Thứ Hai, 20 tháng 1, 2014

BỨC TRANH SƠN MÀI VẼ NĂM 1947....CHƯA RÕ TÁC GIẢ?

       BỨC TRANH SƠN MÀI VẼ NĂM 1947.... CHƯA RÕ TÁC GIẢ?


      Hình 01.  Chưa rõ tác giả. Phong cảnh. Sơn mài trên gỗ mít. Kích thước 57,5cm x 86cm. vẽ năm 1947.

             Nhìn tổng thể rõ ràng tác giả vẽ phong cảnh lễ hội Miền Bắc. Tại sao lại bán tại Saigòn? 
      - Phải chăng do họa sĩ Gia Định vẽ theo phong cách Bắc bộ?
        ( Điều này không hợp lý vì các họa sĩ miền nào thường hay vẽ cảnh vật nơi họ đang sống.)
      - Họa sĩ ngoài Bắc vẽ rồi chuyển vào Saigon bán? 
        ( Chuyện này cũng có thể. Mặc dù việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. Một điều nữa. Khi Việt Minh cướp chính quyền (1945). Những nhà tư sản, giới quan chức thân Pháp đã di tản vào Miền Nam mang theo. Những người chơi tranh nghệ thuật vào giai đoạn này đa phần là giới thượng lưu trí thức hoặc có thế lực trong xã hội ). 
      - Họa sĩ này đã có thời gian lưu lạc vào Miền Nam rồi vẽ đem bán? Nếu thế vị họa sĩ này là ai? 
        ( Chuyện này có khả năng xảy ra rất cao vì một số họa sĩ sau khi tốt nghiệp Mỹ Thuật Đông Dương đã đi khắp ba nước Việt Miên Lào để tìm kế sinh nhai...( Họa sĩ Tô ngọc Vân đã từng qua Phnôm-Pênh, Băng-Cốc, Huế vẽ và dạy học..v.v...). Ai cũng biết năm 1945 la năm chấm dứt Đệ Nhị Thế Chiến. Năm 1947. Có nghĩa là sau cuộc Đại Chiến hai năm. Với thời điểm này chắc chắn chuyện ảnh hưởng đến kinh tế là điều không tránh khỏi. Đã thế Việt Nam chúng ta lại thêm bị trận đói năm Ất Dậu (1945) chắc hẳn là nền kinh tế ở Miền Bắc càng thê thảm. Chính điều này mà có một số người phải rời nơi chôn nhau cắt rốn tìm kế sinh nhai. Miền Nam là vựa lúa nên kinh tế chắc là đỡ hơn. Vậy giả thiết người họa sĩ này ở ngoài Bắc vào miền Nam rồi vẽ có phần hữu lý ).

                                 
Hình 02.         Mặt sau của bức sơ mài.
           
      Bức sơn mài này được thực hiện trên gỗ mít. Có kích thước: 57,5cm x 86cm. Mặt lưng được đóng đai gỗ và một thanh ngang ở giữa để tránh bị vênh nứt. Mặt trước vẽ phong cảnh một bến thuyền và một số người có vẻ đang trên đường đi lễ hội.
     

                                           Hình 03 - Tờ hóa đơn của tấm sơn mài.
      
        Tờ hóa đơn thể hiện cho thấy vào thời điểm cuối năm 1947. Tấm sơn mài này được bán với giá 750 đồng. cộng 07 đ 50 tiền thuế. Với số tiền 757đ 50 này vào năm 1947. không rõ giá trị của nó ra sao? Có nó ta sẽ mua được những gì?  (1)
       Nhờ có tờ hóa đơn đính kèm nên ta mới xác định được thời điểm ra đời và dựa vào đó làm cột mốc để tìm hiểu.
      * Với năm tháng cụ thể như vậy. Ta có thể khẳng định đây là một tác phẩm sơn mài của giai đoạn sơ khai. Thời kỳ mà sơn mài vừa vượt thoát ra khỏi khuôn khổ làng nghề truyền thống. Các họa sĩ tâm huyết còn đang mày mò tìm kiếm thêm về kỹ thuật cũng như chất liệu màu sắc với mong muốn đưa sơn mài trở thành một bộ môn nghệ thuật độc đáo có tiếng nói riêng trong họa trường Quốc Tế. 
       
      * Với thời điểm của năm 1947. Đệ Nhị Thế Chiến cùng phong trào toàn quốc kháng chiến chống Pháp vừa qua được 02 năm. Một chuyển biến về lớn lịch sử như vậy chắc chắn sẽ làm cho nền kinh tế gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt trong xã hội. Lãnh vực nghệ thuật chắc chắn càng thê thảm hơn. Bụng sôi, mắt mờ lấy sức đâu mà thưởng ngoạn. Vậy mà vẫn có tác phẩm nghệ thuật ra đời và vẫn có người bỏ ra một số tiền không nhỏ để sở hữu nó. Thật thú vị...thật trân trọng...



      Hình 04.   Chi tiết những màu sắc chính trong tranh.


      Nhìn tác phẩm " Phong cảnh ". Màu sắc rất đơn giản. Chỉ với bốn màu. Nâu, xanh lá, trắng và đen,. Không thấy một chút nào của vàng bạc, màu son và vỏ trứng mà những họa sĩ khác cùng thời thường sử dụng.
       * Màu nâu: Chiếm khoảng gần 50% diện tích bề mặt tác phẩm. Được sử dụng gần như làm màu nền. Màu của đất. Nền tảng của sự sống. Màu này trong các tác phẩm của những họa sĩ làm sơn mài khác thường được sử dụng, xem như là màu trung gian. Cách dùng màu rất khác lạ của tác giả. Ít thấy dùng làm nền cho tác phẩm nơi các họa sĩ khác cùng thời...
       * Xanh lá: Mảng màu lớn thứ nhì. Chiếm gần 30%. Ngoài màu nâu ra. Gần như là màu chính của tác phẩm. Được bố cục thành hai mảng lớn, nhỏ mô tả màu xanh của cây cối. Mảng lớn nằm phía bên phải trên bức tranh. Mảng nhỏ ở nơi góc đáy trái bức tranh nơi có những tảng đá. Một bố cục mảng màu, dùng cái nhỏ kéo lại để cho mảng lớn không bị nặng, lệch về một phía, cũng như giúp cho mảng màu không bị đơn điệu. Góc phải này là đường dẫn, vừa là cách bố cục để bức tranh không bị lọt thỏm vào bên trong.Và muốn nói...Còn nữa ở phía ngoài chứ không phải chỉ có bấy nhiêu...
      * Màu trắng chiếm khoảng 20%. Dùng màu nhẹ nhàng tạo thành màn sương sớm loáng thoáng trên sông và phía xa. Và nói về những đóa hoa trắng, rải rắc trên cành cây...tạo thêm sự phong phú về màu sắc. Ở giai đoạn tiền phát triển của nghệ thuật sơn mài ở Việt Nam. Màu trắng tìm chưa ra, dùng chất liệu khác rất khó sử lý. Màu rất dễ bị lớp nhựa cây sơn làm biến dạng thành màu khác. Cho nên những gì là màu trắng ở giai đoạn đầu mới phát triển này các họa sĩ sơn mài thường dùng vỏ trứng để thay thế...Màu trắng được sử dụng trong tác phẩm " Phong cảnh bến thuyền "này...phải chăng là một thành công của tác giả.
      * Màu đen là màu điểm xuyết cho tác phẩm...chỉ thấy ở các màu áo của các cô gái đi lễ...
     Từ bốn màu chủ này tác giả đã hòa sắc, triển khai thành những màu trung gian đặt để cho từng sự vật trong tranh của mình. Một bảng màu sáng sủa, nhẹ nhàng, tươi nhuận rất mới lạ. Tác giả đã trình làng một thành quả thử nghiệm của mình với ngôn ngữ màu sắc hiện đại nhưng vẫn giữ nguyên được phong cách đĩnh đạc của sơn mài. Với bảng màu này đem thực hiện cho tranh sơn dầu. Chẳng có gì đáng nói! Nhưng đây lại là một tác phẩm sơn mài của thập niên 40. Giai đoạn mà hội họa của Việt Nam nói chung. Nghệ thuật sơn mài nói riêng đã tìm được một lối thoát cho riêng mình và đang trên đà phát triển. Không thể đứng ở thời kỳ thế giới phẳng của bàn phím ngày hôm nay qui chụp quá khứ. Phải hòa nhập vào thời điểm bút lông, bút mực đó mà nhận định. Được như vậy. Ta sẽ thấy ngay một sự canh tân về màu sắc rất thú vị trong thời kỳ bình minh của giòng tranh nghệ thuật sơn mài. Tác phẩm tiềm ẩn một đẳng cấp. Một tiếng nói riêng, góp phần khơi nguồn cho giòng chảy sắc màu hiện đại của sơn mài. Nếu không có tờ hóa đơn làm đính kèm minh chứng. Không ai dám cho rằng nó ra đời mãi từ năm 1947. Mà phải nói sắc màu của những năm 1960 trở về sau mới đúng.
        Ta có thể xem đây là một vật chứng. Một tư liệu hiếm có để đóng góp thêm cho phần nghiên cứu lịch sử mỹ thuật sơn mài Việt Nam. Thử nhìn lại một số tác phẩm xuyên suốt từ thập niên 40 cho đến 70 của các họa sĩ như: Nguyễn Gia Trí, Trần văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Lê Thy, Nguyễn văn Thanh..v.v...Đem so sánh các tác phẩm của những tác giả nêu trên với tác phẩm " Phong cảnh ". Ta sẽ thấy rất rõ sự khác biệt về màu sắc này.


                         
                           Hình 05. Nguyễn gia Trí. Dọc mùng. Sơn mài.


                            
                          Hình 06.  Trần văn Cẩn. Đan áo. Sơn mài. (Nguồn Wikipedia ).


041b 600x391
Hình 07. Nguyễn Sáng. Giờ học tập. Sơn mài. Kích thước: 80cm x 120cm. Năm 1960.
                   
                    
   Hình 08.   Lê Thy. Đình làng và tư tưởng Việt Nho. Sơn mài trên gỗ mít. Cỡ 60cm x 90cm. Năm 1950.


                              
 Hình 09.  Nguyễn văn Thanh. Cá vàng. Sơn mài trên ván ép. Cỡ 60cm x 90cm. Năm 1954.


    Hình 10.  Chưa rõ tác giả. Phong cảnh. Sơn mài trên gỗ mít. Kích thước 57,5cm x 86cm. Vẽ năm 1947.


      * Chưa rõ tác giả. Nhưng với phong cách, kỹ thuật, bố cục và màu sắc này kết hợp với thời điểm ra đời cùng giá bán. Không biết đúng hay sai khi ta cho rằng đây là một họa sĩ có tài. Có tâm huyết với ngành sơn mài nên đã bỏ công tìm tòi, khai thác các mảng màu mới lạ đưa vào trong tác phẩm của mình để cho mọi người có dịp thưởng lãm. Phải chăng tác giả chưa tự tin lắm về công việc mình làm nên không dám thích danh vào tác phẩm? Hay không muốn cho ai biết danh tánh của người phải tha phương...? Chuyện này chỉ còn một cách duy nhất để tìm biết được tên tác giả là dựa vào bản vẽ cũ bên dưới. Nếu tác giả có ký tên mà mài chưa hết. Khi quan sát xuyên qua được lớp sơn bề mặt để tìm. Ta hy vọng sẽ gặp. Nhưng đó cũng chỉ là một hy vọng rất mong manh.( Cũng may là bức tranh này không lọt vào tay bọn làm bạc giả. Nếu cứ điền tên một vị họa sĩ có tên tuổi nào đó của thời Đông Dương vào. Với xuất thân và bản chất như thế! Ai dám nói không đúng kia chứ!? Nhưng ta vẫn hy vọng vào tương lai đến một thời điểm nào đó các nhà nghiên cứu sẽ tìm ra tác giả đích thực của tác phẩm này. ).
   
     * Một điểm đặc biệt là bức sơn mài này trước đó đã vẽ một cảnh gì đó có dính dáng đến văn hóa Nhật Bản nhưng không rõ vì sao đã bị mài xóa đi rồi mới vẽ “ Phong cảnh ” này trùm lên. Dấu vết còn để lại nơi vùng có vẽ cây hoa đại. Nếu ta lật nghiêng, nhìn kỹ sẽ thấy ửng lên dấu vết một cái dù kiểu Nhật Bản rất lớn. Đường kính cây dù cỡ khoảng hai tấc vuông.

                                 
                                         Hình 11.  Vị trí cây dù bị xóa nằm trong vòng tròn màu đỏ.


      Lý giải cho chuyện tại sao sơn mài Việt Nam lại có vẽ cảnh Nhật Bản?.
        Theo lịch sử  quân Nhật đầu hàng vào tháng 9/1945. Trong hóa đơn tác phẩm “ Bến thuyền ” này được bán vào ngày 28 tháng 11 năm 1947. Vậy tác phẩm này được bán sau ngày Nhật đầu hàng là 02 năm. Dựa vào ngày tháng ghi trong hóa đơn cùng dấu vết cây dù Nhật để lại. Ta biết được tấm vóc này đã có trước năm 1947 khá xa. Ít ra cũng phải vào năm 1945 hay trước đó nữa. Ta cũng phải hiểu rằng khi quân Nhật rút khỏi Việt Nam rồi. Chắc chắn là không có một người Việt nào muốn vẽ cảnh Nhật, vì làm như thế bán cho ai? Cho nên chuyện vẽ này chỉ có xảy ra khi người Nhật đang còn chiếm đóng Việt Nam mà thôi. 
        Vấn đề được đưa ra. Tại sao lại vẽ cảnh của Nhật?
      Có vài giả thiết được đưa ra như sau:
       1 - Có thể vào thời điểm vàng son của chế độ Quân Phiệt Nhật tại Việt Nam. Một người Nhật nào đó đang ở Việt Nam nghe được tiếng tăm của họa sĩ nên đã nhờ vẽ một cảnh Nhật với kỹ thuật sơn mài Việt Nam mang về nước làm kỷ niệm.?
       (  Chuyện này rất có thể xảy ra và người Nhật đó đã cung cấp màu dùng trong kỹ thuật sơn mài Nhật đưa cho họa sĩ Việt để thực hiện...? Nhìn tổng thể tác phẩm có màu sắc rất khác lạ so với sơn mài truyền thống Việt Nam. Có vẻ như màu trắng được sử dụng để pha trộn với những màu gốc để ra những màu hiện hữu trên tác phẩm này... ).
       2 – Phải chăng một nhân vật nào đó người Việt Nam với mục đích gì chưa rõ đã đặt vẽ một cảnh của xứ Nhật để làm quà tặng cho viên chức Nhật.
      ( Lý do này có phần hợp lý... Một sự trả ơn hay quà biếu xén để nhờ vả... Nhưng lại lấn cấn về màu trắng... Hầu như màu trắng dùng trong sơn mài trong những thập niên 40, 50 rất ít thấy tại Việt Nam. Ngoài tác phẩm này...? Như vậy màu trắng được họa sĩ Việt tìm ra hay lấy từ đâu? ).
       3 - Khi quân Nhật rời khỏi Việt Nam. Sự thuận lợi đã không còn nên người đặt nhờ vẽ đã bỏ không lấy. Nếu cứ để nguyên cảnh Nhật sẽ khó có người mua. Với họa sĩ thì chả ai dại gì mà bỏ phí một tấm vóc gỗ mít có kích thước không dễ kiếm được như thế này, nên  họa sĩ phải mài xóa đi vẽ chồng tác phẩm này lên.
         Đó là giả thiết để trả lời cho việc tại sao lại vẽ cảnh Nhật rồi xóa đi...
        

Có phải chăng họa sĩ vẽ cảnh đi chùa Hương?

“ ... Nhưng thông thường du khách thích đi đường thuỷ. Mọi người cùng xuống đò do các cô gái làng Yến chèo lái, thả lững lờ dọc suối Yến, lặng ngắm hai bên bờ, xa xa sau màn sương mỏng nhẹ là trùng điệp núi biếc. Nếu ngồi cạnh bạn lại là một khách ưa chuyện trò, hiểu biết kể cho bạn nghe những huyền thoại đất Hương Sơn thì không còn gì thú vị hơn….( Trích nguồn. lichsuvietnam.vn ).


                                                                Hình 12. Chi tiết bến sông

       Một bến thuyền bên sông. Cảnh vật phía bờ bên kia bị che khuất hoàn toàn bởi màn sương sớm. Chỉ còn thấy vài chiếc đò có người đang nghỉ ngơi có người đang rướn tay chèo. Bờ bên đây thuyền lớn bé neo bờ chen nhau san sát. Con đường đất đi lên, thoáng rộng có khuynh hướng lên dốc. Chung quanh hoa lá đâm chồi, nảy lộc thật nên thơ cho thấy một cảnh mùa Xuân tươi nhuận.

                          
                                                  Hình 13.  Chi tiết trang phục.


      Những thiếu nữ mang dáng vóc thành thị xứ Bắc Bộ đang cùng nhau rảo bước bóng đổ dài trên đường. Trang phục áo dài, tóc bồng tân thời và có quấn khăn quanh cổ. Hình ảnh cho thấy tiết trời còn khí lạnh ( Miền Bắc, sau Tết đến tháng ba thời tiết bắt dầu ấm áp trở lại ). Một vài người với những thúng hoa, ngồi như có vẻ đang bày bán bên vệ đường (2). Sau cùng hai cô gái tay bưng rổ đựng lễ vật đang sánh vai đi lên. Tất cả những hình ảnh phác họa trong tranh có dáng vẻ cứng cáp, góc cạnh chắc khỏe như những mảng rập quen thuộc của giòng tranh Đông Hồ. Tất cả được đặt trên một nền nâu nhạt pha lẫn với sắc độ trung gian mờ ảo nhẹ tênh như sương sớm lung linh, tạo lên một sự mềm mại, uyển chuyển trông rất sinh động. 
     Với những yếu tố nêu trên tôi cho rằng họa sĩ đã mô tả cảnh đi chùa Hương. Một nơi mà hàng năm từ tháng Giêng cho tới tháng Ba mọi người hay rủ nhau đi lễ. Và đa phần thích dùng thuyền để vãn cảnh.
     Đây là một tác phẩm mang sắc thái mới về màu rất đáng trân trọng, xứng đáng được gìn giữ, bảo quản. Tóm lại tác phẩm này dù có nhận định về nó ra sao chăng nữa. Nó vẫn thuộc dạng đẹp, rất hiếm hoi trên họa trường. Bản thân nó chính là một vật chứng sống rất cần thiết cho lịch sử, cũng là tác phẩm minh họa cho giai đoạn đang còn chập chững tìm tòi của ngành sơn mài nghệ thuật nói riêng và nghệ thuật đặc thù cận đại của Việt Nam nói chung.

Cauminhngoc
12/01/2014.

(1) Trích dẫn theo như nguồn Wikipedia tiếng Việt. Trong mục “ Đồng bạc Đông Dương ”.
  “  Trong thời kì Nhật chiếm đóng trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2, tỷ giá với đồng yen Nhật là 0,976 đồng = 1 yen. Sau chiến tranh, tỷ giá với đồng franc Pháp lại được khôi phục. Tuy nhiên, tháng 12 năm 1945, để tránh sự mất giá của đồng franc, tỷ giá hối đoái đã bị thay đổi thành 1 đồng = 17 franc ”.

“ (khi tiền Đông Dương theo chế độ bản vị vàng từ tháng 5, 1930 về sau) ”

Sau Đệ nhị Thế chiến người Pháp tái chiếm Đông Dương. Tình hình xáo trộn nên mãi đến năm 1947 mới phát hành những mẫu tiền mới, trong đó xuất hiện tờ $50 lần đầu tiên ”.[11] “”
( Sao y bản chính ).

Nếu dựa vào Tỷ giá nêu trong nguồn Wikipedia.  01 đồng Đông Dương = 17 franc thì ta có:
17 franc  x  757đ. 50  =  12.877 franc 50. 

Như vậy tấm sơn mài này nếu dùng tiền quan Pháp để mua vào thời điểm 1947 phải trả là: 12.877,50 franc.

(2) Những người bán hoa ngoài miền Bắc thường là họ không để nguyên cành mà cắt hoa rời ra từng đóa rồi bày chúng trong cái thúng hoăc rổ. Khi có người mua họ sẽ chọn và gói lại thành từng gói hoặc bày ra trong cái mâm để đem đi lễ...

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

NGUYỄN GIA TRÍ ?

                    NGUYỄN GIA TRÍ ? 
                          

                                       
                                    Hình 01. Nguyễn gia Trí.  Sơn dầu trên bố. Kích cỡ 40cm x 50cm.



                                          Hình 02, Chữ ký tác giả nơi đáy góc phải bức tranh. 

        Nói đến Nguyễn gia Trí ( 1908-1993 ). Tôi dám chắc với quí vị là những người mê tranh ở Việt Nam, nhất là lãnh vực sơn mài không ai là không biết đến. Với sự nghiệp lẫy lừng, vang dội như vậy nên tôi mạn phép không nhắc đến tiểu sử của ông nữa vì nghĩ làm như thế là quá thừa. Ở đây tôi chỉ muốn đưa ra mổ xẻ một tác phẩm sơn dầu có ký tên TRI, xem nó có phải là tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ hay không?
       Nếu nói về những tác phẩm sơn mài của Nguyễn gia Trí ( thật cũng như giả ) ta có thể tham khảo ngoài đời cũng như trên mạng rất nhiều. Nhưng nói về sơn dầu! Quả là một điều khó! Rất hiếm thấy những tác phẩm đích thực của tác giả để mà tham khảo, so sánh. Thậm chí trong sách báo cũng chưa thấy nhà phê bình  hay những mẩu tin nói đến loại hình này.Theo tôi cũng không lấy gì làm khó hiểu bởi chuyên chú vào việc làm sơn mài nên tranh sơn dầu của ông rất hiếm. Do đó khi muốn tham khảo hay đối chiếu sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì không có nguồn tư liệu. Đã thế ở Việt Nam chúng ta là chưa có một cơ sở giám định nào có đủ uy tín tầm cỡ Quốc tế để cho những người ham mê có chỗ dựa mỗi khi cần. Hiện nay các nhà sưu tập, cũng như những người chơi tranh nghiệp dư trong nước đang tự bơi với nhau. Tùy theo kinh nghiệm mà phán đoán cho mẫu vật chơi của mình. Độ xác thực rất hạn chế, nhưng dẫu sao cũng còn có chút ít hy vọng vào sự bảo tồn các tác phẩm đang còn trong phạm trù nghi ngờ đó do những người có tâm huyết góp nhặt, giữ gìn chờ đến một ngày sáng lạn. Có thể đúng…sai…chưa biết như thế nào. Nhưng chắc chắn rằng những tác phẩm được chăm chút đó nó phải có một cái gì đặc thù nên mới được nhà sưu tập cất công giữ lại.
         Tấm tranh hiện đang giữ. Khi mới mua tôi đã nhận thấy và có suy nghĩ rằng đây là một bức tranh đẹp. Một tác phẩm do một họa sĩ có tên TRI, TRÍ, TRỊ..v.v..nào đó vẽ, hình thức vẫn còn ấp ủ cái phong cách của giai đoạn đang phát triển chưa thoát khỏi nền nếp của trường lớp. Bức tranh bộc lộ khá nhiều điểm bị lão hóa như: Sơn, bố vẽ, khung căng bố, đinh. Khí hậu nóng, ẩm của miền nhiệt đới đã tác động vào nó quá rõ. Màu của thời gian hằn lên nó không thể che đậy được, chứng tỏ nó ra đời đã khá lâu, ít gì cũng phải từ thập niên 50 của thế kỷ XX trở về trước ( Dấu vết tự nhiên không do ngụy tạo ). Chớp nhoáng thẩm định tổng thể như vậy. Cộng thêm có một cái gì đó thúc bách. Tôi quyết định mua …


                        Hình 03. Cạnh khung gỗ (châssis) cùng bố và đinh có dấu hiệu lâu năm. 



                                                  Hình 04. Chi tiết mặt bố sau lưng bức tranh.

      Một hôm anh bạn thân Vu Gia, nhà chuyên nghiên cứu về nhóm Tự lực văn đoàn, ghé cửa hàng chơi. Anh khoe là mới mượn một cuốn sách ngoại nhập nói về Nhất Linh rất hay và đưa cho tôi xem. Tôi lật ra đọc thử và rất quan tâm đến hai bức chân dung Ông bà Nhất Linh do Nguyễn gia Trí vẽ bằng sơn dầu. Với tôi lúc đó trong đầu chỉ có một chiều suy nghĩ là tranh sơn dầu của cụ Trí rất hiếm, kể cả tư liệu trong sách báo nên tôi xin anh Vu Gia cho chụp lại. Anh đồng ý.


          
               Hình 05. Ông bà Nhất Linh do Nguyễn gia Trí vẽ bằng sơn dầu. Chụp lại trong sách.

          Từ lúc có trong tay hai tấm ảnh chụp ông bà Nhất Linh, tôi rất chú ý đến màu sắc trong hai bức hình chụp này. Tôi thấy những gam màu như vàng chanh, xanh trời và nâu xậm, những bệt màu trắng rơi lớt phớt trên da trong chân dung ông bà Nhất Linh. Nó làm cho tôi băn khoăn, liên tưởng đến những gam màu đó có gì gần gũi với bức tranh “ Đi cày ” của mình. Nếu không có chữ ký TRI có lẽ tôi cũng đã bỏ qua chẳng lấy gì phải chú ý làm tranh của ai vẽ. Nhưng vì có chữ ký TRI lại cộng thêm màu sắc có gì đó gần gũi nên tôi đã cố tìm hiểu cho rõ ngọn ngành. Riêng ở phần chữ ký. Nó cũng làm cho tôi suy nghĩ đến chữ TRI duy nhất nằm trong các minh họa bìa sách, phụ bản của ông vào thời kỳ hai miền Việt Nam chưa chia cắt ( 1954 ). 
Tôi đặt câu hỏi: Phải chăng bức tranh này của họa sĩ Nguyễn gia Trí vẽ?


A - Màu sắc trong tranh của Joseph Inguimberty. Phải chăng đã ảnh hưởng đến những học trò của ông?





                                               





 Hình 06. Toàn bộ " Hình ảnh cho Joseph Inguimberty ". Nguồn Google.

B - Với những lập luận để chứng minh. 

        Khi muốn sàng lọc một tác phẩm hội họa. Có hai vấn đề cơ bản đòi hỏi ta phải giải quyết. Đó là chữ ký và bản thân tác phẩm. Nếu muốn chứng minh bức tranh “  Trâu cày ” này của Nguyễn Gia Trí, ta cũng phải dựa trên những điều cơ bản đó để thẩm định. Ta thử đem mổ xẻ ở phần dưới đây.

 I - NHẬN XÉT VỀ CHỮ KÝ.

      Nói về chữ ký của họa sĩ Nguyễn gia Trí thì đến nay cũng chưa có ai làm công tác sưu tập và công bố chính xác là có bao nhiêu dạng. Nhưng xuất hiện thường xuyên trên sơn mài thì dạng chữ ký " Ng. Trí "  là phổ cập nhất. Còn thỉnh thoảng trên các bản minh họa cho sách báo thì chỉ thấy có chữ TRI và N.G.T. ( Ở đây chỉ lấy tên chính thức chứ không kể đến bút danh, nghệ danh ).


     Hình 07. Nguyễn Gia Trí. " Kẻ khó chẳng lo ba ngày Tết...". Khắc gỗ màu. Cỡ 24.5cm x 37, 8cm. Phụ bản báo Xuân Đời Nay năm 1943.



      Hinh 08. Chữ ký tác giả duy nhất một chữ  TRI với chữ "R" nơi góc đáy phải.  Phụ bản báo Xuân Đời Nay năm 1943. " Kẻ khó không lo ba ngày Tết " 


                                      
                                        Hình 09. Bìa sách do Nguyễn gia Trí minh họa XB năm 1937.


                                    Chi tiết minh họa trên có chữ ký TRI và  chữ viết tắt N.G.T.

                                                
    Hình 09 bis. Chữ ký trong bìa sách " Tiêu Sơn Tráng Sĩ "do Nguyễn gia Trí minh họa. Chữ ký TRI với chữ "R". Tủ sách Lá Mạ. Xuất bản năm 1937.


Hình 10. Nguyễn gia Trí. " Khi tỉnh rượu lúc tàn canh...". Khắc gỗ màu. Cỡ: 21cm x 29.5cm. Phụ bản tập Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du. Năm 1942. 

   Hình 10bis. Chữ ký Nguyễn gia Trí, chữ  " ng. TRI " với chữ "R" trong tập Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du năm 1942. Như thế ta có được 03 chữ ký TRI với chữ " R "



Hìn 11. Minh họa bìa báo Ngày Nay. Năm 1936. Với chữ ký " TRI ". Với mẫu tự " R "



 
          Hình 12. Chữ ký Nguyễn Gia Trí. Trong tác phẩm ông bà Nhất Linh. Với mẫu tự " r "


      Với dạng chữ ký chỉ có một chữ " TRI " của HS Nguyễn gia Trí.thì hiện nay tôi đã có trong tay là 03 bản. Dạng chữ ký này nằm trong bản vẽ minh họa bìa cho bộ tiểu thuyết “ Tiêu sơn tráng sĩ ” của nhà văn Khái Hưng ( 1896-1947 ) do tủ sách “ Lá mạ ” xuất bản vào năm 1937 và trong “ Kẻ khó không lo ba ngày Tết ” làm phụ bản cho báo Xuân Đời Nay xuất bản năm 1943 và một bản nơi bì báo Ngày Nay. Năm 1936. Ba tư liệu trên cho thấy cụ Trí đã có thời kỳ cụ chỉ ký duy nhất mỗi chữ TRI không có họ trên các tác phẩm của mình.  Như vậy.       
       * Chữ TRI với chữ "R" có khuynh hướng được cụ Trí thường sử dụng nằm trong thời gian từ năm 1945 trở về trước ( Dựa theo các bìa sách báo, phụ bản nêu trên ta có ít nhất là ba bản đồng dạng cùng nằm trong mốc thời gian ta lập luận ).
      * Dựa vào tên TRI đã được ký trên tác phẩm. Tôi đã cố gắng tìm hiểu và truy nguyên trong một số danh sách của trường Mỹ Thuật Gia Định, Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương để tìm xem có bao nhiêu người mang tên Trí, Tri, Trị… vào thời kỳ 1970 trở về trước. Xem vị nào trùng tên mà chỉ ký tên mỗi chữ TRI không?  Cuối cùng cũng có vài người nhưng xét thấy những mô tả về tay nghề, tác phẩm các vị đó không phù hợp, cũng như chưa thấy có sự trùng khớp nào với những gì sẵn có trên bức tranh “ Trâu cày ” hiện có.
     Tạm kết luận. Chỉ có cụ Nguyễn gia Trí thường dùng chữ TRI để ký tên trên các tác phẩm của mình mà thôi.
      * Chữ ký TRI duy nhất trong bức tranh “ Trâu cày ”. Đem so với chữ TRI của ba bản mẫu nêu trên. Ta thấy chữ ký TRI trên bức “ Trâu cày ” có cùng mẫu tự "R" đồng dạng, có nghĩa là cùng một kiểu chữ in hoa. Từ những sự đồng dạng trên. Ta có bốn chữ ký nằm cùng giai đoạn 1937-1945. Thời kỳ cụ thường dùng để ký lên tác phẩm của mình. Tạm cho là ở những năm 1945 đổ về trước chữ "TRI" thường được viết với mẫu tự "R".
      Mặc dù lập luận là thế, nhưng chữ ký chưa thể quyết định toàn phần. Nó chỉ cho ta khái niệm là vật đó thuộc của ai để rộng đường giám xét mà thôi và ta cũng nên hiểu rằng chữ ký là phần dễ giả (ngụy tạo) nhất trong bức tranh. Muốn cho rõ ràng, chính xác hơn ta phải tìm hiểu phân tích cặn kẽ thêm những yếu tố quan trọng chứa đựng trong bản thân tác phẩm đó về: Bút pháp, màu sắc, thời kỳ ra đời của nó. Nếu không có những sự trùng khớp với những yếu tố trên thì chữ ký dù cho có giống trăm phần trăm cũng trở thành vô giá trị...Chắc chắn chữ ký đó là của giả. Ta phải hiểu một cách nghiêm túc là. Một tác giả chân chính, nghiêm cẩn không ai lại đi ký tên mình vào tác phẩm do người khác vẽ cả.
       Nói thêm một chút về chữ ký của ông. Chữ ký “ Ng.Tri ”  là kiểu chữ ký thường thấy trên tác phẩm của ông. Tranh sơn dầu hiếm thấy và chỉ thấy cụ ký trên hai bức của ông bà Nhất Linh. Ngoài ra chưa rõ như thế nào.
      Đối với chữ ký ở vào  thời kỳ 1935-1945 ( Giai đoạn đầu ) thì dù là Ng. TRI hay chỉ đơn thuần một chữ TRI. Cụ đều dùng mẫu tự " R " viết trong tên của mình. 
      Sau này tên trong chữ ký của cụ có chút thay đổi là chữ " Tri " có mẫu tự " " chứ không dùng mẫu tự "R" như ở giai đoạn đầu. Chưa bắt gặp chữ TRI duy nhất trong một tác phẩm nào đó của cụ.

         Hai quyển sách dùng để tham khảo xem có tên tuổi các sinh viên nào trùng tên Ng. TRI theo học trong trường Mỹ thuật Đông Dương và Gia Định không?.


                                     Hình 13. Trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội 1925 - 1990


                                             Hình 14. Trường Mỹ thuật Gia Định 1913 – 2004.


II- NHẬN XÉT VỀ BẢN THÂN TÁC PHẨM.
       
         Xét về tác phẩm. Ta có ba điều cần phải chứng minh .
01/. Về màu sắc, kỹ thuật, bút pháp.
02/. Về thời điểm tác phẩm ra đời. ( nguồn gốc) và dấu ấn thời gian tác động trên tác phẩm.
 Với hai phần chính này tôi đưa ra một số nhận định như sau:

01/ - Về màu sắc, kỹ thuật và bút pháp.
         Xét về màu sắc thì ta chỉ có thể dựa vào hai bức sơn dầu cụ Nguyễn gia Trí vẽ chân dung ông bà Nhất Linh làm chuẩn. Ngoài ra không còn thấy tác phẩm vẽ sơn nào khác. Việc làm như thế này có vẻ khiên cưỡng khi nói về chuyện đánh giá mà chỉ dựa vào hai vật mẫu duy nhất. Nhưng muốn làm khác cũng không thể! Đây cũng chỉ là một khía cạnh trong nhiều vấn đề được nêu ra để so sánh chứ chưa phải khẳng định. Dù sao vẫn còn có cái để suy xét ít nhiều.
        Nhìn tổng quát ba bức tranh để so sánh về màu. Ta thấy rõ có 4 màu chủ nổi bật như. Vàng, Nâu, Xanh và Trắng… Rất gần gũi với màu sắc trong những tác phẩm của Joseph Inguimberty. Người thày dạy bộ môn sơn dầu, sơn mài trong trường CĐMT Đông Dương. Quan sát các bức tranh dẫn chứng trên ).
       Sử dụng cọ và thấy có dấu vết của bay (dao). Nét vẽ cẩn thận, tản màu từ tốn, lớp sau đắp chồng lên lớp trước, lên từng phần từ từ tạo viễn cận, màu trắng sẽ được vẽ được rắc, tản cuối cùng tạo ánh sáng hắt trên sự vật. Lối như thế này là kỹ thuật căn bản trường lớp, nó cũng tương tự như kỹ thuật làm sơn mài truyền thống của Việt Nam chúng ta. ( Trong sơn mài không thể làm nhanh, phải từ từ, lớp xa nhất sẽ làm trước, cứ tiếp tục như thế cho những lớp sau. Phần sáng nhất sẽ được dán bằng vàng hay bạc sống ở lớp cuối cùng có thể phủ lớp sơn mỏng hoặc không ).
        Trong bức tranh “ Trâu cày ”. Những vệt sơn màu trắng được tác giả rải lớt phớt sau cùng trên lưng trâu, trên cánh đồng..v.v... Trong hai bức tranh vẽ chân dung ông bà Nhất Linh. Màu trắng của sơn cũng vẽ được tản sau cùng trên mặt, tay bà Nhất Linh và một số nơi khác… ).Tất cả một sự giống nhau rất rõ ràng và của một người xử dụng theo thói quen, theo sở thích. Một phong cách cá nhân khó mà lý giải như thế nào cho trọn vẹn. Phải chấp nhận vì nó bộc lộ cho ta thấy cái chất, cái tính đặc thù cá nhân trong sản phẩm do chính họ tạo ra. Đó cũng là “ style ” của mỗi người. Nhìn vào là thấy ngay là họ, không nhầm lẫn với ai khác. Điển hình ông hay dùng màu trắng rắc, tản nhẹ sau cùng cho những nơi sáng nhất.
        Một sự gần gũi về màu sắc cũng như kỹ thuật hội họa, có nhiều điểm gần gũi nhau. Phải chăng bức “ Trâu cày ” này do cụ Nguyễn Gia Trí vẽ?.

02/ – Về thời điểm tác phẩm ra đời ( nguồn gốc ) và dấu ấn thời gian trên tác phẩm.

    A/ - Về thời điểm tác phẩm ra đời ( nguồn gốc ).
            Nhìn vào kích thước bức tranh có khổ 40cm x 50cm. Với cái kích thước khiêm nhường như thế này cộng với độ cũ. Theo kinh nghiệm tôi nhận định là nó được vẽ vào khoảng thời gian trước 1950 với những lý do sau:
          
            Trong giai đoạn tiền chiến ( 1945 trở về trước). Thời khắc bấp bênh của xã hội cái nghèo, cái khó khăn cùng chiến tranh dai dẳng đeo đuổi đè nặng lên đôi vai mọi người. Giới văn văn nghệ sĩ khi đó cũng không tránh khỏi. Ở một hoàn cảnh như thế thì với các họa sĩ.
         * Về nhà cửa của người Việt ở giai đoạn đầu thế kỷ 20 trở về trước đa phần là không lớn. Đã vậy lại bày biện và trang trí theo lối cổ. Nhà ba gian nên khoảng vách để treo tranh rất khiêm tốn. Do vậy mà đã ảnh hưởng không ít đến các họa sĩ xứ ta khi đó. Nên họ thường vẽ khổ tranh không lớn. Các tác phẩm vẽ có khổ lớn thường do đặt hàng hoặc vẽ để tham dự triển lãm mà thôi.
          * Bố, có lẽ không dễ dàng cho họ như bây giờ. Nếu có miếng bố to họ có can đảm để nguyên vẽ hết? Hay phải chia ra để được vẽ nhiều lần và cho gọn? Có phải vì như thế mà những tác phẩm trong thời điểm này nếu còn sót lại có phần khiêm tốn về kích cỡ? Tình hình chung là như vậy.
         * Nguyên liệu sơn vẽ cũng không dư giả thoải mái như ngày nay nên các họa sĩ đôi khi đã phải tự pha chế hay sử dụng thêm chất liệu khác không đúng tiêu chuẩn nên độ bền bị giảm sút một cách đáng kể.
         * Phần bố chỉ quang lớp sơn trắng làm nền ở phần chính (débarrer), phần bố rìa cạnh chỗ căng lên khung gỗ (châssis) để đóng đinh không thấy quang.  Một minh chứng cho thấy phải tự làm, sự thiếu thốn, không dám phung phí chất liệu sơn. Có lẽ giai đoạn này chưa có loại bố đề-ba-rê ( débarrer ) sẵn như ngày nay. 
         Nếu nói riêng về cụ Nguyễn gia Trí thì sao?. Cụ Trí chuyên nghiên cứu và làm sơn mài, nhưng trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng như thế này có muốn làm sơn mài đâu phải dễ thực hiện. Chính thế mà chuyện ông quay qua vẽ sơn dầu có thể xảy ra. Ông vẽ để giải khuây trong thời gian rảnh rỗi? Nếu đúng như vậy, kết hợp cùng chữ ký trùng khớp với những tư liệu cũ thì một phần nào nó đã nói lên được hoàn cảnh ra đời của nó. Và bức tranh “ Trâu cày ” tôi cho rằng nó ra đời như vậy là phù hợp nhất.

      B/ - Dấu ấn thời gian trên tác phẩm.
     a / - Về Bố vẽ.
          - Bố có hạt to, không có sơn nền phủ sẵn, phải tự quang lớp sơn nền để che lớp bố trước khi vẽ.( débarrer? ). ( Ngày nay bố đã phủ nền sẵn đem về chỉ việc căng lên khung rồi vẽ ).
          - Khô, dòn dễ bục, sợi mất độ dai. 
          - Cạnh ngoài chung quanh khung mang sắc nâu xậm, lưng tranh toàn diện xuống màu xám tro. ( Lâu năm )
      b/ - Về Đinh.
           - Có dấu hiệu rỉ sét tự nhiên,
           - Mũ đinh sét rỉ đã có khuynh hướng cắn vào bố. ( Lâu năm )
      c/ - Về khung căng bố vẽ. (châssis)
           - Bằng gỗ thông đã khô có dấu tóp rãnh.
           - Khá nhiều chỗ bộc lộ vẻ dáng cũ kỹ. trầy xước, bụi bám. ( Lâu năm )
      d/ - Về Sơn.
          - Khô đét, dòn, dễ dàng thành bột khi ta chà, miết mạnh.
          - Có chỗ lớp vẽ trên bị nứt, tróc ra lòi lớp sơn ở dưới. 
          - Sơn bị rỗ, rụng lốm đốm nhiều nơi  
          - Sơn nhiều chỗ đã mủn lòi bố, dễ rụng khi cào nhẹ.
          - Không có dấu vết rạn chân chim trên mặt sơn. Có lẽ do sơn tốt. ( Tôi có tấm tranh của họa sĩ Nguyễn phi Hoanh vẽ năm 1937, sơn chết, dòn mủn dễ bong tróc, rụng đi lòi bố chứ không thấy có trạng thái rạn chân chim ). Thêm một chứng cứ đáng tin cậy ( Lâu năm )
           Với những dấu hiệu đã phân tích ở các hạng mục A, B, C, D. Ta thấy tuổi đời của bức tranh ít ra cũng phải trên năm, sáu mươi năm chứ không thể mới mà có.
       Với một số dữ kiện đã trình bày cũng như phần chữ ký đã có lập luận trên. Tôi cho rằng tác phẩm " Trâu cày " này do họa sĩ Nguyễn gia Trí vẽ vào khoảng những năm 1935 - 1945 chứ không phải ai khác.

        Cần nói thêm một chút về những tác phẩm vẽ bằng sơn mài và những bản phác thảo của ông.
      Sau ngày 30/4/1975 cho đến năm 1990. Tác phẩm sơn mài của Nguyễn gia Trí cũng chưa được quan tâm một cách tích cực như ngày nay, do chuyện ăn chưa đủ no thì chả có gì ham thích bằng miếng cơm manh áo. Nhưng thời gian mươi năm trở lại đây. Thị trường tranh bắt đầu có khuynh hướng chú ý dến tranh của cụ. Cái đòn bẩy này phát nguồn từ chuyện nhà nước đã bỏ một số tiền khá lớn là 100.000 USD ( Tương đương 200 cây vàng ) để mua bộ Vườn Xuân Trung Nam Bắc. Một số tiền quá lớn so với việc mua tranh vào lúc đó. Vì ở thời điểm này một bức tranh của các họa sĩ Đông Dương cũng chỉ chục ngàn đô là cùng. Cho nên khi báo chí công bố số tiền nhà nước bỏ ra một số người đông tình rồi cũng có người cho là quá hớp. Trong đó có ngài BS. Ngô văn Quỹ là người phản ứng tích cực nhất đã viết bài đăng báo cho rằng nhà nước đã làm một chuyện phi lý. Thay vì mua bức tranh treo chơi. Nếu lấy số tiền đó sẽ xây cầu khỉ hay làm chuyện xã hội thì sẽ có bao nhiêu người được nhờ!? ( Với tấm lòng " Bồ -Tát " như thế này chắc hẳn là khi ngài chuẩn đoán, kê đơn chẳng bao giờ ngài lấy tiền của con bệnh! ). Nhân chuyện này tôi có nhớ đến một vị khách khả kính thường mua sách cả tụng đã phát biểu, khi tôi hỏi sao anh lại mua sách nhiều thế. Ông trả lời: “ Mua sách cho các em đọc. Nó đọc thì nở cái đầu. Mua gạo cho chúng ăn. Nó sẽ ra phân hết!”. Mỗi người mỗi ý. Quả thật. Nếu nhà nước không dành quyền tiên mãi để mua thì nay làm sao mà có  cái cho thế hệ mai sau mở mắt? Và bức tranh 100.000 đô đó hiện đang để ở Bảo Tàng Mỹ Thuật đường Phó đức Chính và giá trị của nó là văn hóa. ( Mới được nhà nước công nhận là Quốc Bảo năm 2014 ). Ai cũng có thể vào đó mà thưởng lãm. Chuyện vượt trội này cũng là nguồn cơn của tranh giả ăn theo. Với một nhà làm sơn mài chuyên nghiệp thì chuyện làm giả tranh sơn mài không phải là không làm được. Nếu gặp phải người có tay nghề cao, không hổ thẹn vì chuyện mình làm, cộng thêm sự nghiên cứu kỹ thì tranh có thêm chữ " Ng. Tri " rất đơn giản đối với họ.(cũng may là khổ tranh khá lớn, kỹ thuật không đơn giản nên bọn làm giả cũng hơi kiềng. Nhưng không phải vì thế mà không có...) Còn lý lịch cho tranh thì tùy nghi. Miễn sao cho xuôi tai, giật gân bí hiểm càng ăn khách. 
       Ta phải nhớ kỹ một điều. Tranh của Gia Trí rất hiếm vì những lý do. Với ông không phải ai có tiền muốn là ông làm cho. Nổi tiếng là " Con người cực kỳ phách lối " nên khó gần. Tác phẩm sơn mài của ông, đa phần có khổ tranh lớn hay mỗi bộ đôi ba tấm mà tự làm không có thợ nên thời gian thực hiện kéo dài vài năm là chuyện bình thường. Có lẽ vì thế mà ít khi cụ thích năm tháng vào tranh. Mỗi tác phẩm của ông làm ra đều có nơi chốn đến cư ngụ rất cụ thể, xứng đáng với lý lịch người sở hữu. Ít có dấu hiệu trôi nổi trên thị trường, căn nguyên là người sở hữu và con cái đều hiểu được họ được đang giữ cái gì. Chuyện tranh giả Nguyễn gia Trí này cũng có nhưng ngược với hiện tượng tranh họa sĩ họ Bùi. Khi sống chả thấy bao nhiêu. Khi khuất núi tranh ở đâu mà đổ ra như rươi được mùa?!
     Về phác thảo. Ông thường vẽ phác trên giấy dùng để in báo do nó có khổ giấy to bản giá rẻ dễ mua. Rất khó tìm thấy chữ ký trên những bản phác vì nó chỉ mục đích ghi nhớ không có giá trị, sau khi làm xong chất đống chờ dịp vất, nếu chật chội không còn chỗ chứa. Sau này thấy xuất hiện hơi nhiều phác thảo của ông nhưng đa phần là khổ giấy nho nhỏ. Bức nào cũng có chữ ký hẳn hòi. Đến kinh ngạc!?  Hầu như các họa sĩ Miền Nam trước 1975, ít khi ký tên vào những phác thảo. Nếu có chăng thì chỉ những giòng chữ chú thích để mà ghi nhớ. Ta phải hiểu những bản nháp này sau khi thực hiện xong sẽ vất đi, vậy ký tên vào làm gì?  Thí dụ:


 Hình 15. Hiếu Đệ. Vua Quang Trung và Ban Tham Mưu. Mực nho trên giấy dày. Bản nháp không ký tên nhưng có thủ bút ghi chú phía đáy góc trái.


     Hình 16. Tác giả chưa rõ. Lăng Lê văn Duyệt. Phác thảo sơn mài. Bột màu trên giấy. Kích thước: 67cm x 125cm. Không thấy chữ ký.


       C/ - Sau khi HS. Nguyễn gia Trí mất. Chưa ai rõ là cụ có nhận đệ tử không? Bao nhiêu người ? Vào thời gian nào?
       Theo tôi. Với tánh khí của HS.Trí. Muốn ông nhận làm học trò chắc là không dễ. Một người có nhân thân khá lẫy lừng. Một họa sĩ được trọng vọng. Một đảng viên " ĐVDCĐ " loại kỳ lão. Con người có dính dáng đến chính trị đối lập như thế. Chắc là bên an ninh nó khó mà không để mắt đến ông. Sau khi Nhất Linh qua đời. Một bậc đàn anh, người thày mà cụ rất quí trọng, nay đã mất không còn nơi chốn chia sẻ, vì vậy cuộc sống vốn đã khép kín nay càng khép kín hơn.( Có vẻ như Nguyễn gia Trí chưa hề vẽ chân dung cho ai ngoài vợ chồng Nhất Linh. Nguyễn tường Tam ). Chuyện giao tiếp được cho là phiền phức, nên chuyện ông không tiếp hay đuổi thẳng cũng dễ hiểu. Một người bị cho là " cực kỳ phách lối " như thế. Tại sao ông dạy cho họa sĩ Đằng Giao làm sơn mài? Có phải chăng do Đằng Giao lấy Chu vị Thủy con gái Chu Tử, mà Chu Tử là một nhà văn kiêm chủ báo đối lập với chế độ. Chết hụt vài lần. Cùng dân Bắc di cư. Chưa rõ quan hệ xã hội, bằng hữu giữa hai người ra sao! Nhưng mục đích sống có nhiều điểm có thể cho là gần gũi, dễ thân cận..v..v...Phải chăng vì thế mà Đằng Giao được Nguyễn gia Trí cho phép đến nhà thường xuyên và dạy bảo đôi điều về kỹ thuật sơn mài. Trước 1975 tôi không rõ là anh Đằng Giao đã học làm sơn mài chưa vì không nghe anh nói gì về chuyện này ( Anh thường vẽ minh họa cho báo ). Sau 1975 ở giai đoạn mọi người mọi nhà đổ xô làm sơn mài và vẽ lụa kiếm sống thì họa sĩ Đằng Giao có mặt trong số đó. Khi gia đình anh còn ở cạnh chùa Chà gần góc đường Lê thánh Tôn và Nam Kỳ Khởi Nghĩa thuộc Quận Nhất. Tôi thường ghé chơi và bán những quyển sách về hội họa phương Đông cho anh làm tư liệu, tiện dịp xem những tác phẩm sơn mài anh vẽ. Những tác phẩm sơn mài của anh làm rất đẹp, đa số có khổ tranh lớn và anh thường nói nếu không có cụ Trí dạy thì anh chả bao giờ thành công như thế. Đối tượng mua tranh của anh là những người xuất cảnh và Việt Kiều về thăm quê hương.( Tranh sơn mài của Đằng Giao hiện nay rất ít thấy tại Việt Nam ). Thấy tôi có thích sơn mài và khoe có tấm Lê Thy. Anh có đến nhà xem và tỏ ý muốn mua nhưng tôi không bán. Chính vì chung sở thích nên có lần anh rủ tôi đến nhà cụ Trí chơi xem sơn mài của cụ làm nhưng tôi từ chối vì ngại... nay tiếc thì đã quá muộn... ấy vậy mà anh chưa hề khoe với tôi là anh có một tờ phác thảo nào của cụ Trí…Với sự gần gũi đó. Nếu anh muốn có, cụ Trí chắc là không nỡ từ chối.…và chuyện anh không xin vài tờ phải chăng…( Tự trọng, sợ hiểu lầm. Đa phần giấy dúm dó, rách bẩn vẽ nguệch ngoạc, rời rạc. Có thể do vẽ phác trực tiếp vào vóc nên bản thảo không nhiều. Không chữ ký… dễ gì ai tin. Chơi tranh chứ ít ai chơi phác thảo…nhất là chưa đâu vào đâu? ).


      III - NGUỒN GỐC LƯU GIỮ TÁC PHẨM TRƯỚC ĐÓ?

         Tôi mua tác phẩm " Đôi trâu cày " tại nhà người con của một nhiếp ảnh gia lão thành đã khuất núi ở miệt Dakao. Quận 1. Năm 2005. Do người bạn tên Tùng có biệt danh " Tùng lựu đạn " dẫn đi mua. Khi đến thất không khí trong nhà gia chủ khi đó có vẻ như đang dọn nhà. Nhìn gian phòng bừa bãi bày ra rất nhiều đồ gia dụng. Đáng chú ý nhất của tôi là ba bức tranh. Một của A. Pochin. Hai vẽ đôi trâu cày chỉ ký một chữ Tri và bức tranh thủ ấn họa " Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng" của Tú Duyên. Một bộ bàn ghế bằng sơn mài của Thành Lễ nhưng vải gấm bọc rất đẹp đã bị rách nát hết lòi cả mấy thanh gỗ bên trong nhìn rất thảm hại, nếu muốn phục hồi lại phải mất bộn tiền... Do vậy mà bỏ qua không mua, chỉ tập trung thương lượng mua 03 bức tranh mà thôi. Cả hai bức vẽ " biển " của Ponchin và " đôi trâu cày " của họa sĩ Tri. Khi mới mua về do bận bịu chuyện kinh doanh nên tôi không có thời gian để truy nguyên về tác giả... Nhưng sau này gặp những dịp may nên đã có trong tay những tài liệu để cập nhật, suy xét về hai tác giả Ponchin và Tri và nhờ đó tôi đã truy nguyên được nguồn gốc của từng tác phẩm. Antoine Ponchin vẽ cảnh biển “ Eo Gió - Kỳ Co ” ở Quy Nhơn. Và bức “ Đôi trâu cày ” là của Nguyễn Gia Trí.
      Suy cho cùng ngoài những chứng minh cụ thể đã nêu trên. Còn có thêm một yếu tố khá quan trọng mà ta không thể không quan tâm. Đó là nơi lưu giữ tác phẩm. Tất cả 03 tác phẩm nằm trong nhà của một nhiếp ảnh gia lão thành đã quá cố. Rất tiếc là khi mua thì nhà nhiếp ảnh lão thành đã khuất núi nên không thể trao đổi về tác giả những bức tranh nên đã mù mờ về nguồn gốc tác giả một thời gian khá lâu... Nhưng với những hiện vật của ông để lại. Nó cho thấy gia chủ là người có tầm hiểu biết rất sâu sắc về nghệ thuật. Do vậy mà ông đã dày công lưu giữ những phẩm vật quý giá cho đến khi khuất núi. Không nhiều nhưng được tinh lọc rất cẩn thận, món nào ra món nấy. Toàn phẩm vật có giá trị nghệ thuật đặc sắc. “ Quý hồ tinh. Bất quý hồ đa " có lẽ rất phù hợp với tình huống này. Việc nắm rõ được nơi lưu giữ sau cùng của một tác phẩm là điều rất hữu ích cho việc giải mã về nguồn gốc những tác phẩm chưa được minh bạch rõ ràng. Riêng về tác phẩm “ Đôi trâu cày ” này có lịch sử mua bán chỉ rõ về nơi lưu giữ sau cùng, cộng thêm những tác phẩm mua kèm cùng thời điểm đã giúp ta có thêm yếu tố để củng cố vững chắc cho lập luận. " Đôi trâu cày " này là của họa sĩ Nguyễn Gia Trí vẽ vậy.   


                              Một vài phác thảo sơn mài trước 1975.


 Hình 01 - Chưa rõ tác giả và không có chữ ký. Phong cảnh. màu bột trên giấy báo. Khổ giấy 72cm x 125cm.


Hinh 02 - Chưa rõ tác giả và không có chữ ký. Phong cảnh lễ hội. màu bột trên giấy báo. Khổ giấy 85cm x 124cm.


Hình 03 - Chưa rõ tác giả và không có chữ ký. Phong cảnh cổng vào chùa. Màu bột trên giấy báo. Khổ giấy: 75cm x 104cm.



Hình 04 - Chưa rõ tác giả và không có chữ ký. Phong cảnh chiếc cầu đỏ. Màu bột trên giấy báo. Khổ giấy: 87cm x 122cm.


Hình 05 - Chưa rõ tác giả và không có chữ ký. Phong cảnh lễ hội. Màu bột trên giấy báo. Khổ giấy: 80cm x 152cm.

Cauminhngoc.
04/01/2014