Thứ Năm, 23 tháng 6, 2022

" Còn hai con mắt khóc người một con ". Qua ngôn ngữ hội họa của Bùi Giáng.



                          

" Còn hai con mắt khóc người một con ".

                                    Qua ngôn ngữ hội họa của Bùi Giáng.

    LTS. Với cụm chữ cuồng thảo rất giống với bút tích của Bùi Giáng cùng hình ảnh ba con mắt trong bức tranh. Mỗi khi nhìn vào đều khiến mạch suy nghĩ phải liên tưởng tới câu: “ Còn hai con mắt khóc người một con ” trong bài thơ " Mắt buồn " của Bùi Giáng. Rất tiếc là không thấy chữ ký của Bùi Giáng để khẳng định. Mặc dù người nhượng lại bức tranh cho biết là của thi cuồng Bùi Giáng vẽ. Nhưng với tính cầu toàn. Chỉ xem đó là một dữ kiện để định hướng. Cần đào sâu vào hình thức lẫn nội dung tác phẩm hầu mong làm sáng tỏ, xem có đúng là Bùi Giáng vẽ hay ai đó mới là tác giả. Rất xin lỗi! Những lập luận dưới đây mang tính chủ quan của người đam mê và tự tìm hiểu nên có thể chưa đúng hoặc còn thiếu sót. Mong được lượng thứ. Đa tạ! Đa tạ! 


   
Hình 01 – Bùi Giáng.  Mắt buồn. Sơn dầu/bố. 75cm x 75cm. Năm vẽ: Chưa rõ.


                MẮT BUỒN.

Bóng mây trời cũ hao mòn
Chiêm bao náo động riêng còn hai tay
Tấm thân với mảnh hình hài
Tấm thân thể với canh dài bão giông
Cá khe nước cõng lên đồng
Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
Tạ từ tháng chạp quay nghiên trang sử lịch thu triền miên trôi

Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con.

( Nguồn: Bùi Giáng, Mưa nguồn, NXB Hội nhà văn, 1993


Thủ bút của Thi Cuồng Bùi Giáng (Nguồn: HaiVu Dinh)                             

       Bức tranh vẽ trên bố bằng chất liệu sơn dầu khi đặc, khi loãng. Qua nhiều lần, qua nhiều thời gian chứ không phải vẽ một đôi lần mà xong. Kích thước vuông vắn: 70xm x 70cm. Gam màu nóng và tối khiến nó có chút gì đó u uẩn. Chủ đề trừu tượng với đường nét cùng hình sắc đầy ngẫu hứng, ngây ngô như lạc vào cõi mơ hồ xa xăm với nội dung manh tính ẩn dụ rất cao khá trùng khớp một số ý trong bài thơ “ Mắt buồn ” của Bùi Giáng: Cụ thể. “ Còn hai con mắt, khóc người một con ”. Minh chứng bằng hình ảnh 03 con mắt nổi bật trong bức tranh…

 

I – KHÁI QUÁT VỀ BỨC TRANH.

      Đập thẳng vào mắt người nhìn khi đứng trước bức tranh là 02 khuôn mặt cách điệu trông giống như mặt nạ. Đen phải. Đỏ trái. Chiếm hơn 80% diện tích tổng thể tác phẩm. Đặc biệt khuôn mặt đen lấn hẳn sang trái che khuất hơn nửa khuôn mặt đỏ.   

  A - Chi tiết từng khuôn mặt.

                  01-  Khuôn mặt đen ( Hắc diện ). 

              Một mảng phẳng, tổng hợp đa hình sắc, tối xậm mờ ảo, hình thù như trái tim không trọn vẹn, phát nguồn từ vùng góc phải dưới lấn vào giữa, choán nửa diện tích bức tranh. Khuôn mặt trông đen đúa bặm trợn, đầy nam tính trong tư thế trực diện và có đôi mắt khá to.

 *        Mắt bên phải. Con ngươi màu hồng phấn pha lẫn sắc trắng. Đầu hai mí mắt trên, dưới cũng màu hồng phấn, nhưng nửa hai mí mắt sau lại có sắc đỏ.

 *        Mắt bên trái. Trong lòng con ngươi màu đen có những đường rạch đan ca rô trắng. Bên ngoài bao quanh gồm nhiều đường viền đồng tâm đa sắc. Hai mí mắt màu trắng nhạt. Ngay giữa mí mắt dưới xuất hiện một vệt trắng đổ dài xuống tận đáy bức tranh và nơi hốc mắt này cũng cho thấy một vệt trắng chảy xuống nhưng mảnh hơn. Cả hai vệt trông giống như giòng nước từ con mắt chảy ra.

*        Mũi hếch, chỉ thấy hai cái lỗ mũi nhưng hơi mờ.

*        Miệng móm mém, rất rộng hơi quặp xuống như đang bặm lại, thể hiện bằng những đường cào xước loạn xạ từ trái qua phải và ngược lại, lộ lớp sơn lót trắng của bố vẽ. Ngay dưới miệng là hai con cá. Lớn trên và bé dưới cùng chiều, nằm vắt ngang che mất phần cằm.


                  02 -  Khuôn mặt màu đỏ ( Hồng diện/ Hồng nhan ).

*     Trong tư thế hơi quay nghiêng về trái. Do bị cái mặt đen lấn qua che hết phân nửa khuôn mặt bên phải nên chỉ còn thấy mỗi một con mắt bên trái mang màu hồng phấn. Khuôn mặt màu đỏ nhìn rất sáng sủa, tươi nhuận, lột tả được chất nữ tính rất cao (Hồng nhan ).

*        Mũi được vẽ cách điệu đơn giản, mang tính ước lệ.

  *      Cái miệng nhỏ nhắn, xinh xắn có đôi môi cong cớn hé nụ.

*      Nếu dựa vào đường viền màu hồng để định hình cho khuôn mặt. Ta sẽ thấy cái mặt đỏ có hai màu: đỏ và đen. Con mắt bên trái mặt đen trở thành con mắt bên phải của mặt đỏ. Do một vùng tối ám từ bên phải lấn qua khiến khuôn mặt nữ nhân trở thành lưỡng diện với hai sắc độ vừa trong sáng vừa u uẩn khiến ta phải suy nghĩ. Phải chăng tác giả muốn nói đến việc con người trong giòng chảy cuộc đời luôn ẩn chứa hai trạng thái: Hạnh phúc - khổ đau; Chân thật - giả dối...v..v... Một hiện thực luôn đeo bám, lẫn khuất trong đời sống không một ai có thể tránh hoặc chối bỏ đã được tác giả đưa vào tác phẩm thông qua gương mặt nữ nhân....    


 03 - Cả hai khuôn mặt chỉ có ba con mắt. 

         Một chủ đề cũng là thông điệp của tác giả muốn gởi đến người thưởng lãm khi đối diện với bức tranh. " Mắt buồn " hay " Còn hai con mắt khóc người một con ". Đầy triết lý nhân sinh của Bùi Giáng.

 

               B – Những dữ kiện mang tính “ Ý tại ngôn ngoại ” trong bức tranh..

a/ -  Trên vầng trán của khuôn mặt đỏ và đen. Có hai vòng tròn lớn chập vào nhau. Vòng tròn thứ ba nhỏ hơn, nằm dưới hơi chếch về phải, vị trí ngay giữa hai con mắt khuôn mặt đen. Cả ba đều có màu hồng phấn ( Xem hình 01 ). Ngoài ra, các vòng tròn này còn có đính mấy sợi dây buông thòng xuống, cho ta cảm nhận giống như là những cái gọng của mắt kính. ( Trùng khớp với cặp mắt kính mà Bùi Giáng thường đeo. Nó cũng là sở thích của ông ) ( Hình 02 ). Có phải đó cũng chính là ba con mắt và những giòng nước mắt chảy dài? Cả ba vòng tròn này cho thấy như đã được vẽ sau cùng..

 


              

         Hình 02. Chân dung Bùi Giáng đeo kiếng có tròng tròn. ( Nguồn. Google )


    b/ - Ngoài ra trên mặt tác phẩm còn cho thấy một số họa tiết dọc ngang cùng những vệt cào xước điểm xuyết rải rác, đan chen với một rừng hình họa mơ hồ rối rắm không rõ nét đầy ắp cả mặt tranh cho người xem cảm nhận cả một trời thực ảo mộng mị hỗn mang…. Nó cũng là phần nền của tác phẩm.


Hình 03. Những họa tiết trừu tượng hỗn mang như trong giấc mơ đầy ắp mặt tranh, cũng là phần nền của tác phẩm.


    c/ - Trên khuôn mặt màu đen có những dấu ấn và những vết cào xước ở bên má phải. Phải chăng đó là dấu vết của sóng gió bão giông cuộc đời hằn lên thân xác con người. “ Tấm thân thể với canh dài bão giông ”.


Hình 04. Những dấu ấn và vết cào xước trên má bên phải. “ Tấm thân thể với canh dài bão giông ”?. Dấu vết thời gian và vết sẹo cuộc đời hằn lên khuôn mặt.


d/ - Về những con triện ( dấu ấn ) cùng một số mạch bút giống như chữ Nho nguệch ngoạc. Tất cả không rõ nét rất khó đọc. Một tác phẩm sơn dầu hiện đại có những yếu tố về Nho học như thế này cũng là một điều hiếm thấy. Nhưng nó lại nói được một điều. Người tạo tác nên tác phẩm này thuộc giới cựu học có am hiểu về ngôn ngữ Hán Nôm. Mà ngôn ngữ Hán Nôm bây giờ thuộc về phần lịch sử đã qua. Tác giả đã có chủ đích rất rõ ràng khi đưa phần cổ ngữ vào tác phẩm. Phải chăng để thể hiện câu:  Âm trang sử lịch thu triền miên trôi ”?.


 Hình 05. Những dấu triện ( Dấu ấn ) của thời đã qua. “ Âm trang sử lịch... ”.


e/ - Về mấy con cá. Con màu đỏ trên đỉnh bị đóng khung, trước mặt nó có nhiều đường gợn như những lượn sóng. Cho thấy con cá này bị nhốt ở trong một môi trường khác. Và hai con cá lớn bé dưới miệng khuôn mặt đen cũng lộ vẻ như đang ẩn mình trong một cõi mơ hồ tối tăm nào đó. Phải chăng đó là: “ Cá khe nước cõng lên đồng ”?.


             Hình 06. Hình ảnh những con cá. “ Cá khe nước... ”.

g/ - Những nét nằm ngang đậm nhạt đa sắc ở góc phải trên, nhìn giống như những lượn sóng. Nó có thể là mây trời ( Vì nằm ở trên đỉnh và trên đầu hai khuôn mặt ). “ Bóng mây trời cũ hao mòn ”; Cũng có thể là sóng nước ( Hình ảnh con cá như muốn bơi vào ). “ Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa ”. 

 

Hình 07.   Những đường lượn nằm ngang đa sắc ở góc phải trên, nhìn giống như những gợn sóng. “ Bỏ ngang ngửa sóng... ”. Nó cũng có thể là mây trời Bóng mây trời cũ... ". 


h/ – Bức tranh không thấy chữ ký. Nhưng phía góc trái trên có một số chữ Quốc viết ngữ nguệch ngoạc bằng cọ cùn với sơn đen loãng chen lẫn với một số nét giống như chữ Nho. Mạch bút giống như trẻ thơ viết loạn xạ không thể định hình. không rõ nội dung. Đây là điểm quan trọng nhất của bức tranh vì cụm chữ cuồng thảo này rất giống với bút tích của Bùi Giáng, đã khiến cho mọi người tin rằng bức tranh này có nguồn gốc từ Bùi Giáng.


Hình 08. Cụm chữ ở góc phải trên bức tranh rất giống với bút tích của Bùi Giáng…Chính dữ kiện này mà mọi người đều cho là do Bùi Giáng vẽ.


i/ Hình ảnh 03 con mắt.

Hình 09. Hình ảnh ba con mắt trên hai khuôn mặt. “ Còn hai con mắt khóc người một con ”.


                k/ Hai vệt chảy xuống từ con mắt.

       

Hình 10. Hai vệt từ con mắt chảy xuống giống như hai giòng nước mắt. 



                    II – SO SÁNH CỤM CHỮ VIẾT Ở GÓC PHẢI TRÊN BỨC TRANH VỚI MỘT SỐ THỦ BÚT KHÁC CỦA BÙI GIÁNG QUA HÌNH ẢNH.


a/ - Chữ viết trong bức tranh.


      
Hình 11. Cụm chữ viết ở góc phải trên bức tranh cho thấy người viết không cuồng thì cũng điên điên...


b/ - Một vài bản thủ bút của Bùi Giáng.


* Chữ Quốc ngữ:

       

    

   
Hình 12. Ba bản thủ bút của Bùi Giáng viết trên 02 tờ giấy vở học sinh.


* Chữ Nho.

    Hình 13. Thủ bút của Bùi Giáng viết bằng Quốc ngữ và chữ Nho. (Nguồn. “ Bùi Giáng và người láng giềng nơi cõi tạm ” trên Youtube ).


      Viết bằng bút mực hay bút bi chắc chắn dạng tự nó có khác với việc dùng cọ vẽ để viết. Nhưng cho dù Bùi Giáng sử dụng công cụ viết có khác nhau thì nó cũng không thể làm mất đi được phong cách và dạng tự của ông được. 

       Quan sát kỹ riêng từng mẫu tự: “ T ”; Mẫu tự  “ a ” Dấu mũ “ ^ ”…v..v… trong cụm từ ở góc phải trên bức tranh và lấy nó đem so với từng mẫu tự  “ T ”; Mẫu tự  “ a "; Dấu mũ “ ^ ”  trong một số câu thơ do Bùi Giáng viết được viện dẫn ở trên. Đã dẫn đến một kết quả của sự tương đồng gần như hoàn hảo. Trong phần chữ Nho. Chỉ thấy một đôi chữ khả dĩ, còn lại do tình trạng bị thiếu nét và cuồng bút nên không thể định dạng.

       Tóm lại. Chỉ một số chữ cuồng thảo ít ỏi trên bức tranh. Đối với người cẩn trọng thì chưa đủ sức để khẳng định bức tranh do Bùi Giáng vẽ. Nhưng cũng không thể chối cãi là cụm từ đó rất trùng khớp với dạng tự của Thi cuồng Bùi Giáng. Một dữ kiện rất quan trọng. Nó giúp ta định hướng, tập trung một cách chuyên sâu. Cóp nhặt thêm những yếu tố có liên quan đến Bùi Giáng để củng cố lập luận bức tranh này do ông vẽ. Và nó cũng chẳng khác gì chữ ký của Bùi Giáng trên bức tranh. Nếu ta tin chắc rằng đây là thủ bút của ông. 


III – Mặt bố phía trước và sau lưng bức tranh. 


           

Hình 14. Cạnh rìa ở mặt trước bức tranh.

Cạnh rìa chung quanh mặt trước bức tranh cho thấy lớp sơn phủ bị khô mủn, mốc thếch rất luộm thuộm. Chứng tỏ đã bị sự ẩm ướt hủy hoại do thiếu bảo quản. Và cũng ở nơi rìa bố này hầu hết bị lẹm vào không còn nguyên do dùng dao rọc để lấy tranh ra khỏi khung căng. 


Hình 15. Mặt sau bức tranh.        

            Hình ảnh cho thấy bức tranh bị vất xó ở nơi ẩm thấp nào đó trong nhà một thời gian khá dài, không được che đậy đã bị nước nhiều lần đổ vào gây nên những dấu vết loang lỗ hoen ố, mốc meo. Rất may đã không ảnh hưởng gì đến mặt tranh phía trước. 


IV – Nguồn gốc mua bức tranh.

 

         Bức tranh được mua vào năm 2007. Tại tiệm sách Minh Ngọc của tôi ở 476 Nguyễn Thị Minh Khai. Quận 3. Khách bán là người đã từng tặng cho tôi hai bức chân dung và hai tờ thủ bút của Bùi Giáng lúc còn ở cửa hàng Lê Phan. Cuộc hội ngộ bất ngờ đầy thú vị. Cả hai đều nhận ra nhau mặc dù đã sau một thời gian khá dài trên 10 năm trời ( Phải có "duyên" lắm mới dẫn đến chuyện này )…Khi cuộc mua bán xong. Tôi mở bức tranh xem lại ( Bức tranh đã tháo ra khỏi khung căng không rõ từ khi nào ) và hỏi xem do ai vẽ, vì không thấy chữ ký. Câu trả lời của anh là do Bùi Giáng vẽ. Tôi cũng không hề thắc mắc hay có ý kiến gì vì giá bán không đến nỗi phải quá so đo tính toán. Trong lúc uống cà phê. Ngoài những câu thăm hỏi xã giao. Anh cho biết đã trông thấy tôi qua mấy lần mỗi khi có dịp đi ngang qua và biết tôi thích Bùi Gáng nên anh chủ tâm đem bán….Kể từ đó tôi không có dịp gặp lại anh.

     Mãi về sau này khi vỡ lẽ và muốn nắm bắt về nguồn gốc bức tranh, tôi mới thấy mình quá thiếu sót, đã quên không trao đổi về lý lịch bức tranh và danh tính của anh. Bây giờ muốn gặp lại để hỏi nhưng không còn cơ hội…

      Một chuyện cần lưu tâm, rút kinh nghiệm mỗi khi mua bán một món nào đó. Có thể lúc đó mình xem thường, nhưng sau này có dịp đào sâu tìm hiểu biết được giá trị đích thực của nó thì lại bị thiếu thông tin để truy nguyên. Nhiều khi già chuyện cũng có cái lợi…



V – Tác phẩm này do Bùi Giáng hay ai vẽ?

                      Có 03 trường hợp có thể xảy ra:                           

Trường hợp 1 – Bức tranh do ai đó vẽ dựa theo ý bài thơ “ Mắt buồn ”. Không phải do Bùi Giáng vẽ!

 

         Nếu cho rằng bức tranh này do một ai đó vẽ dựa vào ý bài thơ : ‘’ Mắt buồn ” của Bùi Giáng. Chắc chắn người này phải thấu hiểu rất sâu sắc về bài thơ. Nhưng sẽ phải giải thích như thế nào về cụm chữ rất giống với nét bút của Bùi Giáng cùng những dữ kiện có dấu hiệu của người cuồng trí trong bức tranh? Chẳng lẽ người vẽ đó lại có khả năng thể hiện đa phong cách của Bùi Giáng một cách đặc sắc như vậy sao? Rất khó có chuyện trùng khớp quá lớn đến như thế. Và trường hợp này bị loại bỏ. Và nếu cho rằng ai đó vẽ giả tranh Bùi Giáng cũng không đúng vì mục đích làm giả để bán, tất nhiên phải ký tên Bùi Giáng vào mới bán được. Không ký tên vào ai mà mua? Nên trường hợp này cũng không thể…

 

 

Trường hợp 2 – Bức tranh do Bùi Giáng vẽ.

 

       a / Do Bùi Giáng vẽ: Ngoài cụm chữ viết ở góc đỉnh trái và những dữ kiện họa cuồng rất giống với phong cách Bùi Giáng. Còn lại một số hình họa trừu tượng hỗn mang trong bức tranh đều hàm chứa những tính chất rất trùng khớp với nội dung ở một số câu thơ của bài “ Mắt buồn ” như: “ Cá khe nước … ”;  “ Âm trang sử lịch … ” và “ Còn hai con mắt, khóc người một con ”. Tất cả đã nói lên một điều. Mặc dù không thấy có chữ ký nhưng chất Bùi Giáng lại đầy ắp trong tác phẩm. Theo đó mạnh dạn khẳng định. Chỉ có Bùi Giáng mới đủ tâm ý để chuyển tải từ ý thơ của mình qua ngôn ngữ hội họa một cách hồn nhiên và đầy ảo diệu như thế mà thôi.

 

       b / Phản biện: Nếu Bùi Giáng vẽ! Ngoài một số bút tích cuồng họa được cho là của Bùi Giáng. Sẽ giải thích ra sao về những hình sắc, bút pháp và ý tưởng trong bức tranh lại không một chút nào loạn cuồng hết?

 

       Câu hỏi rất xác đáng. Để trả lời cho câu hỏi này. Ta cần phải tìm hiểu thấu đáo về tính cách của Bùi Giáng trong cuộc sống thường nhật. Điều này sẽ tìm thấy rất nhiều nơi mạng xã hội hoặc đôi khi ở những người thân cận hay những ai có dịp tiếp xúc với Bùi Giáng. Nó sẽ giúp ta hiểu, nắm bắt được một phần nào về cuộc sống và tâm ý của ông. Cho dù có nhiều lời đồn đoán là ông bị điên khùng. Nhưng vài mẩu chuyện dưới đây cho thấy không phải lúc nào ông cũng cuồng loạn.

 

     * Sau khi con đường sách cũ Đặng Thị Nhu. Quận I bị xóa sổ (1984). Vào khoảng những năm 1988 – 1990. Bản thân người viết là nhân viên của nhà sách Lê Phan. Đường Phạm Ngũ Lão. Quận I. Nên đã có may mắn thường được tiếp xúc với sư Viên Minh, Tụ trì chùa Kỳ Viên Tự. Đường Nguyễn Đình Chiểu . Quận 3. Do thường xuyên cung cấp sách có liên quan tới tranh thủy mặc cho sư Viên Minh ( Ngài theo học hội họa thủy mặc với Họa sư Thiềm Quốc Hùng ). Nên những khi đem sách đến chùa để giao. Bản thân người viết đã có vài dịp cùng sư Viên Minh hội ngộ với ông Bùi Giáng. Mặc dù ăn mặc nhếch nhác. Nhưng Bùi Giáng vẫn tỉnh táo giữ lễ, ngồi xếp bằng uống trà đàm đạo với sư Viên Minh rất nghiêm túc và đĩnh đạc không có vẻ gì là cuồng hay điên trong suốt thời gian cả giờ đồng hồ. Thậm chí có lần ông còn thò tay móc trong áo ra một bịch nylon đựng hột sầu riêng luộc ra lịch sự mời sư Viên Minh ăn…Chứng tỏ không phải lúc nào ông cũng điên cuồng. Đó là những lần hiếm hoi gặp trực tiếp Bùi Giáng nghe ông nói chuyện… Có một điều khá đặc biệt. Tôi thường thấy một anh chàng trai trẻ không rõ là họ hàng hay là gì luôn xuất hiện bên cạnh Bùi Giáng. Đôi khi gặp ở ngoài đường thì anh đậu xe bên lề luôn để mắt dõi theo canh chừng ông. Sau này sư Viên Minh đổi nơi cư trú và việc kinh doanh bị ngưng trệ nên không có dịp gặp lại sư Viên Minh và Bùi Giáng nữa…

 

**   Và trong tập phóng sự ngắn “ Bùi Giáng và người láng giềng nơi cõi tạm ” do Dân Huỳnh thực hiện trên kênh “ Người Viêt TV ” năm 2017, phổ biến rộng rãi trên mạng xã hội Youtube. Trong cuộc phỏng vấn ông Vũ Đình Hải người có duyên kỳ ngộ với Bùi Giáng suốt một thời gian dài cả ba năm trời và hiện ông Hải còn đang lưu giữ rất nhiều thủ bút của Bùi Giáng viết trong quãng thời gian hai người có duyên nợ với nhau và ông Hải cũng cho biết… Bùi Giáng không có dấu hiệu điên cuồng gì và rất tỉnh táo trong suốt thời gian ở trong nhà của ông.…Chỉ có khi say thì nét bút của Bùi Giáng nó có khác đi…v..v… Ông Hải cũng rất lấy làm lạ cho trường hợp này…

 

          Từ hai câu chuyện trên và có rất nhiều bài viết về ông trên mạng xã hội. Ta có thể khẳng định rằng Bùi Giáng không phải là người điên loạn hoàn toàn. Cũng không phải là người không biết gì khi tỉnh táo. Tâm trí của ông chỉ bị phát cuồng trong một phút chốc hay những lúc quá chén. Chỉ những lúc cơn cuồng điên ập đến, lúc đó mọi hành cử của ông mới bị chi phối. Qua cơn cuồng, cơn say con người ông trở lại tỉnh táo bình thường. Mọi sinh hoạt đều trong tầm kiểm soát của lý trí như mọi người khỏe mạnh. Việc này đã phần nào lý giải, chứng thực cho chuyện tại sao trong bức tranh lại có những đường nét, hình sắc đầy ngẫu hứng cùng tư duy không chút gì gọi là cuồng điên. Câu chuyện được giải mã. Tất cả những hình sắc được vẽ một cách hồn nhiên, không mang dấu ấn loạn cuồng trong tác phẩm này đều do Bùi Giáng thực hiện vào những lúc tâm trí ông hoàn toàn tỉnh táo và ổn định. Chuyện Bùi Giáng vẽ tranh được mạng xã hội đề cập đến rất nhiều. Nó đã từng xảy ra từ trước năm 1975 chứ không phải đến sau này Bùi Giáng mới vẽ. Nếu cần ta có thể vào đó mà tham khảo cho sự việc được thêm sáng tỏ hơn…

 

 

Trường hợp 3 – Bức tranh do họa sĩ nào đó vẽ và Bùi Giáng có nhúng tay vào?

      

       Đặt trường hợp bức tranh này được một họa sĩ đang vẽ dở dang. Khi Bùi Giáng ghé thăm đã vung tay viết và vẽ vào thì sao?.

 

      Nếu tình huống này xảy ra thì giữa người họa sĩ và Bùi Giáng phải là người thâm giao, thường xuyên gặp nhau. Vị họa sĩ đã phỏng theo ý thơ “ Mắt buồn” của Bùi Giáng và đem chuyển thể thành tác phẩm hội họa nhưng còn vẽ dang dở. Khi Bùi Giáng đến chơi nhìn thấy tranh thấm ý, say hình và trong giây phút cuồng túy, ông đã vung tay viết, vẽ vào bức tranh?. Việc làm này đã khiến cho bức tranh có hai diện mạo khác nhau. Giữa tỉnh táo và cuồng loạn là vậy. Một cách lý giải cho việc có sự khác biệt giữa hai trạng thái đối nghịch điên và tỉnh trong tác phẩm này.

 

       Nếu cho rằng giả thiết này đúng. Tác phẩm này được xem là do hai người thực hiện. Vị họa sĩ và thi cuồng Bùi Giáng. Cũng có thể vì thế mà vị họa sĩ khuyết danh kia đã không ký tên vào vì tôn trọng Bùi Giáng chăng?.

 

        Nhưng rồi cũng vấp phải một điều rất khó giải bày cho rốt ráo khi trong bức tranh lại hiện diện quá nhiều dữ kiện nổi bật đầy cá tính của Bùi Giáng. Còn về phía vị họa sĩ. Ngoài chuyện được cho là đã tái hiện ý thơ thành hội họa thì không thấy có điểm nào khả dĩ gây sự chú ý cho mọi người. Do đó lập luận “ ai đó vẽ ” không thể đứng vững. Bởi vì các bài viết đăng tải trên mạng xã hội cho biết Bùi Giáng đã có vẽ tranh rất nhiều từ trước năm 1975. Và diện mạo của những bức tranh này từ hình họa đến nội dung đều tỏ rõ sự hồn nhiên thoải mái rất có ý thức đầy mê hoặc, không hề có dấu hiệu cuồng loạn. Cho nên giả thiết là do một vị họa sĩ nào đó vẽ và Bùi Giáng đã nhúng tay vào là rất khập khiễng khó có thể chấp nhận được. Nhưng đây vẫn là một ý kiến được nêu ra để tham khảo và cân nhắc khi nhận đinh về bức tranh “ Mắt buồn ” này.

 

 


VI – Thay lời kết. 

      Với một tác phẩm không có chữ ký, chuyện thẩm định ai vẽ sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn. Nhưng trong tác phẩm “ Mắt buồn ” này lại khác.( Ở đây không đề cập đến yếu tố người bán xác nhận là do Bùi Giáng vẽ ). Trên bức tranh có một điểm mấu chốt được xem như là đại diện cho chữ ký. Đó là cụm chữ viết ở góc phải trên. Một mạch bút đặc trưng của thi cuồng Bùi Giáng khó mà nhầm lẫn với ai khác. Không những thế trong nội dung tác phẩm còn cho thấy khá nhiều yếu tố rất phù hợp với tính cách của ông. Từ xâu chuỗi này ta khẳng định. Chỉ có Bùi Giáng, tác giả bài thơ “ Mắt buồn ” mới đủ độ rung cảm sâu sắc và thâm trầm trong tâm hồn để chuyển thể từ ngôn ngữ thơ qua ngôn ngữ trừu tượng của hội họa một cách trác tuyệt như vậy mà thôi. Và bức tranh này do chính Bùi Giáng vẽ là rất rõ ràng.

Cauminhngoc

 28/05/2022



                 PHỤ LỤC: 

     PHẢI CHĂNG LÀ HỌA SĨ NGUYỄN VĂN HÀO VẼ VÀ BÙI GIÁNG CÓ NHÚNG TAY VÀO?

 

          Có một vài dữ liệu mà người viết hiện đang lưu giữ có liên quan đến một họa sĩ rất gần gũi với Bùi Giáng vào thập niên 80/TK 20. Phải chăng đây là căn nguyên để lý giải cho những dữ kiện không mang màu sắc điên cuồng trong bức tranh?

 

        Sau khi chợ sách cũ Đặng thị Nhu bị xóa sổ (1984). Vì nhu cầu nên Sở VHTT. Tp. HCM đã cho phép mở một của hàng bán sách cũ ở số 117. Góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Lê Lợi. Quận I.( Trước kia là nhà Thuốc Tây Diệu Tâm ). Đối diện với Sở GTCC. Tp.HCM ). Với nguồn sách của 104 sạp sách ở  chợ sách cũ Đặng Thị Nhu gom về. Cửa hàng này do nhà nước trực tiếp quản lý với khoảng trên 10 thành viên tuyển từ các sạp ở chợ Đặng thị Nhu vào đứng bán. Một thời gian sau Cty Fahasa cũng lấy một nửa diện tích cửa hàng sách Lê Phan. Đường Phạm Ngũ Lão. Quận I để mở thêm một quầy sách cũ. Với sự cộng tác của 04 người cũng đã từng buôn bán ở chợ sách cũ Đăng Thị Nhu. Cửa hàng Lê Phan lúc này trở thành nhà sách đầu tiên kinh doanh hai mặt hàng mới và cũ ở Tp. HCM.

       Vào năm những năm 1988 – 1990 nhớ không rõ. Tôi được tuyển vào làm nhân viên đứng bán trong quầy sách cũ. Vào dịp tiếp người khách vãng lai đem một số sách cũ đến bán. Người khách cẩn thận rà soát lại những quyển sách xem có bỏ sót giấy tờ gì bên trong không. Và những tư liệu về Bùi Giáng kẹp trong quyển sách rớt ra. Ở thời điểm này Bùi Giáng là một hiện tượng đặc biệt đang được một số giới trong xã hội chú ý và hâm mộ và tôi cũng đã có vài lần tiếp xúc với ông nên nhác thấy những vật rơi ra tôi nhặt lên xem và lộ vẻ thích thú. Người khách sau khi nhận tiền đã hào sảng đưa cho tôi và nói rằng: Đây là thủ bút của Bùi Giáng và hai bức tranh vẽ về ông…Tôi tặng cho anh đó. Tôi ngỏ lời cảm ơn và trong lòng rất vui vì có được số tài liệu quý về thi cuồng Bùi Giáng trong tay.

 

                                          *    Về chữ ký trong bức vẽ chân dung Bùi Giáng.


Hình 01.

           Hình - 01 - Nguyễn văn Hào vẽ Bùi Giáng. Bút chì/ giấy. KT: 12xm x 17cm. Năm 1980.

 

     Hai bức vẽ chân dung Bùi Giáng bằng bút chì. Một bức có chữ ký và ghi năm 1980. Bức kia không có chữ ký.

      Xét bức vẽ chân dung Bùi Giáng có chữ ký họa sĩ. Do là chữ ký nên mạch bút thể hiện sự phóng túng hơi khó đọc. Nhưng qua dạng tự, ta vẫn có thể hình dung được khá rõ. Trước hết là mẫu tự đôi: “ ng ”; kế là chữ: “ v ” tiếp theo là chữ: “ h ”. Riêng mấy mẫu tự cuối cùng rất khó đọc do viết quá nhanh và thiếu nét nên chỉ có thể áng chừng là mẫu tự “ a ” và “ o ”. Riêng mẫu tự “ o ” hở đầu nhưng có nét ngoéo đá lên ở mạch bút cuối, một cách viết nhanh rất quen thuộc khi viết mẫu tự “ o ”.



                         Hình - 02 – Chiết tự từ chữ ký của bức chân dung vẽ Bùi Giáng.

 

      Sau khi chiết tự. Chữ ký rất giống với chữ “ Ng-v-Hao ”. Dựa vào tấm thủ bút có ghi " Bé Hào " mà đặt câu hỏi. Phải chăng " Ng.v-Hao " trong bức ký họa là Bé Hào của Bùi Giáng ?. Nếu đúng như thế Nguyễn văn Hào là một họa sĩ và ông Hào đã ghi lại khuôn mặt Bùi Giáng bằng bút chì vào năm 1980. Có nghĩa là sau Giải phóng 05 năm. Hai bức chân dung cho thấy Bùi Giáng tương đối còn phong độ. Khuôn mặt khá đầy đặn, ít móm mém. Chứng tỏ tinh thần và sức khỏe chưa suy kiệt… Do đó những hành cử thường nhật của ông vẫn được lý trí kiểm soát, không có gì xáo trộn ngoài những lúc say hoặc cơn cuồng ập đến.

  

     * Về bé Hào ghi trong thủ bút của Bùi Giáng.


Hình 03 – Bức chữ viết trên giấy vở học sinh cho biết Bùi Giáng thực hiện tại nhà bé Hào nhưng không thấy ký tên và năm viết.

 

     Trong 03 di bút của Bùi Giáng không thấy ghi năm viết. Có lẽ nhà Bé Hào là nơi ông thường xuyên lui tới nên mới có tiếng gọi thân thương như thế. Nếu cho rằng ông viết ở nhà Bé Hào khi gặp mặt trao đổi với thi sĩ Ngô Văn Tao và gọi ông này là thiên tài. Rất có thể mấy thủ bút này Bùi Giáng cũng viết vào năm 1980 vì dựa vào năm 80 trong bức vẽ chân dung ông. Và lấy sự kiện cả 03 thủ bút cùng 02 bức chân dung đã được mua vào cùng thời điểm của cùng một người bán để làm cơ sở minh chứng.

     Riêng về bức tranh chúng ta không có một thông tin gì về tác giả và năm vẽ. Nhưng dựa độ chai của lớp sơn trên bề mặt tác phẩm và độ khô dòn mủm của lớp sơn phủ lót mặt bố ở chung quanh rìa ngoài mặt trước cùng mặt sau bức tranh bị nước xâm nhập làm cho hoen ố, mốc meo loang lỗ. Chứng tỏ bức tranh bị vất xó trong nhà có môi trường ẩm ướt và khá lâu sau mới phát hiện. Cũng may chưa ảnh hưởng gì đến nội dung tác phẩm... (Hình 14 & 15). Ta có thể đưa ra phỏng đoán. Rất có thể họa sĩ Nguyễn Văn Hào và Bùi Giáng cùng vẽ tác phẩm “ Mắt buồn ” ở vào thập niên 80 của Thế kỷ 20 vừa qua? Và để nói được điều này tất cả đều dựa vào sự thâm giao giữa hai người. Rồi cái mốc năm 1980 khi họa sĩ Hào vẽ Bùi Giáng, kết hợp cùng những dấu hiệu của thời gian tác động lên tác phẩm để cho rằng bức tranh được hai người cùng vẽ vào những năm của thập niên 80/ TK 20 là chuyện có thể xảy ra.


 

Hình 04. Tập thơ MÂY của Ngô Văn Tao. Xuất bản tại Montréal. Năm 1988. Mặt trước và sau.


 

       Đây cũng chỉ là một lập luận chưa đủ độ xác tín. Nhưng cũng cần nêu ra để rộng đường tham khảo. Tránh chuyện chủ quan áp đặt. 

        

     Thật ra. Cho dù chuyện họa sĩ Hào và Bùi Giáng cùng xướng họa có xảy ra đi nữa, thiết nghĩ cũng chẳng phương hại gì. Chỉ hơi chút thất vọng vì tác phẩm không phải do Bùi Giáng vẽ hoàn toàn mà thôi. Còn việc hai người cùng xướng họa trong một bức tranh không phải vì thế mà mất đi giá trị. Đích thực vẫn là nội dung và người tạo tác ra tác phẩm có danh phận gì trong giới học thuật. Có được sự hâm mộ của quần chúng hay không. Huống chi đây lại là tác phẩm có bút tích thi sĩ Bùi Giáng, dù không trọn vẹn nhưng đó cũng là niềm vui không nhỏ đối với những người có máu sưu tập những kỷ vật về Bùi Giáng vốn đã rất hiếm hoi trong xã hội hiện nay. 


  Tóm lại. Mọi chuyện đều rất có thể và không thể. Cần phải gạn đục khơi trong cho ra lẽ. Đó cũng chính là sự mong muốn của người viết vậy.   

 



1 – Những bức tranh do Bùi Giáng vẽ trích trên Google.


                                               

Bùi Giáng. Lythi Auctions. Lot 03. 13-01-2018.  40cm x 29cm. Sơn dầu/bố. Chữ ký " Giang " màu trắng ở góc phải dưới.

 

( Nguồn. cand.com.vn )

( Nguồn: thoibaonganhang.vn)

( Nguồn: thanhnien.vn )

( Nguồn: tuoitre.vn )

( Nguồn: 1thegioi.vn )

( Nguồn: tuoitre.vn ).

(Nguồng anninhthudo.vn)

Bùi Giáng. Quê chàng… Sơn dầu/bố. KT: 100cm x 150cm, Năm vẽ 1963. Bộ sưu tập Ngô văn Tao. ( Nguồn. Vn. Express )



02 - Hai bài thơ của Bùi Giáng viết về phòng tranh của ông Vũ Đình Hải. 



Hai bài thơ cho thấy Bùi Giáng cũng rất am hiểu về hội họa. Do đó chuyện Bùi Giáng có vẽ tranh cũng không lấy gì là khó hiểu. Và trong lúc tỉnh táo mạch bút của ông thể hiện rõ một sự cứng cáp già dặn chứ không hề run rẩy chuệch choạc.(Nguồn: Ông Hải cung cấp).


                        03 - Bức tranh có ghép bài thơ " Mắt buồn "

Bức tranh và bài thơ " Mắt buồn " của Bùi Giáng.

 

Tài liệu tham khảo. Dựa vào một số trang trên mạng xã hội thông qua Google. Trong bài viết 
đã có ghi rõ nguồn trích dẫn.