Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

23 - CHUYỆN VỀ BỘ TRANH KHẮC GỖ NHẬT ( Ukiyo-e).(Tiếp theo )


   CHUYỆN VỀ BỘ TRANH KHẮC GỖ NHẬT ( Ukiyo-e).


     Khi thực hiện một bản tranh khắc gỗ này không phải một người mà là cả một nhóm. Gọi là Phường. Người đứng đầu được gọi là thợ cả. Có thể là một người có tay nghề cao hay là một họa sĩ chịu trách nhiệm điều khiển nhóm thợ. Phường thợ này chuyên thực hiện việc nhân bản những tác phẩm do chính thợ cả của họ sáng tác hay gia công những sản phẩm của người khác thuê làm. Nhóm thợ này cũng chia làm nhiều hạng, tùy theo khả năng, trình độ của mỗi cá nhân mà được giao cho những công việc từ  dễ đến khó. Thông thường Phường thợ được phân làm hai nhóm chính: 
     * Nhóm chuyên chế tạo các bản khuôn gỗ. Dựa theo hình ảnh và màu sắc trong bức tranh mẫu, nhóm thợ này sẽ phân định tùy theo mỗi màu trong bản vẽ rồi theo đó mà cho tách ra thành nhiều phiến gỗ khuôn cho phù hợp với từng màu. Người họa sĩ hay thợ cả sẽ là người chịu trách nhiệm sau cùng, kiểm tra, sửa chữa các bản khắc trên những phiến gỗ khuôn cho thật hoàn chỉnh. Sau đó bộ khuôn này mới chuyển qua cho nhóm thợ in để thực hiện tiếp công đoạn cho ra sản phẩm trên giấy. 
                         Tạ Tỵ.  Chân dung nhà thơ Phan Lạc Tuyên. Bản khắc kẽm độc sắc. Năm 1956.


       * Nhóm thợ in. Nhận bản khuôn gổ đã hoàn thiện về cho vỗ mực, màu lên từng phần, rồi rập qua giấy thành tranh. Nên nhớ mỗi màu là một lượt in. Màu đen thường được in sau cùng. Để định hình dạng tổng thể. Trước lúc sản xuất hàng loạt. Người thợ cả hay họa sĩ phải có trách nhiệm theo dõi trực tiếp cho in thử vài lần, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh  sửa chữa, những sai sót cho đến khi thấy bức tranh thật hoàn hảo rồi mới cho in hàng loạt. Những bản in hoàn chỉnh này được gọi là tranh mộc bản.

                                                
                               Tạ Tỵ. Chân dung Phan Lạc Tuyên. Bản in độc sắc qua giấy.


                       Bản khắc gỗ dùng để in tranh Đông Hồ Việt Nam. Đại cát (大吉). Cỡ 12cm x 22cm.

Những bản in hoàn mỹ vừa ý đầu tiên, sẽ được lấy nó làm chuẩn. Tấm chuẩn này sẽ được đóng vào một con dấu có hai chữ “ Bản Nguyên” để phân biệt với những bản in thường và cũng để dùng làm chuẩn để nhóm thợ in nhìn vào đó mà thực hiện cho lô hàng được đồng nhất. 


          TOYONOBU (1711-1785)  (Chuban) 21.5 x 28.7cm.  Có chữ " Bản nguyên " (板 元). Đáy góc phải có đóng khung.

Giới nghiên cứu có khuyến cáo chúng ta một vài điều quan trọng như sau:
      -  Có thể có sự thay đổi màu sắc trong cùng một đợt in.
      Sự cố này xảy ra do khi đang in bị hết màu, hay tại một lý do nào đó nên khi cho in lại màu pha không giống được như cũ. Đôi khi còn đổi hẳn sang màu khác nữa.
      - Có sự thay đổi đường nét trong cùng một bản gỗ ngay trong thời tác giả đang sản xuất.
      Chuyện này cũng tương tự như  điều ở trên. Các nét được khắc lên gỗ có chỗ rất mảnh. In nhiều lần bị mòn, bị dập nét trở nên thô kệch, bè ra. Hoặc đang in bị mẻ. Nếu cứ để nguyên như thế đem in tiếp sẽ không được đẹp hoặc nhà xuất bản lấy những bản gỗ cũ đã cất đi lâu ngày lúc lấy ra để in tái bản, bản gỗ bị hư hỏng, thất lạc vài mảnh trong bộ phải cho khắc đục lại nên không thể giống nhau hoàn toàn, chỉ có cái dáng tương tự mà thôi.
      Một số nhà nghiên cứu phương Tây ban đầu chưa rõ chuyện này. Cứ dựa theo chuẩn mực, cung cách của những nghệ nhân bản xứ để đánh giá nên mới có sự tranh cãi nhau. Một số vị thề bảo vệ quan điểm của mình cho đến ngày tận thế. Cũng dễ hiểu thôi. Đối với nghệ nhân của trời Tây. Trước khi thực hiện họ có một sự chuẩn bị, tính toán các công cụ một cách kỹ lưỡng. Dứt khoát với một số lượng như đã được công bố. Không có sự thay đổi. Những bản in hoàn toàn giống nhau không có sự sai biệt. Chuyện này cũng dễ hiểu bởi vì in với số lượng ít, có tính toán kỹ cho từng phần nên bản in ít khi bị hư hỏng hoặc sai sót bất cứ một điểm nào về màu cũng như về đường nét, sau đó hủy bản in. Nếu có giữ cũng sẽ không cho in lại. Trong khi người Nhật không quan tâm đến chuỵện giới hạn bản quyền này. Bởi vì mục đích của họ là kinh doanh nên những bản nào còn tiêu thụ được là họ thoải mái làm đi làm lại nhiều lần để bán.
      - Người chịu trách nhiệm xuất bản đôi khi không phải chính là tác giả.



      Tác giả  Harunobu. Cỡ  22.3cm x 31cm. Người chịu xuất bản " Cự Xuyên " (巨川) và  hai con dấu. Rìa đáy góc trái có hàng chữ màu đỏ " Đệ nhất xảo nghệ bản " (第一巧藝板).

       Đâu phải ai cũng có vốn và  thị trường tiêu thụ. Nếu các họa sĩ có điều kiện thì đứng ra lập phường buôn bán. Nếu không đã có một số nhà buôn lớn đứng ra  thầu hết rồi cho phát hành. Bởi vậy trong tranh khắc gỗ của Nhật, ngoài những con dấu chính thức của các họa sĩ còn có thêm con dấu của nhà phát hành, dấu đã kiểm duyệt đóng vào nữa.
      Đây là loại tranh chỉ tiêu thụ trong giới bình dân, in hàng loạt nên giá cả rất rẻ. Mọi người mua về, mục đích dán lên tường nhà vào những dịp lễ lạc, hội hè hay để trang trí trong nhà cho vui mắt. Các phường in bán hết là cho tái bản lại. Họ không có khái niệm gì về nghệ thuật cao siêu, mà cái chính là mưu cầu cho cuộc sống hàng ngày của họ. Do sự cạnh tranh nhau nên ra sức làm cho thật đẹp, thật phong phú mong gây được sự chú ý, thích thú cho mọi người để bán được nhiều. Chính vậy những nghệ nhân điêu khắc trong giới này đã tạo ra vô số sản phẩm trên bản gỗ thật tinh vi, sắc sảo. Cái sự cần cù, tỉ mỉ, khéo léo của họ thật đáng khâm phục. Những nét bút của họa sĩ vẽ trên giấy bất kỳ như thế nào. Có  mảnh như sợi tóc họ cũng thực hiện được qua bản khắc không  mấy khác biệt. Về nhóm thợ in. Công việc của họ cũng phải nói là một kỳ công. Mỗi một màu là một lần in. Không hiểu họ sắp xếp, lấy chuẩn như thế nào. Nhưng lúc họ in xong ta quan sát thật kỹ thấy hai màu nằm cạnh nhau chính xác đến mức không ngờ. Có thể nói cái tính tỉ mỉ, kiên trì của người Nhật đã làm cho giới nghệ sĩ phương Tây nghiêng mình bái phục. Cái cung cách làm việc vô tư theo tập quán trong cuộc sống chứ không phải mục đích là làm để đời. Ngay người Nhật lúc đó cũng không chú ý, không coi trọng giới nghệ sĩ Ukiyo-e này như những họa sĩ vẽ thủy mặc. Họ bị giới thượng lưu đánh giá rất thấp. Không hiểu cái tên “Phù thế hội” chỉ danh của loại hình này có ẩn chứa một ý nghĩa sâu xa nào đó hay không?
      Mãi đến khi người Phương Tây du nhập vào nước Nhật. Họ phát hiện ra tại đất nước này có một mảng nghệ thuật dân gian đặc trưng, độc đáo tiềm ẩn một sức lôi cuốn mãnh liệt làm say mê lòng người về màu sắc lẫn hỉnh họa. Một sự cách điệu rất dịu dàng mới lạ, mặc dù không đúng tỷ lệ nhưng nhìn không "phô" mà lại rất có duyên. Màu sắc chuẩn không pha trộn được sắp xếp cạnh nhau không công thức, không theo qui luật nào nên rất sinh động. Cho nên giới sưu tập thích thú sưu tầm mang về bổ xung cho bộ sưu tập của mình. Còn những học giả, những nhà nghiên cứu nghệ thuật Tây phương đã rất quan tâm đến cùng thi nhau viết bài giới thiệu, viết sách ca ngợi, không tiếc lời. Cũng nhờ thế mà cả thế giới mới biết đến loại tranh khắc gỗ tuyệt vời của người Nhật.
      Dựa vào những chữ thuyết minh về các tác phẩm được in trong quyển sách lịch sử tranh khắc gỗ [Ukiyo-e]Nhật Bản mượn của Lý Cứ. Tôi đọc lõm bõm, rồi so sánh những tên tác giả có trong tập tranh giống trong quyển sách. Mặc dù tên họ những tác giả là người Nhật nhưng lại viết bằng chữ Hán thì còn đọc được tí chút nhưng nếu phát âm theo tiếng Nhật thì tôi không biết đọc ra sao. May là trong quyển sách mượn được của anh bạn có phiên âm sẵn lại bằng mẫu tự La Tinh nên tôi đã từ từ nhận dạng được và biết những tấm nào của ai thực hiện. Trong tập này có rất nhiều tác giả. Gần như muốn đủ mặt các danh họa của thể loại này. Kích thước các tấm tranh không đồng nhất với nhau. Đại loại ta có thể phân chia ra như sau:
       Lớn nhất có cỡ: 25cm x 38cm.
       Thứ nhì cỡ:  21cm x 30.
       Thứ ba cỡ: 17cm x 35cm.
       Thứ tư cỡ: 14cm x 34cm.

      Đây chỉ đưa ra một số kích cỡ tiêu biểu. Có những tấm cùng cỡ nhưng có xê xích đôi chút. Khi thì bên chiều dài. Khi thì bên chiều rộng. Một số tấm có hiện tượng bị tề bớt đi cho vừa với khuôn khổ của cuốn sách. Ngoài những tấm đơn ra còn có những tác phẩm được ghép lại từ hai tấm hoặc ba tấm thành bộ. Nói chung là kích thước không thống nhất. Có thể do khi xếp tờ giấy lớn lại để xả ra làm nhiều tấm nhỏ nên mới có hiện tượng này chăng? Loại giấy để in chất lượng cũng không giống nhau. Nhưng đều mang một tính chất chung là mặt giấy mịn, dày, dai, có độ xốp cao. Chắc là loại giấy làm chuyên dùng cho giòng tranh này.


     Phần kích thước để tham khảo dựa theo nguồn Wikipedia.



·                    Chūban (中判, giữa kích thước) (26x19cm)
·                    Chūtanzaku (中短册) (38x13cm) - còn được gọi đơn giản là tanzaku , một nửa của một Oban , cắt theo chiều dọc. 
·                    Hosoban (细判 )  33 x 15cm.
·                    Oban (大判, kích thước lớn) (39x26.5 cm) - kích thước tấm phổ biến nhất.
·                    O-hosoban (细判) (38x17cm) - còn được gọi là O-tanzaku

·                    Shikishiban (21 x 18 cm) thường được sử dụng cho surimono

                                                             

( Còn tiếp).


24 -  CHUYỆN VỀ BỘ TRANH KHẮC GỖ NHẬT ( Ukiyo-e).


1 nhận xét: