Trở lại chuyện bốn đứa chúng tôi ngồi tại nhà
Vinh Lò Siêu chỉ nói toàn chuyện tầm phào hơn tiếng đồng hồ, không thấy đả động
gì đến việc xem tranh ảnh mà cũng chỉ có tôi Vinh và Võ là nói nhiều còn hai vị
kia chỉ ngồi im nghe thì phải. Thật tình mà nói, tôi đâu có quen anh Ba. Lần
đầu tiên mới gặp đa ngheng! Hình như là lúc bình thường anh Ba cũng ít lời lắm,
chắc tại sống ở nước ngoài lâu rồi nên tiếng mẹ cũng mai một thành ra ít nói,
tôi cứ cho làm vậy, chả hiểu có đúng không?
- Bây giờ mình ra ngoài Đồng Khởi ghé
thăm tiệm bà Ch. nhờ anh Vinh xem hộ mấy bức tranh thủy mạc mà Ba
Tri. đã lựa mấy bữa trước! Chuyện này Võ đã có lời nhờ Vinh giúp đỡ trong
lúc ngồi tán gẫu hồi nãy. Tôi có ý muốn về vì thấy mình chả có dính dáng gì đến
chuyện này. Nhưng Vinh khuyên tôi nên đi xem cho biết. “ Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.” Đi có mất gì không? Tất nhiên là
chả mất gì! Đi thì đi!. Square à Amenager. Rues: Catinat, Larandiere, D’ Espagne. 1934
Công viên Chi Lăng nay, nằm gọn giữa ba con đường.
Đồng Khởi ( Tự Do cũ ), Lý tự Trọng ( Gia Long cũ ), Lê thánh Tôn. Q.I. Giờ gần
như là sân sau của một cao ốc…
Chóe cao 36cm. Vẽ hoa Anh Túc. Người thì cho là đời Ung Chính, Ngươi thì bảo Đạo Quang...Có người phán là đồ.... sứ men lam???. Riêng tôi thì....rẻ!... thích!... mua liền....
Bình hai mặt vẽ ám Long./ Sơn thủy. Cao 33cm.
- Cha! Gặp thày rồi! Tiếng bà chủ tiệm đồ cổ
rung lên trong không gian nghe thanh vực có phần hơi nằng nặng có lẽ vì phải
kéo theo đằng sau một nỗi thất vọng não nề ập đến khi bà ta trông thấy Vinh Lò
Siêu đi cùng. Với lời chào không mấy đon đả đó, ta tạm hiểu Vinh và bà ấy không
xa lạ gì nhau! Cả năm đứa chúng tôi lần lượt bước xồ vào tiệm đồ cổ của
bà Ch. tọa lạc ở đường Đồng Khởi.Q1 Saigon. Tiệm cũng tầm tầm, ngang cỡ bốn, năm. Dài chắc mươi ngoài
mét. Bày biện đủ thứ tô, bát, hũ, bình, tượng. Nào sành, nào sứ,
thủy tinh pha lê, đồng thau chí đất nung. To có, bé cũng đầy
muôn hình vạn trạng. Màu sắc nhìn hoa cả mắt, xanh xanh, đỏ đỏ,
loạn xạ chất từ dưới đất lên đến tận trần, chả biết mình lạc vào cõi nào.( Này!!! Đi đứng cho cẩn thận đấy! Không khéo vỡ một phát là đền bỏ mẹ con ạ!!!) Lần đầu tiên trong cuộc đời, vinh hạnh nhón gót rón rén vào tiệm đồ cổ, gan bàn
chân, bàn tay của tôi nó tê tê, lành lạnh như thế nào ấy!!! Hãi thật!
- Mấy tấm tranh bữa trước
tụi em lựa nhờ chị cất, giờ chị cho tụi em xem lại một chút!. Võ
lịch sự đề nghị hóa giải cái không khí khô khốc nãy giờ. Nối
tiếp ngay theo là lệnh truyền mang ngữ điệu Nam Bộ chính gốc hướng vào phía
trong nhà của bà Ch..
Sáu cuộn như
những khúc mía, chỉ khác là không có đốt và rễ đi theo được buộc lại thành bó bằng
sợi dây vải màu đỏ. Nhìn vào là biết ngay nó thuộc loại tranh trục truyền thống
của Trung Quốc. Một cô bé trạc cỡ hai mươi ngoài hình vóc tầm tầm không đẹp mà
cũng chả xấu ôm bó tranh trong vòng tay như đang bế em bé từ trong nhà mang ra.
