Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

13 - MÀN THÁU CÁY…TUYỆT CÚ MÈO…

MÀN THÁU CÁY…TUYỆT CÚ MÈO…


      - Anh C. nè! Anh có hiểu tại sao tui tuyên bố mạnh miệng là không mua bức tranh đó không? Vinh Lò siêu cười toe, khoe hàm răng hơi vẩu dính đầy nhựa thuốc lá nơi kẽ răng, hếch mặt hỏi tôi.
      - Chuyện của anh! Anh không nói làm sao mà biết được. Tôi trả lời thận trọng.
      - Có gì đâu! Tui phải tuyên bố mạnh như vậy cho tụi nó ngán. Tui có tật ham mua, tụi ở Cholon này thằng nào chả biết cái tật này của tui. Thấy tranh quí là đâu có tha, chỉ trừ trường hợp bị phỗng tay trên mới chịu mất. Tui lại còn nói là chờ hỏi thày nữa, tụi nó càng tin dữ. Cuối cùng rồi tui nói không mua làm cha con tụi nó chưng hửng với nhau cả đám. Tui làm động tác giả tung hỏa mù dương đông kích tây đó mà. Tui đâu có hỏi ai! Biết ai mà hỏi! Làm bộ nói thôi, làm như mình bảnh, có thày để cho tụi nó tưởng mình là thứ dữ vậy mà. Một miếng thịt ngon lành ai chả muốn ăn. Anh biết có bao nhiêu thằng muốn mua nó chưa? Theo tui biết không dưới một chục. Tui biết chắc một trăm phần trăm, nếu tui đòi mua một cái là có năm bảy thằng xìa cái tay ra ôm chạy liền. Tụi nó còn đang thăm dò coi thiệt giả ra sao, bán tín bán nghi nên chưa cha nào dám rớ, bây giờ tui mà đòi mua. Thì chẳng khác gì như tui biểu nó là đồ thiệt đó tụi bay. Xong liền. “- Nị cỏng pao diêu? Ngộ lãnh hết à!!! Ngộ có diều tìn, ngộ phái ló! pao diêu ngộ cũng mua liệc mà…”        Vinh ta tâm sự. Mình có trả bao nhiêu cũng chả mua được. Cỡ nào cũng có thằng sẵn sàng trả cao hơn để ôm nó. Một tuần để suy nghĩ. Tui quyết định là không mua. Không mua chưa phải là mất hẳn, còn tí chút hy vọng. Chứ mà đề nghị xin mua một cái là mất luôn khỏi bao giờ có dịp gặp lại!.
      Vinh đã chơi một ván bài tháu cáy tuyệt vời và hắn đã thành công. Cả tháng treo tòng teng tại hội quán Quận 5. Quan chiêm, ngõ mục, mọi người thi nhau bình phẩm. Người thì cho thế này, kẻ thì phán thế nọ chả ai chịu ai. Người nào cũng chỉ muốn chứng tỏ ta đây là bậc am hiểu…
     ( Pực pội! Toàn một đám dóc sự không hà! Chả cha nội nào dám mua hết. Chán thiệt! Chán quá chời… Chết cha mồ tổ dzồi!!! Mấy cái thằng Pắc kỳ ló pán tranh giả cho ngộ!!!. Lược dzồi! Ngộ pải chơi lại mấy cái thằng Dziệc Lam mới liệc. Ngộ lâu có ngu dzữ dzậy. Ngộ pán! Ngộ pải pán lế!  qzuề dzốn ngộ cũng pán mà!!!.) 
      Nhờ ơn trời phật độ. Hắn bán được thật các cụ ạ!!! Mà chả biết nó bán cho ai! Bán được bao nhiêu? Chả ai biết một tí gì! Nó dấu còn hơn cả mèo dấu…
      Mãi cho đến cả hơn hai năm sau. Người ta mới phát giác được nơi cất dấu bức tranh. Chả ở đâu xa cả! Ngay tại cái Sè goòng này thôi! Các cụ biết nó ở đâu không? Châu về hiệp phố. Quả đất tròn thật. Nó quay trở lại với cái người đầu tiên được chào mà bị dzẹo. Đó là Sừ Huế!!! Ngay chừ tại quận I Saigon chứ chẳng phải đâu xa. Người có công đầu phát hiện ra nó phải kể đến nhóm thợ săn của anh Ba Tri.. Nhóm này cũng được coi như là ân nhân của Vinh. Lò Siêu nữa. Nói chung chàng Sừ Huế nhà ta cũng có lộc và có duyên với nó chút đỉnh nên nó đã chọn anh mà gởi thân ẩn náu cả hơn hai năm trời để đợi...( Giống chuyện Công chúa ngủ trong rừng quá hé!)
      Đúng là tay Vinh cao số. Cứ tưởng nó mất, rút cục lại về với hắn. Của quí tầm người như các cụ nhà ta hay nói chăng? Cũng xứng đáng thôi. Hắn là tay giỏi đi một nước cờ quá tuyệt, quá cao. Đáng mặt bực thày. Thiên hạ kiềng hắn cũng đúng và không phải ai hắn cũng khoe và cho xem đâu nhé!. Có một lần Vinh Lò Siêu hỏi tôi.
      - Anh có biết cha HS Trương.h.M. không?
      - Có! Tôi có biết tay này vì có lần ông Thành.( Người dạy tôi bồi tranh ) dẫn tôi tới nhà tay này chơi. Tay HS này sản xuất dây thung đúng không? Tôi trả lời.
      - Đúng rồi! Cách nay mấy bữa, hắn có làm bữa tiệc mời bạn bè và có mời cả tui nữa. Trong bữa tiệc hắn có khui một chai rựu ngoại đãi anh em.( Lúc này rựu ngoại được mô tả là một thứ cực kỳ xa sỉ ). Hắn còn nói khơi khơi với mọi người là sau khi uống hết chai rựu này sẽ kéo đến nhà tui để coi tấm tranh của Lâm Lương? ( Ê! Cha nội có hỏi ý chủ nhân chưa đó? Coi chừng đa nghen! ).
      - Anh mời tui uống rượu ngoại! Tui sẽ mời anh uống lại rượu ngoại! Chuyện coi tranh hãy để đó. Khi nào tui thích sẽ mời quí vị lại xem sau! Tui nói thẳng với tay họ Trương như vậy.
       Sự thật như thế nào tôi chẳng biết, hắn có cho mọi người xem không tôi cũng chả quan tâm. Cái thích thú nhất của tôi là đã được tận mắt xem một kiệt tác trong làng hội họa cổ Trung Quốc. Một bức tranh vĩ đại, có té vào kho đồ cổ cũng không gặp. Nội cái khổ giấy không thôi đã là một kỳ công rồi. Một loại giấy đặc biệt chắc chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của Triều đình. Muốn treo nó cho xứng tầm, căn nhà phải là những cung điện cực to, cao treo mới xứng. Một chuyện mà tôi thấy trước mắt. Đó là sẽ không bao giờ có dịp để nhìn lại nó lần thứ hai. Đáng tiếc! Thật đáng tiếc thay!!! Nó đã rời khỏi cái mảnh đất này mãi mãi, không bao giờ trở lại. Trước ngày ra đi Vinh có nhờ tôi dẫn hắn vào chợ Vườn Chuối đặt một cái ống nhôm to tầy máng sối, dài cỡ hơn hai thước. Hắn vác nguyên cây súng chống tăng Bazooka đi xuất cảnh các cụ ạ!!! Thế mà đi tuốt. Đi tuốt! Vậy mới tài. Bái phục! Bái phục! ( Qui định hành lý xuất cảnh chỉ được mang theo một cái rương, dầy không quá một tấc, cao năm tấc, dài một thước. Mang máng, không chính xác nhưng gần gần như thế ).
      Sau này Vinh về VN chơi tìm tôi. Hỏi thăm về bức tranh, hắn vẫn còn giữ và nói khi nào có dịp sẽ đem ra triển lãm. Nhưng chỉ trình làng duy nhất một tấm Lâm Lương mà thôi. Hắn cũng có khoe với tôi một tấm hình chụp hắn đứng solo trước bục gõ búa của hãng bán đấu giá Sotheby’s và hãng này cũng cấp cho hắn một giấy chứng nhận là người chuyên giám định tranh Triệu thiếu Ngang của phái Lĩnh Nam mà tôi đã có dịp nói qua.
      Từ câu chuyện này. Thử hỏi cách xử sự của tay Vinh có đáng trách không? Vì cái tội mua hớt tay trên của người khác!
      Theo tôi. Trách cũng được mà không cũng xong. Giữa tay Vinh Lò Siêu và Ba Tri cũng chẳng có tình nghĩa gì cho sâu xa. Hai bên biết nhau qua tôi. Có gặp nhau mấy bận. Toàn phần là Ba Tri đến nhờ vả vào tay Vinh đi xem tranh hộ để mua. Trong khi bản thân Ba Tri không biết một chút  xíu gì về tranh để lận lưng. Thế thì mua cái nỗi gì? Chực đợi người ta dọn sẵn mà ăn à? Ở đời làm gì có! Anh là bố nó chắc. Anh em ruột thịt còn cắn xé nhau vì món lợi, huống chi đây chỉ là người dưng nước lã, nhạt hơn cả nước ốc!. Đại bác 175ly bắn hút tầm cũng chả tới. Đã thế lại còn không biết cách cư xử nữa, mới hỏng to.
      - Anh nghĩ mà coi có chán không!!! Cách đây mấy bữa, mới có hơn tám giờ, chưa kịp chở vợ đi ăn sáng, mấy ổng ùn ùn kéo nhau tới nhờ tui chiều đi coi dùm mấy tấm tranh, rồi đòi tui lấy tranh ra coi. Cả đám coi suốt từ sáng cho đến gần hai giờ chiều.  Ba ông đứng dậy bước ra cửa bàn tán với nhau một hồi rồi vào nói với tui để họ đi ăn cơm. Hẹn chiều gặp lại nhau để đi coi tranh dùm mấy chả! Anh thấy sao? Vinh hỏi. Tôi chưa kịp trả lời hắn than tiếp.
      - Cái chuyện ăn uống không quan trọng nghe anh C. Tui đâu có đói! Tôi chỉ muốn nói tới phép lịch sự tối thiểu! Họ cũng biết là tôi tiếp họ từ sáng đến gần hai giờ chiều. Cũng như họ, tui có miếng nào vào bụng. Ấy vậy mà khi bàn chuyện đi ăn. Họ không nỡ mời lơi tui một tiếng. Trong khi đó biết chắc là chiều nay họ phải nhờ tui đi xem tranh dùm cho họ. Vinh bực bội nhìn tôi than thở tiếp.
      - Anh còn nhớ bữa trước ra ngoài đường Đồng Khởi vào tiệm bà Ch. không?. Không có tui đợt đó chả ôm một mớ tranh âm binh rồi. Đúng không? Bữa đó có anh mà!. Quả là có đúng như vậy. Hôm nay nghe Vinh  nhắc lại tôi mới nghĩ đến. Đúng như lời Vinh nói. Không có lấy một tiếng nói cho vừa lòng nhau! Cứ như Vinh nhà ta có bổn phận phải phục vụ cho họ. Nghĩ cũng đến tệ! Trách ai? Trách gì? Trách làm sao?
     
      - Dạ! Anh nói gì ạ!
      - Đâu có! Tôi có nói gì đâu!
      - Dzậy mà tui cứ tưởng anh nói lời cảm ơn tui chứ!
      Thế đấy! Bạc bẽo nhỉ! Và một câu hỏi xếch mé của Vinh nhà ta. Quả là thâm khi tay kia không có lấy một lời lấy lòng người giúp mình!.

                      “ Tiên trách kỷ,hậu trách nhân!”. Ngẫm đi!!!

          Có một điều quan trọng muốn đánh động tới những người thích chơi cổ ngoạn.  Trước hết phải dựa vào tài năng, bản lãnh của mình. Nhờ vả người ta khó lắm. Con người ai chả có lòng tham. Thấy mình có món quí, họ đã lăm le tìm cách muốn chẻ nó rồi. Đó là những chuyện mình biết mình có gì còn như vậy. Huống chi mù tịt chả biết cái con mẹ gì hết. Đến nhờ họ đi mua đồ quí giúp cho mình. Ai lại thế bao giờ! Chả có ai chê tiền cả. Làm đầy tớ cũng phải ăn công. Chưa nói đến chuyện biết anh có tiền nhiều, coi chừng nó cạy tủ cuỗm mất, chỉ còn có nước đi cớ Mã tà. Đàng này nó đâu phải là đầy tớ của anh đâu mà cư xử như vậy! Bắt nó phải phục vụ và phải trung thực với anh. Lấy cái gì để đo được lòng tham của con người?.
       “ Ủa!!! Tao mới chiên xong mấy con cá để trên cái đĩa này?! Sao giờ còn cái đĩa không vậy?” Cá rán để trước miệng mèo, chắc chắn là anh cũng thấy còn, mà chỉ còn cái đĩa không.  Nói vậy chứ cũng không nên vơ đũa cả nắm, nếu món hàng không đáng chi, tôi mua dùm anh cũng được, để lưu chút tình. Còn thấy được món quí hiếm. Gặp nó mừng như trúng số, có giá trị cao ngất ngưởng như tấm Lâm Lương. Hượm! Để coi lại chút síu…
      - Nè!!! tui hỏi thiệt nghe. Có ai thấy cả trăm lượng vàng SJC xịn vàng khè rớt ngoài đường mà không chịu lượm, đi chỉ cho người khác lượm để nhận tiếng cám ơn suông không hả???. Bạn cứ đặt mình vào tình huống này xem sao? Tin bợm mất bò! Ráng chịu! Ai biểu!!!
      Vinh còn giải thích cho tôi hiểu một chuyện về sự thắc mắc của một số tay chơi tranh trong Cholon “ Tại sao họa sĩ cung đình tầm cỡ như Lâm Lương trong tranh lại không có con dấu Ngự lãm”. Ấy vậy mí có chuyện để mà nói chứ. Trong Triều đình đâu phải chỉ có một hai họa sĩ. Cả trăm người. Ăn rồi chỉ có mỗi một việc vẽ. Đợi lúc trà dư, rượu đẫy. Ổng hứng thì  truyền cho các Thái giám treo lên để ngắm, bi bô với đám cận thần, mỹ nữ cho dã rượu. Hoặc là lúc cao hứng bảo trình cho ổng xem. Lựa cái nào  thích giữ lại truyền đem treo, khi nào rảnh ra ngắm nghía cho đở buồn. Nhất là những lúc ổng phải trốn các bà Phi.( “ Có mỗi mình Trẫm mà các khanh cứ dzậy goài! Trẫm chịu sao nổi ” ). Đúng ý ảnh thích chọn giữ lại chơi cho vui. Lúc đó các quan mới bụp dấu Ngự Lãm vào. Còn ảnh không thích đóng dấu dzô làm chi. Đó là chưa kể mích lòng các quan Thái giám thì muôn đời khỏi có bao giờ lọt dzô cung chứ đừng nói tới chuyện đưa cho ổng xem với không xem. Hiểu chưa?. Dzô kho! Chờ ngày đẹp trời, chật chỗ. Ổng ra lịnh tháo kho ban phát cho các quan mang về treo để nhớ ơn Trẫm ban lộc nghe. Đấy!!! mấy tấm kiểu này thì kiếm cái con dấu Ngự lãm ở đâu ra? ( Nếu có thèm thì về lấy khoai khắc đại rồi đóng dzô cho xôm tụ. Thời nay thì được à nghe! Cùng lắm thì chỉ bị ở tù vì tội giả mạo. Chứ còn đương thời của mấy ổng mà làm chuyện này, mấy chả phát hiện ra là nó chém tới ba họ! Liệu thần hồn! Dờ cái thần xác nhà mày đó! Tao báo trước. Không sau này lại bảo là tao ác! ).

      À!!! Chuyện này còn nữa chưa hết đâu. Còn “Ba Tri. Ngoại sử” nữa.

(Còn nữa).

14 - BA TRI NGOẠI SỬ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét