Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

3 - NHỮNG NGƯỜI BẠN TỐT VỪA LÀ THÀY CỦA TÔI.

3 - NHỮNG NGƯỜI BẠN TỐT VỪA LÀ THÀY CỦA TÔI.

      “ HỌC THÀY KHÔNG TÀY HỌC BẠN ”
     
        Trên năm mươi tuổi. Là một người cao to, đẫy đà nếu phỏng ra thì với tấm thân vạn thặng ấy chí ít cũng phải cao trên một mét bảy, cân nặng sơ sơ cỡ 85, 90 ký không phải ngoa. Ngự thường xuyên trên khuôn mặt là cái kính gọng đồi mồi xịn, to bản có cặp tròng quầng quầng dày nơi cạnh mỏng ở giữa, màu trà xậm cho biết ngay là bị cận hơi nặng. Ông thuộc tuýp người ăn to nói lớn, rổn rảng. Tướng đi cứ rùng rùng như con gấu mẹ. Nghe đâu là trước 1975 là một nhà báo nên tầm giao lưu của ông rất rộng trong giới học thuật trong Cholon. Họa sư Lương thiếu Hàng có vẽ và đề tặng vợ chồng ông một đôi Hạc đứng trên cây tùng dưới ánh trăng già tròn vành vạnh cỡ 60cm x 120cm rất đẹp, lộng trong khung kiếng treo ngay gian tiếp khách cũng là nơi sinh hoạt cơm nước của gia đình.( Thông cảm! Ăn nhiều chứ ở nhiêu!). Mỗi lần có dịp lên nhà ông chơi, không lần nào bỏ qua cái thú nghía nó cho đã...thèm!? cũng như rất ham muốn được sở hữu nó. ( Có ai cấm không được mơ hả?). Hoạt bát, sôi nổi, vui và trực nên va phải chiều hơi nóng tính.( Chính cái sự hay bốc hỏa lên cái đầu này đã làm hại ông mất cả tủ sách lẫn tấm tranh của Lương thiếu Hàng ở vào một  thời điểm sau này. Tôi chỉ nghe thuật lại nhưng chắc chắn nó đã xảy ra như thế. Khi nào có ai khoe với bạn tấm tranh vẽ đôi Hạc có đề tặng Phùng thụ Thành thì đích thị là nó ). Thích thi ca và văn chương, nghệ thuật. Biết vẽ đôi chút theo phái cổ nhưng sau này bỏ hẳn và theo học họa sư Lý tùng Niên. Ông có tên đầy đủ là Phùng th Thành. Sống cùng vợ con ở một căn hộ trên tầng thứ ba tại chung cư Nguyễn Kim đường Vĩnh Viễn Q.5 Saigon. Tôi có được hân hạnh được làm quen qua những lần bán sách hội họa thủy mặc cho ông.

                              Phùng thụ Thành. Màu nước trên giấy súc thời bao cấp.
                                Cỡ 30cm x 42cm. Đề tặng Phạm văn Cầu. 


           Kể từ năm 1980. Tôi cùng vợ kiếm sống hàng ngày nhờ sự nhặt nhạnh kiên trì từng những cuốn sách cũ trong khu chợ sách cũ đường Đặng thị Nhu Quận I. Con đường này ngày xưa còn có tên gọi khác là “ đường  Cá hấp ” chạy song song cũng là mặt sau của khối phố liên kế hai mặt. Phía trước là  đường Trần hưng Đạo. Đông giáp đường Calmette. Tây giáp đường Ký Con.  Sạp của vợ chồng tôi mang số 64, nằm khoảng giữa chợ, ngay trước cửa hãng xích lô đạp Việt Nam, còn hãng xích lô đạp Đồng Phát thì nằm đối diện hơi chếch về phải phía bên kia đường.
         Trong con đường Đặng thị Nhu này đặc biệt có hai hãng chuyên sản xuất xích lô đạp để bán và cho thuê, những chiếc xe này là cần câu cơm, là lẽ sống dành cho tầng lớp nghèo không có nghề nghiệp gì, lấy sức lực của bản thân ra đổi lấy miếng ăn. Chỉ biết là hai cơ sở này có cơ ngơi từ trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 mà không nắm rõ được ra đời từ năm nào và  cả hai đã dẹp từ lúc nào không nhớ rõ vì sau khi cả khu chợ bị khai tử (1984) mọi người tứ tán, bản thân họ lo miếng cơm manh áo chưa xong nên chả có ai quan tâm đến chuyện còn mất của hai hãng xích lô này.
          Khi cùng vợ còn được bán tại nơi đây, tôi đang thời rất khoái tranh thuỷ mặc của Trung Quốc nên chịu khó đi loanh quanh trong chợ thu gom các quyển sách giới thiệu, phê bình về hội họa Trung Quốc viết bằng các thứ tiếng Hoa. Anh. Pháp. Mặc dù ngoại ngữ nêu trên đều đặc cán cuốc, nhưng hễ thấy trong chợ ló ra cuốn nào vừa mắt, nếu đủ khả năng, vừa túi tiền là tôi om hết. Đem về xem hình  để học hỏi thêm. Đã thèm rồi đem chưng lên sạp. Nếu có khách trả được giá thì bán kiếm lời rồi lại tìm mua cuốn khác. Cứ thế mà làm…Chỉ vì cái mắt to hơn cái đầu nên tôi bỏ công ra học chữ Hán với tham vọng đọc được những chữ ở phần lạc khoản ghi trên các bức tranh. Cái phần quan trọng nhất vẫn là để biết được tên tác giả là ai để định mức giá trị mà buôn bán. Người mà tôi thường gặp để học hỏi và trao đổi là nhà nghiên cứu Đông Phương học Lý Cứ ( Khi này tôi đã gặp ông Thành nhưng chưa thân thiết lắm ). Anh sống ẩn dật bên người vợ chuyên dạy piano tại nhà trong căn biệt thự  xinh xắn thoáng mát yên tĩnh ở khu nhà vườn trên mé Tân Định, rất phù hợp với phong cách nhàn hạ của anh. Anh được bạn bè xưng tụng là nhà Trung Hoa học. Chủ yếu nghiên cứu chuyên sâu về hai lãnh vực hội họa và thư pháp. Nhờ những buổi nói chuyện với anh mà tôi hiểu một phần nào về những cái đặc thù của bộ môn nghệ thuật mà tôi đã có một thời ngây ngất. Anh khái quát cho tôi thế nào là cái tính ước lệ của hội họa Trung Hoa, tiêu biểu qua Lục pháp luận của họa gia Tạ Hách đời Nam Triều. Người đã đưa ra một lý luận đặt nền tảng cho kỹ thuật vẽ tranh thủy mặc Trung Quốc như sau:
1-     Khí vận sinh động. ( Cái thần trong tác phẩm )
2-     Cốt pháp dụng bút. ( Cách xử dụng bút, mực )
3-     Ứng vật tượng hình. ( Dựa vào sự vật mà mô tả )
4-     Tùy loại phó thái. ( Tùy theo mà ta cho sắc độ đậm nhạt hay những thuân pháp tương ứng )
5-     Kinh doanh vị trí. ( Bố cục tác phẩm )

6-  Chuyển mô di tả. ( Học hỏi những tinh hoa của tiền nhân mà ứng dụng.)

       Theo như những người am hiểu về hội họa, thì năm phép dưới đều có thể học, dụng công tập luyện sẽ thành công, nhưng riêng đệ nhất pháp là “ Khí vận sinh động ” thì không thể tập luyện mà do sự tích tụ được cái thể tính của tâm hồn mà ra ( muốn nói đến cái thần trong tác phẩm ) và “ Vĩnh tự bát pháp ”. Tám tư thế của nét bút rút ra từ năm nét chính của chữ “ Vĩnh ”.
1-       Hoành ( nét ngang )
2-       Trực    ( nét sổ thẳng )
3-       Phiệt    ( nét phẩy )
         4-    Nại       ( nét mác )
         5-   Câu      ( nét móc )
         6-   Chiết    ( nét gãy )
         7-    Khiêu   ( xốc )
         8-    Điểm    ( chấm )
( Dựa theo cuốn Tự học chữ Nho của Lưu Khôn. Trang 18. XB 1968 Saigon ).

      Ban đầu các nho gia lấy làm chuẩn mực cho thư pháp, sau biến thể qua thành một số thuân pháp cho hội họa.
      Một nét của chữ nhất đơn giản chỉ là một nét kéo ngang ( hoành ). Nhưng muốn cho nó đẹp, sống động không dễ. ( ở đây chỉ mang tính nói phiếm, nếu muốn rõ hơn xin tìm đọc cuốn sách học viết thư pháp của nhà nghiên cứu Phạm hoàng Quân sẽ rõ hơn về vấn đề này ).  

       Cũng chính vì niềm đam mê về một nền hội họa ra đời bởi một nền văn minh nằm trong nét bút   tôi đã có nhiều dịp tiếp xúc với những người cùng chung sở thích, bao gồm những nhà sưu tập cũng như các hoạ sĩ Tàu. Ông Thành là một trong số nhng người đó. Ông cũng chính là người đã dạy tôi hiểu biết cái nghề bồi tranh theo lối cuộn trục của Trung Quốc nó như thế nào. Trước khi dạy. Ông có giáo đầu với tôi một câu rất ư là truyền thống người Hoa.
      - Anh biết không? Người Hoa của chúng tôi chỉ dạy nghề cho con trai chứ không có truyền nghề cho con gái. Tôi dạy cho anh cái nghề bồi tranh này cũng giống như đã chia cho anh nửa nồi cơm của tôi rồi đó!”
      Tôi rất mang ơn ông về chuyện này. Cũng nhờ nó mà có một thời gian tôi đã thoát khỏi cái cảnh phải chìa tay xin tiền vợ để xài vặt vì thất nghiệp khi chợ sách Đặng thị Nhu bị xoá sổ ( năm 1984 ). Tôi đã dùng cái chuyện học cho biết với người ta này để bồi tranh lụa cho các hoạ sĩ bạn bè thân quen kiếm tí tiền còm cà-phê thuốc lá. Cũng chính cái chuyện biết bồi tranh này, nó đã trở thành cầu nối giúp tôi được Vinh Lò Siêu nhiệt tình cho xem rất nhiều tranh giá trị và truyền dạy cho tôi những kinh nghiệm làm thế nào để phán đoán, giám định tranh cho đúng, cho nhanh, cũng như cách đối phó, trao đổi mua bán trong cái thú chơi tranh, ứng dụng trực tiếp trên các bức xưa, cổ quí hiếm mà hắn sưu tập được mang ra làm “ trợ huấn cụ ” chỉ dạy cho tôi mở mang, nâng cao thêm tầm nhìn trong phạm trù nghệ thuật chơi tranh thủy mặc Trung Quốc.
      
      - Anh C. nè! Anh có thấy ai bỏ ra bốn cây vàng để chỉ nghề cho người khác không? Vinh Lò Siêu hỏi một câu bất ngờ làm tôi đớ người. Bèn hỏi lại.
      - Anh nói vậy nghĩa là sao! tôi không hiểu? Vinh  cầm trên tay mỗi bên hai cuộn tranh dơ ra, lắc lắc.
      - Anh không hiểu hả? Đây nè! Tui cho anh xem bốn tấm tranh của Từ bi Hồng vẽ, mỗi một tấm tui phải mua với giá một cây, giờ tui đưa cho anh coi, chỉ cho anh cách phân biệt các đặc tính cũng như sự tinh diệu trong bút pháp của Từ bi Hồng. Như vậy có phải là tui bỏ ra bốn cây vàng để chỉ nghề cho anh không?
      Lúc này tôi mới hiểu câu nói của Vinh Lò Siêu. Đây cũng là cách đáp lễ, sau khi tôi đã hướng dẫn hắn bồi tranh. Cũng có thể tạm hiểu là Vinh muốn chứng tỏ mình chơi sòng phẳng, có qua có lại, không lơị dụng bạn bè. Trước đó có lần Vinh đã thổ lộ với tôi là đã từ lâu hắn rất muốn học cái nghề bồi tranh này, không phải để kiếm sống mà mục đích chính là muốn bảo vệ những tấm tranh quí  hắn mua được. Hắn không muốn cho mọi người biết mình có gì, sợ trâu cột ghét trâu ăn xảy ra nhiều chuyện không hay, thứ nữa là đưa cho người ta bồi hồi hộp lắm, khi nào cầm về mới biết là còn. Chứ lúc đưa cho người ta bồi hậu vận có biết ra sao mà nói, rủi ro rách, mất thì ăn nói làm sao đây. Dẫu cho có được đền bù nhưng là bao nhiêu? vả lại hắn đâu cần tiền. Tôi có suy nghĩ là mất tranh đối với hắn chắc chắn là còn đau hơn hoạn. Con cá sảy luôn là con cá bự…tiếc!!! Bởi thế nên hắn rất thiết tha muốn học để tự tay làm lấy cho chắc ăn, không bị lệ thuộc vào ai cả cho đỡ lo lắng. Nhưng chả có ai dại dột gì mà  lại đi bán cái cần câu duy nhất của mình cho người mua cá để họ câu cá chùa trên cái ao của mình. Không ai dại gì mà đi dạy cái nghề đang mang đến cho mình miếng cơm manh áo. Chẳng lẽ lại đi dạy cái việc cho người đang tha thiết cần đến mình gia công cho họ, để rồi ngồi chơi nhịn đói?. Vinh nhà ta đồng ý trả công hậu hĩnh cho người nào chịu dạy nghề bồi tranh cho hắn. Mấy cây vàng cũng được miễn là hắn đạt được mục đích. Bạn có biết vào thời điểm này một cây có thể mua được một căn nhà nho nhỏ ở ngay tại các quận có số đấy. Nếu chịu khó ra xa xa các quận ven đô thì cả mẫu tây không chừng. Ấy vậy nhưng đã có rất nhiều người từ chối điều hắn đưa ra sợ phải treo nồi do không có tiền mua gạo nấu cơm. Đất đâu có cạp mà ăn được. Xoay qua làm ruộng thì không phải nghề! Làm sao sống? Ở nhà rộng dọn dẹp mệt! tối sợ ma thấy mẹ!
      
        Tao dạy cho mày thì được rồi !… mày có còn mang tranh lại cho tao bồi nữa không !? Đó là lời của lão họa sĩ phái cổ Trương Quýnh Sơ. ng vừa là họa sĩ vừa là nhà bồi tranh khá nổi từ thời còn gọi là Đề Ngạn. Ông đã phát biểu rõ ràng ràng chắc nình nịch với Vinh nhà ta khi hắn mở mồm đề nghị ông ấy dạy hắn bồi tranh. Ông họa sĩ họ Trương đã có ý không muốn ăn một lúc rồi nhịn nên đã thoại xổ toẹt một câu nghiệt ngã với Vinh nhà ta như vậy. Ăn ít mà no dai. Nghĩ vậy mà ông Quýnh Sơ từ chối lời đề nghị nhận hắn làm đệ tử. Ông Sơ quả là một người nhìn xa trông rộng. Chuyện này cũng chính Vinh kể cho tôi nghe trong những lúc vui miệng chứ làm sao biết mà hót.





     Mực nho màu trên giấy xín chỉ. Tác giả Trương Quýnh Sơ. Kích cỡ. 35.5cm x 46cm. Năm     canh Dần (1950). ( Bộ 4 tấm ).

Câu chuyện học bồi tranh của Vinh cứ ngỡ là bế tắc, nhưng cuối cùng lại gặp cơ hội. Một kết cục có hậu cho cả tôi lẫn chàng ta. Hắn đã biết cách phải làm thế nào để bồi hoàn chỉnh một bức tranh và cũng kể từ ngày ấy về sau không bao giờ còn phải bận tâm lo lắng cho chuyện mất, rách những bức tranh quí làm gì nữa ( Cứ ngỡ là như thế, thật ra thì chỉ ở những bức quí hiếm mới đích thân ra tay, còn ngoài ra hắn cũng đưa cho thiên hạ làm tuốt, thời giờ đâu mà ôm cho mệt ). Tôi có dịp học hỏi thêm được nhiều điều khá thú vị về dòng tranh thủy mặc trong những bước đầu tập tễnh chơi tranh Tàu của mình thông qua những lần hướng dẫn của Vinh. Âu cũng là duyên số cả. Ở hiền gặp lành quí vị ạ .
                                    
 (Còn tiếp).

     4 -   TIN BỢM! MẤT BÒ!!!  






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét