cho tác phẩm.

      Hai đường chéo trái và phải của hai dãy nhà kết hợp với nhau hình thành một khoảnh trống có dáng hình phễu. Một khu vực trũng và thông thoáng nhất nằm phía trên đường chân trời, tạo được lực hấp dẫn cuốn hút tầm nhìn rất mạnh mẽ. Và đây cũng là Lối thoát của bức tranh. (Xem hình 11 ). Một yếu tố tối cần để giải tỏa sự ngột ngạt tâm lý cùng sự bức bối của tầm nhìn sau một hành trình rong ruổi đi qua những sự ngổn ngang của đường nét, mảng khối và màu sắc đầy phức tạp rối rắm. 

       Để thấy được việc ông chú trọng đến Lối thoát của bức tranh ra sao. Ta hãy xem cách ông khai thác từng yếu tính của sự vật nằm ở phần " Trung cảnh " để tạo dựng ra những mạch dẫn đến Lối thoát của tác phẩm nó tinh tế như thế nào.

        - Độ sáng cực mạnh của các vách tường vôi. 

        - Sắc độ xậm của những mái nhà nổi bật trên nền trời xanh lơ. 

        - Dãy nhà này tọa lạc trên đường Mạnh nằm ngang của luật bố cục 

        - Đồng thời dãy nhà cũng nằm trên đường chân trời. 

        - Không chỉ có thế, ông còn đặt để những cụm mây trắng trong bầu trời xanh lơ đang bãng lãng trên đầu hai căn nhà cuối dãy trong phần Hậu cảnh đột ngột chùng xuống lọt thỏm vào vùng rỗng giữa hai đường chéo trái và phải để gây thêm hiệu ứng tích cực cho khu vực này. 

      Tất cả những yếu tố trên được Tú Duyên triệt để khai thác với một mục đích duy nhất, sử dụng chúng làm nguồn để dẫn dắt thị giác phải hướng vào vị trí cần yếu là Lối thoát. Chìa khóa mở lối dắt người xem bước ra khỏi bức tranh một cách thanh thản thoải mái và nhẹ nhõm.

      Mặc dù. Lối thoát trong tác phẩm " Sau cơn mưa " chỉ chiếm một vị trí rất nhỏ bé so với mặt bằng tổng thể. Nhưng nó đó là một địa chỉ có sự cuốn hút mạnh mẽ đến lạ kỳ. Một nơi chốn để trút bỏ những bức bối, câu thúc và ngột ngạt. Đẩy tâm hồn người xem đi vào chốn bát ngát thênh mang sâu thẳm của bầu trời Hậu cảnh ... Một bố cục ý tưởng cực kỳ sống động. Thỏa mãn được tính mới lạ cho tác phẩm. Nếu không có lối thoát này bức tranh hẳn là rất ngộp. ( Hình 11 ).

       Tóm lại. Đường dẫn và Lối thoát trong tác phẩm " Sau cơn mưa " của họa sĩ Tú Duyên này rất độc đáo. Một hình thức trói buộc thật chặt rồi cởi xả rất tinh tế và trác tuyệt. Khiến người xem vô cùng thỏa mãn mỗi khi ngắm nhìn tác phẩm này. 

     
       V - Kết luận.
        Qua những nhận định và phân tích trên. Có thể xem đây là bức tranh sơn dầu đậm chất phương Tây giàu tính hiện đại có dính dáng khá nhiều đến sở trường Thủ ấn họa rất cá biệt của họa sĩ Tú Duyên. 
       Có lẽ họa sĩ Tú Duyên đã dựa vào một hình ảnh nào đó của phương Tây mà ông có được nhìn qua lăng kính thủ ấn họa sở trường của ông. Chính vì thế mà mọi sự vật đều biến thành những mảng dẹt đầy màu sắc liên kết với nhau rất kỳ lạ và sinh động. Do không phải vẽ theo cảnh thực ngoài đời. Nên ngoài chuyện thích danh và năm vẽ ra. Ông đã ghi rất rõ dưới chữ ký của mình một cụm từ bằng tiếng Pháp. "d' après" sát bên mẫu tự "D" khá lớn được tô đậm mà trong bụng có chứa thêm hai mẫu tự khác. Có thể là "D" và "m" hay "n" gì đó mà chúng ta chưa nắm được ý nghĩa của cụm từ này...   


     
Hình 12. Cụm từ " d' après "sát bên mẫu tự D tô đậm trong lòng có chứa thêm hai mẫu tụ khác nữa.
      
     Một nút thắt rất khó mở cho rốt ráo. Đây cũng là điều đáng tiếc cho người chơi có tính cầu toàn. Nhưng trước mắt vẫn là một tác phẩm độc đáo vẽ bằng sơn dầu của Tú Duyên mà không ai có thể chối cãi. Một tác phẩm mà Tú Duyên đã chăm chút đến từng phần, từng vị trí và từng chi tiết một cách xuyên suốt mạch lạc đầy cẩn trọng và vô cùng tinh tế khiến người xem phải lắng hồn khi đứng trước nó. Chưa rõ đây có phải là tác phẩm vẽ bằng sơn dầu duy nhất của họa sĩ Tú Duyên hay không nhưng sự hiện hữu tác phẩm ở một lãnh vực khác lạ với những gì đã thấy và đã biết về họa sĩ Tú Duyên. Quả là một chuyện hoàn toàn mới mẻ đầy thú vị. Sự vượt thoát khỏi tính chuyên nghiệp cố hữu đã chứng tỏ tài năng của ông không có giới hạn. Một phát hiện mới? Có lẽ vậy. Nó làm cho giới thưởng ngoạn và phê bình nghệ thuật phải có một cái nhìn toàn diện hơn đối với sự nghiệp hội họa của họa sĩ bậc thày Tú Duyên mỗi khi nói về ông.  


Cauminhngoc
19/4/2020

     
  (1) Khi một người sáng tạo ra một điều gì mới hoặc có một sự nghiệp đồ sộ trong lãnh vực nào đó thì người ta thường gọi vị ấy là một " GIA ". 
    
Thí dụ: 
    Về hội họa: 
Trung Quốc có: Tề Bạch Thạch, Từ Bi Hồng, Trương Đại Thiên, Ngô Xương Thạc.  Nhật Bản có: Hokusai, Hiroshige, Sharaku, Harunobu, Sesshu..v..v..  
Phương Tây có: Picasso, Matisse, Renoir, Degas, Dalli, Monet...v..v...
Việt nam có:  Lê văn Đệ, Nguyễn Sáng. Tú Duyên, Ngô viết Thụ..v..v... 
     Ở đây chỉ đưa ra một số vị trong lãnh vực hội họa để minh họa mà thôi. Còn rất nhiều các vị ở những lãnh vực khác nữa không thể kể hết trong ví dụ nhỏ nhoi này... 




                                        


HS. CÙ NGUYỄN VÀ CÂU CHUYỆN VỀ CHIẾC HUY CHƯƠNG VÀNG NĂM 1961.


 HỌA SĨ CÙ NGUYỄN VÀ CÂU CHUYỆN VỀ CHIẾC HUY CHƯƠNG VÀNG NĂM 1961.


Hình 01. Tượng chân dung họa sĩ Cù Nguyễn do họa sĩ Đặng Hoài Nam thực hiện trong kỳ hai người cùng đi thực tế tại Bình Dương vào thập niên 90 /TK 20.


Hình 02 - Họa sĩ Cù Nguyễn khi còn trẻ. (Ảnh và tư liệu do gia đình cung cấp)


Hình 03 - Quyển Niên giám của Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa. Năm 1970.
Toàn bộ trang 328 giới thiệu về họa sĩ Cù Nguyễn.

 

    Họa sĩ Cù Nguyễn ( Tên khai sinh: Nguyễn Niệm ). Sinh năm 1936 tại Hội An. Ông theo nghiệp vẽ vì ham thích và tự học không được đào tạo qua một trường lớp chính quy nào. Họa sĩ Cù Nguyễn là một trong những thành viên sáng lập Hội Họa Sĩ Trẻ vào Tháng 11 năm 1966. Tại Saigon.

     Năm 1961. Ông tham dự cuộc triển lãm Mùa Xuân do Văn Hóa Vụ tổ chức và đoạt được Huy chương Vàng. Chiếc Huy chương danh giá bậc nhất trong lãnh vực hội họa vào lúc bấy giờ được đúc bằng vàng thật nguyên khối. Đây là thời Đệ Nhất Cộng Hòa hoàn toàn Độc lập - Tự chủ tại miền Nam Việt Nam và đang trên đà phát triển cùng với việc mở cửa ở mọi lãnh vực để tiếp cận với thế giới bên ngoài.


Hình 04. Cù Nguyễn. Thiếu nữ. Sơn dầu/bố. Tác phẩm đoạt Huy chương Vàng năm 1961.


 

Hình 05. Chiếc Huy chương vàng và chứng thư cấp cho họa sĩ Cù Nguyễn. Năm 1961.

(Chứng thư chụp lại qua bản photocopy)




Hình 06. Báo chí đưa tin và hình ảnh về cuộc triển lãm Hội họa mùa Xuân Tân Sửu (1961) và nhân vật đoạt Huy chương Vàng trong năm đó.

 

      Có lẽ cũng rất nhiều người không biết về chuyện họa sĩ Cù Nguyễn đã từng bán đi chiếc Huy chương vàng. Giải thưởng Hội Họa Mùa Xuân Tân Sửu (năm 1961) bằng vàng thật của mình (1) để lấy tiền hỗ trợ cho người bạn nữ gặp lúc khó khăn mà về sau này người đó trở thành một nữ văn sĩ rất nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam từ trước năm 1975. Cho đến thời điểm của năm 2020. Khi nhắc đến chuyện anh bán đi chiếc Huy chương Vàng để giúp bạn. Anh chị Cù Nguyễn đều ngỏ ý không muốn nhắc đến việc này với lý do rất dễ thương. Không muốn người bạn nữ văn sĩ hiện cùng gia đình đang sống ở bên Mỹ phải chạnh lòng khi nghe và nhớ lại chuyện buồn xảy ra trong quá khứ cách nay đã hơn nửa đời người …

 

Cauminhngoc

06/8/2022


 (   (1)   Theo như lời họa sĩ Cù Nguyễn cho biết. Sau kỳ Triển lãm Hội Họa Mùa Xuân Tân Sửu (năm 1961). Các Huy chương chỉ còn là phủ mạ một lớp vàng, bạc hay đồng chứ không còn bằng chất liệu thật đúc nguyên khối nữa.