Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

27 - CHUYỆN VỀ BỘ TRANH KHẮC GỖ NHẬT ( Ukiyo-e). ( Tiếp theo )


CHUYỆN VỀ BỘ TRANH KHẮC GỖ NHẬT ( Ukiyo-e).


                         
                      Utagawa KUNIYOSHI  (1787-1861). Kt: 24.5 x 36.5cm (OBan).



     Thời gian không việc gì mà phải đứng lại. Vẫn tà tà trôi đi theo qui luật thiên nhiên bất biến. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ hay chưa tới cũng không phải là lâu. Nhưng với tâm trạng chong ngóng thành ra nó cũng lê thê lắm! Tôi mong thời gian qua cho nhanh để đến ngày mai xem sự thể nó như thế nào.

      - Ông ra lẹ đi! Nó chờ ông ở ngoải! Hình như nó không mượn được tiền hay sao ấy! Mặt nó một đống, nặng như đeo đá! Đã vậy hôm nay lại cúp điện trời nóng cứ như hơ. Đưa cho nó cây quạt giấy hắn phe phẩy đi tới đi lui trong tiệm nhìn phát chóng cả mặt! Nói mấy nó cũng không chịu ngồi. Người thì cứ vã mồ hôi như tắm thấy mà tội nghiệp! Người em trai của anh chàng Phương làm một hơi không nghỉ mô tả lại tình hình ngoài tiệm cho tôi biết. Thời tiết lúc này cận tết nhưng vẫn nóng, đã vậy lai cứ bị cúp điện liên miên, nên không khí trong nhà cũng oi ả lắm, mình là dân bản xứ chịu còn muốn không nổi, thế thì dân xứ lạnh chỉ có nước phát cuồng.
      - Ông có mang cuốn tranh theo không vậy? Em anh Phương hỏi tôi.
      - Có! Có hẹn với nó mà! Mình mang theo sẵn đây! Tôi trả lời.
      - Ông lên xe đi tôi chở ra cho mau kẻo nó chờ!
      - Được rồi ông về trước đi tôi đạp xe ra sau, để lát nữa khỏi mất công ông lại phải cõng tôi về. Tôi vui miệng nói đùa.
      - Thôi khỏi mất công ông cứ ra tôi chở rồi lát tôi đưa ông về lo gì. Đi Honda cho mau, đạp xe đạp lâu lắm! Anh chàng nhiệt tình nói với tôi.
      Tôi xuống xe đã nhìn thấy anh chàng người Nhật đang đứng trước cửa tiệm tay cầm cây quạt phe phẩy liên tục dáng vẻ như sốt ruột, khuôn mặt thì nhễ nhại mồ hôi. Trong tiệm cúp điện tối om, được thắp sáng bằng cái đèn “Măng Xông” kêu khè khè tỏa ánh sáng co cụm yếu ớt lan tỏa lên các món hàng nào là lu, hũ, bình, tượng ..v.v.. ôi thôi đủ thứ bừa bộn trong nhà. Sức nóng của nó phụ họa với khí trời oi bức càng làm cho con người ta cảm thấy rịn rịn ở làn da.. Hai cánh cửa bằng kính mở toang mong đón được tí gió nào hay tí ấy. Rõ khổ!
      Tôi chậm rãi bước vào theo sau em anh chàng Phương. Một sự đón tiếp đầy nhiệt tình được thể hiện qua cái bắt tay xiết chặt của anh người Nhật kèm theo một nụ cười thật thân thiện tươi như hoa đương độ.
      - Chào ông! Anh ta dùng tiếng Việt để chào tôi.
      - Chào ông! Tôi cũng chào đáp lễ bằng ngôn ngữ xứ mình.
      Cả ba chúng tôi cùng ngồi vào cái bàn kê gần góc nhà trong. Sau khi đã dời cây đèn mang xông ra xa cho đỡ nóng. Tôi để cuốn tranh lên mặt bàn. Chưa biết phải nói câu gì thì tay người Nhật đã tỏ ý muốn xem lại. Xem thì xem có gì trở ngại đâu. Tôi đẩy cuốn sách về phía hắn, sau khi đã mở tờ báo gói bên ngoài ra.
      Anh chàng người Nhật đón lấy tập tranh từ tay tôi với một thái độ rất trang trọng, từ tốn mở ra xem. Xem đi xem lại rất cẩn thận từng tấm , từng tấm một thật chậm rãi, nhưng tay không ngừng quạt nhè nhẹ. Sau gần cả tiếng đồng hồ xăm xoi. Anh ta gấp quyển sách lại, đưa cặp mắt nhìn tôi với một ánh mắt cùng điệu bộ của sự thất vọng. Anh ta bày tỏ bằng tiếng Anh thật chậm rãi cùng cử điệu. Chúng tôi hiểu là anh đã không mượn được tiền có lẽ là các bạn của anh cũng mua hàng cạn hết tiền. Cũng đúng thôi dân kinh doanh chẳng lẽ mang tiền đi chơi cho vui sao? Anh cứ nói đi nói lại ba bốn bận về chuyện này. Sau cùng anh đề nghị với tôi là bán cho anh trong phạm vi số tiền anh đang có là 7, 200 USD. Nếu tôi đồng ý anh ta sẽ chọn. Làm sao mà bàn như thế được. Muốn thì tôi đã không để đến ngày hôm nay! Câu chuyện cứ quanh đi quẩn lại như kiến bò miệng chén chả đi đến đâu. Bên muốn mua thì không đủ tiền. Bên  bán thì thấy mình bị thiệt thòi nhiều quá. Sự việc coi như bế tắc. Chuyện mua bán không biết giải quyết ra sao. Bầu không khí oi bức trong gian hàng không quá ba mươi mét vuông đầy ắp những món cổ vật đang im lìm chứng kiến một chuyện mua bán không đi đến đâu. Căn phòng càng ngột ngạt, căng htẳng hơn khi chẳng ai nói với nhau câu nào. Mỗi người suy nghĩ theo ý của mình thật lặng lẽ.
      Cái không khí buồn tẻ trôi qua cũng mất cả chục phút đồng hồ. Rồi tay người Nhật lại cố mở lời đề nghị bán cho hắn với số tiền hắn có nhưng lần này để hẳn cọc tiền lên trên bàn trước mặt mọi người va với động tác đếm lại cũng vẫn lá 7,200 không hơn. Tôi vẫn không chịu. Anh chàng Phương lại thúc bán. Tôi kiên quyết lắc đầu. Thấy thái độ của tôi như thế, anh chàng Nhật Bổn hiểu. Hắn bày tỏ sự thất vọng bằng cách cầm sấp tiền nãy giờ để trên bàn cho vào túi quần. Một lúc sau đưa ra đề nghị giữ lại cho anh. Một tháng sau sẽ quay trở lại mua. Tôi đồng ý chứ chả biết làm sao. Vẫn còn hy vọng mà! Để cho chắc tôi ra điều kiện là phải đặt cọc làm tin, cũng là hình thức giữ chân hắn quay trở lại. Làm sao biết là hắn có quay lại hay không? Dài cổ chờ, rủi trong lúc hắn chưa qua có người muốn mua lại không dám bán vì đã hứa. Đến lúc hắn không qua. Như thế có phải là thiệt không? Tôi cố gắng bằng mọi cách cho hắn hiểu là phải đặt cọc tôi mới giữ lại, còn không thì tôi gặp người mua ,tôi sẽ bán chứ không chờ hắn. Sau một lúc tôi giãi bày hắn hiểu ý. Tôi thấy hắn thò tay vào túi móc sấp tiền ra cầm trong tay, hỏi tôi là muốn đặt cọc bao nhiêu. Tôi cho hắn biết là tiền đặt cọc làm tin thì tùy ý bao nhiêu cũng được. Hắn đếm đến năm trăm thì dừng lại suy nghĩ. Trong lúc đang do dự và không hiểu là trong đầu hắn có suy nghĩ gì, thì chàng Phương nhà ta vọt miệng đòi hai ngàn đô. Hắn ngẩng đầu nhìn chàng Phương dò xét. Tôi thấy hắn chả nói gì, lẳng lặng xếp tiền lại bỏ vào túi. Rồi cho chúng tôi biết là một tháng sau sẽ quay trở lại để mua. Tôi nhìn anh Phương cửu chỉ với ánh mắt nặng nề trách móc sao anh lại đòi nhiều như vậy. Lấy gì bảo đảm khi hắn quay lại VN còn tìm thấy chúng tôi, nên anh người Nhật do dự cũng đúng thôi. Với vài ba trăm thì có mất cũng chả sao, đằng này đến những hai ngàn. Một số tiền không nhỏ. Không mua được món này với số tiền đó. Nhưng với hai ngàn đô thì có thể mua vài cái bình pha lê Galeé đem về bán cũng lời chán. Tiền dolla thật chứ đâu phải dolla âm phủ đâu mà đem đi rải khắp nơi như vậy. Đúng là tham thì thâm. Đáng lý ra có chút tiền cọc để tiêu pha dí dủm, giờ thì lóc cả lũ. Đáng kiếp! Thế là tất cả mọi người trong cuộc đều buồn thiu. Chả bán! Chả mua! Chả có chút tiền cò! Tất cả chả ai được gì. Đành ngậm bồ hòn làm ngọt chứ biết sao. Chờ con tạo xoay vần. Hy vọng mà sống!
      Hắn ngồi chơi một chốc chừng nửa tiếng đồng hồ rồi từ giã ra về với cái xiết tay tràn đầy sự hứa hẹn sẽ gặp nhau vào tháng tới.

       Khi hắn ra về xong, tôi nhìn đồng hồ! Trời đất! Thế mà đã hơn hai giờ chiều rồi. Thời gian đi nhanh thật cứ mải mê nói chuyện quên tiệt cả thời gian. Coi như toi buổi sáng “ Xôi hỏng, bỏng không ”. Cũng may là nhờ có anh Hải bạn cùng bán chung nhiệt tình trông nom dùm chứ không thì cũng khó ăn, khó nói với chị cửa hàng trưởng. 
       Đúng như đã hứa em chàng Phương lấy xe chở tôi về. Cái nắng buồi trưa gay gắt, đặc trưng của vùng nhiệt đới đang đổ ập xuống như hơ Hòn ngọc Viễn đông trên ngọn lửa. Cả một bầu trời chói chang, không gợn mây trong veo, cao vút. Không khí nóng hực phả háp lên khuôn mặt mọi người đang chen chúc, tất bật trong những mưu toan, mong mỏi mang về cho bản thân mình những món lợi, để từ đó đem đổi lấy những cái gì va vào lỗ miệng không đầy gang tay nhưng rất nhiễu sự trên mọi ngã đường trong thành phố bụi bặm, lung linh ảo ảnh. Chả ai còn hơi sức đâu mà để ý đến cái thời tiết. Hết nóng rồi sẽ mưa thôi! Quen rồi!

        Cái bóng tối của buổi chiều dần dần như đang cố đẩy lùi nhưng tia nắng yếu ớt của ban ngày còn vương vấn làm cho bầu trời trở thành tranh tối tranh sáng. Một vài nhà đã lên đèn. Ánh sáng yếu ớt của những ngọn đèn Néon không đủ công suất chập chờn thoát ra từ trong nhà qua các khung cửa, đổ dài trên con hẻm không quá bốn mét rộng, chả đáp ứng được điều gì cho mấy đứa trẻ đang cùng nhau đùa giỡn trước hè nhà.
      Tiếng còi xe vang inh ỏi cùng tiếng đập gấp gáp vang lên trên cánh cửa lưới nhà mình. Tôi vội bước ra. Thấy vợ chồng lão Phương chở nhau đang chễm chệ ngự trên chiếc môtô, máy vẫn nổ phành phành đỗ ngay cửa. Trông oách chi lạ!
      - Thằng cha người Nhật cách nay cả tháng muốn mua tranh của ông đấy nhớ không? Với một chất giọng trầm ấm, vang, lớn của những người có thanh giọng cực tốt của Phương nhà ta, hỏi khi thấy tôi ra mở cửa.( Chuyện hệ trọng như vậy mà hỏi nhớ không!  Rõ chán cho anh chàng này ).
      - Rồi sao Đại ca? Tôi vui vẻ gật đầu chào vợ chồng hắn, vọt miệng hỏi.
      - Thằng cha đó nó không mua vé máy bay được nên nó phải nhờ một người bạn cầm lá thư của nó viết gởi cho ông. Tay bạn này có nhiệm vụ đưa tiền để đổi  lấy quyển tranh như đã thỏa thuận từ tháng trước với tụi mình đó! Nó hẹn là bảy giờ tối nay nó sẽ ra tiệm của tôi. Vậy chút nữa ông mang ra cho nó nghe! Anh Phương vừa nói vừa móc một tờ giấy xếp tư đưa cho tôi.
      - Đọc đi! Nó chúc ông mua căn nhà thật to với số tiền nó trả cho ông đấy! Sướng nhé! Kỳ này trúng mánh to rồi! Miệng thì oang oang, tay thò ra bẹo má tôi. Tay Phương này có cái tật hay véo má người khác bất kể là ai để tỏ tình thân mật. Tôi cầm tờ giấy trong tay chưa mở, quay vào nhìn đồng hồ. Mới có sáu giờ hơn. Còn gần cả tiếng nữa mới đến hẹn.
      - Còn sớm mà! Mời anh chị vào trong nhà ngồi chơi một chút. Chừng nửa tiếng nữa mình đi cũng chưa muộn! Tôi tỏ ý mời vợ chồng Phương vào nhà.
      - Thôi cám ơn! Để tôi về, sợ tay Nhật ra không gặp thì kẹt lắm. Phương thoái thác.
      - Dạ! Cũng được! Anh chị về trước chút nữa tôi sẽ cầm cuốn tranh ra. Thấy Phương nói vậy tôi cũng không dám giữ lại.
      Sau khi vợ chồng Phương đi khuất. Tay cầm tờ giấy trong lòng không biết tả nó như thế nào. Một sự sung sướng tràn đầy, người cứ nhẹ tênh muốn bay bổng lên như bong bóng.
      Tôi mở tờ giấy vợ chồng anh Phương vừa đưa. Ở phía góc trái trên có dán cái danh thiếp cửa hàng anh Phương là người môi giới. Tiếp dưới là nội dung lá thư bằng những giòng chử viết tay lý giải những điều đã không được như ý và những lời chúc. Bên dưới góc trái dưới là cái danh thiếp. Ngay bên cạnh phía bên góc phải dưới có dán thêm tấm hình cỡ 4cm x 6cm của chủ nhân lá thư. Như thể chứng minh với chúng tôi chính là anh ta chứ không phải ai khác.

          
          Bản chụp lại bức thư tay của anh bạn Yoshihiro Imaizumi. Qua bản photocopy.

          Tôi cầm lá thư vào thông báo cho vợ, mẹ và gia đình người anh ruột. Hiện giờ hai gia đình cùng người mẹ sinh ra anh em chúng tôi. Tất cả mười một người. Năm lớn, sáu nhỏ, sống cùng chung một mái nhà. Căn nhà ngang ba mét, dài mười hai mét với diện tích này thì cũng khá chật chội. May mà có thêm căn gác suốt và một gác lửng nên cũng tàm tạm không đến nỗi nào, các cháu còn nhỏ chứ không thì kẹt lắm chứ chẳng chơi đâu. “ Ăn thì nhiều chứ ở chẳng bao nhiêu” Mẹ tôi thường an ủi và bà cứ muốn chúng tối sống quây quần với nhau như vậy. Bằng chứng là hai gia đình chúng tôi vẫn ăn chung một mâm cơm. Mỗi gia đình đi chợ một ngày. Thế mà không có một điều gì xảy ra làm cho mình phải phiền lòng. Niềm hãnh diện của mẹ tôi với hàng xóm chung quanh.

( Còn nữa ).

28 -  CHUYỆN VỀ BỘ TRANH KHẮC GỖ NHẬT ( Ukiyo-e).   






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét