Thứ Sáu, 24 tháng 10, 2014

HỌA SĨ LƯƠNG VĂN TỶ VÀ TÁC PHẨM TĨNH VẬT VỚI NỀN XANH COBALT.

   
    Họa sĩ Lương văn Tỷ. Tĩnh vật với nền xanh cobalt. Sơn dầu trên carton. Kích thước: 40cm x 50cm. Năm vẽ: 1960. Chữ ký đáy góc phải.
 ( Tác phẩm tham dự triển lãm Mỹ thuật nhân dịp lễ Quốc Khánh 26 – 10 – 1960 ).

    Với một tác phẩm. Khó mà xếp Họa sĩ Lương văn Tỷ vào trường phái nào! . Trước mắt ta chỉ có thể cảm nhận được việc họa sĩ Lương văn Tỷ đã dùng màu xanh cobalt ở những biên độ cận sắc để biểu diễn cảm xúc của mình trên một diện tích rộng của một họa phẩm. Mọi thứ dàn trải trên khắp tổng thể mặt bằng phông nền tác phẩm là một sự kết hợp giữa sắc và hình rất phong phú, đa dạng qua những nhát bay khoan nhặt và uyển chuyển hòa quyện với nhau thật sinh động. Có thể nói. Cận cảnh nhất là cái mặt bàn. Một mảng sáng khá lớn nằm cắt ngang chất chứa những nhát bay vuốt cùng chiềuBiểu thị mặt chân đế vững chắc cho cái bình gốm xanh đậm có cắm những cành hoa vươn tỏa khoe sắc sáng rỡ, tạo thành những đường phá cách trên nền xanh cobalt thẫm phía sau xa ẩn chứa những nhát vuốt dọc chắc nịch đang thi nhau chảy xuống. Một bố cục tương phản đan kết đằm thắm, không dữ dội giữa mảng màu và đường nét. Không có tách biệt mà chỉ cho thấy một sự giao thoa tích cực, rất vững vàng càng khiến cho những bông hoa thêm xinh xắn nổi bật hẳn, đồng thời cũng làm cho màu Lam Hồi có một sức hấp dẫn đến lạ lẫm... Tác giả đã đặt màu xanh cobalt làm nền mà cũng là màu chủ cho tác phẩm. Với sự phối sắc xẫm nhạt quấn quýt bên nhau rất lung linh. Tối trên sáng dần về phía dưới. Giống như tầm nhìn của đôi mắt, phần bên trên mí mắt bị khuất nên ảnh giác cảm tưởng như bị mờ tối và sáng rõ dần khi ngang tầm mắt.  Một cách bố cục sắc độ có cùng một gốc màu được đem dàn trải ở phạm vi rộng lớn rất dễ thương. Không chút lạnh lẽo từ màu xanh cobalt trải rộng này mà chỉ khiến người thưởng lãm ngỡ ngàng như vào một chiều không gian sâu thẳm mông mị, lung linh, tươi mát trong thế giới thuần sắc trong veo xanh ngắt của đá quí, của bầu trời và biển cả trầm hùng...Cũng không có gì quá đáng khi nói rằng tác phẩm này là sự minh chứng cho khoảnh khắc nắm bắt tuyệt vời nhất, sinh động nhất từ sự dâng trào sắc màu trong tâm thức người nghệ sĩ đã được chính họ tiếp thụ, biến nó thành tác phẩm để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Một cách chơi màu, phối sắc thật trình độ và thâm thúy. Không chút cầu kỳ, không đa sắc phồn tạp nhưng vẩn đủ sức hấp dẫn người thưởng ngoạn. Có lẽ những bông hoa chủ thể trong tác phẩm này sẽ trở thành héo úa bởi chính màu sắc tự thân nó khi đứng bên những gam màu khác. Và uy lực của màu Lam Hồi nơi đây cũng làm cho người kiến trải cảm thấy thèm khát, thích thú để rồi chợt nhớ đến những họa tiết có sắc xanh đậm đà ửng rực lên dưới lớp men óng ả, bóng nhẫy từ nơi những cái bình, tô, chén, tách trà xưa cũ..v..v... từ những vật gia dụng quen thuộc đâu đó trong nhà...
     Rất ít họa sĩ VN dùng màu xanh cobalt này trong tranh với một diện tích quá lớn như tác phẩm này. Có lẽ họ ngại cho việc sử dụng nó. Nếu không khéo sẽ dẫn đến sự trơ trẽn cũng như chuyện tác phẩm bị nhấn chìm bởi màu xanh cobalt này.

    
      Màu cobalt là màu xanh lam. Ở Việt Nam còn gọi là màu “ Lam Hồi ”. Sắc xanh của nó cho cảm giác lạnh. Thường nhìn thấy phần lớn trên các vật liệu gia dụng như: Đồ gốm, sứ, thủy tinh, kiếng..v..v.. và phát triển rất mạnh trong kiến trúc ở các quốc gia Hồi giáo.

                                   Ngôi đền Shah. Iran. ( Nguồn. Google ).
    
     Ở Trung Quốc khi bị nhà Nguyên thống trị ( 1271-1368 ). Màu xanh này được dùng để trang trí, vẽ lên các vật gia dụng rất phổ biến, kéo dài cho đến tận đời Thanh ( 1644-1912) qua đến hiện tại. Mặc dầu đã bị giảm sút nhiều.

                                Thiên Đàn. Trung Quốc.( Nguồn. Google ).


                                             Đồ Sứ. Thời Nguyên Minh.  ( Nguồn. Google ).


                                           Chóe sứ. Vẽ hoa Anh túc. Cao: 36cm. Đời Thanh.



                         Bình sứ có dạng tứ giác xéo. Vẽ hai mặt. Ám long và sơn thủy. Cao: 33cm. 


     Riêng nước Nhật ở vào những thập niên gần cuối thế kỷ thứ 18. Các họa sĩ thuộc giòng tranh Ukiyo-e, cũng hay sử dụng màu Lam Hồi này trong tranh. Tiêu biểu cho giòng tranh này có: Hiroshige, Hokusai, Shuncho, Utamaro…


Hiroshige. Phong cảnh. Thể loại Ukiyo-e. Thế kỷ 18.


                                      Hokusai. Thiếu nữ soi gương. Thể loại Ukiyo-e. Thế kỷ 18.


                                   Shuncho. Thiếu nữ và con mèo. Thể loại Ukiyo-e. Thế kỷ 18.


                                   Utamaro. Thiếu nữ và cây quạt. Thể loại Ukiyo-e. Thế kỷ 18.
     

    Từ khi có sự giao thương Đông Tây. Loại tranh Ukiyo-e của Nhật Bản xâm nhập vào lãnh vực sưu tập. Cách tạo hình và màu sắc nguyên thủy đã ảnh hưởng mạnh đến tầng lớp họa sĩ phương Tây và sản sinh ra trường phái Dã thú ( Fauvism )?  Họa sĩ Matisse. Một trong những người đại diện cho phái Dã Thú, sử dụng màu cobalt trong tranh nhiều nhất…


                                        Hai tác phẩm của H.Matisse. ( Nguồn. Google ).

   



 Họa sĩ Lương văn Tỷ. Tĩnh vật với nền xanh cobalt. Sơn dầu trên carton. Kích thước: 40cm x 50cm. 
Năm vẽ: 1960. Chữ ký đáy góc phải.


Cauminhngoc   
23/10/2014.