Có lẽ cô ta đã nghe rất chuẩn tiếng sai bảo vọng với từ ngoài vào của bà Ch.!
Võ đưa tay đỡ lấy từ tay cô bé rồi liền tay trao cho Vinh Lò Siêu.
Sáu tấm tranh lại được chuyền qua tôi kèm theo tiếng dặn dò của Vinh.
- Mở
ra xem đi anh C.! Nhớ xem cho kỹ rồi cho tôi ý kiến nghe. Tôi lần lượt mở ra
từng tấm một, tự xem một mình. Vinh thì mải nói hưu nói vượn gì đó với bà Ch.
Còn ba vị kia thì dửng dưng, có cảm giác như vô can không phải chuyện của
mình. Mặc dầu mục đích chính ngày hôm
nay của họ là đi mua tranh. Đến lạ!?. Một lúc sau Vinh quay sang nhìn vào tấm
tranh tôi đang xem, nhởn nhơ chỉ vẽ cho tôi những điều không bình thường biểu
lộ trong từng tấm mà từ nãy giờ tôi có nhìn thấy nhưng không biết hỏi ai.
- Ủa! chữ
viết này sao lại sát với rìa tranh vậy?.
- Nó bị
rách rìa nên khi bồi lại, họ tề đi cho thẳng đó! Có khi nào anh viết sát rạt lề giấy
không? Ừ nhỉ! Ít nhứt cũng phải chừa ra vài ba phân chứ bộ.
- Sao cái
này nó xậm màu dzữ dzậy?.
- Nó nhuộm
nước trà, cà phê cho thành cũ đó. Giấy đâu có màu này cha!
- Sao màu
mực này, khác với màu mực chỗ này?.
- Nó vẽ
thêm dzô chứ có gì đâu. Mực mới sao giống cũ được!
- Nè! Anh dơ lên ánh sáng mà coi. Lủng một lỗ
chà bá. Nó dán rồi mới vẽ đè lên nè, thấy chưa?
- Ừ
nhẩy!
Ôi! Sao mà
tùm lum quá ? Nhức cái đầu.
- Tại sao
tranh của chú Ba lại phải có hai khúc cây ở hai đầu dzậy?
- Để treo
chứ để làm gì!
Ta sẽ hiểu
ngay khi thấy một họa sĩ Trung Quốc làm việc. Khi muốn vẽ một tấm tranh, bắt
buộc người họa sĩ phải có chất liệu để vẽ. Ở Trung Quốc đa phần là vẽ trên giấy
hoặc lụa ( Hai thứ này nghe nói mấy ảnh tìm ra trước tiên trên Thế giới thì
phải! Coi lại cho kỹ nghe!!! Nhiều khi tui nói trật tin thì ráng chịu đó! Đừng
đổ thừa!!!). Hai thứ này nó mỏng lét như giấy vấn thuốc lá. Vẽ lên đó cho xong
đi. Rồi!!! Cầm tờ giấy hay lụa mỏng lét làm sao treo. Tổ tiên của các Chú Ba
mới nghĩ cách làm sao để treo lên cho ổn. Thế là!!! phải bồi cho dày lên. Hai
bên cạnh sườn trái phải của tranh nẹp
thêm hai miếng giấy dày hay lụa dọc theo thân tranh. Còn tùy theo tấm tranh khổ
lớn hay nhỏ. Thông thường cỡ ba, bốn phân Tây là vừa. Trên đầu, dưới chân bức
tranh đắp thêm hai miếng thiên, địa. Tất
cả là để bọc chung quanh giữ cho tấm tranh khỏi bị rách. Phía trên đỉnh của
cuộn tranh gắn thêm vào một thanh cây nhỏ, có buộc sợi dây để treo lên. Phía
dưới gắn vào một thanh cây tròn to hơn cho đủ sức nặng để trì kéo tấm tranh
xuống. Tả thì rắc rối nhìn thấy là hiểu liền. Ráng kiếm người quen nào có tranh
Tàu xin họ cho xem là biết ngay hà! Anh Ba nhà ta phải làm như vậy vì trong
lịch sử cổ của mấy ảnh đâu có kiếng (thủy tinh). Mãi tới khi các anh Tây mũi lõ
đổ sang mới du nhập thứ này vào. Nhưng vì truyền thống bảo thủ, nệ cổ sợ treo
kiếng trong nhà nó phản quang hình ảnh xui xẻo, hay ban đêm thức dậy đi…cứ như
thấy ai đứng sau lưng, rợn tóc, lạnh nhót cả chân. ( Mấy anh này dị đoan dữ lắm!)
hoặc lỡ đứt dây rớt trúng đầu chảy máu nguy tai nên không chịu sài kiếng, cứ
làm y như cũ cho xong việc. Ấy vậy nay ta mới còn nhìn thấy nó! Lại giữ gìn
được những nét riêng của mình. Mà như vậy nó gọn ghẽ nữa. Thích thì mở ra treo,
không cuốn lại cất. Rất ư là tiện lợi. Chỉ thất bại mỗi một chỗ là cuốn tới
cuốn lui nhiều lần bị gãy ngang, đôi khi đứt thành từng khúc. Tôi đã gặp một bộ
tứ bình rất xưa, giấy đã ngả màu xám ngoét vẽ bốn khóm trúc trong bốn mùa Xuân,
Hạ, Thu, Đông. Chủ nhân của bốn tấm tranh quí này là bà BS.Th. ở đường Điện
biên Phủ. Mỗi bụi trong một tư thế. Cái thì ẻo lả trong gió, Cái thì nhạt nhòa
trong sương, cái thì rực rỡ trong nắng, cái thì non trẻ hào hùng, đẹp tuyệt
vời. Tất cả bốn bức trên đã bị hư nát, gãy vụn ra từng mảng, bằng một, hai ngón
tay, suốt từ trên xuống dưới, do bị cuốn đi cuốn lại quá nhiều, thấy mà xót xa.
Đã thế không hiểu có một cuồng sĩ VN nào lại viết nguệch ngoạc mấy câu thơ bằng
chữ ta, ca ngợi vẻ đẹp bốn bụi trúc, mỗi chữ to bằng cỡ quả trứng vào các mảnh
thiên, địa của bốn bức tranh. Nhìn vào thấy phê quá!!!.Tối tăm mặt mũi.
“ Tiếc thay cây quế
giữa rừng,
Để cho thằng Mán
thằng Mường nó leo! ”
Cũng may
nhà cuồng sĩ chỉ viết bên ngoài tấm lụa bồi. Nếu viết vào trong bức tranh không
hiểu sẽ ra sao? Rồi không biết vì hối hận hay vì lý do nào khác. Bà BS.Th.đã có
nhã ý nhờ tôi bồi lại. Nên nhớ là khi bồi lại phải lột ra vất đi hết chỉ chừa
lại bức tranh vẽ trên giấy ở trong mà thôi. Tôi nghĩ khả năng của mình có thể
phục chế lại được nhưng rất công phu và rất hao tốn thời gian. Gỡ ra từng mảng
nhỏ như vậy, một tấm có thể mất cả tháng. Tính công bao nhiêu? Chính thế nên
người bồi trước đã phải để nguyên trạng rồi bồi đắp thêm lên phía sau, không
dám tháo ra. Tôi có rủ Vinh tới xem. Hai đứa nhìn bốn bức tranh mà tiếc ngốt
người. Tôi có đề nghị cách chữa là bồi cho thật dày, kéo thằng ra rồi cho vào
khung kính đề bảo quản cho đỡ nhưng bà BS Th. không chịu. Sau khi bà mất không
hiểu bốn bức tranh quí này trôi dạt đi đâu.
Bạn có bao
giờ thấy một tấm tranh của họa sư Mã Viễn đời nhà Tống bên Tàu vẽ trên giấy
đàng hoàng mà bán chỉ có hai cây vàng chưa? Chuyện này có thật đấy.(1) Người bán
lại là người có tay nghề lâu năm. Họ bán cho bạn tấm tranh cổ có giá trị rất
lớn với vài cây vàng?. Họ không biết giá trị tấm tranh à!?!?. Hay tại không
biết chỗ bán?. Hay tại họ đang cần tiền?. hoặc giả là người cõi trên không biết
sài tiền? Người mua không ai xa lạ. Chính là tôi.
- Tui nói
thiệt nghe anh C. hết 99 phần trăm là giả (tranh in) chỉ còn một phần trăm là thiệt do cái
hên của anh! ( Nói mẹ nó là giả cho rồi còn bày đặt vòng vo. Cái gì là 99 phần
trăm?? Cha nội!!!). May sao người bán chịu lấy lại! trả tiền đủ. Hú vía!. Sau vụ
này Vinh khuyên tôi.
- Anh là người Việt nên chơi
tranh của người Việt vẽ thì hơn! Anh đọc được tác giả, lại dễ tìm nguồn tư liệu. Bạn bè anh đông, dễ
hỏi. Còn anh muốn chơi tranh Tàu hả? Anh nhắm anh đọc chữ Hoa như người Hoa
không? Mà phải là người Hoa trí thức cao, rộng à nghe! Lơ mơ là không xong
đâu!. Nói cho anh hay, như tụi tui đây, đụng chuyện là cũng phải nhờ đến thày
giỏi chuyên trị mới xong đó, tôi nói thiệt chứ không phải hù anh đâu! Một điều
nữa là người Hoa họ có tấm tranh quí họ có kếm người Việt để bán không!?.
Trước tới
giờ tôi có ấp ủ rất ngây thơ và đầy tham vọng. Tôi vẫn cứ nghĩ là vào buổi giao
thời này. Thời kỳ đánh tư sản, tất cả những tay tài phiệt, những tay tư sản,
những người có máu mặt trong Cholon, bị hoảng loạn nên đã cố gắng giảm bớt
những cái gì có vẻ xa sỉ, cho đi bớt để trống trống cái nhà cho đỡ sợ. Chắc hẳn
mấy tay trùm này không muốn mọi người thấy mình mặt đỏ. Phải làm sao để cho tất
cả thấy mình là thằng ít tóc và khuôn mặt màu trắng cho hợp thời trang. Hớt
trọc liền thì khó coi quá, không giống ai càng dễ chết.( Nị cứ hớt cua cho Ngộ
càng ngắn càng tốt. Cho nó mát!) Những cái đuôi sam sẽ đem vất đầy đường. Thế là
những thằng trước giờ hói như tôi tưởng bở đi nhặt về cất! Thế thôi! Mãi sau
này. Tôi hiểu những cái họ vất ra, rõ ràng là cho trống nhà, chứ còn thứ nó đẻ
ra vàng họ chôn cất cẩn thận, linh đình lắm. Sau này khi vào chợ sách cũ Đặng
thị Nhu một thời gian tôi có quen biết một lão Tàu đứng tuổi tên La đầu bạc. Hắn có nói
với tôi là trước kia hàng ngày lão đi nhặt nhạnh trong Chợ Lớn phải chở cả cần
xé tranh cũ mới, xưa nay đi bán lẻ!!!. Rõ khổ thân cho lão. Có lẽ cực khổ đến
như vậy, thành ra bây giờ trông lão ta có bộ tóc, cùng lông mày bạc phếu cả!
Tôi biết
Vinh nói lời khuyên chân tình. Niềm mơ ước được sở hữu một tấm tranh thủy mạc
của Trung quốc có giá trị cao đội nón ra đi không hẹn ngày trở lại.
“ Ta về
ta tắm ao ta,
Dù trong
dù đục ao nhà vẫn hơn.”
Cái ngăn
kéo đã được đóng lại. Chỉ mong sao sau này có dư giả. Ra nước ngoại đấu giá một
chuyến cho “oách”. Mua của các nhà đấu giá lớn, cho chắc ăn, khỏi lo mệt! Tất
cả còn ở phía trước. Hãy đợi đấy!!! Nu! Pogodi!
Thế là sáu
tấm tranh cổ trong tiệm bà Ch.
đã được anh Ba Tri lựa sẵn, tính mua mang đi xuất cảnh đã không đạt tiêu chuẩn
KCS, đành phải ở lại với bà chủ tiệm đồ cổ, chờ đợi một con nhạn là đà khác.
Chúng tôi tếch, rủ nhau đi uống càphê. Nội chuyện này Vinh nhà ta đã cứu cho
anh Việt kiều gần cả chục cây vàng, giúp cho anh bạn của sừ Võ một niềm vui nho
nhỏ. Nhưng ngược lại thì bà chủ hiệu đồ cổ lại có một nỗi buồn chấu cắn. Mất đi
một khoảnh tiền không nhiều nhưng nếu có nó thì cũng kịp mua thêm cho mình một
căn nhà nho nhỏ, xinh xinh. Tất cả cũng chỉ tại cái thằng Vinh thổ tả, nó chõ mõm
vào.
- Biết
ngay mà! Bà thấy cái bản mặt mày khi đi theo bọn nó là bà biết hỏng rồi! Bố
khỉ! Đồ trời đánh thánh vật! Bà phải đốt vía mày con ạ! Đồ quỉ ám!!!
Sau khi
thả tôi xuống trước cửa nhà. Vinh hỏi.
- Ngày mai
anh Võ nhờ tui đi coi mấy tấm nữa ở đường Châu văn Liêm do tay H. hàng bún đem
vào, anh có đi xem không?
- Cám ơn!
Thôi tôi không đi đâu! Anh và mấy chả cứ đi đi! Tôi từ chối vì sợ làm phiền đến
Vinh phải chạy từ Lò Siêu lên nhà để đón tôi đi. Cũng một phần chán mấy anh bạn
của mình chơi trò qua cầu rút ván nên tôi từ chối. Mấy anh kia đâu có rủ tôi.
Chắc sợ tốn thêm một xuất cà-phe.
Lô tranh
này do tay H.hàng bún đem vào. Giai đoạn mới ráp lại này đồ cổ từ phía Bắc chảy
vào Nam
khá bộn vì có một số Việt kiều về mua hoặc những người được phép xuất cảnh lận
mang đi. ( Điều này chỉ đúng một phần nào thôi. Chỉ có các anh “ Cắc chú” mới
có khả năng, còn dân ta chỉ có nước bán nhà mang theo cùng lắm mua được vài tấm
tranh lụa, một đôi tấm sơn mài mỹ nghệ là oách lắm rồi! Cái đó là tôi nói thiệt!!!). Chủ yếu là các thương gia nước ngoài làm ăn ở VN tham dự vào nữa, mua rẻ mang về bán làm
giàu, ai mà không khoái. Có gì là lạ đâu!
Rồi lô
hàng này cũng không lọt vì Vinh ta lắc lắc cái đầu cho mỗi tấm khi tay H. hàng
bún treo lên. Một phần là lô hàng này không tấm nào có tên trong bảng phong thần của ngài Việt kiều cả! Ảnh
nói rồi phải có tên trong bảng mới gật!( Nói nho nhỏ đừng cho chả nghe sợ chả
buồn, biểu mình bêu rếu nói xấu láng giềng. “ Đúng ngay
chừ thứ chả yêu cầu! Không biết chả có dám mua hông nữa?!?! ” ).
Cũng vì
cái chuyện cố vấn cố viếc, ăn cơm nhà vác ngà voi này mà Vinh ta đã bị H. hàng
bún ghét cay, ghét đắng. Không thèm bán cho tấm nào kể từ dạo đó! Đã không bán
thì chớ nó còn đếch cho xem cái mặt mũi ngang dọc những tấm tranh của hắn mang
vào để bán sau này. Cay cú nhất là tấm Đổng kỳ Xương, có năn nỉ sùi bọt tay H. Hàng
bún cũng đếch cho xem. Mở mồm ra là… Em chả!!! với lại… Em chả!!! Tức muốn bể
bong bóng…
- Mày là
thằng phá thối!!! Bố đếch cho mày xem!!! Bố đếch bán cho mày! Bố bán cho thằng
khác để mày tức chơi được không? Cái tính láu lỉnh truyền thống của dân Bắc Kỳ
ta lộ rất rõ trong chuyện này.
Thế đấy! “
Ách giữa đàng, mang vào cổ! ”. " Cố " đâu chả thấy chỉ thấy " vấn " vào người cái
bực… Cho bỏ cái tật tài lanh.
Chuyện về tấm Đổng kỳ Xương này để tôi nhớ lại kể cho nghe. Hượm!!! Từ từ nào!!!
Phong cảnh. Thủy mặc Nhật. Mực nho trên lụa. Cỡ 38.5cm
x 51cm .
(Còn tiếp)
(1) Loại này đã có từ lâu bên Tàu, nhưng vì gián đoạn giao thông nên hiếm thấy. Từ sau năm 1975 giao thông thuận lợi nên điều kiện trao đổi qua lại dễ dàng nên hiện nay (2015) có bán rất nhiều, đủ mọi tác giả cổ kim có tên tuổi lẫy lừng, khổ lớn như tranh thật. Cỡ vài trăm ngàn một tấm.
Tranh in trên lụa, tô màu tay. Cỡ: 35cm x 250cm. ( Trích đoạn ).
Tranh in trên giấy. Cỡ 63cm x 127cm (Trích đoạn).
10 - AI BIỂU TÀI
LANH ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét