Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

" VÀNH NGOÀI BẢY CHỮ...VÀNH TRONG TÁM NGHỀ " ( Truyện Kiều. Nguyễn Du )

   
Bìa trước. Tập Văn Họa Kỷ Niệm Nguyễn Du. Năm 1942.

      Nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh cụ Nguyễn Du (2015). Xin thuật lại một câu chuyện đã nghe kể từ lâu, được cho là thú chơi chữ ở dạng chiết tự, từ chữ Hán Nôm của các cụ thâm nho xứ ta ngày xưa dựa vào câu:

                “ Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề ”.
 

Trích đoạn.    

 " 10 - Tú Bà dạy nghề nguyệt hoa ".

1199 - Vừa tuần nguyệt sáng gương trong,
           Tú Bà ghé lại thong dong dặn dò;
1201 - " Nghề chơi cũng lắm công phu,
           " Làng chơi, ta phải biết cho đủ điều ",
1203 - Nàng rằng: " Mưa gió dập dìu,
           " Liều thân thì cũng phải liều thế thôi ".
1205 - Mụ rằng: " Ai cũng như ai,
           " Bỗng dưng ai mất tiền hoài đến đây,
1207 - " Ở trong còn lắm điều hay,
           " Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung,
1209 - " Này con thuộc lấy nằm lòng,
            " Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề,
1211 - " Chơi cho liễu chán hoa chê,
           " Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời,
           ......................................................
 ( Câu 1210 . trang 139 . Đoạn trường tân thanh.. Nguyễn văn Anh hiệu chú. In lần I năm 1958. BQGGD Xuất bản ).


       Về việc tại sao không ghi thêm phần chú giải ý nghĩa của " Bảy chữ " và " Tám nghề " đúng theo ý cổ trong truyện Kiều. Bản thân nhận thấy trong một số sách về truyện Kiều và trên mạng đã có chú thích đầy đủ, rất rõ ràng nên mạn phép không nhắc lại. Nếu vị nào cần, có thể tìm đọc trên mạng hay một số bản Kiều cũ sẽ nắm rõ về điều này. Mục đích ở đây chỉ muốn thuật lại câu chuyện về cách chơi chữ, chơi nghĩa trong một câu Kiều, được lý giải theo một chiều hướng chiết tự rất hay, rất lạ chưa bao giờ được nghe nói đến mà thôi.


Nguyễn gia Trí. Khi tỉnh rượu lúc tàn canh. Tranh khắc gỗ năm 1942. Trích trong " Tập Văn Họa Kỷ Niệm Nguyễn Du ".
                 


        Câu chuyện này tôi được nghe từ một người khách cùng trang lứa rồi đã trở thành thân thiết sau nhiều lần đến mua sách. Nhớ lại buổi cuối gặp nhau cách nay đã hơn vài thập niên. Khi đó anh đến để lấy bộ đồ veston đặt ở một hiệu may nằm cách tiệm của tôi lúc ấy còn bán ở con đường CMT 8. Quận 3 vài căn, đồng thời cũng báo tin vui cùng với lời tạm biệt để tuần sau anh lên đường về miền đất mới. Anh được cho phép đi xuất cảnh theo diện nhân đạo cùng gia đình. Hầu như trong giai đoạn này ai đi xuất cảnh đều cố mà may cho mình một bộ veston để mặc cho nó “oách” khi đến xứ người! Trong khi chờ lấy, chúng tôi ngồi ba hoa xích đế, tầm phào với nhau khá rôm rả về những gì đã từng kiến trải trong cuộc đời, rồi trôi dạt đến lãnh vực văn học thế nào đến giờ này tôi cũng không còn nhớ rõ... Nhưng câu chuyện anh kể, nó đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi từ dạo ấy.

                                                  Hoàng thành Huế.( Ảnh chụp 2015).

       Anh cho biết khi còn mài đũng quần ở cấp III tại Trường Quốc Học Huế. Một trường rất nổi tiếng cho nam học sinh, nằm sát bên trường nữ Trung học Đồng Khánh không kém cạnh gì. Cả hai tọa lạc trên một mảnh đất khá rộng. Mặt tiền đường Lê Lợi cùng hướng ra giòng sông Hương xanh ngắt niềm mơ. Đường Lê Lợi được mang tên một vị vua oai hùng khai sáng ra một triều đại lẫy lừng kéo dài trên vài trăm năm trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Con đường không dài lắm nhưng khá là nên thơ và yên tĩnh, nó bắt đầu từ mố chân cầu Tràng Tiền, rẽ phải dọc theo bờ  Nam sông Hương chạy dài cho đến cuối đường thì gặp nhà Ga xe lửa Huế. Lòng đường vào mùa đơm lá, đơm hoa luôn tỏa những bóng mát của hai hàng cây phượng vỹ trồng song song dọc theo bên lề đổ xuống. Khung cảnh cũng có phần đỏng đảnh theo từng mùa. Lúc xanh ngắt, khi đỏ rực, xòe tán đan nhau rợp cả con đường mặc những cơn nắng nhiệt đới chói chan oi ả đỏ ập trên đầu. Hết mùa Hè. Nó trở thành con đường học trò, sớm chiều hai buổi trắng xóa những tà áo dài thướt tha lộng gió mỗi khi gặp giờ tan học. Bước vào thu mưa dầm se lạnh, con đường bết lá phượng vàng sũng nước.

                         Ga xe lửa Huế. Trích đoạn bản vẽ xây dựng đầu thế kỷ 20. (bản gốc)


                       Nhà Ga xe lửa Huế chụp ngày 23/3/2017

       Anh tâm sự rằng. Hàng ngày mỗi lần đến trường và về đều phải qua sông bằng những chuyến đò ngang nối liền giữa hai bờ Bắc Nam. Nhà anh nằm trong thành nội Huế, nếu muốn đến trường bằng đường bộ thì phải đi vòng qua cầu Tràng Tiền rồi mới đến trường được. Một đoạn đường khá xa, phải mất rất nhiều thời gian mà gia đình thuộc lớp bình dân nên chuyện sắm chiếc xe đạp cho anh vào thời điểm đó được coi như không thể. Chính thế mà anh cùng nhiều bạn đồng trang lứa, đã chọn phương tiện qua sông bằng đò ngang. Từ bến Phú Vân Lâu qua bến bờ bên kia, gần cái CLB mang tên “ Sẹc ” khá nổi tiếng ở Huế, có từ thời Tây mũi lõ, đầu đội nón thuộc địa, mặc áo cộc tay vận quần shọoc vải kaki vàng, rủ nhau đến chơi vào những ngày nghỉ. (Thời đó chưa có xây cây cầu bằng bê tông được dân chúng gọi là Cầu Mới hay Phú Xuân, vị trí nằm giữa cầu Trường Tiền và cầu sắt Bạch Hổ ).


                            
              Chiều trên sông Hương. (Ảnh chụp 2015. Góc chụp từ chùa Thiên Mụ hướng lên nguồn).


       Chuyện thường xuyên đi lại trên chuyến đò ngang nho nhỏ của một lão ông ở độ tuổi lục tuần, nhưng có vóc dáng khỏe mạnh, gương mặt góc cạnh đầy phong sương và từng trải. Giữa ông với đám " nhất quỷ nhì ma "... không còn gì là xa cách và lạ lẫm, bởi những phút giây chòng chành trên con thuyền quen thuộc rẽ sóng, cùng chung khoảng thời gian rảnh rỗi khá dài mỗi lần qua sông.
        Vào hôm ấy…bến vắng, người thưa. Con đò nhấp nhô cỡi sóng qua sông, chỉ có anh và ba, bốn đứa bạn nam ở độ tuổi ồ ề…nhí nhố to nhỏ bên nhau dăm ba câu chuyện tầm phào.
         - Ê! Mấy nhỏ! Bây đã có học về truyện Kiều của Nguyễn Du chưa?. Ông cụ bất chợt hỏi. Giọng nói trầm có phần vang rất rõ ràng và quen thuộc cắt ngang tiếng vọng của mái chèo khua trên giòng chảy lặng lờ yên tĩnh làm cho anh và mấy người bạn đồng loạt quay hướng về phía ông lái đò. Anh cho biết lúc đó đang theo học cấp ba, đứa nào cũng có đọc lõm bõm qua vài đoạn truỵện Kiều, nhưng chưa rõ ngọn ngành. Giờ nghe hỏi nên cả bọn cùng đồng thanh trả lời. Có. Ông cụ hỏi tiếp:
           - Đã có ai giảng giải về ý nghĩa sâu xa của câu: “ Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề. ” như thế nào chưa? Lúc đó anh và mấy người bạn ngó nhau nín thinh... Ông cụ cười vui thấu hiểu, thong thả vừa chèo thuyền vừa nói:
          - Đúng rồi! Chuyện người lớn ai dám đem vô trường lớp mà dạy cho đám con trẻ như mấy bây!. Thôi để lão vượt vòng lễ giáo kể lại một câu chuyện mà người lớn ít ai dám nói cho đám con nít như bọn bây nghe đâu! Còn với bọn họ, mấy người lớn cũng chỉ trao đổi với nhau lúc trà dư tửu hậu, mà khi trao đổi cũng dòm trước ngó sau dữ lắm, sợ mọi người nghe được chê là không đạo đức và dung tục cũng khó coi... Ông lái đò nói xong, miệng lập bập điếu thuốc rê, được vấn nguyên lá to bằng ngón tay cái đang cháy đượm, rồi nói qua làn khói phả mùi khét lẹt.
      - Đây là câu chuyện đề cập tới cách chơi chữ, thuộc dạng chiết tự, từ chữ Hán Nôm của các cụ thâm nho hồi xưa nghĩ ra, lão được nghe câu chuyện này do một vị khách đứng tuổi qua sông kể lại, vào buổi chiều ế ẩm, chỉ có lão và vị khách trên thuyền. Chuyện xảy ra đã lâu, nội dung có phần dung tục nên lão cứ giữ mãi trong bụng không dám thổ lộ với ai. Mà có nói ra, người hiểu không nói làm chi, gặp đám khó tánh nó chửi là lão già mất nết " ốt-dột " lắm (1). Mà đám bây có đứa nào học qua chữ Hán Nôm chưa? Anh cùng nhóm bạn đang còn ú ớ chưa kịp trả lời thì đã nghe ông lão tiếp lời.
       - Thôi! Cũng không quan trọng, nói " trạng " cho vui (2), cũng sắp tới bờ rồi...chưa chắc lần sau lão có thời giờ hay hứng thú để kể cho các đám bây nghe đâu... Hôm nay ế khách, không có người mới dám nói, chứ đông như mọi bữa, cho tiền lão cũng chả dám kể! Ông lão ngưng chèo, búng búng điếu thuốc, tàn thuốc lá trắng phếu rơi lã chã nương theo làn gió, bay bay tung tăng trên mặt nước gợn sóng loang loang xanh mượt.
        -  Chắc cũng là cái duyên với mấy bạn bây nên lão mới kể. Cũng tốt! Để bụng không nói ra, rủi sau này bị mai một, mất đi một ý lạ trong kho tàng văn chương truyện Kiều thì cũng uổng phí lắm....Ông lão nhìn một lúc như thể thăm dò phản ứng....thấy tụi tôi cứ nghệt mặt ra, ông hào hứng nói tiếp.


                                      
   Tô ngoc Vân. Tú bà ghé lại thong dong dặn dò...Tranh khắc gỗ. Năm 1942. Trích trong " Tập Văn Họa Kỷ Niệm Nguyễn Du ".


        - Bạn bây(3) biết không? Câu: “ Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề. ” lấy trong truyện Kiều. Đó là lời của mụ Tú bà dạy cho nàng Kiều khi cô ta bị đám đầu trâu mặt ngựa bắt ép phải dấn thân vào chốn thanh lâu. Theo như chú giải của sách Tàu cổ thì. " Bảy chữ "  và " Tám nghề " được giải thích rất rõ ràng, cặn kẽ cho từng chữ trong " bảy chữ " là cái gì và từng nghề trong " Tám nghề " nó ra sao. Đây toàn là những mánh khóe, thủ thuật và ngón nghề của các cô nường chuyên nghiệp trong lầu xanh, thường áp dụng để moi tiền và giữ chân khách tìm hoa, bằng mọi cách làm cho đám chơi hoa si mê luôn tìm đến với mình không cho đi nơi khác. Nhưng " Bảy chữ...Tám nghề " ở đây ngoài những ý theo cổ nhân, nó còn chứa đựng thêm một ẩn ý rất đặc biệt... Ông lão ngưng lời, mấy ngón tay se se điếu thuốc rê sắp tàn, nói tiếp.
      - Bây biết không. Đây là một cách chơi chữ theo dạng chiết tự, rất sâu sắc được dựa vào nét viết của chữ Hán Nôm. Một thú vui tao nhã của các cụ thâm nho thuộc lớp dân chơi lịch lãm ở xứ ta hồi xưa. Có lẽ chuyện này chỉ được khẩu truyền, chứ không dám phổ biến bằng văn bản đâu (4)... Để lão phân tích, giải thích thêm cho rõ từng câu, từng chữ để cho mấy bây nắm rõ cái hay cái thâm trong câu: " Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề " của truyện Kiều này nhé!... Vất điếu thuốc tàn đánh vèo xuống mặt nước, vừa khoan thai tay chèo, ông già đủng đỉnh tiếp lời:
       - Câu này nó được chia làm hai vế như sau. 
        a/ Ở vế một. Câu “ Vành ngoài bảy chữ ”. Sẽ được hiểu và giải thích như sau.
        * Chữ “ Bảy ”. Nếu viết theo kiểu chữ Hán Nôm, thì nó sẽ được viết: "  ". nhìn vào thấy rõ ràng là hai nét được chồng gác chéo lên nhau "  ". Vừa nói ông vừa dùng ngón tay như đang viết hai nét gợi hình vào không khí.
        * Hai chữ " Vành ngoài ". Cụm từ này gợi ý cho ta hiểu. Nếu có chuyện gì xảy ra thì cũng chỉ là một tình huống hời hợt ở bên ngoài.
        b/ Ở vế hai. Câu “ Vành trong tám nghề ”.
        * Chữ “ Tám ”. Nếu viết theo dạng chữ Tàu thì nó được viết: "  ",  hai nét này nếu chiết ra nó tượng hình rất rõ ràng, nhìn như hai thanh cây để chụm đầu vào nhau và xoạc ra ở phía dưới "  ". Lời của ông kèm theo hai nét phẩy về hai bên, cũng đủ để cho chúng tôi thấy và hiểu được hình dạng của điều ông muốn diễn đạt.
        *  Hai chữ " vành trong ". Nó gợi cho ta khái niệm một việc gì đó vượt qua sự cản trở ở bên ngoài để đi vào bên trong.
     Như vậy hai cụm từ " vành trong " và  " vành ngoài ", nằm trong hai vế, được xem như như những dữ kiện bổ sung cho khái niệm hình ảnh từ hai chữ tượng hình "  "  và  "  " theo lối viết của chữ Hán Nôm.
         Ông cụ giảng giải rõ thêm.
         - Tú bà dạy Kiều rằng đã mang thân làm gái thanh lâu, thì mục đích duy nhất là để kiếm tiền. Đồng tiền là trên hết, cho nên lúc nào cũng phải nắm đằng chuôi. Tránh chuyện “ chơi lường ” của khách bẻ hoa. Vì vậy gặp lúc ăn nằm với khách phải luôn ghi nhớ nằm lòng.
      * Khi chưa lấy được tiền của khách thì hai chân cho bắt chéo lại với nhau. ( xem giống như hình chữ (  ). Có nghĩa là chỉ cho ôm ấp, loạng choạng bên ngoài. Đúng theo ý của câu: “ Vành ngoài bảy chữ "…Quả thật khi hai chân đã khèo chéo, khép lại như chữ " bảy " thì chỉ có nước loanh quanh bên ngoài, chả làm sao mà vào bên trong cho được.  
      * Nếu đã lấy được tiền rồi! Mục đích cuối cùng đã có. Lúc đó mới dang rộng hai chân ra, giống theo hình chữ " Tám " ( ). Theo ý câu “ vành trong tám nghề ". Muốn vào trong được thì phải như chữ " tám ” là vậy....
         Sau buổi nói chuyện... Từ đó tôi không gặp lại anh nữa... cho đến hôm nay. Xin phép anh viết lại câu chuỵện này...để khỏi mai một như ông lão lái đò đã nói với anh. 
   
                                 
  Phạm Hậu. Dập dìu lá gió cành chim.  Tranh khắc gỗ. Năm 1942. Trích trong " Tập Văn Họa Kỷ Niệm Nguyễn Du ".
   
        Một câu chuyện ngoài lề của áng văn chương truyện Kiều bất hủ. Có thể xem câu chuỵện này là hư cấu đầy tính dung tục. Nhưng dẫu sao nó cũng hàm chứa một ý tưởng mới lạ với nội dung khai thác tính năng đa dạng của chữ Hán Nôm rất thú vị và rất có lý. Nếu không phải là bậc thâm nho, cơ trí thì khó mà suy diễn ra cho được. Chưa rõ sự thể hay dở ra sao. Nhưng có lẽ nó cũng giúp cho ta “ Mua vui cũng được một vài …phút giây ” với bè bạn.

       LTS. Câu chuyện anh kể cho tôi nghe rất đơn giản và ngắn gọn. Nhưng nếu viết đúng thế thì không quá mươi giòng nên mạn phép được gia giảm thêm mắm và muối cùng gia vị trong khi xào nấu cho đỡ chán ngán...
       - Cũng xin nói lại đây là chuyện phiếm, không có ý bôi bác gì đến kiệt tác " Truyện Kiều " của cụ Tiên Điền. Rất mong được sự thứ lỗi của các vị thức giả, các nhà Kiều học...( Có vài vị học giả đã gõ phím góp ý cho một vài bài viết trong blog này. Rằng bỉ nhân là người không biết gì mà ham nói, nên chi có lời xin lỗi trước cho chắc cú... ).
       - Và cũng rất lấy làm không rõ câu chuyện này có nguồn gốc từ đâu. Đã có được in ấn trong sách báo cũ, mới gì chưa? Nếu có thì cũng xin hiểu cho. Ở đây chỉ là sự lặp lại qua câu chuyện kể của người bạn sơ giao, không hề có ý " ĐẠO " hoặc ăn cắp ý tưởng của người xưa làm của mình... Xin bỏ quá cho nếu có điều gì vướng víu vào những điều không lấy gì làm hay ho... tốt đẹp đó. Một lần nữa xin được thứ lỗi!
        - Để kết thúc câu chuyện kể. Tôi xin nêu ra một thắc mắc. Câu: " Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề ". Có phải do chính cụ Tiên Điền Nguyễn Du đã có cái nhìn, có sự suy nghĩ thâm thúy về dạng tự theo lối Hán Nôm của hai chữ " bảy "(  ) và " tám " (  ) nên nảy sinh ra kiểu chơi chữ chiết tự mà viết ra câu thơ này? Hay do những thế hệ sau dựa vào câu thơ rồi đưa ra cách giải thích như vừa thuật lại ở trên? 
 
 Cauminhngoc
    06/12/2015.

     "... Nâng nghẹ một cây, lá khép trong tay, lá ngủ thật mê say. Ngỡ đôi mi gầy khép đêm trăng đầy cài then cung ái...". Trước nay. Nghe chỉ để mà nghe. Mãi đến bây giờ mới hiểu được ý nghĩa của đoạn ca từ này trong bài Hoa Trinh Nữ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
      Mỗi thời các nhà văn nghệ sĩ đều có cách diễn đạt riêng về vấn đề tình ái theo góc nhìn của mình. Thật thú vị... (10/2022) 

(1) Ốt-dột. Có nghĩa giống như mắc cỡ, xấu hổ.

(2) Nói " trạng " từ này người Huế hay dùng chỉ những chuyện được phóng đại không có nguồn gốc rõ ràng. Nó đồng nghĩa với. Nói dóc, nói sạo, nói ba lơn, bốc phét, chuyện bé xé to...v..v...

(3) Bạn. Tiếng địa phương. Miền Trung hay dùng để chỉ những người cùng nhóm.

(4) Câu. " ... Đàn bà chớ kể Thúy Vân, Thúy Kiều " không rõ có từ khi nào. Với Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du văn chương chữ nghĩa như thế mà vẫn bị xã hội xưa xem là dâm thư, vậy thì câu chuyện kể nêu trên làm sao dám đưa lên báo chí và sách vở.!? Câu chuyện này. Ngày nay muốn kể cho nhau nghe cũng phải e dè đắn đo, tùy nơi tùy chỗ, huống chi ở xã hội người xưa lễ giáo chi ly chuyện này không dám phổ biến thì cũng chả lấy gì làm lạ. Tư tưởng con người lúc đó đâu có được thoáng như ngày nay... Bởi vậy nếu đây là ý của cụ Nguyễn Du ngay từ buổi ban đầu thì cụ cũng chỉ dám thổ lộ với các người bạn chí cốt và cứ thế...cứ thế mà khẩu truyền...