Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

28 - CHUYỆN VỀ BỘ TRANH KHẮC GỖ NHẬT ( Ukiyo-e). ( Tiếp theo )


CHUYỆN VỀ BỘ TRANH KHẮC GỖ NHẬT ( Ukiyo-e).  ( Tiếp theo )



Kitao MASANOBU(1767-1816). Kt:  21 x 25cm (Chuban).



           Khi nghe tôi thông báo tất cả mọi người đều vui ra mặt. Với chục ngàn đô, bị cắt phần hoa hồng mất hai ngàn. Số còn lại thì vào thời điểm này mua căn nhà ở nội đô thì không phải là khó.  Có thể nói, người vui nhất là mẹ của tôi. Bao lâu nay bà cứ cầu mong sao cho tôi mua được căn nhà để có chỗ chui ra chui vào. Sống mỗi người mỗi nhà mà.  Từ lúc di cư vào Nam, với cuộc sống đất lạ quê người, chỉ còn đôi bàn tay trắng, phải tần tảo lo lắng đủ mọi bề, trong lòng chỉ mong sao lo cho mỗi đứa con có một mái nhà thì mới yên tâm xuôi tay nhắm mắt. Nhưng sức người có hạn, đành bất lực nhìn đứa con út đến giờ này vẫn chưa có một tấc đất cắm dùi! Nay nghe tin bà rất vui! Đúng với tinh thần Á Đông! Chỉ đến lúc chết mới không còn lo cho con cái mà thôi!. 
       Riêng tôi với tâm trạng mừng vui, băn khoăn, lo lắng. Mọi thứ cứ rối tinh trong đầu. Chả suy nghĩ được cái gì cho ra hồn. Cầm bức thư trong tay cứ đọc đi đọc lại mà biết chắc nội dung chỉ có bấy nhiêu, chả thêm, cũng chẳng hề mẻ đi chữ nào. Ấy vậy mà cứ mân mê đọc đi đọc lại không biết chán là gì! Cứ tưng tửng như người cõi trên.
      Cơm nước xong. Nói như vậy chứ có ăn được chút nào. Miệng nhạt thếch, có nhai nhưng vô cảm, cố lùa cho xong bữa. Anh tôi lấy xe chở tôi ra cửa hàng chàng Phương chưa đến bảy giờ. Ngoài đường đèn đuốc đã thắp sáng mọi nẻo. Không khí ban đêm đã làm dịu bớt đi cái nóng, nhưng vẩn còn hâm hấp đủ để cho mọi người cảm nhận được bầu không khí của mùa khô ở nhiệt đới nó như thế nào.

      - Mẹ kiếp! Nó hẹn tôi bảy giờ mà! Phương tỏ thái độ bực bội.
      Tiếng chuông đồng hồ ODO treo trên tường có quả lắc vàng chóe thong thả điểm tám tiếng. Không cần biết gì đến tâm trạng bồn chồn của những người ngồi trong căn phòng đang chờ đợi. Chúng tôi ngồi đây đã hơn tiếng mà chả thấy tăm hơi anh chàng Nhật kia đâu. Tôi tự hỏi, có chuyện gì vậy! Tại sao nó hẹn mà lại không thấy đến, bắt mình phải ngồi chờ! Con dân xứ văn minh rất ít khi họ sai hẹn. Chắc có sự cố gì rồi!
      - Thôi kệ nó đi anh Phương! Mình ngồi chờ nó chừng một tiếng nữa, đến 9 giờ nó không ra tôi về. Tôi nói.
      - Mua mà! Chắc chắn nó mua mà! Vì hồi sáng này lúc nó cầm lá thư đến đưa cho tôi. Nó còn dặn tôi mấy lần là bảo anh cầm ra cho nó mua, vì bạn nó đã đưa tiền cho nó rồi mà! Chắc chắn thế nào nó cũng phải ghé! Chắc nó bận gì đó! Phương ta sôi nổi bênh vực, cũng như muốn khẳng định với tôi là những chuyện xảy ra là hoàn toàn đúng.
      Tiếng chuông đồng hồ ODO lại thủng thẳng gõ chín tiếng ngân nga như muốn chọc quê bọn chúng tôi. Thế là 60 phút chờ đợi trôi qua, đẩy vào quá khứ bao nhiêu câu chuyện trên trời dưới đất mà chúng tôi đã trao đổi cho nhau trong lúc rảnh rang ngồi đợi nãy giờ. Đã chín giờ đêm rồi mà bóng dáng ông thần tài chả thấy đâu cả!
      - Kỳ vậy ta! Thường thường tụi Nhật nó đúng hẹn lắm. Tôi làm ăn với tụi nó hoài mà! Không hiểu sao thằng này lại cà chớn như vậy kìa! Không biết nó có bị cái gì không đây nữa! Phương đến lúc này cũng phải tỏ ý băn khoăn vì chuyện trễ nãi này.
      - Chắc là nó bị cái gì rồi! Hay là nó không muốn mua nên không ra!? Tôi nóng nảy nói.
      - Ừ! Chắc là nó bị cái gì rồi nên không ra chứ hồi sáng rõ ràng nó ra đây đưa tờ giấy cho tôi. Nó còn cẩn thận dặn tới dặn lui rồi mới đi mà! Các ông cứ yên tâm đi! Chẳng lẽ nó đi từ Nhật sang đây tốn cả đống tiền để giỡn chơi với tụi mình sao? Phương nhà ta lập luận.
     Có lẽ lão Phương này nói đúng. Đâu có ai rảnh rỗi dư thời gian đi làm chuyện vớ vẩn này bao giờ.
      - Thôi được rồi! Nó không mua thì mình vẫn còn đó. Bây giờ cũng khuya rồi. Về đi nếu nó muốn mua thì nó sẽ quay lại lo gì. Ngồi chờ mãi sao? Anh tôi mệt mỏi nói.
      - Ráng ngồi chơi một chút nữa xem sao. Nhiều khi nó bận công chuyện gì ra trễ. Tụi nước ngoài vào VN, nó bận rộn lắm. Có nhiều thằng đến 11 giờ đêm mà vẫn đi lùng sục đấy!!! Phương ngỏ ý muốn chúng tôi ngồi chờ thêm.
      - Ừ, đúng đấy!. Nhiều khi nó bận công chuyện gì giải quyết chưa xong nên ra trễ. Thôi ráng đợi thêm chút nữa, nó không ra thì mình về. Giờ này về cũng nằm ngủ chứ cólàm gì đâu. Anh tôi mềm mỏng giải quyết. Tôi thấy chàng Phương khoái tỷ khi có người làm đồng minh với mình.
      Không có gì mệt mỏi, sốt ruột bằng sự chờ đợi! Thời gian sao chậm thế! Một số cửa hàng bán chung quanh đã bắt đầu đóng cửa. Cái cần câu của tôi thả xuống đã lâu. Chả thấy tăm hơi con cá muốn câu đâu cả! Không biết nó lặn đi đâu mà sâu thế? Không có lấy một chút sủi tăm cho bõ công chờ đợi!
      - Thôi về! Đã hơn chín giờ rưỡi tối rồi! Chắc nó không ra đâu! Chúng tôi về nếu nó có ra anh hẹn nó ngày mai nhé! Tôi nói với anh chàng Phương rồi hai anh em chúng tôi dắt xe ra về.
      Cả nhà đang còn xem TV chưa ai ngủ. Nghe tiếng chồng gọi vợ tôi chay ra mở cửa và hỏi liền.
      - Sao lâu vậy anh? . Tôi cũng hiểu tâm trạng của người chờ mong. Người trong cuộc thì mải mê bao nhiêu điều đâu có nghĩ gì đến thời gian, đến người phải đợi chờ.
      - Chờ hoài chả thấy nó ra! Tôi buồn buồn trả lời. Vợ tôi lúc đầu cứ tưởng tôi nói giỡn nhưng khi thấy tôi còn ôm quyển tranh trong tay. Một thoáng thất vọng hiện lên trong ánh mắt. Bao nhiêu hy vọng cùng nỗi thắc mắc vương vấn trong đầu trong thời gian chờ đợi hai anh em chúng tôi nay được dịp xì hơi hỏi han tới tấp. Tôi và người anh phải thi nhau lý giải cho những nghi vấn mà đã làm chúng tôi phải chờ đợi mấy tiếng đồng hồ. Những điều mà chính ngay chúng tôi cũng không hiểu Ất Giáp là sao. Anh em tôi đều nói ra những điều nghĩ suy của mình ra cho mọi người cùng tỏ, giảm bớt đi nỗi thất vọng đồng thời bổ xung, tiếp sức cho niềm hy vọng vào ngày mai.
      Cả nhà đã đi ngủ, riêng tôi cứ trằn trọc suy nghĩ về điều từ trước tới giờ vẫn chưa giải quyết được đó là : Đây có phải là tranh bản gốc không? Hay là thứ in ra hàng loạt để bán cho khách du lịch? Một điều mù tịt cho đến nay vẫn mù!!!


    Danh thiếp cùa anh chàng người Nhật thân mến của tui!

      Tôi thức dậy bật đèn lấy lá thư mở ra xem. Tôi chú ý thật nhiều đến cái danh thiếp của Yoshihiro Imaizumi. Với những gì in  trong danh thiếp đã cho tôi biết là anh có Gallery mua bán ở Tokyo. Như thế chắc hẳn chàng phải thuộc hạng không dễ bắt nạt. Lơ mơ làm sao có cửa để mà ngồi ở nơi khắc nghiệt đó. Nếu là tay mua bán thứ thiệt thì không bao giờ có chuyện mua bán may rủi. Chỉ có thật hoặc rẻ chứ không thể có chuyện mua nhầm. Bỏ ra mười ngàn đô Mỹ vào VN vào lúc này mua khối thứ về bán có lãi to. Tội gì vác đồ âm binh về cho mệt xác. Nếu giả! Thì chắc hẳn khi mua về bán phải lời rất nhiều. Mà làm sao mua đồ giả về để mong lừa những người có tay nghề trong xứ. Điều này xem ra không đúng. Còn nói về chuyện ham rẻ hấp tấp mua lầm. Điều này rất có thể xảy ra. Nếu yếu tay nghề. Mua mà không có thời gian suy nghĩ cẩn thận. Trong trường hợp này thì không thể có được vì anh Imaizumi khi mới gặp bộ tranh này đã có hai ngày để xem xét, đo đạc sờ tận tay day tận trán. Khó có gì để cho anh nhầm. Thôi cũng được cho là chưa chính xác đi. Nhưng với thời gian về Nhật cả tháng có nhiều thứ để anh tham vấn. Loại cây nhà lá vườn đầy ắp cả nước mà lại đi mua lầm sao? Gọi là lầm khi minh chưa bao giờ gặp như một khách nước ngoài thì còn có thể chứ gặp phải sản phẩm của bản xứ, lại là dân kinh doanh trong lãnh vực nảy thì sự lầm lẫn này có xác xuất rất ư là nhỏ. Thử hỏi bạn. Như tôi buôn bán sách có cửa hiệu như thế này có bị mua lầm sách hay không? Có một điều quan trọng tí nữa tôi quên. Số là sau khi mua được bộ tranh rồi, sự hưng phấn trong lòng làm tôi đâm ra nghiện dòng tranh khắc gỗ của Nhật này nên ngày nào cũng rẻo khắp chợ tìm nó mà chả thấy tăm hơi gì. Duy nhất chỉ có lần trước khi mua được bộ tranh, trong lúc đi loanh quanh chợ tìm sách về tranh Tàu, tôi thấy anh Năm tem đưa bộ tranh ra khoe với mấy người chơi tem. Bộ tranh Nhật màu sắc rất đẹp nhưng vì lúc đó đang lậm tranh thủy mặc và chưa rõ là gì nên bỏ qua không quan tâm. Nay, từ bộ tranh 75 tấm này bắc cầu cho tôi nhớ lại  chuyện cũ, tức tốc tôi ào lên hỏi anh Năm tem và đã mua được nó đem về làm của mình. Sáu bức này cũng thuộc loại tranh khắc gỗ chính hẩu. Được bỏ trong tẹp bìa cứng khá dày, ấn loát rất công phu. bên trong có một tờ thuyết minh cho mỗi tấm, in bằng hai ngoại ngữ Nhật và Anh. Toàn bộ 06 tấm tranh được in trên giấy xốp đặc chủng, nhưng có vẻ mới. Màu sắc có vẻ hơi nhạt so với những bản in trong bộ 75 tấm. Nhưng kỹ thuật in cực kỳ tinh xảo. Tác giả là Suzuki Haranobu.


                       
                                                                      Hình 01.




Hình 02.



Hình 03.



Hình 04.



Hình 05.



Hình 06.  
Harunobu. Nửa bộ 06 tấm. Kích thước: 22.3cm x 31






Tẹp đựng 06 tấm và tờ giới thiệu bộ tranh. 


        Nhận xét về kỹ thuật in của sáu tấm này. Quả thật nói ra thì bảo mình mất gốc, tự ty mặc cảm. Cùng là loại tranh dân gian. Nếu mà đem so với tranh Đông Hồ, Hàng Trống của ta thì….Cho đến giờ này tôi vẫn mang cái tinh thần chủ bại là các nghệ nhân giỏi nhất của minh cũng…. Nhưng tôi an ủi một điều mỗi cái nó có một nét riêng. Niềm tự hào riêng của mỗi dân tộc. Tôi có đem so sánh giấy của 06 tấm Harunobu này với những tấm cùng tác giả trong bộ tranh 75 tấm, thì thấy giấy khác hẳn. Giấy của bộ 06 tấm có vẻ mới hơn. Một đều cốt lõi nữa là gỗ dùng để khắc cho bộ 06 tấm có bề mặt mịn hơn nên không thấy xuất hiện các xọc của sớ gỗ ở ngoài cạnh rìa bản khắc khi in để lại trên mặt giấy. Bên rìa cạnh trái dưới tờ giấy của bộ 06 tấm có đóng vào hàng chữ “ Đệ nhất xảo nghệ bản ”. Khi mới mua về tôi đã có đem so sánh hai thứ với nhau đã thấy có sự khác biệt. Tôi có cho là 06 tấm này có thể mới làm lại vào thời Minh Trị Thiên Hoàng. Vì sau khi lên ngôi Vua Minh Trị thấy loại hình độc đáo này có giá trị trên mặt Văn hóa nghệ thuật nên đã cho in lại rất nhiều. Tôi có đem sáu tấm này đưa cho anh Imaizumi xem vào ngày hôm sau. Nhưng tôi cẩn thận bỏ cái áo hộp ở nhà chỉ mang trần sáu tấm tranh thôi để xem anh nhận xét nó ra sao. Khi tôi đưa ra cho anh xem. Anh cười nhìn tôi cười tay cầm nhưng không xem kỹ mà chỉ liếc sơ qua rồi để xuống bàn và cho biết là. Nếu sáu tấm này tốt thì bán cũng được nhiều tiền lắm. Tôi có hỏi nó là đồ giả phải không? Nhưng anh bảo không phải. Chỉ cho biết là không đúng đời mà thôi! Vì ngôn ngữ bất đồng tôi cũng không tiện hỏi nữa. Mà có hỏi thì cũng đến thế. Mình cũng đã hiểu nó ra sao rồi. Tôi hỏi anh có mua luôn không? Anh cho biết là không mua sáu tấm đó mà chỉ chăm chú xem và muốn mua 75 tấm kia mà thôi. Thêm một dữ kiện để minh chứng cho bộ tranh kia nó như thế nào. Chuyện này có đáng để cho ta phải nghiền ngẫm không?


      Cứ thế! Quanh đi quẩn lại. Dựa vào lập luận trên tôi cảm thấy rất yên tâm. Nhưng cũng không thế nào dám khẳng định. Nếu chỉ cần cầm trong tay một bản gốc của loại này thì tôi sẽ có lập trường ngay. Rất tiếc là chưa có điều kiện để thực hiện chuyện này. Nhưng nhất định nó cũng phải ra sao đó chứ không phải là của vất đi. Một niềm hy vọng tràn trề trong lòng tôi. Tâm hồn sảng khoái tôi đã ngủ thiếp đi mà không hay.
      Sáng hôm sau! Trong khi chờ đợi sự trả lời của anh Phương. Tôi đem sự sung sướng này đi gặp hai người bạn thân Mai văn Tố và Cù Nguyễn. Đây là hai họa sĩ có chân trong nhóm Hội họa sĩ trẻ trước 1975. Hai người này tôi rất quí trọng không phải về tài năng mà về cá tính. Tôi đem mọi sự ra nói hết, phân tích những lập luận mà tôi đã suy nghĩ không bỏ sót một chi tiết dù nhỏ.
      - Nó giám định dùm anh rồi còn gì nữa! Nó là nhà mua bán có Gallery đàng hoàng. Dám đi các nước săn lùng, mua bán. Tay ngang làm sao dám. Ít nhiều bản lãnh nó cũng không vừa. Giờ lại gặp thứ đặc sản quê hương nó.Tôi thấy như vậy là chắc ăn rồi! Quan trọng là nó dám bỏ số tiền như thế thì nó phải suy nghĩ kỹ chứ không hấp tấp vớ sảng đâu! Mai Tố sôi nổi bình luận. Nói chung là chúng tôi trao đổi ý kiến, mổ xẻ tình huống với nhau. Để xem độ tin cậy ở cấp độ nào. Sau khi nói chuyện, tôi cáo lui chạy sang nhà anh Cù Nguyễn.  
      - Dựa vào những điều anh phân tích. Tôi thấy nó rất hợp lý. Nó có nhiều điểm để cho mình tin tưởng là đồ xịn. Cù Nguyễn phát biểu với nụ cười tươi rói.
      À! Hôm kia tôi có ghé nhà một người bạn chơi. Tôi thấy một cuốn “ Art of Asia” Xuất bản ở Hồng Kông trong đó có một bài nói về bán đấu giá một tấm tranh của Sharaku. Với cái giá khá lớn tôi có mượn về xem. Tôi đưa cho anh coi tham khảo chơi. Nói xong Cù Nguyễn bước đến kẹ sách cầm cuốn báo mở tới trang có bán tấm tranh anh đã đọc qua đưa cho tôi.
      Tôi cầm tờ báo nhìn vào chỗ anh Cù Nguyễn chỉ. Một cái giá làm tôi ngớp. 70,000 USD. Cho tấm tranh khắc gỗ ở cuối thế kỷ 18. Cũng trong trang này, tôi còn nhìn thấy một mục đấu giá về tranh thủy mặc Trung Quốc vào thế kỷ 15, bán được 80,000USD. Chỉ hơn có 10,000 USD so với tấm tranh của Sharaku, mà kích thước cũng như niên đại gấp mấy lần.
      - Như vậy! Mình bán 10,000 có rẻ quá không? Chạy ra có hơn 100 USD một tấm. Mà như nghe anh nói trong bộ tranh này có một tấm của Sharaku phải không? Cù Nguyễn hỏi.
      - Vâng! Có một tấm duy nhất vẽ ộng lão đang cầm đọc tờ giấy! Tôi trả lời và hiểu ý của anh muốn nói gì.
      - Nhưng mà người ta bán đấu giá. Mình làm sao bán được như vậy! Tôi nói.
      - Đúng rồi! Tôi đâu có nói gì! Nhưng nó bán mấy chục ngàn thì mình bán bằng một phần mười hay cùng lắm bằng một phần hai mươi cũng xong. Đằng này có hơn trăm một tấm có yếu quá không? Cù Nguyễn làm một bài toán so sánh.
      - Em cũng đồng ý với anh là như vậy! Chính xác nó là như thế. Nhưng thử hỏi có ai biết giá trị để mua cho mình không? Có chắc san phẩm của mình nó đúng đời hay không? Thế mới kẹt. Tất cả cũng chỉ là suy diễn. Chưa có gì là chắc chắn anh ạ! Tôi phân trần.
      - Cũng chính vì mình chưa nắm chắc nên chấp nhận bán rẻ. Chứ nếu biết rõ mười mươi thì còn nói làm gì! Chẳng tha mình chưa biết gì! Sao cũng được. Bán mù! Đằng này biết mà bán thì cũng hơi đau đấy! Nếu bán được năm ba trăm đô một tấm cũng vui. Chứ hơn trăm một tấm…Cù Nguyễn tiếc của trời nói bỏ lửng.
      - Dịp may chỉ đến có một lần suy nghĩ cho kỹ đi! À! Mà tay Phương đòi hoa hồng bao nhiêu vậy? Như còn tiếc anh nói tiếp.
      - Tay ấy đòi lúc đầu ba chục phần trăm. Em không chịu nói qua lại mấy bận bây giờ thống nhất là hai chục phần trăm. Tôi nói.
      - Mẹ kiếp! Sao lại đòi nhiều như vậy! Thông thường thì chỉ có mười thôi mà. Nếu số tiền nhiều còn không được như vậy nữa đó. Vì cũng là dân buôn bán trong chợ sách Đặng thị Nhu nên Cù Nguyễn cung nắm chút ít về cách xử sự của giới mua bán.
      - Thôi kệ nó anh ạ! Có nó mình mới bán được. Tôi trả lời hòa hoãn cho bớt căng thẳng.
      - Nếu như vậy bán xong trừ phần trăm còn được Tám ngàn. Mua vàng thì được khoảng mười sáu cây. Như vậy cũng ngon lắm à nghe! Nãy giờ Chị Niệm vợ anh Cù Nguyễn chỉ ngồi nghe chúng tôi kháo với nhau, nay vọt miệng góp lời.
      - Lúc ở nhà em cũng tính là như vậy. Tôi nói xuôi.
      - Hay là mình khoan bán vội. Cứ từ từ xem sao. Tại vì xê xích cũng khá nhiều. Nếu bán được khoảng bốn năm trăm một tấm cũng được gấp ba lần đó nghe! Chị Niệm nói tiếp.
      - Bảy mươi lăm nhân cho bốn được ba chục ngàn. Nếu bán được năm trăm  nhân với bảy mươi lăm được ba mươi bảy ngàn năm trăm. Tôi vừa làm bài tính vừa trả lời.
      - Đấy thấy chưa gần gấp bốn lần. Số tiền này lớn lắm à nghe. Mà cái giá bốn năm trăm một tấm đâu có mắc. Nếu mà mình ở nước ngoài nhờ bán đấu giá thì con số này sẽ không dừng lại ở con số đó đâu! Anh Cù Nguyễn động viên phân tích.
      - Hay là mình chậm bán vài năm. Không người này cũng có người khác chỉ sợ là mình không có bột để gột nên hồ! Chứ đã có gạo thi muốn nấu cơm đâu phải là điều nan giải! Mình chờ mà tỷ lệ không cao thì bán cũng được. Nhưng ở đây con số tính theo cấp số nhân. Nó lớn quá, mình muốn khiếm được không phải dễ! Chị Niệm cũng đồng quan điểm với chồng minh góp ý cho tôi. 

( Còn tiếp )

 29 - CHUYỆN VỀ BỘ TRANH KHẮC GỖ NHẬT ( Ukiyo-e).   


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét