Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

MẶT TRẬN TÂY NAM HUẾ. MÙA HÈ NĂM 1972


“ Khi viên đạn xuyên vào một người lính dù thuộc về bên nào đi nữa, thực ra nó đã xuyên vào trái tim một người mẹ ”.

                                                                            ( Abraham Lincoln. Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ ).

 

 

          LTS.  Đây là lời tự thuật của kẻ đã từng kiến trải ngay từ giây phút đầu tiên đến giây phút cuối tại mặt trận Tây Nam Huế vào mùa Hè năm 1972. Cùng với sự góp nhặt thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp của những người lính đã từng tham chiến từ các mặt trận kể lại. Một ký ức đã qua đi gần nửa thế kỷ. Có thể thiếu sót nhưng không chút cường điệu cho một sự thật. Và cũng không hề tâng bốc hay bôi nhọ bất cứ bên nào hay cá nhân ai đó. Một kiến trải từ mãi ngày xửa ngày xưa... giờ thành kỷ niệm không thể nào quên. Rất mong được lượng thứ nếu không vừa ý với câu chuyện.


                                                                      *** 

                                                                                                            

                       MẶT TRẬN TÂY NAM HUẾ. 

                                                       MÙA HÈ NĂM 1972.


Hình 01. Bản đồ ranh giới vùng hoạt động của 3 Trung đoàn thuộc Sư đoàn.1BB. Trước khi xảy ra trận chiến Mùa Hè năm 1972. Phía Tây Nam Huế. Mạn Bắc sông Bồ do Trung đoàn.1/1BB phụ trách. (Xem (A) để nắm rõ về các ký hiệu quân sự trên bản đồ).


 

     “Mất Bastogne là mất Huế ”.

         Câu nói cửa miệng của người dân và cũng là tiêu đề lớn trên trang nhất của các tờ báo ở miền Nam vào mùa Hè năm 1972. Khi chiến sự khốc liệt xảy ra phía Tây Nam Huế và Quảng Trị ở Vùng.I Chiến thuật. Chỉ khác là mặt trận Tây Nam Huế xảy ra trong khu vực rừng núi nên không gây ra sự thương vong đến tính mạng và tài sản của người dân. Nhưng lại đem sự thiệt hại đến tài nguyên quốc gia không biết bao nhiêu mà kể!

        Thật sự ra căn cứ Bastogne. Một cứ điểm quân sự được xem là nút chặn cực kỳ quan trọng nằm trên trục đường 547. Phía Tây Nam Huế thuộc quận Nam Hòa. Vùng rừng núi giáp ranh với nước Lào mà cả hai Trung đoàn.3/1BB và Trung đoàn.54 của Sư đoàn 1.BB chịu trách nhiệm bảo vệ và gìn giữ, áng chừng trên trăm cây số vuông đã tuột mất khỏi sự kiểm soát của họ từ đầu tháng 05/1972.  Phân ranh theo địa giới bản đồ. Bắt đầu từ mạn Nam ngã ba Rào Tràng và sông Bồ, đi xuôi theo dòng chảy về đến chân núi Thông Cùng. Kéo dài qua hướng Đông -Nam cặp theo rào Bình Điền băng qua đường 547, vươn lên vượt qua dãy núi đèo Sơn Na vào sâu về hướng Nam rồi hoành về hướng Tây. Phỏng chừng trên 60% lãnh thổ mà hai Trung đoàn 3/1và 54/1 phụ trách đã hoàn toàn mất trắng. Chỉ còn lại ngọn 246 có căn cứ Hoàng Đế (King) và một số cao điểm chung quanh tầm hơn cây số vuông do Tiểu đoàn.3/3 trấn giữ là chưa bị lọt vào tay đối phương (Xem hình 03). Không dừng lại ở đó. Đối phương càng ngày càng gia tăng áp lực và có dấu hiệu đang củng cố thêm các đơn vị chính quy để thọc sâu về mạn đồng bằng quận Hương Trà sát sạt Quốc lộ.1. và có thể đánh thẳng vào TP. Huế. Một vùng đỏ như vết mực loang to đùng hiện trên bản đồ hành quân của Sư đoàn.1BB trong phòng TOC. Thật là khó chịu trước mắt những người có trách nhiệm. 

        Tình hình rất nguy cấp. Mặt trận ngoài phía tỉnh Quảng Trị bị dồn ép nặng nề, gần như đã mất cả Sư đoàn.3BB mới thành lập không lâu. Số còn lại đã phải co cụm về lập phòng tuyến mới cố thủ ở phía bờ Nam sông Mỹ Chánh (B). Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đang là Tư Lệnh Vùng.IV Chiến Thuật tức tốc được điều chuyển ra Vùng.I thay cho Tướng Hoàng Xuân Lãm phối hợp cùng hai sư đoàn Dù và TQLC để giải quyết chiến trường. Tướng Ngô Quang Trưởng vốn đã từng là Tư Lệnh Sư Đoàn.1BB nên cũng có rất nhiều kinh nghiệm trên mặt trận rừng núi tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên. Hy vọng sẽ có phương sách giải quyết cho vấn đề chiến sự đang trong lúc dầu sôi lửa bỏng này.

       Trở lại phía Tây Nam Huế thuộc Tỉnh Thừa Thiên. Mặt trận bùng nổ rất khốc liệt. Nhưng chiến sự chủ yếu chỉ xảy ra ở những khu vực núi rừng bám dọc theo trục đường huyết mạch 547 thuộc quận Nam Hòa (1) mà thôi.

       Nam Hòa là một quận lỵ nằm trọn trong vùng rừng rậm núi cao Trường Sơn. Có diện tích khoảng chừng 3.000 cây số vuông. Đại cương về địa giới hành chính như sau: Phía Đông giáp những quận sát biền Thái Bình Dương gồm: Quận Phong Điền; Hương Trà; Hương Thủy và Phú Lộc. Phía Tây giáp nước Lào. Phía Bắc giáp quận Hải Lăng và Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Phía Nam giáp quận Hiếu Đức và Thường Đức tỉnh Quảng Nam (Xem Hình. 1a; 1b). Đây là vùng đất với thảm rừng nhiệt đới bao phủ dày đặc trên các dãy núi có cao độ không đều. Thấp ở phía Đông, tăng dần độ cao về hướng Tây (2) tạo thành rất nhiều khê, rào có giòng chảy khá dốc đổ vào nguồn hai con sông. Sông Bồ và sông Hương. Khí hậu nhiệt đới gió mùa. Khoảng nửa năm đầu nắng nóng, khô hanh. Về những tháng cuối năm có mưa dầm kéo dài khiến lượng nước dâng lên rất nhanh chóng chảy dồn vào các khê, rào đổ về xuôi và thường gây lụt lội cho vùng hạ lưu. Với vùng đất rừng núi hoang sơ nên dân cư rất ít, chủ yếu sống loanh quanh vùng cận sơn hoặc men theo vùng hạ lưu hai con sông lớn là chủ yếu. Nằm giữa sông Hương và sông Bồ. Còn có một con đường bộ mang số hiệu 547 men theo chân các triền đồi thấp chạy suốt từ bến phà Tuần (3) vào đến tận dinh điền A Lưới và vùng biên giới Việt-Lào. Một tuyến giao thông độc đạo cực kỳ quan trọng. Một gạch nối giữa hai miền cận sơn Nam-Bắc sông Hương không rõ được xây dựng từ khi nào. Con đường cũng giúp rất nhiều cho việc giao thương giữa các vùng dinh điền về xuôi cùng chuyện khai thác các loại thổ sản và lâm sản quý do Dòng Thiên An bao thầu một thời gian khá dài. Nói như vậy là đủ hiểu quận Nam Hòa nó quan trọng như thế nào đối với tỉnh Thừa Thiên thuộc Vùng.I Chiến Thuật.

 

    Hình 1a. Quận Nam Hòa. Bản đồ cho thấy diện tích khủng của quận rừng núi này.

(Theo bản đồ Việt Nam. 1:100.000. Bộ 12 tấm. Sheet 6. Xuất bản lần thứ 2. Năm 1963.) 

 

Hình 1b. Quận Nam Hòa. (Nguồn: Flickr)

                                                                           ***

        Khi quân đội Mỹ khi đổ vào Vùng.I Chiến Thuật. Họ gánh trách nhiệm kiểm soát bao quát. Từ vùng cận đồng bằng vào tận vùng rừng sâu núi cao dãy Trường Sơn giáp giới với Lào (4). Về mặt chiến lược. Họ đã cho đặt rất nhiều cứ điểm quân sự rải rác khắp nơi để bảo vệ vùng lãnh thổ mà họ chịu trách nhiệm.

       Về phía Tây Nam Huế. Không kể những căn cứ hậu cần của quân đội Mỹ đặt ở các vùng cận sơn thuộc quận Hương Trà và Phong Điền. Phải nói đến quận Nam Hòa, với địa hình rừng rậm núi cao, nhiều sông suối khá phức tạp rất khó kiểm soát. Lại còn có con  đường mang số 547. Được xem là một trục đường chiến lược rất quan trọng liên thông giữa vùng đồng bằng và vùng dinh điền giáp giới với nước Lào. Do tính đặc thù của nó, nên quân đội Mỹ đã cho thiết lập rất nhiều căn cứ quân sự trên trục đường này. Và được xây dựng theo thứ tự ngoài vào trong gồm: Boyd; Birmingham (Bình Điền); Cứ điểm hỏa lực Bastogne (Phú Xuân; Động Tranh) (5); Zon (Bình Định) và cuối cùng là Vehgel (Tà Lương). Những cứ điểm trọng yếu này là những nút chặn. Mục đích để kiểm soát trục đường 547 và cũng đảm trách thêm nhiệm vụ yểm trợ cho các đồn trại dã chiến nằm chung quanh hoặc cho các đơn vị hành quân dã ngoại trong vùng mà họ chịu trách nhiệm kiểm soát. Trong đó cứ điểm hỏa lực Bastogne. Được xem là đầu não để điều hành và phân phối hỏa lực yểm trợ cho toàn khu vực. Con đường 547 bị xuống cấp trầm trọng do thời tiết và những đoàn xe cơ giới quân sự qua lại thường xuyên mà ít được tu bổ, chỉnh trang nên càng ngày càng thêm tồi tệ, chỉ còn thấy lác đác vài đoạn đường trải nhựa nhưng không còn nguyên vẹn (Xem Hình 01).


                                                         Căn cứ Boyd


Ảnh minh họa 01. Hình ảnh về Căn cứ Boyd trước 1971. (Nguồn: 2ndbde.org)


                                                                
 Căn cứ Birmingham


  

  Ảnh minh họa 02. Căn cứ Birmingham trước năm 1971. (Nguồn 2ndbde.org)

              Căn cứ Birmingham nằm bên phải con đường 547 và rào Bình Điền nhìn từ trên cao.


Căn cứ Bastogne

   



                         Ảnh minh họa 03. căn cứ hỏa lực Bastogne trước 1971. (Nguồn: 2ndbde.org).


                                                                 Căn cứ Checkmate.

 Ảnh minh họa 03bis. Checkmate nhìn từ Bastogne. (Nguồn: 2ndbde.org)

                                                                    Căn cứ Vehgel



                           Ảnh minh họa 04. Căn cứ Vehgel trước năm 1971 (Nguồn: 2ndbde.org)



        Trước khi rút, quân đội Mỹ đã bàn giao toàn bộ các cứ điểm quân sự của họ nằm trong địa bàn hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị cho Sư Đoàn.1 của Quân lực VNCH quản lý. Do vùng lãnh thổ hoạt động quá rộng lớn nên cấp số đơn vị của Sư Đoàn.1 BB có sự khác biệt so với các Sư Đoàn Bộ Binh khác. Thay vì chỉ có cấp số đơn vị là 3 từ Trung Đoàn xuống đến cấp nhỏ nhất là Tiểu Đội. Sư Đoàn.1BB lại có đến 4. Theo tứ tự: Trung Đoàn.1; Trung Đoàn.2; Trung Đoàn.3 và cuối cùng là Trung Đoàn.54.  Được phân bổ như sau: Trung Đoàn. 2/1 chịu trách nhiệm toàn bộ vùng lãnh thổ tỉnh Quảng Trị. Còn Trung Đoàn.1; Trung Đoàn.3 và Trung Đoàn.54 chịu trách nhiệm hoạt động trong tỉnh Thừa Thiên Huế. Cho đến ngày 01 Tháng 10 năm 1971. Trung đoàn.2 của Sư đoàn.1 được Bộ TTM QLVNCH chọn làm lực lượng nòng cốt. Và bổ sung thêm nhiều đơn vị khác để thành lập Sư Đoàn mới. Với tên gọi là Sư Đoàn 3. BB. Và được giao trách nhiệm quản lý toàn bộ địa bàn tỉnh Quảng Trị chứ không chỉ còn riêng mỗi Trung Đoàn.2 như xưa nữa. Cũng kể từ đó địa bàn hoạt động của Sư đoàn.1 BB bị thu hẹp trong vùng lãnh thổ tỉnh Thừa Thiên không có tỉnh Quảng Trị. Sau này (1972) Sư đoàn.1BB sát nhập thêm Trung đoàn.51 Biệt lập hoạt động ở vùng Quảng-Đà vào nên vẫn còn đầy đủ bốn Trung đoàn gồm: Trung đoàn.1/1; 3/1; 51 và 54. Giới tuyến giữa Sư đoàn.3BB và Sư đoàn.1BB là ranh giới giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

      Sau khi nhận vùng hoạt động trong tỉnh Thừa Thiên xong. Sư đoàn.1 BB đã bàn giao lại cho các Trung đoàn trực thuộc: Trung đoàn.1/1; Trung đoàn.3/1 và Trung đoàn.54. Riêng Trung đoàn.51 Biệt lập mới đươc sát nhập đang hoạt động ở vùng Quảng-Đà vẫn được giữ nguyên. Vì không có đủ khí tài lẫn phương tiện yểm trợ dồi dào như của quân đội Mỹ cũng như quân số không đủ để dàn trải nên Sư đoàn.1/BB đã phải chấp nhận cho các Trung đoàn trấn giữ bỏ bớt một loạt đồn trại nằm sâu gần vùng biên giới Lào-Việt (6). Chỉ giữ lại một số cứ điểm trọng yếu mà thôi. Chuyện quân đội Mỹ rút và việc bố phòng rời rạc của Sư đoàn.1 đã để lại một lỗ hổng khá lớn. Tạo điều kiện cho đối phương bành trướng và dành quyền kiểm soát được hầu hết các khu vực rừng núi phía trong sâu đến tận biên giới Lào-Việt.  

       Sự phân vùng hoạt động của Sư đoàn.1BB cho các Trung đoàn theo thứ tự như sau: 

 

              

Hình 01bis. Vùng hoạt động và bố trí quân theo phỏng đoán của hai Trung đoàn 3/1 và 54/1. Trước khi xảy ra trận chiến vùng Tây Nam Huế. Vào mùa Hè năm 1972.


    01 -  Thứ nhất: Trung đoàn.1/1BB. Địa giới quân sự. Vành đai phía Đông giáp QL.1. Phía Bắc giáp Huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị. Phía Nam giáp mạn Bắc sông Bồ. Phía Tây giáp Hạ Lào. BCH Trung đoàn đóng ở căn cứ Hòa Mỹ (Camp Evans) nằm phía Tây-Bắc cầu An Lỗ bắc ngang sông Bồ trên QL.


                            

          Ảnh minh họa 05. Căn cứ Evans (Hòa Mỹ) nhìn từ trên cao (Nguồn: 2ndbde.org)


    02 - Thứ nhì: Trung đoàn.3/1BB. Có địa giới quân sự. Nằm ở phía Nam sông Bồ (Giáp ranh với Trung đoàn.1). Vành đai phía Bắc. Khởi đầu từ dải đồi trọc sát bên Ấp Lai Bằng. Mạn Nam sông Bồ chạy cặp theo ranh giới giữa hai quận Nam Hòa và Hương Trà luồn theo rặng Sơn Đào ra đến mạn Bắc đường 547. Vành đai Đông Tây. Từ mạn Bắc đường 547 lượn dài theo con đường này về hướng Tây đến căn cứ Tà Lương. Vành đai phía Tây Bắc.  Từ căn cứ Tà Lương xuôi theo giòng chảy sông Bồ về hạ lưu đến Ấp Lai Bằng (Xem Hình 01). Hậu cứ Trung đoàn đặt tại Cây số.17. Có tên Hiệp Khánh (Camp Sally). BCH Tiền phương Trung đoàn nằm ở căn cứ An Đô (T-Bone) trên dải núi trọc Hồn Vượn. Nếu đi trên QL.1 ở khu vực Sịa nhìn về hướng Nam sẽ thấy một dải đồi trọc khá cao đứng sừng sững. Đó là dải Hồn Vượn.  



Ảnh minh họa 06. Dải núi trọc Hòn Vượn và căn cứ Sally ở cây số 17 nhìn từ trên cao.


Ảnh minh họa 06bis. Căn cứ Sally trước 1971 (Nguồn: 2ndbde.org. David Bolin)

 

      Các căn cứ do Trung đoàn.3/1BB đảm trách hầu hết đều nằm trong vùng rừng núi. Nếu lấy căn cứ An Đô (T-Bone) làm chuẩn. Đi sâu và xa nhất về hướng Tây-Nam có C/c Hoàng Đế (King) phía Bắc C/c Phú Xuân (Bastogne). Về hướng Tây có C/c Lion trong vùng rừng núi phía Nam sông Bồ. Về hướng Đông-Bắc có C/c Tiger đặt trên đỉnh ngọn đồi trọc Ya Do phía Tây-Bắc núi Hòn Đùn (hay Phượng Hoàng. Cao 433 thước) (Xem Hình 01). Rồi từ những cứ điểm này tung các mũi hoạt động cấp Trung đội hoặc Đại đội đi lục soát chung quanh để duy trì sự hiện diện và bảo vệ chủ quyền trên vùng lãnh thổ đang quản lý. Thỉnh thoảng mới tung ra các cuộc hành quân lục soát cấp Tiểu đoàn mà thôi. Và vào mùa mưa. Thời tiết trong thảm rừng nhiệt đới này rất khắc nghiệt. Sương mù dày đặc và những trận mưa rừng kéo dài đến hàng tháng, khiến nước ở các sông suối dâng cao, chảy xiết gây rất nhiều trở ngại cho chuyện di chuyển, tiếp vận. Có những lúc các đơn vị hành quân dã ngoại phải chịu đói cả tuần do không thể nhận tiếp tế được. Vì vậy nên các đơn vị có phần co lại, loanh quanh ngoài rìa không dám tiến vào vùng quá sâu để tránh bớt rủi ro. Còn về phía đối phương. Họ tận dụng mùa mưa. Lấy đó làm lợi thế để chuyển quân, dự trữ lương thực, vũ khí chuẩn bị cho các trận đánh khi mùa Hè đến. Cho nên chiến sự ở Vùng.I Chiến thuật thường bùng nổ lớn vào mùa Hè là vậy.  


     03 - Thứ ba: Trung đoàn.54/1BB. Có địa giới. Phía Bắc nằm suốt trên con đường 547. Chạy từ phà Tuần vào đến Tà lương. Đông-Bắc giáp giới quận Hương Thủy và Phú Lộc. Nam giáp Quận Thường Đức tỉnh Quảng Nam. Tây giáp Hạ Lào. BCH Trung đoàn 54 đặt ở căn cứ Bình Điền (Birmingham) nằm bên trục đường 547. Và phân bổ hai Tiểu đoàn bung ra trấn giữ một số cao điểm trọng yếu. Trong đó có ngọn Núi Kê (Cao 618 thước) ở vùng giữa Tả trạch và Hữu trạch sông Hương (trên đỉnh có những tảng đá rất lớn nằm chồng lên nhau đứng trên cầu Tuần có thể nhìn thấy rất rõ). BCH Nhẹ đặt tại căn cứ Bastogne cùng với hai Tiểu đoàn tung quân bố trí vào các cao điểm chung quanh như: Động Chúc Mao (7). Cao điểm Checkmate và dải núi Kim Quy. Dải núi này cũng là vùng xa nhất về hướng Tây mà Trung đoàn 54 phụ trách. Trên trục đường 547 ngoài căn cứ Bình Điền đẩy xa về phía Tây còn có tiền đồn 342 (Checkmate) và căn cứ Bastogne nằm song song kẹp lấy con đường 547 vào giữa. Mục đích để kiểm soát mạch đường từ trong vùng sâu giáp giới với nước Lào đi ra vùng đồng bằng. 


     Ảnh minh họa 07. Căn cứ Birmingham (Nguồn: 2ndbde.org)


   Địa giới quân sự giữa Trung đoàn.3/1 và Trung đoàn.54 là trục đường 547. (Xem Hình 01).


      04 - Thứ tư: Trung đoàn 51 Biệt lập mới được sát nhập năm 1972 vẫn giữ nguyên vùng hoạt động ở Quảng-Đà. Không thay đổi.

 

 

            I – CHIẾN DỊCH TẢO THANH CỦA TRUNG ĐOÀN 3/1. MÙA HÈ 1972.


         Vào đầu năm 1972 Tây lịch. Nhận được tin đối phương đang chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn vào phía Tây Nam Huế ở vùng quận Nam Hòa trong mùa Hè này. Nên Sư đoàn 1.BB chỉ thị cho Trung đoàn.3/1 và Trung đoàn 54 kết hợp mở chiến dịch tảo thanh với quy mô cấp Lữ đoàn cặp theo trục đường 547 thọc sâu vào vùng rừng núi chung quanh và phát triển về phía Tây.

        Trung đoàn.3/1 được chọn làm lực lượng nòng cốt của chiến dịch. Đồng thời liên kết với hai Tiểu đoàn của Trung đoàn.54 đang trú đóng ở căn cứ Bastogne (Phú Xuân) và những cao điểm chung quanh ngọn Checkmate (còn gọi là đỉnh 342) ở mạn Nam đường 547. Hai Tiểu đoàn của Trung đoàn 54 này làm hậu thuẫn hỗ trợ mặt sau để cho Trung đoàn 3/1 yên tâm mở cuộc tiến công về phía trước.


    Theo hoạch định của Trung Tâm Hành Quân Trung đoàn.3/1. 

     Với ba Tiểu đoàn tác chiến. 1/3, 2/3 và 3/3. Sẽ phân làm hai cánh song song tiến sâu về hướng Tây. Lấy trục đường 547 làm ranh giới hành quân (Xem Hình 02). 


       1 - Cánh thứ nhất. Do hai Tiểu đoàn.1/3 và 2/3 chịu trách nhiệm lục soát mạn Nam đường 547. Và được phân công như sau:

·       Tiểu đoàn.2/3 sẽ là mũi tiến công chủ lực. Hiện đang hoạt động trong vùng thung lũng động tranh 68 được kéo về hậu cứ Hiệp Khánh (Sally) để bổ sung, chỉnh đốn lại đơn vị. Sau đó được xa vận từ hậu cứ Hiệp Khánh vào căn cứ Bình Định và Kim Quy (8) thay thế cho các đơn vị thuộc Trung đoàn 54, rồi nằm chờ Tiểu đoàn.1/3 đến thay thế. Sau khi hoán đổi với Tiểu đoàn.1/3 xong. Tiểu đoàn.2/3 rời khỏi căn cứ Bình Định và Kim Quy mở các mũi lục soát cấp Đại đội vào khu vực chung quanh Động Cù Mông, rồi phát triển sâu về phía Động A Vo. Sau đó vượt Rào Nai và đường 547 để tiến dần vào vạt rừng núi A Tây gần vùng dinh điền A Lưới. Như theo kế hoạch đã dự kiến…


  Ảnh minh họa 08. Xe GMC. Phương tiện chuyển quân chủ yếu sau khi quân đội Mỹ rút.
(Nguồn: Cleanpng).


Ảnh minh họa 09. Trực thăng vận tải Chinook của Mỹ. (Nguồn: Philadelphia Inquirer) 
Trước năm 1972. Mỗi khi quân đội VNCH có đợt di chuyển vào các căn cứ trong vùng sâu và xa. Quân đội Mỹ thường dùng loại Chinook này để hỗ trợ. Mỗi chiếc có thể chở khoảng một Trung đội trang bị đầy đủ.

·     Tiểu đoàn.1/3 đang hoạt động ở vùng căn cứ Hoàng Đế. Sẽ chờ Tiểu đoàn.4/3 đưa quân vào thay. Rồi được chỉnh đốn, bổ sung đơn vị ngay tại chỗ. Sau đó di chuyển bằng xa vận đến căn cứ Bình Định và đặt BCH Tiểu đoàn tại đây thay cho Tiểu đoàn.2/3. Đồng thời đưa BCH nhẹ Tiểu đoàn.1/3 lên căn cứ Kim Quy và rải các Đại đội vào thay thế cho một số đơn vị của Trung đoàn.54 ở các cao điểm chung quanh. Tiếp tục làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh khu vực, kiểm soát con đường 547. Vừa tạo thế liên hoàn, hậu thuẫn mặt sau cho Tiểu đoàn.2/3 ở phía tiền tuyến.  

      2 - Cánh thứ nhì. Tiểu đoàn.3/3 có nhiệm vụ tảo thanh mạn Bắc đường 547. Hiện đang dưỡng quân ở vùng đồi trọc dưới chân núi Thế Đại. Sau khi kiện toàn đơn vị. Tiểu đoàn.3/3. Cũng được xa vận theo đường 547 đến vùng động tranh phía Đông Bắc Bastogne. Rồi theo con đường mòn do công binh Mỹ mới làm băng qua C/c Hoàng Đế (King) lên dãy Không Tên (Xem hình 05) đổ về phía sau lưng dãy Mày Nhà, phía Tây Bắc cứ điểm hỏa lục Bastogne. Tiến hành lục soát quanh vùng rừng núi này vào tận căn cứ Tà Lương (Vehgel). Tiến hành song song với cánh thứ nhất. Đây cũng là cách giữ an ninh mặt hông phải cho 02 Tiểu đoàn.1/3 và 2/3. (Xem Hình 02).

     Còn lại Tiểu đoàn.4/3 làm lực lượng trừ bị (9). BCH Tiểu đoàn.4 và Đại đội chỉ huy vào trú tại căn cứ An Đô (T-Bone), bảo vệ cho Bộ Chỉ Huy Tiền phương Trung Đoàn.3/1BB. Các Đại đội còn lại rải vào các tiền đồn chung quanh căn cứ An Đô. Về phía Tây Tây Nam có căn cứ Lion. Phía Đông Bắc có căn cứ Tiger. Sâu nhất là căn cứ Hoàng Đế (King) nằm ở phía Nam Tây Nam. (Xem Hình 01bis).                                                                     

 

     II – CỤC DIỆN PHÍA TÂY NAM HUẾ DẪN ĐẾN THẤT THỦ BASTOGNE.


                               A / Về hoạt động của cánh thứ nhì. Tiểu Đoàn.3/3.

        Ngay vào giữa Tháng 01/1972. Tiểu đoàn 3/3 triển khai cuộc hành quân theo lệnh Trung đoàn.3/1. Khi vào tuyến xuất phát nơi dải Không Tên. Tiểu đoàn.3/3 tách ra làm hai mũi cùng phát triển về hướng Tây. Đại đội.3/3. Đi riêng một mũi, hoạt động mé bên phải của Tiểu đoàn. Mũi còn lại là Tiểu đoàn trừ. Gồm Đại đội 1; 2 và Chỉ Huy. Bắt tay với Đại đội.3/3. Cùng nhau căng ngang tiến hành lục soát các cao điểm quan trọng trong khu vực này. Rồi di chuyển tiến vào vùng động Chi Vôi, An Hô. Điểm cuối là C/c Tà Lương (Vehgel) nằm chắn ngay trên đường 547, đã bỏ phế từ khi quân đội Mỹ rút.


Hình 02. Cuộc chiến mùa Hè 1972. Mặt trận phía Tây Nam Huế. Giai đoạn I. Vào đầu Tháng 01/1972. Trung đoàn.3/1. Mở chiến dịch tảo thanh mùa Hè với hai cánh tiến hành song song cặp theo trục đường 547 tiến về hướng Tây.  


      Cuộc hành quân lục soát của Tiểu đoàn.3/3 diễn ra liên tục trong hơn một tháng mà không phát hiện ra điều gì đặc biệt ngoài hai lần tao ngộ chiến trong lúc di chuyển.

·       Lần thứ nhất. Về phía Đại đội.3/3. Chỉ có một lần chạm súng trong phút chốc khi đang trên đường di chuyển đến cụm đồi hướng Tây-Nam có cao độ 400. Chiến lợi phẩm do đối phương bỏ lại nơi hiện trường là một sợi dây TAB có đính cái bi đông nước của Trung Quốc.

·       Lần thứ nhì. Bên cánh Tiểu Đoàn. Cũng đã xảy ra một chuyện tao ngộ chiến khá bất ngờ và hy hữu. Vào một buổi sáng hôm đó. Trong lúc cả Tiểu Đoàn đang trên đường di chuyển. Đối phương có lẽ đã bám đuôi từ lâu. Vác ngay khẩu cối 61.ly cùng một ít đạn lên ngọn đồi phía sau lưng mà Tiểu Đoàn vừa đi qua tính bắn tập hậu. Không ngờ khi đó có một Trung đội thuộc Đại Đội.2. Vì lý do nấu ăn muộn nên đã ở lại di chuyển sau. Đúng lúc đối phương đang loay hoay đặt súng để bắn. Trung đội của Đại Đội.2 cũng vừa trờ tới. Thấy vậy liền nổ súng tấn công khiến đối phương bị bất ngờ, hốt hoảng tháo chạy vất lại khẩu cối 61 ly và đạn. Ngoài hai chuyện trên, không còn thấy thấy dấu vết gì khác ngoài một số con đường mòn đã cũ, ít sử dụng.

                                                                               *

        Thời điểm gần cuối tháng 2/1972. Sau hơn một tháng trèo đèo vượt suối băng ngàn. Khi đang tiến vào khu vực núi có cao độ 400. Cách C/c Bastogne hơn chục cây số đường chim bay về hướng Tây thì Tiểu đoàn.3/3 nhận được lệnh từ Trung đoàn.3/1, phải tức tốc rời khỏi vùng rừng núi đang hoạt động đi thẳng ra đường 547, nhanh chóng đưa BCH Tiểu đoàn vào căn cứ Bình Định (Zon) thay cho Tiểu đoàn.2/3 cùng một số vị trí cao điểm chung quanh. Đảm trách nhiệm vụ kiểm soát trục đường 547. Đồng thời hỗ trợ mặt sau mặt sau cho Tiểu đoàn.1/3 đang trong tình huống cực kỳ cấp bách vì phải điều quân lên tiếp ứng cho BCH Nhẹ và trám quân gấp vào những cao điểm trọng yếu chung quanh cũng như phía trước căn cứ Kim Quy để duy trì chiến tuyến. Cũng là để bảo vệ căn cứ, vừa ngăn chặn đối phương đang trên đà lấn chiếm mạnh mẽ sau khi Tiểu đoàn.2/3 bị đánh bật khỏi khu vực động Cù Mông.

      Về phần Đại đội.3/3. Đã tách hẳn với Tiểu đoàn làm mũi riêng ngay từ khi mở chiến dịch, cũng nhận được lệnh rời vùng cao điểm 400 tụt xuống di chuyển dọc theo con đường 547 về hướng Tây, đột nhập vào căn cứ bỏ hoang Tà Lương (Vehgel) để thăm dò tình hình. Sau một thời gian lục soát không thấy có dấu vết gì. Ngoài những những căn hầm đã hoàn toàn đổ nát, không nóc trơ những vách chất từng lớp bao cát mục rã te tua lòi đất bạc phếch vì mưa nắng. Một thứ còn lại cho thấy các đơn vị của Mỹ đã cho phá hủy trước khi rút đi… Sau khi hoàn tất việc lục soát, Đại đội.3/3 được lệnh nằm im tại chỗ. Đến gần xế chiều mới nhận được lệnh rời khỏi căn cứ Tà Lương (Vehgel) và đi quay ngược lại đánh vòng qua mạn Nam trục đường 547. Men theo triền núi lên bám vào con đường mòn phía sau lưng căn cứ Kim Quy và cho rải quân làm cầu tiếp vận từ đường 547 lên căn cứ. Sớm hôm sau được tăng phái lên trám vào tuyến phòng thủ trên căn cứ Kim Quy để cho Tiểu đoàn.1/3 có điều kiện rút bớt quân đưa ra ngoài tuyến đầu hỗ trợ cuốc tấn công vào đối phương đang giằng co một số cao điểm trên dãy Động Cù Mông.




Hình 2bis. Vùng hoạt động của các Tiểu đoàn 1/3 & 2/3 trên Kim Qui – Cù Mông.
Tiểu đoàn 3/3. phía Bắc trục đường 547.
                                           (Theo bản đồ Ấp Lai Bằng. 1:50.000)  


                             B / Về hoạt động của cánh thứ nhất. Tiểu Đoàn.1/3 và 2/3.

          Theo như kế hoạch hành quân của Trung đoàn.3/1. Hai Tiểu đoàn.1/3 và 2/3. Cùng chịu trách nhiệm vực rừng núi mạn Nam đường 547. Từ C/c Bình Định (Zon) đổ về hướng Tây-Nam vào vùng Động A Vo và tiến sâu hơn nữa vào vùng Động My Lô; A Tây Luật và A Tây.

      Thời điểm khoảng đầu tháng 01/1972. Các Tiểu đoàn đã triển khai theo kế hoạch.

·       Tiểu đoàn.2/3. Được lệnh chuyển quân trám vào căn cứ Bình Định và một số cao điểm chung quanh thay cho Trung đoàn.54. Rồi nằm chờ Tiểu đoàn.1/3 vào thay.  

·       Tiểu đoàn.1/3. Sau khi kiện toàn đơn vị xong. Cấp thời đưa quân vào thế chỗ cho Tiểu đoàn.2/3. Đặt BCH Tiểu đoàn tại C/c Bình Định (Zon). Điều BCH Nhẹ lên C/c Kim Quy, đồng thời cho bố trí quân vào các cao điểm trọng yếu chung quanh và phối hợp với Trung đoàn.54 đang trú đóng ở gần hai căn cứ này, tạo thế liên kết ở mạn Nam đường 547. Nói chung Tiểu đoàn.1/3 có nhiệm vụ kiểm soát con đường 547 và hỗ trợ mặt sau cho Tiểu đoàn.2/3.

      Tình hình chiến sự ở khu vực chung quanh căn cứ Bình Định (Zon) vào thời điểm đầu Tháng 01 đến cuối Tháng 3/1972 tương đối ổn định. Nhất là trục đường 547, không thấy có dấu hiệu hoạt động gì của đối phương.

                                                                  *

Tiểu đoàn.2/3. Sau khi được Tiểu đoàn.1/3 vào thay thế xong. Đưa quân vượt qua C/c Kim Quy. Tiến vào đặt bản doanh Tiểu đoàn tại đỉnh Động Cù Mông. Rồi đưa các Đại đội mở các mũi lục soát tiến sâu về những vùng chung quanh.

       Cuộc hành quân lục soát của Tiểu đoàn.2/3 rất suôn sẻ trong vòng hơn vài tuần lễ đầu. Sau đó bắt đầu chạm địch. Mới đầu còn nhẹ, dần dần về sau càng lúc càng nặng. Đối phương mở các mũi tập kích đều khắp vào các vị trí đóng quân của Tiểu đoàn.2/3 nằm trong sâu rất cấp tập. Mặc dù Tiểu đoàn.2/3 đã mở rất nhiều đợt phản kích dưới sự yểm trợ mạnh mẽ của pháo binh và phi pháo đánh phá dồn dập, liên tục vào các vị trí của đối phương mà cũng không thể tháo gỡ được những nút thắt này.   

        Thời điểm gần cuối Tháng 02/1972. Chiến sự xoay chuyển càng lúc càng trở nên dữ dội. Các cuộc phản công của đối phương càng ngày càng nhiều và manh động hơn. Họ không còn bám chốt chịu trận mà bắt đầu đẩy mạnh những mũi đột kích đều khắp vào các vị trí riêng lẻ của Tiểu đoàn.2/3 quanh Động Cù Mông và đánh thẳng vào BCH Tiểu đoàn.2/3 đã khiến cho Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn.2/3 là Trung Tá Hoàng Mão bị thương. Chịu không nổi áp lực và không có người chỉ huy. Như rắn mất đầu Tiểu Đoàn.2/3 đành phải rút khỏi Động Cù Mông.

                                                                       *

      Sự việc Tiểu đoàn.2/3 bất ngờ phải di tản chiến thuật trước đà tiến công quá mạnh mẽ của đối phương khiến tình hình mặt trận Kim Quy-Cù Mông trở nên hết sức nghiêm trọng, có thể dẫn đến chuyện vỡ trận.

      Để đối phó với tình huống hết sức nguy ngập đang xảy ra trước mắt. Ban Tham Mưu Hành Quân của Trung Đoàn.3/1 buộc phải thay đổi kế hoạch ban đầu. Tất cả những đơn vị còn lại của Tiểu đoàn.2/3 được cho gom lại. Tạm thời trám vào căn cứ Bình Định (Zon) để Tiểu đoàn.1/3 rảnh tay cấp tốc chuyển hết lên căn cứ Kim Quy, dốc toàn lực tăng cường cho các vị trí trọng yếu ở tuyến đầu đang trực diện với đối phương ở quanh vùng rừng núi động Cù Mông. Đồng thời Trung đoàn.3/1 cũng điều chuyển gấp Tiểu đoàn.3/3 đang hành quân ở gần đó trám vào căn cứ Bình Định để Tiểu đoàn.2/3 đang trong giai đoạn thất bát được rút về thay thế vùng hoạt động của Tiểu đoàn.4/3 ở quanh căn cứ T- Bone. Vừa chỉnh đốn lại đơn vị. Vừa trở thành lực lượng trừ bị. Rồi Trung đoàn.3/1 cũng nhanh chóng điều chuyển Tiểu đoàn.4/3 vào căn cứ Bình Định thay cho Tiểu đoàn.3/3.

                                                                        *  

     Vào cuối Tháng 2/1972. Về phía Tiểu đoàn.1/3. Sau khi đưa quân vào trấn giữ các vị trí trọng yếu chung quanh căn cứ Kim Quy xong đã cho mở nhiều mũi phản kích về phía Động Cù Mông dưới sự yểm trợ hỏa lực pháo binh, phi pháo rất dồi dào mạnh mẽ, thậm chí còn được bổ sung thêm một số phi vụ B.52 trút cả hàng trăm tấn bom vào các vùng sâu để triệt phá lực lượng hậu cần của đối phương. Nhưng Tiểu đoàn.1/3 vẫn không thể phá vỡ được hệ thống kiềng chốt của đối phương càng lúc càng bung rộng, áp sát vây quanh căn cứ Kim Quy. Không những thế. Đối phương tiếp tục mở các mũi tấn công đánh mạnh và quyết liệt vào nhiều vị trí trọng yếu cùng một lúc. Khiến cho cả Tiểu đoàn.1/3 phải căng sức ra chống đỡ. Cố bám trụ giữ từng thước đất trên dãy Kim Quy.

       Cuộc giằng co giữa đôi bên kéo dài đến cả tháng trời mà vẫn chưa ngã ngũ ra sao. Tiểu đoàn.1/3 vẫn lùng bùng không thể xoay chuyển được cục diện. Dẫn đến chuyện lính bị thương vong mỗi ngày một nhiều. Quân số thiếu hụt một cách đáng lo ngại.

       Chuyện chiến sự mỗi ngày một gia tăng. Rồi lính thương vong của Tiểu đoàn.1/3 càng lúc càng nhiều. Điều này cũng khiến cho Tiểu đoàn.3/3 ở phía sau vô cùng vất vả về chuyện tải thương, cõng tiếp tế đạn dược cùng nhu yếu phẩm liên tục lên cho Tiểu đoàn.1/3 ở phía trước. Mặc dù mặt trận Cù Mông-Kim Quy sôi động như vậy, nhưng tình hình chung quanh căn cứ Bình Định lẫn trục đường 547 vẫn yên tĩnh, không thấy có một chút dấu hiệu hoạt động nào của đối phương.


                     C / Phía Tây Nam Huế vào những giây phút sau cùng.

         Trở lại thời điểm gần cuối Tháng 2/1972 sau khi Tiểu đoàn.2/3 thất thủ. Đối phương không ngừng mở nhiều mũi tấn kích vào các vị trí quanh căn cứ Kim Quy. Khiến phòng tuyến của Tiểu đoàn.1/3 có phần nao núng trước áp lực quá mạnh của đối phương. Về phía Sư đoàn.1BB nhận thấy càng ngày tình hình chiến sự vùng Kim Quy-Cù Mông càng trở nên tồi tệ có thể bị đổ vỡ bất cứ lúc nào. Nên đã quyết định tăng cường cho Trung Đoàn.3/1 thêm hai chi đoàn Thiết kỵ. Bao gồm tăng M.41, thiết vận xa M.113 và lực lượng chống tăng có gắn hỏa tiễn TOW trên xe Jeep để củng cố cho phòng tuyến Kim Quy-Bình Định, yểm trợ mặt sau cho Tiểu đoàn.1/3. Cũng như đề phòng chuyện đối phương thừa thắng, lợi dụng tuyến đường 547 đưa xe tăng từ phía Tà Lương xâm nhập vào vùng thung lũng động tranh Bastogne gây áp lực về Thành phố Huế. Tất cả những đơn vị tăng phái này sẽ phối hợp cùng Tiểu đoàn.4/3. Dưới sự điều khiển của Trung đoàn.3/1 theo trục đường 547 thẳng tiến tận căn cứ Bình Định (Zon) thay cho Tiểu đoàn.3/3. Và bắt tay với Tiểu đoàn.1/3 tiếp tục chiến đấu, quyết giữ cho bằng được phòng tuyến nằm sâu trong vùng Tây Nam Huế trước đà lấn chiếm ồ ạt của đối phương. 

      Thực sự ra việc Trung đoàn.3/1 phải đẩy nốt Tiểu đoàn.4/3 vào cũng là điều hợp lý. Vì từ khi Trung Đoàn.3/1 mở chiến dịch Tây tiến đến giờ đã gần hai tháng. Tiểu đoàn.4/3 vẫn còn nằm im ở phía sau chưa tham chiến nên lực lượng vẫn còn toàn vẹn. Trong khi Tiểu đoàn.2/3 bị thiệt hại khá nặng phải triệt thoái đã để lại một lỗ hổng khá lớn buộc phải có lực lượng trám vào không thể bỏ trống. Kết lại. Tiểu đoàn.2/3 được cho lui về phía sau kiện toàn lại đơn vị. Trở thành lực lượng trừ bị có nhiệm vụ bảo vệ căn cứ An Đô (T-Bone) và vùng địa giới của Trung đoàn ở chung quanh dải núi Hồn Vượn thay cho Tiểu đoàn.4/3 đã được điều ra tiền tuyến. 


                                                                          *

Ảnh minh họa 10. Hỏa tiễn chống tăng TOW gắn trên xe Jeep. (Nguồn: Wikipedia)

Ảnh minh họa 11. Một số phiên bản đạn hỏa tiễn TOW. (Nguồn: Vietnam.net)


           Cũng ở vào thời điểm gần cuối Tháng 2. Sau khi bàn giao căn cứ Bình Định (Zon) cho Tiểu đoàn.4/3 xong. Toàn bộ Tiểu đoàn.3/3 chuyển về tuyến sau, bố phòng tại vùng căn cứ Hoàng Đế (246). Vừa để bảo vệ mặt Nam cho căn cứ T-Bone của Trung đoàn. Vừa nghỉ ngơi, chỉnh đốn lại đơn vị sau một thời gian dài hành quân mà chưa có thời gian kiện toàn. Do phòng tuyến trong căn cứ Hoàng Đế khá rộng nên BCH Tiểu đoàn phải tăng cường thêm Đại đội.3/3 trừ vào nằm trong căn cứ phụ lực với Đạị đội Chỉ huy. Và Đại đội.3/3 chịu trách nhiệm đưa hai Trung đội ra bên ngoài làm tiền đồn, đóng tại rẻo núi nằm ở mạn Nam làm tai mắt cho căn cứ. Rẻo núi này với thế đất liên hoàn có triền đổ về ba hướng. Triền hướng Bắc chạy thông về căn cứ. Triền hướng Tây-Bắc nằm song song với căn cứ và chạy dài về vùng thung lũng có thảm thực vật rất rậm rạp, lại nhiều thông thủy tạo thành giòng chảy đổ vào sông Bồ. Triền hướng Tây-Nam ăn thông qua dải Không Tên.

      Phải nói là rẻo núi phía Nam căn cứ Hoàng Đế này rất quan trọng. Nó giống như bức bình phong án ngữ ở mặt Tây-Nam cho căn cứ Hoàng Đế. Do địa thế lợi hại như lá chắn. Nhưng lại có triền phát triển về ba hướng nên những đơn vị trú phòng trong căn cứ luôn cho đặt một cái chốt cấp Trung đội ngay trên đỉnh để làm tai mắt vừa làm chốt báo động và được gọi là “chốt ngã ba”. Ngoài triền phát triển về hướng Bắc vào căn cứ. Triền phía Đông và phía Tây chỉ là những lài nhỏ thấp, bị vị trí  “chốt ngã ba” khống chế nên không đáng ngại gì mấy. Chỉ có triền hướng Tây-Nam ăn thông lên dải Không Tên là quan trọng hơn cả. Bởi vì nó có một con đường mòn khá lớn. Do các đơn vị thuộc Trung đoàn.3/1 thường sử dụng làm tuyến đường đi vào vùng núi Mày Nhà mỗi khi hành quân. Chính vì hiểu được tính chất quan trọng như thế, lại đang trong thời kỳ chiến sự xảy ra khốc liệt nên khi được lệnh cho đặt chốt tại đây, Đại đội.3/3 đã cho bố trí chốt tiền đồn kép nằm liền kể trước, sau trên trục đường này, Chứ không dặt chốt đơn như mọi khi. Chốt thứ nhất là Trung đội.2/3 được đặt tại mỏm núi trung tâm ngã ba. Chốt thứ nhì là Trung đội.4 được đặt ở mỏm núi thấp hơn trước mặt Trung đội.2. Hai chốt cách nhau khoảng chừng 200 mét bản đồ. Mục đích đề phòng đối phương đưa quân từ dải Không Tên đánh tràn xuống (Xem Hình. 04bis).

      Còn hai Đại đội.1/3 và 2/3 được phân bố đi dã ngoại tản rộng vào vùng đồi núi dưới chân căn cứ và kiểm soát con đường đất mới làm dẫn ra đường 547. Vừa giữ an ninh vòng ngoài và giữ điểm nước sống còn cho toàn căn cứ.


                                                                    ***

        Sau gần hai tháng vật vã quần thảo. Chiến dịch hành quân lục soát ngăn chặn của Trung Đoàn.3/1 đã có phần đuối sức. Hiện chỉ còn duy nhất mỗi Tiểu đoàn.1/3 đang phải gồng mình chống chọi trước áp lực tấn kích mạnh mẽ của đối phương ở mặt trận trên vùng núi cao Kim Quy-Cù Mông. Có lẽ đối phương cũng đã nhận thấy được sự suy sụp này. Nên càng gia sức vây đánh rất rát. Khiến cho Tiểu đoàn.1/3 cứ mất dần mòn các vị trí bố phòng đến mức phải co cụm lại, cố gồng mình chống đỡ một cách yếu ớt. Trong khi Tiểu đoàn.4/3 ở mặt sau với lực lượng khá hùng hậu cũng không thể cứu ứng vì phải căng mình ra bảo vệ trục đường 547 không dám rời bỏ. Cục diện vùng sâu phía Tây Nam Huế cũng vì thế mà đã có sự thay đổi nhanh chóng.

      Vào khoảng quá giữa tháng 4/1972. Tiểu đoàn.1 của Trung đoàn.3/1 BB. Bị đánh bật khỏi cứ điểm Kim Quy. Tiếp đến là những đơn vị trực thuộc bố phòng rải rác trên những đỉnh núi giáp giới với một số cao điểm của Trung Đoàn.54 đảm trách, nằm quanh căn cứ Kim Quy có triền liên thông với rặng núi Đèo Sơn Na ở hướng Đông ngay phía sau lưng cao điểm 342 (Checkmate) cũng bị mất vào tay đối phương.

       Sự thoái lui quá nhanh của toàn Tiểu Đoàn.1/3. Cùng một số chốt của Trung đoàn.54. Khiến cho Tiểu Đoàn.4/3 và hai chi đội Thiết giáp ở căn cứ Bình Định rơi vào thế bí. Không những nằm trong vùng đất trũng giống như cái đáy vó đầy bất lợi. Lại không còn một lực lượng nào khác chung quanh hỗ trợ, bị cô lập hoàn toàn trong vòng vây của đối phương. Cục diện phía Tây cứ điểm Bastogne trở nên thập phần nguy ngập. Có nguy cơ mất trắng cả Tiểu đoàn.4/3 cùng mấy chi đội Thiết giáp. Nhắm chừng không ổn. Trung đoàn.3/1 đành phải ra lệnh cho Tiểu đoàn.4/3 và chi đoàn thiết vận xa rút lui khẩn cấp về căn cứ Bastogne để bảo toàn lực lượng, đồng thời lấy đó làm nút chặn đà tiến của đối phương.

         Cuộc di tản chiến thuật của cả một đoàn quân rầm rộ trơ trọi lại quá lộ liễu giữa thanh thiên bạch nhật, kéo dài cả hàng cây số trên con đường độc đạo 547 mà không có một lực lượng nào khác phối hợp hay yểm trợ quả là một sự quá liều lĩnh hoặc giả gặp bước đường cùng không còn phương sách nào khác. Đối phương nắm được tình hình đã chọn đoạn đường hẹp, hiểm trở nằm giữa căn cứ Bình Định (Zon) và Bastogne để phục kích. Lực lượng mai phục đã cho dàn quân nằm bám dọc trên sườn núi, nơi mà cung đường khá quanh co vừa vượt qua khe cạn lại có độ dốc lớn. Đã vậy một bên là vách núi dựng đứng. Bên kia là vực sâu thăm thẳm khiến cho các phương tiện cơ giới rất khó xoay trở và đối phó. Kể cả đơn vị bộ binh cũng phải bó tay trước địa hình bất lợi này. 


Ảnh minh họa 12. Đoạn đường hẹp độc đao một bên là vưc sâu một bên là vách núi.

                                                                                                (Nguồn: 2ndbde.org)



        Ban đầu đối phương đã thả lỏng cho chiếc M.113 làm nhiệm vụ mở đường chạy thoát về đến Bastogne để đợi miếng mồi lớn hơn là Tiểu đoàn.4/3 và đoàn Thiết Kỵ chui vào rọ. Trận phục kích mở màn khi chiếc thiết giáp M.113 cuối cùng vừa vượt qua khỏi con suối cạn (10) chuẩn bị leo dốc vào khúc quanh cùi chỏ đầu tiên thì bị tấn công bằng B.41 bốc cháy nằm tại chỗ. Và chiếc M.113 đi đầu cũng cùng chung số phận vào cùng thời điểm mà đối phương khai hỏa vào chiếc M.113 cuối cùng. Một ám hiệu cho trận đánh bắt đầu khai cuộc.

 
Ảnh minh họa 13. Thiết giáp N113 và xe tăng M.41.(Nguồn RC. Tank Warfar) 

       Cả đoàn thiết giáp M.113 và Tăng M.41 bị rơi vào thế bị khóa đầu, khóa đuôi. Hỏa lực mạnh mẽ trên những chiếc tăng và thiết giáp trở nên vô dụng vì vướng vách núi cao. Xe cũng không thể xoay trở hỗ trợ cho nhau được khi ở địa thế hẹp, dốc lại độc đạo đành nằm trơ làm bia cho các loạt đạn B.40. B.41 của đối phương trút vào. Toàn bộ tăng và thiết giáp bị hủy diệt không còn lấy một chiếc (11) trên đoạn đường ngót nghét cây số ngàn. Riêng lính của Tiểu đoàn.4/3 tùng thiếc, mặc dầu đã có phòng bị cẩn thận. Nhưng do bị phục kích ở địa thế hiểm trở khắc nghiệt và hỏa lực đối phương quá mạnh lại từ trên cao trút xuống khiến họ hết phương chống đỡ, phải lãnh lấy sự tổn thất rất nặng về nhân mạng. Toàn bộ những người lính sống sót của Thiết giáp và Tiểu đoàn.4/3. Không còn cách nào khác là phải bung khỏi con đường 547, tuột dốc men theo con suối chạy vượt qua Bastogne đào thoát về tận căn cứ Bình Điền (Birmingham). (12). (Xem Hình.03).



Ảnh minh họa 13bis. Xe M113 và tăng M.41 bị trúng đạn (Nguồn: Battlecry) 

 

      Sự việc di tản của Tiểu đoàn.4/3 và thiết giáp bị đối phương phục kích đánh cho tan tác xảy ra trước mắt khiến hai Tiểu đoàn của Trung đoàn.54.BB đang đồn trú ở căn cứ Bastogne, ngọn 342 (Checkmate) và các cao điểm phụ cận chung quanh càng thêm phần lo lắng. Vì từ giờ phút này họ đã trở thành tuyến đầu, trực diện với đối phương chứ không còn là lực lượng hỗ trợ mặt sau như từ đầu chiến dịch đến giờ nữa.


                                                                       ***  


Hình 03. Cuộc chiến mùa Hè năm 1972. Mặt trận phía Tây Nam Huế. Giai đoạn II. Toàn bộ hai Trung đoàn.3/3 và Trung đoàn.54 bị đẩy lùi về hướng Đông đến tận rặng núi Sơn Đào và  C/c Birmingham.

        Riêng về phía đối phương. Tận dụng tình hình các đơn vị của Trung đoàn. 54 ở quanh căn cứ Bastogne còn đang hoang mang khi thấy phòng tuyến Kim Quy-Bình Định của Trung đoàn.3/1 ở phía trước đã bị xé thủng. Họ đã thừa thắng xông lên, tung quân áp sát và mở nhiều mũi đánh quyết liệt vào các vị trí của Trung đoàn.54 vẫn còn bám trụ ở những cao điểm chung quanh căn cứ Bastogne; Checkmate và đường 547. Dẫu vậy! Các đơn vị của Trung đoàn.54 vẫn ra sức kháng cự quyết liệt. Nhưng rồi cũng không thể cầm cự được lâu vì quân số dần bị hao hụt do thương vong, lương thực lẫn đạn dược cũng cạn kiệt dần, bổ sung và tiếp tế không kịp. Hai đường tiếp tế chính cho khu vực này là đường bộ và trực thăng vận. Đã bị đối phương ngăn chặn quyết liệt bằng mìn bẫy, phục kích và súng phòng không 12ly7. Đã thế nguồn nước sống còn bị đối phương khống chế hoàn toàn. Căn cứ Tiền phương của Trung đoàn.54 ở Bastogne và cao điểm 342 cũng không yên, thường xuyên bị cối hạng nặng 130.ly, hỏa tiễn 122.ly từ trong vùng Tà Lương bắn ra bất kể ngày đêm khiến tinh thần binh lính các cấp sa sút nghiêm trọng.

       Cuối cùng vào cuối Tháng 4/1972 chịu không nổi áp lực quá mạnh của đối phương từ mọi phía nên BCH Tiền phương của Trung đoàn.54 đã phải di tản khỏi căn cứ Bastogne. Như rắn mất đầu. Các các chốt chung quanh cũng thi nhau rời bỏ vị trí. Tất cả rút về căn cứ Bình Điền (Birmingham) và Boyd thành lập phòng tuyến mới để đối phó ngăn chặn. Duy nhất chỉ còn mỗi căn cứ Hoàng Đế (King) do Tiểu đoàn.3/3 của Trung đoàn.3/1BB trên cao điểm 246 phía Bắc căn cứ Bastogne là còn bám trụ được, nhưng lại lọt thỏm trơ trọi trong vòng vây của đối phương, đưa đầu chịu báng dưới những trận mưa đạn cối 130.ly và hỏa tiễn 122.ly như cơm bữa mỗi ngày (Xem Hình 03).                                                      

         Có thể nói từ đầu tháng 05 năm 1972. Đến hơn 60% vùng rừng núi quận Nam Hòa phía Tây Nam Huế do Trung đoàn.3/1 và Trung đoàn.54 phụ trách đã rơi trọn vào tay đối phương. Một diện tích có đến hàng trăm cây số vuông. Trải rộng xuôi theo mạn Nam sông Bồ về đến chân núi Do. Kéo vòng qua vùng thung lũng động tranh 68, Rào Bình Điền dưới chân rặng Sơn Đào. Vượt đường 547, ôm dãy núi Đèo Sơn Na, xuống Động Chúc Mao hoành về hướng biên giới Việt-Lào. Trong đó có tất cả những cứ điểm chiến lược quan trọng như: Bastogne, Checkmate (Ngọn 342), Kim Quy và Bình Định...v...v... Và vùng này đã trở thành khu vực oanh kích tự do bất kể ngày đêm. Những phi vụ oanh tạc của không quân Mỹ từ ngoài khơi Thái Bình Dương liên tục bay vào trút hàng loạt những quả bom nặng hàng trăm cân Anh. Bom bi, bom napal. Tiếp đến những phi vụ trải thảm của B.52 cũng góp mặt. Tất cả thi nhau tàn phá vùng rừng núi phía Tây Nam Huế quanh trục đường 547 không chút thương tiếc.



    

    
Ảnh minh họa 14. Bom napalm. Bom bi quả cam, quả dứa và quả ổi và quả bom 200kg được trục lên từn lòng đất (Nguồn ghi trên ảnh)


                                                                            * * * 

       Khi để đối phương nắm thế chủ động. Đồng thời biết rõ được những nhược điểm của mình, thì chuyện dẫn đến sự thất bại sẽ khó mà tránh khỏi. Vào thời điểm này Sư đoàn.1 bị đối phương đầy vào thế bị động hoàn toàn nên đành lãnh lấy sự thất bại nặng nề ở mặt trận Cù Mông-Bình Định qua những yếu tố sau:

*       Phía Sư đoàn 1Về lãnh thổ. Mang tiếng là chủ nhưng chuyện kiểm soát lại chẳng được bao nhiêu, đóng quân chỗ nào hay chỗ đó. Còn việc trọng yếu là tiếp vận. Thế mà chỉ có một con đường 547 độc đạo lại quá xa với các đơn vị tiền tuyến, dễ bị phục kích dẫn đến chậm chạp tiếp ứng không kịp. Đường không vận càng yếu kém kể từ khi quân đội Mỹ rút. Không còn lực lượng trực thăng dồi dào như xưa để đáp ứng nhanh chóng mọi nhu cầu của những đơn vị mặt đất. Về hỏa lực pháo binh thì chỉ có những đơn vị pháo binh cỡ 105ly và 155ly không đủ sức mạnh để yểm trợ dàn trải. Và cũng không mấy hiệu quả cho mặt trận rừng núi. Về mặt không yểm phi pháo thì quá lệ thuộc vào Mỹ. Có đó nhưng không thể đáp ứng cấp thời và đầy đủ. Có thể nói sau khi thất bại ở Hạ Lào năm 1971. Tinh thần binh sĩ đã xuống cấp trầm trọng. Nhân sự chắp vá, những người lính thiện chiến cũng không còn lại bao nhiêu bổ sung không kịp. Một nguyên nhân quan trọng khác là người Mỹ muốn rút khỏi mặt trận Việt Nam sau gần 20 năm sa lầy. Nên sự viện trợ cho chính phủ miền Nam về mọi mặt hầu như chả còn là bao nhiêu. Nước Mỹ không còn hăm hở như lúc mới đổ quân vào Việt Nam. 

*       Về phía đối phương Họ có nhiều ưu thế. Về mặt hậu cần và tiếp vận, gần như không bị giảm sút mà còn có phần tăng thêm. Về địa lợi. Họ nắm rất rõ về địa hình địa vật, gần như hoàn toàn làm chủ được vùng rừng núi trong sâu giáp với Lào của quận Nam Hòa ngay từ khi quân đội Mỹ rút. Do nắm được nhiều yếu tố thuận lợi. Họ chủ động chọn lựa thời điểm và chọn nơi họ muốn để mở mặt trận. Vào mùa Hè năm 1972 này. Họ đã chọn khu vực rừng núi phía Nam đường 547. Họ chọn vì sự bố phòng rời rạc yếu kém của Trung đoàn.54 trên dải núi cao Kim Quy-Bình Định. Dãy núi Kim Quy này gần như cái đê chạy suốt từ Tà Lương về đến đèo Sơn Na. Nếu chiếm được coi như nắm được phần địa lợi tuyệt đối trên cao. Chính vì vậy mà họ củng cố lực lượng dồn sức tập trung triển khai mặt trận nơi cụm núi Động Cù Mông và Kim Quy. Họ quyết chiếm lấy bằng được để dùng làm bàn đạp từ trên cao đánh rốc xuống. Một khi làm chủ được dãy Kim Quy. Trục đường 547 từ Tà Lương đến Bastogne hoàn toàn bị khống chế dưới tay của họ. Tất cả những đơn vị ở vùng căn cứ Bình Định như nằm trong lòng chảo dưới chân ngọn Kim Quy không cần đánh cũng tan... và họ đã thành công về chiến lược đã hoạch định này.

*     Về chuyện Tiểu đoàn.2/3. Bị thất bại nhanh chóng cũng có nguyên nhân của nó. Trước khi trận Hạ Lào. Lam Sơn 719 xảy ra. Tiểu đoàn.2/3 của Trung tá Hoàng Mão được xem là đơn vị nòng cốt và thiện chiến nhất của Trung đoàn.3/1. Nhưng sau khi bị thất bại nặng nề ở mặt trận Hạ Lào. Tinh thần binh sĩ bị sa sút nghiêm trọng và những người lính thiện chiến hầu như đã cạn kệt chưa kịp đào tạo để kiện toàn lại. Nên khi Trung đoàn.3/1 chọn Tiểu đoàn.2/3 làm mũi dùi chính của chiến dịch. Có lẽ Ban Tham Mưu đã không lường trước được hiệu quả tác chiến thực tế của Tiểu đoàn.2/3 như thế nào, cộng với hỏa lực yểm trợ quá yếu kém nên mới xảy ra cớ sự đau thương như vậy.

          

        

   III - CUỘC TÁI CHIẾM VÙNG TÂY NAM HUẾ CỦA HAI TRUNG ĐOÀN.1/1 VÀ 3/1.

                                                                     

       Tình hình chiến sự ở Quân Khu.I càng ngày càng cho thấy có chiều hướng nguy ngập. Ở mặt trận phía Bắc. Sư đoàn 3.BB mới thành lập chưa được bao lâu đã bị tan rã. Mất trắng thị trấn Đông Hà và đối phương đang dồn lực lượng đánh mạnh vào thành phố Quảng Trị. Ở mặt trận phía Tây Nam Huế. Hai Trung đoàn.3/1 và 54 đã bị đối phương đánh cho phải dồn cục tháo lui về tận căn cứ Bình Điền và căn cứ King để tử thủ. Với tình hình này Bộ TTM Quân Lực VNCH. Đã phải tức tốc đưa Tướng Ngô quang Trưởng và Sư đoàn TQLC ra tăng viện cho Quân Đoàn.I, hòng cứu vãn tình thế đang lúc nguy cấp.  

       Tướng Ngô quang Trưởng và Tướng Phạm văn Phú chỉ thị cho Trung Tá Võ Toàn (13), Trung đoàn Trưởng Trung đoàn.1/1. Bàn giao căn cứ Hòa Mỹ (Camp Evans) và địa bàn đang hoạt động ở mạn Bắc sông Bồ cho lực lượng TQLC. Rồi vào tăng viện cho mặt trận Tây Nam Huế thay thế Trung đoàn.54. Phối hợp với Trung đoàn.3/1 mở cuộc tổng phản công để dành lại vùng đất đã mất vào tay đối phương. Có thể nói chiến sự ở Vùng.I Chiến thuật này nói chung và mặt trận phia Tây Nam Huế nói riêng đã có phần khởi sắc khi về dưới tay Tướng Ngô quang Trưởng.

       Riêng mặt trận Tây Nam Huế vào mùa Hè năm 1972. Nếu không có phương sách tận dụng hỏa lực “Trận địa cối 81.ly” của Đại Tá Võ Toàn mà chỉ dựa vào pháo binh và phi pháo thì chuyện giành lại cả trăm cây số vuông ở vùng rừng rậm núi cao quận Nam Hòa trong một thời gian ngắn là một chuyện cực kỳ nan giải. Một tham vọng mà đối phương muốn chiếm đoạt không chút khoan nhượng. Tóm lại. Bên nào cũng muốn giải quyết chiến trường trước khi mùa mưa kéo đến. Một rào cản thiên nhiên khó vượt. Vì vậy mà bên nào có kế sách vượt trội sẽ chiếm lĩnh thế thượng phong, đẩy đối phương vào thế bị động.


                                  A - Ở MẶT TRẬN PHÍA TRUNG ĐOÀN.1/1.

           Trung Tá Võ Toàn. Xuất thân Khóa.17. Trường Võ bị Dalat. Ông là người năng động rất thích tìm hiểu về binh pháp. Nhất là chiến thuật chiến lược tác chiến của đối phương, do đó mà ông rất quan tâm đến những lời kể của những tù binh hoặc cán binh hồi chánh. Chính từ những tiết lộ của những người này đã giúp ông nắm rõ được nhiều vấn đề tác chiến của đối phương để mà đưa ra phương sách đối phó. Ông cũng là cha đẻ của chiến thuật mạng nhện được đem ra phổ biến rộng rãi trong các binh chủng quân đội VNCH sau mùa Hè năm 1972. (14). 

         Trước khi Trung đoàn.1/1 chính thức chuyển về mặt trận Tây Nam Huế. Trung Tá Võ Toàn đã điều Tiểu đoàn.2/1 của Thiếu Tá Bình vào trước làm tiền trạm. Mượn đường từ căn cứ An Đô của Trung đoàn.3/3 thâm nhập vào rặng Sơn Đào ở phía Đông-Nam căn cứ An Đô (TBone), rồi từ đó tràn xuống tảo thanh lục soát vùng trũng 68 (Xem hình 04). Mục đích thiết lập vành đai cô lập vùng đồi thấp rừng rậm cùng động tranh khu vực dưới chân dãy Động Ngang, cũng là để ngăn chặn đường tiếp tế của đối phương từ phía sông Bồ qua vùng thung lũng Rào Bình Điền tiếp giáp đường 547. Khu đồi thấp nằm giữa căn cứ Birmingham với Bastogne.

        Vào khoảng đầu Tháng 5/1972. Khi vào hẳn vùng Tây Nam Huế thay Trung Đoàn.54. Trung đoàn.1/1 đặt BCH Tiền phương tại căn cứ dã chiến Boyd trên một vùng đồi trọc có cao độ thấp, nằm bên cạnh đường 547. Ở phía sau lưng căn cứ Bình Điền nơi đang đặt BCH Nhẹ của Trung đoàn.1/1. Cách lăng Minh Mạng chừng dăm cây số đường chim bay về hướng Đông. Từ đây Trung Tá Võ Toàn đã cho mở nhiều mũi đánh thăm dò và tiến chiếm một số cao điểm vùng đồi núi thấp vùng Tây-Nam đường 547. Cũng là phía Hữu Trạch sông Hương. Mục đích mở rộng vùng hoạt động, đảm bảo an toàn cho BCH Nhẹ Trung đoàn.1/1. Tiếp đến ông điều hai Tiểu đoàn.1/1 và 3/1. Mở nhiều mũi tiến công cấp Trung đội. Quyết đánh chiếm một số cao điểm chiến lược ở vùng suối Khê Mô Cái, dưới chân dãy núi Đèo Sơn Na. Lấy đó làm đầu cầu, dồn lực lượng cấp Đại đội để đánh chiếm những cao điểm nằm trên dải núi Đèo Sơn Na (15). Mục tiêu chính đặt ra là phải chiếm cho bằng được đỉnh núi cao nhất trong dải là ngọn Đèo Sơn Na này (Xem Hình 04). Một bàn đạp rất quan trọng để mở rộng phòng tuyến về phía Tây đánh vào dãy núi Kim Quy và xuống phía Nam khu vực động Chúc Mao (Normandy)… 

         Chiến lược đầy tham vọng này của Trung Tá Võ Toàn được ông thực hiện bằng cách cho mở nhiều mũi đánh ồ ạt vào nhiều nơi hòng phân tán, chia cắt làm tiêu hao bớt lực lượng của đối phương, trước khi thọc sâu vào phía sau lưng khống chế ngọn 342 (Checkmate) và dòm ngó đến cứ điểm đã mất Bastogne. … Chiến dịch này đã khiến cho Tiểu đoàn.1/1 thiệt hại một Tiểu đoàn Phó do chiếc trực thăng bị trúng đạn B.41 vào lúc đang chuẩn bị đáp xuống một đỉnh núi mới tái chiếm trên dải Đèo Sơn Na… Cuộc chiến giành lại quyền kiểm soát các cao điểm ở phía Tây Nam Huế của Trung đoàn.1BB. Dưới tay của Trung Tá Võ Toàn được mô tả là rất mạnh mẽ và nhanh chóng, nhờ ông cho áp dụng "Trận địa cối 81.ly" 

          Sau khi triệt hạ được một số kiềng-chốt trên các cao điểm kế cận vùng Đèo Sơn Na. Ông nhận thấy là đối phương giao chiến có vẻ cầm chừng và thụ động. Chủ yếu phòng thủ cố bám giữ lấy những gì đã chiếm được, không còn tiến đánh ồ ạt như lúc ban đầu. Có vẻ bị hụt hơi. Cũng có thể do không đủ lực lượng để bao quát, khi chiếm được cả một vùng rừng núi rộng lớn hàng dăm chục cây số vuông một cách quá nhanh, dẫn đến nguồn tiếp tế về mọi mặt bị thiếu hụt, không thể đáp ứng kịp. Khai thác tình huống này Trung Tá Võ Toàn cho đẩy mạnh và mở rộng các mũi tấn công bằng chiến thuật “Trận địa cối 81.ly” để tái chiếm. Có thể xem đây là chiến thuật rất mới mẻ và có lẽ là lần đầu tiên được áp dụng trên mặt trận Tây Nam Huế. Khiến đối phướng bị bất ngờ trở tay không kịp. 


Hình 04. Cuộc chiến mùa Hè năm 1972. Mặt trận phía Tây Nam Huế. Giai đoạn III. Hai Trung đoàn.1/1 và 3/1 mở các mũi phản công về hướng Tây-Nam.

 

                   1 - Cốt lõi của chiến thuật “Đất trống, hào không” (16) của đối phương.

        Theo thói quen mỗi khi muốn đánh chiếm một mục tiêu nào đó. Quân đội VNCH thường hay dùng chiến thuật cổ điển “Tiền pháo, hậu xung”. Có nghĩa là dùng pháo binh hoặc phi pháo bắn tập trung (TOT) vào để hủy diệt mục tiêu trước khi đưa lính bộ binh tiến chiếm. Muốn thực hiện việc này các đơn vị tác chiến cần phải có người Tiền Sát Viên của pháo binh tăng phái. Người TSV này là cầu nối rất quan trọng giữa đơn vị tác chiến và đơn vị yểm trợ. Đương sự có nhiệm vụ định vị mục tiêu và điều chỉnh sao cho các khẩu đội cùng rót đạn chuẩn xác vào tọa độ do đơn vị bộ binh yêu cầu pháo binh hay phi pháo triệt hạ. Do mục tiêu thực tế ở xa không thể định vị chính xác. Nên người TSV thường phải dùng đạn khói bắn vào mục tiêu trước. Rồi dựa vào cụm khói trắng tỏa ra đó mà điều chỉnh những quả sau. Cho đến khi nào quả khói cuối cùng được điều chỉnh rơi đúng hoàn toàn vào mục tiêu như mong muốn, lúc đó người TSV mới chuyển qua bắn bằng đạn nổ hàng loạt để hủy diệt. Với người TSV giỏi, họ chỉ cần bắn chừng vài, ba quả đạn khói là đã rót đúng vào mục tiêu rồi, không cần nhiều.

       Chuyện dùng trái khói để định vị mục tiêu trở thành con dao hai lưỡi. Nó mang đến cái lợi là chỉ rõ được mục tiêu để cho pháo binh hoặc phi pháo tập trung hỏa lực đánh phá. Nhưng đồng thời trái khói đó cũng đưa đến điều bất lợi. Là báo trước cho đối phương biết nơi nào sắp bị hỏa tập để mà tránh xa.

      Lợi bất cặp hại. Chiến thuật “Tiền pháo, hậu xung”. Có mang đến cái lợi. Nhưng đồng thời cũng bộc lộ những yếu điểm đi kèm.

     Do pháo binh là đơn vị yểm trợ từ xa. Tác xạ ở nhiều phương vị khác nhau. Nên độ chính xác chỉ tương đối và mỗi khi muốn tác xạ trở lại, dù mới ngưng bắn nhưng vẫn phải đợi họ chuẩn bị lại, rất mất thời gian tính. Còn phi pháo! Phải đợi ít nhất cũng mất vài ngày. Tóm lại chuyện yểm trợ dù lớn hay nhỏ đều phải thông qua người Tiền Sát Viên. Họ liên lạc với nhau qua một tần số riên. Các đơn vị bộ binh không thể liên lạc trực tiếp để xin yểm trợ nếu không có người TSV. 

     Và điều quan trọng nhất là chiến thuật “Tiền pháo, hậu xung” đã bị chiến thuật “Đất trống, hào không” khắc chế gần như triệt để ở các mặt trận. Từ đồng bằng cho đến vùng rừng rậm núi cao. Chuyện này kéo dài một một thời gian đến hơn thập niên mà phía quân đội miền Nam không thể hóa giải cho đến khi chiến thuật “Trận địa cối 81.ly” ra đời.


          Diễn tiến từng bước của chiến thuật “Đất trống, hào không”.

       Về phía đối phương. Sau khi lấn chiếm được một cao điểm nào đó. Tùy theo thế đất mà chọn chỗ cắm chốt. Rất ít khi họ chọn đỉnh vì lộ liễu lại dễ bị bom đạn trút trực tiếp vào. Do vậy mà họ thường chọn ở khu vực lưng chừng và tùy theo trục tiến của đối thủ để đặt chốt án ngữ. Một chốt thường chỉ có 03 người đảm trách (Tổ Tam Tam). Vũ khí gồm một khẩu B.41 và hai khẩu AK, kèm theo đạn dược cùng mìn bẫy. Sau khi chọn và củng cố vị trí chiến đấu xong. Họ luôn luôn kiến tạo một con đường thoát hiểm ở ngay phía sau lưng như cái xương sống, chạy từ chốt xuống đến hầm trú ẩn ở một ngóc ngách nào đó cách vị trí chiến đấu một khoảng cách đủ để tránh bom đạn được tốt nhất và cũng có thể giúp họ quay trở lại vị trí chiến đấu một cách nhanh chóng để tranh tiên..


                   

                    Ảnh minh họa 15. Tổ Tam Tam và căn hầm chữ "A" (Nguồn: Battlecry)


       Theo đúng bài bản. Một khi thấy quả đạn khói bắn đúng vào vị trí phòng thủ. Biết mình sẽ trở thành mục tiêu. Họ nhanh chóng rời chốt, luồn theo con đường thoát hiểm có sẵn chạy thẳng một mạch xuống hầm trú ẩn đã dự liệu sẵn, chờ cơn hỏa tập ồ ạt trút vào mảnh đất không người chấm dứt. Cũng chính là lúc họ chủ động chạy vọt lên củng cố lại vị trí chiến đấu và sẵn sàng đón lỏng chờ. Một khi thấy đối phương lọt vào tầm bắn. Một quả B.40 hoặc B.41 được bắn ra và luôn luôn kèm theo vài loạt AK. Tiếng nổ lớn mạnh bất thình lình của quả B.40 và loạt đạn AK bồi tiếp trực diện gây choáng, thừa sức cướp tinh thần và thường ra gây thiệt hại về nhân mạng cho phía tấn công. Chuyện này đẩy toán đột kích vào thế bị động phải co lại để bảo toàn lực lượng, cứu ứng đồng đội và xin hỏa tập vào mục tiêu trước khi tiến lên đánh tiếp... Câu chuyện cứ thế lập đi lập lại, giằng co nhau có khi hàng tháng mà vẫn dậm chân tại chỗ, không thể nhúc nhich được chút nào. Rất khó khăn cho chuyện muốn bứng đi cái gai trước mắt đó. 

       Chiến thuật “Đất trống, hào không” đầy lợi hại này đã giúp cho phía cán binh trở thành người luôn nắm thế chủ động và hoàn toàn kiểm soát được thế trận một cách chặt chẽ trước đối thủ bị động còn đang mò mẫm thăm dò từng bước khi tiến chiếm mục tiêu. Với chiến thuật “Đất trống, hào không” này, đối phương chỉ cần một tổ Tam Tam là có thể làm cho đội quân đông đảo Việt, Mỹ phải dậm chân tại chỗ như va phải vách đá tảng, gây rất nhiều khó khăn trở ngại trong cả một thời gian dài. Chiến thuật "Đất trống hào không" đã khiến cho phe tấn công, không những bị tổn thất về quân số mà còn phải hao tổn một lượng bom đạn rất lớn, mà chẳng đạt được hiệu quả là bao nhiêu vì khối lượng bom đạn đó chỉ trút xuống mảnh đất trống không người. Một diệu kế, biến thể của “Kim thiền thoát xác”. Từ kẻ bị động (Chốt bị hỏa tập) biết cách hoán đổi thành chủ động để giành thắng lợi. Có thể nói đây là một chiến thuật tuyệt vời của phía phòng thủ. Một sách lược để đối phó với một lực lượng quá dồi dào về quân số vũ khí và đạn dược. 


 
Ảnh minh họa 16. Đất trống hào không. (Nguồn: Tiền Phong) 


      Chiến thuật “Đất trống hào không” được đối phương áp dụng triệt để. Bởi vì họ đã hiểu quá rõ phương sách tác chiến, cũng như cơ cấu tổ chức của quân đội Miền Nam. Họ biết chắc là quân đội miền Nam hoàn toàn không có một lực lượng nào được tổ chức, huấn luyện chuyên biệt dùng để phối hợp với các đơn vị bộ binh mỗi khi tác chiến. Nghĩa là phía quân đội Miền Nam không có lực lượng đặc công để đột kích đánh chiếm mục tiêu như họ. Chỉ có đơn vị Trinh sát ở cấp Sư đoàn chịu trách nhiệm nhảy toán hoặc xâm nhập để lấy tin tức hoặc phá hoại là chủ yếu. Thí dụ: Sư đoàn.1 có Đại đội Trinh Sát. Hắc Báo. Bộ Tổng Tham Mưu. Quân đội Miền Nam có Nha Kỹ Thuật. Thuộc Phòng.7. Người Nhái của Hải Quân. Còn ở cấp Trung đoàn cũng có tổ chức cấp Trung đội Trinh Sát nhưng hoạt động không hiệu quả. Gần như chỉ cho có lệ mà thôi.

      Việc quân đội Miền Nam không có lực lượng đột kích đặc biệt (Đặc công). Vì vậy khi phòng thủ đối phương không sợ bị tấn công bất ngờ. Họ luôn áp dụng chiến thuật cho phân tán mỏng ra thành nhiều đơn vị nhỏ rải rác theo phương vị Kiềng-Chốt. Không tập trung, co cụm nhiều vào một nơi tránh trường hợp bị hỏa tập. Lúc cần. Họ chỉ dùng vài Tổ Tam Tam với thế Kiềng-Chốt cứu ứng lẫn nhau là đủ. Với chuyện đơn giản đó đã khiến quân đội Miền Nam cũng phải trầy da tróc vẩy với họ. Và đối phương cũng rất yên tâm vì biết chắc là quân đội Miền Nam không bao giờ tổ chức tấn công họ vào ban đêm. Mà luôn tổ chức đánh chiếm về ban ngày với một lực lượng đông đảo, chậm chạp rất lộ liễu. Một sách lược thô thiển yếu kém, chỉ dựa vào nguồn vũ khí dồi dào để dành phần thắng. Cho nên khi rơi vào tình thế khó khăn về phương diện vũ khí đạn dược là dễ dàng dẫn đến sự thất bại, không thể tránh khỏi là vậy.

 

 

                    2 – Cốt lõi của chiến thuật “Trận địa cối 81.ly” của Trung Tá Võ Toàn.


         Qua những lời khai của tù binh và những Cán binh hồi chánh về chiến thuật “Đất trống, hào không”. Chiến thuật mà đối phương đã hóa giải hoàn toàn chiến thuật “Tiền pháo hậu xung” và đã gây cho quân đội miền Nam rất nhiều khó khăn và hao tổn khá nhiều về nhân mạng cũng như vũ khí qua nhiều năm tháng. Sau khi nắm bắt được cốt lõi sự việc về chiến thuật của đối phương cộng với kinh nghiệm tác chiến trong những vùng rừng núi. Cuối cùng Trung tá Võ Toàn đã đưa ra chiến thuật “Trận địa cối 81.ly” để khắc chế chiến thuật “Đất trống hào không” rất hiệu quả. Đồng thời giải tỏa đi nỗi vướng mắc từ bấy lâu nay trong quân đội Miền Nam về chuyện. Tại sao biết bao nhiêu bom đạn dội lên mảnh đất cỏn con như thế mà đối phương vẫn còn tồn tại?


                        

                             Ảnh minh họa 17. Súng cối 81mm (Nguồn: Gary's Place & tvd.im).

      

        “Trận địa cối 81.ly” của Trung Tá Võ Toàn là một chiến thuật cối cận chiến do ông sáng tạo. Nó hoàn toàn mới lạ được triển khai lần đầu tiên tại Trung đoàn.1, Sư đoàn.1BB vào mùa hè năm 1972. Với những điểm ưu việt khi ứng dụng vào trận đánh:

          * Không lệ thuộc vào người Tiền Sát Viên do đơn vị pháo binh yểm trợ tăng phái. // Có rất nhiều nhiêu khê mỗi lần xin yểm trợ.

          * Không bị hạn chế về số lượng đạn sử dụng. // Vì lượng đạn cối 81.ly quá dư thừa do ít sử dụng đến nên số lượng tồn kho rất lớn.

          * Gọn nhẹ nên dễ dàng di chuyển trên mọi địa hình. // Có thể dịch chuyển “Trận địa cối 81.ly” đến gần sát mục tiêu. Trực tiếp quan sát và điều chỉnh tầm đạn ngay từ khi mở trận.

          * Chủ động được nhịp tác xạ ở trong mọi tình huống để hỗ trợ đơn vị tấn công một cách tích cực nhất, nên thường đạt được hiệu quả rất cao.

          * Một chiến thuật quá mới mẻ, khiến đối phương hoàn toàn bị bất ngờ, không kịp trở tay đối phó…

           Do những lợi điểm trên. Trung Tá Võ Toàn rất ít khi dùng đến pháo binh và phi pháo để yểm trợ trong những trận đánh ở mặt trận Tây Nam Huế. Nguyên do vì không thể chủ động đươc nhịp tác xạ. Mất thời gian tính và có độ chính xác không cao. Đó là chưa kể bị giới hạn về số lượng đạn bắn yểm trợ. Còn chuyện yểm trợ bằng pháo binh hoặc phi pháo chỉ được ông dùng đến trong những trường hợp gặp sức kháng cự của đối phương quá mạnh và ở diện rộng mà thôi. 


           Diễn tiến từng bước của “Trận địa cối 81.ly”.

        Đơn vị cối 81.ly được di chuyển tập trung vào một vị trí thuận lợi đã được lựa chọn. Từ vị trí này có thể quan sát, theo dõi được tầm bắn và vị trí đạn nổ. Nếu không, thì chính người chỉ huy của toán đột kích sẽ phải thực thi. Bằng mọi cách để điều chỉnh vị trí nổ của quả khói thật chính xác vào mục tiêu. Sau khi điều chỉnh hoàn tất tốt. Người trưởng toán sẽ báo về cho Ban chỉ huy. Lúc này “Trận địa cối 81.ly” nhất loạt khai hỏa. Bắn tập trung (TOT) để hủy diệt mục tiêu. Sau đợt bắn cấp tập ban đầu với khối lượng đạn ấn định. Hỏa lực cối 81.ly sẽ phát triển tầm đạn dần dần về phía sau lưng mục tiêu. Nhưng chỉ còn vài khẩu tiếp tục bắn cầm chừng chứ không ào ạt như lúc đầu nữa. Mục đích để ngăn chặn không cho đối phương chạy lên chốt. Và cũng là cách giúp cho toán đột kích có thời gian tiến lên đoạt lấy mục tiêu và củng cố hầm hố, bố trí những bãi mìn bẫy. Sau khi xong xuôi, toán đột kích sẽ báo về cho Ban chỉ huy trận địa cối để chấm dứt hỏa tập và nằm chờ đối phương chạy lên để triệt hạ.

Ảnh minh họa 18. Người Chỉ huy thay TSV tiếp cận mục tiêu để điều chỉnh quả đạn (Nguồn: Flickr)




      Chi tiết hơn. Trước khi mở trận. Đơn vị đột kích được điều đến áp sát mục tiêu ở khoảng cách an toàn chờ “Trận địa cối 81.ly” vào trận. Với một ngọn đồi diện tích mặt bằng chừng trăm mét vuông phải hứng chịu cả trăm quả đạn cối 81.ly. Chắc hẳn là những mìn bẫy và hầm hố trú ẩn trên chốt bị một số lượng lớn đạn cối 81.ly băm vằm như thế cũng khó mà còn nguyên vẹn. Thực tế là các cán binh cũng đã rời khỏi vị trí ngay từ quả đạn đầu tiên rơi xuống chốt của họ. Và họ cũng chẳng dại gì mà chạy lên, khi chốt còn đang bị hàng chục quả đạn cối trút xuống không ngừng.


                                  Ảnh minh họa 19. Trận địa cối vào mục tiêu. (Nguồn: TDGS)


      Về nhóm đột kích trước đó đã được học tập rất kỹ về lý thuyết của chiến thuật “Đất trống, hào không” và phương sách đối phó tác chiến bằng "Trận địa cối 81.ly" ra sao. Nên khi nghe thấy những loạt đạn cối 81.ly chuyển nhịp. Tầm đạn bắt đầu rời rạc, có chiều hướng chuyển dần dần ra xa phía sau mục tiêu. Có lệnh xuất phát từ Ban chỉ huy trận địa cối 81ly. Toán đột kích nhanh chóng tận dụng thời gian vàng tiến ào lên chiếm lấy mục tiêu dưới những loạt đạn nã cầm chừng chặn đường của “Trận địa cối 81.ly”. Sau khi làm chủ mục tiêu, củng cố lại công sự chiến đấu và cho gài mìn bẫy xong, cấp thời báo về cho Ban chỉ huy biết là đã hoàn thành nhiệm vụ. Lúc đó “Trận địa cối 81.ly” mới ngưng tác xạ, giao trận địa lại cho đơn vị đột kích xử trí. Nhưng không phải ngưng hoàn toàn mà vẫn còn một số khẩu tiếp tục bắn quấy rối vào các điểm phụ cận chung quanh để ngăn chặn sự hỗ trợ của đối phương gây ảnh hưởng xấu đến đơn vị đột kích.


Ảnh minh họa 20. Toán đột kích nằm chờ lệnh tiến công (Nguồn: Battlecry)


     Ban đầu. Mặc dù nhóm đột kích đã được nghe diễn giải và phân tích rất cặn kẽ về chiến thuật “Đất trống hào không” của đối phương. Đồng thời cũng được học tập rất kỹ về phương sách đối phó của “Trận địa cối.81ly” như thế nào ngoài thực địa. Nhưng vì nó quá mới mẻ, chưa được áp dụng bao giờ nên các binh sĩ còn chút hoang mang đắn đo, chưa tin tưởng cho lắm. Do đó việc thực thi còn có sự e dè và thận trọng. Nhưng sau vài lần đột kích thấy hiệu quả rất rõ và dễ dàng. Từ khi đó họ rất vững tâm, rất mạnh dạn mỗi khi lâm trận. Tinh thần binh lính cũng trở nên rất manh động và hưng phấn hơn mỗi khi thấy hỏa lực cối yểm chuyển dịch dần ra xa về phía sau mục tiêu. Có lệnh xuất phát. Không chút ngần ngại. Họ nhanh chóng chạy ào lên chiếm mục tiêu và tổ chức phòng thủ ngay, chờ đối phương lọt bẫy chứ không còn rụt rè như trước nữa.

Ảnh minh họa 21. Bắt đầu tiến công (Nguồn: Battlecry)




      Câu “Phản khách vi chủ”.  Rồi “Kẻ cắp gặp bà già” hay “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. Nó chỉ danh cho một việc nào đó đã bị bóc mẽ, dẫn đến phản tác dụng. Tất cả đều đúng cho mỗi bên. Khi đem ứng dụng vào chiến thuật tác chiến để mong giành lấy thắng lợi về cho mình trong mặt trận Tây Nam Huế này.


                                                                        ***

         

            Mở đầu chiến dịch phản công tái chiếm vùng Tây Nam Huế. Trung tá Võ Toàn đã thiết lập “Trận địa cối 81ly” với một lực lượng súng cối thật hùng hậu. Mượn 03 khẩu của Trung Đoàn.54. Cộng 04 khẩu của các Tiểu Đoàn trực thuộc và 01 khẩu chiến lợi phẩm. Về đạn dược, vì ít sử dụng đến nên khối lượng đạn cơ hữu của Trung đoàn còn tồn kho rất lớn. Toàn bộ 08 khẩu cối 81ly được đem đặt ngay trên đường 547 gần ở khu vực cách căn cứ Bình Điền chừng vài cây số về hướng Tây. Nhờ địa thế trống trải của con đường nên từ nơi đây có thể quan sát được tầm tác xạ và một phần lớn vùng đồi núi Đèo Sơn Na và cao điểm 342 khá rõ.

         Bài toán đã có lời giải. Khi vào trận. Dùng ngay đạn nổ vào việc bắn điều chỉnh để tìm độ chính xác cho từng khẩu 81ly chứ không dùng đạn khói như thường lệ. Mục đích khủng bố tinh thần đối phương ngay từ giây phút đầu, trước khi trút hàng trăm quả đạn hủy diệt mục tiêu.

       Phải khẳng định một điều. Trước khi bị “Trận địa cối 81.ly” của Trung Tá Võ Toàn bóc mẽ. Chiến thuật “Đất trống, hào không” luôn mang lại hiệu quả rất to lớn cho đối phương. Bởi lẽ mục tiêu dù có bị băm vằm bằng đủ các loại bom đạn đến nỗi đất thành bùn đi chăng nữa cũng chỉ là tàn phá một mảnh đất không người. Không gây chút thiệt hại nào về nhân mạng cho đối phương. Về phía cán binh. Họ đã được học tập và rút kinh nghiệm xương máu từ chiến trường. Cho nên mỗi khi thấy vài quả đạn khói điều chỉnh om điểm. Biết chắc là mình sắp bị hỏa tập. Nên họ nhanh chóng bườm khỏi vị trí chiến đấu, luồn theo con đường thoát hiểm có sẵn để vào hầm trú ẩn tránh đạn. Đợi khi ngưng hỏa tập sẽ tranh thủ chạy vọt lên chốt, củng cố lại công sự chiến đấu nằm chờ đối thủ lên để triệt hạ. Nhưng không ngờ đã bị bắt bài… Họ hoàn toàn rơi vào thế bị động mà không hề hay biết. Nên dẫn đến chuyện thất bại nặng nề. Không một ai có thể thoát được khi đã nằm gọn trong tầm sát thương của bãi mìn claymore đôi giăng bẫy được kích nổ.

       Sau một thời gian thất bát liên tục. Phía cán binh biết chiến thuật của họ đã bị khắc chế, nhưng cấp thời chưa tìm được phương án giải quyết. Trước sự phản công như vũ bão của quân miền Nam. Họ chủ động cho cắm người tử thủ tại chốt, không rời bỏ vị trí như trước. Nhưng thân xác con người làm sao chịu nổi với hàng chục, hàng trăm quả đạn cối 81.ly chứa đến vài kilo chất nổ. Nên chuyện tổn thất về nhân mạng không thể nào tránh khỏi. Các chốt càng ngày càng bị mất dần. Tuyến phòng thủ của họ bắt đầu bị thu hẹp, từ từ co cụm lại về phía Tây rất nhanh chóng (16bis).  

      Có thể nói. Lúc đầu đối phương đã lùa cả Trung Đoàn.3/1BB và hai tiểu đoàn của Trung đoàn.54/1BB phải tháo chạy khỏi các cứ điểm nằm sâu trong vùng rừng núi dọc theo con đường 547 quận Nam Hòa, chiếm khoảng 3/4 lãnh thổ quản lý chỉ trong vòng một tháng. Nhưng từ khi có Trung đoàn.1/1 tăng phái và Trung tá Võ Toàn đã cho áp dụng chiến thuật “Trận địa cối 81.ly” vào các trận đánh ở khu vực đèo Sơn Na thì cục diện chiến sự đã có sự xoay chuyển khá nhanh và mạnh mẽ. Trung đoàn.1/1 đánh chiếm lại hầu như trọn vẹn số diện tích rừng núi mà Trung đoàn 54 đã để mất trước đó cũng chỉ trong vòng hơn tháng.

       Nhờ vào loạt chiến thắng của Trung đoàn.1/1 mà cuộc tấn công của Trung đoàn.3/1 ở vùng núi Không Tên và các trận đánh chiếm lại các cụm cao điểm phía Bắc Bastogne dưới chân núi Mày Nhà được thuận lợi và nhanh chóng hơn rất nhiều...

 

                            B - Ở MẶT TRẬN PHÍA TRUNG ĐOÀN 3/1.

 

        Về phần Trung đoàn.3/1BB. Sau khi thất bát nặng phải di tản chiến thuật giờ đã được chỉnh đốn lại. Vùng hoạt động của Trung đoàn.3/1 về lý thuyết vẫn không có gì thay đổi. Nhưng thực trạng ở thời điểm cuối Tháng 4 năm 1972 thì vùng kiểm soát của Trung đoàn.3/3 còn lại khá hạn hẹp. Chính xác. Từ căn cứ Lion sát sông Bồ lượn qua dãy Động Ngang ôm theo con suối dưới chân rặng Sơn Đào chảy vào Rào Bình Điền ra đến đường 547. Căn cứ Hoàng Đế phía Nam là điểm đồn trú xa nhất thuộc Trung đoàn.3/3 còn sót lại nhưng bị bao vây và chia cắt với căn cứ An Đô (T-bone) bởi vạt thung lũng động tranh khá lớn đến vài chục cây số vuông. Nơi phát sinh con suối rất lớn đổ vào Rào Bình Điền chảy cắt ngang qua trục đường 547. Cả vùng thung lũng này đã hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của đối phương. Cứ điểm Hoàng Đế coi như bị cô lập hoàn toàn, chỉ có thể nhận tiếp tế bằng máy bay trực thăng, thay vì bằng đường bộ qua trục đường 547 như trước.

 

                   1 – CĂN CỨ DÃ CHIẾN HOÀNG ĐẾ (KING) BỊ ĐẶC CÔNG TẬP KÍCH.


         Theo như bản đồ Ấp Lai Bằng. Sheet 6441-I. Tỷ lệ.1/50.000. Do Nha Địa dư Quốc Gia. Dalat. Phát hành năm 1968. Ngọn núi có cao độ đã được xác định với số hiệu 246 trên bản đồ. Nằm ở tọa độ (YD 623.144). Cao 246 thước so với mực nước biển. Có nhiều chân lan tỏa ra tứ phía nhưng không đều nhau. Về phía Đông-Bắc. Do có vòng cao độ sát nhau từ đỉnh xuống nên triền núi khá dốc đổ xuống vạt tranh Rào Bình Điền và thung lũng 68. Về phía Đông Đông-Nam. Vòng cao độ cách nhau khá thưa có nhiều eo thắt đứt quãng và rộng nên thế đất ngoài thực tế có những mỏm tương đối đều nhau thấp dần về hướng Đông và hướng Nam. Ở đây có một con đường đất chạy ra đến đường 547. Về phía Tây-Nam là một rẻo núi chạy ăn thông qua dãy Không Tên. Về hướng chính Tây có nhiều vòng cao độ thưa và dài có nhiều vết gãy nhẹ tạo thành vùng trũng rất lớn có nhiều thông thủy lượn liên thông với dải núi Không Tên. Về phía Bắc Tây-Bắc có vòng cao độ giãn cách rất thưa và dài tạo thế đất có khá nhiều mỏm rộng thấp dần về hướng sông Bồ được che phủ bởi nhiều loại cây rừng rất rậm rạp.

        Diện tích mặt bằng trên đỉnh 246 khoảng 2; 3 trăm mét vuông. Quân đội Mỹ đã cho xây dựng một căn cứ dã chiến lấy tên là King (Hoàng Đế). Viền quanh căn cứ bởi ba lớp hàng rào kẽm gai concertina chất chồng lên nhau chạy bao quanh hệ thống hố cá nhân và 05 lô cốt chính có hình khối chữ nhật: 3m x 4m, cao 2.5m, bên trong lót bằng ván thông đã xử lý có độ dày cỡ 15cm. Bản to chừng 40cm. Dài 3m hoặc 4m tùy theo từng chiều rất chắc chắn. Có nhiều lỗ châu mai và 02 cửa ra vào đối diện nhau ở bên hông. Chung quanh căn hầm và trên nóc được ốp bốn đến năm năm lớp bao cát, rất kiên cố. Chúng được bố trí ở những vị trí then chốt của căn cứ để bảo vệ cho căn hầm trung tâm nơi đặt BCH.  

       Do căn cứ King (Hoàng Đế) nằm sâu trong vùng rừng núi nên khi xây dựng, quân đội Mỹ đã cho làm hai sân bay trực thăng (LZ) để sử dụng khi hữu sự. Sân bay chính khá rộng và thoáng nằm lọt thỏm ngay giữa eo núi khá dài có hình yên ngựa nối liền ngọn 246 với rẻo núi đối diện phía Tây-Nam. Nơi có đặt một cái chốt tiền tiêu của căn cứ Hoàng Đế mang tên “chốt ngã ba”. Từ chốt này có đường mòn đi theo triền vào dãy núi Không Tên. Sân bay phụ ở trên mỏm đồi thấp phía Bắc Tây-Bắc căn cứ. Nhưng do địa hình chung quanh rất trống trải lộ liễu. Rất dễ bị vùng trũng thông thủy ở phía Tây khống chế nên đã bỏ phế không dùng đến.

       Vào khoảng năm 1970. Trước khi bàn giao lại cho phía Việt Nam. Quân đội Mỹ đã làm một con đường dã chiến chạy suốt từ con đường 547 vào đến tận rẻo đất có sân bay chính. Mục đích tạo sự thuận tiện cho việc chuyển quân và tiếp tế bằng đường bộ cho quân đội VNCH về sau này (Xem Hình 04bis)



     
         Ảnh minh họa 22. Công binh Mỹ làm con đường dã chiến từ đường 547 vào căn cứ King.

                                                                               (Nguồn: Flickr & 2ndbde.org)
 

       Mùa Hè năm 1972. Khi bị bao vây, các sân bay chính và phụ không thể sử dụng. Nên Tiểu đoàn 3/3 đã phải cho Đại đội Chỉ huy san bằng cái mỏm đất nhô ra ở triền núi mạn Bắc căn cứ làm bãi đáp dã chiến thứ ba này. Vì diện tích mặt bằng bãi đáp tương đối nhỏ lại nằm sát bên triền dốc nên mỗi khi trực thăng đáp xuống gặp khá nhiều khó khăn. Nếu không cẩn thận cánh quạt có thể quất vào sườn núi gây thảm họa. Do vậy mà mỗi khi tiếp tế cho căn cứ Hoàng Đế. Các chuyến bay thường dừng lơ lửng ở một độ cao tương đối rồi cho tuôn hàng xuống. Bù lại sân bay mới này lại khá an toàn. Do vị trí ở trên cao, chung quanh rất trống trải, lại nằm đối diện với căn cứ An Đô (T-Bone). Nên từ phía Trung đoàn có thể quan sát qua rất rõ để yểm trợ nếu có sự cố gì xảy ra. Vào mỗi kỳ tiếp tế từ hậu cứ Hiệp Khánh (Sally). Các chuyến bay chỉ việc vượt qua dãy Hồn Vượn rồi cứ thế thẳng hướng về phía căn cứ Hoàng Đế. Muốn vào bãi đáp (LZ) mới này. Các tay pilot chỉ cần hạ dần độ cao từ xa rồi từ từ tiến vào. Sau khi thực hiện xong nhiệm vụ. Bình thường ở những sân bay khác. Chiếc trực thăng luôn phải lấy sức cất lên đến một độ cao nào đó có khoảng trống an toàn, khi đó mới có thể vào chế độ bay. Nhưng ở bãi đáp thứ ba trên căn cứ Hoàng Đế này hoàn toàn thuận lợi không vướng phải những thứ khó khăn đó. Do ở trên cao, chung quanh lại trống trải nên sau khi thực hiện xong nhiệm vụ người pilot chỉ cần chuyển lực quay đầu, lượn mình rời khỏi LZ, chao xuống rồi mượn đà đó bay luôn. Do căn cứ Hoàng Đế ở trên cao, có tầm nhìn bao quát xuống toàn bộ khu vực thung lũng đông tranh rào Bình Điền và vùng 68. Vì vậy. Nếu phát hiện có động tĩnh gì khác lạ. Cấp thời đưa ra phương án triệt tiêu ngay. Có lẽ vậy mà trong suốt cuộc chiến với khá nhiều đợt tiếp tế nhưng không hề thấy điều gì xảy ra cho LZ mới này.

        Hiện tại. Căn cứ Hoàng Đế là cứ điểm quân sự duy nhất thuộc Trung đoàn.3/1, còn tồn tại, nằm sâu ở phía Tây-Nam. Cách căn cứ An Đô, nơi đặt BCH Nhẹ Trung Đoàn.3/1 khoảng gần 10 cây số đường chim bay. Đang nằm trong vòng vây của đối phương, thập phần nguy cấp. Một cái gai mà đối phương muốn bứng khỏi để tránh bị tập kích sau lưng khi mở chiến dịch thọc sâu vào mạn Đông-Nam Thành phố Huế.

        Sau những ngày trút mưa hỏa tiễn 122.ly lẫn cối 130.ly nhằm hủy diệt ngọn đồi mang con số 246 không xong. Đối phương quyết định bằng mọi giá phải xóa sổ Tiểu đoàn.3/3 đang tử thủ trên cứ điểm Hoàng Đế này trong thời gian sớm nhất. Một lực lượng hùng hậu được điều đến. Gồm 02 Tiểu đoàn đặc công làm mũi đột kích chính. Phối hợp cùng 02 tiểu đoàn bộ binh ém quân yểm trợ phía sau. Để kịp thời tiếp quản ngay sau khi đơn vị đặc công thành công (17). Sự việc cho thấy sự quyết tâm tiêu diệt cứ điểm Hoàng Đế của đối phương cao đến mức độ nào.


  * Bị tập kích lần thứ nhất.  

        Khởi đầu vào khoảng 21 giờ. Sau khi phiên gác đêm thứ nhì vừa thay xong không lâu. Bất ngờ cặp mìn claymore tự động gài nơi cái rãnh thông thủy chạy luồn dưới lớp concertina bên ngoài phòng tuyến ở triền núi mé Đông-Bắc căn cứ, đối diện với cửa bên phải ra vào căn hầm Chỉ huy Trung đội.2 của tôi, mà ngay trước cửa bị một tảng đá khá lớn cao hơn nửa thước chắn ngang. Bãi mìn kép tự động này do Trung sĩ Thanh chịu trách nhiệm hàng ngày. Tháo pin vào buổi sáng và đóng pin vào lúc chạng vạng tối để ngăn ngừa đặc công có thể lợi dụng cái rãnh để chui vào căn cứ. Chưa rõ lý do bị kích nổ.


                         

        Ảnh minh họa 23. Mìn claymore + con cóc điện + cuộn giây điện. Và lựu đạn tròn M67
(Nguồn Wikipedia)


Ảnh minh họa 23bis. Gắn nguồn điện cho mìn Claymore (Nguồn:Battlecry)


        Ngay sau khi cặp mìn claymore gài tự động nổ. Không cần biết lý do và theo phản ứng đối phó cấp thời. Người lính đang trực phiên gác đã nhanh tay quất nguyên băng M.16 và ném ra 02 quả lựu đạn. Những tiếng nổ liên tiếp giữa đêm tối thanh vắng, đánh động toàn bộ căn cứ. Mọi người như cái máy bật dậy ào ra hố cá nhân. Căng mắt theo dõi tình hình bên ngoài vòng rào trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Ai nấy đều hiểu là căn cứ đang bị bao vây có thể bị đặc công tập kích bất cứ lúc nào nên sự cảnh giác luôn được đề cao. Bầu không khí căng thẳng giữa màn đêm lập lòe ánh hỏa châu của Pháo đội.14 từ Cây số.17 vừa được bắn lên hỗ trợ tầm nhìn, treo lơ lửng trên đầu.

      Khoảng hơn nửa tiếng sau, không thấy động tĩnh gì. Tiểu đoàn cho vào nghỉ. Vừa đặt đít xuống võng, chưa kịp ngả lưng thì Đại úy Niệm. Tiểu đoàn Phó gọi máy quạt cho một trận và người nghe lời huấn thị là tôi, Trung đội Trưởng. Lý do. Chẳng chịu kiểm soát giáo dục thuộc cấp. Để chúng không vững tinh thần, chỉ có mấy con chuột chạy làm nổ mìn mà làm khinh động cả căn cứ...





 Ảnh minh họa 24. Về lính đặc công Miền Bắc. Nguồn: Ghi theo mỗi bức ảnh)



  * Bị tập kích lần thứ nhì.

       Thời gian không lấy gì làm vội, vẫn lặng lẽ trôi sau những giờ phút náo động vì những tiếng nổ gầm gào của pháo yểm, giờ đã yên ắng trở lại. Chỉ còn văng vẳng những tiếng rền của bom đạn từ phía chung quanh vọng đến.

       Bất chợt! Một tiếng nổ đinh tai của mìn Claymore tự động bên mé Đại đội Chỉ huy thúc mạnh vào lỗ tai. Mọi người đang chìm trong giấc ngủ vật vờ dưới vòm trời đêm u uất tối ám, cùng bật dậy như cái máy. Vớ vội lấy súng, quăng mình đổ ập vào giao thông hào, lõ mắt nhìn ra ngoài phòng tuyến theo dõi chờ đợi. 

       Với sự ứng phó nhanh nhạy thời chiến. Tiểu đoàn cho Tiền Sát Viên gọi pháo yểm từ Pháo đội.14. Bắn trái sáng lên để soi chiếu, nâng tầm quan sát cho căn cứ và trút đạn nổ vào các điểm dự phòng đã chấm sẵn vào mỗi buổi chiều. Khẩu cối 81.ly cơ hữu cũng được dùng bắn vào các điểm nghi ngờ chung quanh, ngăn ngừa chuyện đối phương mang cối 61.ly đến tập kích vào căn cứ.


Ảnh minh họa 25.  Lựu pháo 105mm (Nguồn: Vn.Express)

Ảnh minh họa 25bis. Lựu pháo 155mm. Nòng bạc (Nguồn: An Ninh Thủ đô)

       Sau gần nửa tiếng đồng hồ phản ứng mạnh mẽ bằng cối lẫn pháo. Toàn căn cứ được lệnh ngưng tác xạ, chỉ được bắn khi cần để tiết kiệm đạn dược. Và mọi người phải ngồi yên tại chỗ vểnh tai, căng mắt quan sát ra phía ngoài không được lơ là. 

      Giữa thinh không! Tiếng nổ lọp bọp của những quả pháo sáng từ Pháo đội.14 bắn lên từng đợt. Nở tóe thành những quả cầu lửa bé nhỏ lập lòe vàng vọt treo lơ lửng, đủng đỉnh nương theo cơn gió như đang soi đường cho những viên đạn pháo vượt tầm bay qua đầu, xoáy veo veo trong không khí lao vút về phía trong xa.

      Ánh dạ quang trên đồng hồ trên tay cho biết đã quá nửa đêm. Vậy là ca gác thứ ba vừa được thay không lâu thì xảy ra chuyện. Cả phòng tuyến chìm trong vùng tối mập mờ. Thấp thoáng những vệt sáng yếu ớt do sự phản quang với đóm hỏa châu từ cái nón sắt ướt đẫm sương đêm trên đầu những người lính nhô lên khỏi miệng hố cá nhân lóe lên. Mọi người yên lặng hồi hộp chờ xem cái gì sẽ ập đến cho bản thân. Sự căng thẳng kéo dài cũng phải đến gần nửa tiếng mà vẫn không thấy động tĩnh gì, ngoài tiếng nổ lúc ban đầu cùng những loạt đạn cấp thời đáp trả tiếp ngay sau đó. Tình hình chung quanh căn cứ vẫn yên ắng trong đêm đen lạnh lẽo, phủ đầy đe dọa, chết chóc.


Ảnh minh họa 26. Sự tĩnh lặng của đe dọa và chết chóc (Nguồn: TDGS)

      Chưa rõ nguồn cơn của sự phát nổ bãi mìn claymore bên mé Đại đội Chỉ huy như thế nào. Nhưng trong đầu mọi người đã có phần tin chắc là căn cứ bị đối phương rình rập, đang tìm cách lần mò vào tập kích. Không lý gì chuột chạy làm bãi mìn gài bị nổ hai lần trong cùng buổi tối. Một chuyện trước giờ chưa hề xảy ra. Chờ thêm khoảng nửa giờ nữa, thấy không có chuyện gì xảy ra. Lệnh báo động được hủy. Toàn bộ căn cứ được vào nghỉ ngơi lấy sức.


-                        * Bị tập kích lần thứ ba.

         Ánh sáng từ những quả pháo sáng trên bầu trời đã tắt ngúm từ lâu, trả lại sự u uẩn sâu thẳm của núi rừng. Cái lạnh vùng thâm sơn cũng không đủ sức lấn át nổi bầu không khí oi ả, nồng nồng mùi thuốc nổ vẫn còn đang ấp ủ cả ngọn núi. Tôi nhắm mắt, trằn trọc với nhiều suy nghĩ lởn vởn trong đầu. Có lẽ, một phần do những giây phút căng thẳng vừa mới trải qua không lâu tác động.


  Ảnh minh họa 27. Sức công phá dữ dội của bãi mìn claymore (Nguồn: Battlecry)

       Đang lơ mơ đong đưa trên võng... Một tiếng nổ đinh tai muốn thủng màng nhĩ, rung rinh cả căn hầm làm cát bụi có cơ hội rơi lả tả. Tôi lật vội xuống đất, tay quơ lấy cây súng M.16 để sẵn bên đầu võng, giơ tay nhìn vào đông hồ. Chưa đến 2 giờ sáng! Lại thêm cặp mìn claymore gài tự động nữa bên mé Đạị đội Chỉ huy phát nổ. Toàn căn cứ tiếp tục được một phen nháo nhào. Lần này thì chả còn nghi ngờ gì nữa. Quá tam ba bận. Không gì có thể giải thích cho chuyện mìn claymore gài tự động lại nổ trùng khớp nhau đến ba lần trong một đêm. Với khoảng cách thời gian khá trùng khớp nhau ở vào những thời điểm trước và sau khi thay phiên gác. Đầu tiên lúc 21 giờ! Rồi nửa đêm! Giờ là gần 2 giờ sáng! Không thể đổ thừa cho việc chuột chạy làm nổ lại có sự đều đặn như thế cho được.

       Sau khi bộ mìn claymore gài của mình bị nổ lần thứ hai trong đêm. Phía phòng tuyến Đại đội Chỉ huy ở hướng Đông căn cứ đã đáp trả rất mạnh mẽ bằng những loạt lựu đạn và dùng súng cối 60.ly (18); 81.ly dựng đứng nòng để quỹ đạo quả đạn rơi xuống, nổ càng sát phòng tuyến càng tốt. Tiểu đoàn cũng tiếp tục xin pháo yểm hỗn hợp từ Pháo đội.14 ở hậu cứ Sally và T- Bone bắn lên vừa soi sáng vừa bắn đạn nổ hủy diệt vào chung quanh căn cứ để ngăn ngừa đối phương áp sát phòng tuyến.

      Với quá trình kéo dài hơn nửa tiếng đồng hồ tích cực vãi đủ các loại đạn lớn nhỏ như mưa vào những chốn nghi ngờ và chung quanh căn cứ mà vẫn không thấy một chút phản ứng gì từ phía bên ngoài. Tiểu đoàn cho ngưng pháo yểm lẫn cối cơ hữu. Gọi điện nhắc nhở các Đại đội không được bắn bừa bãi. Hạn chế tối đa, chỉ bắn khi thấy rõ mục tiêu để tiết kiệm đạn dược. Mọi người cần tỉnh táo trong tư thế sẵn sàng chiến đấu và luôn phải căng mắt ra để quan sát, nghe ngóng động tĩnh phía bên ngoài...

      Mọi người gần không ngủ suốt từ chập tối đến giờ vì bị đánh động liên tục, làm cho tinh thần mọi người vô cùng căng thẳng. Đã thế lại phải ngồi ngoài trời đầy sương đêm lẫn gió lạnh. Với cặp mắt cay sè, đôi môi khô ráp, cơ thể ngầy ngật hao háo rất khó chịu. Mặc dù ai nấy đều có dấu hiệu khá mệt mỏi cùng bị cơn buồn ngủ dày vò. Nhưng vì sự sống còn nên tự động bảo nhau người thức kẻ ngủ, phải căng mắt ra theo dõi động tĩnh bên ngoài vòng rào thép gai, không dám chểnh mảng một giây phút nào.

      Thời gian vẫn thong thả nhích dần, nhích dần theo cái kim đồng hồ trong bầu không khí lạnh lẽo rờn rợn đầy chết chóc. Trên cao. Ánh sáng hỏa châu vẫn lập lòe hắt xuống loang loáng đuổi nhau lướt trên những tàng cây bụi cỏ vật vờ đầy ma mị ngoài vòng rào. Đôi lúc tắt ngúm trả lại màn đêm đen kít ẩn chứa biết bao sự đe dọa lẫn chết chóc... Rồi lại được tiếp tục thắp sáng bằng những đốm lửa tù mù trôi trôi dật dờ giữa đêm đen như bỡn cợt múa may với tử thần đang lởn vởn đâu đây...

                                 Ảnh minh họa 28. Những đóm hỏa châu trong đêm (Nguồn:NTV)


      Tình hình chung quanh căn cứ sau hồi náo động vì tiếng gầm rú của đủ các loại đạn, giờ trở nên yên ắng một cách kỳ lạ. Ngay những tiếng cô trùng rả rích trong đêm cũng mất tăm đến lạnh cả gáy. Dù có mệt mỏi, vẫn cứ phải ngồi vất vưởng ngoài giao thông hào căng đầu lõ mắt nhìn về phía trước mặt để bảo tồn mạng sống cho bản thân. Tôi nhìn đồng hồ đã hơn 3 giờ sáng. Phiên gác cuối chuẩn bị vào thay thì lệnh báo động được hủy bỏ. 

      Mọi người thở phào nhẹ nhõm lục đục rời vị trí chiến đấu kéo nhau vào nghỉ... Dẫu vậy sự căng thẳng và những suy nghĩ về chuyện đã và đang xảy ra. Kết hợp với dấu chân băng qua đường mà tôi bắt gặp vào lúc chiều tối khi từ điểm nước trở về. Tất cả quay quắt trong đầu không hề giảm áp. Có thể đối phương muốn tập kích vào căn cứ nhưng bị các bãi mìn claymore gài phát nổ đánh động toàn căn cứ, khiến cho yếu tố bất ngờ không còn tác dụng nên họ đành phải tạm ngưng chờ cho yên ả rồi mới lại tiếp tục mò vào. Và chuyện này không phải chỉ có một lần. Mà đã xảy ra đến những ba lần liên tiếp trong một đêm. Cùng một việc bị phát lộ nhiều lần mà vẫn cố đánh cho thấy đối phương quyết tâm muốn nhổ bỏ căn cứ Hoàng Đế nó ráo riết như thế nào! Càng nghĩ càng thêm lo lắng. Có lẽ đối phương cũng không ngờ hỏa lực ẩn chứa bên trong căn cứ lại quá dồi dào và đáp trả quá mãnh liệt như thế khiến họ chịu không thấu đành phải rút lui. Và cũng chưa rõ là họ còn muốn tập kích căn cứ nữa hay không?  


-                                  * Bị tập kích lần thứ tư.

      Vào khoảng 03 giờ 30 sáng. Sau khi theo dõi phiên gác cuối cùng vừa thay xong, vào nằm chưa ấm võng. Một tiếng nổ đinh tai của quả B.41. Cũng lại từ bên phía Đại đội Chỉ huy dập đến. Lần này không còn phản ứng một chiều như những lần trước. Mà đuổi theo tiếng nổ cấp thời là hàng loạt những cụm lửa chớp nháng liên tục, sáng rực như pháo hoa nở rộ trong lòng căn cứ. Do những đòn bánh tét C.4 và lựu đạn cay từ bên ngoài phòng tuyến tới tấp bay vào như vũ bão gây nên.

      Phản ứng theo thói quen, vừa văng xuống khỏi võng, tôi chụp lấy khẩu M.16 để sẵn bên cạnh vọt lẹ ra ngoài cửa hầm bên phải, phía mà bộ mìn claymore đã nổ hồi 21giờ. Tôi tựa người vào tảng đá lạnh ngắt cao ngang thắt lưng đưa mắt quan sát, nghe ngóng tứ phía. 


Ảnh minh họa 29. Súng trường cá nhân M.16 ( Nguồn SOHA).


      Toàn phòng tuyến của Tiểu đoàn.3/3 trên căn cứ Hoàng Đế lúc này như bị cơn bão lửa bao trùm. Tất cả bật dậy hết công suất với sức mạnh của lựu đạn tròn, có sức sát thương rất cao. Không một tiếng súng cá nhân nào lên tiếng. Hai khẩu cối 60.ly, 81.ly lại tiếp tục dựng đứng nòng bắn cho tầm đạn rơi sát phòng tuyến tạo vành đai nổ chặn đường đặc công đột nhập. Rồi các khẩu đội 105.ly; 155.ly của Pháo đội.14 từ hậu cứ Trung đoàn ở Cây số.17 và trên căn cứ An Đô (T-Bone) lại tiếp tục vào cuộc. Trái sáng được bắn lên không ngừng để soi sáng hỗ trợ cho những người lính bên trong quan sát trận địa. Pháo nổ cũng được trút xuống ồ ạt với cự lỵ gần sát sạt bên ngoài phòng tuyến, yểm trợ tối đa cho cứ điểm Hoàng Đế. Đồng thời cũng bắn thật rát vào các điểm dự phòng ở phía xa, để ngăn ngừa chuyện đối phương mang cối 61.ly và 82.ly bắn vào căn cứ. 

     Bất chợt! Một cụm sáng màu hồng rực rỡ chói lòa quyện trong đám khói trắng quay vòng vòng dưới mặt đất trong vùng tối cạnh cửa hầm mặt Tây-Nam làm tôi chú ý, nhưng chỉ vài giây sau cặp mắt đã bị cay sè như sát ớt. Biết bị đặc công đánh lựu đạn cay, với phản xạ vô thức, tôi nhanh tay rút vội cái khăn trong túi sau quần, tiểu ngay vào nó (19) đưa lên dụi lia lịa vào đôi mắt. Vừa mới thấy bớt cay thì một quầng sáng chói lòa lẫn trong tiếng gầm sấm sét cùng sức đẩy kinh khiếp từ trong căn hầm tống phụt ra hất tôi văng qua mé bên kia tảng đá.

                                 


                         Ảnh minh họa 30. Quầng sáng chói lòa trong đêm (Nguồn: Battlecry)

     Khoảnh khắc mất hẳn ý thức không biết bao lâu. Tôi chống tay vào tảng đá lồm cồm gắng gượng ngồi dậy với thân thể choáng váng tê dại, ù đặc một bên tai. Giơ tay vớ vội lấy khẩu M.16 đang nằm trơ vơ bên cạnh, tay kia quờ quạng tìm cái khăn trong vô vọng. Tôi cố đứng dậy loạng choạng bước vội vào căn hầm xem sự thể ra sao. Căn hầm trước đó rất vướng víu vì những cái võng giăng ngang của 05 người trong Ban Chỉ Huy Trung đội, giờ trống toang hoác thênh thang tối om ngập ngụa mùi thuốc nổ. Không suy nghĩ được gì. Tôi bước ra cửa hầm ngồi dựa vào tảng đá đưa mắt mệt mọi đảo quanh phòng tuyến chói lòa khói lửa cùng tiếng nổ dậy trời. Om tiếng vo ve trong lỗ tai ù đặc một bên.

      Đúng vào lúc này bầu trời chợt bừng sáng hẳn lên. Mọi sự vật trước mắt hiển hiện khá rõ ràng dưới ánh sáng mạnh mẽ của những trái hỏa châu từ chiếc C.47 đang lượn vòng vòng nhả ra từng đợt treo lơ lửng giữa thinh không mịt mờ. Tầm quan sát của mọi người được tăng độ rõ và xa hơn rất nhiều so với ánh sáng tù mù của pháo sáng. Nhờ đó mà sự tự tin được nâng lên rất cao, giảm bớt đi sự căng thẳng khi phải trực diện với bóng tối và giúp chúng tôi trở nên bình tĩnh hơn để chiến đấu giành sự sống còn về cho mình.


Ảnh minh họa 31. Phi cơ C.47 (Nguồn: museeairespace).


Ảnh minh họa 32. Hỏa châu (Nguồn: TDGS)


      Một cái vỗ vai. Tôi giật mình quay lại, Thiếu úy Tôn thất Toàn Đại đội Phó, khi nghe tin căn hầm của tôi bị lãnh mấy cục C.4 nên chay ra xem sự thể. Biết tôi chỉ bị thương nhẹ, anh khích lệ vài câu rồi chạy vội về phía Đại đội. Cùng lúc này ngay sau lưng tôi. Mặt bên kia căn hầm. Cả chiều dài phòng tuyến phía Tây-Nam vẫn hừng hực khói lửa. Tiếng gào thét của những người lính pha lẫn tiếng nổ đinh tai, chớp giật của đủ loại chất nổ dậy trời phủ rền đều như bắp rang không dứt. Có thể nhận diện được ngay là mặt phía Tây-Nam này đã bị đặc công áp rất sát phòng tuyến. Có như vậy họ mới đủ tầm để ném lựu đạn cay cùng những đòn C.4 vào căn hầm của tôi một cách chính xác và dễ dàng như thế. Ngoài thực địa thì căn hầm nằm cách mặt trong hàng rào kẽm gai từ 4 đến 5 mét chứ có gần gặn gì.

     Ngược lại. Chỗ tôi đang ngồi, ngay cửa mé Đông-Bắc căn hầm. Cũng là phía bãi mìn claymore nổ lúc 21giờ. Được xem là khá yên tĩnh. Có lẽ vì triền núi mặt bên phía Đông-Bắc này thuộc dạng đồi trọc không cây cối. Mặt đất toàn đá vụn sỏi cơm cùng cỏ dĩa trụi lủi lại có độ dốc khá đứng chạy dài đến lưng chừng núi. Một điều làm cho đối phương e ngại không dám bố trí quân vì nó vừa quá trống trải, vừa quay mặt về hướng căn cứ T-Bone của Trung đoàn, rất dễ bị phát lộ khi có những động tĩnh khác lạ... Họ dồn tất cả lực lương tấn công vào mặt phía Tây-Nam căn cứ. Nơi có một thông thủy khá lớn đổ về hướng sông Bồ, lại được che phủ bởi lớp cây cối um tùm dầy đặc. Rất thuận lợi cho chuyện di chuyển và ém quân để chờ cơ hội đánh vào căn cứ Hoàng Đế. Hoặc giả đây cũng là một chiến thuật. Dồn toàn lực đánh mạnh vào một bên. Để ngỏ một bên cho địch tháo chạy. Không dám quây tròn mà đánh. Vì dễ dẫn đến chuyện bị nhầm lẫn giữa ta và địch khi cả tứ phía cùng giáp công vào căn cứ.      

       Phải khách quan mà nói, lúc mới nhập trận. Mắt nhắm mắt mở kèm nhèm, ai nấy thấy trong lòng căn cứ nháng lửa loạn xạ khắp nơi kèm theo những tiếng nổ đinh tai, cứ tưởng là đặc công đã lọt được vào bên trong ném C.4 phá hoại. Do vậy mà phản ứng cấp thời trong cơn hoảng hốt. Họ thi nhau ném lựu đạn liên tu, bừa bãi không chút kềm chế là điều không thể tránh khỏi. Nhưng rồi cũng nhờ chính những tiếng nổ dày đặc dữ dội này cộng mùi thuốc nổ hòa quyện đặc sệt trong không khí đã tác động mạnh vào thần kinh, khiến họ dần dà lấy lại được sự bình tĩnh, trở nên chai lỳ để đối phó với trận đột kích của đối phương. Nhất là từ khi ánh sáng cực mạnh của những trái hỏa châu do chiếc C.47 thả ra chiếu sáng cũng đã vực lại tinh thần cho binh lính đồn trú rất nhiều.

            Có thể khẳng định. Công đầu thuộc về hỏa lực lựu đạn trong căn cứ. Mỗi hố cá nhân đôi, lúc đó có ít nhất cũng hai két lựu đạn (mỗi két chứa 30 quả). Do được tiếp tế thường xuyên, lại nằm im một chỗ, ít khi sử dụng đến nên nguồn dự trữ có sự vượt trội… Kinh nghiệm của những người lính lâu năm cũng có nhiều đều để giúp họ tồn tại. Thay vì để lựu đạn trong thùng hay một chỗ nào đó. Họ cho đóng hai cái cọc vào vách hố cá nhân, căng sợi dây ngang qua rồi móc cái mỏ vịt lựu đạn vào đó để hàng loạt. Sau khi đã bóp duỗi thẳng hai đầu sợi thép của chốt an toàn ở vị trí tương đối gần thẳng sẵn sàng. Lúc hữu sự họ chỉ việc lấy ra rút chốt an toàn rồi ném ngay, không mất thời gian lay hoay dùng sức vì chuyện phải rút cái chốt. Nhất là trong đêm tối đầy căng thẳng, chuyện mò được sợi kẽm để vuốt cho thẳng không hề đơn giản... Trong lúc đối đầu. Đôi khi chỉ cần chậm chạp một đôi chút là có thể dẫn đến chuyện thương vong ngay tức thời...  

      Tóm lại. Sau những giây phút hoảng loạn vì bị tập kích bất ngờ. Tinh thần binh lính đồn trú dần dà lấy lại được sự bình tĩnh. Họ chủ động hô hoán thật to, khuyến cáo đồng đội  tiết kiệm đạn dược cũng là cách để lấy tinh thần và khích lệ lẫn nhau trong lúc tranh dành lấy sự sống còn. Có những người lính lỳ lợm phấn khích đến mức độ, họ rút chốt, bung mỏ vịt cho lựu đạn kích nổ. Thay vì ném ngay, họ lại đếm nhẩm một lúc rồi mới ném ra ngoài. Việc kích hoạt trước, rút ngắn thời điểm nổ một thời gian ngắn này, khiến quả lựu đạn đang rơi lơ lửng chưa kịp chạm mặt đất đã phát nổ ngay từ trên cao, dập miểng chụp xuống gây sát thương cho đối phương đang lúc đột nhập trên địa hình trơ trọi không chỗ ẩn nấp hay che chắn dẫn đến chuyện bị thương vong là không tránh khỏi.

     Cuộc đối đầu giành giật từng tấc đất trên rẻo núi vài trăm mét vuông diễn ra rất kịch liệt. Những tiếng nổ kèm theo những bựng sáng chớp giật rực lửa, thi nhau bùng vỡ khốc liệt bao trùm khắp căn cứ. Ánh sắc của thần chết đầy nghiệt ngã đang lúc cao trào. Cơn lốc lựu đạn từ trong tung ra, đáp trả cơn mưa các bánh C.4 của đặc công từ ngoài ném vào, cộng thêm đạn pháo 105.ly, 155.ly, cối 81.ly và 60.ly. hợp lực tóe nổ sấm dậy liên tục, sáng lòa cả một đỉnh núi… Cả hai bên đều dùng chất nổ quyết triệt hạ lẫn nhau cho bằng được. Không một tiếng súng cá nhân. Chỉ loáng thoáng tiếng súng đại liên M.60 của xạ thủ HS. Triết đặt ngay cổng ra vào, từ căn cứ đi ra sân bay chính là góp mặt. Khi thì bắn xối xả cả dây rà sát mặt đất, lúc ba phát một để khống chế ngăn chặn không cho đối phương lợi dụng vị thế trống trải của sân bay mà tràn vào.

Ảnh minh họa 33. Đại liên M.60. (Nguồn: Gun Wiki)


   Ảnh minh họa 33bis. Xạ thủ đại liên M.60 đang hoạt động. (Nguồn: Battlecry

      Đã 6 giờ sáng. Trận chiến sôi động kéo dài không phút ngừng nghỉ giờ đã tạm lắng dịu. Trời càng lúc càng sáng tỏ. Nhờ thế mà tinh thần mọi người trong căn cứ phấn chấn hẳn lên không còn lo lắng, e sợ gì nữa khi đã trấn áp, bẻ gãy được những cuộc đột kích của đối phương.


Ảnh minh họa 34. Mặt trận vào buổi sớm mai (Nguồn: Battlecry)

     Bầu trời mùa Hè nhiệt đới buổi sớm trong veo không gợn mây. Thỉnh thoảng phả những cơn gió mong manh làm xao động bầu không khí hâm hấp sặc mùi thuốc súng vẫn còn bảng lảng chưa tan. Lúc này mới nghe lác đác những loạt đạn súng cá nhân M.16 của những người lính đang lục soát bên ngoài phòng tuyến căn cứ, bắn truy kích vào các bụi bờ phía xa ngăn ngừa đối phương có thể còn ẩn núp để bắn tỉa… 

     Đến khoảng hơn 08 giờ sáng. Tình hình chung quanh căn cứ đã được kiểm soát hoàn toàn. Không có thiệt hại gì về nhân mạng cho lính đồn trú, ngoại trừ một số bị thương nhẹ bởi chất nổ của đối phương. Căn hầm Chỉ Huy Trung đội.2 của tôi ở rìa Tây căn cứ bị lãnh trọn một quả đạn cay và mấy cục C.4. Vào ngay giây phút đầu tiên do đặc công ném vào. Cũng may là khi đó tôi không có mặt ở trong hầm mà đã lao ra ngồi ở mé ngoài hông cửa, nép bên tảng đá to. Ấy vậy mà vẫn bị sức nổ của bánh C.4 hất văng từ bên này qua bên kia phiến đá cao ngót nghét cả thước, chấn động toàn thân, râu tóc bị lửa háp cháy quéo hết, rịn máu cả lỗ tai bên trái, cho thấy sức nổ của bánh C.4 nó khủng khiếp cỡ nào. Cũng may là tôi không bị điếc.... Rõ ràng đặc công đã lóc vào khá gần để điều nghiên, nắm rất rõ địa hình địa vật từng nơi chốn họ sẽ tập kích nên khi hành sự họ mới ném được quả C.4 vượt qua hàng rào kẽm gai lọt thỏm vào trong căn hầm một cách chính xác như thế.


     Và đây là lần tấn công quyết tử lần thứ tư, cũng là lần cuối cùng trong ngày. Nhưng trước sau họ đều lãnh lấy sự thất bại do hỏa lực lựu đạn quá mạnh của đơn vị đồn trú.


                                                                          *** 

          Trận đánh vào căn cứ Hoàng Đế khiến đối phương bị thất bại, bởi nhiều yếu tố có lợi cho phía phòng thủ.


        * Thứ nhất. Hàng rào kẽm gai concertina. Đây là loại kẽm gai mới sản xuất sau Đệ nhị thế chiến cực kỳ lợi hại. Nó không giống như loại kẽm gai cũ. Với loại kẽm gai cũ, mỗi khi rào phải căng thành hàng lối, đan chen chồng chéo nhiều lớp lẫn với nhau đều đặn. Yếu điểm. Nếu muốn chui qua chỉ cần dùng cây chống lên. Sợi kẽm mềm không đàn hồi khi bị cắt vẫn ngay đơ, nằm ẹp tại chỗ. Rất dễ dàng cuốn gập lại để lấy đường bò lách qua. Còn loại concertina. Lõi là một cọng thép cứng có nhiều lưỡi ngạnh sắc bén gắn lên thanh thép được cuộn thành nhiều vòng giống như lò xo. Khi rào, bưng nguyên khoanh thả chồng lên nhau rồi kéo giãn dài ra. Do lõi là một cọng thép được tôi cứng cuộn tròn thành nếp. Càng cắt nó càng cuộn thu nhỏ lại. Rất khó bẻ cong hay gập lại vì nó rất lùng nhùng. Khi đã dựng thành hàng rào cao, khó có thể dùng ván đè lên làm cầu để vượt qua như loại kẽm gai cũ.

Ảnh minh họa 35. Kẽm gai concertina (Nguồn: Theo Dấu giày Sô).

Ảnh minh họa 35bis. Đặc công đang luồn mình dưới hàng rào concertina.
(Nguồn:VnExpress)



     * Thứ nhìCác bộ mìn bẫy claymore tự động và lựu đạn là cũng là những lực cản rất mạnh mẽ, khiến đối phương khó vượt qua. Với mìn claymore có tầm sát thương rất rộng đến 60 ° và xa đến cả 100 mét. Còn Lựu đạn khi nổ sẽ văng miểng gây sát thương trong vòng 3 mét, nếu không được che chắn bảo vệ. Ngoài ra lựu đạn cũng rất lợi hại khi sử dụng chúng để giăng bẫy với sợi cước trong veo. Vì trong đêm tối mắt thường khó mà thấy rõ được sợi dây cước giăng bẫy lẫn lộn trong lớp kẽm gai hàng rào hoặc những chỗ hiểm hóc không ngờ đến.

     * Thứ ba. Một yếu tố không ai ngờ đến, thật vô tình nhưng lại trở thành trở ngại rất lớn cho đối phương. Đó là những vỏ lon đồ hộp. Sau khi sử dụng, lính đồn trú thường là vất bừa bãi ra ngoài hàng rào. Do vỏ hộp là chất kim loại mỏng, khi đụng vào rất dễ gây thành tiếng. Điều này khiến cho các đặc công khi luồn vào đã phải tiêu tốn rất nhiều thời gian cho việc thu dọn, cũng như phải thật cẩn thận để tránh gây ra tiếng động. Có lẽ vì vậy mà các mũi đặc công không thể đồng loạt áp sát và hành sự việc tấn công cùng thời điểm như đã ước hẹn, làm cho tiến trình bị chệch choạc, kẻ trước người sau không nhất quán nên đành chuốc lấy thất bại.

        Cuộc đột kích không thành đã gây tổn thất khá nặng về nhân mạng cho đối phương. Ngay chỗ bãi mìn claymore của Trung đội 2 ở doi đất phía Bắc căn hầm của Ban chỉ huy Trung đội.2 phát nổ lúc 21giờ. Khi ra lục soát. Tại hiện trường thấy còn để lại hai đoạn anten đũa bị mìn claymore đốn gãy nằm lỏng chỏng trên mặt đất. Có vẻ người lính truyền tin và người Chỉ huy bị quả mìn tiêu diệt nhưng đã được kéo xác đi. Và ở hốc đá ngoài hàng rào phòng tuyến, gần cửa hầm phía Tây-Nam của Trung đội.2 để lại hai xác lính đặc công bên cạnh cây kềm cộng lực có cán dài cả thước. Về bên phía Đại đội Chỉ Huy khi ra lục soát chung quanh bên ngoài. Ngoài một số xác còn phát hiện thấy những vạt cỏ, trải lá chuối đã héo thối do đặc công lót để nằm cả một thời gian dài. Và ở bãi đáp trực thăng ngoài cổng chính. Đại đội Chỉ huy cũng bắt sống được hai người lính đặc công. Tất cả bọn họ đầu đội nón vải mỏng ôm sát sọ, mặt và người bôi hóa trang vằn vện, dưới hạ bộ chỉ mặc mỗi cái quần lót bó chẽn sát vào thân. Từ lời khai của hai tù binh này cho biết. Họ đã nằm sát hàng rào phòng thủ của căn cứ theo dõi điều nghiên nắm bắt mọi sinh hoạt bên trong căn cứ rất kỹ cả tháng trời trước khi hành động... Với lực lương tấn công rất hùng hậu gồm. Hai Tiểu đoàn đặc công và hai Tiểu đoàn bộ binh. Họ cũng cho biết thêm. Sau khi đặc công chiến thắng xong sẽ giao cho hai Tiểu đoàn bộ binh chiếm giữ.

          Có một điều làm tôi băn khoăn mãi... Là vào ngay buổi chiều, trước lúc bị đặc công tập kích khoảng 4, 5 tiếng đồng hồ. 

         Hôm đó Trung đội tôi có nhiệm vụ đi giữ an ninh điểm nước cho toàn đơn vị ở một lạch nước chảy cắt ngang con đường đất đỏ, từ căn cứ chạy ra đến đường 547. Cách sân bay chính của căn cứ chừng 500 mét. Đến hơn 16giờ. Thấy không còn ai lấy nước nữa. Tôi cho gọi máy báo về Đại đội và nhận được lệnh rút. Trên đường về một trận mưa nhẹ ướt đất, đủ sức in rõ mọi dấu vết trên bề mặt nếu dẵm lên nó. Khi về đến con dốc đi vào sân bay. Tôi phát hiện thấy có dấu chân trần từ mé bìa rừng phía Nam chạy băng qua đường hướng về phía ngoài hàng rào kẽm của phòng tuyến Đại đội Chỉ huy. Khi vào căn cứ. Tôi gặp Tr/úy Hổ. Đại đội Trưởng để báo cáo về chuyện này. Tr/úy Hổ cho rằng lính của Đại đội Chi huy đi hái rau rừng. Tôi có phân tích cho Tr/úy Hổ là lính của mình không bao giờ đi chân trần cả vì đã quen đi giày. Cho nên dấu chân đó chỉ là của đối phương chứ không phải của ai khác. Tr/úy Hổ nói hôm nay Trung đội của tôi đang trực. Nếu muốn đi lục soát thì ông ấy sẽ báo lên Tiểu đoàn để Trung đội tôi đi tiếp làm nhiệm vụ. Tôi đành im lặng vì nhận thấy Trung đội đã qua một ngày vất vả giữ an ninh điểm nước, mới về chưa kịp nghỉ ngơi ăn uống gì, mà trời lúc này cũng đã chạng vạng tối, nếu lại phải đi tiếp thì quá cực. Tôi đành im lặng cho qua... Nếu mà chiều hôm ấy Trung đội của tôi đi ra lục soát thì không biết chuyện gì đã xảy ra nữa...

                                                                         

                                                                    *   *   *   

         Sau trận đặc công tập kích vào cứ điểm Hoàng Đế.  BCH Tiền phương Sư đoàn.1BB, đã nhận thấy mối nguy cơ có thể bị mất luôn cứ điểm Hoàng Đế. Một vị trí then chốt cuối cùng rất quan trọng còn sót lại. Một bàn đạp vững chắc dùng để triển khai những mũi dùi thọc vào giải tỏa áp lực phía Tây-Bắc Bastogne cũng như tái chiếm lại vùng rừng núi phía Tây Nam Huế về sau này không thể để mất. Nên Sư đoàn.1 đã tăng cường phi pháo oanh kích và B.52 trải thảm vào những vùng rừng sâu như: A Tây; Động Cù Mông; Động Ông Đội và vùng sau lưng ngọn núi Mày Nhà. Nơi mà đối phương có thể dấu quân và kho đụn.

     Bình thường suốt cả tháng nay, không gian chung quanh căn cứ Hoàng Đế không ngày nào ngớt tiếng đạn pháo từ các pháo đội bắn vào yểm trợ cho các đơn vị chung quanh. Rồi những tiếng gầm gào xé gió của động cơ phản lực thoát ra từ những chiếc phi pháo khiến bầu trời vùng Tây Nam Huế như muốn sôi lên từng chặp ngay từ sáng sớm. Đột nhiên sáng hôm nay không gian chung quanh căn cứ Bastogne và Hoàng Đế lặng ngắt như tờ, chỉ còn nghe loáng thoáng tiếng nổ từ xa vọng đến. Một chuyện lạ!    

        Khoảng hơn 9 giờ sáng. Bầu trời trên căn cứ Hoàng Đế trong veo xanh ngát trống rỗng. Bỗng xuất hiện một chiếc C.130 lầm lũi một mình ở tầm khá cao, bay tà tà từ hướng sông Bồ về phía Bastogne mà không hề thấy có lấy một chiếc chiến đấu cơ nào theo hộ tống. Phía sau đuôi chiếc máy bay vận tải C.130 kéo theo một cái dù màu xám trong tư thế nằm ngang bọc gió tròn xoe căng cứng (20). Một hiện tượng kỳ lạ đang xảy ra trên bầu trời lửa đạn chỉ dành cho chiến đấu cơ có tốc độ cao. Bèo nhất cũng phải là hạng cường kích A.37.

       Tôi không hiểu chuyện gì! Tiếp tế chăng? Cho đơn vị nào vậy? Khi mà đơn vị chúng tôi nằm sâu và xa nhất, cũng không hề nhận được một thông báo gì cho việc đang xảy ra trên không phận căn cứ. Quái thật!

Ảnh minh họa 36. Phi cơ vận tải C.130 (Nguồn Wikipedia)

        Chiếc C.130 chậm rãi bay lôi theo cái dù màu xám bọc gió căng phần phật sau đuôi. Khi ở vị trí ngay đỉnh đầu căn cứ. Bất ngờ cái dù xám tuột ra khỏi thân chiếc C.130. Một khối đen có vẻ rất nặng không rõ chứa thứ gì bên trong kéo chiếc dù xám rớt xuống theo chiều thẳng đứng. Chừng dăm phút sau. Một chuyện lạ tiếp tục xảy ra. Từ khối màu đen ban đầu treo dưới cái dù xám lại rơi ra một khối đen trũi khác. Ngay tức khắc, ở đuôi bung ra một cái dù nhỏ tròn xoe để giảm tốc rơi cho khối đen. Lúc này chúng tôi mới nhận dạng được đó là một quả bom to đùng treo tòng teng dưới cái dù giữa thinh không. Có lẽ trọng lượng quả bom rất nặng nên đã lôi cái dù nhỏ rơi xuống với tốc độ khá nhanh, theo gió trôi dạt về phía thung lũng rừng non 68, gần tới đường 547.


        Một bựng lửa chói lọi chớp lòa. Cả vùng không khí bị tác động bởi sức nén ép không tưởng của hàng trăm kilo chất nổ TNT nhất thời xé toạc bùng vỡ cực mạnh. Lùa tiếng rền sấm động rung chuyển đất trời đuổi nhau len lỏi qua những khe thung về mãi xa xa. Tại tâm chấn. Một đụn mây bụi khổng lồ cuồn cuộn quyện xoáy thúc nhau bốc tung lên những quầng khói đen xám ngoét, ngùn ngụt đùn lên nở xòe như cây nấm cao đến cả trăm thước. Cuốn theo không biết bao nhiêu thứ dưới mặt đất bị sức nổ, sức nóng mãnh liệt nghiền vụn nát, vật vờ bay trong không khí loang rộng ra đến cả cây số vuông. Phải gần nửa tiếng đồng hồ sau quầng khói bụi mới tan hết. Từ căn cứ. Chúng tôi nhìn thấy cả một khoảnh rừng bị cuốn phăng trống toác tròn như cái nia. Có thể làm bãi đáp dã chiến cho trực thăng rất thoải mái.


Ảnh minh họa 37. Một quầng lửa hổng lồ do quả bom nổ gây ra (Nguồn: Battlecry)

       Mãi về sau này tôi mới biết đó là bom CBU hay còn gọi là bom con heo. Rất ít khi sử dụng trên chiến trường VN. Do sức tàn phá của nó quá mạnh. Đó cũng là lần duy nhất mà tôi được chứng kiến cho việc thả quả bom CBU trên chiến trường Tây Nam Huế.


 

                              2 - CUỘC PHẢN CÔNG CỦA TIỂU ĐOÀN.3/3.

         Khoảng cuối tháng 4/1972. Trung đoàn.54 đã hoàn tất việc bàn giao vùng hoạt động ở mạn Nam đường 547cho Trung đoàn.1/1. Để chuyển về căn cứ Dạ Lê (La Sơn). Nơi đặt Bộ Tư Lệnh Sư đoàn.1BB. Chịu trách nhiệm hoạt động ở vùng rừng núi phía Bắc đèo Hải Vân như: Bạch Mã; động Truồi và Nam Đông-Khê Tre...v.v... Như vậy ở vùng Tây nam Huế chính thức chỉ còn có Trung đoàn.1/1 và Trung đoàn.3/1 hoạt động. Lấy trục đường 547 làm xương sống rồi cho bung rộng các mũi phản công ra những vùng chung quanh như vết dầu loang lấn dần về hướng Tây.

       Cuộc giằng co quyết liệt giữa đôi bên đến từng mỏm núi kéo dài đã hơn ba tháng. Không ngày nào là không có những đợt không yểm từ hạm đội Mỹ ở ngoài khơi bay vào rồi của không quân VN. Xen kẽ các trận hỏa tập TOT của pháo binh trút xuống từng ngọn núi chuẩn bị tiến chiếm. Có những lúc cấp bách phải xin B.52 trải thảm để giải tỏa bớt áp lực địch quân. Về chuyện xin đánh bom B.52. Bình thường phải đến cả tháng mới có. Nay trong tình huống cấp bách muốn giải quyết nhanh chiến trường nên chỉ chừng tuần lễ là phía Mỹ đã đáp ứng. Đặc biệt nguy cấp thì chỉ chừng đôi ba ngày là có. Những phi vụ trải thảm này thường xảy ra về ban đêm và các đơn vị gần nhất được báo động trước đề phòng bom rơi lạc. Những lúc như thế này. Sáng dậy nhìn chung quanh phòng tuyến, nóc lều poncho phủ cả lớp mảnh lá cây vụn nát lẫn tro bụi, phảng phất mùi thuốc nổ khét lẹt.

                                                                   ***

       Để tiến hành song song với Trung đoàn.1/1 đang mở các mũi dùi phản công vào dải Đèo Sơn Na, phía Nam đường 547. Trung đoàn.3/1. Điều động hai Tiểu đoàn.1/3 và 2/3. Chia làm hai cánh từ vùng trũng dưới chân Động Ngang và vùng 68 tiến vào bắt tay với Tiểu đoàn.3/3 trên căn cứ Hoàng Đế (King) và Tiểu đoàn.2. Trung đoàn.1 của Thiếu tá Bình đang hoạt động ở phía Đông con suối đổ vào rào Bình Điền ra đến đường 547. Tiểu đoàn.1/3. Sau khi bắt tay với Tiểu đoàn.3/3 xong. Lập tức từ vùng trũng 68 tiến dần về mạn Tây-Nam đánh mạnh vào các vùng núi thấp ở phía Nam dải Không Tên rồi cho phát triển dài xuống tận phía Bắc căn cứ Bastogne. Tiểu đoàn.2/3 theo sau bọc hậu. Cặp theo vùng trũng động tranh Rào Bình Điền. Mở nhiều mũi tiến mạnh về hướng Nam ra đến đường 547. Khống chế rìa ngoài mạn Đông căn cứ Bastogne. Khu vực tiếp giáp với Trung đoàn.1/1.

       Về mặt chiến lược Trung Đoàn.3/1. Muốn tiến sâu hơn về hướng Nam và hướng Tây phải nắm được trong tay dãy Không Tên. Một dải núi có cao độ trên 200 mét so với mặt nước biển nằm vắt ngang từ Bắc xuống Nam dài hơn hai cây số. Có triền kéo dài đến tận khu vực Bắc Bastogne, giống như con đê chặn ngang vùng 246 với ngọn Mày Nhà. Một dải đồi chiến lược rất quan trọng nếu chiếm được. Từ đây có thể tận dụng lợi thế từ trên cao và địa hình của dải Không Tên cho mở những mũi tiến công khoét sâu xuống vùng rừng núi phía Đông ngọn Mày Nhà. Khi làm chủ được những cao điểm ở khu vực cực Bắc Bastogne này sẽ góp phần đảm bảo an ninh ở mặt sườn phía Tây cho hai Tiểu Đoàn.1/3 và 2/3.  Và khi đó chuyện tái chiếm lại căn cứ Bastogne hay muốn tiến sâu hơn về phía Tây cũng không lấy gì làm khó. Chính vì thế mà Trung đoàn.3/1 đã quyết định thúc Tiểu đoàn.3/3. Đang hoạt động quanh vùng núi 246. Phải dồn lực lượng quyết đánh chiếm cho bằng được dải núi Không Tên này với bất cứ giá nào. 

                                                                      *                                                                   

         Kế hoạch dự trù trên bản đồ hành quân là vậy. Nhưng thực tế không dễ thực hiện. Bởi địa hình  của dải núi vô tình trở thành rào cản thiên nhiên được đối phương tận dụng. Từ căn cứ Hoàng Đế muốn tiến qua dải Không Tên chỉ có thể đi theo một triền núi duy nhất ở hướng Tây-Nam, ngoài ra không còn một lối nào khác. Đối phương đã nắm được lợi thế này nên đã cho đặt chốt chặn ngay tại đầu con dốc. Với hỏa lực rất hùng hậu. Ngoài B.40, B.41, RPD và cối 82.ly còn có cả phòng không 12ly7 và Sam.7. Bố trí di động lẩn khuất ở quanh dải Không Tên. Không những thế còn được hậu thuẫn bởi cối130.ly, hỏa tiễn122.ly trong mé Tà Lương, Kim Quy bắn ra yểm trợ nữa. Khiến cho các mũi tiến công của Tiểu Đoàn.3/3 bị vấp phải bức tường hỏa lực mạnh mẽ của đối phương không chút dễ dàng để vượt qua.

     Những diễn tiến đầy khó khăn và phức tạp này đã đẩy cuộc diện vào thế tranh dành không khoan nhượng. Một bên đặt nút chặn giữ chặt không cho đối phương tiến vào. Một bên cố gắng nhổ cho bằng được cái gai trước mắt để lấy đà tiền về phía Tây. Điều này đã khiến cho giải núi Không Tên phải đưa lưng ra hứng chịu cả vài chục đến hàng trăm tấn bom đạn đủ loại kích cỡ, từ các phi vụ không yểm. Phantom. Skyhawk, B.52 của Mỹ. Phi cơ cường kích A.37 của VN. Và đạn pháo 105.ly và 155.ly của Pháo đội.14. Tất cả thay nhau trút xuống mới có khoảng mươi ngày mà đã khiến một vùng đồi núi dài cả vài cây số bản đồ. Vốn xanh um rậm rạp giờ trống toác, cây cối lớn nhỏ bị cuốn phăng gãy đổ ngả nghiêng trơ gốc lòi nền đất rừng, sạt lở đỏ ối đến tận lưng chừng núi. Một thảm màu bầm dập héo úa tơi tả của đất đá, của lá cành nát ngứu vương vãi phủ tràn mặt đất xốp sộp lam nham nhợt nhạt. Đây đó rải rác những hố bom toang hoác sâu hoắm, đan chen cùng những cây cổ thụ đầy dấu vết cháy xém vì bom xăng, đôi chỗ còn ngún lửa lập lòe như ma trơi khi đêm về. Một rẻo đất thê lương đầy chết chóc được om trong bầu không khí khô khốc nóng hực mùa Hè. Nồng nặc mùi thuốc nổ, quyện lẫn mùi hăng hắc lá rừng dập nát làm cho hơi thở càng nặng nề bí bách. Ấy vậy mà con người của đối phương sống, vẫn trơ như đá. Mỗi lần các Đại đội đưa quân tiến đến gần đỉnh là bị phục kích gây thương vong, lại phải tháo lui xin hỏa tập rồi quay lại đánh tiếp… Thật không hiểu nổi vì sao họ có thể chịu đựng được sự hủy diệt khốc liệt của bom đạn đến như vậy?   

        Trận chiến cứ thập thò, lập đi lập lại mãi như thế đến cả hơn tuần lễ mà chưa thể dứt điểm được.

                                                                       *

      Đến phiên trực chính. Trung đội.2 của tôi được điều ra “chốt ngã ba” (21) thay cho Trung đội.3 vào căn cứ nghỉ ngơi. Đồng thời cũng làm đầu cầu yểm trợ mặt sau cho các Đại đội,2 chuyển quân lên tiến đánh mục tiêu. Với vị trí của “chốt ngã ba” này chúng tôi có thể quan sát địa hình đối diện ở trên dãy Không Tên khá rõ, do có góc nhìn khá thông thoáng đầy thuận lợi.

      Sau bốn ngày liên tục tấn công không hiệu quả. Hôm nay Đại đội.2 lại tiếp tục cho dàn quân chuẩn bị, chờ phi pháo không kích xong sẽ đánh tiếp. Vì là chốt tiền tiêu nằm ở vị trí then chốt. Lại là cửa ngõ ra vào dải Không Tên nên chúng tôi được thông báo sáng nay sẽ có bốn đợt oanh kích do phi pháo Mỹ thực hiện.

      Khoảng hơn 7giờ 30 sáng. Tiếng động cơ vo ve của chiếc gọng bừa OV.10 đang bay lượn lờ trên bầu trời vọng xuống, chờ những phi tuần đánh bom từ ngoài khơi bay vào để bắn chỉ điểm.


                                Ảnh minh họa 38. Phi cơ trinh sát OV.10. (Nguồn SOHA)


      Chừng hơn 8giờ. Tiếng gầm xé gió của cặp phi pháo từ hướng Đông kè nhau bay vào vùng. Chiếc OV.10 đang lượn lờ nhanh chóng hạ độ cao chúi xuống bắn một trái đạn khói vào mục tiêu trên đỉnh cao nhất dãy Không Tên rồi đảo cánh bay lượn ra vùng an toàn nhường chỗ cho cặp phi pháo. Nhưng trái khói vừa bắn xong bị cơn gió mạnh thổi bạt mất không định vị rõ được mục tiêu nên phía phi pháo yêu cầu bắn chỉ điểm lại. Chiếc OV.10 liền quay đầu bay vào, lấy đà chúi xuống bắn một quả đạn khói vào mục tiêu vừa bị mất dấu.


Ảnh minh họa 39. Tiêm kích F.4 (Nguồn: Bảo tàng chứng tích chiến tranh)


       Một sự kiện cấp thời xảy ra trước mắt chúng tôi chẳng khác gì một đoạn phim. Khi chiếc OV.10 vừa bắn xong quả khói đang trên đà cất lên thì một trái hỏa tiễn tầm nhiệt SAM.7 từ vùng trũng có nhiều thông thủy đổ về phía sông Bồ, bên phải “chốt ngã ba” của tôi xẹt lên, vuốt theo một giải khói trắng toát dài ngoằng phía sau lao vút lên cắm ngay vào đuôi chiếc OV.10 tóe lửa cùng tiếng “bụp” đanh gọn. Vụ nổ nháng lửa, khiến chiếc OV.10 mất thăng bằng chao đảo chúi mũi rơi xuống, kéo theo một bựng khói xám cuồn cuộn nổi bật giữa bầu trời trong vắt không gợn mây. Một khoảnh khắc sau, từ chiếc OV.10 một chấm đen văng ra. Nở thành chiếc dù căng gió tròn xoe như cái nấm có nhiều múi trắng đỏ, từ từ rơi xuống khuất sau dãy núi Không Tên. Hai chiếc phi pháo thấy vậy lập tức quay đầu bay mất dạng.



Ảnh minh họa 40. SAM 7 và đạn (Nguồn: Wikipedia)


      Mươi phút sau khi chiếc OV.10 bị bắn hạ. Hệ thống truyền tin của Tiểu đoàn.3/3 được lệnh phải có một máy chuyển qua tần số S.O.S của viên phi công và ở chế độ trực 100%, chờ bắt tín hiệu liên lạc. Sự chờ đợi này kéo dài mãi đến khoảng 02 giờ sáng. Hệ thống S.O.S ở Tiểu đoàn mới bắt được tín hiệu của viên phi công Mỹ và anh ta cho biết. Do phải lẩn trốn nên khi nào thuận lợi sẽ gọi lại và ấn định cứ 02 tiếng đồng hồ anh ta sẽ gọi lại một lần để giữ mối liên lạc. Đến khoảng 6 giờ sáng. Hệ thống S.O.S nhận được tọa độ điểm đứng chính xác của viên phi công và anh ta sẵn sàng chờ đơn vị cứu hộ đến đón.

                                     Ảnh minh họa 41. Nhảy dù. (Nguồn google)



        Khoảng 9 giờ sáng. Một chuyện trái khoáy chưa từng thấy trên vùng trời đầy lửa đạn. Hai chiếc phi cơ skyraider một cánh quạt cổ lỗ sỉ bay rè rè thật thấp. Đến nỗi thấy rõ cả hai người phi công trên buồng lái. Sau gần nửa tiếng bay lượn loanh quanh trên bầu trời mà không thấy phòng không đối phương hay các phương tiện khác bắn lên. Hai chiếc Skyraider tếch mất… Chả ai rõ nhiệm vụ của chúng bay đến để làm gì. Chừng dăm phút sau. Hai chiếc trực thăng Cobra của Mỹ bay vào cùng nhau đánh vòng quần thảo trên bầu trời. Bất chợt xuất hiện ba chiếc trực thăng UH.1D bay ở tầm thật thấp gần sát ngọn cây, luồn vào khất dạng sau dãy núi. Chừng dăm phút sau. Cả toán cứu hộ nâng độ cao kéo nhau bay vèo về hướng sông Hương. Việc giải cứu viên phi công thành công mỹ mãn.


Ảnh minh họa 42. Phi cơ chiến đấu Skyraider. (Nguồn: avgeekery.com)


                         Ảnh minh họa 43. Chiếc AH-1G Cobras của quân đội Mỹ.

                                          (Nguồn: vietnamhelicopters.org)



       Sau này tôi được người truyền tin Tiểu đoàn cho biết. Viên phi công Mỹ lái chiếc OV.10. Khi thấy chiếc máy bay bị trúng hỏa tiễn SAM.7 phát nổ. Anh ta đã quay lại phía sau gõ vào tấm kính ra hiệu cho người Tiền Sát Viên VN hãy rời khỏi buồng lái, nhưng không thấy động thái nào của sự sống nên anh đã một mình bung khỏi chiếc OV.10 đang bốc cháy.

       Kể từ khi chiếc OV.10 bị bắn hạ. Mặt trận vẫn không ngừng sôi động. Chốt tiền tiêu thuộc Trung đội 2 của tôi, gồm hai Tiểu đội được bố trí ra phía trước “chốt ngã ba” cách chừng 200 mét vừa làm nhiệm vụ cảnh giới, vừa làm nút chặn trên con đường từ hướng dãy Không Tên đi xuống đã bị tấn công trong đêm. Nhưng trận tập kích của đối phương đã bị hai Tiểu đội của Trung đội 2 bẻ gãy bởi hỏa lực lựu đạn, phải rút lui bỏ lại một cán binh bị thương nặng. Đến sáng. Tôi cho tải thương người cán binh về Tiểu đoàn. Nhưng do viết thương quá nặng không được cứu chữa kịp thời lại kéo dài suốt đêm gây ra sự mất máu nhiều nên đã chết khi đang trên đường vận chuyển về căn cứ và nhóm tải thương đã đào hố chôn người cán binh đó bên vệ đường.

        Sau đợt chốt tiền tiêu của Trung đội.2 bị tấn công. Tiểu đoàn.3 đã thấy được những mối nguy tiềm ẩn từ vùng trũng rộng lớn có nhiều thông thủy (22) ở phía Tây căn cứ. Nơi mà đặc công đã lợi dụng để tấn công vào căn cứ Hoàng Đế đến bốn lần cách đây không lâu. Tiểu đoàn đề phòng chuyện đối phương có thể lại tiếp tục lợi dụng vạt lòng chảo này để chuyển quân từ phía sông Bồ qua tập hậu căn cứ một lần nữa. Nhất là hiện nay ở dải núi đổ về phía Bắc có “chốt ngã ba”. Đối phương đã cho cắm một cái chốt ở ngay đầu mỏm để dòm ngó vào căn cứ ngay sau khi trận đột kích đến bốn lần trong một đêm vào căn cứ Hoàng Đế bị thất bại. Một cái gai trước mắt. Điều mà Tiểu đoàn không muốn nhìn thấy mỗi ngày và rất muốn nhổ nó đi trong thời gian sớm nhất.

      Trung đội 3/3 của Chuẩn úy Vui được chỉ định làm nhiệm vụ bứng cái gai khó chịu này. Chiếm xong sẽ đặt thêm một chốt tạo sự liên thủ với Trung đội.2 bảo vệ mặt hông phía Nam giữ an toàn cho căn cứ. Mặc dù ý đồ của Tiểu đoàn là như vậy. Nhưng vì địa thế cây cối quá rập rạp gây khá nhiều trở ngại nên việc tiến chiếm đã thất bại ngay từ đầu, phải bỏ lại một người lính mang máy PRC.25 trên đó mà không lấy xác lại được. Sau vài lần. Trung đội.3 cố đánh nhưng không thành.

       Lần cuối cùng sau khi đánh không xong. Phải rút về vị trí “chốt ngã ba” của Trung đội tôi để nghỉ ngơi. Bất ngờ Thiếu úy Tôn Thất Toàn Đại đội Phó 3/3 bị đối phương bắn sẻ và đã tử trận vì tải thương không kịp. Mấy ngày sau đó, đối phương mang cối 61 ly dã vào “chốt ngã ba” của tôi. Trong lúc phóng xuống hầm trú ẩn. Một miểng đạn nhỏ, sau khi chui qua bịch nước treo ngay đầu cái lều rồi mới ghim vào ngay sau ót, nên tôi chỉ bị thương nhẹ. Nếu không nhờ cái bịch nước, mảnh đạn đủ lực cắm sâu thêm chút nữa, chắc hẳn là hai 50 thôi. Coi như tôi đã được cái bịch nước cứu mạng. Tiếp những ngày sau đó. Mặc dù Đại đội chúng tôi đã đưa các Trung đội.1/3 & 3/3 cố tấn công vài lần nữa, nhưng không xong. Đành để Trung đội 3/3 khoanh vùng lập chốt nằm đối diện với đối phương. Coi như chốt đệm giữa “chốt ngã ba” của tôi với đối phương để cảnh giới mặt hông cho Tiểu đoàn chờ cơ hội đánh chiếm.

                                                                 

                                                                    *  *  *

      Những đợt thay phiên nhau tấn công của các Đại đội.1/3 và 2/3. Dưới sự yểm trợ của pháo 105.ly; 155.ly rồi phi pháo Việt và Mỹ trút xuống hàng vài tấn bom vùi dập mục tiêu, chưa kể B.52 trải thảm chung quanh ở phía núi Mày Nhà. Thế mà Tiểu Đoàn 3/3 vẫn chưa gỡ nổi cục xương chẹn ngang yết hầu là dãy Không Tên này. Cứ tiến gần đỉnh thì bị lãnh vài quả B.40 cùng mấy loạt AK gây thương vong, lại phải dừng để củng cố và tải thương rồi mới lên đánh tiếp. Chuyện cứ lặp đi lặp lại trên con đường độc đạo vốn đã khó khăn vì có độ dốc cao, lở lói trơn trợt. Giờ thêm chuyện cây cối bị bom đạn tàn phá gãy đổ chồng chất ngổn ngang, vô tình đã trở thành chướng ngại vật thiên nhiên. Càng gây thêm khó khăn cho các Đại Đội trong việc tấn công. Sự việc cứ nhùng nhằng như sợi dây thun mà không có cách nào giải quyết dứt điểm khiến Trung đoàn 3/1 bực dọc và đã khuyến cáo, thúc dục Tiểu đoàn 3/3 rất nhiều lần.


Ảnh minh họa 43bis. Cây cối bị bom dập gãy đổ ngổn ngang.  (Nguồn: Báo Lao Động)


                                                                             *

        Như thường lệ. Đại đội.2/3 lại dàn quân dọc theo con đường chờ không kích xong là tấn công. Vì cả ngọn núi bị bom đạn gọt nhẵn thín chỉ còn lác đác vài thân cây nám đen trơ cành đứng sững đang ngún khói vì bom napal trên nền đất đỏ lừ đầy thân cây lớn nhỏ gãy đổ nằm ngổn ngang. Tôi phóng tầm mắt theo dõi những người lính của Đại đội.2 đang lom khom tiến lên chiếm từng gốc cây dưới cái nắng thiêu đốt của mùa Hè. Đến gần lưng chừng núi. Toán đi đầu đang dàn hàng ngang để ào lên. Bất ngờ từ bụi rậm ở mỏm đồi mé bên phải trên cao bắn ra một quả B.41 và nguyên băng AK xả thẳng về phía toán lính Đại đội.2/3 đang cố vượt qua một khu đất rất trống trải bên dưới. Một đụn khói trắng phau bùng lên phủ trùm cả bụi cây rõ mồn một. Bổn cũ soạn lại. Toàn bộ Đại đội.2/3 lại phải tức tốc rút lui vì đã bị bại lộ. Trận tấn công đã nhận lấy thất bại mang theo mấy người lính bị thương… Đại đội.2/3 quần thảo vói đối phương suốt 3 ngày trời mà chẳng làm nên cơm cháo gì, đã vậy còn bị thương đến gần chục mạng.

                                                                    *

       Ngày hôm nay đến phiên Đại đội.1/3 lên thay Đại đội.2/3 làm nhiệm vụ đánh chiếm mục tiêu. Nhưng lần này Đại đội.1/3 có đến 04 phi vụ yểm trợ của cường kích A.37. Mấy hôm trước thường chỉ có 2 phi vụ và pháo binh mà thôi. Có lẽ Sư Đoàn.1 nóng ruột vì sự chậm chạp của Trung đoàn.3/1 nên đã tăng cường thêm hỏa lực để giúp Trung đoàn.3/1 có sức mạnh tấn chiếm cho kịp tiến độ với Trung đoàn.1/1 đang đà thắng lợi bên mặt trận Đèo Sơn Na.



Ảnh minh họa 44. Phi cơ cường kích A.37 (Nguồn ảnh: Airlines.net & 2ndbde.org)



       Khoảng 9giờ. Phi vụ thứ nhất bay đến gồm hai chiếc A.37 kè nhau xuất hiện trên bầu trời ảm đạm xám xịt đầy ngặt nghèo ở vùng Tây Nam Huế. Sau khi lượn vài vòng xác định mục tiêu, nơi có cột khói trắng xóa đang bốc lên ngùn ngụt trên đỉnh núi lở lói đỏ ối do chiếc L.19 vừa bắn chỉ điểm. Quả khói này bắn trúng ngay đỉnh nhưng cách xa bụi cây nơi bắn ra quả B.41 đến hàng trăm thước chệch về hướng Bắc. 

Ảnh minh họa 44bis. A.37 cắt bom. (Nguồn: TDGS)

      Chiếc A.37 đầu tiên tách cặp một mình bay vào vùng oanh kích. Đảo nhanh một vòng rồi từ trên cao lấy theo chiều Đông-Tây bổ nhào xuống có góc khoảng chừng 60 ° (23). Đúng tầm liền cắt hai quả bom vào mục tiêu rồi nhanh chóng cất đầu vút lên bay ra vùng an toàn. Hai bựng đất đá pha lẫn những mảnh cây tan nát trong quầng khói lửa chói lòa phụt tung lên cực mạnh cao hàng chục thước lan tỏa mù mịt cùng tiếng nổ rung chuyển cả đất trời, át hẳn những tiếng ầm ỳ của bom đạn từ mé Bastogne vọng lại. Chiếc thứ nhì đang đánh vòng ở bên ngoài quan sát thấy chiếc thứ nhất đánh xong liền chuyển hướng bay vào, bổ nhào xuống cắt hai quả vào mục tiêu rồi nhanh chóng thoát ra nhường chỗ cho đồng đội vào tiếp tục làm nhiệm vụ. Lại hai tiếng gầm chát chúa rúng động không gian. Mặt đất cấp thời phụt hai cột bụi khói xám xịt quyện xoáy cuồn cuộn bốc lên ngùn ngụt. Văng lã chã những thứ mà sức nén của khối chất nổ hàng trăm ký cuốn tung lên phấp phới rơi xuống mảnh đồi hoang tàn trụi lũi. Cứ thế! Hai chiếc luân phiên nhau nhả từng đợt bom cho đến hết rồi cùng nhau bay đi. Coi như đợt bom này cũng chỉ táng vào mảnh đất trống không. Vì đối phương đâu có nằm trên đỉnh mà họ đặt chốt chặn ngay đầu con dốc nơi triền núi có độ dốc tương đối ở hướng Bắc để chặn những mũi tiến công của các Đại đội thường đi men theo lối duy nhất này để lên đánh chiếm mục tiêu.


Ảnh minh họa 45. Bom nổ. (Nguồn: fb-tennessee-ao)

       Phi vụ thứ hai tiến vào cũng lượn theo quỹ đạo oanh kích của phi vụ đầu. Bổ nhào từ Đông sang Tây. Nhưng không rõ nguyên do gì. Thay vì thả từng đợt hai quả một như phi vụ đầu tiên. Họ nối đuôi nhau bay vào đến một tầm tương đối. Cho cắt toàn bộ bom mang theo chỉ trong một lần đánh duy nhất rồi cả hai đảo cánh bay mất. Một loạt nổ rền trời liên tiếp của hàng chục trái vừa bom trút xuống rơi rải rác khắp nơi, bốc tung từng bựng đất, tỏa bụi mù mịt bao phủ cả một diện tích khá lớn trên dải Không Tên. Đợt bom của phi vụ thứ nhì coi như đi tong, chả mang lại lợi ích gì. Chiếc L.19 vẫn rò rò chậm rãi bay vòng vòng trên bầu trời, giống như con diều hâu đang sải cánh lượn lờ tìm mồi.


Ảnh minh họa 46. Phi cơ trinh sát L.19. (Nguồn: Theo dấu giày sô)

       Đến phi vụ thứ ba. Vẫn theo lệ cũ. Chiếc L.19 lại bay vào vùng oanh kích tiếp tục làm nhiệm vụ bắn chỉ điểm vào mục tiêu. Một tiếng bụp thật to vang lên. Đụn khói trắng xóa bốc lên ngùn ngụt nổi bật giữa vùng đất đỏ lừ nham nhở hoang tàn. Hai chiếc cường kích A.37 liền nhập cuộc nối đuôi nhau luân phiên bổ nhào xuống cắt lần lượt hai quả một vào vùng đỉnh núi. Sau khi cả hai đánh xong đợt đầu. Chiếc A.37 thứ nhất tiếp tục bay vào cắt hai quả bom đợt hai. Đánh xong, liền bay tránh ra xa nhường chỗ cho đồng đội. Chiếc thứ nhì lao vào tiếp tục làm nhiệm vụ. Khi vừa cắt xong 2 quả bom đợt hai, đang trên đà cất lên nửa vời. Bất ngờ bị khẩu phòng không 12ly7 của đối phương ở dãy đồi bên trái ngọn Không Tên bắn lên thật rát. Chiếc A.37 vội vã đảo cánh lật bụng, vặn mình mấy lần, lượn xoáy thốc lên để tránh tầm đạn. Trong lúc vặn mình bốc lên tránh đạn vô tình đã vắt chéo đi quỹ đạo ban đầu, chệch đi chiều đánh bom. Khi lấy lại thăng bằng. Có lẽ do căng thẳng vì mới thoát chết. Chiếc A.37 thuận chiều. Cứ thế bổ nhào xuống, tiện đà quất hết số bom còn lại, không cần biết đến mục tiêu ở đâu. Trong đợt trút bom hoảng loạn này có một quả vô tình rơi đúng vào lùm cây, nơi đã bắn ra quả B.41 vào Đại đội.2/3 hôm trước. Chiếc A.37 thứ nhất thấy tình hình bất ổn, nhanh chóng bay vào tống hết số bom còn lại vào đỉnh núi rồi cả hai cùng nâng độ cao kè nhau bay mất hút.


    Ảnh minh họa 47. Súng phòng không thượng liên 12ly7. (Nguồn: Wikipedia)


        Phi vụ cuối cùng tiếp tục nhập cuộc. Cả hai chiếc cường kích A.37 tuần tự đánh hết số bom mang theo vào đỉnh núi Không Tên mà không thấy khẩu 12ly7 bắn lên một phát nào nữa. Phi vụ thứ tư kết thúc, không có điều gì xảy ra. Cả hai chiếc A.37 cùng cặp kè bay mất hút giữa trời xanh ngắt. Sau khi đã tống hết những thứ hủy diệt vào đỉnh núi vô tri sừng sững giữa trời.

       Dải Không Tên có chừng bốn, năm đỉnh nối tiếp nhau. Diện tích đến hàng mấy ngàn mét vuông vốn đã nhếch nhác vì số bom đạn đổ xuống bấy lâu nay, giờ lại nhận thêm cả chục tấn bom từ trận không tập cày sới, khiến cho đất đá muốn nát ngứu thành bùn, sạt lở xuống đến tận lưng chừng núi, phơi bày một màu đỏ bạc phếch đầy chết chóc.

                                                                       *

       Tôi đứng khuất sau gốc cây phóng tầm mắt theo dõi cuộc tấn công của Đại đội.1/3 ngay từ giây phút đầu. Khoảng cách từ “chốt ngã ba” của tôi đến mục tiêu ẩn sau lùm cây ở mỏm đất xế mép đỉnh dải Không Tên chừng hơn 300 mét đường chim bay. Do mục tiêu ở trên mỏm dốc cao, cây rừng chung quang bị bào nhẵn thín từ đỉnh xuống đến tận lưng chừng núi rất quang đãng. Nên mọi sự chuyển dịch trên đó tôi đều nhìn thấy được. Vì vậy, khi quả bom rơi xuống vào đúng ngay vị trí lùm cây. Nơi mà đối phương đã bắn ra quả B.41 ngày hôm qua. Tôi thấy rất rõ một đụn bụi đất đặc sệt cùng nhiều mảnh vụn lớn nhỏ từ dưới đất bốc phụt lên cực mạnh, văng tung tóe cùng tiếng nổ trời gầm. Bụi tan. Một mảng đồi bị sạt lở đỏ lừ, lởm chởm trơ trụi không còn chút dấu vết gì của màu xanh cây lá. Lùm cây đã bị bứng bay mất.

      Tôi có gọi máy báo sự việc về cho Đại đội Trưởng. Hổ. Nhưng có vẻ ông không tin lắm. Và rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Chốt kháng cự của đối phương trên ngọn Không Tên. Sau cả tháng trời cầm chân. Gây tổn thất rất nhiều bom đạn và sự thương vong về nhân mạng cho Tiểu đoàn 3/3. Nay đã bị quả bom cả trăm ký san phẳng. Đại đội 1 đã hoàn toàn làm chủ ngọn Không Tên và báo về cho Tiểu đoàn biết. Đã tìm thấy hai xác chết cùng hai khẩu súng B.41 và AK.47 bên căn hầm chữ A bị bom dập nát bét chỏng trơ những thân gỗ còn mới tinh phủ đầy bụi lá và đất đỏ.  

          Đại đội.1/3 đã thành công trong việc đánh chiếm ngọn đồi Không Tên. Mặc dù sau đó đối phương có tổ chức phản công mấy bận nhưng không thành. Đại đội.2/3 được điều lên tiếp ứng, củng cố lại tuyến phòng thủ. Rồi cùng nhau tiến đánh tiếp vào các cao điểm kế cận, lấn sâu vào vùng đồi núi hướng Đông-Bắc dưới chân dãy Mày Nhà.

         Có thể nói từ lúc triệt hạ được cái chốt nằm trên điểm cao nhất trong dãy núi Không Tên đã giúp cho Tiểu đoàn.3/3 có bước tiến khá nhanh. Nhờ vào lợi thế từ trên cao thọc xuống trên địa hình trống trải do bom đạn tàn phá nên dễ quan sát, khiến đối phương bị rơi vào thế bất lợi hoàn toàn không thể kháng cự và dần dần bị thất thế phải rút lui khá nhanh. Lúc này cũng đã gần giữa Tháng 5/1972.

         Trên đà thắng lợi của Tiểu đoàn.3/3. Hai Tiểu đoàn.1/3 và 2/3 cũng ra sức đẩy mạnh các mũi tiến công vào các cao điểm ở phía Đông-Bắc núi Mày Nhà. Vùng rừng núi nằm giữa căn cứ Hoàng Đế và Bastogne. Gia tăng sức ép vào phía Bắc căn cứ Bastogne.  

 

                                  IV - CHIẾN DỊCH TÁI CHIẾM BASTOGNE.

         Kế hoạch tái chiếm Bastogne được BCH Tiền phương Sư đoàn.1BB đem ra bàn thảo cùng Trung đoàn.3/1. Dưới sự giám sát của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng và Thiếu Tướng Phạm văn Phú.


                 Hình 4bis. Bản đồ chiến sự vùng 246. Trích bản đồ Ấp Lai Bằng. Tỷ lệ 1:50.000.


      Ngoài tiền tuyến chiến sự vẫn xảy ra khốc liệt, hai bên không ngớt tranh giành nhau đến từng mỏm núi một. Các phi vụ phóng pháo của Mỹ từ ngoài khơi cũng lũ lượt bay vào yểm trợ thường xuyên hơn. Liên tục đánh phá vào các điểm nghi ngờ do những đơn vị mặt đất xin yểm trợ. Và các cuộc trải thảm bom chiến lược của B.52 vào các vùng sâu, chặn đường tiếp vận của đối phương từ Lào chuyển qua. Cục diện khi này đã có phần nghiêng về phía Sư Đoàn.1BB. Mặt trận phía Tây Nam Huế đang dần dà khởi sắc. 

        

                  

                 

Ảnh minh họa 48. Một số loại phi cơ tiêm kích. Thunderchief; Skyhaw; F.105 của Mỹ xuất hiện trên bầu trời Tây Nam Huế năm 1972. (Nguồn: Wikipedia) 

 

·       Mạn Nam đường 547. Khi này Trung đoàn.1/1 đã khống chế được hoàn toàn rặng núi Đèo Sơn Na. Một dải núi rất quan trọng chạy dài như bờ đê ở ngay phía sau cao điểm 342 và cứ điểm hỏa lực Bastogne và đang trên đà tiếp cận đánh chiếm những cao điểm liền kề các nhánh của dãy núi Kim Quy. Mục đích để bọc hậu, khống chế đối phương nằm trên ngọn 342 (Checkmate) và cứ điểm Bastogne. Hai điểm rất quan trọng về mặt chiến lược phía Tây Nam Huế đã để mất vào tay đối phương từ cuối tháng Tư.

·       Mạn Bắc đường 547. Vùng lãnh thổ do Trung đoàn.3/1 hoạt động. Tiểu đoàn.3/3. Cũng đã chiếm được dải núi Không Tên và đang đưa hai Đại đội.1/3 và 2/3 thọc xuống tiến đánh tiếp vào các ngọn lân cận ở phía Bắc chân dãy núi Mày Nhà.

       - Một mũi thọc vào cụm núi có cao điểm chuẩn 146 mét ở hướng mé Tây. Nằm ngay sau lưng dải Không Tên. Lấy đó làm đầu cầu phát triển xuống vùng núi hướng Nam ngay dưới chân núi Mày Nhà mở ngõ đi vào kiểm soát khu vực hướng Tây căn cứ Bastogne.

      - Một mũi tiến xuống đi dọc theo nhánh núi trổ về hướng Nam của dải Không Tên. Rồi vắt qua hướng Đông-Nam để vào khống chế vùng rừng núi có độ cao thấp ở mạn Đông-Bắc căn cứ Bastogne. Bắt tay với Tiểu đoàn.1/3 đang hoạt động trong vùng này. Với hai mũi song song kết hợp với Tiểu đoàn.1/3. Tạo thành thế gọng kìm, kẹp căn cứ Bastogne vào giữa (Xem Hình 04bis).

·        Và cả hai Tiểu đoàn.1/3 và 2/3 cũng triển khai nhiều mũi đánh mạnh vào vùng đối thấp hướng Tây, nằm về phía Nam chân núi Mày Nhà, cũng đã gặt hái được nhiều thành quả. Có thể nói. Tiểu đoàn.3/3 và 1/3 đang tạo được sức ép rất mạnh vào vùng cực Bắc căn cứ Bastogne. (Xem Hình. 04bis).

      Tóm lại. Vào thời điểm gần giữa Tháng 5/1972. Cả hai Trung đoàn.1/1 và 3/1 đã giành lại được khá nhiều cao điểm có vị trí trọng yếu ở mạn Bắc và Nam cặp theo trục đường 547. Ép hai căn cứ Bastogne và Checkmate vào thế gọng kìm.

                                                                        *

      Thấy tình hình đã chín mùi. Sư đoàn.1BB, quyết định sử dụng một lực lượng xung kích để nhảy xuống đánh chiếm lại căn cứ Bastogne dưới sự theo dõi và điều hành trực tiếp của Tướng Ngô Quang Trưởng. Tư lệnh Quân đoàn.I.  Mục đích để trấn an lòng dân trong nước, cũng như để gây tiếng vang với thế giới bên ngoài. Do mục tiêu Bastogne nằm trong vùng lãnh thổ của Trung đoàn.3/1. Nên Sư đoàn.1BB quyết định giao trọng trách tái chiếm căn cứ Bastogne cho Trung đoàn.3/1 thực thi.

      Sau khi nhận được chỉ thị từ Sư đoàn. Trung đoàn.3/1. Xét thấy các Tiểu đoàn.1/3 và 2/3 đang phải ra sức mở các mũi phản công trực diện với địch, không thể điều chuyển. Trong khi Tiểu đoàn.3/3 đang hoạt động chung quanh căn cứ Hoàng Đế, ở phía sau chiến tuyến nên tương đối rảnh rang. Chính vì thế mà Trung Tâm Hành Quân Trung đoàn.3/1 giao nhiệm vụ tuyển chọn nhóm đặc nhiệm tái chiếm Bastogne cho Tiểu đoàn.3/3 đảm trách.

       Chuyện Đại đội.3/3 được Tiểu đoàn.3/3 chọn là điều tất yếu vì hiện nằm chung với Tiểu đoàn. Còn các Đại đội.1/3 vả 2/3 đang phải hoạt động dã ngoại để bảo vệ cho căn cứ. Và tôi được chỉ định làm Trưởng toán đột kích cũng chả lấy gì là khó hiểu, vì quân số trực thuộc Đại đội.3/3. Với lại việc lấy đi một sĩ quan vào thời điểm tình hình chung quanh căn cứ King tương đối ổn định cũng không làm ảnh hưởng gì đến chuyện quân cơ của đơn vị. 

      Mặc dù vậy. Khi nhận được lệnh Tiểu đoàn chỉ định tôi làm sĩ quan trưởng toán. Trung úy. Hổ. Đại đội trưởng đã hết lời với Tiểu đoàn xin chọn người khác thay thế. Với lý do Đại đội đang thiếu sĩ quan, hiện chỉ còn có ba người. Ngoài Đại Đội Trưởng ra chỉ còn tôi (Th/úy) và Ch/úy Vui mới ra trường mới về Đại đội cũng chưa lâu. Nhưng Tiểu đoàn không chấp thuận. Cuối cùng. Tôi chính thức được chọn làm Trưởng toán. Sẽ cùng với 11 người lính hiện đang chờ sẵn ở Hậu cứ Hiệp Khánh (Camp Sally) của Trung đoàn.3/1. Tại cây số.17. Cả toán 12 người chúng tôi được giao nhiệm vụ tái chiếm căn cứ Bastogne. Một mục tiêu được xem là trọng tâm rất quan trọng của cuộc chiến dành lại lãnh thổ đã mất!

      Khi nhận tin mình được chọn là Trưởng toán đột kích. Tôi thấy lo lắng và suy nghĩ rất nhiều. Tại sao! Một nhiệm vụ quan trọng đầy khó khăn và hiểm nguy được thực thi trong thời điểm chiến sự rất khốc liệt như thế này mà chẳng có tí chút thông tin gì về quân số, sự bố phòng của đối phương ra sao. Cũng không hề có lấy một sự trao đổi về kế hoạch và tập luyện phương sách tác chiến để mà đối phó khi tiếp cận mục tiêu!? Tại sao không dùng một toán biệt kích hay lực lượng đặc biệt nào đó đã được huấn luyện chuyên biệt đang có sẵn ở hậu phương vào việc đột kích này mà lại sử dụng một mớ tay ngang hỗn tạp như thế? Một cuộc trắc nghiệm về sức đề kháng của đối phương? Hay quá tự tin vào chuyện đối phương bị triệt tiêu hoàn toàn không còn sức chống cự? Đã thế lại còn cõng thêm cả phóng viên chiến trường đi theo để quay phim chụp ảnh nữa! Đến là lạ, không hiểu nổi! Tôi, người Trưởng toán chỉ được biết. Hãy đợi đấy! Cả nhóm sẽ được trực thăng vận đổ xuống tái chiếm Bastogne vào một ngày nào đó sẽ có thông báo sau để bảo mật. Quả là một cú “shock” nặng!
  
*

        Theo kế hoạch dự trù chi tiết của Sư đoàn được hé lộ qua tin hành lang. Lộ trình cuộc tái chiếm Bastogne được chia làm hai giai đoạn.


                            

                                Ảnh minh họa 49. Trực thăng UH.1D. (Nguồn: Báp Lao Động)


     *  Giai đoạn I. Đến giờ G. Đoàn trực thăng UH.1D sẽ đáp xuống Hậu cứ Hiệp Khánh (Camp Sally) của Trung đoàn.3/1 ở cây số.17. Bốc 11 người lính đặc nhiệm thuộc quân số của Tiểu đoàn.3/3 với trang bị gọn nhẹ. Cùng tháp tùng toán đặc nhiệm 11 người này còn có một nhóm phóng viên chiến trường. Sau đó đoàn trực thăng bay thẳng về hướng Nam vượt qua căn cứ An Đô (TBone), dãy núi Động Ngang và thung lũng động tranh Rào Bình Điền. Rồi đáp xuống căn cứ Hoàng Đế đón người trưởng toán là tôi. Đường bay ở giai đoạn I. Dài khoảng hơn 10 cây số đường chim bay.

      *  Giai đoạn II. Sau khi đáp xuống căn cứ Hoàng Đế đón người Trưởng toán xong. Đoàn trực thăng rời căn cứ Hoàng Đế tiếp tục bay thẳng về hướng Nam thả toán chúng tôi xuống đánh chiếm Bastogne. Nhóm phóng viên chiến trường đi theo sẽ làm nhiệm vụ quay phim chụp ảnh để về làm phóng sự. Vì đây là chiến thắng đặc biệt rất cần phải loan tin trên mặt trận truyền thông để quảng bá rộng rãi cho cả nước và thế giới biết, cũng như để xóa hẳn câu nói cửa miệng đang gây hoang mang trong dân chúng cả nước. “Mất Bastogne là mất Huế”. Lộ trình khoảng chừng 6 cây số đường chim bay.

     


                                                                               *

                                                                       

 Hình 05. Cuộc chiến mùa Hè năm 1972. Mặt trận phía Tây Nam Huế. Giai đoạn III. Đường bay trực thăng dự trù bị hủy và chính thức đổ quân tái chiếm Bastogne (Màu xanh lam). 

                                                                          *

         Chuyện tái chiếm Bastogne được xem là cột mốc cực kỳ quan trọng và không muốn để xảy ra chuyện thất bại. Nên Quân đoàn.I. Quyết định sẽ yểm trợ tối đa về phi pháo, pháo binh đến cả từ hai phía Mỹ và Việt. Với quyết tâm giành lại cứ điểm quan trọng này… Do vậy mà ngay sau buổi lập kế hoạch tái chiếm Bastogne. Ban ngày có đến hàng chục phi vụ phóng pháo của Mỹ từ Hạm đội liên tục bay vào quần thảo mang theo đủ các loại bom đạn. Từ bom napalm, bom bi đến bom nổ chậm đủ mọi cỡ trút không ngừng vào các cao điểm chung quanh ngọn 342 và Bastogne. Ban đêm có B.52 trải thảm bom vài lần vào vùng sâu chung quanh phía sau dãy Mày Nhà kéo dài qua ngọn Kim Quy. Ngăn chặn đường tiếp tế của đối phương cho hướng Bastogne. Chen kẽ các phi vụ đánh bom là những trận địa pháo của các pháo đội cơ hữu 105.ly, 155.lyTrực thuộc các Trung đoàn.1/1; 3/1 và 54. Thay phiên nhau trút từng đợt hỏa tập TOT. vào cứ điểm Bastogne, Checkmate và chung quanh để xóa nát sức mạnh của đối phương có thể dùng để tập kích vào nhóm đặc nhiệm.


         Ngày 14/5/1972. Vào khoảng 15giờ.

         Trong kế hoạch tái chiếm Bastogne. Đường bay của toán đặc nhiệm là một điều đã làm cho Ban.3 Hành quân phải nát đầu suy nghĩ. Vì nó không được thông suốt liên tục mà phải phân làm hai giai đoạn. Một chuyện làm cho mất đi yếu tố bất ngờ rất dễ dẫn đến chuyện kế hoạch bị bại lộ gây nên sự thất bại cho việc tái chiếm Bastogne. Thử hỏi trong vùng đang xảy ra chiến sự khốc liệt. Tự dưng trên bầu trời giữa thanh thiên bạch nhật đùng đùng một đoàn trực thăng có đến 4; 5 chiếc rầm rộ bay trên quãng đường dài đến gần 20 cây số mà lại có đến hai công đoạn lên xuống khơi khơi không hề che đậy dấu diếm. Thì làm sao mà còn giữ được yếu tố bảo mật và bất ngờ nữa. Một chuyện đầy bất lợi cho cuộc đổ bộ tái chiếm Bastogne.  

       Nhưng 30 chưa phải là Tết! Tính là một chuyện. Khi bắt tay vào việc nó lại là chuyện khác. Một diễn tiến bất ngờ đã giải tỏa được sự lo lắng cho Ban Tham Mưu Hành quân rất ngoạn mục. 

      Và vào lúc 18giờ. Đại đội Trưởng Hổ gọi tôi lên cho biết. Tôi không phải thực thi nhiệm vụ nữa vì đã có người thay thế. Và ông cũng cho biết thêm. Vào xế trưa hôm nay (14/5/1972). Thiếu úy Đặng Phước Hiệp. Khóa.6/69 Thủ Đức vào trả phép tại Ban.1 ở Hậu cứ Hiệp Khánh. Tiểu đoàn.3/3 đã lập danh sách sĩ quan vào trả phép báo cáo lên Ban.1 Trung đoàn. Cần nói thêm. Ở vào giai đoạn chiến sự khốc liệt hiện giờ, Sĩ quan được xem là cực hiếm, nên mọi sự có liên quan đều phải thông báo cho Trung đoàn biết để xử trí. Và chuyện này đã khiến cho Trung tâm Hành Quân, Trung đoàn.3/1 đã quyết định thay đổi kế hoạch, cho hủy bỏ kế hoạch cũ. Chọn Thiếu úy Đặng Phước Hiệp làm trưởng toán đặc nhiệm để giành lại Bastogne. Một kế họach mới đầy thuận lợi, không mất thời gian hành trình đón đưa đến hai lần gây sự lộ liễu. Như vậy sự kiện đột kích tái chiếm Bastogne hoàn toàn được bảo mật đến giây phút chót.

      Và tôi cũng không rõ là Thiếu úy Đặng phước Hiệp cùng toán đặc nhiệm có được BTM Hành quân trao đổi về phương thức tác chiến cụ thể trên sa bàn về căn cứ Bastogne để nắm vững tình hình khi nhảy xuống đánh chiếm hay không nữa?  

          

            Ngày 14/5/1972. Khoảng sau 22-23 giờ đêm.

           Ngọn 342 (Checkmate) bị không quân Mỹ đánh một loạt bom chùm rất lạ. Lúc này trông ngọn 342 như cái nón của chú Hề được gắn nhiều mảnh kính vỡ phản chiếu ánh sáng lấp lóe liên tục thật lạ mắt. Chẳng ai rõ là loại bom gì, khi phát nổ lóe sáng rất mạnh nhưng tiếng nổ rất nhỏ chỉ nghe lụp bụp, không giống như loại bom bi nổ rền thường gặp. Và cũng ngay trong đêm 14, rạng ngày 15. Có thêm hai phi vụ B.52. Thả bom trải thảm vào vùng phía sau núi Mày Nhà. Trận trải thảm bom B.52 này được thông báo có khoảng cách với tiền đồn của tôi chừng 500 mét đường chim bay. Sức nổ của đợt bom rền vang cả bầu trời đêm, rung chuyển cả ngọn núi, đến ngay cả cái võng đang nằm cũng bị đong đưa luôn. Sáng dậy mặt đất, nóc lều poncho phủ bám cả lớp bụi cám, lá cây vụn. Thật không ngờ...


Ảnh minh họa 50. Phi cơ B.52 (Nguồn: Wikipedia).


               Ngày 15/5/1972.

         Sáng ngày 15/5/1972. Trước giờ G.  Mới sáng sớm đã có ba phi vụ Phantom từ Hạm đội.7 bay vào oanh kích. Với đủ cả các loại. Bom bi. Bom Napal. Bom hạng nặng. Tiếp sau đó hàng loạt TOT từ các pháo đội trực thuộc Sư đoàn.1. Đồng loạt trút các loại đạn cỡ 105.ly, 155.ly suốt cả vài tiếng đồng hồ để làm tê liệt các ổ kháng cự của đối phương trong căn cứ Bastogne và ngọn 342.

          Khoảng hơn 9giờ sáng. Cả vùng chiến địa đang gầm gừ sôi sục bỗng chốc trở nên yên ắng một cách lạ thường. Chợt từ xa vọng đến tiếng cánh quạt xé gió của đoàn trực thăng mỗi lúc một rõ dần. Từ trên độ cao và thông thoáng của căn cứ Hoàng Đế. Trước mắt chúng tôi một đoàn năm chiếc trực thăng đen trũi nối đuôi nhau bay thật thấp từ phía sông Hương luồn theo trục đường 547 bay ào về phía căn cứ Bastogne. Khi vào không phận căn cứ. Hai chiếc Gunship dẫn đầu nâng độ cao bay lượn vòng vòng phía bên trên để yểm trợ. Ba chiếc còn lại nối đuôi nhau. Chiếc này cách chiếc kia một khoảng cách tương đối cùng tuần tự tiến vào. Chẳng mấy chốc, chiếc đầu tiên rồi tất cả bị triền núi nuốt chửng khuất dạng. Bỗng nhiên, chúng tôi nghe thấy tiếng động cơ trực thăng gầm rú lên rất mạnh mẽ. Một quầng bụi đỏ ối bốc xoáy lên cuồn cuộn lan tỏa mù mịt cả khoảnh đồi. Chừng ít phút sau, một chiếc trực thăng đen trũi từ trong quầng bụi chui ra bay lên. Tiếp theo ngay sau không lâu là chiếc thứ nhì. Rồi đến chiếc thứ ba thoát ra an toàn. Cả ba cùng hai chiếc gunship nối đuôi nhau nâng dần độ cao mất hút phía phà Tuần. Diễn tiến của cuộc đổ bộ của toán biệt kích, kể từ lúc xuống và lúc những chiếc trực thăng thoát ra mất chừng mươi phút.

      Từng loạt súng M.16, M.79 và những tiếng lựu đạn om gọn trong lòng đất từ phía căn cứ Bastogne vọng lại lác đác từng chặp. Sự việc kéo dài một thời gian khoảng gần nửa giờ đồng hồ, hầu như toán đặc nhiệm của Thiếu úy Đặng phước Hiệp không gặp phải sự kháng cự nào dù là nhỏ nhoi từ đối phương.

      Sau khi toán đặc nhiệm báo về là đã làm chủ hoàn toàn căn cứ Bastogne. Thiếu úy Đặng phước Hiệp được lệnh cho bố trí phòng thủ để chờ Tiểu đoàn.1/3 của Đại úy. Tri vào tiếp quản. Đến lúc này! Trong thời gian chờ thay thế thì căn cứ Bastogne bị pháo xuyên phá 130.ly và hỏa tiễn 122.ly từ trong Tà Lương (Vehgel) bắn ra hơn chục quả. Nhưng không gây thiệt hại gì. Trên ngọn 342 cũng im phắc không thấy phản ứng của đối phương. Có lẽ họ cũng đã rút khỏi cao điểm này từ trước. 


                              Ảnh minh họa 51. Khẩu cối 120ly (Nguồn: Dân Việt).


Ảnh minh họa 52. Lựu pháo 130mm (Nguồn Wikipedia)

       Mãi hơn hai giờ sau. BCH Tiểu đoàn.1/3 cùng một Đại đội tác chiến mới tiến vào nhận bàn giao cứ điểm Bastogne từ tay Trung úy. Đặng phước Hiệp. Toán đặc nhiệm và các phóng viên chiến trường được hướng dẫn rút lui theo con đường của Tiểu đoàn.1/3 vừa đi vào. Và Đại đội.1/3 của Tiểu đoàn.3/3. Đang nằm trên dãy Không Tên, được lệnh vươn ra một mũi tiếp cận với toán dẫn đường của Tiểu đoàn.1/3. Đón và đưa toán đặc nhiệm cùng phóng viên về phía sau giao cho Tiểu Đoàn.3/3 ở căn cứ Hoàng Đế, để trực thăng lên chuyển về Hậu cứ (Xem Hình 05). Việc đón đưa toán đặc nhiệm được Tướng Trưởng đích thân ra lệnh và theo dõi sát rạt trên máy PRC.25. Từng 15 phút một. Thiếu úy. Đặng Phước Hiệp được vinh lên Trung úy ngay tại mặt trận. Do chính Tướng Trưởng thông báo và chúc mừng khi anh báo cáo đã hoàn toàn làm chủ căn cứ Bastogne…

     Cuộc tái chiếm Bastogne của toán đặc nhiệm trực thuộc Tiểu đoàn.3/3 đã hoàn thành nhiệm vụ được giao phó một cách chóng vánh và thành công tốt đẹp. Toàn bộ những người lính trực tiếp thực thi nhiệm vụ đều được đặc cách tại mặt trận thăng lên một cấp. Và họ được chào đón rất nồng hậu tại hậu phương và các phương tiện truyền thông của cả miền Nam cũng đã đưa hình ảnh về cuộc tái chiếm này rất rầm rộ đến cả tuần lễ. 


 

                                 V – HẬU TÁI CHIẾM BASTOGNE.


        Sau đợt tái chiếm cứ điểm hỏa lực Bastogne thành công. BCH Tiểu đoàn.3/3 và Đại đội của tôi vẫn hoạt động bao quát một khu vực ngót nghét chừng hơn cây số vuông quanh ngọn núi 246 mà trước đây khoảng chừng nửa tháng nó vẫn là nơi địa đầu giới tuyến. Nay đã tụt hậu trở thành cầu nối giữa tiền tuyến và hậu phương... 

        Khi ổn định căn cứ Bastogne xong và để củng cố cho phòng tuyến đang dần mở rộng. Trung đoàn.3/1 được Sư đoàn.1 phân bổ 200 tân binh để bổ sung quân số cho các Tiểu đoàn phía trước đã bị hao hụt trong cuộc chiến….

      Do Đại đôi.3/3 của tôi vẫn nằm chung trong căn cứ King (ngọn 246) với Tiểu đoàn nên được giao làm nhiệm vụ đi đón nhận đoàn tân binh này. Đại đội trưởng Hổ chỉ định cho tôi dẫn cả Trung đội.2/3. Nội trong ngày phải dẫn cho bằng được toán tân binh vào để hôm sau giao cho các đơn vị bạn. Điểm hẹn được chấm tại ngọn đồi có cao độ 142 thước ở phía Bắc căn cứ Hoàng Đế chừng hơn hai cây số đường chim bay. (Xem Hình 04bis). 

      Đoàn tân binh này sẽ được một sĩ quan của Tiểu đoàn.4/3. Dẫn dắt từ căn cứ An Đô (T-Bone). Đi theo đường mòn liên đỉnh của cụm đồi trọc thuộc dãy Hồn Vượn ăn thông ra núi Động Ngang. Tiếp tục đổ xuống băng qua con suối đầu nguồn rào Bình Điền. Đi xuôi về hướng Tây-Nam để đến nút hẹn 142. Cả đoạn đường này dài hơn năm cây số trên bản đồ. Nhưng thực địa khoảng ba cây số đầu là những núi trọc nên rất dễ di chuyển và khá an toàn kể từ lúc tái chiếm Bastogne. Chỉ có khó khăn ở hai cây số sau cùng, khi bước vào vùng thung lũng rừng non dưới chân Động Ngang để đến điển hẹn. Đây là vạt thung lũng đồi thấp, rừng cây non rất rậm rạp và ẩm thấp, chạy thông từ sông Bồ qua vùng Động Tranh đường 547. Nếu không nắm vững về bản đồ và địa bàn sẽ rất dễ bị lạc vì chuyện xác định điểm đứng hơi khó khăn do cây cối rậm rạp che khuất tầm nhìn. Một điều rất quan trọng là Trung Đoàn.3/1 cũng chưa thể kiểm soát được hoàn toàn vùng thung lũng này mặc dù đã tiến khá sâu về hướng Tây-Nam. 

                                                                           *

        Sau một ngày nhận lệnh và chuẩn bị. Tôi dẫn Trung đội ra chọn vị trí đóng quân dã ngoại tạm thời ở doi đất ăn thông lên căn cứ khoảng non cây số ở phía Bắc căn cứ. Rồi cắt đặt người ở lại canh giữ chốt. Còn lại theo tôi đi làm nhiệm vụ. Vỏn vẹn đúng mười hai người (24). Do dự kiến đi về trong ngày nên tất cả đều trang bị cấp số đạn tương đối cho thật gọn nhẹ để dễ bề di chuyển và xoay sở.


Ảnh minh họa 53. Rời căn cứ đi làm nhiệm vụ. (Nguồn: VSGT)

     Dựa theo phương vị điểm đến trên bản đồ. Tôi cho đạp đường đi theo phương giác. Đây là vùng rừng non nên cây thân mộc tương đối nhỏ sống xen kẽ với các loại cây leo hoang dại của thảm rừng nhiệt đới nên rất chằng chịt và rậm rạp. Đôi chỗ phải bươn qua những trảng mây và giang (25) đan nhau như mắc cửi, khiến việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn và mệt nhọc. Những khinh binh của Tiểu đội đi đầu phải thay phiên dùng mác để mở đường cho toàn Trung đội. Đi được chừng dăm trăm mét, khi vừa chui ra khỏi khu rừng rậm. Chúng tôi bắt gặp một con đường mòn khá to, bề ngang đến 5, 6 mét chạy vắt ngang. Mặt đường láng tưng do có sự di chuyển thường xuyên của đối phương. Xét thấy tình hình không ổn. Tôi cho dừng lại bung rộng ra bố trí nghe ngóng, cho người tiến về phía trước thăm dò động tĩnh, đồng thời gọi máy PRC.25 về Đại đội báo cáo tình hình và xin tiếp viện. Vì với chỉ hơn chục mạng lại đi trong vùng có dấu vết hoạt động thường xuyên của đối phương là chuyện quá nguy hiểm. Đại đội từ chối vì lý do quân số quá mỏng. Không đủ trám tuyến khi Trung đội tôi đã rút ra ngoài. Và ra lệnh cho tôi phải tiếp tục.




Ảnh minh họa 54. La bàn và bản đồ 1:50.000. Chuyện sống còn không thể thiếu.


     Không thể làm gì hơn. Tôi quyết định cử hai người là Hạ sĩ nhất Nề giữ khẩu M.79 và binh nhất Tấn ở lại giữ mặt sau rồi tiếp tục lên đường. Trời bắt đầu mưa lất phất. Dựa theo phương giác. Tôi thấy con đường mòn có khuynh hướng đi theo thế đất thoai thoải về phía ngọn 142. Tôi ra lệnh cho Tiểu đội đi đầu (Thực ra chỉ có ba mạng). Tách khỏi con đường mòn, lựa thế đi men theo hai bên mép đường cho an toàn và theo phương giác cùng sự hướng dẫn của tôi. Di chuyển chừng vài trăm mét. Bất thình lình, từ phía trước dội về tiếng bắn rốc cả băng M.16. Và tiếp đến tiếng nổ của hai quả lựu đạn. Sự căng thẳng bám cứng trong đầu chúng tôi kể từ lúc phát hiện ra con đường mòn. Giờ bị thêm tiếng nổ của súng và lựu đạn ập đến xé tan sự tĩnh mịch của núi rừng, làm cho bầu không khí vốn đã ngột ngạt giờ càng thêm nặng nề như đeo đá. 

        Tình hình căng như sợi dây đàn. Tôi ra hiệu cho cả toán dừng lại, tạt ngang qua hai bên đường quan sát nghe ngóng. Người Tiểu đội trưởng đi đầu lui về báo cáo cho tôi. Đã phát hiện địch và nổ súng trước. Thực ra tôi hơi nghi ngờ về chuyện này vì không thấy tiếng súng AK hoặc B.40 của đối phương bắn trả. Tôi cũng rất hiểu sự lo sợ của những người lính khinh binh tiền sát. Gặp phải những người chết nhát (26). Khi thấy quá nguy hiểm không muốn đi tiếp, họ thường dở trò ma mãnh quay súng ngược lại về phía đơn vị bắn bừa như có chạm địch để kéo dài thời gian khỏi phải đi nữa… Và những người lính tác chiến có kinh nghiệm sẽ hiểu rất rõ về tiếng nổ của viên đạn AK thoát ra khỏi nòng súng chĩa về hướng mình nghe nó đanh và chát chúa như thế nào!


Ảnh minh họa 55. Tao ngộ chiến. (Nguồn. Theo gót giày sô)

           Đang lúc tiến thối lưỡng nan, chưa biết phải xử trí ra sao thì ở phía sau dội tới hai tiếng kích hoạt đanh gọn cùng hai tiếng nổ của đạn súng phóng lựu M.79. Tiếp đến là loạt M.16 nổ rất vội vã. Tôi định hướng là từ phía Hạ sĩ nhất Nề chứ không phải đâu khác. Như vậy phía sau cũng đã có chạm súng. Cả Trung đội rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch. Tôi trấn tĩnh anh em và cho gọi máy báo cáo về Đại đội xin rút lui, không thể tiếp tục nhiệm vụ vì đã bị lộ, dễ dẫn đến chuyện bị đối phương phục kích dọc đường. Đại đội chấp thuận. Trung đội cùng nhau rút lui từ từ. Khi tới ngã ba. Chỗ con đường lớn tiếp giáp với con đường mà chúng tối mới mở lối chui ra. Đi vào chừng vài chục mét thì thấy Hạ sĩ nhất Nề nằm gục chết cùng khẩu súng M.79 bên lề cỏ sũng nước do cơn mưa để lại. Tôi cho lính tản ra bố trí và báo cho Đại đội biết sự việc. Mấy người cùng Tiểu đội quấn thi thể Hạ sĩ Nhất Nề bằng chiếc áo poncho, luồn thêm vào một đòn cây để gánh về căn cứ chờ trực thăng lên tải thương về hậu cứ. 

        

Ảnh minh họa 55. Súng phóng lựu M.79. (Nguồn: Pinterest)


        Trong cơn mưa chiều rả rích. Tại vị trí đóng quân tạm thời tôi căn vặn tay binh nhất Tấn. Hắn cho biết là đang cùng Hạ sĩ Nhất Nề đứng theo dõi con đường thì phát hiện đối phương di chuyển nên đã nổ súng và rút chạy… Tôi có nhận xét chủ quan về hiện trường và rất nghi ngờ về tay Tấn này đã bắn nhầm vào bạn mình trong cơn hốt hoảng tháo chạy. Nhưng rồi đành phải bỏ qua không truy cứu thêm vì lợi ích của Hạ sĩ Nhất Nề.

                                                                     *                                  

       Trận mưa dầm đến tận gần sáng hôm sau mới tạnh. Sau khi cơm nước xong. Tôi ra lệnh cho Trung đội gọn gàng. Mỗi Tiểu đội để lại một người giữ nhà, còn lại đi theo tôi làm nhiệm vụ. Một tâm trạng vừa không vui, vừa lo lắng khi vừa mất đi một người bạn cùng đơn vị. Do điểm tiếp xúc cũ đã bị lộ nên Trung đoàn quyết định dời đến một địa điểm khác.


Ảnh minh họa 56. Trên đường hành quân. (Nguồn: Theo gót giày sô)



       Điểm hẹn mới được chọn nằm ở hướng Đông-Bắc căn cứ Hoàng Đế. Trên vùng đồi có độ cao không quá 100 mét phía Đông ngọn 142 ngày hôm qua. Với địa điểm mới. Nếu không gặp trở ngại gì, đi nhanh cũng phải mất hơn 2 giờ chui lủi băng rừng mới đến được. Chúng tôi dắt díu nhau giữ khoảng cách an toàn, di hành theo hàng một và thận trọng theo phương giác tôi cho. Thực tế, có muốn dàn hàng ngang để đi cho nhanh cũng không thể vì với khu rừng non đầy rẫy những thân leo đeo bám chằng chịt rối nùi phủ trùm lên khắp mọi nơi, che kín cả bầu trời. Một cảnh giới âm u, ẩm thấp nồng nặc mùi cây lá mục rã đặc trưng của núi rừng không thể nào quên nếu đã từng sống chung với nó.

      Chúng tôi lầm lũi đi cho nhanh. Vừa đi vừa nghe ngóng quan sát thăm dò hai bên để tránh bị phục kích, hoặc tao ngộ chiến giống ngày hôm qua. Nhất là phải cảnh giác cao độ mỗi khi đi băng ngang một con đường mòn. Và luôn đánh dấu cho từng đoạn để khi quay về không bị lạc. Cứ thế, chúng tôi lặng lẽ đi chừng hơn hai giờ đồng hồ, cố vượt qua gian khó trên vùng đất đầy đe dọa, chết chóc để đến điểm hẹn cho nhanh. Dưới sự thúc hối liên tục của Tiểu đoàn. Không rõ là họ có hiểu cho sự khó khăn cực nhọc như thế nào khi phải chui lủi trong đám rừng cây chi chít như mạng nhện không nữa. Vị Tiểu Đoàn Phó vẫn ra rả sỉ vả trong máy truyền tin và luôn cho là chúng tôi đi quá chậm, bắt đơn vị bạn dẫn dắt toán 200 tân binh phải chờ đợi ở điểm hẹn đã từ lâu mà không thấy chúng tôi đến đón.

        Quần áo ướt đẫm, người nóng ran nhễ nhại mồ hôi sau một thời gian lặn lội chui rúc dưới vòm rừng lá thấp bí bách. Tôi cho dừng lại để nghỉ ngơi và lôi bản đồ, địa bàn ra xác định điểm đứng. Tôi gọi máy PRC.25 báo cho Đại Đội biết là đã đến điểm hẹn nhưng chẳng thấy một ai. Đại úy Niệm, Tiểu Đoàn Phó, nhảy vào số nội bộ Đại đội lớn tiếng quát nạt, cho là tôi đã báo cáo láo. Tôi bình tĩnh khẳng định là đã đến đúng điểm hẹn. Nhưng vị Tiểu Đoàn Phó vẫn không tin và có những lời hăm dọa sẽ ký củ phạt tôi. Và để chứng minh là ông ta đúng tôi sai, Đại úy Niệm bắt buộc tôi phải cho bung trái khói để định vị. Ông ta tin rằng cụm khói sẽ xác định rõ nơi chúng tôi đang núp gió ở chỗ nào ngoài địa hình thực tế. Khó mà qua mặt được ông ta khi đứng ở trên cao nhìn xuống.


Ảnh minh họa 57. Lựu đạn khói (Nguồn: Soha).


       Đây là vùng của Trung đoàn.3/1 chịu trách nhiệm và tôi cũng đã lăn lóc cùng nó từ khi mới ra trường đến giờ. Tôi biết khu vực thung lũng 68 này là vùng hoạt động thường xuyên của du kích địa phương quận Hương Trà. Giờ có thêm lực lượng chính quy của đối phương nữa nên tình hình càng thêm gay go phức tạp. Do vậy khi vị Tiểu đoàn Phó bắt bung trái khói tôi vô cùng lo lắng. Bởi vì khi cho bung trái khói, nó sẽ dẫn đến chuyện bị lộ điểm đứng, đối phương nắm được tọa độ sẽ cho phục kích hoặc dùng súng cối để tập kích chúng tôi. Bằng chứng là ngày hôm qua đã có chạm địch và bị mất đi một đồng đội. Nghĩ thì vậy. Nhưng không thể bất tuân thượng lệnh nên buộc phải chấp hành. Tôi nói với Trung sĩ Nhất. Lai tìm một đoạn cây dài chừng ba, bốn thước buộc quả đạn khói vào đầu, leo lên cây cho bung trái khói rồi dơ cao, làm như vậy khói sẽ phụt lên không trung không bị tàng cây che khuất để Tiểu đoàn dễ nhận diện hơn.

       Đến lúc này thì mọi sự đã rõ. Ông Đại úy. Niệm, Tiểu đoàn Phó mới chịu im và tin là tôi đúng. Ông ta bảo tôi đợi để liên lạc với Tiểu đoàn.4/3. Hỏi xem về toán 200 tân binh hiện đang ở đâu!  Trong lúc chờ đợi! Bất ngờ chúng tôi nghe thấy hai tiếng nổ rất lớn từ phía căn cứ An Đô dội đến. Đại đội trưởng. Hổ gọi máy hỏi. Tôi báo vô sự và cho biết tiếng nổ ở khá xa về phía Trung Đoàn. Vài phút sau Trung úy. Hổ gọi lại cho biết là toán tân binh đã bị phục kích bằng hai quả mìn đĩa ở con suối ngay dưới chân núi Động Ngang (Xem Hình 04bis). 

     Tôi nhận được lệnh của Đại đội Trưởng. Hổ là phải ra tận chỗ toán tân binh vừa bị phục kích để đón, rồi dẫn họ vào. Lý do là người sĩ quan trưởng toán đã bị thương không thể dẫn dắt toán tân binh được nữa. Thế là chúng tôi lại phải căng người ra tiếp tục thực hiện một nhiệm vụ chẳng đặng đừng. Đã vậy đơn vị bạn lại không báo cho biết điểm đứng ở đâu, cứ ú ớ liên lạc qua máy PRC.25 nên tôi đành phải nhắm hướng quả mìn nổ khi nãy, lấy phương giác rồi lặng lẽ dẫn cả toán lên đường với tinh thần cảnh giác cao độ trước tình hình bất ổn vừa mới xảy ra không lâu. Thỉnh thoảng tôi lại nói với Đặng dùng máy PRC.25 để liên lạc. Vừa thăm dò cũng như để nắm tình hình về phía họ.


Ảnh minh họa 58. Máy truyền tin PRC.25 (Nguồn: Wikipedia).

     Cả toán tiếp tục đặt từng bước chân nặng nề mệt nhọc trên nền lá mục rữa xốp xộp giữa nẻo rừng cớm nắng xộc mùi ẩm thấp. Thân thể vốn đã đẫm mồ hôi giờ ướt sũng vì chuyện phải di chuyển liên tục không ngơi nghỉ. Cuối cùng toán chúng tôi cũng đến được điểm hẹn vào lúc quá trưa sau hơn hai giờ đồng hồ băng ngàn vượt suối đầy căng thẳng.

                                                                     *


       

Hình 06. Một số cứ điểm quân sự được bố phòng ở vùng Tây Nam Huế từ khi quân đội Mỹ đổ vào và sau năm 1971 đã giao lại cho Trung đoàn.3/1BB và Trung đoàn.54/1BB.


      Một rừng tân binh lố nhố vô tổ chức, kẻ đứng người ngồi nghiêng ngả vất vưởng dọc hai bên bờ suối ngay dưới chân núi Động Ngang. Chứng tỏ là đã ở đây rất lâu rồi. Họ dậm chân tại chỗ không di chuyển. Nhưng lại báo với Trung đoàn là đã đến điểm hẹn rồi. Lỗi này ở người sĩ quan hướng dẫn chứ không phải do đám tân binh. Với số đông cả 200 người. Không đội ngũ cũng như không có người chỉ huy nên chuyện huyên náo không thể tránh khỏi. Chính điều này đã đánh động đến đối phương, khiến họ mò đến kích nổ hai quả mìn dĩa, gây thương vong không ít cho đám tân binh. Tôi hỏi thăm và đi tới gặp người sĩ quan trưởng toán. Một bất ngờ khi thấy Chuẩn úy. Nhơn (27). Bạn cùng Khóa.1/70 Thủ Đức. Anh ta bị thương một bên mắt đang ngồi dựa lưng vào gốc cây với dáng điệu mệt mỏi. Tôi hỏi thăm người bạn cùng khóa một đôi điều rồi báo cáo sự việc về Tiểu đoàn. Tôi được lệnh gom những người bị thương lại và giao cho Chuẩn úy. Nhơn của Tiểu đoàn.4/3 chịu trách nhiệm giải quyết.

Ảnh minh họa 59. Mìn đĩa (Nguồn: Battlecry)

       Sau khi bàn giao số thương binh cho toán của Ch/úy. Nhơn và chia tay người bạn cùng khóa. Tôi ra lệnh cho Trung sĩ Nhất. Lai gom toán tân binh còn lại. Phân nhóm theo danh sách từng Tiểu đoàn mà họ đã được Ban.1 Trung đoàn phân phối ở Hậu cứ. Đồng thời dặn dò họ tuyệt đối im lặng, tuân thủ mọi mệnh lệnh trên suốt đoạn đường di chuyển. Tôi cũng kêu gọi các tân binh nào đã từng mang nhiều sắc lính (28) hợp tác để khi hữu sự dễ bề điều động. Sau cùng tôi khuyến cáo mọi người, đây là vùng không an toàn phải tuyệt đối im lặng, di chuyển nhanh gọn theo hàng lối để còn về cho kịp trong ngày.

      Đội ngũ của toán tân binh đã được sắp xếp ổn định. Trước lúc di chuyển. Tôi chọn và phân công cho sáu người có năng lực nhất của Trung đội. Chia làm ba nhóm. Nhóm đi đầu, nhóm đi giữa và nhóm đi sau cùng của đoàn. Mỗi nhóm hai người. Với một điều lệnh nhất quán. Một khi đi băng ngang qua một con đường mòn trong rừng thì hai người đi đầu sẽ tách đôi. Mỗi người tấp sang một bên, quan sát trục đường trước mặt giữ an ninh cho cả toán băng qua. Cùng lúc đó. Hai người đi giữa sẽ rời bỏ vị trí, nhanh chóng đi vuợt lên trở thành người dẫn đầu đoàn quân. Hai người đi sau cùng sẽ được thông báo phải đi vượt lên trám vào vị trí ở giữa để bảo vệ và giữ gìn hàng lối. Cuối cùng. Khi đoàn quân qua hết. Hai người đi đầu lúc trước đang giữ nhiệm vụ an ninh ở hai bên lề đường. Sẽ bám đuôi tiếp tục tháp tùng theo và chịu trách nhiệm bọc hậu. Việc này cứ luân phiên nhau thực hiện trên suốt chặng đường cho đến khi về đến căn cứ Hoàng Đế. Tôi và Đặng người mang máy PRC.25 cùng vài người khác đi giữa toán để điều hành.

       Một điều cực kỳ gian nan cho nhóm hơn mười người chúng tôi. Khi phải đảm trách nhiệm vụ dẫn dắt điều hành 200 con người ô hợp không đội ngũ, từ mọi sắc lính mãn hạn kỷ luật hoặc trốn quân dịch ở khắp nơi tập trung về. Cũng may là suốt đoạn đường không gặp chuyện gì xảy ra. Nhưng cũng phải đến hơn hai giờ sáng, rạng ngày hôm sau đoàn tân binh mới vào hết căn cứ Hoàng Đế an toàn.

                                                                    

                                                                          ***                                                      

         Sau ít ngày kể từ hôm bàn giao nhóm tân binh cho các đơn vị bạn. Tiểu đoàn.3/3 được lệnh điều quân vượt qua dãy Không Tên mở một số mũi tiến công đánh vào các ngọn núi trọng yếu quanh chân dãy núi Mày Nhà ở mặt Tây-Bắc C/c Bastogne. Và bằng mọi giá phải chiếm lấy để dọn đường cho Tiểu đoàn.2/3 thọc sâu vào ngọn 400 ở hướng Tây-Nam. Mở rộng phòng tuyến của Trung đoàn.3/1 về phía căn cứ Bình Định (Zon), hầu ngăn chặn đường tiếp vận của đối phương từ hướng này vào cho vùng núi Mày Nhà và cứ điểm Bastogne.

        Riêng Trung đoàn.1/1 sau khi chiếm được ngọn 342 (Checkmate) đã bàn giao lại cho Tiểu đoàn.1/3. Để dồn sức đánh vào cụm núi Kim Quy và mở mũi tiến sâu về hướng Nam vùng Động Chúc Mao. Sau khi nhận bàn giao xong Tiểu đoàn.1/3 đã đưa Tiểu đoàn phó cùng một đại đội lên trấn giữ ngọn 342 (Checkmate), đồng thời cho rải quân bám vào một số ngọn ở rẻo núi phía sau lưng có triền nối qua dải núi Đèo Sơn Na. Ngọn 342 là một pháo đài cực kỳ trọng, nằm sát trục đường 547. Từ tầm cao này có thể quan sát được mọi hướng. Không thể để bị vuột mất trong trong thời điểm tranh tối tranh sáng này.

        Trong khi đó. Cả hai Tiểu đoàn.2/3 và 3/3. Trên đường đánh chiếm các cao điểm chung quanh ngọn Mày Nhà. Đã đồng loạt mở nhiều mũi đánh phá vào nhiều nơi, hòng phân tán lực lượng của đối phương. Cũng như dứt điểm từng ngọn, từng khu vực kiểu cuốn chiếu để ngăn chặn nguồn tiếp tế, vừa cô lập đỉnh Mày Nhà (316 thước). Ban đầu các đơn vị tấn chiếm gặp phải sự chống cự rất quyết liệt của đối phương, lãnh nhiều tổn thất vì bị thất thế do từ dưới đánh lên. Nhưng cả hai Tiểu đoàn vẫn cố gắng khới từ từ theo vết dầu loang. Dưới sự yểm trợ mạnh mẽ của các loại hỏa lực từ phi pháo và pháo binh cho đến lúc bọc gọn ngọn núi Mày Nhà vào giữa

                                                                          ***


         Sau khi hai Tiểu đoàn.1/3 và 2/3 đã làm chủ được số ngọn núi quanh dưới chân. Đại Đội.3/3 được chỉ định làm mũi tấn công chính vào đỉnh Mày Nhà. Vì thiếu nhân sự. Tôi Trung đội trưởng Trung đội.2 gồng thêm chức Đại đội Phó. Dẫn Trung đội.1/3 và Trung đội.2/3, mở hướng lên tấn công vào đỉnh Mày Nhà. Một cánh cửa rất quan trọng để dẫn vào khu vực đồi 400 và căn cứ Bình Định (Zon) nằm trên đường 547 phía trong sâu.

        Hai Trung đội.1/3 và 2/3. Cùng tôi rời khỏi vị trí đóng quân tạm qua đêm. Mọi người cuốn gói cõng theo tất cả trang bị cá nhân, giống như dân du mục. Nếu chiếm được mục tiêu, chúng tôi sẽ cho đóng quân luôn tại chỗ để giữ lấy lãnh thổ, rồi dùng nó làm bàn đạp để tiếp tục lấn tới.


Ảnh minh họa 60. Chuẩn bị tiến lên mục tiêu) (Nguồn: Theo dấu giày sô)


       Dưới cái nắng nghiệt ngã của mùa Hè. Cả đoàn lặng lẽ di chuyển trong khu rừng không còn rậm rạp như ngày nào. Bởi đã bị biết bao nhiêu bom đạn trút xuống tàn phá, dọn dẹp rất quang đãng và cũng trở nên cực kỳ rất nguy hiểm vì độ trống trải của nó. Khi đã đến gần mục tiêu. Tôi cho dừng lại chọn một nơi khá kín đáo có khoảng cách an toàn. Ra lệnh cho hai Trung đội cởi balo (29) gom chung vào một chỗ, cắt cử người canh giữ. Số còn lại chỉ mang theo súng đạn thật gọn nhẹ để dễ bề xoay sở khi lâm trận.

      Tôi dẫn hai Trung đội tiếp tục di chuyển thêm một đoạn nữa rồi cho dừng lại, bung ra tìm chỗ ẩn núp. Xác định điểm đứng xong. Tôi bấm máy báo về Đại đội và xin pháo binh tác xạ vào mục tiêu để triệt hạ tối đa sức đề kháng của đối phương. Sau một hồi cấp tập trút đạn hủy diệt, bất chợt thấy yên ắng. Và Đại đội cho biết đã chấm dứt pháo yểm chuẩn bị cho con cái tấn công. Tôi dùng máy PRC.25 thông báo cho Trung đội.1/3 cho con cái dàn hàng ngang tiến lên.  Mọi người đồng loạt, dè dặt chiếm từng gốc cây và quan sát địa thế

      Trước mặt. Một triền dốc thoai thoải rất rộng lặng ngắt, trống toác khô quánh không còn chút màu xanh cây lá. Mặt đất bị cày xới loang lỗ nám xạm. Đây đó rải rác những cành cây khô héo sơ xác bị sức nổ xé toạc vo tròn thành từng đụn nằm lăn lóc ngổn ngang dưới chân những gốc cây to lớn hằn đầy dấu vết của những mảnh bom đạn phang trúng xé toạc. Cả rừng cây tan hoang đứng phơi mình giữa cơn nắng chang chang của mùa Hè. Như một chứng nhân cho cuộc chiến đầy thảm khốc đang diễn ra ở vùng rừng núi hẻo lánh xa xôi phía Tây Nam Huế này.


Ảnh minh họa 61. Mục tiêu phải giải quyết trước mắt. (Nguồn: Theo dấu giày sô)



       Đến gần đỉnh núi. Tôi ra lệnh cho Trung đội.1 ép trái, quan sát kỹ mục tiêu tiến lên. Hai Trung đội tận dụng từng gốc cây từ từ áp sát mục tiêu. Những tiếng lạo sạo từ dưới chân dội lên, hằn rõ từng dấu giày trên mặt đất núi xốp sộp đầy đá sỏi pha lẫn lá cây nát ngứu vì bom đạn. Tinh thần cực căng. Cặp mắt muốn lồi con ngươi, không ngớt láo liêng tia vào những gò đất, đụn cây lung linh mờ nhạt dưới cái nắng mùa hè nghiệt ngã đang lan tỏa khắp dãy núi đồi hoang tàn. Toàn thân nóng hẳn lên, miệng khô đắng cứ phải nuốt nước bọt liên tục, cùng nhịp thở nặng nề đứt quãng ẩn náu trong bộ đồ lính cáu bẩn dày như mo nang bám chặt tấm thân nhớp nháp mồ hôi lâu ngày không tắm giặt. Mà lòng bàn tay chai sạn nhót lạnh vẫn lăm lăm khẩu M.16 đạn đã lên nòng sẵn sàng xiết cò. Khoảng cách tới rẻo đất đỉnh cao của sự giết chóc càng lúc càng rút ngắn dần, không rõ là lưỡi hái của tử thần lẩn vởn đâu đây đang hướng vào ai…

       Nhác thấy Tiểu đội Trưởng. Lai đứng cách tôi không xa giơ tay ra hiệu chỉ về hướng mé đỉnh có cái gò đất bạc thếch được ngụy trang khá khéo léo nằm ẩn bên gốc cây rất lớn ở phía bên trái của tôi...

          


                                     

                                     Ảnh minh họa 62. Súng AK.47 (Nguồn: Wikipedia)


                                     

                              Ảnh minh họa 62. Súng chống tăng B.40 và B.41 cùng với đạn .                                                              (Nguồn: Dân Việt & Battlecry)


Ùng… oành…!!!   To... oác ... to... oác…

        Bất ngờ. Một loạt tiếng nổ chát chúa đinh tai cướp hồn của quả B.40, cùng tiếng rít xé gió của những viên đạn AK bắn trực diện vút tới. Phản ứng cấp thời của người lính được thể hiện một cách cấp thời. Mọi người chóng vánh đổ ập vào những ụ đất, hố bom hay thân cây miễn có thể giữ được mạng sống. Đáp trả là hàng loạt tiếng nổ hỗn hợp của súng cá nhân M.16 cùng M.79. Tất cả hỏa lực của hai Trung đội đều tập trung trút thẳng vào chỗ đụn khói trắng nơi vừa nhả ra quả B.41 và loạt AK. Một tum trời nhỏ nhoi đang yên ắng bỗng chốc trở nên tưng bừng náo loạn khét lẹt mùi thuốc súng.

                                                                           *  

        Sau gần nửa tiếng đối đầu bằng tất cả những thứ sẵn có trong tay để triệt hạ lẫn nhau. Phía đỉnh núi thấy im phắc, không chút động tĩnh, căng não đến mức nghe được nhịp đập cùng hơi thở dồn dập của chính mình. Chúng tôi cũng tạm ngưng tác xạ, súng vẫn mở khóa an toàn chú mục vào mọi thứ trên đỉnh, vểnh tai nghe ngóng. Chờ một lúc khá lâu. Toàn cõi yên ắng không một tiếng động nào ngoài những tiếng sột soạt vận động của chúng tôi gây nên. Tôi ra hiệu cho Trung Đội.2 đi vòng qua bên phải, bám từng gốc cây tiến lên thăm dò, cùng sự chú ý đến mìn bẫy chung quanh và dưới chân.


Ảnh minh họa 63. Tiếp cận mục tiêu. (Nguồn: Flickr)

       Cả hai Trung Đội tràn ngập trên một khoảnh đất tan hoang, loang lỗ những hố bom, đạn pháo lẫn cây cành dập nát tàn úa vung vãi khắp nơi. Toàn bộ tràn lên, vượt qua khỏi đỉnh núi, thận trọng bung rộng ra lục soát kỹ đến từng mét vuông đất. Cuối cùng chỉ phát hiện có ba hầm chữ A, đất còn khá mới trống rỗng, được bố trí theo thế kiềng ba chân nằm cách đỉnh không xa, ẩn khuất sau những thân cây to lớn năm vắt ngang, dọc rất khó phát hiện. Quanh miệng hầm còn vương vãi một số vỏ đạn AK vàng rộm. 


Ảnh minh họa 63bis. Ngọn đồi sau trận đánh (Nguồn: 2ndbde.org)


      Chúng tôi chiếm được mục tiêu tương đối dễ dàng. Có lẽ do quân số quá ít, lại bị bao vây trên địa thế trống trải không thể tiếp viện cũng như ẩn nấp nên đối phương đã phải rút lui… Cũng may đơn vị của chúng tôi chỉ có hai người bị thương nhẹ do cát đá văng trúng vì sức nổ của quả B.41 chạm mặt đất gây nên ở ngay loạt đạn đầu tiên. Sau khi đã làm chủ hoàn toàn. Không phút ngơi nghỉ. Tôi đưa Trung đội.1 tiến qua mỏm núi nằm dưới thấp cùng một triền ở phía Tây Bắc cách chỗ tôi chừng 200 thước làm tiền đồn để hỗ trợ lẫn nhau. Và cả hai Trung đội tức tốc cho đào hầm, tạo tuyến phòng thủ để bảo vệ thành quả mới đạt được. Sau đó tôi gọi điện báo cáo tình hình và điểm bố trí tiền đồn về cho Đại đội nắm rõ sự việc để tính toán việc yểm trợ qua đêm bằng pháo binh.

                                                                         *

      Ca gác đêm thứ nhì đã đổi xong mà tôi vẫn chưa hề chợp mắt. Đỉnh núi om tối, nhạt nhòa dưới ánh trăng non. Từng cơn gió lùa cái lạnh lan tỏa khắp đỉnh núi cao ngất trống toang hoác.  Màn sương đêm phả xuống khá dầy làm ướt cả tấm phocho trải lót trên mặt đất để lấy chỗ ngả lưng. Từ xa xa tiếng ầm ì của bom đạn vọng lại giữa không gian hoàn toàn yên ả chẳng có lấy một tiếng rả rích kêu đêm của côn trùng. Tôi trở mình nhìn lên. Cả vòm trời lờ mờ xám nhạt trong vắt cao thăm thẳm, ôm những dải ngân hà san sát, tô điểm vô số những vì sao lấp lánh như hạt kim cương đa sắc, khiến bầu trời đêm càng thêm lộng lẫy mênh mông vô tận... Bên triền dốc. Một cây khá to bị bom bẻ gãy gập, cắm ngọn xuống đất. Thân trên còn đeo cứng chưa lìa khỏi gốc, xỉa những sớ gỗ toe xước, tua tủa như những mũi chông nhọn hoắt bắt sáng trắng nhờ. Nhìn mà nhót cả gan bàn chân. Gần đó. Bóng dáng người lính gác đêm ngồi lặng lẽ trên miệng hố cá nhân co ro dấu mình kín mít trong tấm poncho liner để chống lại cái lạnh của sương gió đêm trường mà đôi tay vẫn không rời khẩu súng.

        Bỗng! Hàng loạt tiếng nổ của thủ pháo từ phía tiền đồn Trung đội.1 dội đến, xé tan bầu không gian tĩnh lặng trên đỉnh Mày Nhà, làm thức tỉnh mọi người. Tôi nhìn đồng hồ. Đã gần 2 giờ sáng. Vậy là Trung đội.1 đang bị đối phương tập kích. Một vị trí khá quan trọng dựa theo địa hình phòng thủ mà tôi cho đặt ngay từ lúc vừa làm chủ được đỉnh Mày Nhà này. Vì hiểu rằng mọi sự rất mong manh không có gì vững chắc trong thời khắc tranh tối tranh sáng của trận chiến không khoan nhượng.


Ảnh minh họa 64. Hỏa châu. (Nguồn:2ndbde,org. Bolin).

Ảnh minh họa 64bis. Ánh hỏa châu hắt trên cành lá. (Nguồn: TDGS)

      Từ trong hố cá nhân chung với Đặng. Người lính truyền tin mang máy PRC.25 của Trung đội.2. Tôi bấm máy gọi cho Trung đội.1 mãi mà vẫn không thấy trả lời. Tôi chuyển qua gọi báo về Đại Đội. Đông thời xin yểm trợ pháo sáng và quả nổ bắn vào các tọa độ dự phòng đã được chấm sẵn chung quanh điểm đóng quân từ chập tối theo thông lệ. Mọi người áp sát phòng tuyến, căng mắt xuyên màn tối dò xét động tĩnh bên ngoài. Chú mục vào những thân cây bắt sáng hỏa châu vàng vọt trôi loang loáng dật dờ như đèn kéo quân dưới ánh trăng mờ mịt hạ tuần phía trước mặt. Tôi bấm máy PRC.25 gọi gần như liên tục cho Trung đội.1 mà vẫn không thấy trả lời. Đang rất lo lắng không rõ tình hình phía dưới đó ra sao. Thì một tiếng depart thật đanh gọn của cối 82.ly từ vạt thung lũng phía Tây núi Mày Nhà xoáy xuyên màn đêm thúc về phía chúng tôi. Như vậy, đối phương đã mở cuộc tấn công vào hai nơi hầu như cùng một lúc bằng bộ binh và cối 82.ly. Để ngăn chặn không cho chúng tôi cứu ứng lẫn nhau. Và tôi hiểu là mình đã lọt vào tầm ngắm của đối phương. 

        Có thể nói! Khoảng lặng chờ đợi từ lúc nghe được tiếng depart cho đến khi quả đạn phát nổ thật khủng khiếp… Không còn giây phút hoảng sợ nào kinh hoàng hơn, khi phải nằm im, nín thở chịu trận đến mất hẳn khái niệm về thời gian, tê dại cả thân xác để đón nhận sự chết ập đến. Tất cả chỉ còn tồn tại một quãng lặng tuyệt đối là lắng nghe tiếng xé gió của quả đạn vô tri giác lạnh lùng từ trên cao quất xuống quyết định việc sống-chết cho một con người bằng da bằng thịt.

       Oành!

      Một quầng lửa chớp lòa rực tóe cực mạnh như chớp giật trong vùng sáng dật dờ vàng ệch của hỏa châu, cùng tiếng nổ chát chúa rung chuyển cả đỉnh núi, xộc mùi thuốc nổ lẫn mùi hăng hắc của bụi đất lan tỏa khắp phòng tuyến muốn ngộp thở. Nhưng lại rất quen thuộc. 

      Tiếng “đề-pa” liên tục cấp tập bám ngay sau tiếng nổ của quả đạn cối 82.ly chỉnh tầm vẫn đang còn rền rĩ nơi các hẻm núi chưa dứt. Tức thì ngay trên đầu những tiếng huýt xé gió của các quả đạn có gia tốc cực đại thi nhau vút xuống dã thẳng vào phòng tuyến. Những tiếng nổ rát rạt chát chúa đinh tai. Hàng loạt quầng lửa chớp giật chói lòa đều khắp. Từng bựng cát đất tung cao văng tóe liên tục ụp xuống mọi ngóc ngách trên mảnh đất nhạt nhòa ánh hỏa châu dật dờ ve vuốt nỗi kinh hoàng đang kéo đến trong đêm tối.

 

                               

   
Ảnh minh họa 65. Ngọn đồi bị pháo kích. (Nguồn: Theo gót giày sô & Battlecry).


       Trong phút giây chờ đợi quả đạn rơi xuống này. Thời gian như ngừng lại. Hơi thở nóng hổi dồn dập, loạn mạch. Đầu óc teo tóp quay cuồng trống rỗng, căng cứng tuột cùng. Đôi tay lạnh ngắt, khi ôm đầu lúc bó gối co dúm tê dại. Trong khi môi miệng nhám xạm đất cát không ngớt lẩm bẩm nguyện cầu, mong muốn mình biến thành con sâu cái kiến chui lủi thật sâu vào lòng đất, hay như con chim bay bổng vượt thoát vào bầu trời. Tất cả! Tất cả! Như bị đè xuống bởi một áp lực vô hình cực khủng. Tương ứng theo tiếng huýt xé gió vụt xuống, với vận tốc siêu thanh của quả đạn. Ôi! Khoảnh khắc cực ngắn ngủi này. Nỗi kinh hoàng được kéo căng tột độ, trắng xóa cả hồn phách. Cho đến khi lỗ tai tiếp nhận được hàng loạt tiếng nổ đinh tai nhức óc, chấn động thân xác, rung chuyển cả mặt đất. Bất kể gần xa, nó khiến cho tâm-thể phát sinh một cảm giác vỡ òa nhẹ nhõm. Bao nhiêu dồn nén căng cứng dữ dội, tích tắc trút theo hơi thở đánh phào. Cơ thể như cái lò xo không còn bị kềm hãm, bung ra cực nhanh và cực mạnh. Thật nhẹ nhõm khi biết mình còn tồn tại trong lòng hố chật chội mà đã có những phút giây cảm thấy sao nó quá rộng và trống trải, ngồi bó rọ trong lòng hố mà cứ ngỡ như đang ngồi trần trụi giữa mặt đất để đón nhận những điều căng đét khủng khiếp sắp ập đến… Có thể khẳng định! Với lính trận. Hố cá nhân là cái nôi ấm áp nhất. Nó như vòng tay người mẹ luôn mở rộng ôm trọn thân thể đứa con yêu quý vào lòng, che chở mỗi khi có hiểm nguy.

        Chỉ có trực diện với nỗi chết mới hiểu. Những lời cầu nguyện lẫn ước mơ dẫu có mãnh liệt đến đâu đi chăng nữa. Thì ở khoảnh khắc kinh hoàng này cũng không thể lấn át được cơn sợ hãi tuột cùng đang vây bủa trong đầu. Cũng không giảm áp được việc thân thể tê dại co dúm đến mất thở. Bụng cứ thắt lại, tương ứng với tiếng rít gió vượt ngưỡng quất xuống của quả đạn, khiến ruột gan phèo phổi muốn ộc cả ra ngoài. Một áp lực vô hình tác động mạnh vào thân xác, nghịch chiều với hiện tượng vật lý gia tốc cực đại của vật rơi. Và cứ như thế. Toàn thân cứ thắt dúm lại, rồi giãn ra tùy vào tiếng xé gió vút xuống hay tiếng nổ của những quả đạn… Mặc dù bị tấp tối tăm mặt mũi như vậy. Chúng tôi vẫn không quên thò đầu lên quan sát ra bên ngoài khi quả đạn vừa nổ xong, rồi nhanh chóng thụp xuống để tránh quả nổ kế tiếp. Và cứ như thế như cái máy để bảo vệ tuyến phòng thủ của mình, tránh bị đối phương ùa vào tấn công.

       Trận tập kích cối 82.ly của đối phương kéo dài chừng gần nửa tiếng đồng hồ. Các khẩu pháo của Pháo đội.14 từ hậu cứ Trung đoàn trong căn cứ Sally ở Cây số.17 có bắn lên để yểm trợ ngay từ đầu, nhưng vì không rõ chính xác tọa độ đặt súng của đối phương ở đâu hoặc ngoài tầm bắn nên chẳng đạt được hiệu quả gì trong đợt phản pháo này. Cuối cùng rồi trận tập kích của đối phương cũng chấm dứt không gây thương vong gì cho Trung đội. Nhưng cũng đã làm cho bản thân tôi cùng mấy người lính bị thương nhẹ vì dính miểng (30). Ngay tờ mờ sáng hôm đó. Toàn Đại Đội.3/3 còn lại ở tuyến sau di chuyển lên phối hợp cùng chúng tôi trấn giữ ngọn Mày Nhà và cho mở mũi tái chiếm lại vị trí đóng quân của Trung Đội.1 ở phía dưới vừa bị mất tối qua để rồi sau đó bàn giao lại cho Tiểu đoàn.1/3.

     

 

                       VI - NHỮNG THỜI KHẮC SAU CÙNG CỦA CUỘC CHIẾN.


                 

Hình 07. Giai đoạn IV. Sau khi tái chiếm. Toàn bộ lãnh thổ phía Bắc đường 547 thuộc Trung Đoàn.3/1 phụ trách. Phía Nam đường 547 do Trung đoàn.1/1 chịu trách nhiệm. Đây là vùng hoạt động tạm thời của hai Tr/Đoàn 3/1 và 1/1BB. Từ Tháng 7 năm 1972 cho đến cuối Tháng 01 năm 1973.


         Sau khi lấy lại được cứ điểm Bastogne cùng các cao điểm quan trong chung quanh. Hai Trung đoàn.1/1 và 3/1. Tiếp tục bắt tay nhau dãn rộng chiều ngang đồng loạt tiến về phía Tây.


     a/ Về phía Trung đoàn.1/1. Khi này đã vượt qua cụm Đèo Sơn Na và chiếm lại trọn vẹn những dãy đồi liên thông đến ngọn Kim Quy. Mặt sau ngọn 342 và Bastogne. Đồng thời Trung đoàn.1/1 cũng tiến vào chiếm trọn vùng động Chúc Mao nằm về hướng Nam đèo Sơn Na. Động Chúc Mao cũng được xem là đài quan sát nằm trong vạt rừng sâu mạn Nam Đèo Sơn Na quan trọng không gì kém ngọn 342 (Checkmate). Xem như Trung đoàn.1/1 đã tái chiếm lại hầu hết vạt rừng núi mạn Nam trục đường 547. Từ căn cứ Birmingham kéo dài đến căn cứ Kim Quy-Tà Lương và tiến vượt qua cụm núi Động Cù Mông rất êm thắm.

     b/ Về phía Trung đoàn.3/1. Sau khi chiếm xong ngọn Mày Nhà cũng đã dồn 2 Tiều đoàn.3/3 và 4/3 đánh chiếm dãy 400 và đổ xuống căn cứ Bình Định, lấn sâu về hướng Tà Lương (Vehgel) cũng khá nhanh chóng hầu như không gặp sự kháng cự nào của đối phương.

       Khoảng cuối tháng 8/1972. Cả hai Trung đoàn.1/1 và 3/1 cùng kẹp trục đường 547 vào giữa. Chia nhau kiểm soát hai vùng rừng núi ở mạn Nam và Bắc trục đường này trở lại. Có lẽ đã vào mùa mưa nên đối phương đã lui quân về vùng rừng sâu A Shau, A Lưới sát biên giới. Coi như Sư đoàn.1BB đã tái chiếm thành công hầu hết vùng lãnh thổ đã bị mất trước đây, sau hơn sáu tháng bị đối phương chiếm đóng. Nhưng cũng chỉ giới hạn từ căn cứ Tà Lương (Vehgel) trở ra mà thôi.

 





           Ảnh minh họa 66. Rừng núi quận Nam Hòa trong chiến tranh.

                                                                        (Nguồn: 2ndbde.org & fb-blaze4)                      


                                                                    VI - ĐOẠN KẾT 

                                     Ảnh minh họa 67. Ngọn đồi của thần chết.      (Nguồn: Hà Nội Mới)


          Để đáp lại sự thành công đó. Toàn bộ vạt rừng núi thuộc quận Nam Hòa. Tỉnh Thừa Thiên. Khoảng gần 10 cây số chiều ngang ở hai bên đường 547. Suốt từ căn cứ Bình Điền vào đến Tà Lương. Có đến hàng trăm cây số vuông. Bị bom đạn dọn dẹp cày sới đốn hạ trống toác tan hoang, gần như không còn chút màu xanh của bụi cây ngọn cỏ. Cả khu vực rừng núi rộng lớn, phơi bày hàng hàng lớp lớp những thân cây cổ thụ cao nghiệu trụi lũi, xiêu vẹo như những bộ xương khô nhợt nhạt dưới bầu trời mùa Hè. Bên cạnh những hố bom đủ mọi kích cỡ, sâu hoắm lầy nhầy đất bùn đỏ lừ lẫn sỏi đá tung tóe khắp nơi. Đây đó bên bờ khe, dốc suối la liệt những thân cây lớn nhỏ bị bom đạn đố hạ gãy đổ ngổn ngang muốn che khuất cả những rãnh thông thủy, sông suối và vực sâu vô danh đã từng cuốn trôi, vùi lấp biết bao nhiêu thân xác thối rữa lẫn máu thịt của con người từ hai bên chiến tuyến. Một giải núi rừng bạt ngàn bịt bùng đang xanh um rậm rạp vướng víu như giăng thiên la địa võng. Bỗng chốc đã bị con người hè nhau bào cho rỗng hoác. Có thể đi lại, nhìn xuyên suốt hàng nửa cây số. Phải chăng đó là cái giá phải trả cho những nhân danh? Và nỗi bâng khuâng đè nặng lên tâm trí con người không hiểu vì sao mình lại phải hận thù đến nỗi giết hại lẫn nhau một cách tàn khốc và tích cực như vậy!?                                                                                                                                                                               Cauminhngoc.

        10/12/2011  (Đã sửa chữa và bổ sung. Năm 2024).



Chú thích.

       (A) - Ký hiệu về cấp số và đơn vị.

        




(B).  Thật tình cờ trong quyển sách cũ. Một lá thư gởi mẹ của Thiếu úy Phùng văn Thốc thuộc Tiểu đoàn 6 Nhảy dù. KBC 4143 viết gởi cho mẹ ở Biên Hòa khi đang đi hành quân ở Hải Lăng, Quảng Trị năm 1972. Với vài giòng mô tả chung quanh nơi đóng quân và lời thăm hỏi đến hai người anh đã nói lên sự khốc liệt của chiến tranh lúc đó mà trong dân gian không thể nào quên về " Mùa Hè đỏ lửa " và đoạn đường QL1 chạy Quảng Trị vào Huế đã xảy ra bao nhiêu chuyện tang thương khốc hại đến nỗi trong dân gian đã phải đặt tên là "Đai lộ kinh hoàng" là đủ hiểu.  Quả là may mắn cho những ai đã kiến trải cuộc chiến mà còn tồn tại. Một nỗi niềm khó quên trong miền ký ức... mới ngày nào mà gần nửa thế kỷ đã trôi qua... Người viết lá thư này ra sao! Còn hay mất? Chỉ thấy nơi đây những giòng chữ này ...


Lá thư của Th/úy Phùng văn Thốc Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù gởi mẹ năm 1972. Khi đang tham chiến ở  mặt trận Quảng Trị.

Sư Đoàn 3 Bộ Binh được thành lập ngày: 01/10/1971. Với Trung Đoàn 2 của Sư Đoàn 1 làm nòng cốt.


(1)    Phía quân đội miền Bắc đã chọn quận Nam Hòa làm mặt trận chính ở phía Tây nam Huế. Vì vùng này mang lại những lợi thế lớn cho họ.

·         Điểm thứ nhất. Quận Nam Hòa. Ngoài địa thế rừng rậm núi cao, có thể tận dụng cho việc che đậy, ẩn nấp. Và lại giáp Hạ Lào nên rất thuận lợi cho việc tiếp vận.

·         Điểm thứ nhì. Họ đã kiểm soát hầu hết các vùng sâu và xa từ khi quân đội Mỹ rút. Các đơn vị thuộc Sư Đoàn 1 BB. Chỉ còn kiểm soát được một số vùng rừng núi cận đồng bằng. Thỉnh thoảng mới mở các chiến dịch lục soát vào vùng sâu. Nhưng thường bị đánh rát nên phải rút lui về trấn giữ vùng rừng núi rìa đồng bằng mà thôi. 

·         Điểm thứ ba. Quận Nam Hòa này có một trục đường huyết mạch rất quan trọng mang số hiệu 547, chạy suốt từ phà Tuần lên đến dinh điền A Lưới. Và cả một hệ thống Khê, Rào chằng chịt, được hình thành từ những dãy núi cao nằm sâu giáp giới Lào đổ vào thượng nguồn sông Bồ. Họ đã nắm trong tay và triệt để hơn khi quân đội Mỹ rút. Hệ thống Khê, Rào đã giúp họ tạo dựng một hệ thống vận chuyển đường thủy về đến tận vùng đồng bằng quận Phong Điền và Hương Trà cũng như các vùng lân cận. Do vậy. Nếu chiếm được trọn vẹn quận Nam Hòa. Họ sẽ làm chủ được hai tuyến đường trọng yếu này. Đương nhiên là càng chiếm được nhiều ưu thế khi muốn tấn công vào TP. Huế. 

(2)   -  Bản đồ quân sự. 1:50,000. (Sheet 6441 - I. Ấp Lai Bằng) // (Sheet 6441 - II. A Shap) // (Sheet 6441 - IV. A Lưới) // (Sheet 6541 - II. Bạch Mã) // (Sheet 6541 - IV. Huế). Hướng Tây bản đồ sát rìa dưới có ngọn Re Lao cao 1487 thước.

      -  Bản đồ đặc biệt Quân Khu I. 1: 250.000. 

      - Trích bản đồ Ấp Lai Bằng. 1:50,000. Sheet 6441 – I.

Khái quát khu vực vùng rừng núi có cao điểm 246.


(3)    Hiện nay đã có một cây cầu bê-tông bắc ngang nối liền hai bờ Bắc Nam. Nằm ở phía hạ lưu, cách bến phà Tuần cũ chừng một cây số. Và để nhớ lại...


 
Con đường cặp theo bờ Tả ngạn sông Hương để lên và về làng Tuần. (ành chụp Tháng 3/2024)


Cầu Tuần bằng bê tông. (ành chụp từ bên Tả Ngạn sông Hương) Tháng 3/2024)


(4)    Trước năm 1971. Khi quân đội Mỹ đổ vào Việt Nam. Họ chịu trách nhiệm giữ an ninh ở các vùng sâu và xa. Còn quân đội VNCH chỉ đảm trách những vùng đồng bằng và cận sơn. Lâu lâu mới tăng phái vào giữ các căn cứ để quân đội Mỹ mở cuộc hành quân lục soát... Các căn cứ nằm trên đường 547. Từ phà Tuần đi về phía Tây gồm: Boyd; Birmingham (Bình Điền. YD 704101); Cứ điểm hỏa lực Bastogne (Phú Xuân hay còn gọi là C/c Động tranh. YD 625095); Zon (Bình Định) và Vehgel (Tà Lương. YD 550035). được quân đội Mỹ thiết lập vào khoảng năm 1968. Do Sư Đoàn Dù 101 của Mỹ chịu trách nhiệm. Trong chuỗi căn cứ này. Căn cứ Bastogne được xem là cứ điểm hỏa lực quan trọng nhất được bố trí các loại pháo hạng nặng từ 105ly; 155ly đến 175 ly để quấy rối, yểm trợ cho các căn cứ chung quanh và các đơn vị hoạt động dã ngoại khi gặp sự cố. Về phòng thủ có đến khoảng vài chi đội thiết giáp M.113 và xe tăng M.48 để bảo vệ cho cứ điểm này.


                     

                                                     Vị trí phỏng chừng căn cứ Boyd.

                                                           

Vị trí phỏng chừng căn cứ Bình Điền (Birmingham).

Vị trí phỏng chừng của căn cứ Boyd và Birmingham trên QL 49 (Đường 547 cũ).
(Dựa theo Google Map/ Tháng 3/2024)


                  Tọa độ của một số căn cứ và cao điểm ở phía Tây Nam Huế được nhắc đến trong bài viết này dựa theo bản đồ Ấp Lai Bằng và Huế. C/c T. Bone. (An Đô. YD 653203) // (C/c Lion. YD 600188) // (C/c Tiger. YD 664224) // (Rặng Sơn Đào. YD 690130) // (Thung lũng 68. YD 641149) // (Núi Hòn Đùn. YD 712135) // (Cao điểm 142. YD 619164) // C/c King (Hoàng Đế. YD 624144) // (Rặng Không Tên. YD 616140) // (Núi Mày Nhà. YD 604100) // (Đồi 400. YD 578078) // (C/c Boyd. YD 735134) // (Bình Điền (Birmingham). YD 704101) // (C/c Bastogne (Phú Xuân; Động Tranh). YD 625095) // (C/c Bình Định (Zon). YD 568053) // (C/c Tà Lương (Vehgel). YD 550035) // (Đèo Sơn Na. YD 644062) // (C/c Checkmate. YD 633083) // (C/c Kim Quy. YD 588038) // (Đèo Cù Mông. YD 583013) // (Động Chúc Mao (Normandy). YD 654028) // (Đồi 400. YD 578078) // (Núi Kê (Satan II). YD 7610550).


      
               Bản đồ vị trí các căn cứ quân đội Mỹ ở phía Tây QL.1 và TP. Huế. (Nguồn. Pinteres.com).
                          Xin điều chỉnh một chút. Ngọn Checkmate có cao độ 342m. Nằm sát Bastogne.


(5)   Firebase Bastogne được Sư đoàn Dù 101 của quân đội Mỹ xây dựng vào cuối tháng 3 năm 1968 trên trục đường 547. Họ sử dụng một thời gian rồi bỏ. Vào tháng 8 năm 1969. Tiểu đoàn.2. Bộ binh 501 tái sử dụng trở lại. Căn cứ hỏa lực Bastogne có ba khẩu đội pháo: 105ly, 155ly và hạng nặng 175ly; Hai chiếc M42 Duster; hai chiếc Quad 50. Sau khi quân Mỹ rút lui, căn cứ được chuyển giao cho Sư đoàn1.BB của QLVNCH được đổi tên thành Phú Xuân hoặc Động Tranh. Trực thuộc vùng hoạt động của Trung đoàn 54/1BB.

 

Vị trí căn cứ Bastogne trên bản đồ 1:50.000

 

Vị trí phỏng chừng khu vực căn cứ Bastogne. Dựa theo Google Map. Tháng 3/2024)

(6)    Quân đội Mỹ được sự hỗ trợ rất mạnh, rất dồi dào về phương tiện kỹ thuật, cơ giới và quân khí. Về Pháo binh chiến lược hạng nặng có 175 ly. Để quấy rối, ngăn chặn tầm xa. Về không trợ. Có các loại như B52. Phi pháo Phantom, Skyhaw từ ngoài hạm đội ngoài biển bay vào. Riêng loại trực thăng chiến đấu Cobra thường phản ứng nhanh cấp thời trong vòng 30 phút nếu có đụng độ xảy ra. Để bảo vệ các căn cứ quan trọng, hàng ngày cứ vào khoảng 14 giờ là có một chiếc cán gáo được hai chiếc Cobra (cá nẹp) hộ tống, bay quần thảo trên bầu trời lấy tâm là căn cứ, đánh một vòng xoáy trôn ốc nới rộng ra ngoài có bán kính 10 cây số để tầm soát dấu vết lạ phía dưới. Chiếc cáo gáo thường bay sát ngọn cây và đang bay có thể dừng lại bất thình lình, đứng im tại chỗ để tay xạ thủ ở phía sau nhô người ra quan sát bằng mắt thường. Thậm chí tay xạ thủ có thể tung lựu đạn xuống chỗ nghi ngờ. Với các phương tiện quân giới hiện đại và dồi dào như thế nên quân đội Mỹ dễ dàng phát hiện ngay những dấu hiệu xâm nhập vào vùng lãnh thổ họ kiểm soát. Và mỗi khi có đoàn công voa di chuyển. Luôn luôn có cặp cobra bay lượn hộ tống trên đầu suốt chặng đường đi và về. Nên rất ít khi bị phục kích giữa đường.

(7)    Động Chúc Mao (YD 654028). Có hình nón trụ. Cao độ 500 thước so với mặt nước biển. Cách Đèo Sơn Na hơn 03 cây số đường chim bay về Hướng Nam. Đứng trên đỉnh này có thể nhìn thấy một số căn cứ khác. Như Núi Kê, Đèo Sơn Na, ngọn 342 và dãy Kim Quy bao quát được cả vùng  

(8)    Ngọn Kim Quy (YD 588038) . Có cao độ trên 640 thước so với mặt nước biển. Thế núi như bàn tay. Các ngón xòe về các hướng Tây, Bắc và Đông. Với những triền núi rộng và thoai thoải, trải dài cả hàng dăm cây số. Mặt Nam có nhiều ngọn núi nhỏ liên kết thành giải ăn thông qua dãy Động Cù Mông, với vách núi khá dựng đứng. Kiến tạo thành Khê Cù Mông ngay ở sau lưng Động Kim Quy.

Đèo Kim Qui. Chụp từ hướng Tà Lương đi ra (Ảnh chụp Tháng 3/2024).

(9)    Bình thường cấp số của các Sư đoàn khác chỉ có con số 03. Từ Trung đoàn xuống Đại đội. Riêng Sư đoàn 1. Có 04 Trung đoàn ( 1, 2, 3 và 54 ). Một Trung đoàn có 04 Tiểu đoàn. Một Tiểu đoàn có 04 Đại đội. Để quản lý vùng hoạt động khá rộng lớn ở địa đầu giới tuyến và thường xuyên chịu nhiều áp lực của đối phương. Thiếu Tướng Phạm văn Phú. Tư lệnh Sư Đoàn.1 Bộ Binh (8/1970-11/1972). Riêng Trung đoàn.2. Hà Mã có 5 tiểu đoàn (Cuối năm 1971. Sau trận Hạ Lào. Trung đoàn.2 được sát nhập vào làm nòng cốt cho Sư Đoàn.3 BB. Sư đoàn được cho là ô hợp này bị tan rã vào mùa hè 1972).

(10)    Được gọi là suối. Nhưng nó chỉ là lạch nước cạn từ các thông thủy nhỏ đổ xuống tràn qua con đường rồi chảy vào con suối ở đầu nguồn sông Bồ. Nằm ở khoảng giữa căn cứ Bình Định và Bastogne cắt ngang trục đường 547. Sau trận này được mang danh là “ Suối máu ”. Chứng tỏ nó kinh hoàng đến chừng nào.


   Vị trí phỏng chừng về căn cứ Bình Định (Zon) và căn cứ Tà Lương (Vehgel) ở vùng Kim Qui - Tà Lương (Dựa theo Google Map. Tháng 3/2024).


 Khu vực đèo Tà Lương ở hướng Nam QL 49 (Đường 547 cũ). (Ảnh chụp. Tháng 3.2024).

Bảng chào của Huyện A Lưới. Có vẻ nằm trong khu vực căn cứ Bình Định (Zon).
(ảnh chụp. Tháng 3/2024) 

Ảnh chụp từ bảng chào Huyện A Lưới nhìn vào khu vục Tà Lương. 
 
     ( Toàn bộ ảnh do người viết chụp nhân chuyến về thăm lại chiến trường xưa xảy ra năm 1972. Và  không thể nhận ra nổi chính xác một vị trí cũ nào. Do cây xanh che phủ hầu hết các ngọn núi sau nửa thế kỷ. (ảnh chụp vào Tháng 3/2024).

      (11) Sau khi tái chiếm. Tôi có dịp đi ngang qua bãi chiến trường chỉ còn thấy xác một chiếc M.41 bị   bắn cháy đỏ lừ như cua luộc nằm bên vệ đường và một cái pháo tháp bị nổ văng xa cách chiếc xe đến gần chục mét. Ngoài ra không còn thấy một dấu vết gì khác của đoàn xe, cho thấy tất cả đã bị đối phương gom dọn sạch sẽ.

(12) Trong trận thập tử nhất sinh này, nghe lính Tiểu đoàn 4 kháo với nhau là vị Tiểu đoàn phó do quá sợ hãi đã tự hủy hoại thân thể bằng cách dùng súng colt 12 của mình bắn vào bắp tay khi xuống tắm rửa ở Rào Bình Điền gần căn cứ cùng tên. 

(13) Trung tá Võ Toàn xuất thân Khóa 17 Võ Bị Đà Lạt. Sau trận đánh tái chiếm Bastogne. Ông được vinh thăng đặc cách lên Đại Tá lúc mới 32 tuổi. Được xem là một vị Đại Tá trẻ nhất QLVNCH khi đó.

 

 

   
 

( Nguồn: Wikipedia; TDGS; nguyentin.tripod.com).

 Đại Tá Võ Toàn. Trung Đoàn Trưởng. Trung Đoàn.1/1BB. (Nguồn. Google)

           Ðại Tá Võ Toàn là Trung đoàn Trưởng Trung Ðoàn 1 Sư Ðoàn 1 Bộ Binh và Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Ðiềm. Tư lệnh cuối cùng của Sư Ðoàn 1 Bộ Binh (11/1973 - 4/1975).  Cả hai sĩ quan này thiệt mạng trong một chuyến bay vào đêm 28 tháng 3, 1975 từ Ðà Nẵng dự trù về Qui Nhơn chuẩn bị phòng tuyến mới để cầm cự khi Ðà Nẵng thất thủ và Quảng Nam không còn an toàn. (Nguồn. Chuẩn Tướng Nguyễn văn Điềm. generalhieu.com);  (https://nguyentin.tripod.com/nvdiem-u.htm)

(14) Chiến thuật mạng nhện của Đại Tá Võ Toàn dựa vào hình ảnh thiết lập mạng lưới của con nhện. Một hệ thống kết nối giữa các tia tơ từ trung tâm ra và các đường viền chạy vòng quanh đồng tâm. Nhỏ ở trong và lớn dần ra ngoài. Những nút thắt, nơi tiếp giáp giữa hai đường thẳng và vòng tròn sẽ là nơi đặt chốt phòng thủ. Các tuyến vòng tạo sự kết nối những nút thắt với nhau là đường giao liên giữa các chốt. Bộ chỉ huy sẽ nằm ở trung tâm (con nhện). Ưu điểm của  chiến thuật mạng nhện là giúp cho việc đồn trú (đóng quân) của các đơn được vị tản rộng ra, không co cụm và lộ liễu, tránh được thiệt hại khi bị pháo kích. Một ưu điểm khác nữa là khi một cái chốt nhỏ (nút thắt) bị tập kích, sẽ báo dộng cho các chốt khác chung quanh và đơn vị trung tâm biết để đề phòng. Giống như con mồi khi vướng vào mạng nhện sẽ tạo độ rung báo cho con nhện biết ngay. Chiến thuật mạng nhện được phổ biến và áp dụng rộng rãi cho các đơn vị cấp Đại Đội trở lên tùy vào địa hình. Một hình thức để quân đội VNCH giữ đất. Kể từ khi thực thi Hiệp Định Hòa Bình, ngưng bắn toàn cõi ngày 28 /1/ 1973.    

(15) Định danh. Đèo hay Động chỉ là những ghi chú về phương danh của những ngọn núi trên bản đồ. Thực tế không hề có hang động gì cũng như đường xá chạy qua.

(16) Tên chiến thuật “ Đất trống, hào không ”. Được người viết tạm dùng để chỉ danh cho chiến thuật mà người viết chưa nắm rõ được nó có tên gọi là gì.

(16bis) Phải nói là chiến thuật “Trận địa cối 81ly” của Trung Tá Võ Toàn quá mới mẻ, gây bất ngờ nhất thời cho đối phương. Về lâu về dài khi họ biết được sẽ tìm cách đánh thẳng vào khu vực đặt súng chứ không thể để yên. Với đặc công thì chuyện này không khó. Chỉ có điều bên phòng thủ “Trận địa cối.81ly” có đủ năng lực để chặn đứng được họ không mà thôi!

 

                  

                              Cối 81mm. (Nguồn google) & 82mm (Nguồn dân Việt)


(17) Thông tin này do 02 tù binh đặc công bị bắt tại mặt trận cung cấp.

(18). Tôi còn nhớ. Trong cấp số vũ khí đạn dược. Đại đội được cấp phát một khẩu cối 60.ly và đạn. Nhưng rất ít khi sử dụng đến do vậy mà đạn cối 60.ly dư thừa rất nhiều mà không sử dụng đến rất phí phạm. Sau này xem phim “Giải cứu binh nhì Rayan”. Mới thấy mấy người lính dù của Mỹ tận dụng những quả đạn cối 60.ly rất hay. Vì không có súng cối để bắn nên họ khai thác nó qua chiều hướng khác. Trước hết họ tháo móc an toàn ở đầu ngòi nổ ra. Dọng cái đít viên đạn thật mạnh vào cái tà vẹt sắt. Mục đích tạo sự kích hoạt vào hạt nổ ở đầu viên đạn. Do bị kích hoạt sẵn nên ngòi nổ trên đầu viên đạn khi ném ra xa lúc rơi cắm đầu xuống. Hạt nổ trên đầu va chạm vào bất cứ vật gì là sẽ phát nổ ngay. Sức công phá của quả đạn cối 60.ly mạnh gấp máy lần quả lựu đạn (Chưa rõ thực hư như thế nào).


                                    

                                          Súng cối 60mm và đạn (Nguồn google)

 (19). Đến giờ phút này tôi vẩn không hiểu nổi tai sao lúc đó tôi lại đi tiểu được nhanh như vậy! Nhưng có điều chắc chắn là khi phong trào đấu tranh Phật Giáo năm 1963 nổ ra. Tôi nghe người lớn khuyến cáo khi bị lựu đạn cay hãy lấy khăn nhúng nước đắp vào mắt là hết ngay. Nên đa phần mọi người đi biểu tình thường đem theo một cái khăn đẫm nước để phòng thân. Phải chăng kinh nghiệm thời xa xưa đã giúp tôi trong chuyện này!?

(20) Sau này mới biết cái dù đó là cái dù mồi để kéo trái bom CBU từ trong bụng chiếc C130 ra.

(21) Chúng tôi đặt tên là chốt ngã ba vì thế đất cùa quả núi này có ba triền. Một triền chạy về hướng Bắc liên thông với căn cứ King. Một triền hướng Tây-Nam chạy vào dải Không Tên. Một triền phía Tây nằm song song với căn cứ đổ về hướng Bắc. Hiện có một chốt của đối phương nằm ở cuối dải đất này. 

(22) Thông thủy là tên gọi cho cái rãnh thoát nước do hai vách núi tiếp giáp nhau tạo thành.

(23) Nguyên tắc đánh bom của phi pháo yểm trợ. Quỹ đạo này luôn lấy chuẩn từ phía bạn đánh lao về hướng đối phương. Nếu tầm bom bị trượt sẽ bay về phía trước rơi xuống vùng của địch không ảnh hưởng gì đến đơn vị bạn bên dưới.

(24) Khi này (1972 ). Cấp số Trung đội thường chỉ 15, 16 người. Trừ Ban chỉ huy ra. Mỗi Tiểu đội còn chừng 4 người. Do bổ sung quân sỗ không kịp.

(25) Giang là một loại cây giống như tre. Thân mềm, không đứng như các loại tre, trúc ..v..v… mà phát triển theo chiều bò ngang, nên thường đan vào nhau chằng chịt. Khi gặp phải khu rừng nào có nhiều loại giang và mây. Cả là một cực hình. Chui thì vướng, leo lên đạp xuống để đi không khéo trượt chân để nó bung lên là mệt…

(26) Những người lính chết nhát này đa phần là người trốn quân dịch bị bắt đưa vào lính và thường đào ngũ ngay khi có cơ hội.

(27) Vào khoảng năm 1980. Có gặp lại bạn Nhơn một lần duy nhất ở khu chợ sách Đặng Thị Nhu. Quận1. Một bên mắt bị hư hoàn toàn.

(28) Tôi có phần tin tưởng vào những người đa sắc lính này. Bởi vì họ đã từng lăn lóc qua nhiều trận mạc nên tinh thần và cách ứng xử có phần cứng cựa và linh hoạt hơn những người trốn quân dịch bị bắt đưa vào lính.

(29)  Tôi không còn nhớ chút gì về chuyện. Trong quân trường có hướng dẫn cách sử dụng balo hay không. Mãi đến mấy chục năm sau, tôi mới biết được công dụng của hai sợi dây dù ngắn tũn cỡ 10cm. Gắn tòn teng ở hai cái khoen sắt khóa sợi dây đeo của cái balo phần nằm ở phía trước ngực. Hai sợi dây dù có ngắn thật nhưng công dụng của nó thật tuyệt vời. Khi lâm trận bất ngờ. Mạng sống chỉ tính bằng giây. Muốn tháo vất cái balo cho nhanh thật không thể. Bởi vì trên tay còn vướng khẩu súng. Rất đơn giản nếu được chỉ dạy về công dụng của hai sợi dây ngắn tũn này. Muốn vất baolo cho nhanh, chỉ việc nắm vào hai đầu sợi dây giơ ngược lên. Tức thời chiếc balo sẽ rơi ra ngay. Do vị trí rãnh họng khóa trên đai đeo ở vị trí thẳng hàng. Khiến sợi dây không còn bị cái khóa quặp xiết giữ lại nữa. Nên đã nhanh chóng tuột ra khỏi rãnh. Làm cho balo rớt ngay lập tức. Một chuyện sống chết như vậy mà chính bản thân tôi cũng không nhớ, không biết và hầu như cả mọi người lính cũng vậy. Họ thuờng cắt bỏ luôn vì vướng víu.

(30) Tôi được đưa về điều trị tại BV Quân y Sư Đoàn 1. Nguyễn Tri Phương trong thành Mang Cá. Ngay buổi sớm hôm đó Tướng Trưởng vào từng giường ủy lạo. Sau khi hỏi và tôi cho biết đơn vị. Ông hỏi tôi là Trung đội bị thất lạc trong đêm qua đã về đầy đủ chưa. Tôi trả lời với ông ấy là đã được tải thương về phía sau ngay buổi sáng hôm đó nên không rõ. Một Quân đoàn Trưởng mà chú ý đến từng đơn vị Trung Đội như ông kể cũng ít thấy.

            

         Cauminhngoc

          15/10/2010.

              (Bổ sung và sửa chữa 2024)

Tài liệu tham khảo:

      -  Bản đồ quân sự. 1:50,000. (Sheet 6441 - I. Ấp Lai Bằng) // (Sheet 6441 - II. A Shap) // (Sheet 6441 - IV. A Lưới) // (Sheet 6541 - II. Bạch Mã) // (Sheet 6541 - IV. Huế). Bản đồ Ấp Lai Bằng. Tỷ lệ 1:50,000. Sheet 6441 I. Năm 1968. Đã từng cầm trong tay mỗi khi hành quân suốt từ khi về Trung đội 2. Đại đội 3. Tiểu đoàn 3. Trung đoàn 3/1. Vào những năm 1970 đến 1973. // Bản Đồ Đặc biệt Quân Khu.I. Tỷ lệ: 1/250.000. Phần Tỉnh Thừa Thiên. Được sử dụng làm nền cho các Hình từ: 01; 01bis; cho đến 07. 

       - Wikipedia. Thừa Thiên Huế. Khí hậu.

      - Mạng xã hội Google.

      - https//2ndbde.org. 

Và một số mạng xã hội khác được người viết chú thích ngay dưới hình minh họa...       

   

       



       Ở thời điểm trước 1975. Trận chiến khi đó được cho là vô cùng khốc liệt và tàn bạo nhưng so với thời điểm hiện tại 2022. Nó chẳng khác gì các hiệp sĩ mù so kiếm. Chỉ khi nào hai thanh kiếm va vào nhau mới biết đối thủ ở đâu qua dự đoán mù mờ của tâm trí. Cho nên tuổi thọ của người chiến binh có thể tính bằng đơn vị năm. Nhưng vào nửa đầu Thế kỷ 21. Cuộc chiến nó thay đổi hoàn toàn. Hai bên có thể kiểm soát lẫn nhau đến từng mét vuông ở thời gian thực thông qua những phương tiện công nghệ khoa học tiên tiến. Bởi vậy tuổi thọ của người chiến binh được tính bằng đơn vị tháng. Có thể nói là. Nếu vấp phải mặt trận khốc liệt, dưới những khí tài vô cùng hiện đại có sức công phá khủng khiếp. Mạng sống người lính khó mà vượt qua con số từ 6 tháng chứ đừng nói đến một năm.

    Từ đó mới thấy cuộc chiến ở vào thế kỷ 20 trước đó nó chẳng là gì so với thời kỳ đầu Thế kỷ 21. Thật kinh khủng... mới nửa thế kỷ thôi, phương tiện chiến tranh ở giai đoạn kỹ thuật số nó dẫn dắt con người ta đi vào thế giới xa lạ mà nửa thế kỷ trước chỉ thấy có trong những câu chuyện viễn tưởng.