Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

22 - NHỮNG NGƯỜI CHƠI TEM VÀ TIỀN GIẤY TRONG CHỢ SÁCH CŨ. ( Tiếp theo )

 NHỮNG NGƯỜI CHƠI TEM VÀ TIỀN GIẤY TRONG CHỢ SÁCH CŨ. ( Tiếp theo )
                          
        CHUYỆN VỀ BỘ TRANH KHẮC GỖ NHẬT ( Ukiyo-e).



Phong bì đựng Quốc thư của Pháp Hoàng Napoleon III gởi Vua Tự Đức 16. Do phái bộ Phan Thanh Giản đi sứ xin chuộc lại 3 Tỉnh Miền Đông Nam Kỳ cầm về. Năm 1863.


        Tiếng kêu của nước đựng trong cái điếu cày dã chiến làm bằng ống nhôm trái thủ pháo hiệu của quân đội made in USA vang lên sòng sọc, lấn áp hết thảy mọi thứ tiếng chộn rộn trong quán do sự vận sức cố kéo hít vào phổi một hơi dài, làm cho bi thuốc bị cây đóm giấy đốt cháy đượm đỏ hực chợt tắt ngúm theo tiếng tụt hẫng của sái thuốc đã tàn, rỗng trên miệng nỏ vì đã chui tọt cả vào trong thân điếu . Mọi người từng chơi thuốc lào, hiểu ngay là bi thuốc đã cháy hết. Anh Hà ém hơi! Lơ mơ ngả lưng vào tường. Mắt lim dim, ngước mặt mặt lên trần nhà dẩu mỏ phả ra một luồng khói trắng mù mịt cả một góc quán, nồng nặc mùi thuốc lào ba số tám...     
        - Anh Hà ơi! Em mới mua được tập sách về tranh Nhật đẹp lắm! Nhờ anh xem hộ coi nó là cái giống gì? Tôi vừa nói, vừa bước lại gần cái bàn còn chưa tan hết khói thuốc do anh vừa nhả ra trong quán cà phê chị Tư.
        Anh mở mắt nhìn tôi, chỉnh cách ngồi lại cho ngay ngắn, nhẹ nhàng cúi đặt cái điếu cày xuống đất rồi giơ tay đón lấy tập tranh của tôi, miệng cười cười hỏi qua hơi thuốc.
        - Tranh gì vậy ông?
        - Tranh Nhật anh ạ! Tôi trả lời.
        Anh cẩn thận đặt quyển tranh lên hai đùi lật ra xem. Hôm nay quán càphê chị Tư khá vắng vẻ. Có lẽ vì còn sớm. Anh Hà ngồi một mình. Chung quanh quán một vài người thợ của cơ sở cán dát vàng bạc Vĩnh Thành gần đó chưa đến giờ làm việc, đang ngồi uống trà cùng nhau đưa mắt tò mò nhìn sang. Cung cách đó, cũng hiểu là họ không lấy gì làm chú mục cho lắm, chẳng qua vì thuận mắt mà nhìn vậy thôi! ( Chả bù với những lúc không có ghế mà ngồi...) Lật qua lật lại. Xăm xoi một lúc, anh Hà nhìn tôi nói:    
      - Cái này tôi trông thấy nó giống như tranh khắc gỗ của Nhật quá ông ạ!
( Anh có thói quen gọi người đối thoại bằng " ông " ).
      Vừa nghe dứt câu nói của anh Hà. Tôi “ Ngộ” tức thời! Bao nhiêu nỗi ưu tư, thắc mắc cứ lởn vởn trong đầu từ hôm mua được bộ tranh đến bây giờ bay hết ráo.
      - Đúng rồi! Có thể là nó rồi! Tôi nghĩ thầm trong đầu nhưng không dám nói ra.
      - Cái này mua bao nhiêu vậy? Câu hỏi của anh Hà kéo tôi về thực tại.
      - Em mua hết bảy trăm đồng! Tôi thật thà trả lời.
      - Có bán không? Cỡ hai ngàn đồng tôi mua về chơi. Anh Hà gạ. ( Anh có thói quen trả giá trước những món nào anh thích ).
      Thật tình mà nói! Bình thường lời hơn ngàn là tôi bán ngay rồi. Lời quá ngon thời gian ngâm chưa đến tuần lễ, đâu phải lúc nào cũng gặp. Tôi biết anh Hà mua cũng sộp lắm vì đã có bán cho anh mấy lần rồi. Nhưng lần này tôi chưa bán vội, vì cũng có lý do của nó.
      Tôi nhớ ngay đến anh bạn Lý Cứ. Một học giả về Đông phương học. Tôi thường gặp anh để tham vấn về nghệ thuật của Trung Hoa. Nhất là hội họa. Những khi lan man nói về dòng tranh Thiền, nghệ thuật sơn mài của Nhật Bản. Anh thường hay nhắc đến loại tranh khắc gỗ của Nhật ( Ukiyo-e ) và khẳng định dòng tranh này, nó gần như là một biểu tượng cho nghệ thuật của xứ Phù Tang. Anh còn cho biết loại tranh này rất đặc biệt và rất nổi tiếng trên thế giới. (  Việt Nam ở sát bên dzậy mà  chẳng hay biết gì? ). Khi nó xuất hiện ở Phương Tây vào thế kỷ thứ 19, đã làm say mê biết bao nhà phê bình nghệ thuật tầm cỡ và một số đông họa sĩ tên tuổi lớn bị nó hớp hồn. Tiêu biểu như là Van Gogh, Gauguin, Matisse…v.v… Lý Cứ có đưa ra khoe tôi một quyển sách viết bằng tiếng Anh giới thiệu khái quát về lịch sử hình thành tranh loại tranh khắc gỗ của Nhật Bản, dày cả ba bốn trăm trang in màu rất đẹp. Anh cũng cho biết thêm. Mặc dầu nó là tranh in hàng loạt, nhưng người sưu tập lẫn thị trường đấu giá phương Tây rất ưa chuộng. Giá cả tùy. Có thể từ vài trăm đến vài chục ngàn dollars Mỹ một tấm không chừng. Thật sự mà nói lúc đó tôi nghe cho có, cho có chuyện. Rất lơ mơ về dòng tranh này… Mà có cái gì để mà phải chú ý khi chả thấy một dấu vết nào của nó xuất hiện trên thị trường mua bán ở Việt Nam.  Trong khi sách báo phương Tây giới thiệu ầm ầm, mình không ai nói đến. Vậy lấy tranh đâu mà ngắm, mà biết với người ta. Bởi vậy khi tôi mua được, có đem hỏi một số bạn bè là họa sĩ và đã có lần đưa ra hỏi ngay họa sĩ lão thành Nguyễn văn Rô cũng đành chịu thua.( Khi này ông Rô cũng thường hay lân la đến chợ tem mua về chơi nên cũng thường gặp ).
       Chả anh nào biết! Chuyên nghiệp còn ú ớ! Cứ chi thằng tôi sanh sau đẻ muộn, trình độ ăn đong nên lại càng ngớ. Từ khi khởi nghiệp. Tôi chỉ mải mê chú ý đến mỗi tranh Tàu vì nó thật gần gũi và gặp rất nhiều tại VN. Tôi mặn nó hơn tất cả mọi thứ về nghệ thuật. Thậm chí bỏ công đi học. Cố làm quen với số họa sĩ Tàu trong Cholon càng nhiều càng tốt. Còn về sách vở báo chí. Nó là nghề của mình nên những gì về nó trong tay tôi khá bộn.
      " Ngộ! " là nhờ câu nói của anh Hà. Một câu nói vu vơ làm thức tỉnh những điều mà từ lâu nằm im trong tiềm thức của tôi... Chắc mẩm mình đã có trong tay một loại hình nghệ thuật tuyệt vời. Chỉ có điều chưa hiểu rõ giá trị đích thực của nó ra sao mà thôi! Lòng say mê, thích thú bước vào lãnh vực mới thôi thúc làm cho tôi càng hăm hở. Mất ngủ cũng không ít ngày với lý do chính đáng đó. Thế thì làm sao đành tâm đem bán nó cho được. Lời Lý Cứ ong óng trong đầu… Ứ hừ! Tính bèo bèo một trăm dollars cho mỗi tấm thôi! Nhân lên cũng bộn rồi. Cứ đồ như vậy lại càng không thể bán vài ngàn đồng Việt Nam cho được. Máu tham lam trong con người tôi bốc lên ngùn ngụt. Úi dào! Dô mánh! Phen này vợ con đỡ khổ rồi đây! Nghĩ đến lúc cầm một đống dollars xanh lè trong tay, người tôi nó lâng lâng cứ như mới tọng dăm sáu chai bia lên men vào bụng. Thân xác căng ra, ngây ngất bước đi nhẹ tênh, muốn bay bổng lên chín từng mây cao ngất. Ôi! Cuộc đời nó đẹp làm sao!!! Một thoáng phiêu bồng trong cõi người ta…


Sharaku ( 1794 ). Ông lão đoc thư. 20cm x 29cm.


  
Utamoro ( 1753 – 1806 ). Che mưa. 24.5cm x35.8cm.

      - Sao được không? Anh Hà hỏi làm tôi sực tỉnh. Thấy mình đang ngồi ngây trong quán chị Tư chung quanh sực mùi càphê chứ nào có ngửi thấy một chút mùi cháo kê bị cháy khét nào đâu!
      - Em mới mua còn đang thích. Khi nào bán em sẽ báo cho anh biết! Tôi trả lời qua quýt với anh Hà, sau khi tỉnh giấc mộng Nam Kha.
      - Cũng được! khi nào bán thì cứ báo cho tôi. Anh nhắn nhủ.
      Giới chơi tem cũng bắt đầu gom chợ. Một lãnh vực không khoái trong bụng. Tôi nán ngồi nói ba xí, ba tú mấy chuyện rồi cáo lui, lỉnh mất. Không quên những lời bày tỏ vô cùng cám ơn anh Hà đã khai thông huyệt đạo cho mình.
      Ngay trong buổi chiều ngày hôm ấy. Không thể dằn lòng. Tôi đạp xe lên nhà anh Lý Cứ ở Gia Định hỏi mượn anh quyển sách chuyên đề nói về lịch sử loại tranh khắc gỗ mà có lần anh khoe với tôi đem về nhà so sánh.
      Từ lúc xem được cuốn sách mượn của Lý Cứ. Tôi càng hiểu rõ thêm về lãnh vực này.
      Thì ra tiền thân của loại tranh khắc gỗ vốn là những truyện tranh dân gian. Câu truyện được minh họa xong đem khắc lên những miếng ván gỗ, rồi in ra giấy bằng mực đen, xong đóng thành tập đem bán. Từ hình thức truyện tranh, lâu dần do sự cạnh tranh cùng sự phát triển đòi hỏi, cũng như muốn cho thêm phần hấp dẫn, mới lạ. Các phường cho in ra những hình ảnh từng tờ rời có khổ lớn. Để cho mọi người có thể mua về dán những nơi tùy thích trong nhà.
( Nhà Nhật các vách ngăn nhau bằng khung dán giấy ).
      Khi còn sơ khai của dòng tranh này ( Ukiyo-e ). Các Phường chỉ in những nét chính bằng mực đen, sau đó họ dùng bút tô thêm đôi ba màu xanh, đỏ vào cho đẹp, bắt mắt dễ bán. Với những kích thước rất đa dạng, không có một chuẩn mực nào nhất định hay bắt buộc. Có lẽ phải lệ thuộc vào khổ giấy nguyên thủy, rồi tùy theo nhu cầu mới cho gấp lại thành khổ lớn hay nhỏ. Sau đó mới rọc ra thành phẩm để in. Thông thường loại này có bề ngang nhỏ nhất cỡ 15cm. Bề dài lớn nhất cỡ 38cm. Với những đề tài về Anh hùng, phong cảnh. Các hình ảnh sinh hoạt đời thường. Các cô kỹ nữ và các ngành nghề phổ thông trong dân gian..v v.. . Mọi người có thể mua về dán vào vách trong những dịp lễ hội cho vui nhà. Giống như loại tranh Đông Hồ của Việt Nam ta.
      Vào thời kỳ đầu, kỹ thuật chưa cao nên chỉ thực hiện được khoảng ba bốn bản gỗ có vỗ màu mà thôi. Sau này tay nghề được nâng cao nên mới có nhiều màu.
      Sơ lược qui trình thực hiện cho một bức tranh khắc gỗ (Ukiyo-e).

Đầu tiên. Dựa vào bản mẫu gốc do họa sĩ hoặc ai đó vẽ. Người thợ cả. (Cũng có thể là họa sĩ đã vẽ mẫu) phân tích xem có mấy màu để hướng dẫn cho người làm bản gỗ dựa vào đó mà tách ra từng phần để khắc bản gỗ. Mỗi mảng màu là một miếng gỗ. Khi in phải canh cho đúng vị trí cho từng mảng màu một. Tránh không để cho các màu bị chồng lấn lên nhau. Phải in nối bản nhiều lần mới hoàn thành sản phẩm. Khác hẳn với lối in đen trắng cổ điển. Toàn bộ hình thể bức tranh chỉ khắc trên một bản gỗ duy nhất rồi bôi mực để in.

    Các phường in đã cạnh tranh nhau qua cách thể hiện tính công phu trong tác phẩm. Càng khó thực hiện. Càng cho thấy bản lĩnh của phường đó. Họ muốn phô trương với mọi người thấy rằng. Tấm tranh cầm trong tay người tiêu dùng phải do những người có tay nghề cao mới thực hiện nổi. Nếu bạn có dịp quan sát một tấm tranh loại này bạn mới thấy kính phục về độ chính xác giữa hai màu không lấn đè lên nhau, nó chuẩn đến mức không ngờ. In typo bằng máy móc các bìa sách báo vào thập niên 60 còn cho ta thấy rất rõ sự lấn màu, lem nhem đến như thế nào. Nhưng đối với lại tranh khắc gỗ của Nhật đố bạn tìm thấy những cái lỗi này trong tranh của họ. Giai đoạn vàng son của thể loại này vào khoảng giữa Thế kỷ XVIII. Ở thời kỳ cực thịnh này đề tài, cùng kích cỡ không có gì thay đổi vẫn loanh quanh về hình ảnh các cô kỹ nữ, anh hùng và phong cảnh...v...v.... Và in toàn màu không còn tô màu bằng tay nữa. Người đi tiên phong và có công lớn trong lãnh vực in đa sắc này là Suzuki Haranobu. Trong những bức tranh của ông, có thể đếm được đến trên mười màu cùng một số kỹ thuật in nổi những chi tiết nữa. Quả là đáng nể.

(Còn tiếp ).

23 -  CHUYỆN VỀ BỘ TRANH KHẮC GỖ NHẬT ( Ukiyo-e).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét