Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

14 - BA TRI... NGOẠI SỬ.

BA TRI... NGOẠI SỬ.



      - Anh C. chàng Việt kiều Ba Tri này giỏi quá chừng!!! Vinh dừng lại nhìn tôi như thăm dò phản ứng. Rồi nói tiếp.
      - Bữa hôm trước mấy cha ghé tui chơi, ngồi tán dóc mọi thứ trên cõi đời rồi bàn qua chuyện đồ cổ sành sứ, nghe anh Võ giới thiệu Ba Tri. Là chuyên gia về đồ đời Nguyên. Ở bển bạn bè của ảnh là những chuyên gia của hai hãng đấu giá Christie’s với Sotheby’s lừng danh thế giới. Nghe tới đây như vớ được vàng, mừng quá! Nói thiệt là tui chỉ biết về tranh còn đồ cổ thì mù tịt chả biết cái mẹ gì, nhưng có máu tham nên gặp cái gì vừa ý, vừa tiền là xúc đại “ Phúc chủ lộc thày ” biết đâu. Hồi đó tui có mua được một cái bình. Trong giới mua bán cổ vật tại Saigòn họ đánh giá là nó thuộc đời Minh. Tui chỉ biết dzậy! Nhưng chưa rõ ra sao. Bây giờ gặp được quới nhơn, cao thủ từ nước ngoài dìa, mới dám nghĩ đến chuyện cầm ra hỏi, mong nhận được lời chỉ bảo vàng ngọc cho thêm phần sáng mắt, biết rõ giá trị vật mình đang sở hữu. Mình từng giúp chả. Chẳng lẽ có mỗi chuyện cỏn con này hắn lại từ chối mình sao! Trăm lần, ngàn lần hy vọng. Tui hí hửng vào trong nhà lấy ra. Cái bình không lớn, cỡ bắp tay. Bàn tay cầm che muốn gần hết. Tay kia vén cái màn, chân bước chưa ra khỏi căn phòng, còn cách xa mấy ổng cả bốn năm mét. Bất ngờ nghe tiếng anh Ba Tri vọng tới và huơ huơ bàn tay.
      -  Đồ giả!!! Khỏi coi!.
      Tui hết hồn, chưng hửng! Quê cứng cựa!?. Sao tài quá dzậy ta! Mình coi đồ xăm soi từng chút một mà còn chưa biết ra sao. Đàng này mới thoáng qua từ xa mà ổng biết giả rồi! Hay ghê!. Vinh than với tôi.
      - Cái đó thì tui không biết! Tôi đâu có ở gần ổng đâu. Gặp có một hai lần làm sao rành! Tôi bán tín bán nghi trả lời cho xong chuyện.
      Thật tình mà nói tôi cũng chả có biết gì về Ba Tri nhiều. Hắn là bạn thân của một người bạn tôi. Tôi biết hắn qua Võ khi hai người đến  nhờ tôi giúp. Chỉ chỗ người mua bán tranh. Coi như xong rồi! Có biết thêm gì! Nhưng qua những lời tán tụng của Võ thì anh chàng này thuộc tuýp người có đẳng cấp chứ đâu có tệ dữ vậy. Dám đơn thương độc mã từ nước ngoài về mua đồ cổ mang đi mà vừa sao? Tôi cũng vừa được nghe một mẩu chuyện nho nhỏ. Số là anh Tú bạn của Võ sở hữu một cái bình cổ màu huyết bò đời Khang Hy khá đẹp, cao cỡ bốn năm tấc, lành tít không chút tỳ vết của ông bà để lại, lần khân nhờ Võ làm mối bán. Anh Ba Tri chê một cái rẹt! “ Đồ này bển nhiều lắm, bán không được bao nhiêu mang đi mất công ”. Quả là đáng nể! Ảnh muốn là phải kiếm được đồ Nguyên mới mua. Ác điển là ở chỗ này. Ảnh chỉ sính đồ Nguyên không hà!. Đồ Nguyên bán mới có giá! Mới khẳm tiền! Còn mấy thứ khác mang đi lắt nhắt chả bõ!
      Hình như là Ba Tri cùng chàng Võ cũng đã khoắng nát cả con đường Đồng Khởi rồi thì phải. Chắc là không tầm dược món Nguyên nào nên phải bung ra tìm khắp nẻo thành phố này. Tìm mãi cũng gặp thôi! Và đã gặp. Có lần anh Võ đưa cho tôi xem một một tấm ảnh chụp hình một cái tô men trắng vẽ màu xanh chằng chịt, tôi chả biết ất giáp gì. Võ ta thuyết minh. Món này đời Nguyên. Ba Tri đã mua của anh chàng có tên là Tự lịch sự ở tận xứ Bắc đem vào với cái giá hai chục ngàn dolla Mỹ. Nhưng chỉ phải trả trước một nửa. Còn một nửa sau khi qua bển bán xong mới đem về trả tiếp.     
        Thật là ngọt! Ngọt sớt! Ngọt và mát hơn đá nhặn, mía lùi nhiều!
     
                                     

        Phải nói cho rõ vào thời của những năm 1985,86. Việt kiều cực kỳ có giá. Nhất là những anh có máu buôn đồ cổ. Thảm trải tận nhà, cơm dâng tận miệng, tiền hô hậu ủng. Nhất cử nhất động đều được hoan nghêng săn đón chí chóe nhặng xị. Nên mới có chuyện em chả!  Lấy trước. Trả sau… Bây giờ hả? Có mà khối!  Đưa tiền đây!... Đủ! Cầm lấy… Tếch!”. Dzụ mua bán này đầu xuôi đuôi lọt. Nghe đâu qua bển đẩy một cái được tới hai trăm ngàn dolla nhẹ tưng.
( Ui chao! lạnh cả xương sống. Lãi ròng gấp chín lần vốn. Người ta thường nói một vốn, bốn lời đã ghê rồi. Ở đây lại một vốn đến chín lời. Thế!!! Ai chả thích mua bán đồ cổ. Lúc đó mà mang số tiền này về mua đất miệt xa xa như Tân Bình, Phú Thọ. Đã lắm bà con nhỉ. Còn mua nhà ở phố, đâu thì không biết chứ mua ở đường Đặng thị Nhu ( Cá Hấp), Quận1 Saigon. Với số tiền này mua được dăm ba căn còn dư một mớ để dành sài chơi. Nay 2008 mà bán thì…Một căn hả? Thôi nèn nhau làm gì! Cứ ngàn lạng SJC đưa đây là được! Tao có đến năm căn lận! Đây chỉ là chuyện mơ làm Thánh Gióng. Ạnh đâu có ợ Dziệt Lam đâu mà lói).
                                            
         I -  Thế à? Vậy sao?
       
       Cho mãi đến tận trước cái ngày mà ngài dự định về VN một vài hôm. Với một ý tưởng cao cả là mang cái bị tiền mới khoắng được vi hành cùng Me sừ Võ săn lùng một chuyến coi xem có cái món gì đặng đặng quơ một phát mang về trời Tây bán lấy tiền mua vài căn hộ kha khá cho nở mày nở mặt với bà con cô bác. Với cái mục đích hoành tráng đó, ngài phấn khởi mang ý tưởng này đi gặp một số bạn bè có máu mặt. Một hình thức đánh động, thông báo dự định của mình đến cho mọi người cùng biết. Cũng như cho một cái hẹn…
          “ Sau này tui dzìa có cái gì là lạ sẽ báo ngay cho quí vị biết trước nghe! ”     
           Ai dè! Chưa gặp được ai cả! Gặp ngay cái thằng bạn tương đối thân, cũng là tay có thâm niêm trong giới. Không hiểu nguyên do gì, tự dưng mới chạm mặt…chưa kịp mở lời xã giao, tiếp thị hắn phang liền: 
        “ Mày hố rồi! Con ạ! Món mày vừa bán đó, đúng ra phải bán được với giá gấp bốn năm lần mới phải! Tức là gần cả triệu dolla lận! Mày không biết à ?! Hố đậm rồi con… ”.
       “ Hàn Băng Thần Chưởng ” của tay bạn phóng ra bằng khẩu giọng…cứ tưởng là gió bay thế mà độc, anh Ba Tri lãnh đủ. Luồng khí nhanh chóng thâm nhập  vào lục phủ ngũ tạng, anh Ba bất ngờ không kịp vận công chống đỡ. Thế là hốt trọn ổ. Ruột gan chấn động, nhộn nhạo, nôn nao chịu không nổi vội chạy về Phủ đệ lăn quay ra thở dốc, thừ cả người không nhúc nhích…Uất khí trong đầu bốc xung lên nóng ran mỏ ác…
       “ Trời đất ơi! Ông bà ông vải ơi! Sao xúi quẩy lại đến với con thế này hả trời!? ”.( Mất lãi gần triệu đô mà không than mới là lạ ). Một câu tự thán không thua kém gì Chu Du rống lên trước khi chết vì uất ức bởi thua kém mưu xâu, kế độc của Khổng Minh.( Một nhân vật cộm cán nhất trong bộ Tam Quốc, chuyên dùng mưu kế chọc quê để giết đối thủ ). 
       Hứng trọn một chưởng quá ác! Ảnh phải bế môn để dùng “ Nhất Dương Chỉ ” để đẩy chất kịch độc ra khỏi cơ thể. Nghe nói đâu là mất cả tháng mới xong vì mẩu chuyện thất bát này. Chuyến vi hành về VN đành phải hoãn lại bởi vì lý do đó. Mọi người biết được chuyện này cũng bởi lời giải thích của Võ về chuyện tại sao anh Ba Tri không về đúng hẹn.
     

         Rồi tới chuyện này cũng lại là anh chàng Võ nói thiên hạ mới biết chứ ai đâu mà hay.
      - Anh bán sách biết nhà văn Ngọc Sơn không? Võ hỏi tôi.
      - Không! Tôi không biết! Chưa nghe nói đến tên người này bao giờ! Tôi trả lời.
      - Là nhà văn Phi Long đó! Ổng chuyên viết truyện trinh thám, Bàn tay máu, Con tàu máu.v..v..Võ giải thích.
( Bán sách có giỏi lắm chỉ biết bút danh là nhiều. Hỏi ngay vào tên tục! Bố ai biết!)
      - Rồi! Ông này thì đâu còn lạ gì! Nói bút hiệu thì biết liền. Tôi trả lời. Chàng Võ nhìn tôi nói tiếp.
      - Ông già này lựu đạn dễ sợ! Ổng hẹn tui với Ba Tri tới để cho coi tấm tranh vẽ con mèo của Foujita. Tấm tranh này ổng mua lại của cụ Vương. Ổng hẹn tui với Ba Tri ở một quán cà phê chứ không cho vào nhà. Nói chuyện tào lao trên trời dưới biển cả hai giờ đồng hồ. Khi tui đòi coi tranh. Ổng nói không có!.Anh coi có điên lên không? Không có thì thôi! Nói dóc làm gì! Hẹn với người ta, ngồi chờ mất cả buổi tối, rồi trả lời không! Tức cả mình!

             [Hồi năm 1941 có hai cuộc triển lãm tranh giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản và ba nước Đông Dương tại Nhà Hát Lớn Saigòn lấy tiền làm việc từ thiện. Nghe đồn cụ Vương nhà ta đã chịu khó sắp hàng và phải chìa ra một đồng tiền vàng Đông Dương, hay bao nhiêu không nhớ, để nhận bức tranh vẽ con mèo do chính tay FOUJITA vẽ tại chỗ. Đó là chuyện kể của cụ Vương và con mèo cụ đã nhận từ tay Foujita đến nay không biết ra sao. Còn chuyện triển lãm thì chắc chắn đã có xảy ra vào năm 1941, vì hiện nay tôi đang giữ trong tay hai cuốn catalog nói về những cuộc triển lãm tranh này, khổ sách cỡ 12cm80 x 18cm30. Giới thiệu các họa sĩ đương đại của Nhật do KOKUSAI BUNKA SHIKÒKAI  tổ chức .
         1/ Quyển thứ nhất. 


Hình 1. Quyển cataloge thứ nhất có chữ ký sống của FOUJITA nơi trang bìa vào năm 1941.

                         Hình 1a. Chân dung người phụ nữ do Foujita vẽ nơi trang notes.
    Bìa của cuốn catalog thứ nhất cho in nguyên một con mèo nằm soãi chân chay xuyên suốt hai trang bìa trước sau. Ngay dưới đầu con mèo ở mặt bìa trước có chữ ký bằng bút máy mực màu xanh của danh họa FOUJITA. Ngoài cái năm 1941 được in để ghi nhận lần tổ chức cuộc triển lãm này. Họa sĩ Foujita có ghi thêm năm 1941 vào dưới chữ ký của mình nhưng không thấy có ghi ngày tháng. Do đó chỉ biết được năm chứ không biết rõ ngày và tháng có tổ chức cuộc triển lãm. Có một điều cục kỳ thú vị nằm ở nơi quyển catalog này là. Ngoài chữ ký sống bằng bút máy ở bìa sách, bên trong trang notes, họa sĩ Foujita có ký họa chân dung bán thân một người phụ nữ mặc áo dài với mái tóc búi đặc trưng Nam Bộ bằng bút chì rất dễ thương.]

     2/ Quyển thứ hai.
      Quyển cataloge thứ hai cũng cùng nhà KOKUSAI BUNKA SHIKÒKAI  tổ chức và giới thiệu, bên trong có chụp một số tác phẩm giới thiệu về hội họa hiện đại của Nhật Bản được triển lãm tại Saigon ghi năm 1941. Chưa rõ hai cuộc triển lãm này được tổ chức cùng lúc với nhau hay khác thời gian nữa... vì không thấy ghi chú ngày và tháng nào trong năm 1941 trên cả hai quyển.

Hình 2. Quyển cataloge thứ hai cũng do KOKUSAI BUNKA SHIKÒKAI  tổ chức và giới thiệu về hội họa hiện đại của Nhật Bản được triển lãm tại Saigon ghi năm 1941.

      Trở lại chuyện Võ ca cẩm trách lão già Ngọc Sơn chơi khăm bọn hắn. Nghe bạn mình kể. Tôi thấy cũng tưng tức về thái độ kỳ cục của ông già nọ...
      “ Anh ta chả biết gì về tranh cả! Có đưa cho hắn xem hắn tưởng chỉ là giấy chùi miệng mà thôi…Tranh quí nào có rẻ! Nói không có cho nó dzìa cho rồi. ”  Nhà văn kiêm kinh doanh cổ vật lão luyện đã nói như thế.
       Sau này khi bị đạp gai nhiều. Tôi rất! Rất đồng ý về cung cách cư xử cũng như cách thử phổi khách làng mua xem họ như thế nào khi muốn bán một vật quí giá của ông Ngọc Sơn...  Một chân lý trong chuyện mua bán đồ có giá trị lớn. Không phải ai cũng biết, cũng nắm bắt được giá trị của vật quý. Chưa hẳn ai cũng có khả năng mua. Vì thế mà không phải ai cũng cho xem.

                        
       II -  Lại…nữa…
    
       Số là tôi có may mắn mua được một lô tranh khắc gỗ của Nhật [Ukiyo-e]. Tôi có nói với mấy người bạn có tiệm buôn bán ở đường Đồng Khởi. Nhờ họ môi giới để bán. Cứ mỗi lần báo có khách muốn mua. Tôi lại lóc cóc vác ra. Rồi lại cun cút mang về. Biết bao nhiêu là bận. Thật ê chề áo não! Cứ mỗi một bận như thế tôi lại tự an ủi. “Chưa gặp khách!” Chứ nào có biết cái sự đời!!! Những người khách xem xong không mua cũng chả nói làm gì. Đàng này! Họ còn nói nhiều câu mình không hiểu ra sao nữa kìa. Đại để gần gần giống như khi đưa cho anh Ba Tri. coi. Ảnh phát thanh một câu nghe trớt quớt!. Ngàn thu rớt hột! [Bùi Giáng]
      - Tranh khắc gỗ đâu phải loại này.
      - Tranh khắc gỗ nó bự lắm! Gần cả thước lận!
      - Tranh khắc gỗ sao nhiều màu dzậy!
      Rồi một số người nước ngoài Tây,Tàu, Nhật..v.v..tôi dã tiếp xúc. Đa số họ cũng có những lời vàng ngọc như Ba Tri.. Thỉnh thoảng có khác đôi chút nhưng tựu chung đều như vậy. Nhiều quá không nhớ nổi.
      Một kinh nghiệm bằng xương bằng thịt. Bằng mồ hôi của chính bản thân mình! Bạn muốn bán một món cổ vật, quí hiếm. Đâu phải ai cũng biết, cũng hiểu về giá trị, nguồn gốc của nó. Đơn cử một chuyện. Nói về tranh Đông hồ. Một thể loại tranh khắc gỗ dân gian của VN. Bạn có chắc chắn với tôi là mọi người VN đều biết đến nó không? Bạn biết! Tốt! Bạn có thể phân biệt dùm là in vào thời điểm nào không? Tắc là cái chắc nếu bạn không phải là nhà chuyên môn. Bạn có lạ gì vàng SJC? Bạn có giám khẳng định nó đúng là đồ xịn không? Hay lại phải cầm ra tiệm vàng thử cho bảo đảm? Ấy vậy cho nên cái gì nó cũng đòi hỏi tay nghề trong lãnh vực chuyên môn là vậy. Cả người mua lẫn người bán phải biết mình mua bán cái gì! Họa may mới có cơ trót lọt. Tránh trường hợp.
      - Mày bán cái gì dzậy! Ừ! Muốn bán hả? Cho tao xem! Tao cũng đang rảnh đây! Coi chút cho đỡ buồn!....
      - Ừ! Cái này cũng là lạ! Lần đầu tiên mới thấy!
      - Trời mắc dzậy sao? Tưởng rẻ rẻ mua chơi! Mắc  quá tiền đâu mà mua?”.
  ( Thật khổ thân cho thằng tôi! ).
     


      Bởi thế cho nên. Muốn bán một món gì quí giá cũng nên kiểm tra sơ trình độ của đối tác xem sao. Phải nắn gân nó. Đo tăng xông nó coi tới đâu, rồi mới nói chuyện. Nhiều khi nó muốn học nghề. Chọt vài câu mình tức khí tuôn ra cho nó học. Không được một lời cám ơn. Có khi nó còn chửi mình ngu nữa đó nghe!
      Trở lại chuyện của ông Ngọc Sơn. Làm sao mà trách ông ta được. Ông ta đã có gần hai tiếng đồng hồ nói chuyện. Ông đã nắm được tẩy chơi tranh của mấy anh chàng thợ săn này rồi. Có đưa cho mấy ảnh coi thì cũng giống như là đưa cho ảnh tờ giấy chùi miệng. Coi chừng bị hố. Vì đa số những nhà quí tộc bển dzìa. Họ sài khăn giấy thứ đặc biệt tẩm nước thơm sẵn. Vệ sinh lắm! Đưa giấy bản xứ ra không đúng ý họ nói vài câu bậy bạ thêm bực. Nói mẹ là không có cho xong. Để mấy ảnh về cho rồi! Tiếp lâu mệt quá! Biết như thế này ở nhà vận cái xà rông coi TV cho phẻ cái thân già. Mình định bán tấm tranh của Foujita cho người nào hiểu biết cà! Họa Sĩ thứ thiệt chứ đâu phải tờ giấy lộn mà đòi mua may rủi!. Không biết một tí tẹo về tranh mà đòi đi mua tranh cổ? Kể ra mấy ảnh cũng can đảm đấy! Mấy anh có biết tui chơi thứ này bao lâu chưa? Tưởng bở hả? Nơi đây đâu phải là vựa bán đồng nát, giấy vụn!. Hay là chịu khó hàng ngày lần vào các lò ve chai trong thành phố này. Có bữa hên cũng gặp! Biết đâu!!!.Phúc chủ, Lộc thày mà!
            
( Còn tiếp )



                         15 - LẠI CHUYỆN CHƠI….

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét