Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

12 - BỮA TIỆC LY… TRANH CỔ.

  BỮA TIỆC LY… TRANH CỔ.



      Mãi sau này tôi nghe qua một người quen cũng là người đã từng có một thời thật thân cận với chủ nhân của bức tranh là ngài Sừ Huế. Vị này đã rất lấy làm vinh dự khi chính thức được góp mặt tham gia bữa tiệc ly... tranh lịch sử này. Hắn kể cho tôi nghe. ( Không phải tui nói à nghe! ).
      Hôm ấy! vào một buổi tối trăng thanh gió mát.( Thành phố bít bùng như thế này lấy đâu ra gió với trăng mà mát. Sạo! May ra thì chỉ có máy lạnh là cùng). Chủ nhân của bức tranh là ngài Sừ Huế đứng ra làm một bữa cơm gia đình, đích thân lên tiếng mời nhóm Ba Tri đến tham dự với mục đích cao cả là sẽ đăng đàn giới thiệu, quảng bá một di sản văn hóa cổ của nước bạn anh em đời đời thắm thiết, cũng như muốn tiếp thị với các vị khách quí một bức tranh cực kỳ quí hiếm, mãi tận đời nhà Minh bên Tàu, không hiểu sao lại lưu lạc sang cái mảnh đất hình chữ "S" nhỏ bé đầy bão táp mưa sa này và hiện đang lưu tồn trong nhà. Mặc dù lúc nào ngài cũng cố biểu lộ cho bằng được cái phong thái, nghi biểu của con nhà dòng dõi đất Cố đô Huế, vốn từng xuất thân tại trường Quốc Gia Hậu Bổ thời Đệ Nhị Công Hòa đã quá vãng rồi. ( Chốn này ra trường bét cũng Tham biện đến Phó Quận...chứ không vừa đâu đấy! Oách lắm! Chỉ có mỗi chuyện ai cũng sợ là đang ngồi trên xe Jeep phom phom..." Ầm" văng ra đất, xe chổng bánh lên trời. Không thì đang ngon giấc có người gõ cửa mời đi không về...Rơi vào trường hợp thứ nhất: Có phủ cờ cộng tiền tử. Trường hợp thứ hai: Nhận báo tin thất tung. Chờ xác minh, chưa biết có tiền tử hay không! ). 
       Để cho xứng tầm cũng như cho sự việc được thêm phần long trọng. Chủ nhân bữa tiệc cho cung thỉnh thêm cụ họ Vương. Một học giả. Một người nức tiếng cả nước Việt Nam mãi từ thời Pháp thuộc đến nay, cha đẻ về thú chơi cổ ngoạn “Lam Huế” vừa là thày của mình. ( Có người nào chơi cổ ngoạn Lam Huế mà không biết cụ Vương hồng Sển không ta? ).
       Nghe anh bạn thiệu lại là sau vài tiếng đồng hồ chén tạc chén thù, chén ngài chén anh, chén tôi chén chú khề khà ngật ngưỡng giơ lên, đặt xuống đủ ngấm. Nhìn vào mâm cỗ, mười phần vơi hết tám rưỡi, chín, chỉ còn sót lại tí chút canh cặn, hành rau le hoe, xương xẩu cùng những thứ không thể ăn được, thải ra chất đầy tú ụ cả vài ba cái bát xích yêu. Nói toẹt ra là cơm đã no, rượu đã ngà ngà say cho rồi. Nhìn thế gia chủ cũng đồ được rằng. Ít nhất mọi người cũng trĩnh cái bụng. Để chuyển hệ, thay đổi sang môi trường thanh nhã, tiêu sái hơn, không vướng mùi thịt thựa. Ngài gia chủ khách khí xin phép được thanh lý cho phải đạo… (  Dẹp!!!…bay! ).   
