Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

GIAI THOẠI CÓ THỂ ĐẸP HƠN GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC BỨC TRANH?

 “ ….Vì đôi lúc, bức tranh không đẹp, không giá trị, nhưng câu chuyện người họa sỹ vẽ nên bức tranh trong hoàn cảnh nào và cách sở hữu như thế nào thì đó là cái đep có khi còn đẹp hơn giá trị bức tranh ”.  
        ( Trao đổi trên Phố Mua Bán ).


Lê Thy. Đình làng và tư tưởng Việt Nho. Sơn mài/gỗ mít. KT: 90cm x 60cm. Năm vẽ: Đầu thập niên 5-/TK.20. Chữ ký: Góc trái dưới. Khung nguyên thủy.



    Chuyện này cũng hơi ngặt. Nói như bạn đã bày tỏ thì phải xác định rõ mình chơi cái gì. Chơi tranh hay chơi giai thoại? Riêng với cá nhân tôi. Giai thoại là giai thoại. Mỹ thuật là mỹ thuật. Không thể có chuyện nhầm lẫn giữa hai thứ cho được. Giai thoại không thể nào làm cho mọi người quan tâm đến nỗi quên đi giá trị tầm thường hay giá trị lớn lao đích thực của tác phẩm. Giai thoại chỉ là tình huống phi vật thể xảy ra trong một hoàn cảnh đặc biệt được đem ra gắn kết để giải thích hoàn cảnh ra đời hay sự xuất hiện trở lại của vật phẩm nào đó. Chuyện này có thể thật và cũng có thể là dàn dựng. Nếu chuyện giai thoại có thật đi chăng nữa. Nó cũng chỉ có giá trị trên mặt đưa đẩy…thêm thắt cho ý vị trong lúc trà dư tửu hậu. Chỉ khoác thêm phần hào nhoáng bên ngoài cho tác phẩm vốn tự thân đã có giá trị sẵn rồi! Không thể nào với một sản vật tầm thường mà có được giai thoại hay. Điển hình vài bức sơn mài rẻ tiền được trao tặng từ các cuộc lễ hội lớn. Hay những sản phẩm bậc trung được bán đấu giá. Với mức giá của nó đến nỗi tranh của cụ Trí vẫn còn kém xa. Mặc dầu được loan tin rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước, thậm chí lan ra cả một số nước bạn, trước và sau khi bán. Như vậy. Nó có phải là giai thoại về sản phẩm đó hay không? Ấy thế mà sau buổi đấu giá đình đám, nó trở nên lặng như tờ. Chả ai quan tâm nó đi đâu về đâu!. Nếu có thì cũng chỉ suýt xoa tiếc nuối cho đống tiền được bỏ ra… Vì sao? Bởi vì chính người tạo tác ra sản phẩm đó không có gì đặc biệt để cho mọi người phải hào hứng theo dõi. Còn như nếu rơi vào trường hợp những người có tên tuổi trong xã hội, được mọi người luôn quan tâm thì lại khác. Ví như bộ tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn gia Trí hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Thành phố đường Phó đức Chính, Quận I. Nó cũng có một giai thoại dễ thương...Vào thời điểm tranh pháo trên thị trường cao ngất cũng chỉ đôi ba chục ngàn đô. Vậy mà nhà nước đã dám bỏ ra cả trăm ngàn đô Mỹ dùng quyền tiên mãi giữ lại bộ tranh.( lúc này cụ Trí còn sống. Ai vẽ ra cũng bán được. Với cụ sao lại cấm. ). Không muốn cho tác phẩm có tầm vóc quốc gia bán ra nước ngoài. Với số tiền được cho là khá lớn vào thời điểm đó làm cho ngài Bác sĩ Ngô văn Quỹ động lòng y đức, đã phản biện. Tại sao không dùng số tiền lớn lao đó để hỗ trợ cho các gia đình khó khăn, xây dựng cầu đường cho nông thôn! Chứ không nói gì đến chuyện xây Nhà thương để cứu giúp cho những đồng bào bĩ cực mà trong đó có ngài là thực thể. ( Việc này nếu không được báo chí loan tin thì có lẽ chẳng ai biết ông có tấm lòng "Bồ Tát" như thế. Không rõ là khi ông khám bệnh cho con dân có tính phí....? Có lẽ thế mà ông chỉ muốn xây dựng cầu đường. Tránh những việc dính dáng đến nghề nghiệp của mình chăng?). Đấy cũng là giai thoại. Bởi thế nếu có một tình huống cá biệt. Hay - dở nào đó xảy ra, nó sẽ trở thành giai thoại ngay và giai thoại đó sẽ gắn kết sống mãi với tác phẩm. Tự mọi người sẽ thích thú kể cho nhau nghe, lâu dần trở thành giai thoại. Kinh nghiệm cho thấy nó cũng chỉ xảy ra với những tác giả, tác phẩm đình đám mà thôi! Còn đối với một sản vật tầm thường của một nhân vật bình thường thì khó mà làm cho mọi người chú ý. Chuyện tô vẽ, kể lể dẫu có thật hay. Với bản thân vật thể thuộc hạng thứ cấp thì dù cho nói mấy cũng khó mà chấp nhận khi mà mọi người nhìn thấy sản phẩm đó chả ra gì. Giai thoại là chuyện kể. Lời nói gió bay!!! Do vậy khó mà có giai thoại hay tồn tại để so sánh giữa giá trị sản phẩm yếu kém và giai thoại về nó cái nào hay hơn. Giá trị muôn đời vẫn nằm ở bản thể tác phẩm. Tự thân nó sẽ có sức sống, có sức chuyển tải, hấp dẫn tự nhiên đến người am hiểu. Sẽ được xã hội tôn vinh mà có sức sống lâu dài. Lúc đó giai thoại là thứ ăn theo sẽ có đất sống. Có một vài mẩu chuyện hay về giai thoại hội họa xứ Nhật. Tôi không nhớ chi tiết nhưng đại ý: 
       Có một vị sứ quân rất hùng mạnh cát cứ ở một vùng đất khá rộng lớn. Ông rất đam mê hội họa. Trong cung điện của ông ngoài những tác phẩm lẫy lừng còn có một bức tranh cổ, bút tích của vị thiền sư rất nổi tiếng mà ông rất yêu quí, trân trọng. Chẳng may vào một lần ông rời khỏi cung điện đi thực hiện một sứ mệnh nào đó. Ở nhà cung điện bị hỏa hoạn thiêu rụi không còn sót một chút gì. Mọi người ai cũng cho rằng bức tranh quí kia đã bị hủy hoại vì trận hỏa hoạn đó rồi. Khi vị sứ quân trở về với niềm đau khổ vì mất đi một phẩm vật quí. Nhưng khi mọi người dọn dẹp. Bất ngờ phát hiện ra bức tranh nằm trong bụng một người gia nhân. Mọi người hiểu ra. Để cứu một tác phẩm nghệ thuật của chủ nhân mình yêu thích. Người gia nhân đã hy sinh thân mình bằng cách bọc nó trong một lớp vải, tự rạch bụng ra nhét vào và nằm xấp xuống, nếu lửa có cháy, qua thân xác của con người cũng không ảnh hưởng đến bức tranh….Chuyện này là một giai thoại của nước Nhật và có lẽ chỉ có người Nhật mới có tinh thần như thế và cũng cần xác định lại cho rõ. Người gia nhân đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ một tác phẩm hội họa rất quí giá chứ không phải là thứ tầm tầm, kha khá...
     Cũng một chuyện nữa xảy ra ở xứ mặt trời mọc. Số là có một vị họa sư nổi tiếng về vẽ rồng ở xứ nọ…Một vị Lãnh chúa của xứ đó cũng có sở thích mê rồng. Khi nghe được tin về vị họa sư này như thế. Vị lãnh chúa ngỏ ý  muốn đến xem. Một lệnh được ban ra…Vị họa sư hẹn sau một tháng mới cho xem. Có lẽ ai cũng hiểu quyền lực của các lãnh chúa thời xưa nó như thế nào…Vị lãnh chúa nén giận đợi… Sau một tháng. Tiền hô hậu ủng đến tư thất vị họa sư để xem con rồng được vẽ nó đẹp như thế nào…Sau khi nghi lễ lỉnh kỉnh chủ khách xong. Vị họa sư trịnh trọng dâng lên tác phẩm vẽ rồng của mình cho vị Lãnh chúa thưởng lãm…Một trận lôi đình bộc phát khi nhìn vào bức tranh. Rồng đâu chẳng thấy mà chỉ thấy mỗi vệt mực ngoằn ngoèo trên tờ giấy. Lệnh chém đầu được ban ra. Lúc đó vị họa sư mới sai gia nhân mang ra những cuộn giấy khác đưa cho vị lãnh chúa xem…Mỗi cuộn giấy trong đó là một hình dáng con rồng rất tỉ mỉ, chi tiết ở nhiều tư thế và tình huống…Chỉ vào những cuộn giấy đó. Vị họa sư trình bày với vị lãnh chúa là ông đã bỏ rất nhiều công sức trong tháng để vẽ. Nhưng tất cả đều là tầm thường gò bó, chỉ nói lên được cái hình dáng bên ngoài, không xứng đáng để cho vị lãnh chúa thưởng lãm. Bức tranh được trình lên ban đầu. Đó mới chính là tác phẩm đích thực. Nó vượt khỏi khái niệm hình họa dung tục và được thể hiện bằng tinh hoa, thần thái của ý niệm bút pháp. Cái thần cách sinh động của tâm thức bùng vỡ thông qua ý niệm bút pháp duy nhất để lại trên mặt giấy… Đó mới là tác phẩm vẽ rồng mà vị họa sư muốn cho vị lãnh chúa thưởng lãm. Một giai thoại đề cao tính cách trác tuyệt của thuật dụng mực, bút đã toát lên cái khí và thần trong hội họa của những bậc thày...
    Hai mẩu chuyện này đều cho thấy nguồn gốc tác phẩm đã có tầm vóc ra sao rồi. Cho nên những giai thoại này nó càng làm tăng thêm giá trị của vật phẩm đó mà thôi.
     Một người khoác danh nghệ sĩ mà non tay nghề nhưng có kinh nghiệm từng trải trong cuộc sống, có cơ trí giảo hoạt. Chắc chắn là sẽ có nhiều tình huống ly kỳ, hấp dẫn bù đắp cho sự yếu kém nơi tác phẩm của họ. Hoặc kẻ nào đó muốn bán vật phẩm lưu trữ của mình với giá cao. Họ sẽ không ngại chuyện gắn kết, thêm thắt rất nhiều chuyện bay bổng cho vật phẩm của mình, mục đích làm tăng thêm phần hấp dẫn, vượt quá giá trị thật để lừa người cả tin, giới rủng rỉnh nhưng “ chơi bằng lỗ tai ” vào tròng. Tôi xin kể lại vài chuyện cho vui.
     Có anh bạn trẻ đã từng mua của tôi vài bức tranh và anh bạn đó cũng biết rõ chuyện tôi đã “ thỉnh ” được một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sáng với giá cả như thế nào ngay từ khi mới mua. Bẵng đi một thời gian khá lâu cũng cỡ khoảng năm, sáu năm gì đó, anh bạn trẻ tìm đến gặp tôi. Hai bên hàn huyên cũng khá lâu sau thời gian dài gặp lại. Tôi cũng được anh cho biết là trong thời gian ít xuất hiện đó anh đã lùng sục tìm mua được khá nhiều tranh có giá trị. Tôi đã có lời chúc mừng về việc này. Trước lúc ra về anh bạn trẻ tỏ ý muốn mua lại bức tranh Nguyễn Sáng của tôi. … Không hiểu là anh còn nhớ cái giá mà tôi phải bỏ ra lúc mới mua với số tiền tính bằng vàng mà tôi đã có tâm sự nhân lúc anh đến nhà xem tận mắt bức tranh không? Không kể đến cái giá của một vị luật sư đã trả gấp đôi giá mua cho bức tranh khi mới đem về mà tôi cũng đã từng kể cho anh nghe. Mọi chuyện cho qua. Tôi chỉ nhắc lại số tiền mà tôi đã bỏ ra mua lúc ban đầu tính bằng “ cây ”. Anh công nhận chuyện này tôi nhắc lại là đúng. Rồi làm bài tính nhẩm xong phát biểu là đắt quá. Anh so sánh với hai tác phẩm vẽ thời kháng chiến của Tô ngọc Vân mà anh đã mua chỉ có 5000USD. ( vào thời điểm của năm 2012). Tôi chúc mừng chuyện gặp may này…anh bạn trẻ hào hứng kể cho tôi nghe về giai thoại ra đời của hai bức tranh do vị họa sĩ thuật lại.
     " Hai bức tranh này được họa sĩ Tô ngọc Vân vẽ vào lúc dừng chân tạm nghỉ lấy sức sau thời gian hành quân. Nhóm người của họa sĩ Tô ngọc Vân vào trú ngụ ở nhà một người dân trong làng, rảnh rỗi nổi máu họa sĩ. Tô ngọc Vân đã vẽ tặng chủ nhà hai bức chân dung…Cuộc hành quân tiếp diễn…vài năm sau đó Tô ngọc Vân tử trận…Mọi việc được sống lại khi người đệ tử của Tô ngọc Vân khi xưa giờ đã trở thành họa sĩ, sau ngày đất nước gom về một mối. Người trở thành họa sĩ hôm nay đã nhớ đến những giây phút bên thày mình năm xưa! Không quản ngại gian nan vì nẻo đường xa xôi đã chịu khó lặn lội lên mạn ngược để xin “thỉnh” lại hai tác phẩm trân quí mang bút tích của thày mình vẽ thuở xưa đem về xuôi chiêm ngưỡng… Người bạn trẻ thuật lại là vị họa sĩ này đã ngỏ lời có phần hậu hĩnh. Thân nhân người quá cố đồng ý chọn việc vị họa sĩ sẽ vẽ lại chân dung người đã khuất có mặc áo, thay vì cởi trần như lúc ban đầu mà họa sĩ Tô ngọc Vân đã thực hiện, để thờ cho trang nghiêm kèm một số tiền nhang khói ". Một giai thoại rất đẹp về nguồn gốc hai tác phẩm của danh họa Tô ngọc Vân. Hiện nay hai tác phẩm này đã thuộc quyền sở hữu của anh bạn trẻ tôi quen. Cấu thành bởi sự quý mến của vị họa sĩ đệ tử Tô ngọc Vân với anh bạn trẻ tôi quen. Lý do chính đáng được đưa ra: 
      Giờ này ông đã khá giả không cần tiền nên bán rẻ cho anh bạn trẻ hai bức tranh của danh họa Tô ngọc Vân làm kỷ niệm… để đời!
   
   Đâu đó còn cái cảnh trước khi cho khách vào xem những phẩm vật lưu giữ của mình muốn bán đã thắp nhang van vái!?!? Có người còn cất công mở đến hai ba lớp cửa sắt để mời khách vào xem…những món muốn bán của mình…nghe đâu những thứ chứa trong phòng mỗi món đáng giá từ vài trăm ngàn đến bạc triệu đô la Mỹ!?!?.
   
    Thế đấy! Muốn mua một món đường được là đã phải mắt trước mắt sau rồi! Đắn đo…bứt rứt khi đứng trước một kiệt tác của cha ông không rõ là ngày nào đó nghe có ngươi hô hoán lên…họ đang giữ tác phẩm gốc tại nhà.         
   Buồn buồn ngồi…ngẫm…so với các nước chung quanh! Vài chục năm trước nền mỹ thuật của họ lẹt đẹt sau mình cả khúc…bây giờ nhìn lại mình trở thành kẻ đi sau họ cả vài chục lần hơn thế… Giá cả, uy tín trên thương trường Quốc tế của họ cao ngất ngưởng. Trong lúc mình vẫn ì ạch loanh quanh với những tác phẩm không bằng một sản phẩm mỹ nghệ cao cấp nước bạn. Tại mình tất! Dân bản xứ mà không biết trân trọng với những tác phẩm nghệ thuật của chính xứ mình, thế thì làm sao bảo bạn bè, xóm riềng trân quí tác phẩm của xứ mình cho được? Niềm tự trọng con người, lẫn nghề nghiệp không bằng việc mong muốn được vinh thân phì da. Khi bán được. Cứ thế mà vẽ lại, làm giả cốt để hốt cho đẫy, bất kể liêm sỉ, hậu quả. Mỹ thuật cao quý độc bản thành mỹ nghệ hàng loạt. Giả thật khó phân. Đưa những người yêu thích vào thế việt vị…. Các nhà sưu tập có tên tuổi thì co lại không dám lộ dạng triển lãm giao lưu vì sợ bị sao chép, của giả tràn lan trên thị trường. Làm cho giá trị thật của vật chủ sở hữu bị giảm sút. Muốn bán cũng không xong. Bảo tàng thì nghèo nàn. Có gì treo nấy. Không có kinh phí thu mua…. Chức năng hạn chế không đủ cho giới ham mê nghệ thuật dựa vào tìm hiểu, học hỏi. Như thế làm sao khích lệ được những thế hệ trẻ đi sau lăn xả…Ôi thôi! Đủ thứ. Nhìn vào cứ như nồi " rựa mận thiu "... Chịu khó nhìn vào sinh hoạt thị trường tranh trong nước tất rõ…
        Trên đây là một vài suy nghĩ chủ quan các bạn sẽ thử suy gẫm tìm hiểu xem thực hư ra sao…riêng bản thân cũng đã chiêm nghiệm…CHO ĐỜI THÊM VUI. Nếu có gì không phải xin bỏ quá đi cho.

Thân mến. 
Cauminhngoc
24/7/2014


"Bà xã" đứng bên tác phẩm sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí được nhà nước lấy quyền tiên mãi để giữ lại. Hiện đang trưng bày trong Viện Bảo Tàng Thành Phố đường Phó đức Chính Quận I.

Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

ĐÔI ĐIỀU MUỐN TỎ VỀ CHUYỆN TRANH PHÁO...



Antoine Ponchin. Vịnh Eo Gió. (Quy Nhơn). Sơn dầu/ván gỗ mít. KT; 40cm x 31cm. Khoảng 1930. Chữ ký góc trái dưới.




 ... Có vài người bạn đã hỏi tôi là tại sao lại " xô " hết ra như vậy? Bọn làm giả sẽ dựa theo mà sao chép bán cho những người không biết. Như thế vô tình là tiếp tay cho bọn bất lương làm giả hại người!!!

    Thưa rằng! Tôi cũng có suy nghĩ về chuyện này. Không biết giải quyết như thế nào cho thỏa đáng. Nhưng tôi có suy nghĩ riêng.

- Đưa ra những gì mà cha ông đã để lại cho mọi người nhìn thấy mà chiêm nghiệm, học hỏi, so sánh, và cũng là có cơ sở để phân biệt, định dạng phân minh. Đó là hành cử tích cực của việc phổ biến và cũng là sự chọn lựa bảo vệ di sản văn hóa của đất nước mình. Trong đó có hành vi trao đổi mua bán vật thể không thuộc phạm vi Bảo tồn, bảo tàng.
- Nếu cứ giữ im ỉm trong nhà. Chẳng may gặp sự cố gì để rồi món quý vật bị hủy hoại đi. Vô tình ta trở thành kẻ giết chết di sản. Có tội với tiền nhân và các thế hệ mai sau.
- Tài sản tim óc có giá trị lớn của người đi trước để lại mà đem cất dấu không cho ai biết chẳng khác gì mình là cai ngục giam giữ những bậc danh tài của đất nước...
- Còn chuyện chơi mà bị hại...Tại mình! Không thể trách ai. Muốn chơi cho đến đến nơi phải đi học...đâu ai dọn sẵn cho mà ăn...Tiền ít mà muốn thịt nhiều ...đâu có sẵn thế!? Muốn ăn phải lăn vào bếp...đó là hiển nhiên, mình phải tích cực mới có. Chơi theo lỗ tai...chơi theo sự thiếu hiểu biết...chết ráng chịu. Đâu có ai tự dưng đem dâng cho người khác xa lạ một đống tiền...nếu họ không lấy lại được của mình gấp nhiều lần hơn thế.
- Nếu là người chơi cẩn thận muốn gì cũng nên tham khảo vài chỗ rồi mới quyết định. Bên xứ người. Khi người ta muốn mua đều có tư vấn riêng. Nên xác xuất nhầm lẫn được giảm đi đáng kể. Nếu có gì xảy ra thì đơn vị tư vấn đó sẽ phải chịu trách nhiệm về quyết định của họ...Đây là điều cần học hỏi.
    Bởi vậy! Không phải lo về chuyện này...
 Hãy chơi bằng cặp mắt thông tuệ và sự hiểu biết sâu sắc chuyên nghiệp. Đứng vững bằng chính đôi chân khỏe mạnh của mình...
" Của rẻ là của ôi!".
" Chơi đồ cũ là chơi trên sự thiếu hiểu biết của thiên hạ!". Các cụ đã dặn rõ ràng ràng. Phải nhớ lấy,
 Nếu không muốn mình trở thành câu chuyện mua vui cho mọi người !!!

Thân mến
Cauminhngọc
21/7/2014

HỌA SĨ NGUYỄN VĂN MINH VÀ LÒ SƠN MÀI "MÊ LINH" THEO PHONG CÁCH NHẬT CỦA ÔNG ...

      

         I - NHỮNG BỘ SƠN MÀI CỦA HỌA SĨ NGUYỄN-VĂN-MINH CHƯA KÝ TÊN.

      Nhớ lại vào năm 2004. Khi còn bán sách ở đường NTMK. Q3. Có người cho địa chỉ vào nhà mua sách cũ. Vợ tôi về cho biết. Sau khi mua sách xong thấy trên vách có treo nhiều tranh sơn mài bèn hỏi mua. Gia chủ đồng ý bán và hẹn hôm sau quay lại.
     Địa chỉ nơi tôi theo vợ vào mua tranh nằm ở khu vực gần chùa Nam Phổ Đà, Quận 6. Từ đại lộ Hồng Bàng hướng về trung tâm Saigon rẽ phải theo con đường ngách có chiều rộng cỡ hai chiếc Taxi qua lại thoải mái, đi vào chưa tới 100 mét là đến nơi. Căn nhà hai tầng lầu theo lối kiến trúc của thập niên 70. Nhìn bề ngoài khá bề thế, bề ngang cỡ hơn chục mét, kín cổng cao tường. Nội thất trang bị theo phong cách Nam bộ của tầng lớp có máu mặt từ thời xưa vẫn còn giữ được nền nếp cho đến tận bây giờ. Người chủ nhà không thể che dấu được phong thái đài các của mình. Bà tự giới thiệu là con gái thứ hai trong gia đình. Hai vợ chồng tôi được dẫn qua gian nhà kế bên. Cũng với những gì xưa cũ được bày biện nghiêm cẩn. Tôi nhìn mấy bộ tranh sơn mài thật rực rỡ của Nhật treo trên tường với bút pháp mô tả rất điêu luyện. Sau lúc nói chuyện xã giao bà chủ nhà chỉ cho chúng tôi những bộ tranh sơn mài mà gia đình muốn bán với cái giá bất dịch, không mua thì thôi! Tôi suy nghĩ, xem xét thật kỹ và đồng ý mua vì không có chuyện mặc cả nơi đây. Nhìn vài bộ còn lại treo trên tường, tôi ngỏ ý muốn mua luôn nhưng chủ nhân không khứng. Đành chịu... Thu tóm gói ghém cả 05 bộ chở về bằng Taxi. Gồm có:
- Một bộ lớn 03 tấm. Với kích thước 80cm x 70cm x 03 tấm = 80cm x 210cm. ( Đã bán năm 2006 ).
          Còn lại 04 bộ giữ cho đến nay.
- Bộ hai tấm: Hoa Anh Đào. Cỡ: 80cm x 60cm x 02 tấm = 80cm x 120cm.
- Bộ hai tấm: Hoa " Nhất chi Mai ". Cỡ: 80cm x 40cm x 02 tấm = 80cm x 80cm.
- Bộ ba tấm. Trăng và hoa. Cỡ: 57.5cm x 38.5cm x 03 tấm = 57.5cm x 115.5cm.
- Bộ ba tấm. Mùa hoa đỏ. Cỡ: 57.5cm x 38.5cm x 03 tấm = 57.5cm x 115.5cm.
 
   Một điểm cần lưu ý là không bộ nào có ký hiệu của nơi sản xuất hay tên tác giả. Đó là nỗi thắc mắc rất lớn đối với tôi về những bộ tranh sơn mài theo phong cách Nhật này.


    Hình 01. Nguyễn văn Minh. Hoa Anh đào. Sơn mài vẽ trên nền dán vàng. Bộ 02 tấm.
    Cỡ 80cm x 60cm x 02 tấm = 80cm x 120cm. 



        Hình 02. " Đình tiền tạc dạ Nhất chi Mai ". Sơn mài vẽ trên nền thiếp vàng. Bộ 02 tấm.
                             Cỡ 80cm x 40cm x 02 = 80cm x 80cm.
   
                                             Cáo Tật Thị Chúng

                                    Xuân khứ bách hoa lạc
                                    Xuân đáo bách hoa khai
                                    Sự trục nhãn tiền quá
                                    Lão tùng đầu thượng lai
                                    Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
                                    Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
                                                                Thiền sư Mãn Giác 
                                                                                ( Nguồn Google ).


            Hình 03. Trăng và hoa. Sơn mài vẽ trên nền dán vàng. Bộ 03 tấm.
                  Cỡ 57.5cm x 38.5cm x 03 tấm = 57.5cm x 115.5cm.


          Hình 04. Mùa hoa đỏ. Sơn mài vẽ trên nền dán vàng. Bộ 03 tấm.
                       Cỡ 57.5cm x 38.5cm x 03 tấm = 57.5cm x 115.5cm.

      Từ lúc mua về trong đầu luôn có những thắc mắc.
- Tại sao tranh Nhật lại được thực hiện trên vóc sơn mài của Việt Nam?
- Với một bút pháp và kỹ thuật dán vàng lá có chất lượng rất cao. Không dễ thực hiện cho người thợ non tay và không qua trường lớp lẫn kinh nghiệm. Ai vẽ?
- Toàn bộ đều phủ sơn polysai của Nhật. Khác biệt hoàn toàn so với kỹ thuật vẽ dặm, phủ và mài của sơn mài truyền thống Việt Nam. Ở đâu thực hiện?
- Với mẫu mã rất Nhật này. Phải chăng do một lò sơn mài của Việt Nam làm gia công cho cơ sở nào đó bên Nhật Bản nên không thích danh vào?
- Nếu cho là tranh mua từ Nhật nhập khẩu về tại sao không thấy có ký hiệu của nơi sản xuất? ( Điều này được đặt ra nhưng loại bỏ ngay vì lý do khi quan sát các tấm vóc. Nó cho thấy toàn bộ những tấm vóc này làm ở Việt Nam. Không phải do Nhật sản xuất ).
    Một giải thích được cho là hợp lý nhất sau khi đã bỏ công mày mò tìm hiểu.  Phải chăng những bộ tranh sơn mài này do một lò làm sơn mài nào đó của Việt Nam làm gia công cho một cơ sở của Nhật. Bởi những lý do sau.
- Mẫu mã rất Nhật Bản.
- Phong cách và kỹ thuật vẽ cũng theo lối Nhật.
- Kỹ thuật dán vàng trên toàn thể diện tích mặt vóc theo phong cách Nhật rất chuyên nghiệp chứng tỏ người thực hiện được đào tạo rất kỹ.
- Bút pháp vẽ, điểm xuyết trên nền dán vàng cho thấy phải là họa sĩ có tay nghề rất điêu luyện.
- Lớp Polysai phủ sau cùng lên tác phẩm cũng là của Nhật.
- Không có dấu hiệu nào của sơn mài truyền thống Việt Nam ngoại trừ những tấm vóc.

      Tất cả những yếu tố về Nhật hiển nhiên này đã làm tôi không còn có khái niệm gì khác nên chấp nhận giả thiết " gia công ". Chính từ suy nghĩ này đã làm tôi ít còn quan tâm tìm hiểu thêm về nó. Một phần do tài liệu để tham khảo về các cơ sở sản xuất sơn mài rất hiếm, cố tìm mà vẫn không ra. Mặc dù khi đó tôi có nghe qua những người bạn họa sĩ nói về các lò chuyên làm tranh sơn mài có khuynh hướng thiên về nghệ thuật với những bút pháp khá cầu kỳ như. Lê Thy ( Lê Thy cũng có làm tranh sơn mài theo lối Nhật ), Trần Hà, Nguyễn văn Minh. Nhưng không có gì dẫn chứng cụ thể. Ngoài Thành Lễ còn rất nhiều sản phẩm trên thị trường và một số lò khác nữa còn tồn tại đến sau này nhưng tất cả đều nặng về hàng mỹ nghệ với sơn ta hơn với kỹ thuật vẽ tương đối đơn giản không thấy chiều hướng Nhật Bản trong sản phẩm của họ.
    Cho đến gần đây khi có dịp trao đổi với một người bạn về một bộ sơn mài của cố họa sĩ Nguyễn văn Minh được bán cho một nhà sưu tập người nước ngoài. Tác phẩm này đã được báo chí đăng tin khá là đình đám mà tôi không có cơ hội theo dõi nên không được biết. Người bạn tôi cho rằng tác phẩm của Nguyễn văn Minh được bán đó có chiều hướng không phải của họa sĩ Nguyễn văn Minh và anh đã dẫn chứng bằng chính bộ tranh hiện anh đang lưu giữ. Tôi thấy rằng những gì anh nói cũng chưa hẳn đúng hoàn toàn vì nhìn qua ảnh chụp rất khó phán đoán. ( Sau này anh có cho xem qua hình chụp bộ tranh của anh thì mới thấy có sự khác biệt rất lớn. Bức tranh của anh Nguyễn văn Minh vẽ trên nền dát vàng còn bức kia trên vóc sơn không dát vàng và tôi đã hiểu bộ nào thật và bộ nào giả. Nên nhớ cho là kỹ thuật dán vàng trên vóc rất khó khăn, tốn kém về thời gian mà còn đầu tư về tài chánh không ít, đã vậy khi vẽ lên chất liệu vàng nó đòi hỏi ở người họa sĩ phải có chuyên môn cao mới đáp ứng được tính chất trơ của kim loại không giống như mặt vóc chính vì vậy mà các lò khác ít thực hiện ). 
    Rồi cũng từ buổi trao đổi này làm tôi chợt nhớ lại mấy bộ sơn mài của mình đã từ lâu nằm im trong nhà. Tôi đã cố gắng tìm hiểu về họa sĩ Nguyễn văn Minh qua các trang trên mạng và đã tìm được đôi điều để lý giải sự việc. Chưa rõ Ất Giáp như thế nào. Nhưng đem so sánh với tư liệu trên mạng cho thấy những bộ tranh tôi đang lưu giữ có rất nhiều điểm tương đồng. Từ phong cách, kỹ thuật vẽ trên nền vóc dán vàng bạc và kỹ thuật phủ sơn rồi đến cách dùng vóc ( đa phần là những bộ có hai hoặc ba tấm, rất ít thấy một tấm ). Không thể quyết đoán là những bộ này do họa sĩ Nguyễn văn Minh thực hiện. Nhưng với những dấu hiệu rất dặc trưng của ông, nếu cho rằng những bộ tranh này do ông vẽ chưa kịp ký tên và đã phải bỏ lửng vì vấp phải giai đoạn 30 tháng 4 năm 1975 thì cũng không lấy gì cho là không phải. Xét cho cùng những lò sản xuất sơn mài khác như Thành Lễ, Trần Hà và một số lò nhỏ không mấy danh tiếng cùng thời. Mỗi chỗ đều có những kỹ thuật và kiểu thức riêng khác hẳn với cung cách của lò sơn mài kiểu Nhật mà họa sĩ Nguyễn văn Minh đã đeo đuổi. Lò sơn mài Lê Thy cũng có sản phẩm theo kiểu Nhật nhưng lại khai thác những đề tài thuần Việt. Tôi đã gặp một tác phẩm vẽ người Thượng nằm trên võng hút tẩu và một bức vẽ tượng Angkor của họa sĩ Lê Thy trên vóc thường chứ không làm trên nền dát vàng như của Nguyễn văn Minh và lò Lê Thy đã chết yểu trước khi triều đại của Tổng Thống Ngô Đình Diệm sập năm 1963. 
      Như vậy có thể khẳng định trước năm 1975. Duy nhất có Lò Mê-Linh là làm theo phong cách Nhật Bản mà thôi.

   
    
    II - Nếu như đặt giả thiết những bộ sơn mài theo phong cách Nhật này không phải do Nguyễn văn Minh làm. Vậy lò sơn mài nào sau 1975 có khả năng thực hiện?

     Rõ ràng ch có ha sĩ Nguyn văn Minh và Trung tâm MÊ LINH (1) do ông làm Giám đc mi làm theo cung cách Nht này mà thôi. Còn ngoài ra chưa thy cá nhân ai hoc lò nào đó thc hin theo mô thc Nht Bn này ti Vit-Nam. Mặc dù sau năm 1975. Vào nhng năm 1980 đến 1990. Các ha sĩ đ xô đi v la hoc làm sơn mài đ bán cho Vit kiu hay nhng người xut cnh din H.O. Nhưng ch yếu là theo cung cách sơn mài truyn thng hay cn c màu. Không thy mt ai làm sơn mài theo phong cách Nht Bn chí ít cũng cho đến năm 2004, khi tôi mua nhng b sơn mài này. 
 
     Năm 1975. Họa sĩ Nguyễn-văn-Minh rời khỏi đất nước sang định cư tại Hoa-Kỳ. Năm 1990. Họa sĩ Nguyễn-văn-Minh mới nhận day nữ họa sĩ Phi Mai làm sơn mài. Có nghĩa là từ năm 1990 đổ về sau mới có một người làm theo phong cách Nhật giống như Nguyễn văn Minh nhưng không ở trong đất nước Việt Nam.
   Tôi mua những bộ tranh này vào khoảng năm 2004 tại Saigòn. Nếu như dựa theo lập luận vừa nêu thì chỉ có hai người làm theo cung cách Nhật này là Nguyễn-văn-Minh và Phi-Mai. Nếu nói rằng không phải họa sĩ Nguyễn-văn-Minh làm. Vậy chỉ còn lại Phi-Mai. Tính khoảng cách thời gian Phi-Mai theo học năm 1990 đến năm tôi mua là 2004. Như vậy có khoảng thời gian cũng khá dài đến 14 năm. Ở khoảng thời gian dài như thế này biết đâu nữ họa sĩ Phi-Mai thực hiện thì sao? Hoặc cũng có thể do một nghệ nhân nào khác làm? Nó sẽ rơi vào trường hợp nào? 
 
     1 - Với nữ họa sĩ Phi-Mai.
    - Họa sĩ Phi-Mai làm xong mang từ Mỹ về Việt-Nam để tặng ai đó?  
    - Hoặc Phi-Mai về Việt Nam làm rồi để lại không mang về Mỹ?
     Nếu vậy sao không thấy ký tên? Đâu có gì trở ngại cho việc họa sĩ Phi Mai ký tên vào tác phẩm của mình... vì vậy chuyện Phi Mai chở từ Mỹ về hoặc về Việt Nam làm rồi bỏ lửng. Cả hai xem ra không hợp lý. Một gợi ý về chuyện dát vàng lên mặt vóc. Thời của Cty. Mê-Linh trước 1975 chắc chắn sẽ có nhóm thợ chuyên trách về mảng này, các họa sĩ chỉ việc vẽ lên mà thôi. Vì vậy khi ở Hoa-Kỳ. Ông Nguyễn-văn-Minh và Phi-Mai phải tự làm nếu không có thợ chuyên môn phụ giúp... Khả năng nào cho Phi-Mai khi về Việt-Nam vừa phải làm vóc vừa vẽ? 

     2 - Trường hợp không phải do Nguyễn-văn-Minh và Phi-Mai làm. Chỉ còn một hướng giải thích là do Trung tâm Mê Linh của Nguyễn văn Minh thực hiện vào thời điểm trước năm 1975 là hợp lý nhất. Với số tác phẩm sơn mài được giới thiêu trên đây chứa đựng đầy kỹ thuật mang tính đặc thù của Nhật Bản. Ngoài kỹ thuất dán vàng bạc trên vóc có thể do nhóm thợ có tay nghề cao thực hiện. Từ phần kỹ năng phối màu điêu luyện đến phong cách vẽ, nếu không phải là người có kinh qua trường lớp đào tạo chuyên môn thì sẽ rất khó mà thực hiện được như thế. Mà nếu như một người thợ nào đó đạt được hiệu quả cao như vậy, họ đã trở thành họa sĩ có tên tuổi trong Cty và đương nhiên là họ sẽ ký tên của mình vào chứ không thể bỏ lửng như vậy. Xin lưu ý. Những sản phẩm của Cty. Mê-Linh làm ra đa phần là hàng tiểu thủ công mỹ nghệ do những người thợ hoặc nghệ nhân trực thuộc Cty thực hiện và được mang tên Mê-Linh. Chứ không thể mang tên họa sĩ Nguyễn-văn-Minh.

    Chuyện không thấy chữ ký trên những bộ tranh có thể vì một lý do bất khả kháng nào đó mà người vẽ đã chưa kịp thích danh vào tác phẩm. Đó cũng là một ẩn số cần tìm lời giải đáp cho nhiều tác phẩm hội họa trên họa trường Việt-Nam hiện nay chứ không chỉ riêng gì họa sĩ Nguyễn-văn-Minh. 
      

     III - Sự khác biệt giữa tranh sơn của Nhật và sơn mài Việt Nam.
     Ở đây không nói đến thể loại tranh sơn khắc trũng và cẩn vỏ ốc màu cũng như những loại sơn mài mỹ nghệ khác mà chỉ muốn so sánh giới hạn đến thể loại tranh vẽ trên vóc mà thôi.
     Theo như tôi được biết. Các lò làm sơn mài ngoài đội ngũ họa sĩ sáng tác mẫu mã ra còn có các nhóm thợ chuyên trách cho từng công đoạn... Tùy theo cơ sở lớn hay nhỏ sẽ cho ra nhiều hay giới hạn những loại sản phẩm được đưa ra thị trường tiêu thụ...

     - Đa phần toàn bộ mặt vóc tranh Nhật Bản đều được dán vàng, bạc lá.// Việt Nam không mà chỉ dùng vàng, bạc lá để điểm xuyết tạo hiệu ứng giữa các màu.

    - Vẽ trực tiếp trên mặt vàng bạc, dùng sơn pha loãng như mực viết nên nét bút trông rất óng ả, mềm mại, tự nhiên.// Việt Nam dùng sơn tương đối quánh dặm từ từ trên mặt vóc thô nên không thấy được nét bút linh hoạt. Nhưng bù lại lúc mài bóc lớp sơn phủ đi cùng sự mài mòn lớp sơn vẽ sẽ cho thấy những hiệu ứng hòa sắc rất sinh động.( Ở đây chỉ nói đến tranh nghệ thuật, hàng mỹ nghệ không có chuyện này ).

    - Lớp sơn phủ polysai có đặc tính trong, mau khô nên chỉ cần mài nhẹ để tạo độ phẳng.// Lớp sơn phủ Việt Nam chậm khô nên phải ủ một thời gian khá lâu. Khi sơn khô mới đem ra mài xong rồi vẽ lại và phải làm qua các công đoạn vẽ - phủ - ủ - mài vài lần như thế mới xong. Do vậy mà tốn nhiều thời gian hơn. ( Việc này cũng còn tùy theo cách thể hiện tác phẩm của họa sĩ mà sẽ phải làm nhiều hay ít những công đoạn này ).

    - Cách sử dụng vỏ trứng gần giống nhau.

   - Vóc dùng để vẽ có khuynh hướng giống nhau.

   - Cùng đòi hỏi độ phẳng trên bề mặt vóc. Riêng về các phẩm theo phong cách Nhật không đòi hỏi độ phẳng. Nó có thể mấp mô gồ ghề không cần độ bóng.// Của Việt-Nam phải có độ phẳng tuyệt đối và độ bóng càng cao càng tốt.

   - Màu sắc sử dụng cho tranh sơn mài Nhật có phần phong phú hơn của Việt Nam bởi do sự phát triển sớm về chất liệu. Một phần lớp sơn phủ polysai không làm cho màu sắc bị ảnh hưởng như lớp sơn Phú Thọ hay Nam Vang. Hai loại sơn ta này rất mạnh, khi pha trộn với chất liệu màu phải là chất vô cơ mới chịu nổi. Nếu màu là chất hữu cơ sẽ bị chất acid của sơn ta hủy hoại làm cho biến dạng, hư hỏng.
    Trên đây chỉ dẫn chứng một số sự khác biệt giữa hai loại sơn mài và chỉ mang tính khái quát để phần nào giúp cho người thưởng ngoạn có được sự phân biệt dễ dàng khi đứng trước những tác phẩm đó.

    Để lý giải cho việc không thấy ký tên tác giả cũng như không thấy tên của cơ sở sản xuất.
    Nếu cho rằng của Nguyễn văn Minh thực hiện hoặc cơ sở nào đó thì chắc chắn những bộ tranh này phải được hoàn tất vào thời điểm rất gần với ngày tháng 30/4/1975. Phải chăng quãng thời gian lộn xộn này chính là điều trở ngại cho việc thích danh vào tác phẩm? 

    Xin trích đăng một đoạn nói về họa sĩ Nguyễn văn Minh mà trong đó có nhiều điều làm điểm tựa mà tôi đã dựa vào để lý giải cho những bộ tranh sơn mài này là do chính họa sĩ Nguyễn văn Minh thực hiện chưa kịp ký tên.
      
       IV - Kết luận.
       Trở lại với những bộ sơn mài được nêu trong bài này. Tất đều có lối vẽ mang đậm chất nghệ thuật, bút pháp linh hoạt tinh tế, sắc độ phong phú. Trên nền dát vàng mà như vẽ trên nền giấy mà cũng chỉ có thể thực hiện một lần duy nhất không thể sao chép rập khuôn hàng loạt cho được... Đó là dấu hiệu độc bản của tranh mỹ thuật. Dựa vào những yếu tố cá biệt, phức hợp này. Nếu bảo rằng đây là những bộ sơn mài do họa sĩ Nguyễn Văn Minh thực hiện cũng là điều hợp lý... 

      V - Sơ lược về tiểu sử họa sĩ Nguyễn văn Minh.

   "...Họa sĩ Nguyễn Văn Minh sanh ngày 26 tháng 10 năm 1934 tại Làng Bình Hòa, tỉnh Gia Định. Năm ông 12 tuổi, cha ông qua đời để lại một góa phụ và 2 đứa con trai còn thơ dại. Năm 16 tuổi, ông phải rời học đường để phụ giúp mẹ kiếm ăn nuôi gia đình và người em trai, ông Nguyễn Văn Tâm. Nhưng ý chí bất khuất và tánh mê học đã giúp ông xin được học bổng vào trung Tâm Khuyếch Trương Tiểu Công Nghệ năm 1954. Tại đây, ông đã phát hiện năng khiếu của mình. Với thiên tài về ngành mỹ thuật hội họa, ông đã đậu thủ khoa dễ dàng. Sau đó, ông liên tục được các học bổng sang Nhật huấn luyện thêm về kỹ thuật tranh sơn mài tại National Industrial Arts and Research Institute tại KyotoSendai. Từ đó, nghệ thuật và tài năng của ông nở rộ như đóa mẫu đơn—đa dạng, đa nét, đa cảm, nhưng không kém sức trường tồn và uyển chuyển với những thay đổi của cuộc đời. Tưởng cũng nên nhắc lại, trong thời gian ấy, dưới sự hướng dẫn của Giáo Sư kiêm Họa Sư Nguyễn Văn Rô, 2 tài năng mới đã được đào tạo cho ngành mỹ thuật sơn mài: Họa Sĩ Nguyễn Văn Minh và họa Sĩ Nguyễn Văn Trung. Và họ cũng là đôi bạn chí thân từ bao năm qua. 

   Năm 1962, Họa sĩ Minh được bổ nhiệm làm Quản đốc ngành Mỹ Thuật và Sơn Mài. Năm 1965, dưới sự giúp đỡ âm thầm của Cố Trung Tướng Đỗ Cao Trí, ông đã cùng Họa Sĩ Trung sáng lập Trung Tâm Mê Linh với hơn 100 nhân viên. "

                                                          ( Nguồn: Google về họa sĩ Nguyễn văn Minh ).
 

 “ ...... Họa sĩ Nguyễn Văn Minh không phải là tên tuổi xa lạ gì với giới nghệ sĩ Việt Nam, vì ông là người đã vẽ những tranh sơn mài hòanh tráng trong dinh độc lập từ thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm còn sinh tiền. Ông cũng là người đã được giới thưởng ngọan tranh sơn mài ở Âu Châu, đặc biệt là Pháp ngưỡng mộ. Ông Minh là một trong những họa sĩ đương đại thời danh, sau khi tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật ở Sài Gòn, ông có dịp đi tu nghiệp ngành sơn mài ở Nhật. Sau thời gian tu nghiệp, họa phẩm sơn mài của ông Nguyễn Văn Minh đã được triển lãm tại nhiều thành phố lớn trên thế giới như Pháp, Anh, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Chất liệu làm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Văn Minh không những gom các tinh túy của sơn ta Việt Nam mà còn dùng cả những chất liệu mới của Nhật. Đặc tính của ông là tranh sơn mài nào cũng có lót lá vàng hay lá bạc làm nền. Khác với khuôn thước sơn mài cũ của ngành mỹ nghệ Việt Nam, hình thức, bố cục trong các tranh của Nguyễn Văn Minh phóng khóang, sáng tạo, mới mẻ, nên đạt trình độ một tác phẩm nghệ thuật chứ không nằm trong dụng công trang trí bình thường của lọai sơn mài kỹ nghệ thường thấy trước đây.
Họa sĩ Nguyễn Văn Minh được trao thưởng huân chương bạc tại Rome năm 1963 trong cuộc triễn lãm Nghệ Thuật Quốc Tế, và huân chương Vàng của Viện Hàn Lâm Khoa Học, Nghệ Thuật và Văn Chương ở Pháp năm 1982. Tòa đại sứ Pháp trong phần giới thiệu cho hay tranh ông dù là phong cảnh, chân dung hay tĩnh vật đểu tạo được sự hòa hợp giữa màu sắc và kỹ thuật trác tuyệt.
Cùng triển lãm với họa sĩ Nguyễn Văn Minh trong cuộc trưng bày 53 hoa phẩm lớn nhỏ kỳ này ở Nhà Văn Hóa Pháp là tranh của Phi Mai, đệ tử đầu tiên và có lẽ là duy nhất của ông vể sơn mài. Trong cuộc triển lãm đầu tay này, cô Phi Mai, ngừoi theo học với ông Minh từ năm 1990 đã tỏ ra vững chãi và thành công khi giới thiệu các tác phẩm sơn mài của cô. Phong cách mới cùng việc chọn lựa đề tài độc đáo đã khiến cho Phi Mai tạo được một không khí độc đáo nếu không nói là một chỗ đứng riêng biệt, cho dù được đào tạo bởi bậc thầy sơn mài ”......
                                                       
                                        ( Nguồn: Triển lãm tranh sơn mài của hai họa sĩ Nguyễn văn Minh và Phi Mai ).
            
            VI - Hai tác phẩm sơn mài của Phi Mai. Học trò họa sĩ Nguyễn văn Minh.

   Hình 05.  Tác phẩm “ Heo may ” của nữ họa sĩ Phi Mai. Học trò của họa sĩ Nguyễn văn Minh đã theo học ông ở Mỹ quốc. Một hình thái rất Nhật cho thấy nữ họa sĩ này đã ảnh hưởng rất sâu nặng về phong cách cũng như kỹ thuật cùng bút pháp của thày mình…

Hình 05. Họa sĩ Phi Mai. Heo may. Son mài vẽ trên nền vàng lá.


                             Hình 05bis. Họa sĩ Phi Mai. Tiếng sóng. Sơn mài vẽ trên nền bạc lá.


                     VII -  Một vài tác phẩm của họa sĩ Nguyễn văn Minh trên mạng.

Nguyễn văn Minh. Sau 1975. (Nguồn. Người Đô Thị).

Nguyễn Văn Minh. Sau 1975. (Nguồn. Người Đô Thị).

Nguyễn văn Minh. (Nguồn: Google)

Nguyễn văn Minh. 1978. (Nguồn Charles Hoàng)


 Nguyễn văn Minh, Năm vẽ trước 1975. (Cauminhngoc)


                                                     Nguyễn Văn Minh. (Nguồn. Google).

Nguyễn Văn Minh. Trên nền nhũ bạc. (Nguồn. Google)





  Trong Dinh Độc Lập.

Hình 11. Phòng Trình Quốc Thư trong Dinh Độc Lập Saigon. Do họa sĩ Nguyễn văn Minh thực hiện trang trí toàn bộ từ tranh tường cho đến các bộ bàn ghế bằng sơn mài. (ảnh của người viết chụp)

Hình 12. Kỹ thuật sơn mài đắp nổi. ( Chi tiết một góc tác phẩm trên ).


   Hình 13. Kỹ thuật thiếp và vẽ trên mặt lá vàng quỳ do họa sĩ Nguyễn văn Minh đảm nhận thực hiện ở phần vách tường phòng Trình Quốc Thư trong Dinh Độc Lập.

                   Hình 13bis. Chi tiết cận cảnh một mảng tường thiếp vàng quỳ và vẽ của hình 13.

Tranh của Nguyễn văn Minh bán được 28.000 EUR trong buổi bán đấu giá do nhà Varolem tổ chức tại Paris vào tháng 04/ 2018.

   Ngoài những tác phẩm sáng tác, họa sĩ Nguyễn văn Minh cũng còn khai thác những hình ảnh xưa cổ nghệ thuật phương Đông và của Nhật để đưa vào tranh của mình như vài bức minh họa dưới đây. Tất cả thực hiện trên nền dán vàng hoặc bạc.
                                    Hình 06. Săn vịt trời.


                                     Hình 07. Phong cảnh.


                                       Hình 08. Sóng biển.



                                    Hình 09. Ngựa chiến.
                                  
                             Tranh sơn mài thuần túy của Nhật Bản.



Hình 14. Hoa .


Hình 15. Vườn hoa.
( Tất cả tranh minh họa từ Hình 05 đến hình 10 và hình 14, 15. lấy theo nguồn Google ).

Trên đây là sự lập luận chủ quan để lý giải cho một sự việc còn mù mờ chưa rõ. Đã vậy nguồn tham khảo lại quá khan hiếm. Rất mong nhận được sự góp ý... 


(1) Năm 1962. Họa sĩ Nguyễn văn Minh được Trung tâm Khuếch trương Tiểu công nghệ giao phó quản lý cơ sở “Thí điểm Sơn mài” ở ngôi nhà số 3 đường Phạm Đăng Hưng (nay là đường Mai Thị Lựu, khu Đa Kao, quận 1). Năm 1965, “Thí điểm sơn mài” này đổi thành “Công ty Việt Nam Mỹ nghệ Mê Linh” và họa sĩ Nguyễn Văn Minh được đề cử làm giám đốc, tổ chức theo chế độ tự túc. (Nguồn: Công ty sơn mài Mê Linh. Một huyền thoại. Tạp chí điện tử. NGƯỜI ĐÔ THỊ).

Cauminhngoc
21/7/2014

Thứ Sáu, 11 tháng 7, 2014

ĐÔI ĐIỀU VỀ HỌA SĨ TẠ TỴ VỚI BẠN BÈ TRÊN " PHOMUABAN".

      

Tạ Tỵ. Lòng mẹ. Điêu khắc đồng/ nền ván ép. KT: 67cm x 82cm. (Tính luôn khung). Cuối thập niên 50/TK.20. Chữ ký bằng logo nằm trong nhãn "Lòng mẹ".





     Cảm ơn bạn các cùng đồng quan điểm. Xin nhắc lại. Ở đây ngoài chuyện muốn chứng minh tác phẩm này của ai, người viết còn muốn đào sâu tìm hiểu những tư duy mà tác giả đã dàn trải đến từng chi tiết. Đồng nghĩa với việc có tham vọng đọc và giải mã ngôn ngữ nghệ thuật của Ta Tỵ đã khắc họa trên tác phẩm “ Lòng mẹ ” này. Tất cả từ việc đọc đến chuyện giải mã đều được chứng minh bằng những ý tưởng hay lời phát ngôn của họa sĩ Tạ Tỵ thông qua các văn bản cụ thể hay bằng những đóng góp của các nhà phê bình nghệ thuật có uy tín. Không phải là chuyện áp đặt từ suy diễn viển vông  của người viết mà ra. Nơi đây người viết cũng cố ra sức tìm hiểu, minh chứng rằng Tạ Tỵ đã đi trước thời đại. Về việc ông muốn phá bỏ cái nền tảng rập khuôn cổ điển cứng ngắc của Trường Mỹ thuật Đông Dương mà một thời đã theo học đã được ông giãi bày.  " tôi chỉ là người họa sĩ Việtnam mở đườngphá vỡ cái quan niệm cũ rích của nền hội họa do Trường Mỹ thuật Đông  Dương đào tạo, đạp đổ bức tường thành kiến, coi người họa sĩ là chiếc máy chụp hình, một người thợ vẽ không hơn  là nhà sáng tạo “. ( Nguồn: nguyentrongtạo.info ). 
   Một cuộc độc hành không có người tri kỷ trên con đường đầy thành kiến “ ôn cố mà không tri tân ”. Mặc dù không thuận lợi, nhưng ông vẫn kiên gan bền chí và tìm mọi cách để dàn trải suy nghĩ của mình với tha nhân. Những lời nói có người cho rằng " ăn cháo đá bát " ?  Không phải vậy! Đó là suy nghĩ của những thế hệ đi sau trong tinh thần thông tuệ. Biết cầu tiến. Biết cách phát huy tính kế thừa và muốn vượt thoát khỏi thành kiến theo nếp “ Thày đã dạy ” của người phương Đông để tìm một con đường phù hợp với đà tiến hóa cho thế hệ của mình. Không thể mãi “ nhai lại ” quá khứ vàng son mà rung đùi yên chí rằng đó là những gì trác tuyệt. Tạ Tỵ đã chấp nhận sự ruồng bỏ của những con người bảo thủ khi đứng trước tác phẩm của mình. Dẫu có thế nào. Ông vẫn mạnh dạn không từ bỏ khuynh hướng mà  ông cho là tích cực và mong mỏi đánh động vào lớp người cấp tiến trong xã hội đương thời …
     Không rõ và cũng chưa ai có thể hệ thống được họa sĩ Tạ Tỵ cũng là nhà văn, nhà thơ khoác áo lính đã sáng tác được bao nhiêu…tác phẩm mỹ thuật.( Có lẽ chúng ta rất khó mà tìm được một tác phẩm nào của ông mang màu sắc " chính trị chỉ đạo ". Mặc dù ông là người của Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị của chế độ ). Những tác phẩm thuần nghệ thuật đó hiện đang ở đâu. Còn hay mất? Không ai rõ. Chỉ thấy hiện tại những tác phẩm của Tạ Tỵ rất hiếm trên mặt bằng xã hội và những gì của ông đang được giới sưu tập rất ưa thích, ra sức săn lùng lưu giữ…Tác phẩm của Tạ Tỵ không mượt mà, mỹ miều dễ xem…Tất cả là những hình thù gấp khúc, góc cạnh…nhưng tiềm ẩn một sức sống thật mãnh liệt, đầy ắp những tư duy. Càng tìm hiểu càng thấy có những gì đó trăn trở, khắc khoải trong tim bởi hình thể và màu sắc đó. Hãy nhìn xem những gì ông đã làm với đôi mắt bác học. Hãy tìm hiểu những gì ông để lại với trí tri thông tuệ…Không rõ điều này có phải là sự đòi hỏi thái quá của ngưởi viết không? Nhưng muốn đọc và hiểu một tác phẩm mỹ thuật bằng ngôn ngữ nghệ thuật có lẽ phải như vậy.

Cauminhngoc 

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

NGUYỄN TRUNG CANG VÀ 18 TÌNH KHÚC.

 


....Có thể nói rằng, cùng với Lê Hựu Hà, Nam Lộc, Tùng Giang, Trường Kỳ, Jo Marcel thì Nguyễn Trung Cang là nhạc sĩ đi tiên phong, khai sáng nhạc trẻ tại miền Nam trước 1975. Cho đến nay, chính giới nghiên cứu âm nhạc và những bạn bè cùng thời với Nguyễn Trung Cang cũng chưa nắm chắc năm sinh và năm mất của ông. Chỉ có một số nguồn tin gợi mở cho biết, Nguyễn Trung Cang sinh năm 1947, mất năm 1985 khi chưa đầy 40 tuổi. Cái chết của Nguyễn Trung Cang đến nay vẫn còn là ẩn số đối với nhiều bạn bè và giới mộ đạo say mê các tuyệt phẩm của ông. 

....Elvis Phương, Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang là những trụ cột chính của ban nhạc Phượng Hoàng - ban nhạc đã làm nên một cuộc cách mạng cho nhạc trẻ Việt Nam trong thập niên 60 - 70. Những ca khúc của Nguyễn Trung Cang - người nhạc sĩ phiêu lưu trên những nẻo đường Sài Gòn xưa cũ rơi vào vòng quay hiện sinh không lối thoát, buồn và bế tắc. Đó là nỗi buồn của một thế hệ quay cuồng trong những bi kịch tinh thần.
( Nguồn. Goolge./ Nhạc sĩ Nguyễn trung Cang./ Người Đưa tin ).




  Nguyễn trung Cang được cho là sinh năm 1947 và mất vào năm 1985.
  Đây là tập bản thảo " 18 tình khúc của Nguyễn trung Cang ". Bìa do họa sĩ Phạm băng Hồ vẽ bằng bút sắt mực nho. Phần trình bày do " Tr.pbh " thực hiện có ghi dành tặng cho anh Mai bàng Truyền. Tập nhạc tính cả bìa gồm 44 trang. Toàn bộ viết tay. Khổ giấy: 17cm x 19.50cm. Với 18 tình khúc như sau.

01 - Nắng hạ.
02 - Còn nhìn nhau hôm nay.
03 - Chuyện tình ta.
04 - Mây tóc.
05 - Thoáng mơ.
06 - Mây lang thang.
07 - Tình muộn.
08 - Tình còn lất phất mưa bay.
09 - Tình ca hồng.
10 - Khi còn bên nhau.
11 - Đưa em vào luân vũ.
12 - Biệt khúc.
13 - Thương nhau ngày mưa.
14 - Bước tình hồng.
15 - Lời nào muốn nói.
16 - Đông ca.
17 - Tiễn em qua đời.
18 - Một giấc mơ.
       
      Tập nhạc làm xong ngày 05/05/1980. Không rõ là " 18 tình khúc " này của cố nhạc sĩ Nguyễn trung Cang đã in và phát hành và cho phổ biến rộng rãi trong xã hội chưa?

LƯU Ý:  Người đăng tin có lời xin lỗi! Toàn bộ 18 tình khúc của cố nhạc sĩ Nguyễn trung Cang này chỉ trích đăng một nửa bài bên phía trái, nơi có ghi đề tựa bài hát mà thôi...mà không đăng trọn bài.

       
          HÌNH ẢNH VỀ TẬP 18 TÌNH KHÚC CỦA CỐ NHẠC SĨ NGUYỄN TRUNG CANG.


Hình 01. Bìa tập nhạc.


 
Hình 02&03. Trang đầu và Trang mục lục.


Hình 04&05. Ca khúc Nắng Hạ và Còn nhìn nhau hôm nay.



  
Hình 06&07. Ca khúc Chuyện tình ta và Mây tóc.


 
Hình 08&09. Ca khúc Thoáng mơ và Mây lang thang.


 
Hình 10&11. Ca khúc Tình muộn và Tình còn lất phất mưa bay.


 
Hình 12&13.  Ca khúc Tình ca hồng và Khi còn bên nhau.


 
Hình 14. Ca khúc Đưa em vào luân vũ và Biệt khúc.


 
Hình 16&17- Ca khúc Thương nhau ngày mưa và Bước tình hồng.


 
Hình 18&19. Ca khúc Lời nào muốn nói và Đông ca.


 
Hình 20&21. Ca khúc Tiễn em qua đời và Một giấc mơ.

         Dựa vào thời điểm ghi ngày hoàn thành vào năm 1980. Nếu cho rằng tập nhạc này được làm ra dùng cho việc xin cấp giấy phép để in là điều không thể, bởi vào những năm 1980 mới Giải Phóng xong, việc kiểm duyệt về văn hóa rất gắt gao. Chuyện cấp giấy phép để cho in một quyển nhạc được xếp vào loại nhạc vàng là điều khó mà chấp nhận về phía chính quyền. Vì thế, tập nhạc “18 tình khúc Nguyễn Trung Cang” này được xem như là bản mẫu dùng cho việc in lụa hay quay roneo thì hợp lý hơn. Cũng có thể là Nguyễn Trung Cang muốn thực hiện để sẵn đó khi nào thuận tiện sẽ đem ra xin giấy phép để in và phát hành hoặc thực hiện với mục đích để làm kỷ niệm.

        Nếu ai đã từng sống ở những năm 1975 đến 1980 (Tính đến năm Nguyễn Trung Cang thực hiện tập nhạc 18 Tình khúc). Đa số những người yêu thích nhạc. Không riêng gì Saigon mà đến cả miền Nam lúc đó đều sử dụng những bản nhạc qua in lụa hay quay roneo là chủ yếu (Nhạc tờ cũng có nhưng đắt và hiếm). Thời điểm này ở mấy giao điểm của những con đường Nguyễn Trung Trực, Nam kỳ khởi Nghĩa và Lê Lợi. Thuộc Quận I. Kéo lan qua đến tận khu Sở Giao Thông Công Chánh bên kia đường.

 (Khu vực này có thể xem như là cái chợ trời mua bán sách cũ trôi nổi của miền Nam trước 1975. Nó hình thành ngay từ những ngày sau Giải Phóng chứ không xa và chỉ tồn tại chừng hai ba năm (1975-1978). Sau đó nhà nước thấy khu chợ trời văn hóa đầy nọc độc tồn tại ngay giữa trung tâm đô hội trên trục đường Lê Lợi ngày càng phát triển, nó làm xấu đi bộ mặt thành phố đang trên đà nở hoa nên cần phải chấn chỉnh để giữ gìn kỷ cương phép nước. Thế rồi! Vào một hôm đầy bất ngờ, chính quyền sở tại đều những lực lượng nồng cốt là Thanh Niên Xung Phong và Thanh Niên Xung Kích bí mật âm thầm rải quân bít hết cả các nẻo đường ra vào khu chợ tự phát này. Nội bất xuất, ngoại bất nhập! Mọi người, trừ các ông già bà lão cùng trẻ em. Số còn lại nếu không có giấy tờ chứng minh là mình là CB, CNV đều bị gom bi lên xe đem đi thanh lọc. Sau đợt thanh tẩy gạn đục khơi trong này chính quyền thành phố cũng đã thể hiện tính bao dung. Mở một lối thoát cho đám lục bình trôi nổi này có cơ hội kiếm miếng cơm manh áo. Nghĩa là nhà nước mở lối cho đám con dân chợ trời không có chân đứng trong cơ quan nhà nước nhưng có vẻ làm ăn lương thiện được phép đăng ký với chính quyền. Sau đó được cấp phép quy về dựng sạp tại Khu Dân Sinh. Quận I. Cùng nhau đắp đổi qua ngày... Nhưng rồi sau một thời gian thấy tình hình không ổn vì sự bát nháo, lộn xộn giữa dân sinh và văn hóa. Nhà nước lại phải ra tay cho chuyển đám sách báo cũ về con đường Đặng Thị Nhu hay còn gọi là đường Cá Hấp, nằm song song với đường Trần Hưng Đạo, ngay sau lưng hãng máy may Sinco. Các hộ về đây hình thành trên 100 sạp. Đến năm 1982. Thông Tin Văn Hóa. Quận I, ra tay làm một đợt cải tổ. Không cho đám con dân tự quản nữa mà đưa chính quyền vào lâp Ban Quản Lý chợ chịu trách nhiệm điều hành. Lúc này một số sạp đã bị thu hồi giấy phép vì vi phạm quy định của chính quyền nên chỉ còn hơn 90 sạp. Rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến. Năm 1984 thì dứt nọc khu chợ sách cũ ngàn năm một thuở, có một không hai trên cả nước vào khi này. Cũng vẫn sách lược cũ là bít cho hai đầu. Tất cả chủ sạp tự bỏ tiền túi mua bao rồi tự mình bỏ hết của nả, không chừa đến một tờ giấy vào bao rồi tự vác ra xe để nhà nước chở đi kiểm tra. Ai không vác được thì mướn người. Nhân viên nhà nước vô can. Sau vài tháng của đau con sót chơ đợi vô vọng. Tất cả tài sản của trên 90 sạp bị om hết vào số 117 Lê Lợi với danh nghĩa ký gởi. Nhà nước đứng ra quản lý tuyệt đối và đặc biệt ưu tiên tuyển một số chủ sạp mà nhà nước tín cẩn vào làm nhân viên phụ trách mua bán, hưởng lương theo tuần do nhà nước cấp phát. Số còn lại về nhà tự bươn chải kiếm sống. Chờ hàng tuần ra cửa hàng 117 dò danh sách xem bán đươc bao nhiêu thì lãnh về. Nếu không có thì về chờ tuần sau ra dò tiếp. Sau đôi ba lần ra có về không, mọi người nhận đươc thông báo là sách bán không được nên đã đem cân ký cho lò nấu giấy hết rồi. Những hộ kém may mắn này nhận được một khỏa tiền tượng trưng về đong gạo HTX cho đỡ buồn. Không rõ là ông trời có mắt hay không! Cửa hàng 117 Lê Lợi tồn tại được mấy năm, rồi do không có nguồn cung, mua bán càng ngày càng kém mà cứ phải nai lưng ra trả lương nên "vua chết trạng chết theo"). 

     Trở lại chuyện ở góc đường Nguyễn Trung Trực và Lê Lợi ở giai đoạn tranh tối tranh sáng, nhà nước chưa thể ổn định. Có thể nói đây là trung tâm phát hành nhạc lậu. Có đủ loại nhạc. Nhạc tập, nhạc tờ cũ trước 1975. Nhạc Cách Mạng, nhạc cổ điển Tây phương cho guitar classsic, từ rời cho đến đóng tập mọi thứ đều thông qua in lụa hay roneo trên các loại giấy tốt và xấu, chúng đều không rõ nguồn gốc. Tựu chung các mặt hàng in lậu đều tập kết ở khu vực bỏ sỉ này để rồi phát hành đi khắp nơi. Nổi trội hơn cả là gia đình Minh Phát. Sở hữu một kios ở góc đường Nguyễn Trung Trực và Lê Lợi. Khá nổi tiếng với việc phát hành nhạc tờ từ trước năm 1975. Các nhạc sĩ gặp khó khăn hay mới vào nghề thường tìm gặp ông để thương lượng. Nhưng thường là nhượng đứt bản quyền cho ông Minh Phát để ẵm một số tiền về nhấm nháp cầm hơi qua ngày để mà viết tiếp. Công việc phát hành nhạc của ông rất khấm khá nên có thừa tiền để nuôi đến ba bà vợ. Sau 1975 công việc có liên quan đến in ấn phát hành bị cấm ngặt nên ông lách sang ngõ khác và đưa các bà vợ ra đứng mũi chịu sào. Cố nhạc sĩ Vinh Sử cũng có mặt trong chuyện in ấn lụa lậu này nhưng sau 1975, ông này thường hay chở nhạc bằng chiếc Lambretta scooter trắng đi bỏ sỉ nhạc roneo cho các bạn hàng, đồng thời cũng là người cạnh tranh nhiệt tình nhất với nhà Minh Phát nhưng không thể so bằng.

      Tập nhạc “18 Tình khúc”. Chắc chắn không phải do người yêu thích nhạc bỏ công ghi chép để làm tư liệu bởi những yếu tố sau:

-  Tập nhạc được trình bày rất công phu, bài bản và có tính chuyên nghiệp.

          -  Được đóng thành tập. Trình bày vẽ bìa do người chuyên nghiệp thực hiện. Một việc làm thể hiện cho chuyện chịu trách nhiệm khi xin giấy phép xuất bản.

          -   Có chữ ký của họa sĩ Phạm Băng Hồ và ngày tháng năm hoàn thành: 05 tháng 5 năm 1980. Để khẳng định ngày khai sinh. 

              - Bản thảo này với nội dung là 17 bản nhạc trong tập "Tình khúc Nguyễn Trung Cang" đã được in và phát hành năm 1974. Nay được bổ sung thêm bài "Một giấc mơ" và đổi tựa thành "18 Tình khúc Nguyễn Trung Cang". Đây là một việc làm thường thấy khi tác giả muốn tái bản. Họ có quyền sửa đổi, thêm hay bớt nội dung trước khi xin giấy phép. Chỉ có tác giả mới có đủ quyền hạn về mặt tinh thần cũng như pháp lý cho việc thay đổi nội dung và đặt tựa cho sản phẩm của chính mình. Đối với tập nhạc này, nó hoàn toàn thuộc thẩm quyền của nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang vì ông là tác giả nên không có gì sai trái. Không ai có quyền làm như thế ngoài nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang. 


 
Hình 22&23. Bìa tập nhạc "Tình khúc Nguyễn Trung Cang" và mục lục, Ghi rõ chỉ có 17 tình khúc.

                         

    Hình 24.  Bìa tập bản thảo. Tựa ghi rõ là "18 Tình khúc. Nguyễn Trung Cang". Thể hiện có sự thay đổi. Bìa do họa sĩ Phạm Băng Hồ vẽ.


             

  Hình 25.  Mục lục có 18 bài. Thêm bài "Một giấc mơ" ở hàng cuối cùng. Thực hiện xong ngày 05/5/1980 và chữ ký Phạm Băng Hồ người trình bày và vẽ bìa. 


     Tập nhạc hoàn thành năm 1980. Nguyễn Trung cang mất năm 1985. Có nghĩa là bản thảo tập nhạc này đã hiện diện khi nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang còn tại thế. Chứ không phải tập nhạc được làm ra sau khi ông mất… Nếu những người yêu nhạc muốn chép lại để lưu giữ sẽ không có những điều đã nêu trên... 

        Tóm lại. Tập nhạc mẫu này cho dù ở bất cứ tình huống nào. Được làm ra để xin phép tái bản hay là làm mẫu để in lụa hoặc quay roneo// Đã in hay chưa dưới bất cứ hình thức nào thì tập nhạc mẫu này nó vẫn luôn thể hiện là bản gốc để sử dụng cho các mục đích vừa nêu trên… Nói như thế để khẳng định giá trị bản gốc của tập nhạc “18 Tình khúc Nguyễn Trung Cang” này. Nó đã được chính nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang phối hợp cùng họa sĩ Phạm Băng Hồ thực hiện xong vào Tháng 5 năm 1980 trước khi ông mất là 05 năm. 

                                                                                 Cauminhngoc.
                                                                                 02/07/2014