Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

24 - CHUYỆN VỀ BỘ TRANH KHẮC GỖ NHẬT ( Ukiyo-e). ( Tiếp theo )


CHUYỆN VỀ BỘ TRANH KHẮC GỖ NHẬT ( Ukiyo-e).

      Tôi tỉ mỉ phân loại. Đếm được khoảng 29 tác giả cho 57 tấm. Còn lại 18 tấm. Có tên mà không đọc được và khuyết danh. Những tác giả thuộc loại bậc thầy. Rất nổi tiếng của giòng tranh này, nếu những ai có quan tâm đều không lạ gì với những tên như: Sharaku. Utamaro. Hokusai. Hiroshige. Haranobu. Kiyonaga..v.v..Còn lại một số tên tuổi nữa dù không nổi tiếng bằng, nhưng khi nhắc đến quá trình lịch sử hình thành thì cũng không thể không nhắc đến.
      Vì niềm say mê. Vì tò mò muốn tìm hiểu một loại hình nghệ thuật mới mẻ mình đang sở hữu. Một ngành mỹ thuật đồ họa rất công phu và tỉ mỉ. Quá độc đáo nên tôi không quản ngại về thời gian tiêu tốn cho nó. Nó dẫn dắt tôi từng bước. Mở cho tôi một tầm nhìn mới lạ rất thú vị trong bộ môn khắc gỗ của Nhật Bản. Mỗi lần xem là có một điều mới mẻ khơi dậy từ màu sắc cho đến hình họa của từng mỗi một tác giả. Tôi sử dụng kính lúp thường xuyên để quan sát bức tranh cho phỉ chí. Soi mói đến tận cùng từng những centimét vuông một. Nếu dùng tay, sờ vuốt nhẹ. Sẽ cảm nhận ngay có sự lồi lõm. Đôi chỗ, những sớ gỗ lộ loáng thoáng trên mặt giấy mịn xốp chuyên dùng. Nhất là những nơi tiếp giáp giữa hai mảng màu. Nơi đó cũng là  cạnh của phiến gỗ mang màu sắc đó. Từ hiện vật trong tay, cộng thêm sự tìm tòi về nghề in gỗ, tôi nắm rõ được phần nào kỹ thuật thực hiện của các họa sĩ và nghệ nhân. Khi in. Úp mặt giấy lên mảng gỗ có bôi màu sẵn đã chọn. Nghệ nhân dùng một miếng đệm bổi chuyên dùng, chà sát mạnh lên lưng tờ giấy ép xuống cho mực trên bản gỗ ngấm in qua mặt giấy. Chính sự chà ấn mạnh này. Những chỗ dương bản trên mặt gỗ sẽ thành âm bản trên mặt giấy và ngược lại. Sự chà ép vuốt mạnh tren mặt lưng đã làm cho mặt giấy xốp len chui vào những kẽ hở li ti chỗ sớ gỗ thưa tạo ra vết hằn để lại trên mặt giấy rất rõ ràng. Một dấu hiệu để ta phân biệt giữa loại hình khắc gỗ với những loại hình in ấn khác. Cũng may là nó thuộc quyền sở hữu của mình nên mới có thời gian để xăm soi. Mới nhìn thấy cặn kẽ những gì có trong những tác phẩm, chứ nếu chỉ cỡi ngựa xem hoa thì làm sao mà thấu đáo được những cái ảo diệu trong dòng tranh khắc gỗ này.
      Nắm được một số căn bản. Nhưng vẫn không thể phân biệt được có phải nó là bản gốc hay in lại sau này. Tôi cố gắng thăm hỏi mọi người quen biết trong giới họa sĩ. Mong gặp được cao nhân giám định dùm. Nhưng thời gian trôi qua tôi vẫn không biết được gì hơn những điều đã biết. Những nhân vật tôi có hân hạnh được tiếp xúc cũng chỉ biết qua sách vở chứ chưa có dịp tiếp cận chính thức những tác phẩm này, họ nói đây là lần đầu tiên được sờ tận tay. Nên cũng không biết thực hư như thế nào. Cũng có những vị khẳng định là đồ giả. Tôi hỏi ngược lại. Đồ thật nó ra sao? Họ không trả lời được. Chả biết đâu mà lần. Cho đến giờ phút này tôi cũng chưa biết nó là tranh đúng đời hay không. Vì chưa có dịp tiếp cận với tranh thật. Nhưng có một đều tôi dứt khoát. 75 bức tranh này là tranh khắc gỗ, in thủ công bằng tay. Còn về thời gian của chính tác giả thực hiện hay không còn phải chờ xem sao và một số ý nghĩ lởn vởn trong đầu.
      * Khi làm giả chắc hẳn thị trường loại tranh này phải có nhu cầu cấp bách. Giá cả mua bán đã được đẩy lên khá cao thúc bách người ta làm giả để trục lợi.
      * Đây có phải là dòng tranh thời Minh Trị Thiên Hoàng cho thực hiện lại không? Nếu đúng! Làm ra bao nhiêu bộ? Và có làm hết tất cả các tác giả như thế này hay chỉ làm một số tác giả nổi danh? Mục đích in lại để quảng bá cho thế giới vậy sao không in thêm một vài ngoại ngữ phổ thông nào đó như Anh ngữ hoặc Pháp ngữ để dễ phổ biến đến mọi người? 

      Và những lý do mà tôi dựa vào nó để khẳng định tranh đúng đời.
      * Có những bức khuyết danh, nhưng kỹ thuật thực hiện thấy thật tinh xảo. Cực kỳ khó khăn, muốn thực hiện được phải là một kỳ công. Mục đích của kẻ làm giả là để bán được nhiều tiền. Như vậy họ phải chọn những tấm của các tác giả nổi tiếng để mà làm mới mong dễ bán. Chứ thực hiện một tấm khuyết danh, kỹ thuật thực hiện lại quá khó, công sức bỏ vào đó rất nhiều. Chưa chắc đã bán được. Như vậy có bõ công không? Đó là chưa nói đến có những tấm nằm trong tập này, nếu có đem nhờ họa sĩ vẽ lại bằng bút cho giống cũng đã là một chuyện không dễ thực hiện. Thế thì làm sao đạt mục đích. Chẳng lẽ làm giả ra để mình chơi?



                                   Tác giả chưa rõ. Khắc gỗ. Cỡ 15.5cm x 29cm.


                                       Tác giả chưa rõ. Khắc gỗ. Cỡ 14.7cm x 29cm.

                            Tác giả chưa rõ. Khắc gỗ Nhật Bản. Cỡ 20cm x 29,3cm.



                     Tác giả chưa rõ. Khắc gỗ. Cỡ 21.5cm x 29cm.

                Tác giả chưa rõ. Khắc gỗ. Cỡ 23.7cm x 28cm.
     
     Trên đây là những tấm có kỹ thuật in ấn rất phức tạp, thực hiện được như thế không đơn giản,. Thậm chí nhờ vẽ lại bằng bút cũng không phải ai ũng làm được. Đã thế lại không có tên tác giả! Đâu dễ bán được giá cao!

      * Thiếu không trọn bộ. Như một bộ có hai tấm đề tài “Các cô gái đang thổi lửa” của họa sĩ Utamaro. Trong này chỉ còn có một tấm. Nếu giả tại sao không làm đủ bộ cho dễ bán. Làm lẻ như vậy bán ai mua? 
       Tôi nhận định bộ tranh này là do người sưu tập mua được bao nhiêu nhờ bồi ghép lại bấy nhiêu để bảo quản cho được tốt mà thôi.




             Utamaro. Trong bếp. Khắc gỗ. Cỡ 17,2cm x 27cm. Bộ 02 tấm thiếu tấm bên trái.  

      * Trong bộ tranh này có rất nhiều tác giả. Tôi điểm danh có hơn ba chục vị. Những người cực kỳ nổi tiếng không quá mười người. Mỗi tác giả có một kỹ thuật, một phong cách riêng rất độc đáo. Nếu nói là để làm giả được một loạt tranh như thế này thì nhóm người thực hiện phải là những người thuộc đẳng cấp chuyên nghiệp tuyệt giỏi, năm bắt được tinh hoa của từng họa sĩ. 
      * Khổ giấy tranh và loại giấy cũng là một vấn đề đáng lưu ý. Cùng một tác giả, cùng cỡ nhưng không giống nhau, có sự xê xích một vài phân. Giấy để thực hiện rất đa dạng, không đồng nhất. Như vậy nhóm người làm giả bộ tranh này phải cất công tìm ra bao nhiêu loại giấy để làm. Thực hiện được bao nhiêu bộ? Giá bán bao nhiêu một bộ như thế này? Không có lý do gì khắc bao nhiêu bản gỗ như thế này mà chỉ làm giả ra năm, ba bộ để bán.
      Rất tiếc là tôi chưa có điều kiện ra nước ngoài tham quan loại tranh này. Chứ không thì chả có gì phải bận tâm cho lắm. Hãy đợi đấy!
      Trong suốt năm sáu năm trời kể từ khi mua được tập tranh này bị nỗi ám ảnh của cuộc chơi nó vật. Cứ  “Ôm cây đợi thỏ”. Chả thiết gì đến chuyện làm ăn. Suốt ngày mơ mộng gặp được anh chàng Dzệt kiều, gả nó để có chút đỉnh mua nhà?!?! Quả thật chuyện “Tái ông thất mã” làm tôi tỉnh cái hồn. Mua được chưa chắc đã là sướng. Cứ nghĩ lại cái đận “ôm cây đợi thỏ” mà lấy làm hổ thẹn lắm lắm!
      Khi mới mua được do mải mê tìm hiểu giá trị. Khi tạm hiểu lại có thắc mắc với bộ tranh quí như thế này nó lọt vào Việt Nam ta theo con đường nào? Cái` này chỉ còn mỗi một cách là đi dọ hỏi anh chàng Nhuận Đông y xem sự thể ra sao mà thôi. Có sẵn chủ chủ đích như thế nên một hôm tôi lân la sang chỗ sạp của chàng Nhuận. Tôi thấy trên sạp lúc này có bày một số loại sách của Nhật nhưng cũng chỉ là loại tầm tầm không hạp với “gu” của tôi nhưng tôi vẫn hỏi để có dịp khai thác ngồn gốc bộ tranh tôi đã mua của anh qua trung gian là cô Hà.
      - Cha! Sách tiếng Nhật dâu mà nhiều quá vậy đại ca? Vừa nói tôi vừa cầm lên một quyển sách Nhật mà không cần chú ý nội dung với dáng vẻ như muốn mua.
      Như gãi đúng chỗ ngứa. Cũng có lẽ chàng biết là tôi đã tóm của chàng cuốn sách được giá nên niềm nở ra mặt xả liền.
      - Cái này, toàn bộ là của ông bác ruột của tui đó! Với giọng nói đầy tự hào về dòng họ của mình.
      - Ổng hồi xưa khi lúc còn làm Đại sứ ở bên Nhật, nên ổng mua đồ Nhật nhiều lắm. Nhuận ta hể hả nói tiếp.
      - Ổng tên gì vậy anh? Tôi tò mò hỏi để nắm cho rõ vấn đề.
      - Tên ổng là Bùi văn Thinh. Nhuận vui vẻ trả lời tôi. Nghe anh Nhuận nói, bây giờ tôi đã được biết chủ nhân đầu tiên mang về VN là ai. Có như thế chứ một dòng tranh quí hiếm rất mới lạ đối với nghệ thuật VN. Chủ nhân của nó phải là người như thế nào. Đâu có ấm ớ lơ mơ được. Bây giờ tôi cần phải xác minh xem có đúng như lời anh chàng Nhuận nói không? Tôi đứng nói chuyện qua quýt một vài điều rồi rút lui có trật tự.
      - Bác Tùy ơi! Bác có nghe tên nhân vật Bùi văn Thinh bao giờ chưa? Tôi đặt câu hỏi với ông Tùy sau một thời gian ngồi lê đôi mách những chuyện trên trời dưới đất.
      - Bùi văn Thinh…hả? Làm gì có Bùi văn Thinh! Chỉ có Nguyễn văn Thinh mà thôi! Ông này có một thời làm Thủ hiến Nam Kỳ. Ông trả lời tôi sau một lúc suy nghĩ. Tôi hơi thất vọng nhưng cố bám víu vào dữ kiện của chàng Nhuận. Tôi đưa ra xem có gợi ý chút nào cho ông Tùy không! Lúc đầu tôi không muốn lộ dữ kiện này, để thử  xem sao. Bây giờ vào chỗ bí đành phải lật tẩy.
      - Có mà! Ông Bùi văn Thinh này có thời kỳ làm Đại sứ của Việt Nam ở Nhật. Sau khi nghe tôi nói. Ông Tùy ngồi đăm chiêu một lúc.
      - Đúng! Đúng rồi! Có… Có ông Bùi văn Thinh. Tay này đúng là có làm Đại sứ ở Nhật một thời gian vào khoảng năm 1958 đến 1960 gì đó tôi nhớ không rõ. Sau khi hết nhiệm kỳ về, có ý lập đảng đối lập với Trào nhà Ngô. Bị ông Ngô đình Nhu đã lên danh sách cho đi nghỉ mát nên đã phải buồm sang Pháp. Không biết giờ ra sao. Tôi cũng chỉ muốn hỏi ông Tùy để xác minh nhân thân của ông Thinh. Được biết như vậy coi như tạm đủ. Tôi lấy làm yên tâm về xuất xứ, không còn nghi ngờ gì về chủ nhân đầu tiên của bô tranh nữa.

Tư liệu về Ông Bùi văn Thinh trong cuốn báo Niên Giám năm 1959 cho biết khi ông đang làm Đại sứ tại Nhật Bản.

( Còn tiếp ).

25 -  CHUYỆN VỀ BỘ TRANH KHẮC GỖ NHẬT ( Ukiyo-e).  (tiếp theo)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét