Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

TÌNH YÊU THẦM LẶNG CỦA NGƯỜI HỌA SĨ THỂ HIỆN TRONG TRANH.


TÌNH YÊU THẦM LẶNG CỦA NGƯỜI HỌA SĨ THỂ HIỆN TRONG TRANH.




Họa sĩ Hoàng hữu Mai. Thiếu nữ nằm. Mực nho trên giấy. Kích thước: 37cm x 43cm. Năm vẽ: 1960. Chữ ký và con dấu góc phải dưới.

     Một bức tranh mà có đến năm chữ ký cùng với những giòng tâm sự não nề đầy ắp thương yêu sầu nhớ đến người tình xa cách. Những khoảnh khắc dằn vặt của từng thời điểm được họa sĩ ghi lại trong tâm trạng trăn trở, da diết đeo đẳng suốt 15 năm! Một chuyện tình của người họa sĩ được thổ lộ bằng bút tích ghi nhiều lần vào trong một bức tranh do chính mình vẽ nghĩ cũng ít thấy.
     Họa sĩ Hoàng hữu Mai (1) thể hiện bức tranh của mình bằng mực nho trên giấy croquis. Với góc nhìn phối cảnh từ đỉnh đầu nhân vật xuôi về phía chân, mô tả một cô gái với thân hình tròn lẳn trong tư thế nằm nghiêng cong mình co gối, làn tóc trải dài bồng bềnh vương vấn, bờ má gối hờ trên đôi tay búp măng biểu lộ một hình thái cô đơn, sầu não tràn đầy súc cảm….. Kỹ thuật phối cảnh và hình họa rất chuẩn mực. Tất cả được thể hiện dưới mạch bút thần thái nhấn nhá khi mảnh khi thô, khi ngắn khi dài thật mềm mại và dứt khoát, vờn lướt như đang múa trên mặt giấy croquis chai cứng bắt mực rất kém chứ không ngậm nhanh như giấy “xín chỉ” để lại những mảng, vệt mực chứa đựng rất nhiều sắc độ xậm nhạt mờ - tỏ, lúc non yếu, lúc già dặn cực kỳ điêu luyện thông qua ngọn bút lông mềm mại trông rất lôi cuốn và sinh động. Với bao lần xuống tay nhưng không hề thấy một nét bại bút, thô lậu nào trong bức tranh, quả là trác tuyệt. Một sự tài hoa, một bản lĩnh bậc thầy trong giới sử dụng bút lông và mực nho của họa sĩ Hoàng hữu Mai được nhìn thấy từ tác phẩm này.
     Bức tranh có ghi năm vẽ chính thức là 1960 cùng con dấu khắc chữ “MAI” bằng quốc ngữ theo thể triện nằm dưới chữ ký. Sát nơi rìa cạnh góc phải trên có hai giòng chữ Hoa với con dấu treo phía dưới cũng là chữ quốc ngữ được khắc theo lối chữ triện, có phần lớn hơn con triện chỗ chữ ký một chút.
     Điểm đặc biệt của bức tranh này là ở phần lạc khoản. Tất cả gồm bốn mảng, phân bổ chung quanh hình họa thiếu nữ do chính tác giả viết với những lời độc thoại đầy ắp nỗi niềm. Có ba mảng thấy ghi cùng năm 1969 mà không thấy ngày và tháng. Là phía góc trái trên, góc trái dưới và góc phải dưới. Riêng phần lạc khoản thứ tư nơi góc phải trên là có ghi đầy đủ cả ngày tháng năm. 01/6/1075. Tất cả bốn lạc khoản này đều có chữ ký tác giả. Dựa vào năm tháng chú trên bản vẽ, tính từ lần vẽ chính thức ký năm 1960. Trên bức vẽ còn cho thấy có đến ba lần ghi năm 1969 ở phần lạc khoản và một lần ghi năm 1975. Ta có một khoảng thời gian là 15 năm... Như vậy sự lưu giữ tác phẩm này cho riêng mình của họa sĩ Hoàng Hữu Mai ít nhất cũng là 15 năm... Sau thời gian chính thức ghi trên tác phẩm này không rõ những gì đã xảy đến với ông cho tới khi nó trôi nổi ra ngoài vào năm 1998...

CHI TIẾT CÁC LẠC KHOẢN TRÊN BỨC TRANH.
                                                         
                                                            1 – Góc phải dưới.

                                           Hình 1. Thủ bút của họa sĩ Hoàng hữu Mai.


Một bài thơ một dòng thơ dại
Em ơi hai nắng mấy thu rồi
Mười năm em vẫn mộng mơ sao
Đứng lên ăn nói một đôi lời
Anh thương em lắm lắm em ơi

Chữ ký và lạc khoản ghi. " Mai. 1969 "


2 – Góc trái dưới.

                                               Hình 2. Thủ bút của họa sĩ Hoàng hữu Mai.

Một nè bịnh
Hai nè đau yếu
Ba nè cảnh khổ tới lui hoài
Không tiền dư của hồn về trển
Có đâu rảnh rỗi ngắm hình em

Chữ ký và lạc khoản ghi. " Mai. 1969 "


3 – Góc trái trên.

                                             Hình 3. Thủ bút của họa sĩ Hoàng hữu Mai.

Em buồn anh có gì vui
Dòng đời sao tránh buồn đau khổ
Em ơi ráng chịu cảnh cơ trời
Năm này anh bịnh lắm mình ơi

Chữ ký và lạc khoản ghi. " Mai. 1969 "

4 – Góc phải trên.

                      Hình 4. Thủ bút của họa sĩ Hoàng hữu Mai.

Nhìn lại hình anh vẽ
Nhìn ảnh vẽ em nằm
Em ơi anh xấu hổ
Vì phải sống mê tâm
Vợ con trong đời Ngụy

Chữ ký và lạc khoản ghi. " 01/6/1075. Mai "

Cauminhngoc
31/01/2018

(1) Chưa nắm rõ về lý lịch tác giả nhưng trong cuốn Nguyệt san “ Thế giới tự do”. Tập IX_ Số 1. Năm 1960. Ở hai trang 34 & 35 qua bài viết “ Tìm hiểu hội họa ” của họa sĩ Đào sĩ Chu giới thiệu một số họa sĩ có tác phẩm trưng bày trong cuộc triển lãm với chân dung tác giả đứng bên cạnh. Kỳ triển lãm hội họa này được trưng bày tại Hội Liên Lạc Nghiên Cứu Văn Hóa Á Châu đường Lê Văn Duyệt cũ.


  Hình ảnh các họa sĩ của kỳ triển lãm hội họa năm 1960 được trưng bày tại Hội Liên Lạc Nghiên Cứu Văn Hóa Á Châu. Họa sĩ Hoàng hữu Mai đứng thứ hai từ trái qua.







Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

CHỮ KÝ CỦA FUJITA & KÝ HỌA CHÂN DUNG BẰNG BÚT CHÌ NĂM 1941

 FOUJITA TSUGOUHARU  & Chân dung ký họa nơi phần notes cùng chữ ký ở ngoài bìa cuốn catalogue năm 1941. 
  

                           
Chân dung Foujita. ( Nguồn. Porcelains and peacocks ).


 CHỮ KÝ FOUJITA TRÊN TRANG BÌA QUYỂN CATALOGUER THỨ NHẤT GIỚI THIỆU VỀ TRANH THỦY MẶC VÀ TRANH ĐỒ HỌA.
.

      
Catalogue triển lãm tranh năm 1941. Kích thước: 12,8cm x 18,3cm. Giới thiệu về tranh thủy mặc và tranh đồ họa của các họa sĩ đương đại Nhật Bản. Chữ ký sống của Foujita bằng bút mực và có ghi thêm niên đại 1941 ở phía dưới đầu con mèo và trên dãy số năm 1941 in trên trang bìa.

Một bản khác có chữ ký Foujita trên bìa catalogue ( Nguồn Google)



Bìa trước và sau cuốn catalogue được mở rộng ra. Dưới đầu con mèo là chữ ký sống của Foujita và năm triển lãm bằng bút mực. Trên thân của con mèo một số chỗ còn có điểm xuyết thêm màu xanh nhẹ. Có vẻ như được kéo lụa chứ không phải tô màu lên... 


                    Tranh đồ họa.                                     Tranh màu nước trên giấy.            
Trang có dán tranh in màu và tranh đồ họa trong cuốn " Exposition de la Peinture Japonaise contemporaine ". Kỳ triển lãm này bao gồm tranh thủy mặc và tranh đồ họa.

       

 
CHÂN DUNG NGƯỜI PHỤ NỮ ĐƯỢC KÝ HỌA Ở TRANG NOTES TRONG QUYỂN " EXPOSITION DE LA PEINTURE JAPONAISE CONTEMPORAINE " NĂM 1941. (2)


Tsugouharu Foujita (1886-1968). Chân dung người phụ nữ. Chì than vẽ trên trang notes cuốn catalogue " Exposition de la Peinture Japonaise contemporaine ". Kích thước:12,8cm x 18,3cm. Xuất bản năm 1941. Lâu ngày nét chì đã in sang trang bên cạnh ảnh chân dung người phụ nữ thấy mờ mờ.



    Chân dung người phụ nữ được Foujita ký họa ở trang notes và có cả chữ ký sống của ông nơi trang bìa cuốn catalogue giới thiệu kỳ triển lãm giao lưu văn hóa giữa hai nước Nhật-Việt tại Dinh Xã Tây (Tòa Đô Chính Saigon) vào năm 1941. Trong kỳ triển lãm này họa sĩ Foujita (1) có nhiệm vụ đứng ra vẽ ký họa, ký tên tặng khán giả để lưu niệm, đổi lấy một số tiền để gây quỹ. Bức chân dung người phụ nữ vẽ bằng chì than ở trên đã nằm trong trường hợp này. 
        Trên bìa hai cuốn catalogue đều có ghi năm 1941. Nhưng không cho biết triển lãm ở những đâu và vào thời gian nào. Dựa vào thực tế nơi bức tranh Foujita vẽ họa sĩ Nam Sơn đề ngày 01/11/1941. Ta đoán được kỳ triển lãm thứ nhất xảy ra vào tháng 11/1941 tại Hanoi. Và theo như lời nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi. Kỳ thứ hai được tổ chức vào tháng 12 năm 1941. Tại Dinh Xã Tây ở Saigon. Hiện cũng chưa nắm rõ được ngày tháng của kỳ triển lãm thứ nhì tổ chức tại Saigon. Nhưng với hình họa do Foujita vẽ cô gái búi tóc mang phong cách Nam Bộ nơi trang notes. Lời xác nhận của ông Ngô Kim Khôi cùng việc cụ Vương Hồng Sển nói là ông đã phải xếp hàng để xin Foujita vẽ cho con mèo. Như vậy chắc chắn là có một kỳ triển lãm tranh giao lưu văn hóa Việt-Nhật thứ nhì tại Saigon mà chưa rõ ngày tháng tổ chức trưng bày thôi. 
  
      Nhận định về hai quyển catalogue " Exposition de la Peinture Japonaise Contemporaine "  và quyển " Exposition de la Peinture Moderne du Japon ". Cho thấy cả hai đều được in ở bên Nhật Bản.
Đặc biệt trong quyển " Exposition de la Peinture Japonaise Contemporaine " có chừa thêm phần notes. Gồm 03 trang để trắng dành cho việc ghi chú. Cùng một số tranh in toàn màu trên giấy rời rồi cắt ra đem dán vào chứ không in thẳng. Bức vẽ con mèo của Foujita ở ngoài tờ bìa. Trên thân có nhiều chỗ điểm xuyết thêm màu xanh nhạt bằng kỹ thuật in lụa, rất trang trọng. Trong khi cuốn " Exposition de la Peinture Moderne du Japon " được trình bày đơn giản hơn, ngoài trang bìa có màu ra không kể còn lại bên trong in toàn bộ đen trắng và không thấy có chừa thêm phần ghi chú (notes). Từ những việc này cho thấy BTC phía Nhật Bản đã chuẩn bị, sắp xếp từ trước chứ không phải vô tình. Có thể cho rằng phần notes trong quyển " Exposition de la Peinture Japonaise Contemporaine " được dành riêng cho Foujita vẽ ký họa vào để lấy tiền gây quỹ.

 

 QUYỂN CATALOGUE THỨ NHÌ GIỚI THIỆU VỀ TRANH SƠN DẦU CŨNG GHI NĂM 1941. (2)

Kích thước: 12,5cm x 18,3cm.


  Bìa trước hai quyển catalogue. Cả hai đều được in tại Nhật Bản. 

     Theo như lời nhà khảo cổ học Vương hồng Sển kể lại thì trong kỳ triển lãm giao lưu văn hóa giữa hai nước Nhật-Việt này được trưng bày tại Dinh Xã Tây ( Tòa Đô Chính Saigon )vào năm 1941. Họa sĩ Foujita có nhiệm vụ vẽ tặng khán giả để lưu niệm lấy tiền gây quỹ. Cụ Vương hồng Sển khi đó có đứng sắp hàng bỏ ra một số tiền để nhận về một bức tranh do chính tay Foujita vẽ một con mèo. Nghe đồn bức tranh này từ tay Cụ Vương đã có nhã ý nhượng lại cho nhà văn Phi Long.( Bút hiệu Ngọc Sơn chuyên viết truyện trinh thám rất nổi tiếng vào thập niên 50-60. Vài tác phẩm tiêu biểu của ông: Bàn tay máu, Con tàu máu..v.v..). Không biết tác phẩm vẽ " con mèo " này nay trôi giạt về đâu?



                      Foujita ký họa chân dung họa sĩ Nam Sơn. Tại Hà Nội. Ngày 01/11/1941.
                     ( Nguồn: Nam Son par Foujita. Photo Tránmíe par le Pr. Đinh Trọng Hiếu ).



                      Foujita. Thiều nữ Việt Nam. Vẽ năm 1941. Nhân dịp sang Việt nam.                                                                                                                              (Nguồn.antontruongthang.com)
    
      Dựa vào bản hiện đang có, lời thuật lại của cụ Vương hồng Sển, Linh mục Nguyễn hữu Triết, chân dung họa sĩ Nam Sơn và một bản chụp trang bìa cuốn catalogue trên mạng, ta thấy có thể còn nhiều bản catalogue mang chữ ký Foujita cùng tranh của ông vẽ vào năm 1941 hiện đang lưu lạc trong dân gian chứ không ít ỏi như đã chứng thực nơi đây...

Cauminhngoc
27/01/2018


  (1) Năm 1941, cha mất, Foujita được phong hội viên Hàn lâm viện Mỹ thuật hoàng gia và được cử đi các nước Đông Dương như môt tuỳ viên văn hoá của Nhật. Dự và bày tranh chung tại Hà Nội. (Nguồn: Tạp chí Song Hương. Số: 264/ Tháng 02 ).

 (2) Theo lời nhà nghiên cứu nghệ thuật Ngô kim Khôi ( Cháu ngoại họa sĩ Nam Sơn ) cho biết. Kỳ triển lãm tranh Nhật Bản ở Saigon được tổ chức tại Dinh Xã Tây ( Tòa Đô Chánh Saigon ) vào tháng 12 năm 1941( Không rõ kỳ thứ nhì trưng bày ở đâu và thời gian nào ). Ở ngoài Hà Nội tổ chức 02 đợt. Đợt thứ nhất triển lãm tranh thủy mặc. Khai mạc ngày 20 tháng 10 Năm 1941. Đợt thứ hai về tranh sơn dầu tổ chức sau một tuần trưng bày tại Nhà thông tin Tràng Tiền. ( Trích nguồn FB )

                             
                                                             (Trích trên FB).








HỌA SĨ TRƯƠNG THỊ THỊNH VÀ NHỮNG PHÁC THẢO BẰNG MỰC NHO.

CHUYN KHÔNG TH HIU NI…
     Mọi chuyện không phải do sự tình cờ hay vô căn cứ mà chúng đều có nguồn gốc cả, chỉ có điều ta chưa phát hiện hoặc tìm được gốc tích của nó mà thôi! 
      Số là trong lô tranh thuộc về thể loại phác thảo trên các loại giấy không có ký tên người vẽ đã được tôi lưu trữ từ bao năm nay. Trong lô chưa rõ tác giả này có 07 tấm vẽ chân dung trên giấy croquis. Với kích thước 32,5cm x 50cm. Có 02 bức vẽ bằng bút chì và 05 bức bằng mực nho. Trong số 05 bức vẽ bằng mực nho này thì 03 bức vẽ trên giấy màu vàng nghệ ( hai bức vẽ chân dung bé trai và một vẽ chân dung bé gái ). Nơi 02 bức còn lại đều vẽ bé gái trên giấy trắng. Có điều đáng quan tâm là trong ba bức vẽ trên giấy croquis màu vàng nghệ. Ở 02 bức vẽ bé trai thì bức một còn nguyên, không thấy chữ ký tác giả, bức kia ở chỗ mé phải dưới cho thấy đã bị ai đó xé khoét đi để lại một lỗ thủng có cỡ: 03,5cm x 03cm. Và cũng trên giấy màu vàng nghệ tấm thứ ba vẽ bé gái cũng cho thấy bị xé đi hai chỗ, để lại hai lỗ thủng nằm ngay dưới hình vẽ, lỗ nằm phía bên trái có cỡ: 04cm x 03cm, lỗ nằm phía bên phải có cỡ: 03.5cm x 03cm. Như vậy là trong tổng số 07 tờ không có chữ ký người vẽ thì có hai tờ bị xé móc mất ba chỗ. Chuyện thắc mắc về mấy lỗ thủng trên tranh là có, nhưng cũng không lưu tâm nhiều đến chuyện này vì chẳng có cách nào biết được người vẽ... Tranh đắp đống trôi qua thời gian cũng phải đến vài chục năm…

 I - BẢY TỜ VẼ TÁM HÌNH BẰNG MỰC NHO VÀ BÚT CHÌ KHÔNG THẤY CHỮ KÝ TÁC GIẢ. (Có một tấm vẽ hai mặt). (1)
                            
                                                    Hình 01. Mực nho trên giấy croquis trắng.

                                          
Hình 02. Mực nho trên giấy croquis trắng.


   Hình 03. Mực nho trên giấy croquis vàng. Ở góc trái dưới và nơi góc phải dưới bị xé khoét đi mất để lại hai lỗ thủng.


       Hình 04. Mực nho trên giấy croquis vàng. Ở góc phải dưới bị xé khoét đi mất để lại một lỗ thủng.

Hình 05. Bút nỉ trên giấy croquis vàng.

                                                Hình 06. Phác thảo chì trên giấy croquis trắng.

Hình 07.  Phác thảo chì trên giấy croquis trắng nơi mặt trước.

Hình 08. Phác thảo chì trên giấy croquis trắng nơi mặt sau.

         Chú thích: Hình 07 & 08 vẽ ở hai mặt trước và sau trên cùng một tờ giấy croquis trắng .


II – NHỮNG BẢN VẼ BẰNG MỰC NHO CỦA VỢ CHỒNG NGUYỄN TRÍ MINH & TRƯƠNG THỊ THỊNH NĂM 1962 TRONG BỘ SƯU TẬP VŨ ĐÌNH HẢI.

       Mãi cho đến tháng 01/2018. Nhờ mới làm quen được một nhà sưu tập lớn Vũ Đình Hải. Trong tay ông có trên 200 tác phẩm hội họa gồm các thể loại như: Sơn dầu, sơn mài , màu nước, tranh lụa, tranh đồ họa..v..v… Có thể nói. Đây là một di sản mỹ thuật mang tầm vóc lớn, rất hiếm hoi trên trường mỹ thuật hiện nay. Bộ sưu tập này chứa đựng được hầu hết tinh hoa của nền hội họa miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Mặc dù sơ giao nhưng ông đã ưu ái gởi cho tôi xem rất nhiều tranh… của từng họa sĩ trong bộ sưu tập của ông. Trong bộ sưu tập về Nguyễn trí Minh và Trương thị Thịnh gần 50 bức mà ông gởi hình cho tôi xem, thấy có 03 tấm vẽ bằng mực nho nhưng có tới 04 hình do ở một tấm hai vợ chồng họa sĩ cùng vẽ chung nơi hai mặt trước và sau.

A - Của họa sĩ Nguyễn trí Minh.


                                                                                                            Hình 09. Nguyễn trí Minh. Phác thảo bằng mực nho trên giấy croquis trắng.



B - Của họa sĩ Trương thị Thịnh.


Hình 10. Họa sĩ Trương thị Thịnh. Phác thảo bằng mục nho trên giấy croquis trắng. Chữ ký góc phải dưới. Nằm trong bộ sưu tập của ông Vũ Đình Hải.


Hình 11. Họa sĩ Trương thị Thịnh. Phác thảo bằng mục nho trên giấy croquis vàng. Chữ ký góc phải dưới. Nằm trong bộ sưu tập của ông Vũ Đình Hải.


Hình 12. Họa sĩ Trương thị Thịnh. Phác thảo bằng mục nho trên giấy croquis trắng. Chữ ký góc phải dưới. Nằm trong bộ sưu tập của ông Vũ Đình Hải.



     Ba bức tranh mực nho của nữ họa sĩ Trương thi Thịnh và một của họa sĩ Nguyễn Trí Minh trong bộ sưu tập của ông Vũ Đình Hải. Hai bức số 10 & 11, họa sĩ Trương thị Thịnh vẽ riêng từng tờ. Bức số 12 vẽ cậu bé nhìn thẳng bà Thịnh vẽ ở mặt sau chung một tờ với họa sĩ Nguyễn trí Minh vẽ cô bé đang cắm cúi viết ở mặt trước.

                          
Hình 13. Cùng trên một tờ giấy họa sĩ Nguyễn Trí Minh vẽ bé gái đang viết ở mặt trước và họa sĩ Trương thị Thịnh vẽ cậu bé ở mặt sau. (Theo như lời nhà sưu tập Vũ đình Hải cho biết).

      Dựa vào hình họa và chủng loại giấy. Chúng cho ta những nhận xét như sau:
1 - Về tranh của họa sĩ Trương thị Thịnh.
-          - Hai bức vẽ bé trai. Trong đó có một vẽ trên giấy màu vàng.
-         - Môt bức vẽ bé gái có đội nón…
Cả ba đều có chữ ký của tác giả Trương thị Thịnh góc phải dưới nhưng không đề năm vẽ.
2 - Về tranh của họa sĩ Nguyễn trí Minh.
-          Vẽ cô bé đang ngồi cắm cúi viết bằng tay trái…tay phải chặn lên tờ giấy. Phía trên đầu cô bé ông vẽ thêm hai cái dáng đầu của bé trai bằng mực màu đỏ.( Hình số 09 ). Bức này có chữ ký của Nguyễn trí Minh và đề năm vẽ là 1962 nơi góc phải dưới. ( Cũng trên tờ giấy croquis này, bà Thịnh vẽ cậu bé nhìn thẳng bằng mực nho ở mặt sau. Theo lời của nhà sưu tập Vũ Đình Hải cho biết )
    Với những gì hiện hữu do nhà sưu tập Vũ Đình Hải cung cấp, ta có thể thấy được là vợ chồng Trí Minh vẽ những bức tranh này ở vào một thời gian trong ngày… với những người mẫu chung là bé trai và gái.

III - SO SÁNH GIỮA 03 BỨC TRANH CỦA NHÀ SƯU TẬP VŨ ĐÌNH HẢI VỚI 07 BỨC HIỆN CÓ.

1 - CỦA NỮ HỌA SĨ TRƯƠNG THỊ THỊNH.

a/ So sánh về chữ ký và chân dung bé trai của HS. Trương thị Thịnh với bản vẽ bị xé mất chữ ký hiện đang lưu giữ. (2)

  
Hình 14. Phác thảo mực nho của họa sĩ Trương thị Thịnh.  
  
Hình 15. Phác thảo bằng mực nho hiện đang lưu giữ. Phần chữ ký bị xé mất để lại một lỗ thủng.


Hình 16. Chỗ bị xé nơi bức vẽ bé trai được phóng lớn và thêm phần chú thích.

         Xét về nhân trắc học. Hai khuôn mặt của bé trai rất giống nhau. Chứng tỏ họa sĩ vẽ chân dung của một người, chỉ khác về bút pháp.



Hình 17. Phác thảo bằng mực nho hiện đang lưu giữ. Phần chữ ký mé trái dưới và một chỗ khác nơi mé phảỉ dưới không rõ là ghi cái gì cũng bị xé mất....


Hình 18. Chỗ chữ ký nơi mé trái dưới trong phác thảo mực nho vẽ bé gái nơi "Hình 17" bị xé được phóng lớn và thêm phần chú thích...

      Đặc biệt lưu ý là 02 bức tranh trên giấy croquis vàng vẽ bé trai và bé gái tôi hiện đang giữ không hiểu vì lý do gì đã bị xé mất mấy lỗ. Xem kỹ lại sự xé có chủ đích chứ không phải vô tình. Bằng chứng là tờ giấy được gấp lại rồi xé móc một mảng nhỏ chứ không xé ngang hết tờ giấy. Cũng may là do sự xé móc như vậy nên còn sót lại chút bút tích phần đầu và cuối của chữ ký nên dựa vào đó mà truy nguyên và phát hiện ra được đó là chữ ký của tác giả. Sau khi tham khảo những bức tranh và bút tích rất rõ ràng về chữ ký họa sĩ Trương thị Thịnh do nhà sưu tập V.Đ.H cung cấp. Dựa vào đó mà truy xét mới phát hiện. Những chỗ bị xé mất đi chính là chữ ký của họa sĩ Trương thị Thịnh.


Hinh 19. Chữ ký của hs. Trương thị Thịnh nơi các bức tranh do ông Vũ đình Hải cung cấp được phóng lớn.

     Nhận định về chữ ký này của họa sĩ Trương thị Thịnh. Nét gạch ngang trên đầu hai chữ “ t ” đều có dạng " nét mác " đầu to đuôi nhỏ và nét vuốt đuôi cuối chữ ký có dáng mảnh và nhọn…

      Quan sát trên " hình 16 " và  "hình 18". Phần bị xé được phóng lớn. Ta thấy rìa ngoài chỗ bị xé nơi mé trái và phải còn lưu lại hai vết mực. Bên trái phù hợp với nét gạch ngang của chữ “ t ” như nét mác trong thư pháp. Ở bên phải có nét gạch ngang có dáng mảnh và nhọn thấy rất phù hợp với nét vuốt nơi phần đuôi chữ ký họa sĩ Trương thị Thịnh.

Hình 20. Chữ ký của hs Trương thị Thịnh lấy từ một trong những bức phác thảo do nhà sưu tập Vũ Đình Hải cung cấp đem khoét hết phần chữ ký chỉ còn chừa lại hai vết mực đầu và cuối...


Hình 21. Chữ ký của hs Trương thị Thịnh bị xé mất còn sót lại hai vết mực ở đầu và cuối chữ ký nơi bức vẽ chân dung bé trai.

Hình 21bis. Chữ ký của hs Trương thị Thịnh bị xé mất còn sót lại hai vết mực ở đầu và cuối chữ ký nơi bức vẽ chân dung bé gái.
     
     Đem chữ ký của HS. Thịnh khoét đi hết như Hình 17 chỉ chừa lại hai dấu vết đầu và đuôi của chữ ký đem so với vết mực còn sót lại ở chỗ bị xé của Hình 21 & 21bis. Ta có thể khẳng định chữ ký của họa sĩ Trương thị Thịnh đã bị xé là chính xác không còn nghi ngờ gì nữa…

       b - So sánh sự giống nhau giữa các phác thảo khác.


Hình 22. Phác thảo chân dung bé trai nhìn nghiêng của hs Trương thị Thịnh....

Hình 23. Chân dung bé trai nhìn thẳng, hiện đang lưu giữ.

    Xét về hình họa chân dung giữa hai bức này. Ta có thể khẳng định rằng họa sĩ Trương thị Thịnh vẽ cùng một người mẫu là bé trai, cùng chủng loại giấy chỉ khác chút về tư thế nhìn nghiêng và nhìn thẳng. 



Hình 24. Chân dung bé gái vẽ bằng mực nho của hs Trương thị Thịnh của nhà sưu tập Vũ Đình Hải.

Hình 25. Chân dung bé gái vẽ bằng mực nho  hiện đang lưu giữ.


Hình 26. Phác thảo chân dung bé gái nằm hiện đang lưu giữ...

     Xét các bản vẽ phác thảo khuôn mặt các bé gái nơi Hình 24, 25 & 26. Ta thấy khuôn mặt các bé gái có nét rất giống nhau. Chứng tỏ vẽ chung một người làm mẫu.

2 – CỦA HỌA SĨ NGUYỄN TRÍ MINH.

Hình 27. Phác thảo mực nho của hs Nguyễn trí Minh. Chữ ký góc trái dưới và ghi vẽ ngày 28/9/1962.

Hình 28. Phác thảo chì, không ghi tác giả.

     Bức vẽ bé gái đang chăm chú viết tay trái bằng mực nho (hình 27), có ký tên họa sĩ Nguyễn trí Minh và năm vẽ 1962. So với bức bé gái cũng đang chăm chú viết tay trái bằng bút chì ( Hình 28 ) mà hiện tôi đang lưu giữ, không có chữ ký tác giả. Nhưng ta nhìn cử điệu của hai bé gái này. Ta dứt khoát và khẳng định là hai bức phác thảo này do cùng một người vẽ. Vì ở phương diện tạo hình ta thấy hai bé có cùng tư thế ngồi viết, cùng bằng tay trái… có hơi khác một chút là ở dáng vẻ hơi cúi và nghiêng, cũng như có sự khác biệt lớn ở chỗ một vẽ bằng bút chì và một vẽ bằng mực nho… Mặc dù vậy nhưng phong cách hình họa lại không có sự khác biệt nhau mấy mà giống nhau đến 90%. Không thể do ai khác vẽ mà có sự trùng khớp đến như vậy được. Từ đó ta có thể khẳng định đích thị do họa sĩ Nguyễn trí Minh vẽ và hai phác thảo còn lại kia cũng do ông vẽ…

Hình 29. Phác thảo chì, không ghi tác giả...

Hình 30. Phác thảo chì còn dở dang... 
Hai bản vẽ phác bé gái và trai nơi hình 29 & 30 vẽ trên cùng một tờ nơi hai mặt trước và sau đều không có chữ ký người vẽ.


       Nếu chỉ xét riêng về hình họa giữa ba bức phác bằng mực nho (bốn hình) của vợ chồng Nguyễn trí Minh và Trương thị Thịnh vẽ do nhà sưu tập Vũ Đình Hải cung cấp, đem so với bảy bức (tám hình) hiện tôi đang lưu giữ. Với những phân tích và nhận định nêu trên. Ta nắm chắc là chúng phát xuất từ một nguồn gốc, cũng như xác định được chính xác việc họa sĩ vẽ đến cho từng bức. Nếu cộng thêm chuyện chứng minh về phần chữ ký đã bị xé nơi hai bức tranh do nữ họa sĩ Trương thị Thịnh vẽ nữa thì ta càng có thêm những yếu tố chắc chắn để khẳng định là loạt tranh này. Gồm những bức của nhà sưu tập Vũ đình Hải và những bản tôi hiện đang lưu giữ đều do vợ chồng họa sĩ Nguyễn trí Minh và Trương thị Thịnh đã cùng vẽ với nhau ở vào cùng hoàn cảnh, cùng thời điểm trong năm 1962 là hoàn toàn chính xác….  

IV - KẾT LUẬN:
    Đây là loạt tranh phác thảo gồm 03 bức của nhà sưu tập Vũ đình Hải và 07 bức do tôi hiện đang lưu giữ là của vợ chồng họa sĩ Nguyễn trí Minh và Trương thị Thịnh vẽ vào năm 1962 là điều hiển nhiên không thể chối cãi. Chỉ có điều không thể hiểu nổi là ai đó đã đang tay xé mất đi chữ ký trên tác phẩm của nữ họa sĩ Trương thị Thịnh...!? Một điều đáng buồn và tiếc nuối cho việc đã xảy ra. Phải chăng nó phát xuất từ sự thiếu ý thức tôn trọng và bảo vệ tác phẩm nghệ thuật... 


Cauminhngoc
26/01/2018



Trương thị Thịnh. Cậu bé. Sơn dầu. Nguồn. Trường vẽ Gia Định.


   (1) Rất có thể đây là những bức tranh màu nước của vợ chồng họa sĩ Nguyễn trí Minh và Trương thị Thịnh vẽ về hai người con gái và trai của mình là: Nguyễn trí minh Quang và Nguyễn trí minh Châu. Xét về tuổi tác hai đứa trẻ. Ông Minh và bà Thịnh kết hôn năm 1955 (Nguồn. Tranh Văn Học Nghệ Thuật. Phạm cao Hoàng). Ở bức hai vợ chồng cùng vẽ chung. Mặt của Nguyễn trí Minh vẽ phác cả hai người con có ghi vẽ ngày: 28/9/1962. Mặt sau bà Thịnh vẽ con gái không ghi ngày. Nếu đúng là họ dùng hai đứa con làm mẫu để vẽ và dựa vào ngày tháng mà ông Minh đã ghi. Ta có thể đoán được độ tuổi của hai đứa trẻ khi đó chừng 6, 7 tuổi, khá phù hợp với lứa tuổi của hai em bé trong những bức tranh. 

   (2) Quả thật! Mỗi khi nhìn thấy mấy cái lỗ trên hai bức tranh thật khó chịu! Có lúc đã tính chuyện cắt ngang vất quách phần mấy cái lỗ thủng đi cho đỡ tức mắt nhưng lại thấy tiếc cái kích thước của khổ giấy, đồng thời nếu cắt đi tấm tranh sẽ bị vuông vuông và tấm bé gái sẽ bị lẹm một chút vào mái tóc... mất tự nhiên nên gác bỏ ý định cắt xén đó... Cũng may là không cắt, chứ nếu cắt đi rồi thì giờ này chẳng còn gì để nói... và cũng chả biết của ai, chứ nói gì là biết được của Nguyễn trí Minh và Trương thị Thịnh vẽ. Rút kinh nghiệm! Chớ có vì cái khó chịu cỏn con mà làm hỏng đi những cái vốn có trong mẫu vật. Đôi khi nhờ vào những dữ kiện nho nhỏ, cứ tưởng là không có gì nó lại là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp ta dựa vào nó để giải mã được vấn đề... Có sao để vậy lại hay...