        Qua phần xúc miệng tẩy trần. Toàn bộ khách quan được cung thỉnh sang một căn phòng khác, rộng cũng đến mươi chục mét vuông chứ không ít. Ánh đèn thật ấm áp, vừa đủ sáng để tôn thêm giá trị của những cái tủ chè cổ kính được đóng bằng gỗ mun óng ả, chạm trỗ thật tinh xảo, bởi những tay thợ lành nghề, mãi tự bên Tàu vác sang không biết tự thuở nào được kê sát vách,. Bên trong, những ngăn so le, cách điệu chưng tô chén bình, cái to cái nhỏ, cái cao cái thấp...v..v..đủ loại, đủ cỡ, tuyền là men trắng vẽ lam Hồi xanh lét toát lên vẻ cổ kính đã qua đôi ba trăm năm tuổi mà vẫn gợi cảm. Sau một chặp dán mũi tham quan, chỉ trỏ bình phẩm, phân tích Thị trung, Thị tả, Thị hữu, ...Thị..v.v..Tất cả chư vị khách quan được thỉnh ngự trên những cái ghế mang phong cách Minh Tàu, nhìn thì mảnh mai nhưng vô cùng chắc chắn, nặng chịch với những đường nét uốn lượn thật trang nhã, bố trí dài theo hai bên trái phải cái bàn cổ, bề mặt là cả một khối bạch ngọc hình chữ nhật xuyên suốt thật to, dày có đến đến cả tấc tây mát rượi. Hơi tiếc chút là góc phải có sợi tóc dài cả nửa thước len vào giữa. Có lẽ do vác từ bên Tàu sang bị rơi nên có vết chăng?. Để bù lại, cả diện tích bề mặt như thoa mỡ bóng nhẫy, điểm xuyết hoa vân tự nhiên loáng thoáng phong cảnh sơn thủy hồng hổng, tuyết tuyết rất ư là đẳng cấp nên cũng an ủi được phần nào. Chính giữa mặt bàn, gia chủ bày một bộ chén trà cổ men Bạch Định. Những cái tách con con, xinh xinh, ngồ ngộ  tròm trèm cỡ cái hột gà mái tơ mới đẻ lần đầu, trắng muốt như da các cô gái Huế quí tộc đương thì, vỏ mỏng tang như giấy, lộ rõ cả  màu vàng hổ phách của trân trà ửng ra tận bên ngoài, cầm lên nhẹ tênh có cảm tưởng như là chạm ngay vào khối nước âm ấm đựng bên trong còn ngút khói thơm lựng cả gian phòng. Một hớp, đủ sức đẩy lui cơn chếch choáng đang ngầy ngật trong đầu....( Nghe hắn tả mà mê mẩn cả người...). 
       Qua vài tuần trà đưa đẩy, phỉnh nịnh qua lại. Thời lượng kéo dài có lẽ thừa sức tiêu hóa bớt cái phần chất men, chất béo chứa trong cái bụng. Gia chủ chỉ mong rằng khi bao tử đã nhẹ bớt thì cái tinh thần của các vị khách quí sẽ thăng hoa, trở nên tỉnh táo và minh mẫn hơn. Một cần thiết tối thiểu cho sự sáng suốt để mà còn thưởng ngoạn một tác phẩm nghệ thuật có một không hai cách nay gần ngàn năm qua này. ( Dễ gì mà gặp! Dễ ai có mà cho coi chùa ).
      Để chuẩn bị cho giờ khắc thiêng liêng quí báu khai tranh, gia chủ đã tư tốn không biết bao nhiêu là công sức lẫn tài vật cho bữa tiệc. Và lúc này trong khi vị Thượng đế lẫn khách mời đang nhẩm trà cùng nhau rôm rả đàm luận những chuyện thế sự cao vời, thông kim bách cổ thì ngài chủ nhân bữa tiệc nghĩ là thời điểm đã đến nên lẳng lặng âm thầm khuất mình vào nhà trong...  
      Một lúc sau. Gia chủ đích thân vác một bó to đùng, dài ngoằng được quấn bao nylon cẩn thận nhìn cứ như là khẩu súng thần công thời chống Pháp, ( Có nói quá không đấy? Tôi thấy nó chỉ to hơn hai hoành bàn tay là cùng hà! Cha nội!!!.... Thì đã sao? Nói phóng lên một chút mà…làm gì dữ vậy…? ). 
      Với một tiếng ho khe khẽ đánh động. Hành cử này gia chủ muốn cho mọi người thấy và hiểu được sự trang trọng và tầm vóc to lớn cỡ nào khi đích thân đang ôm kè kè một cây cột trong tay. Tịnh không một ai ướm hỏi? Mọi người vẫn đang ngồi mải mê câu chuyện với nhau cứ như ngồi nhẫm cà phé ngoài vỉa hè!?  Phóng mắt nhìn chung quanh, cố nén sự khó chịu khi thấy mình rơi tõm vào hoàn cảnh thờ ơ bạc bẽo này! Miệng ngài vẫn cố cho nở một nụ cười an ủi, nhẹ gót bước tới dựng bức tranh to đùng ở góc nhà, nơi mà có cận thị nặng cũng “chộ”!? Cho dù không mấy gì làm vui! Nhưng ngài chủ nhân vẫn tỏ ra lịch sự không nói năng gì, sợ làm khinh động đến những tư tưởng vĩ đại đang lúc cao trào… 
      Mọi vấn đề vẫn mải mê tuôn chảy! Chả ai đả động gì đến việc xem tranh. Chủ nhân vẫn tế nhị, kiên nhẫn… yên lặng ngồi chờ, lại còn ra vẻ như đang lắng lắng nghe những lời đàm luận của các vị khách quí thi nhau đưa đẩy qua lại như những trái banh tenis được các hảo thủ tung chiêu cật lực trên sân đất nện. Thỉnh thoảng ngài cũng pha vào đôi câu như ngầm ý nhắc nhở...( Sự việc này giống như cảnh lúc xưa Lưu Bị chắp tay chờ Khổng Minh ngủ ngày. Nay ngài Sừ Huế kiên nhẫn đứng nghe các vị khách mời bốc phét ). 
      Chờ!!!…Chờ !!!…Rồi lại chờ! Chờ mãi! Trong bụng ngài chủ nhà lúc này như hơ trên đống than hồng. Chỉ mong một tiếng nói của Thượng Đế.( Chỉ chờ mỗi anh thôi đấy! Anh mà phán một câu là em sẽ lập tức cho mở ra phục vụ quí anh ngay…) Chờ mãi chả thấy anh chàng Việt kiều mua tranh nói gì! Gia chủ cố tình bước đến bên cạnh bức tranh đang dựa tường, gây sự chú ý, xem có ai đó lên  tiếng đòi xem tranh chăng!.... Thời gian lặng lẽ trôi qua...chả thấy động tĩnh…tăm hơi gì. 
      Sao vậy ? Chẳng lẽ họ quên?!?!.Rõ ràng mình mời chúng nó ăn cơm với mục đích là xem tranh, để mình bán, đâu có rỗi hơi mời tụi bay ăn cơm suông! Kiểu này chắc lại mất toi bữa ăn mà chả được nước mẹ gì rồi đây!!!  (  Ê!!! Coi chừng! Nói trước bước không qua đó! ).
      Cái trò đời! Ăn no bao tử  trở nên nặng, dầu mỡ lan tỏa khắp châu thân, nhất là lên não nên dễ bị nó kéo cái mí mắt cho cụp xuống. Thứ hai là trời lại man mát, hiu hiu của máy lạnh cộng chút men vào nữa thì ôi thôi khỏi nói. Ai cũng hiểu. Một vài vị đã len lén dơ bàn tay lên che cái miệng. Mắt cứ díp vào. Thỉnh thoảng giật mình đánh tót, buột miệng líu lưỡi... Vậy hả?... Thế à?... Sao nữa?...( Không nghe, không nói, không nhìn! Ngồi lâu tăng kể!!! Mửng loi!!! ). Càng về sau. Màn đêm càng đổ đậm. Những hiện tượng không mấy gì tế nhị này mỗi lúc một lộ rõ hơn… Ơ hay! Cũng chả thấy ngài Việt Kiều mở ngõ! Tịnh không có một ai còn nhớ đến cái mục đích cao cả của bữa tiệc. Cứ toàn chuyện đầu cua tai nheo đua nhau mà sổ, chẳng ai đề cặp gì đến vấn đề sôi bỏng của buổi tối hôm nay.( Ăn no lú mẹ nó hết rồi! Rõ chán mớ đời! ) Chiếc đồng hồ treo tường cũng chả cần quan tâm đến ai, đủng đỉnh phang…
       - Chết mẹ! hơn 23 giờ rồi …Không biết là cha nào la toáng lên như vậy!
      Coi như xong! Mọi người lục đục kéo nhau ra về không quên những cái xiết tay thật chặt, hởi lòng nở dạ và những lời cảm ơn không biết làm thế nào để thể hiện là lịch sự hơn đến gia chủ đã thiết đãi mình một bữa cơm trĩnh bụng. Trong héo ngoài tươi, gia chủ vẫn phải ra dáng vồn vã tiễn chân những vị khách quí lên đàng. Đầu rỗng tuếch! Gần mười hai giờ đêm rồi. ( Mệt quá! Không khéo đêm nay lại mất ngủ!).
     Thế là cả nhóm từ cụ già nhất, lịch lãm nhất cho đến người nhỏ tuổi nhất, ít va chạm giới cổ vật nhất. Tất cả những người được mời tham dự “ Bữa tiệc… tranh cổ ”. Rốt cuộc ai cũng mù tịt, chả biết bức tranh trong đó vẽ gì! Chỉ được mỗi cái là thưởng thức trọn vẹn những món ăn của quí phu nhân gia chủ trổ tài. ( Ở đây không dám khen ngon, dở vì đâu có chấm mút được tí tẹo nào mà bốc phét. Nghe nói bả là con cháu một vị quan Ngự trù thời Nguyễn được Vua ban bằng khoán hẳn hòi kia đấy. Thế thì hẳn phải ngon rồi. Tiếc quá! Phải chi vừa ăn, vừa xem  thì sướng biết mấy!!!. Chắc tại… Vô duyên đối diện cũng chẳng coi được! Ca cẩm làm gì, ăn chùa một bữa thịnh soạn cũng là quí hóa lắm rồi! Cha nội!).
      Thế là những chàng thợ săn bị dính bẫy cáo! Tôi nghĩ những dấu vết của con cáo già Vinh đưa ra đã có tác dụng đối với nhóm  thợ săn Ba Tri. Chỉ cần nghe Vinh rung lên một câu.
       - Tranh Tàu quí hiếm treo triển lãm cả tháng trước mắt mọi người Hoa chơi tranh trong Cholon! Tất cả bọn họ đều có thái độ dửng dưng!? 
       - Quái nhỉ? Hắn cũng là tay chuyên đi săn tranh cổ. Đã vậy lại cùng vợ đứng chụp hình chung với bức đó. Mọi việc xảy ra rõ ràng ràng như vậy. Rồi tất cả mọi người đều lỉnh êm. Tranh cổ, quí hiếm không ai màng! Lạ chưa???. Nó không phải là tranh à? Nó là cái gì vậy? Đồ đểu? Đồ giả? Đồ đểu… giả!?!
      Con cáo già giăng bẫy làm mấy chàng thợ săn…xa lầy. Những tay mơ tập tành đi săn gặp vết lạ! Hoảng! Tếch là phải.
      Trước khi ra đi và có ước mơ là một lúc nào đó được trở thành người Úc gốc Tàu Việt chính hiệu. Hắn bán chiếc honda 78 được cây hai, cầm thêm hai bức tranh Tàu cũ vẽ hoa điểu khá đẹp không thấy hắn nói do ai vẽ nhưng Vinh ta định giá ba chỉ một tấm. Tổng cộng cây tám. Đem đến nhà ngài Sứ Huế để đổi lấy tấm Lâm Lương.
( Làm sao mà từ chối hả? Ngậm ê cả hàm mấy năm trời. Mất toi buổi tối. Tốn một bữa cơm gần triệu bạc. Mình mong nó xem! Gạ nó mua! Phải chi nó đòi mở ra coi, chê khen ba câu rồi không mua cũng được không tức! Đàng này nó chả nói năng gì cứ ngồi im thít như gái ngồi phải cọc! Mẹ kiếp! chắc tưởng mình quí cái mác Việt kiều mời ăn cơm suông đấy hẳn?! Mệ đã làm thì phải có mục đích chớ! Đã vậy! Ông bán cho mày mở mắt. Ông bán cho mày thấy là không phải chỉ có mình mày đi mua tranh…Mày tưởng không bán được cho mày thì Mệ ế à!? Không đâu! Lãi to con ơi !!!. Mệ mua một cây! Mệ bán cây hai! Lãi ròng hai chỉ! Còn lại hai bức…hề hề… Mỗi bức Mệ  khảy nhẹ tay cũng cả cây một tấm. Tựu chung tính sàng sàng cũng được ba que!!! Còn đợi gì nữa? Chỉ có hâm mới không bán. Để Mệ bán xong! Mệ báo cho mày tức chơi! Đồ ngu! Đồ nhà quê! Của dâng đến tận mồm mà không biết ăn!!! Cái đồ… Thôi! Đừng nói nữa! Chắc nó là con nít mới đẻ miệng chỉ toàn là lợi không hà…không răng làm sao ăn? ). 
     Đấy là tư tưởng phát ách của ngài Sừ Huế sau khi bán được tấm " Phi minh túc thực ". Xả....
     ( Hên quá !!!. Mấy năm trời cầu mong được biết cái thằng VN nào đã mua tấm tranh. Hỏi goài! Tìm goài! Canh goài!... Chả gặp, mất tăm... Mịt mù. Ôm nỗi buồn còn hơn làm mất sổ gạo thời bao cấp. Bây giờ tự dziên có thằng lù lù vác xác lại chỉ cho ngộ biết chỗ!... Sao mày thơ ngây quá dzậy? Chỉ cho mày câu thần chú để mày mở cửa hang vác vàng đi ngờ ngờ...tao đứng ngó chơi hả???.Tao chưa có khùng nghe mảy!... Cám ơn Trời Phật! Nó đã về với mình!..
     Vinh Lò Siêu cũng nảy sinh luồng ý nghĩ đậm đặc chất Ba Tàu như vậy đó trong đầu ).


     Tôi thấy Vinh vác ra một cuộn tròn cỡ hai hoành bàn tay chưa hết, dài cỡ hơn hai thước tây đôi chút, được bao bọc bằng nylon rất cẩn thận. Vinh phải lấy cái ghế cao, móc sợi dây nơi đầu tấm tranh vào cây nạng, đứng lên treo tận trần nhà, ấy thế mà vẫn còn thừa cả thước. Tôi phải bợ lấy phần trục phía dưới kéo dài ra mà xem không dám để xuống đất sợ bẩn hoặc mải mê xem dẵm phải thì hỏng.
      - Để cho nó nằm êm dưới đất rồi đứng xa xa coi cho rõ anh C. hắn bảo tôi.
      Trong đời tôi đây là lần đầu tiên được may mắn chiêm ngưỡng, cầm tận tay sờ tận giấy một tác phẩm hội họa Trung Quốc cổ do một danh họa thuộc hàng Đại lão trong cung đình đời nhà Minh vẽ là Lâm Lương ở cái mảnh đất heo hút Cholon này. (Trong bộ Trung Hoa Quốc Bửu 02 tập xuất bản ở Đài Loan bằng hai thứ tiếng Anh và Hoa cũng có in một tấm để giới thiệu về họa sĩ Lâm Lương này). Một bức tranh tuyệt vời có một không hai. Chưa từng thấy bức tranh nào lại to như vậy. Chưa kể bồi. Bề ngang tờ giấy bên trong tròm trèm một mét sáu. Chiều dài gần ba mét. Toàn bộ tờ giấy liền mặt không có nối. To như cái chiếu, thật ấn tượng. Lụa bồi viền hai bên trên dưới để bảo vệ tấm tranh. Mỗi bên cỡ một tấc tây dọc theo tấm tranh, hai miếng Thiên Địa ( trên dưới ) cỡ khoảng tám tấc đến một mét không đều nhau, trên lớn hơn dưới. Hai đầu cây trục dưới thông thường người ta tiện, chạm trổ bằng gỗ cho đẹp, đôi khi gắn bằng ngà voi. Nhưng ở bức này nó đặc biệt được làm bằng sứ men trắng vẽ cúc dây màu lam Hồi xanh lè xanh léc. Vinh có nói với tôi rằng mỗi cục có thể bán được vài ba chỉ, nhưng nằm trong bức tranh như vầy thì dẫu trả cả cây một cục cũng không bán. Bức tranh vẽ bằng mực màu mô tả năm con Ngỗng trời trong những trạng thái thảnh thơi. Ăn, ngủ, rỉa lông, bay, hót cùng bụi lau sậy bên sông. Với khổ tranh gần đúng 160cm x 300cm. Một bề mặt khá lớn nên phải dùng nhiều loại bút lớn nhỏ khác nhau phù hợp cho từng nơi từng chỗ. Những nét bút điêu luyện, mạnh mẽ cứng cáp, mềm mại uyển chuyển, cực linh hoạt dứt khoát, đâu ra đấy. Xuống bút là xong từ nét cho đến sắc độ màu, tinh tế chuẩn xác cực kỳ phù hợp cho từng vật được mô tả. ( Không có chuyện chồng nét, dập xóa, màu lòe loẹt  ở đây ). Nhìn mà ngẩn cả ra. Chả biết nói như thế nào cho xứng tầm. Chỉ biết lặng người mà ngắm. ( Cái này mà của mình thì chắc phải mất hàng năm nhìn ngắm cũng chưa đã. Một cái tiếc nữa là khi đó đúng vào thời điểm khó khăn chứ như bi giờ xin chụp lại, lâu lâu đem ra ngắm tưởng tượng lại cũng đủ lấy làm sung sướng cái cuộc đời )
      - Anh coi cho kỹ. Có nhận xét gì cho tui hay, cái nào tui biết tui chỉ cho. Vinh. nói.
      - Chỗ này sao kỳ vậy anh Vinh.? Tôi chỉ vào một chỗ ở khoảng gần giữa của bức tranh bằng cỡ một bàn tay. Nó có điều khác lạ, nhìn chung như bị vết loang của nước nhưng phần diện tích bên trong lại nhạt màu hơn chung quanh nhìn thấy rất rõ.
      - Theo suy nghĩ của anh nó làm sao? Vinh hỏi đố tôi.
      Tôi cố quan sát kỹ, thấy có vẻ như bị tróc đi một lớp da mỏng ngoài cùng nên mới có điều khác lạ như vậy. Tôi chợt hiểu ra vấn đề.
      - Anh Vinh à! Chỗ này như bị tróc một tuyên phải không? Rồi nói tiếp.
      - Tôi thấy mực chỗ này không giống như chung quanh. Khi xuống bút mực sẽ ngấm, thẩm thấu tận mặt sau vì lớp giấy xín chỉ mỏng. Giờ có một lớp trên cùng bị tróc ra, mất đi một lớp mực chính ảnh hưởng trực tiếp, bột than đương nhiên nằm hoàn toàn trên mặt lớp giấy này, còn những lớp sau dù sao chúng cũng chỉ được ngấm qua không thế nào bằng lớp mục nằm trên cùng vì vậy nó sẽ có màu nhạt hơn, nên mới ra như thế này. Tôi cố vận dụng sự hiểu biết của mình trình bày với Vinh. ( Kỹ thuật làm giấy của Trung quốc. Muốn làm dày mỏng, tùy theo nhu cầu, họ đắp trải nhiều lớp mỏng chồng lên nhau. Mỗi một lớp mỏng gọi là “tuyên” ).

      - Đúng như vậy! Sao anh biết. Vinh. hỏi.
      - Tôi nhận ra việc này do quan sát ở vệt mực, không đều và có chớn chung quanh. Tôi trả lời.
      Tôi hiểu được điều này một phần qua những lần bồi tranh. Khi có những chỗ mình quét keo không tới, không đều hoặc có đôi chỗ bị khô sớm do quét trước, rồi không kiểm tra lại. Khi bồi hai lớp giấy có keo đủ thì hít vào nhau. Chỗ khô sớm hay ít keo độ bám yếu hơn cho nên khi cuộn lại nhiều lần sẽ bị bong dộp lên. Lâu ngày bị chớn rồi rách đi. Ở tấm tranh Lâm Lương này nó ở trạng thái đó, qua bao nhiêu năm cuộn vào mở ra chỗ đó bị dộp, rách không thể dán lại vì quá mỏng, một tuyên nó mỏng hơn cả tờ giấy vấn thuốc lá, khó mà dán lại. Có thể đã bị xé vất đi.
Bây giờ nó mới bị như vậy.
      Sau khi được Vinh cho xem bức tranh và nói giá mua. Tôi ngẩn người! Với tôi khi thấy bức tranh này hai cây tôi cũng ngậm, không có cũng cố chạy mượn để mua cho bằng được. Dẫu nó là tranh giả cũng xứng đáng để mà mua. Một tấm tranh quá sức đặc biệt. Người nào vẽ được như vậy chắc không dại gì ký tên người khác. Nếu ký tên người khác chắc không dại gì bán rẻ, đó là chuyện mới vẽ, đàng này còn thời gian, độ cũ của bức tranh, bạn làm sao đây?. Bạn thử làm tờ giấy ngoại khổ đó xem sao chứ chưa nói đến chuyện vẽ. Đây là những suy nghĩ chủ quan của tôi. Chủ quan thì không chính xác đúng chưa? Biết đâu? Chuyện đời! Có thế nó mới lọt vào tay Sừ Huế chứ không!!! Có điều tôi cũng lấy làm lạ là một người hiểu biết, từng qua tay bao nhiêu cổ vật, chủ của một cửa hàng đồ cổ khá nổi tiếng ấy thế mà lại đi bán tấm tranh này với một cái giá như vậy. Chẳng lẽ trên cái cõi đời này những món Lam Huế đặt làm bên Trung Quốc là quí hơn cả, còn những thứ khác vất đi chăng? Cũng có thể. Sở thích của bạn nó sẽ quyết định tất cả mà!!!
      Lai lịch của tấm tranh Lâm Lương này kể ra cũng khá ly kỳ.
      Tấm tranh này cùng hai tấm nữa, phát nguyên từ miền Bắc VN được chuyên gia chào bán khống bằng lời nói cho anh chàng Sừ Huế ngay từ buổi đầu tiên sự việc với giá khởi điểm là:
      -  “Một cây vàng chịu chưa? Nếu đồng ý mai mốt đem vào giao tranh. Tiền trao cháo múc!”
      - Đồng ý!
      - Cứ thỏa thuận như thế nhé! Lời hứa hẹn keo sơn, chắc như đinh đóng cột. Không nhổ ra nghe!
      ( Anh dạy gì ạ!?!?....  Em nào có nói gì đâu!!!.....Ấy chết!!! Anh nghe nhầm rồi!!! Em nào nói thế bao giờ!  ).             
      Lời nói gió bay! Khi bức tranh được đem vào. Thay vì đưa cho anh Sừ Huế nó lạc đường chạy thẳng vào Cholon.
     ( Mẹ kiếp! Tại cái thằng xe ôm chết tiệt! Đường xá trong Saigon nó loạn xạ, rối tinh rối mù cả lên. Em đã chả biết đường. Quá sức tưởng tượng của em anh ạ!!!).
       Thay vì ba tấm một cây, đi lạc, chạy lòng vòng tiền xe cộng thêm  vào hai chỉ nữa thành cây hai. Đi lạc cũng có lợi nhỉ!
     ( Em phải bán cây hai thôi! Bán cho ông Sừ Huế có mỗi một cây, em lỗ mất hai chỉ à!?)
      Chuyện này trong thương trường là chuyện bình thường. Xoành xoạch như cơm bữa. Người ta đặt tên cho trường hợp này là “ Dẹo” nói trại từ tiếng “quẹo” mà thành. Giới mua bán nói một cái là hiểu liền hà!
      Cái gì trong chăn lâu ngày cũng lòi ra. Chuyện này cũng vậy. Cái anh chàng có ba tấm tranh, thực sự là sau khi chào hàng và anh Sừ Huế đã đồng ý mua rồi. Nhưng chưa an tâm, hắn chỉ sợ hố mới xảy ra cớ sự.
( “Mấy cha nội xứ Nẫu này nó cẩn thận lắm, kẹo ra trò. Nó mà đồng ý mua một cây, thằng khác phải mua hơn nó. Khoan bán vội cứ đem vào Cholon chào thử. Hơn mình bán, nếu bằng giá cũng bán quách lấy tiền ngay, chứ còn đem ra nó kỳ kèo. Bớt cho nó, mình mất, không bớt nó không mua thì bỏ mẹ. Cứ như vậy mà tính. Không ai mua thì mình đem đưa cho nó cũng chưa muộn mà.”. Thế có ức cho Sừ Huế không chứ lỵ ).
      Cái tay may mắn mua được ba tấm tranh quí đã bán ngay được hai tấm nhỏ nghe đâu như là được bảy, tám chỉ gì đó lận. Còn tấm Lâm Lương hắn giữ lại treo giá. Định trong bụng giá thật cao mới bán cho bõ. ( Của bà, bà để bà chơi! Ai mà đụng đến mâm xôi con gà ). Đang khi như thế thì đùng một cái trong Cholon có tổ chức một cuộc triển lãm các loại tranh Tàu cũ và mới tại Hội Quán Quận 5. Một cơ hội nghìn vàng, một dịp may hiếm có… Sướng nhé! ( Mình phải nhanh chân, lẹ tay, nhân cơ hội này đem ra chưng cho mọi người biết!  Ai trả giá cao thì bán! Phen này thì khối thằng phải đến quì mọp dưới chân mình cậy cục xin thỉnh! Khà…khà…).
      Ấy! Nghĩ là vậy! Ở đời hễ cứ tham thì lại hay gặp thâm. Đôi khi dấu dấu, diếm diếm như mèo dấu… mà lại dễ bán vì chàng nào cũng sợ người khác biết phỗng tay trên mất. Thế là nghiến răng mua đại. Còn khi mà đem chưng chè bè ra giữa chợ, ai cũng thấy, ai cũng biết mọi người đâm ra e dè, úy kỵ, khích bác đè bỉu, chê bai đủ thứ thành ra lại khó bán. 
      Đây!!! Rơi ngay vào trường hợp này.
      Cả làng, cả nước chơi tranh Tàu cổ đại miêt Cholon. Có “xìn” cũng như “mậu”. Kháo nhau kéo đến xem như trẩy hội tắm Bà Chúa Xứ miệt Châu Đốc. Không thì cũng phải cỡ chợ hoa Nguyễn Huệ sáng Mồng Một Tết. Ôi! Thập bát ban ý  kiến ý cò, thao thao bất tuyệt, loạn xị ngậu cả lên như bầy ong vỡ tổ, ầm ỹ huyên náo rền cả hội trường. Đến nỗi đứng bên nhau, nói phải như quát mới nghe thấy. Người nào cũng vác cái mặt lên, vênh vênh váo váo. Ai cũng muốn chứng tỏ tầm hiểu biết cao cả của mình. Nói thật to, thật đao to búa lớn để cho mọi người chung quanh nghe thấy những lời bình phẩm cao diệu và chiêm ngưỡng dung nhan tiêu sái của mình…là dzách lầu! Cứ như thế, ngày này qua ngày khác. Ý kiến thì nhiều, khen chê chẳng thiếu, hỏi han… thăm dò, dọ giá nổi lên cứ như rươi được mùa tháng Chạp. Ấy vậy mà tịnh ngắt không có một lời thương lượng nào bày tỏ với chủ nhân bức tranh lấy thảo, ngoài lời đề nghị của Vinh Lò siêu ngay thời khắc đầu khai mạc.
( Mấy cái thằng chết lẫm ngày nào cũng vác mặt ra chợ tranh ngồi  bốc phét, nói hưu tán vượn, mua này bán nọ. Mả bố nó! Của quí để sờ sờ ra đó sao chúng mày biến đi đâu hết cả, không nói được lấy một tiếng dzậy?).
     Đấy là chuyện của thiên hạ đại sự. Còn đối với Vinh nhà ta thì lại khác. Hắn nghe tin vụ này sớm lắm, phong phanh đâu như là từ khi Ban tổ chức còn đang thời chuẩn bị cho cuộc trưng bày cơ lận. Bởi vậy ngay những giây phút đầu tiên trong buổi sáng ngày khai mạc đáng ghi nhớ ấy hắn đã có mặt cùng phu nhân rồi.
 ( Thông cảm nghe! Ngộ làm thợ máy, chữ nghĩa cũng hơi kem kém, cái con dzợ ngộ nó có ăn học đàng hoàng dẫn nó đi có cái gì nó đọc cho ngộ nghe đó mà!).        

       Chắc hẳn là đã có dự mưu từ trước. Hắn đã có ngay nhã ý đề nghị cùng chủ nhân bức tranh cho hai vợ chồng chụp một tấm hình làm kỷ niệm đồng thời thương lượng với chủ nhân ưu tiên giữ lại cho hắn một tuần để hắn đánh điện hỏi ý kiến ông sư phụ nào đó ở mãi tận bên trời Hướng-Kỏng. Nếu cái ông thày O.K hắn sẽ thảo luận giá cả rồi xin thỉnh về. Thêm điều kiện nho nhỏ nữa là nếu qua tuần không thấy hắn trả lời thì cứ việc tự nhiên mà bán.
      Có ai ngu dại gì mà lại không đồng ý chuyện này kia chứ? Tự dưng có thằng khơi khơi dẫn xác đến nhận đi hỏi, giám định dùm. Sướng muốn chết!
( Mày cứ hỏi đi! Bán hay không quyền của Ngộ mà! Pán pao diêu cũng là qzuyền của Ngộ lớ!).
      Hai bên đã đi đến chỗ thống nhất với cái hợp đồng miệng này dưới sự chứng kiến của nhiều nhà chơi tranh cổ nổi phềnh cũng như lặn, thuộc loại có nanh có sừng trong Cholon đứng nghe. Sau một tuần ê… a… chờ đợi căng thẳng như dây đàn “Bầu”.
( Ậy! Nó có mỗi dây, kheo khéo tí! Nó mà đứt thì chết!)
       Thế rồi! Vào một buổi sáng bình thường như mọi khi, giữa làng chơi chốn chợ tranh lộ thiên hàng ngày, chứ không phải nơi hội quán trang trọng. Vinh Lò Siêu khơi khơi tuyên bố. “Ai mua thì mua!!! Ngộ hổng mua!? ”. Hắn không giáp mặt chủ nhân bức tranh mà lại nói toang toác giữa chợ như chú gà trống đang vỗ cánh gáy thị oai trước bầy gà mái. Đến lạ! Một cái gì hụt hẫng, lộn nhào, chia xa, đứt đoạn.
( Đấy !!! Đã bảo mà không nghe! Đứt mẹ nó rồi! Rõ chán!).
        Một lời phát ngôn nghe nhẹ tênh không ra làm sao của Vinh, ấy thế mà lại ảnh hưởng rất lớn lao đến đại cục. Cả đoàn xe đua đang tăng ga chờ tín hiệu xuất phát của trọng tài. Đánh đùng một cái, không hiểu cớ sự gì. Tất cả tắt máy nằm oep cả lũ. Hay gọn gẽ dễ hiểu hơn thì giống như lốp xe Honda cán bẫy đinh ngoài xa lộ Saigon, bẹp ngay tại chỗ. Trông những khuôn mặt tài phiệt hôm ấy nó tệ hại như cái bánh tiêu chiều ế!!! Bao nhiêu hy vọng đặt vào tin nhạn của tay chơi bạo này.( Ai cũng ngán cái tật húc bạo của hắn). Giờ này mới có thượng tuần trăng non mà đã ló cái mòi chạy làng cả lũ với nhau. Thiên hạ hẫng!!! Ứ hự!.Nhìn nhau. “Nó đã hỏi thầy tận Hongkong mà còn buông! Chắc là có vấn đề!”. Thiên hạ thi nhau râm ran bàn tán, mổ xẻ, lý giải khiến nó biến thành sự kiện nóng, rất tích cực tại các quán cà phê, hủ tíu… Ít ai còn ghé xem triển lãm nữa. Chả có gì hấp dẫn…" Con ong đã tỏ đường đi lối về! " chả bù với mấy bữa đầu…
     
      Cái gì cũng vậy! Quen quá hóa nhàm. Nói mãi cũng chán! Hết dân quan ế! Thời gian qui định cho cuộc triển lãm cứ trôi đi tuồn tuột. Hết tháng… Kẻng khua! Đành cuốn gói. Ai về nhà nấy nấu cơm mà ăn. Khỏi đa sự!!!
      Sau buổi triển lãm cứ ngỡ là thành công tốt đẹp. Pháo tay sẽ có dịp nổ như bắp rang trên bàn nhậu. Dóng ly phất đũa loạn sị. Bia sùi bọt ì sèo. ( Xin lưu ý là lúc này bia lên men nhiều lắm lắm. Uống vô tư đi ). Không ngờ lại tiu nghỉu như mèo bị thiến. Rõ chán!!!
      - Mày coi dùm tao còn cái lưỡi không mạy? Còn hả! Được!!! Ta sẽ bày keo khác.
      Thế rồi vào một hôm trời không mưa, ít gió, nắng nhẹ. Mọi người trong làng, ngoài ngõ của giới mua bán tranh Tàu, truyền khẩu nhau là bức tranh đó đã lên đường lọt thỏm vào tay một người VN chính gốc ôm chứ không phải là người Việt gốc Hoa nào cả. Mọi người cũng chỉ biết đến đấy. Ngoài ra cứ kín như thùng con-tai-nơ, cạy miệng hắn cũng chả. Bức tranh giống chuyện Phạm Lãi ôm Tây Thi bặt vô âm tín từ đấy. Giống y chang chuyện chàng Vi tiểu Bảo ôm bảy mụ vợ trốn mất làm cho Khang Hy Đại Hoàng Đế kiếm tới chết cũng không ra. (Hay cha nội chơi đòn độc. Thủ tiêu mất xác con người ta rồi ra bộ thương sót đi tìm? Gì chứ dzụ này dám có lắm đa! Mấy chú Ba nhà mình nổi tiếng trong các dzụ này mà… Thế mới độc).
      Dĩ độc trị độc. Vỏ quýt dày gặp móng tay nhọn. Bà già không thua kẻ cắp. Cứ tưởng mình độc ai ngờ…

(Còn nữa).
                        

                      13 - MÀN THÁU CÁY…TUYỆT CÚ MÈO…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét