Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

15 - LẠI CHUYỆN CHƠI….

LẠI CHUYỆN CHƠI….


                                         Dù ai nói ngả nói nghiêng.
                                Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân!
      Đó là lời khuyên của anh bạn lấy từ trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam và cũng là người thày đầu tiên khi tôi mới chập chững bước vào con đường thích tranh. Anh bạn đó còn lý giải mở rộng cho tôi dễ hiểu.
      - Cho dù người ta có bảo đó là đồ thật cũng chớ vội mừng. Hay họ nói đó là giả cũng chớ vội nản. Ở đời này, một câu nói chưa phải là chân lý nếu nó có dính dáng đến lợi nhuận. Có thể tiếng khen để lấy lòng. Cũng có thể là tiếng chê của sự thiếu hiểu biết hay mang màu ganh tị! Tất cả mọi sự do ở nơi ta. Phải có bản lãnh, phải tự tin, phải có lập trường vững chắc, phải tỉnh táo và sáng suốt trong cuộc chơi. Muốn có được điều này phải học. Học thật kỹ, học thật cẩn thận, học càng nhiều càng tốt, học đến nơi đến chốn. Phải khiêm tốn và lăn xả, luôn luôn cầu học. Mọi người chung quanh ai cũng có thể làm thày ta!. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình hiểu biết nhiều hơn thiên hạ, mà phải nghĩ rằng mình học được những gì ở nơi họ.
      Những lời khuyên chí tình chí cốt của người bạn đã ăn xâu vào tâm trí tôi suốt từ đó đến nay. Hơn hai mươi lăm năm tôi lững thững đi trên con đường say mê nghệ thuật này. Hai mươi lăm năm. Một phần tư thế kỷ. Chớp mắt mới như hôm nào. Không phải là giấc mơ! Sự thật cả! Đã là sự thật thì đương nhiên nó tồn tại trên cõi đời này. Mà đã là cõi người ta thì làm sao tránh được chuyện hỷ, nộ, ái, ố. Dù anh ăn ở có khéo đến thế nào đi chăng nữa, anh cũng vẫn nằm trong vòng kềm tỏa của nó. Không chạy đi đâu cho thoát!
    


       Kể từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 đổ về sau. Trong buổi giao thời, mọi con dân sống trong Hòn ngọc Viễn Đông đều phải rũ bỏ cái hào nhoáng tự phong để tất bật lo toan đối phó với xã hội đang thay da đổi thịt. Một giai đoạn mà có tên trong hộ khẩu cùng cầm được cái sổ gạo là đệ nhất đẳng thần tiên. Không còn gì quí hơn nữa. Cái thời của Hợp tác Xã cân đo đong đếm. Cái thời của Mậu dịch cầm cân nẩy mực. Kinh doanh mang tính tư hữu, cá thể bị cấm ngặt. Nhất cử nhất động phải được Chính quyền sở tại cho phép mới chính thống. Khác đi... là lậu, là phạm pháp. Be bé thì tịch thu cảnh cáo. To to thì xử lý bằng pháp luật… Nói vậy thôi! Cấm kẻ ngay chứ nào cấm được bọn du thủ du thực với lại bọn đói làm liều. Hợp Tác Xã! Giá  rẻ thiệt, nhưng muốn mua phải có sổ. Chợ đen! Giá đắt!?.... khỏi cần sổ, chỉ cần có tiền. Chẳng nhẽ đang đi giữa đường nổ lốp, vác xe về rồi chạy ra HTX mua? Có còn hay hết hàng? Thay quách cho xong! Ốm sắp chết cầm toa vắt chân chạy cùng khắp Cơ quan Y tế lớn bé lùng bùng cả lỗ tai  không ra! Ra chợ trời mấy cũng có! Chọn cái nào? Những nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày đôi khi phải dựa vào đám lục bình này là vậy. Chính thế mà bọn khu trắng, khu đen vẫn có đất nương thân.    
      Trận đói 1945 do khẩu truyền hay sách báo xưa nay nói lại, con dân đa phần cũng chỉ là mơ mơ hồ hồ và chuyện này chỉ có những người từng sống qua hay cả nghĩ mới hiểu được giá trị của củ khoai. Nay đời sống tõm ngay vào thời “ bobo, củi thước ”, mọi người được tận hưởng cụ thể một cách sâu đậm của thực tại! Cái sổ gạo có ấn định tiêu chuẩn khối lượng. Sức ngốn thì luôn vượt chuẩn dẫn đến tình trạng thường xuyên thiếu hụt. Hoảng… là cái chắc! Phải chuẩn bị! Tích cốc phòng cơ là thượng sách! Thế là dòm trước, ngó sau so đo, cân nhắc mọi thứ trong nhà. Cái nào có thể qui ra tiền để đong gạo! A lê hấp! Lên đường! Có vài ký gạo để trong nhà vưỡn an tâm hơn. Không có gì ngăn cản chuyện đem của nả sắm sửa từ trước phát mãi dần để đổi lấy tiện ích hòng trấn áp cái bao tử cho nó không sách động...biểu tình, dẫu rằng vật thực đem trấn yểm đó, sâu mọt nổi lềnh bềnh hay là những mẩu vật có đậy điệm cẩn thận, đứng cách xa vài chục thước đã thấy mùi, ruồi nhặng bay loạn xị. Chẳng thấy ai dám xem thường. Chả còn mấy ai lấy làm bận tâm về câu “ Miếng ăn là miếng tồi tàn! ”. Có còn hơn không! Mọi người vẫn tỏ ra hồ hởi, vui vẻ thụ hưởng không lời ta thán. Chỉ có điều. Nếu không còn gì để bán nữa thì con đường dẫn ra chợ trời, buôn lậu không mấy gì xa!     
      
       Ở vào cái thuở. Người người cùng bán, nhà nhà cùng tháo. Chả có gì được cho là quí hiếm phải giữ lại trong cái thời buổi “ Dĩ thực vi tiên ”. Bao tử là trên hết. Cứ ngỡ rằng chuyện bán ra nhiều mua vào thì ít. Hàng xa xỉ, loại chơi cho vui sẽ chất tầy núi chẳng có ma nào rớ. Từ đó suy ra. Chả ai lép bụng mà đi rước của rửng mỡ về nhà mà ngắm! Rỗi hơi đâu!? Nghĩ thì thế! Có lẽ mọi người cũng nghĩ thế! Ấy vậy! Khi quay lại chả còn lấy một tí gọi là... Như vậy thiên hạ đâu có đói! Vẫn còn thích chơi! Ngon ta!

                           Bản văn có Chu Phê của vua Gia Long Thập Thất Niên. Năm 1819. 


                             Bản văn có Chu Phê của Vua Thiệu Trị Ngũ Niên. Năm 1845.

     Một trang rút trong tập thơ Nôm. Thủ bút của Thái Tử Thiếu Bảo. Đông Các Đại Học Sĩ. Nguyễn hữu Bài ( 1863 – 1935 ). Một trong hai nhân vật nằm trong câu ca dân gian.  “ Đày vua không Khả. Đào mả không Bài ”. Có một chuyện quan trọng cần nói với những ai khoái sưu tầm sách cổ. Vào thời Pháp thuộc quí vị học giả, trí thức xử dụng chữ Quốc ngữ. Tôi thấy một số vị khi viết đến chữ “ t ” đều bỏ cái gạch ngang trên đầu. Còn cụ Trương vĩnh Ký thì khi cụ viết đến chữ có mẫu tự chữ “ t ”, cụ không gạch từng chữ mà gạch một loạt.

Gạt tàn thuốc lá do Tr/Tướng Tư lệnh phó Không quân Đài Loan Lôi viêm Quân tặng cho Thiếu tướng Nguyễn cao Kỳ ( VNCH ).

                                             Bảo quốc huân chương Đệ tứ đẳng ( VNCH )


    Hơn 40 vị Đại sứ và Lãnh sự đồng ký tên lưu niệm khi ông Lê quan Giảng hết nhiệm kỳ năm 1973. ( VNCH ).
  Những vật quí như trên, trước 1975, những người như thằng tôi đừng hòng giáp mặt. Chuyện sở hữu chỉ là hoang tưởng! 

     Buổi giao thời nào cũng vậy. Niềm vui người này lại là nỗi đau buồn của kẻ khác. " Buồn vui phải chăng ngược xuôi? "(1). Chính vì sự trái khoáy này mà sinh ra biết bao nhiêu chuyện thừa thiếu, chuệch choạc. Mọi thứ như bèo dạt mây trôi xứ xa xôi…không còn gì quí hơn miếng bánh. Thế là của nả, vàng thau, cám lợn, cứ thi nhau tung hê đầy đường, chả thiếu thứ gì. Trong lúc thiên hạ đại sự, bất ngờ lại lòi ra cái tụi bụng xẹp lép như cái lốp cán phải bẫy "đinh tặc" mà lại ngậm tăm làm bảnh. Cà cuống chết đến đít vẫn cay thuộc giòng ham chơi có chút hiểu biết tiếc của trời lúc này mới lộ diện, mới chụp lấy cơ hội húc bừa, tha hồ mà lựa chọn.  

      Có những cái chơi không cần đến phải ấm cật, đó là loại mà dám nhịn để chơi miễn không chết đói là được. Có nhiêu chơi nhiêu! Thứ này gọi là chơi theo sở thích, chơi theo niềm đam mê cá nhân. Tích cóp được chút đỉnh dấu vợ, né con ngày ngày đi lùng sục hễ thấy món nào trúng ý vừa lòng quơ liền. Đúng tầm là chớp. Có những món hồi lúc trước 1975, dâng mấy tháng lương chưa chắc rờ nổi! ( Cỡ như tui làm gì có cửa. Chả ai thèm vén cho ngó chút nữa chứ đừng nói tới chuyện mua ). Giờ chỉ bằng một cây thuốc Hoa Mai. Rẻ quá xá! Nhịn hút! Mua…! Thiệt tình thú chơi nào cũng có niềm đam mê riêng của nó. Cái nghiện này cũng tùy vào đối tượng. Có những người vợ con cũng chẳng! Thú vui cá nhân là trên hết! Cái chơi nghịch cảnh này rất dễ bị người đời cho là hâm, còn vợ con thì cay đắng cho thú chơi này của vị gia trưởng này. Cũng từ cái ngẳng đời của đám cuồng thị này nó mới có những điều để mà nói. Nói ra cũng buồn, lại súc phạm đến người đã khuất. 
      Tôi có biết một vị đáng kính nay đã khuất núi, mức độ ông mê sách tôi thấy trong đời chỉ có một không hai. Ổng xa rời vợ con, sống một mình chỉ vì cái tội dám bán sách của ông trong thời gian ông lên rừng rèn luyện làm người. Ông  không chấp nhận lý do bà nêu ra là lo cho con có miếng ăn, cái mặc khi ông vắng nhà. Chẳng nhẽ nhìn đống sách, để con chết đói? Bà có hỏi ông như thế. Ông đã tái mặt, không đồng quan điểm ấy! Một kết thúc thật đáng buồn. Sách là nỗi ám ảnh, là nỗi kinh hoàng đối với vợ con ông. Khi ông vừa xuôi tay nhắm mắt chưa được giáp tuần, cả mấy tấn sách mà ông tha về khi còn đương thời, nó tăng, tăng dần theo những bước chân ông lang thang khắp nẻo sách cũ. Không vơi đi tị nào, chỉ thấy nó mỗi ngày một ngồn ngộn ra theo tuổi đời nhàn hạ của ông. Chất hết góc này tràn qua sàn nọ dần dần vươn lên tận trần nhà. Hai căn phòng, mươi lăm mét vuông không còn chỗ lèn chân. Ông tâm sự rằng có những quyển cần đọc đi mua cuốn khác còn nhanh hơn là tìm nó. Cũng may là nhà đúc betong chứ không thì... Ông ky cóp, nhặt nhạnh từng cuốn nâng niu hơn cả vợ lẫn con chuyện đó đã vào quá khứ. Nay, tất cả đã được thanh lý cho hàng sách cũ với cái giá năm ngàn một ký, bởi những người bị ông ghét bỏ, bán cho khuất mắt. Đâu có ai muốn giữ cái thứ xúi quẩy đã vì nó mà họ bị người thân bỏ bê ghét bỏ bao năm tháng trong nhà. Một niềm đam mê thật kinh khủng!
        Ngược lại với niềm đam mê chết bỏ không rời của cá nhân này là một chuyện ngược lại hoàn toàn, khá là ngộ nghĩnh đã xảy ra ngay đầu Thế kỷ XXI mới toanh mới được vài năm với trường Đại Học Kinh Tế của Thành Phố Hồ chí Minh chúng ta. Chẳng lẽ cái văn hóa đọc đã hết thời! Hay là sách in có chiều hướng bị khai tử vào khoảng thời gian sắp tới do máy tính bảng được sản xuất tràn ngập tại nước nhà. Hay là do cay cú về một chuyện gì gì đó liên quan đến sách cũ như vợ con vị khả kính vừa nói trên kia, nên các vị trùm trọng trách của Trường Đại Học Kinh Tế đã thẳng tay sổ toẹt. Không dám nói là nhiều hay ít nhưng chí cốt cũng phải vài chục ngàn cuốn sách cũ từ thời thủa nảo nào. Trong đó có những cuốn tuổi đời cỡ vài trăm năm, tích cóp dần dần bằng công sức của bao thế hệ đi trước, được giữ gìn, bảo vệ xuyên suốt qua mấy trào chế độ đang nằm yên vị trên các kệ sách của Thư viện do nhà Trường quản lý. Đến giờ phút thong manh này không ai rõ là bằng văn bản hay một cú điện thoại, các vị đã chính thức mở toác cánh cửa Thư Viện Đại Học Luật Khoa cũ nay là Đại Học Kinh Tế mới, cho mọi người vào tha hồ chọn lựa với giá tương đương một ổ bánh mì không thịt, sa cạ chỉ có 1000 đồng một cuốn. Ngàn năm một thuở cho những anh em đi lò ve chai được một phen tổ đãi trúng quả khá đậm. 
        Chuyện này nếu không nói ra thì cũng thiếu sót lắm. Số là các đặc phái viên chạy lò này đa phần là hành quân tác chiến độc lập. Mạnh ai nấy sống, chuyện ai nấy làm. Rất ít khi họ chịu tập trận chung. Khi vào đến bên trong Thư Viện, một sự choáng ngợp đối với những chuyên viên này. Chưa bao giờ mà họ được chứng kiến một nguồn sách ngất trời như núi Tản. Cơ man nào mà kể, không biết chọn món nào vì cái nào cũng đáng giá cả. Một kho tàng đầy của nả cao ngất tận trần nhà. Chẳng nhẽ mỗi người lại vác một cái thang. Thế là họ hè nhau kéo đổ các kệ sách xuống để lấy. Chẳng khác chi lúc những người hè nhau kéo sập tượng Hai Bà ở ngoài Công trường Mê Linh nơi rìa sông Saigòn yên ả!  Người nào cũng chỉ có hai tay vơ không xuể. Nghe nói mấy ngày đầu mọi người còn đố kỵ nhau, nhưng sau đó tất cả đã hợp đồng binh chủng lại thành một tụ cùng nhau khai thác, cùng nhau tìm bới và chia sẻ. Một cây làm chẳng nên non…nhiều thằng xúm lại mới mau làm giàu. Nghe nói đâu mỗi người bỏ túi khoảng vài chục triệu đồng đền bù cho công sức hơn tuần lễ bới móc trên đống sách tàn dư của mấy chế độ cũ để lại. Phúc tổ cho nhà anh. Cũng may mà có mấy thằng lái sách cũ nhào dzô hốt được, chứ nếu nó gọi xe đến chất đầy rồi đâm thẳng vào lò nấu giấy thì ăn mày cả đám. Tóm lại nhờ chuyện ấm ớ xảy như vậy mà lại đâm ra hay! Có thế nó mới phát tán đến tay bạn đọc. Tỷ như nó không đổ vào lò nấu, không bán ra mà úm kỹ để khơi không ai quan tâm riết rồi mối mọt nó ăn tuốt chả còn đọc được chữ nào, đem đổ thùng cũng rứa. Cám ơn trời đất đi thôi!
      - Ê! Thằng kia mày chửi ai vô học hả!? 
     

         Thế đấy! Cuộc sống muôn mặt, mỗi người mỗi niềm, chăn ai nấy đắp! Vợ chồng xong việc gối ai nấy nằm. Chẳng lẽ sở thích của anh là chân lý? Vớ vẩn!
      Cái thích nó biểu diễn cho người chung quanh hiểu được niềm đam mê của cá nhân đó, ngoài ra chả là cái đếch gì. Cùng hội cùng thuyền còn có chỗ. Khác thuyền, khác bè chuyện ai nấy biết!
      Sự thích tranh của tôi nó cũng nằm trong cái vòng luẩn quẩn này! Tôi chẳng có tiền nhiều, còn thiếu nữa là đàng khác. Nhưng nhờ có may mắn gặp được nhiều quới nhơn chỉ bảo nên cũng ê, a được tí chút. Có cơ hội, thấy đường được vừa túi tiền mua chơi luôn kèm theo hậu ý. Biết đâu sau này có ai thích hơn mình, họ có tiền nhượng lại kiếm chút đinh nuôi vợ con, ai nỡ lòng nào chê cho được. Làm sao lại từ chối hà? Đơn giản chỉ có vậy.
      Trái đất vẫn thản nhiên quay vòng vòng cho đủ 24 tiếng của nó. Nhưng bàn dân thiên hạ lúc này lại có chút đổi mới trong nếp sống. Đó là có một số người sính hai chữ Việt Kiều. Một cái mốt thời thượng. Một niềm vinh dự lớn lao cho gia đình, dòng họ. Một niềm hãnh diện với xóm làng. Tôi nghĩ chắc nó cũng giống như niềm tự hào của những gia đình thuở xưa có con đỗ quan Nghè vinh qui về làng. Con gà tức nhau tiếng gáy, thế là thi nhau chuồn. Mỗi người khi ra đi đều ấp ủ trong lòng những ước mơ, những hoài bão, hẹn ngày trở về sáng lạn. [ Xin thượng đế ban phúc lành cho những ai ra đi “ Ngày trở về” đừng giống hình ảnh trong một ca khúc của Phạm Duy!].
      Ngày qui cố hương thì chưa biết ra sao. Nhưng khi cất bước ra đi thì biết chắc là… Một cái gì đó thê lương, ảm đạm đè năng trong tâm hồn kẻ đi người ở. Một chuyến tiễn đưa không kèn trống, lui chui, lủi nhủi...như chuột cống ban đêm. Bị tó là vô lồng nằm chờ phán xét. Thật nhiêu khê! Cay đắng...Đó chưa kể đến chuyện… Nhiều nỗi kinh hoàng lắm lắm! Vì đây là sự đào thoát nên khi xuất hành tư trang cần sự gọn nhẹ. Mọi sự chuẩn bị phải thật kín đáo, phải che đậy thật cẩn thận để mọi người chung quanh không thấy có một biểu hiện gì đáng nghi ngờ. Phải che làm sao mà khi mình đi cả tháng mới xì hèm... Như vậy thì của nả làm sao mang theo! Phải thật gọn nhẹ như đặc công đi đánh đồn. Thế là đành vất lại cả đống. Anh nào thoát. Của nả còn nhưng ngoài tầm tay. Anh nào không may vào bụng cá. Cả núi của không làm di chúc cho ai được! Kẻ ra đi bặt tăm! Người ở lại!!!
       - Chả hiểu cái của nợ này lúc trước còn ở nhà ổng mua làm chi treo đầy tường. Chỉ tổ để cho bụi, mạng nhện bám bẩn cả nhà. Ngứa cả mắt! Chán thật! Ai mua bán mẹ nó đi lấy tiền tiêu cho sướng.
       " Chờ mãi, hôm nay mới gặp mày! May quá! Thời buổi người ta vất, xé đi không hết, thế mà mày lại đi mua? Trận mưa hôm qua tao đang tính đem đi đậy chuồng gà vì sợ nó toi.... Nay mày muốn mua? Có gì cản trở để tao không bán nào?! Nè! mua đi! Đưa tiền đây! Đem về treo lên tha hồ thưởng thức! Sướng nhé!".
      Đấy! Tôi đã mua tranh vào những lúc như vậy đó!
     “ Chơi đồ cổ là chơi trên sự ngu dốt của thiên hạ!”. Tôi không biết ai là chủ nhân của câu nói này. Khi nghe qua câu nói đó chưa rõ sự thể ra sao nhưng chắc chắn là không “ Đắc nhân tâm”  dẫu cho là chút ít. Phải chi thay ba chữ “ Sự ngu dốt ” bằng ba chữ “ Thiếu hiểu biết ” thì vui vẻ biết mấy! Lại ngứa miệng nữa rồi!
     
       Trở lại câu tôi có nói sơ ở phần trên là “ Càng ít người biết càng dễ mua. Càng nhiều người biết càng khó mua! ”. Câu này nó hàm ý khuyên ta tự kềm chế, không nên ba hoa chích chòe, thủ kỹ trong bụng làm bí kíp mà sài. Cái gì mà mọi người đều hay, đều biết. Ló ra người ta đâu có để yên. Bạn cứ thử nghĩ xem, khi bạn biết món đó quí hiếm, có giá trị cao lại vừa túi tiền rủng rỉnh. Bạn mua ngay hay từ chối? Ngược lại. Cũng là món đó nhưng bạn đánh giá nó thấp, vô giá trị. Bạn từ chối hay mua? Thế đấy! Chuyện này không phải là sự hiểm độc, mà được xem như chuyện bảo mật tránh bớt được sự cạnh tranh phòng khi người khôn của hiếm. Vì sau ngày Giải Phóng 30/4/1975 nguồn cung thừa mứa, không chuyện này cũng thứ nọ nhan nhản, tìm thế nào cũng gặp. Thích gì mua nấy! Một thời khắc có những điều khó thể giải thích, không thể hiểu được ngọn ngành. Riêng tôi lúc này Mán rừng về phố cái gì cũng mới, cũng lạ, cũng hay! Thấy gì cũng thích, thích đủ thứ. Không gặp thì thôi. Hễ gặp vừa túi là mua, mua tất tất tần tật, thượng vàng, hạ cám, say mê mà mua... Câu nói “ sống lâu ra lão làng ” không sai. Chẳng tỏ Ất Giáp, trường lớp là gì! Chỉ được cái húc bừa! Cặp mắt sau bao ngày nhắm mở, đạp gai, sụp ổ gà vấp ngã sưng cả mặt. Khi " ngộ!". Mới hiểu hết ý nghĩa của câu thế nào là quí hồ tinh hơn quí hồ đa, thì  trong nhà đã chất đầy một mớ vàng thau lẫn lộn!!! Chả sao! Chưng đó mà ngắm! Ngắm cho kỹ để nhớ lại những lúc mình de chân chèo ra mà xúc. Cứ tưởng xúc được vàng ròng của thiên hạ! Âu đó cũng là kỷ niệm. Nói cho đỡ ngượng, chứ lúc đó biết cái nước mẹ gì mà khứu!!! Tự chung cũng nhờ hốt sảng hốt tiều như vậy, nên giờ này gạn đục khơi trong cũng có được một chút đỉnh khoe bạn bè. Khi nào buồn buồn không có gì làm, lấy ra ngồi rung rung cái đùi, ngắm chơi cũng đơ đỡ…nghiện!!!
....Cộc!....Khè!

 (Con nữa).

(1) Trích lời trong ca khúc " Huyền ca "của Cauminhngoc. Tập 06 

16 - NGUYỄN PHI HOANH  VẼ " ĐƯỜNG ĐI LƯƠNG PHÚ - MỸ THO " NĂM 1937 và CHUYỆN TÁI ÔNG THẤT MÃ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét