Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

19 - NHỮNG MẨU CHUYỆN TRONG CHỢ SÁCH CŨ ĐẶNG THỊ NHU Ở QUẬN 1 SAIGON.

NHỮNG MẨU CHUYỆN TRONG CHỢ SÁCH CŨ ĐẶNG THỊ NHU Ở QUẬN 1 SAIGON.


                     “ Cô hàng bán sách lim dim ngủ”.
      Không hiểu có phải “ Cái học ngày nay nó hỏng rồi!” hay sao mà chợ sách dạo này nó buồn thiu thỉu… Sĩ tử, học giả, học thật trong thiên hạ vắng bóng càng làm cho con đường dài hơn trăm mét thêm vắng vẻ đìu hiu như mảnh vườn quê trưa hè. Phải nhìn kỹ mới thấy lác đác một vài người chắp tay sau đít đang đủng đỉnh, loay hoay dòm hết gian này, ngó sang tiệm khác, túc tắc như hoa rơi cửa Phật, chả thấy có một tí gì gọi là nhiệt tình trong chuyện đi mua sách cả.
      - Ế thật...! Ông Tùy phát ra một câu ngắn gọn nhưng lại thật dài theo hơi thở. Tôi chả biết nói gì hơn ngoài cái gật đầu đồng tình.
      Sạp sách của ông Tùy ở ngay bên cạnh hãng xích lô đạp Đồng Phát, đối diện với dãy sạp của tôi nhưng hơi chênh chếch về mé phải chừng bốn sạp. Chúng tôi hay ngồi tán hưu tán vượn mỗi khi rảnh rỗi. Vốn trước kia là nhà giáo, gốc Bắc di cư, đạo Dòng. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ông về hưu. Tuổi già nhưng trông ông không yếu tí nào, rất khỏe là đằng khác. Ông có nước da hơi xậm, người cao to như Tây [ Các cụ nhà ta thường hay bảo nhau như vậy mỗi khi thấy có người nào có vóc dáng cao lớn.] Tính tình rất điềm đạm, hòa nhã có khí phách của một nhà Nho nhưng lại được giáo dục trong môi trường Tây học. Sự pha trộn giữa hai nền văn minh Đông Tây, khiến ông có nhiều điểm tôi mến phục và học hỏi. Ông cũng là người có tầm hiểu biết rất rộng trong lãnh vực Văn học, Sử. Mỗi khi có điểu gì bí trong những lãnh vực này tôi thường chạy qua hỏi ông. Rất ít khi bị thất vọng.
      - Cậu nhìn xem! Lão Thạch đang đi rẻo kiểm tra coi có thằng Tây nào dám chui từ dưới đất lên không kìa! [ Người miền Bắc hay dùng từ “cậu” để gọi những người nhỏ tuổi hơn mình.]
       Ông Tùy cười khều tôi cà khịa khi thấy ông Thạch Trưởng Ban quản lý chợ đang tà tà đi dọc theo các sạp ngắm nghía xem có cái gì mình “ Hẩu” thì thu gom về một mối  cho bớt chộn rộn. Phàm những ai đã là những người mua bán có kinh nghiệm. Một mình một chợ bao giờ cũng dễ bắt chẹt hơn là có nhiều người cùng bán chung mặt hàng.
      Ông Thạch được bà con trong chợ ưu ái bầu vào BQL vì: Thứ nhất là lớn tuổi, tính tình xề xòa, dễ chịu bản chất của người Nam bộ chính tông.  Thứ hai là có trình độ học vấn, công chức thời trai trẻ, quen tính cần cù, siêng năng là lớp cựu học nên cung cách xử thế nó cũng có phần khá mềm mỏng. Thứ ba là dám đứng mũi chịu sào. Trong khi bà con chúng ta nhát gan, đụng tới chính quyền là muốn né? Nên cứ việc đùn hết cho lão gánh là ổn hơn cả. Chuyện bị đùn đẩy ra để hứng chịu đầu sóng ngọn gió là thế. Nhưng cũng không tránh khỏi cái kiểu người ưa kẻ ghét.
      Ông Thạch chuyên doanh sách về Đông Dương [ Indochine] Loại sách hầu hết viết bằng tiếng Pháp. Phải có trình độ Tây học mới kham nổi. Còn trình độ Ăng lê học thì cũng hơi chật vật đôi chút. Loại sách này do những nhà nghiên cứu, những học giả lừng danh, hay những vị Cố đạo viết vào những thời xa xưa lúc còn mang kinh Thánh đi mở cõi, đã theo chân đám thực địa ghé bến cảng Việt Nam xiển dương lời Chúa. Có những cuốn sách có độ tuổi đến hàng ba, bốn thế kỷ viết bằng tiếng Bồ, LaTinh còn dính những hạt cát được người viết khi đó rắc lên cho mau khô mực. Đôi cuốn còn dấu cháy của hoa đèn dầu đang còn đỏ rực nổ văng vào, mụi lửa như than hồng đốt cháy xuyên qua vài lớp giấy tạo ra những nốt ruồi lốm đốm trên mặt nhiều trang giấy. Loại sách này đang là cao trào; “Hot” đối với giới sưu tập sách cổ và các nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật cùng thiên nhiên ba xứ Việt Miên Lèo. Sau ngày giải phóng những kho sách của tư nhân, hội đoàn trước đó kín cổng cao tường, bụi phủ dày cả lớp, chưa dấu tay người sờ đến. Có những bộ sách viết bằng chữ Hán trên giấy bổi mang trên mình những con dấu triện đỏ lừ, những trang Chu phê, từ thời các vua chúa xa xưa. Những ấn bản đặc biệt, những trang sách minh họa bằng tay, thủ ấn, litho màu, bìa da cừu mịn như nhung ..v.v.. Ôi thôi! muôn hình vạn trạng, nào quí, nào hiếm, nào xưa, nào cổ nay được dịp tuôn ra bán rợp trời. Có những thứ trước thời 1975 muốn sở hữu nó không phải là chuyện đơn giản, nếu không có núi tiền. Nhiều khi có tiền cũng không mua được. Hiếm hoi cực kỳ. Bây giờ xô ra bán giá như cho không đối những người có tiền. Càng nói đến càng thêm xót xa. Chính ngay những nhà nghiên cứu, bậc cao thủ trong làng sách cổ cũng không nghĩ nó có tồn tại ở quê hương mình. Nhưng vào thời điểm này. “ Gạo châu, củi quế ” nhìn thấy sờ sờ trước mắt, thậm chí còn cầm lên, để xuống. Tay còn cảm  nhận được cả độ nhám, mịn của từng cái bìa đóng thật cầu kỳ, của từng tờ giấy sản xuất đặc biệt. Thế mà lại không dám mua? Vì túi lép hoặc phải dành ưu tiên số một không ai hơn vẫn là cái bụng. Với mình thì khó khăn như vậy nhưng với những thương nhân, nhà nghiên cứu nước ngoài có mặt tại Việt Nam vào lúc này lại là điều hạnh phúc. Cơ hội ngàn vàng, ngàn năm một thuở, một dịp may mắn hiếm có đến với họ. Những cái gì họ khoái, nắm bắt được giá trị, họ chỉ việc xì Dolla ra đổi là xong. Chắc chắn mãnh lực của đồng Dolla có màu xanh xanh ấy chẳng ai chê cả. Đó cũng chính là hướng kinh doanh đắc địa mà ông Thạch đã chọn cho mình sau một thời gian suy gẫm, cũng phần lớn là do nghề dạy nghề nữa. Ông chọn hàng độc để kinh doanh. Mang danh là đồ độc thì chắc chắn phải hiếm rồi. Đã là của hiếm thì làm sao có giá rẻ khi người bán nắm được giá trị của nó. Nhưng cũng phải hiểu là của độc không hẳn ai cũng biết. Chỉ có những người nghiên cứu, có trình độ mới nắm được giá trị của nó mà thôi. Thế thì khách loại này đâu có nhiều, đa phần là khách nước ngoài vì họ có kiến thức, viết bằng ngôn ngữ của họ, cộng thêm là có tiền nữa. Thế nên thỉnh thoảng khu bán sách cũ “ Cá Hấp” này có vinh hạnh được đón tiếp những ông Tây, bà Đầm người cũng thơm phức loanh quanh trong chợ để tìm vàng thỏi mang về quê hương làm của. Mọi người trong chợ mỗi lần thấy ngoại nhân xuất hiện. Ai cũng phấn khởi. Biết đâu thần tài chui vào túi mình. Nhưng đâu có hiểu đằng sau sự hí hửng ấy mình đã bán đi những cái gì.
      Còn phe ta. Người có tầm cỡ càng hiếm hoi dữ. Nhưng không đến nỗi phải tuyệt chủng hẳn, những quí ngài này thỉnh thoảng cũng vi hành qua chợ. Đa phần là ghé bến ông Thạch. Quí ngài biết nơi cần đến và được thỏa mãn những nhu cầu cần thiết của mình mà không phải đổ chút mồ hôi nào. Tiền nong đối với các ngài này. Hẳn là không quan trọng rồi. Chỉ có ông Thạch mới biết rõ được là những cao nhân này hay là các anh mũi lõ ai xộp hơn ai. Nội tình thì chả biết. Bên ngoài nhìn vào thì chỉ thấy ông Thạch luôn luôn có thái độ thật nhã nhặn khi họ giá lâm. Quí vị khách quí hiếm đếm trên đầu ngón tay này nếu chịu khó lưu ý một chút thì thấy thỉnh thoảng cũng lang thang vờn các sạp quanh chợ tìm của rơi vãi đáp ứng cho những nhu cầu của mình mà ông Thạch chưa thu gom kịp, hay vì lý do tế nhị nào đó mà nó vẫn còn. Trong số cao nhân người Việt này có một vị mang một mỹ danh rất lạ, khá đặc biệt, rất ấn tượng  trong việc thích danh và thấy ai cũng gọi ông bằng mỹ danh ấy với cái giọng nể nang lắm lắm “ Lộ Công Mười Ba ”. Đến giờ phút này tôi cũng vẫn chưa hiểu với cái tên gọi đó là tên tục hay phương danh, có bao hàm địa vị xã hội không? Chịu phép!. Đại khái giới thiệu sơ qua về cung cách kinh doanh của ông Thạch và những vị dị nhân thân chủ của ông là thế. Ông Thạch chỉ có mặt ở quầy khi thượng đế giáng sạp hay lúc mỏi gối chân chồn sau những khi đi rẻo. Những lúc rỗi hơi. Ông có thói quen đủng đỉnh lên xuống khắp chợ; trước hết là nắm tình hình sinh hoạt; hai là xem có ai chớp được món gì hạp hướng phong thủy của mình, thỉnh về ém, chờ vận đỏ. Cần lưu tâm thêm một điểm nữa là đang khi chợ êm ả, bỗng nhiên thấy ông đứng trong sạp với khuôn mặt nghiêm nghị, hoặc trên đường qui sạp với dáng người vội vã; bảo đảm với quí bà con cô bác y như rằng chút nữa thế nào cũng thấy có một ông Tây hoặc bà đầm mũi lõ xuất hiện trong chợ. Những khi như thế, khó ai mà xeo nổi ông ra khỏi sạp, trừ khi Ban điều hành phe Chính quyền mời họp bất thường.
      Lúc nào cũng thế! Cố tạo ra dáng vẻ nhàn nhã, xem như trời đất chả là gì, yên vị từ bên trong quầy phóng tầm nhìn ra bằng cặp mắt hơi lộ lại luôn nhấp nháy như thể bị lông quặm đảo quanh trái phải đợi chờ. Một khi thượng đế hay quới nhơn đến gần. Nụ cười tươi như hoa đương độ, kèm với cái nghiêng mình tưởng như không còn cách nào để chứng tỏ lịch sự hơn được… “ Rất mong được quan bác chiếu cố “ Tệ sạp ”. Chẳng may gặp phải vị nào chỉ có nụ cười thân thiện, giơ tay ngoắc ngoắc đáp trả vì chỉ thích cỡi ngựa xem hoa. Cúp điện! Có lẽ cụ Ngô tất Tố viết chuyện “ Tắt đèn ” là vậy. Quí vị chắc thường cũng thường nghe trong dân dã họ nói là như cái bánh bao chiều. Hỏi thực là quí vị đã thấy tận mắt nó như thế nào chưa?
      Trong lãnh vực kinh doanh của ông Thạch còn có một điểm đặc biệt nữa là “ Quí hồ tinh bất quí hồ đa.” Trong sạp thì như thế nào không biết. Trên kệ chỉ loáng thoáng lơ thơ, tơ liễu vài chục quyển sách chỏng chơ thuộc loại tầm tầm ai cũng biết chả phải cần dấu diếm làm gì. Còn những thứ! Thứ gì? Cũng chả biết những thứ gì. Chỉ thấy mỗi khi khách ra khỏi sạp. Tay xách nách mang mấy cái bịch đã được gói ghém chu tất, cẩn mật. Bạn dám đòi xem không?
      Cũng phải thông cảm thôi! Phải cất kỹ trong tủ, chường ra cho chú mày học lóm à! Chỉ có quới nhơn hay thượng đế mới có vinh dự được diện kiến. Những thứ đó dược lão cất kỹ trong ngăn tủ, dù có cố tình xục vào cũng chẳng thấy gì. Đó cũng là phát biểu của một số tay muốn học lóm ngón nghề sau vài lần làm mặt dầy thử phổi. Phải nói là lão bảo mật rất kỹ. Một khi có thượng đế cắn câu. Người sẽ được thỉnh ngay vào trong tòa có ghế bàn hẳn hoi bảnh chọe có vách cao cao, kín đáo. Nếu có ai đó tò mò nhìn vào cũng chỉ thấy hai mái đầu nhấp nhô, khi ngửa lên khi ngúc xuống. Nếu gặp phải những tay chơi liều, không hiểu là vì tò mò hay ngờ nghệch hoặc mục đích muốn lóm nghề cố tình lăn chai vào để tìm hiểu vượt quá mức giới hạn. Những khi như vầy. Thoắt cái đã thấy bóng dáng bệ vệ, phục phịch vèo ra cực nhanh với nụ cười mặt sáp vô cảm chận lại từ xa. Câu hỏi thật lễ độ “ Có gì không bồ?”. Nếu bạn có chuẩn bị cho câu hỏi để tạo hoàn cảnh tiếp cận, bao giờ cũng sẽ gặp câu nói “ Rồi! rồi chút nữa nghe!” kèm theo một sức đẩy từ phía sau lưng bởi bàn tay của lão lái bạn sang chỗ khác tức thì. Đây là những động tác tương đối lịch sự chỉ được áp dụng cho những thành phần được lão có chút nể nang, chứ còn những tay cò con, hoặc lớ ngớ lảng vảng. “ Lại đây làm gì? Đi chỗ khác chơi đi!”. Khu này đâu có ai là không biết ông ấy là trưởng ban quản lý chợ? Một sự nhịn chín sự lành. Tránh voi đâu hổ mặt nào! Thua keo này ta bày keo khác! Trong kho tàng ca dao, tục ngữ của ta đã có ghi rành rành những câu như vậy mà. Những ca bị lão Thạch đối xử như vậy rất ít khi oan sai. Đa số là muốn học lóm nghề của lão, muốn ôm cái lợi về mình nên mới ra cớ sự. Trách ai bây giờ?
      Còn về cái chuyện không có tình cảm với nhau vì chung nghề “ Như hai cô bán sách có thương nhau bao giờ!” cũng là do “ Trâu cột ghét trâu ăn” mà ra cả. Lão Thạch đâu có phải là thánh đâu mà tránh khỏi! Cái thói tị nạnh của những người chung quanh lão đã minh định cho điều này.
      Tất cả mọi người trong chợ sách cũ đều có một công việc như nhau. Đó là buổi sáng nào ai cũng phải còng cái lưng cả tiếng đồng hồ dọn hàng ra bày biện để câu khách, mồ hôi cha, mồ hôi mẹ tuôn ra ướt đẫm. Chiều lại một tăng như vậy nhưng khác cái là dọn vào. Sức lao động đầu tư như vậy nhưng thu hoạch lại chả là bao. Chả bù với lão Thạch, sao mà sướng thế. Chín giờ hơn mới đủng đỉnh ra mở khóa kéo then cài, chống cái cửa lên, cầm cái chổi lông gà phất phất, thế là xong. Khi trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn là không còn thấy tăm hơi hắn đâu nữa. Bà con quanh quanh đó hay bảo với nhau là lão này khi mới sinh nằm trong cái bọc màu đỏ. Dân gian thường gọi là “ Bọc điều” nên hắn sướng tệ. Ai ai cũng thầm mong được như lão. Nhưng có nằm trong bọc điều như lão đâu mà mơ. Hắn sướng như thế là vì hắn có trình độ, lại nắm bắt được thời vụ. Hắn thông hiểu ngọn ngành giờ giấc. Lúc nào là giờ linh. Khi nào là giờ hoàng đạo để các thượng đế cùng quới nhơn rời khỏi phủ đi vi hành. Thế thì ra sớm về muộn có ích lợi gì, chỉ tổ cho muỗi cắn. Hắn cứ tàn tàn mà lại vớ bẫm, thế có điên không chứ? Thấy mà ghét. Thôi mà! Đôi dép nó cũng còn có số, đâu phải cứ muốn là được. Thời chưa tới! Thánh chưa cho ăn lộc. Thì dù có đi đội đèn khấn vái năm đền, mười phủ cũng chỉ là toi công cốc mà thôi! Cả chợ cũng chỉ được mỗi mình lão thôi đấy. Không tin cứ đi hỏi mà xem có đúng vậy không! Muốn biết thêm chi tiết cứ gặp các cao thủ mà vấn. Cao thủ hả? Thiếu gì, đâu có hiếm. Điểm từ Trái qua phải. Ông Tư Chà, Uyên cận, Vinh còm, Sinh râu, Trung y khoa, Hai văn nghệ, anh em nhà Sang, Tánh, Đặng Lời, Bố Thực..v..v..Nhan nhản ra cả đấy! Tất cả các cao thủ này cũng đều có cái đặc trưng cho mình à nghen!.
      Anh Hai Văn Nghệ.
      Chuyên bỏ sỉ các loại sách mới thanh lý của các nhà xuất bản trước 1975. Bản thân tại sao lại có cái tên như vậy. Nghe nói trước đây anh làm cho nhà xuất bản Văn Nghệ, cộng với thứ tự trong gia đình ghép lại thành tên thường gọi. Anh có lối kinh doanh khá ấn tượng; Sách bỏ sỉ của anh bao giờ cũng cao, nhỉnh hơn những nhà bỏ sỉ khác khoảng từ năm đến mười phần trăm. Trừ những mối ruột không nói. Cả làng lấy sỉ về bán đều rêu rao anh hai bán mắc. Chả ai mua của anh. Anh vẫn vui vẻ cười hề hề. “ Tao mua dzô hơi cao mà mảy!”. Cách xưng hô đặc trưng của ảnh. Ảnh cũng được bà con trong chợ bầu ảnh vào trong Ban quản lý chợ như ông Thạch.
      - Anh hai cho em lấy ít hàng về bán!
      - Ủa! Sao không lấy ở dưới mà lên đây dzậy? Ở dưới hết hàng rồi phải hông? Dạo này hàng hiếm lắm, tui cũng hết rồi. Bữa nay còn chút đỉnh bán cho bà con giá cũ. Tuần tới hàng mới dzìa!
      - Hàng hiếm quá phải giành giựt mới có được chút đỉnh, giá gốc nó binh lên quá sá, mua lẹ lên không hết hàng đó nghe!
     - Hết hàng rồi! nó còn lên nữa đó! Anh Hai khuyến cáo. Không ai còn chỉ mỗi mình anh là có, giá nào cũng phải mua. Biết bị bắt bí cũng đành chịu chứ biết làm sao? Không mua lấy gì bán. Nước lên, thuyền lên lo chi. Đổ lên đầu thượng đế cho các ngài lãnh hết, mình cũng chả mất gì. Chiêu này của anh Hai cả chợ điều hiểu. Tao bán cao hơn một chút, mày chê là cái chắc. Khi quay lại, chịu mua giá cao. Chắc chắn không ai có nó mới đến mua của tao! Đúng không?  Dzô ngàm. Xiết! Anh Hai chỉ chờ có bi nhiêu.
      Trung Y khoa.
      Đây cũng là một quái nhân. Với anh tình trạng học vấn chắc cũng chả cao, ngoại ngữ ăn đong ( Phải thuê một thày giáo vừa dạy học cho con vừa đọc dùm ). Ấy vậy lại chuyên doanh sách y học bằng ngoại ngữ, cuốn nào cuốn nấy dầy quỵch, cầm trên tay muốn sệ cả cánh. Các cô cậu sinh viên đang theo học trong trường Y, trường Dược ở Saigòn này ở giai đoạn 1975 đến 1984 không ai là không biết quái nhân này. Muốn mua cứ đến gian hàng của anh sẽ được đáp ứng đầy đủ. Lớ ngớ, hỏi! Anh sẽ hướng dẫn giảng giải ngọn ngành từng cuốn, từng chủng loại cho mà nghe, thế mới đáng nể chứ. Cái bí quyết của anh mà không ai có thể bắt kịp dù cũng bán sách Y như anh. Tuyệt chiêu đó là anh biết được năm sau trường sẽ dạy môn nào giáo trình của ai. Ăn nhau là chỗ ấy, biết mà mua vào từ năm trước dành bán cho năm sau. Đã có nhiều người thấy ảnh bán được quá bắt chước, ôm vào chất muốn sập tiệm, ngậm chảy cả máu lợi ra, đến ngấp ngoái mà vẫn không có ma nào mua cho. Quái nhân phải có quái chiêu phòng thân chứ!
      Uyên cận.
      Vốn là nhà giáo, trí thức thứ thiệt sa cơ lỡ vận vì tính chuyện bay nhảy nên tạm thời sinh hoạt chờ ngày... Chuyên bán những loại sách có giá trị về khảo cổ, chơi cổ ngoạn bằng ngoại ngữ Anh Pháp. Anh này không dấu diếm một cuốn nào, có nhiêu chưng nhiêu. Không sợ bị học lóm. Anh hiểu là trong chợ sách này thành phần giỏi ngoại ngữ đếm trên đầu ngón tay, đa phần bà con vì sinh nhai mà bán chứ nhà nước đâu bắt buộc mọi người bán sách phải có trình độ văn hóa. Muốn bán như ngài Uyên cận lắm nhưng cuốn này nói cái gì ở trỏng vậy? Thế là anh cứ chưng chình ình cũng chả ai dòm, trừ những ông trời của riêng anh. Lay hoay khi chợ sắp tàn thì nghe tin đồn rần chợ anh đang ở đảo…
      Nhạc sĩ Viết Chung.
      Nghe như là ông thuộc Cha Dòng chính thống. Không hiểu sao sau 1975 ông không còn tu nữa. Lấy một bà vợ trẻ khá xinh, có với nhau hình như hai ba mặt con gì đó. Giỏi về nhạc bà con trong nghề hay tìm ông để nhờ viết hòa âm. Bán sách kiếm thêm tiền nuôi vợ con và mua thuốc lào hút, phì khói giải khuây. Với những ai đã từng gần gũi đều biết ông có một bản tính của vị thánh vị tha…
      Họa sĩ Cù Nguyễn.
      Hai vợ chồng ôm cái sạp trống huơ, lèo tèo sách mới. Bình tĩnh, chấp nhận cuộc đời…không hề bon chen cho dù ngồi giữa chợ. Có với nhau ba trai một gái. Tính phóng khoáng đã từng bán cái huy chương vàng đoạt giải về hội họa của mình đem giúp bạn trong lúc cơ nhỡ. Tôi rất mến anh và anh cũng đã một lần làm tôi đứng tim vì cả nể.
       - Anh C. trong bộ tranh khắc gỗ của anh hình như có hai tấm con hạc phải không? Cho tôi xem chút!
       - Đúng rồi anh! Tôi trả lời.
       Hai vợ chồng anh đến thăm tôi vào buổi tối và hỏi cho xem bộ tranh khắc gỗ Nhật mà tôi sưu tầm được.
       Vì bạn thân nên tôi không ngần ngại lấy ra đưa. Anh cầm quyển sách lật tìm đến trang có hai tấm tranh hạc, chăm chú xem một lúc.

       - Anh cho tôi mượn về nhà xem mai trả nghe! Vừa dứt lời không cần biết tôi có đồng ý hay không anh chìa ngay sang chi vợ cầm. Tôi lọng cọng không biết nói sao. Từ chối tôi sợ anh buồn vì không cho mượn tức là không tin anh ngay khi có mặt vợ anh ở đó! Tôi bấm bụng miễn cưỡng cho anh mượn. Đêm đó bà xã cằn nhằn chịu không nổi. Nào là núi tiền tự dưng đi cho mượn…nào là rũi làm rách thì sao? Mất thì sao?  Con ảnh còn bé chẳng may nó đổ mực vào thì bắt đền à? Day đi nghiến lại suốt đêm không sao chợp mắt mỗi khi có suy nghĩ mới nảy sinh ra trong đầu. Cứ nghĩ đến một trong những tình huống trên xảy ra…ôi thôi…lên ruột. Chưa lúc nào tôi mong trời mau sáng như lúc này.

                                      Tranh khắc gỗ Nhật. Hạc đỉnh hồng. Cỡ 15 x 29cm.


                                           Tranh khắc gỗ Nhật. Hạc đỉnh hồng. Cỡ 15 x 29cm.
                               Vì hai tấm con hạc này mà tôi lên ruột mất một đêm trắng dờ con mắt.

        Nhà tôi sang anh không xa lắm từ xóm Lý toét Nguyễn thiện Thuật sang trại Võ Tánh đường Nguyễn Trãi, gần bên  bùng binh chợ Thái Bình- Rạp Chớp bóng Khải Hoàn, đạp xe chừng mươi phút. Gần thế nhưng không dám sang vội, phải nén lòng chờ cho hơn bảy rưỡi sáng. Tôi leo lên chiếc xe đạp phóng vội sang anh. Đứng ngay trước cửa nhìn vào trong nhà. Cửa sổ, cửa cái mở toang, trống hoác. Cuốn tranh mộc bản của tôi nằm tênh hênh trên bàn ngay cửa sổ chẳng có lấy một thanh song làm thuốc. Tịnh không một bóng người…nhà đi đâu hết trơn…ép tim. Kiểu này có đứa nào đi ngang thấy vắng người lẻn vào chôm…không dám nghĩ tiếp. Tôi lớn tiếng gọi…ba bốn lần mới thấy thằng nhóc con thứ hai ở nhà sau bước ra mặt còn say ke…
      - Bố mẹ đâu rồi con? Tôi hồi hộp hỏi.
      - Con hổng biết! Con mới ngủ dậy. Trời đất! Tôi chưng hửng nói.
      - Con mở cửa cho chú dzô chút nghe! Nói cửa cho oai chứ chỉ là những thanh gỗ thông góp nhặt đóng qua quýt chỉ ngăn được chó chạy rông vào…
       Tôi bước vội qua cửa đi thẳng ngay đến chỗ cái bàn, nơi để quyển sách…Cầm vội lên mở ra xem xét… ( Y như lúc Lưu Bị nhận Lưu Thiện từ tay Triệu tử Long mở ra coi cho kỹ ba bốn bận…). Yên lòng…Không có gì xảy ra…May quá. Tôi cẩn thận dặn.
      - Con cất dùm cuốn sách của chú ngay vô tủ. Bố về nói với bố là chú qua lấy sách về cho khách xem nghe! ( Ba hồn bảy vía! Phúc tổ cho nhà mày con ạ! )
      Ra đường tôi nghĩ sao mình không cầm về ngay mà đi để lại như vậy. Ổng bất cẩn quá chừng! Cuốn sách quí của người ta như vậy mà vất mẹ nó giữa nhà không có ai mới chết chứ! Tệ quá…Tôi băn khoăn mãi và quay trở lại…May quá anh đã về và tôi xin lấy lại sau khi phải chờ anh một lúc để anh đi photocpoy hai con hạc lấy mẫu vẽ cho ai đó. Hú vía! Từ đó tôi bắt chước cụ Sển tự hứa với lòng mình là.
 “ Bạn muốn muốn mượn hả? Tới nhà tui nấu cơm cho ăn đọc xong dzìa nghe! ”. Buồn chịu, dứt khoát không cho đồ quí của mình ra khỏi nhà.
      Vinh còm.
      Nói cái tên, tôi đoán được dáng người anh ngay tức thì. Quả thật trông hắn như cây tre miễu. Hắn vốn là tay trống của một ban nhạc trẻ trước 1975. Giải phóng rã đám, theo người chị ra mở quầy bán sách. Nhìn vào sạp của chàng sẽ thấy các khuôn mặt của Uyên cận, Trung Y khoa, ông Thạch, ông Tư Chà ..v.v..Khi nào các đại gia kia hết hàng thì có thể tìm được nơi đây, có diều giá cả hơi bốc hơn một chút, nhưng đang cần cũng chấp nhận vậy chứ biết tìm nơi mô chừ?
      Sinh râu.
      Không rõ là anh chàng này không có “sơ vơ” không ? Nhưng cứ trông vào dáng cách cái bộ râu thấy vểnh lên như mấy cha nội Ấn Độ cà ri nị được vẽ trên bảng quảng cáo treo ngoài chợ có lẽ lão không sợ. ( Râu quặp mới sợ vợ mà. ) Để bảo vệ cho chuyên này nên lúc nào ảnh rảnh rang, hai ngón tay cái và trỏ không yên, cứ vê vê cuốn lận ngược mấy sợi râu lên. Sợ thiên hạ chê mình râu quặp chăng? Vợ mình mình sợ chứ có sợ vợ thiên hạ đâu mà lo! Chàng vốn là Sĩ quan Hải quân chế độ cũ, cải tạo xong ở nhà mãi cũng chán bèn theo phụ vợ kiếm ăn cho qua ngày đoạn tháng. Vào giai đoạn mơ thành Việt kiều. Hải đồ, hải bàn thuộc loại quí hiếm bán chạy như tôm tươi. Chuyện này có ai rành sáu câu này hơn chàng? Những ai lặn hụp trong môi trường này đều khá thấy rõ. Thấy vậy! Biết để bụng. Chuyện làm ăn của người ta chõ mõm vào làm gì. Cũng may cho anh chàng Sinh râu này là chung quanh hắn toàn là người, chứ không thì đã đi vào ấp mà nằm gỡ lịch từ lâu rồi.
      Anh em nhà Sang, Tánh.
      Chuyên doanh tự điển. Từ bé tí tẹo chí đến to nhất. A lô! Cần tra cứu cái gì đến đây có đủ. Đương lúc giao thời. In ấn có  khó khăn. Đào đâu ra mới. Cứ sẵn bổn cũ lôi ra mà bán. Ai cũng phải học, sự học muôn đời đâu có chuyện hoang phí, có học mới ngoi lên được. Nhất là học ngoại ngữ để kiếm đường chuồn, nhỡ qua bên ấy nói bằng tay làm sao nó biết mình muốn gì. Học phải cần tra cứu nên tự điển lúc này thịnh lắm. Bán rất có giá. Hai anh em nhà Karamazov này là một trong nhưng tay có máu mặt trong chợ. Thánh cho ăn lộc! Rong ruổi vào được một nhà vét toàn bộ mấy tầng lầu, chở liền bằng hai, ba chiếc xe “Va lua” mới hết sách. Sau đợt vớ bở này không lâu. Hắn gởi thư từ nước ngoại về cho mẹ ruột báo tin cả gia đình hắn hiện đang chờ đi định cư.
      Đặng Lời.
      Có người bảo là Đăng Lời. Tôi chả biết sao cứ nghĩ làm gì có họ Đăng. Gọi anh là Đặng cho xuôi tai. Nói về trình độ ngoại ngữ thì chắc cả chợ không ai hơn anh. Ngoài những ngoại ngữ phổ thông Anh, Pháp, Nhật, Hoa. Anh còn học thêm tiếng Bồ, Tây ban Nha, Ý, Nga, Đan Mạch..v.v..qua bộ sách Assemin. Anh còn cho biết nếu có căn bản một số ngoại ngữ rồi, học qua những thứ khác không khó. Có lẽ vì nghĩ như vậy nên anh cứ học hết tiếng nước này sang tiếng nước nọ. Sở trường của anh là kinh doanh tem, bì thư, báo chí nước ngoài về bóng đá. Hình ảnh cầu nước ngoài in trên poster. Nói về chuyện hình ảnh các cầu thủ nước ngoài này. Anh săn hình các đội bóng, danh thủ, cắt ra trong tất cả loại sách báo nào nếu có hình ảnh đẹp của họ. Cái độc chiêu của anh là tờ giấy báo mỏng như vậy, nếu hai mặt đều có hình cầu thủ. Với bàn tay khéo léo anh tách chúng ra làm hai, rồi đem dán lên tờ giấy khác thành hai tấm để bán. Ngoài ra anh còn tham gia viết báo về thể thao, bóng đá cho các tạp chí trong nước. Thời điểm ăn bo bo mà cũng có những người bỏ cả trăm Đô để vác một tờ bích chương in hình một cầu thủ mà họ yêu thích. Quả là không biết đâu mà lần. Thú chơi của mỗi người tùy theo lòng đam mê mà thể hiện ra. Hết ý!
      Bố già Thực.
      Người ta thường gọi ông là Bố già, không phải ông là dân anh chị mà vì ông lớn tuổi có thể là nhất chợ vào lúc ấy, gọi như thế cũng là hình thức muốn tỏ tình thân mật với ông. Đây là một nhân vật khá độc đáo. Cùng thời bán sách với ông Khai Trí,[ Chủ hiệu sách lớn nhất, cũng như uy tín của các đầu sách ở Saigòn trước 1975 đến nay] cả hai ông khởi nghiệp như nhau. Ông Khai Trí sau này nổi đình đám như vậy, còn Bố già Thực nhà ta đến giờ vẫn ngày hai ba bữa cùng chút đỉnh rựu cho hồng hồng cái mặt. Lúc nào cũng thấy ông vui vẻ, lạc quan, yêu đời, thoải mái.,chễm chệ ngồi ngất ngưởng trên đống sách cũ chất đầy từ dưới sàn lên hơn thước trong phạm vi ba mét vuông, chốn mà xưa gọi là đường Cá hấp, nay gọi là khu sách cũ Đặng thị Nhu thuộc Quận Nhất. Có một mình lại tuổi già sức mỏi nên không bày biện ra như mọi người. Ai muốn gì hỏi ông, chỉ vài phút suy nghĩ. Nếu có. Chịu khó chờ! Lục một chút xíu ra ngay. Chất đống như vậy nhưng ông biết nó nằm ở vị trí nào, tìm ngay chóc, thế mới đáng nể. Nghe nhắc đến hai ông, cả chợ sách ai cũng biết. Ông Khai Trí giàu về của nả. Bố Già Thực cũng giàu; Nhưng chủ yếu là về đường vợ con! Tôi nghe nói thì nhắc lại vậy thôi; không dám chắc. Không có lửa, sao có khói?
      Sáu Quí Campuchia.
       Trong chợ sách này không thiếu đất cho bất cứ ai có trong lòng tâm địa kinh doanh buôn bán. Nếu không nhắc đến nhóm bạn hàng Việt kiều Campuchia quả là thiếu sót.
       Khi này trong chợ sách có một nhóm người Việt hồi hương từ Campuchia sau dzụ bị “ Cáp dzuồn ” 1970. Như anh Đằng ( sau này lấy thêm một cô hàng sách tại chợ có tên Kiều làm dzợ thứ. Đặt trạm thu mua kiểu này cho chắc cú ), vợ chồng Nga Kén và vài người nữa không nhớ tên. Gia đình Sáu Quí này là trong những nhân vật đó. Vợ chồng Sáu Quí chuyên thu gom các loại sách giáo khoa dạy ngoại ngữ như. Cours de Langue, Le Francaises Elementaire, Essential, sách y khoa bằng tiếng Pháp, Tự điển Anh Pháp, Pháp Anh. Sách võ Karate, đem sang Campuchia bán kiếm lời khẳm. Nghe đâu như mua một bán năm ( mua 1000 bán 5000 do chênh lệch tỷ giá ). Dân trong chợ sách lúc đó rất khoái bán loại sách này cho nhóm họ. Nếu có mua được cứ việc đem cất, để dành chờ họ qua mà bán vì không phải chờ lâu, cứ khoảng một tuần là đã thấy họ lảng vảng trong chợ. Giá cả hời hơn bán cho người Việt. Dân bản xứ mà có mua thì cùng lắm chỉ vài cuốn là cùng, trong khi đó họ lại mua hết, có nhiêu mua nhiêu không chừa một con đỏ. Sau khi chợ sách bị thắt họng lần thứ nhất. Mọi người nhón chân chờ bản án. Có người dư ăn dư để thì về nhà chờ. Kẻ khó kiếm ăn từng bữa, len lén đứng hai đầu đường Đặng thị Nhu đón khách mua, bán vặt sống qua ngày. Đợt này nghe kể vợ chồng Sáu Quí trúng đậm. Bao nhiêu người ôm chờ. Đùng cái cả chợ bị xiết. Giòng chảy bị chận dồn cục. Bao nhiêu thứ mua mong bán cho nhóm này ứ đọng chất chật cả chỗ. Giờ lại mất chỗ đứng, trắng tay mờ mắt ngậm đắng nuốt cay, than không có chỗ, thở không có nơi. Lủng bủng lùng bùng. Ai nấy như ngồi trên đống lửa. Thời may! Vợ chồng Sáu Quí là người có mặt trước tiên kể từ khi cả chợ tắc khẩu. Vị cứu tinh cho mọi người. Kẻ ít người nhiều dành dụm, cất dấu được nhiêu tuôn ra tống hết cho vợ chồng ảnh. Nghe đâu ổng bả phải chạy vắt giò lên cần cổ đi mượn dzốn thêm mới xúc hết được cả làng sách lúc đó. Một mẻ cất vó trúng đậm. Sau này quen thân, anh thú nhận. Nhờ có đợt đó mà về Châu Đốc mua được căn nhà nho nhỏ cho thằng con cộng thêm mấy công ruộng vẫn còn dư…
      Nói tóm lại! Tôi chỉ nhắc đến một số những nhân vật có những chiêu thức riêng, khác lạ với bà con trong chợ. Còn đó, cả hơn trăm sạp, tôi có lời xin lỗi khi không nhắc đến. Chỉ vì sợ bị cho là lắm lời. Sẽ còn nhắc đến ai nữa khi có dịp.
    
      Hà diu...( Sở dĩ cô có cái tên này vì đôi mông hơi chếch về phía sau. Xin lỗi nghe, thiên hạ kiu sao tui thiệu lại dzậy! )
      Từ phía sau lưng. Tôi nghe tiếng dội của những bước chân không được nhẹ nhàng cho lắm. Quay lại thì ra cô Hà, em ruột chị Cúc bán ở quầy đối diện với tôi.. Trên tay cô Hà cầm một quyển sách khá to, bìa được bọc gấm trông rất đẹp. Vừa nhận dạng được thì cô đã vượt qua chỗ tôi và ông Tùy đang ngồi nói dóc. Mới nhoắng cái mà cô bé đã ra đến giữa đường. Đương khi đó ông Thạch cũng vừa trờ tới sau chặp đi rẻo trắng tay, đang thời quay về chốn đậu. Chạm mặt giữa chợ. Với cặp mắt như cái rada lia qua đảo lại, làm sao mà ông Thạch không thấy trên tay cô Hà cầm cái gì!
      - Cuốn gì vậy? Cho coi chút. Một giọng nói mang âm sắc của trùm chợ.
      - Dạ! cuốn sách Nhật, cháu tính đem xuống bán cho ông Tư Chà. Cô Hà trả lời nho nhỏ.
   
     Ông Tư Chà.
     Biệt danh của một cao thủ nữa của chợ. Ông không nói gì nhưng một số người biết ông sống bằng nghề sách cũ này từ trước năm 1975. Bà con  trong nghệ đã đặt một cái tên theo đúng tinh thần các cụ xưa “ Trông mặt đặt tên” . Có lẽ những ai sống lâu năm ở xứ Nam kỳ này đểu mặc nhiên công nhận những điều không cần lý giải. Người ta sao mình vậy! Một lề thói dân gian rất khó giải thích nếu không phải là nhà nghiên cứu. Không cần biết anh là người xứ nào. Da trắng, mũi lõ, mắt xanh gọi là Tây. Da đen, tóc quăn, mắt lộ, đích thị là Chà Và. Các chú, cô nào mở miệng ngọng nghịu nị, ngộ tố chè. Đó chính là Chệt hay Ba Tàu. Cứ thế mà gọi chả chết ai đâu mà lo. Không ai biết tên ông là gì, chỉ biết ông là người Ấn Độ ( Bạn có thấy hình Đạt Ma Sư Tổ chưa? Nếu chưa! Cứ nhìn vào bức tranh khắc gỗ của Nhật Bản dưới đây là hình dung ra ông Tư Chà ngay! ).

                            Tranh khắc gỗ Nhật. Đạt Ma Sư Tổ. Cỡ 20 x 29cm. Hình ảnh anh Tư...

       Ông sống ở miệt Nam bộ này từ lúc nào. Chuyện này có lẽ chỉ có sở Di trú là nắm chắc. Vợ ông là người Việt Nam có với ông khoảng chục người con cả trai lẫn gái. Toàn gia cư ngụ tại Quận Tư, phương tiện di chuyển mà ông thích là xích lô đạp. Xử dụng thường xuyên cho chuyện đi cũng như về trong ngày. Bà con cho hay là khi hỏi tên ông là gì để dễ bề xưng hô. Ông nói cứ gọi tao là thằng Tư là được.( Ai dám gọi ổng bằng thằng...nên đa phần gọi bằng chú cho tiện. ). Chú Tư cộng thêm nước da thành Chú Tư Chà. Với chuyện gọi tên này, chưa ai chạm mặt mà dám gọi như thế. Ông chúa ghét những đứa dám lộng ngôn như vậy.
      Ông chuyên cung cấp những loại sách về kỹ thuật. Cơ khí, hóa ứng dụng cho các kỹ sư, cán sự, công nhân có tay nghề cao. Có nghĩa là từ những quyển sách này nếu ai đó đem ra áp dụng được trong đời sống hàng ngày thì chuyện hái ra tiền không phải là khó. Ngoài ra cũng có những anh chàng không nhất thiết phải tốt nghiệp trường lớp nào, nhưng có máu muốn đi tắt làm giàu nhanh chóng bằng cách lấp lửng, đánh lận con đen, sợ chuyện phải cầu chứng tại Tòa. Bể mánh!!! Cứ đến gặp ông Tư là xong hết. Mọi chuyện sẽ được đáp ứng rất nhiệt tình. Rất vui lòng khách đến. Rất vừa lòng khách đi.
     - Ê! Tao bán sách có đăng ký với chính quyền đàng hoàng à nghe! Thuế má không thiếu một cắc. Làm đủ mọi bổn phận con dân trong một nước. Ngoài ra tao không biết gì hết. Đứa nào làm bậy công an bắt ráng chịu! Đó là những lời thường hay nói mỗi khi có người đặt vấn đề với ông. Thỉnh thoảng cũng có những anh bặt tăm cả năm trời chả thấy bóng dáng. Gặp lại mắt chột, tay rút, da lột sần sùi.
  -  Tại mày đọc không kỹ, nghĩ chưa tới mới xảy ra cớ sự. Tao vô can à nghen! .
    Không chỉ rành rọt sách về kỹ thuật và hóa ứng dụng, cái vòi hiểu biết của ông cũng không tha cho những lãnh địa của những loại sách hiếm quí khác. Chuyện thòi chân này của ông đôi khi làm cho một số người không khoái, ganh ghét.
  - Tại sao tao lại không mua? Khi món hàng đó đem lại cho tao một túi tiền? Ở đời có ai thấy mèo chê cá rán bao giờ không? Nó đem dâng tận tay tao! Đâu có dành giật của chúng mày mà chộn rộn! Muốn độc quyền! Lại đây! Tao nhượng lại cho. Đầu làng cuối ngõ chỉ có một cuốn. Tao biết chứ. Cả chợ mình mày có, tha hồ chém, ngang dọc tùy nghi. Tao cần tiền liền để nuôi con, không thể chờ, giải quyết liền kiếm chút đỉnh cho má sắp nhỏ đi chợ. Tao khoái đếm tiền hơn cất sách. Ai có vốn muốn độc quyền nhào dzô!!!
    Cái khó nó bó cái khôn, cho nên việc sang nhượng lại những món hàng của ông mua được, cũng không lấy gì làm khó khăn cho lắm. Vì với ông.
   - Tao bán nhẹ tay cho mày chứ không phải là tao ngu, không biết nó là gì đâu à nghe!



      - Bộ tui mua không được sao? Ông Thạch buông một câu hàm ý trách móc.
      - Dạ! Chú mua thì cháu bán! Cô Hà thỏ thẻ trả lời, trái ngược hẳn với cái cơ thể rắn chắc đẫy đà mặc dầu tuổi còn nhỏ. ( Chắc tại to xương ).
      - Bao nhiêu?  Ông Thạch hỏi mà không thèm nhìn đối tượng. Vừa lật vừa xem với bộ mặt lanh tanh như bà Đầm trong đồng bạc hoa xòe. Sự việc xảy ra ngay trước mắt, chỉ có thong manh mới không thấy, chứ còn đeo kính lão như ông Tùy, mắt còn tốt của thanh niên chưa quá băm nhăm như tôi thì làm sao mà lại không trông thấy hình ảnh những bộ áo Kimono rực rỡ  của các cô gái Nhật trong các trang sách mà ông Thạch đang xem? Đẹp thật! Nó đẹp lắm các cụ ạ!
      - Dạ! Một ngàn đồng ạ! Cô Hà đưa ra một cái giá. Một cái giá hình như đã được bàn soạn sẵn, nên cô Hà nói ra không chút vấp váp ngượng ngùng.( Với số tiền này vào thời điểm năm 1983, như gia đình tôi một vợ hai con sống hai tháng dư sức ).
      Trời chưa chiều mà đã tối xầm trên khuôn mặt của ông Thạch. Một hình ảnh trong bầu không khí được mô tả là khá nặng nề. Một sự bày tỏ thái độ không mấy chi vừa ý, khi phải chịu đựng một chuyện bất lợi về mình do người đối diện mang đến. Cái đầu căng, máu trong tim bốc, hành động đương nhiên là sẽ tương ứng.
      - Cuốn như dzầy mà tới một ngàn lận à?!?! Giọng nói sao mà gay gắt, nặng nề thế!. Không một chút hòa khí. Không một chút tế nhị. Không một chút nào biểu lộ cho sự “Ga lăng” với phái yếu, huống chi đây lại là cô Hà hàng con hàng cháu trong chợ. Hay ông muốn chứng tỏ mình là bậc trưởng thượng cho xắp nhỏ nó hay. Ôi! Tôi và ông Tùy đã chứng kiến sự việc chả biết nói thế nào cho phải! Cứ tưởng thế là xong! Hành động tiếp theo sau lời nói của ông Thạch còn đáng chê trách hơn nữa, đó là quyển sách đang nằm trong tay ông . Vèo một phát nằm gọn trong vòng tay của cô Hà. Muốn hình dung cho rõ. Bạn cứ tưởng tượng ra cảnh đá phạt đền, anh chàng thủ môn vất vả như thế nào khi phải đón trái banh của các chuyên gia đá phạt, sẽ thấy ngay cảnh cô Hà chụp cuốn sách từ tay ông Thạch. Ít nhất thì nó cũng gần gần như vậy. Một hành cử quay ngoắt 180 độ, mặt gay như vừa tàn bữa nhậu quá chén. Rẹt một phát, không thèm dòm lại, không cần biết có ai giữa chợ hay không. Cũng may chợ ế đường xá trống trải… Chỉ còn thấy thấp thoáng tà áo sơ mi rộng phủ mông phất phơ theo gió xa xa. Cô Hà ngẩn tò te. Tôi và ông Tùy chưng hửng! Chả hiểu sao sự việc lại tồi tệ đến như vậy. Cứ nhìn vào cặp mắt của cô Hà ta có thể cảm nhận ngay ra được “  Ủa? Chuyện gì dzậy…chú Thạch!!!”
      - Cuốn gì vậy Hà? Cho coi chút được không?
      Tôi vọt miệng hỏi sau khi thấy ông Thạch đã đi xa. Cô Hà có hơi do dự. Đáng nhẽ ra, người cô muốn gặp là ông Tư Chà kia! Không ngờ giữa đàng vướng phải ông Thạch, cớ sự xảy ra đã chả ra sao, giờ lại thêm thằng tôi nữa. Tôi nghĩ cô Hà trong bụng chắc là chán ngán lắm rồi, nhưng rồi cô cũng đưa cho xem. Trong từng trang giấy là những hình ảnh rất đẹp, nào là phong cảnh, nào là các cô thiếu nữ người Nhật với trang phục Kimono màu sắc thật rực rỡ, Anh hùng, Võ sĩ đạo..v.v.. trông rất bắt con mắt. Kích thước của các tấm tranh cũng rất đa dạng, không thống nhất một chuẩn mực nào. Có tấm thì trọn vẹn cả trang giấy, có tấm chỉ bằng nửa, hai phần ba cũng có. Đặc biệt là không có lấy một chữ Anh hay Pháp mà toàn bộ trong các tấm tranh viết bằng tiếng Nhật có pha trộn với tiếng Trung quốc. Kỹ thuật in cũng rất lạ, những đường nét vẽ trong từng tấm tranh rờ tay vào thấy gợn lên rất rõ. Tập sách này cũng không đóng như những cuốn sách bình thường. Toàn bộ được bồi rời bằng tay từng tấm rồi mới đem bồi dán liên hoàn lại, xem được cả hai mặt. Tôi nhanh chóng đưa ra một nhận định. Đây là một quyển sách có giá trị. Tôi đưa ra nhận định này vì dựa vào kinh nghiệm biết bồi tranh của mình. Khi nhìn vào cách thực hiện thành quyển sách, tôi nhận ra ngay đây là một kỹ thuật làm sách rất công phu của một số nước phương Đông. Chắc chắn quyển sách này có cái gì đó người ta mới cất công làm theo kỹ thuật truyền thống cẩn thận như vậy. Tôi xem qua cuốn sách xong , tôi hiểu tại sao ông Thạch lại có thái độ như thế. Cũng đúng thôi. Ông Thạch vốn là chuyên gia và rất hẩu các loại sách khảo cứu và lịch sử ba nước Đông Dương. Ngoài ra gặp các loại sách viết cũng như phê bình về nghệ thuật thuộc phạm vi các nước khác cho dù nó cũng được viết bằng Pháp ngữ, ông cũng không lấy gì làm mặn mà. Chuyện này không lấy gì làm lạ vì các thượng đế của ông Thạch đa phần là dân da trắng mũi lõ chỉ muốn mua kỳ nam, trầm hương, ngọc quí... Họ đâu có muốn chở củi về rừng. Còn ông Thạch thì đâu có dư tiền để mua về chưng chật chỗ. Với ý chí sắt đá như vậy ngoài những món khoái khẩu ra còn các thức khác ông chẳng quan tâm làm gì cho mệt. Đã là thứ mình không quan tâm, hà cớ gì phải tìm hiểu. Đã không tìm hiểu thì làm sao nắm bắt được chân giá trị của nó. Nhờ trời có thế người khác mới sống được chứ không thì lấy gì mà ăn! “ Càng ít người biết càng dễ mua” là vậy. Một câu nói cứ tưởng như đùa, ấy thế mà lại chí lý lắm lắm.
      - Cuốn này bán bao nhiêu vậy Hà? Tôi vừa nói vừa chuyền cuốn sách sang cho ông Tùy xem. Một hình thức câu dầm, đón lỏng. Câu hỏi cho có, chứ lúc nãy khi cô nói với ông Thạch tôi và ông Tùy có lãng tai đâu mà không nghe.
      - Dạ! Một ngàn. Cũng là cái giá mà cô đã nói.
      - Mắc quá! Hồi nãy cô nói ông Thạch sợ quá chạy mất tiêu! Bớt đi! Chừng bảy trăm được không? Tôi vọt miệng trả liền theo sự nhận định cá nhân trong khoảnh khắc vừa qua, cộng thêm cái máu của mình, cứ sợ người ta không bán. Ông Tùy ngạc nhiên quay sang dò hỏi bằng ánh mắt khi nghe tôi trả giá. Thú thật tôi đâu có hiểu biết gì nhiều, nhưng qua những nhận định ban đầu, cộng thêm cái tật hễ ham thích món nào, nếu vừa túi tiền là tôi chớp ngay. Mua cao bán cao! Hàng càng độc càng dễ hét lo gì. Mình thích, sẽ có người thích hơn, nếu mà họ có tiền dư giả nữa thì càng khỏe. Chỉ sợ là không mua được đồ độc, có hàng chả phải lo chi, sách thì lại càng không bao giờ lo bị làm giả. Hôm nay chưa bán thì mai bán vậy. Nói đến tình huống xấu nhất là bán huề vốn là cùng. Với lại cuốn này theo đánh giá cấp thời qua kinh nghiệm nó có nhiều yếu tố đáng phải mua, cơ hội chỉ đến có một lần, không mua sau này hối hận cũng không kịp. Mặc dầu sự đánh giá đầy chủ quan nhưng có cơ sở, tự tin vào bản thân qua những thời gian bỏ công sức ra đi học những điều căn bản trong lãnh vực nghệ thuật hội họa mà tôi ham thích, nên sự chiêm nghiệm nó cũng không đến nỗi tệ, không đến mức phải dựa vào may rủi. Cái nhận định chắc chắn nhất là từ kinh nghiệm học được kỹ thuật bồi tranh của ông Thành. Học vẽ thủy mặc với ông Lý tùng Niên tại tư gia ông Thành. Chính những điều hiểu biết cơ bản này giúp tôi nhận ra cuốn sách toàn bộ làm bằng kỹ thuật bồi tay nên mới mạnh dạn mua, chứ không bố bảo cũng chả dám múa rìu qua mắt lão Thạch chuyên gia làng sách quí. Thông thường lão mà chạy, ít có ai có can đảm mó...bởi vật đó không căng thì cái giá cũng vọt nóc. Đâu có người nào mà dại dột đến mức muốn mình vỡ mặt. Âu cũng là nhờ phúc ấm. Của tìm người chứ cũng chả nói hay được. Dù có muốn lắm đi nữa mà trời không cho cũng bó tay. ( Hay lắm sao mà ca cẩm mãi thế? Có phải gặp thời nói phét chăng? )
      - Bảy trăm không được đâu chú ơi! Cô Hà trả treo ra vẻ món hàng của mình có giá lắm. Chẳng hiểu là cô có đánh giá được như tôi nghĩ không? Tôi trả giá cố níu kéo.
      - Bảy trăm là phải lắm! Được giá cao rồi còn muốn gì nữa! Ông Thạch có thèm trả giá đâu! Ổng mà chạy thì cũng khó bán lắm đó nghe! Tôi rung cây nhát khỉ. Thử đo huyết áp cô bé. Tôi nói tiếp.
      - Thôi! Trả lại cho cô Hà đi bác Tùy! Để cô ấy mang xuống ông Tư Chà xem sao! Coi ổng có mua không? Nghe thấy tôi rung như vậy cô có vẻ chột dạ, lúng túng nhìn tôi ngập ngừng nói.
      - Chờ cháu một chút để cháu hỏi lại! Nói xong cô quày quả bỏ đi về phía sạp của mình để tham khảo ý kiến của ai đó. Chưa đầy hai phút sau. Giọng nói khào khào như lệnh vỡ của anh chàng Nhuận Đông y từ nơi gian hàng cô Cúc chị ruột của Hà cách chỗ chúng tôi ngồi không quá hai mươi mét lùa tới như sấm động. Đối với những người chung quanh khu vực này chả ai còn lạ gì cái chất giọng đó. Vì chàng này cũng là một thành viên có sạp bán trong chợ.
      - Bảy trăm hả? Lời hai trăm rồi bán đi. Tôi và ông Tùy nhìn nhau cười. À! Thì ra vậy. Anh Nhuận nhà ta đưa giá năm trăm đồng, cô Hà đi bán nếu được hơn con số đó thì lấy.

     Nhuận Đông Y.
      Hai chữ Đông y này là biệt danh được gắn thêm vào tên cha sanh mẹ đẻ của anh Nhuận. Chả là sau ngày Giải phóng phong trào “cây nhà lá vườn”. “ Ta về ta tắm ao ta ”. Phát huy truyền thống Y học Dân tộc.  Tự sản tự tiêu được hô hào khuyến khích khắp nơi trong nước. Các lớp dạy về Đông y, thuốc Nam mọc lên như nấm mùa mưa. Phong trào lớn mạnh rầm rộ đến nỗi đi đến đâu cũng thấy mọi người ca ngợi những hiệu quả tính dược của một số cây, có thể trị bá bệnh như: Xuyên tâm liên, Mã đề, Hà thủ ô..v.v.. nhớ không xuể. Rồi cũng chả hiểu nếp suy nghĩ như thế nào, bà con ta kéo nhau đi học Đông y. Thịnh hành nhất là khoa Châm cứu. Có nhà rủ nhau đi học hết chỉ còn chừa lại mấy đứa con nít. Chắc chừng thấy tụi nhỏ chưa đủ trình độ, hay sao không hiểu, đành phải để nó ở nhà vậy.( Rõ là dại, cứ cho đi học, biết đâu nó trở thành thần đồng Đông y thì sao?) Sự kiện này nếu ai quên thì thôi chứ nhớ lại mà…
      Anh Nhuận cũng đã chạy theo phong trào “ Cây nhà lá vườn” này. Chả biết là anh đã bỏ công ra theo học bao nhiêu khóa. Đã cầm kim châm vào da thịt người ta tự lúc tay còn lóng cóng cho đến khi tay không còn run nữa, chả ai biết là bao nhiêu người?. Cho đến khi mọi người thấy một cái bảng cỡ hai gang treo trước cửa, mới biết là anh mở phòng châm cứu tại gia. Phúc chủ lộc thày. Tổ đãi kẻ mới. Cũng có thể do mát tay nữa. Anh đã chữa khỏi cho một số người. Một thổi năm. Năm bơm mười. Mọi người cả tin kháo nhau kéo đến để thầy thực nghiệm chích, lể.(  A Di Đà Phật! Cầu mong cho con bệnh mau hết bịnh. Đừng ai bị gì…Nếu có gì thì ở nơi khác đừng ghé nhà con…Na Mô…)
      Tôi có dịp đến nhà anh chơi một lần. Đó là một căn villa khá to nằm khuất sau dãy nhà mặt tiền đường Võ Tánh. Quận I, nhân dịp anh muốn mua một bộ tứ bình Tùng Cúc Trúc Mai của tôi. Bộ tranh thủy mặc vẽ trên lụa Của họa sĩ người Hoa tên Á Sĩ vẽ năm 1927 có đề tặng Thượng Chi tiên sinh là ngài Phạm Quỳnh Chủ bút báo Nam Phong tạp chí . Ý của chàng Nhuận là mua về để hỗ trợ cho căn phòng vốn đã bày biện một số bàn ghế tủ cẩn, bình lọ hũ cho ra vẻ, nhưng chưa có bộ tranh nào ra hồn, anh cũng mong là có thêm cái gì gì đó có vẻ Tàu tàu cho thêm phần trang trọng đậm đà bản sắc Dân tộc. Nhưng thấy tôi quát giá. Anh đành giả lơ để tôi ra về. Trong lúc đến ngồi chờ anh còn bận khám bịnh. Tôi thấy thân chủ của anh cũng kha khá đông. Thầy có lẽ nhờ đó mà sống được rủng rỉnh, có đồng ra đồng vào nuôi vợ và con. Chính vì có sự tích ngành nghề như thế nên theo thói quen bàn dân trong chợ gắn thêm hai chữ  Đông y vào sau cái tên của anh. Đọc trọn vẹn theo bà con là Nhuận Đông y để cho dễ phân biệt.
      Bác Nhuận ĐôngY này kể ra cũng hay hay. Ngày nào cũng như một ngày, chỉ trừ lúc có khách mua, vạn bất đắc dĩ phải chạy về để bán, còn gần như là thành một thói quen bất biến. Chỗ đứng của anh luôn luôn là nơi cái cửa ra vào ở phía sau sạp. Vì là chốn tạm, chỉ có ba mét vuông qui định, nên mọi người ai ai cũng phải tận dụng mặt bằng tối đa nơi mặt quầy bên trong, cũng như chung quanh ba bức vách đến nóc mái cũng không cao quá ba thước để dựng, bày sách. Chỉ có một cửa được đặt tại phía sau để ra vào. Muốn có chỗ ngồi trông và bán hàng, mặt sạp phải khoét thủng vào phía trong một chỗ chừng năm tấc vuông ngay ngạch cửa sau, tiếp giáp với cánh cửa hậu. Cũng như mọi người, cô Cúc chọn nơi đây làm chỗ tọa quan. Rồi cũng là vị trí quen thuộc hàng ngày của chàng Nhuận đeo sát sạt bên lưng cô Cúc mỗi khi rảnh. Với các tư thế khi thì hai tay vin vào thanh cửa sạp như con vượn đánh đu, khi thì thấy anh đứng nghiêng chống một chân lên gối dựa nghiêng hẳn về một bên chốn cửa đó, có thay đổi chăng là phía trái hoặc phía phải mà thôi. Đứng lâu quá mỏi chân chăng? Nghĩ cô Cúc này cũng ác, không nỡ lấy cái ghế ra mời ngồi cho phải phép lịch sự. Làm cho chàng Nhuận cứ lẽo đẽo toòng teng mãi ở cái cửa hậu.
      - Bảy trăm rẻ lắm không được chú ơi! Chín trăm mới bán được! Cô Hà vừa nói qua hơi thở có chút không bình thường, có lẽ do hồi hộp hay vì nhanh bước rảo nên hơi thở dồn dập chăng?
      - Thôi đi cô! Lời hai trăm rồi còn muốn gì nữa! Tiếng cậu Nhuận nói cả chợ sách này chắc ai cũng nghe thấy cả; biết cô dzô mánh hai trăm! Thôi bán đi. Ông Tùy vừa cười cười nhìn cô Hà nói.
      - Dạ! Cũng được! Thôi chú lấy đi. Cô Hà bẽn lẽn nói trong cái dáng điệu rất ư là mắc cỡ. Tôi móc túi lấy tiền ra đếm. Còn có hơn bốn trăm. Tôi phải về sạp cầu cứu với mụ vợ đưa thêm cho đủ số trả cho cô Hà.
      Thế là cuốn sách Nhật đã thuộc quyền sở hữu của mình. Tôi và ông Tùy ngồi mở ra xem tìm hiểu mãi cũng chả biết nó thuộc loại sách nào. Cuối cùng chúng tôi thống nhất với nhau. Đây là một quyển sách nói về tranh của Nhật được in với kỹ thuật đặc biệt. Tôi đếm sơ qua, gồm tất cả là 75 bức. Khổ tranh lớn nhỏ không đều Mỗi tấm một đề tài khác nhau, hình ảnh rất sặc sỡ và quá đẹp. Hai chúng tôi chỉ biết đến như vậy. Tôi làm bài tính nhẩm. Với số tiền bỏ ra mua chia đều cho 75 tấm thì một tấm chưa đến mười đồng. Bán chắc chắn là có lời nhưng tôi muốn mình phải tìm hiểu cặn kẽ xem nó là cái gì trước khi bán. Tôi mang trong đầu một suy nghĩ chắc nịch như vậy.
      Tối hôm ấy về nhà, trong tôi cả một tâm trạng háo hức, bồn chồn. Ăn cơm xong là tôi lật đật lấy ra xem lại. Quyển sách tranh có khổ chiều ngang 24,5cm. Chiều dọc 36,5cm. Chiều dày tính cả bìa 0,25cm. Hai bìa được bồi bọc bằng gấm trang trí hoa văn dệt nổi, chữ Thọ tròn đan xen với lá cây cách điệu có màu xám nhẹ đã ngả ố vàng. Với số lượng 75 tấm tranh trong tập. Được bồi lót riềm riêng từng tấm bằng một loại giấy mỏng có màu vàng. Sau đó tất cả các tấm cùng được bồi liên hoàn với nhau thành quyển sách xem được cả hai mặt. Tôi lật ra quan sát  thật chậm từng tấm một, thật kỹ, chi li từng mảng màu, hình thể, đường nét và bố cục.  Mỗi một tấm có một sắc thái riêng . Màu sắc, trông thật tươi, thật rực rỡ và rất lôi cuốn. Rất nhiều tấm còn dấu vết dính màu lem nhem trên cạnh rìa tờ giấy. Chắc trong lúc in mực dính tay chùi chưa sạch nên dính vào. Những đường nét như đan vào nhau thấy thô, mạnh nhưng lại mềm mại.Có những nét mảnh thì cực mảnh gần giống sợi tóc. Đôi chỗ không hiêu làm sao họ lại làm được tinh xảo như thế. Lối bố cục thuần Á đông rất thoáng, duyên dáng, nhẹ nhàng. Không có một chút nào ảnh hưởng bởi phương Tây. Những hàng chữ thuyết minh bằng chữ Nhật trong từng tấm tranh thì chịu, có đôi ba chữ Trung quốc đọc được nhưng lại không hiểu ý nghĩa toàn thể nó ra sao. Có một vài đặc điểm cần lưu ý của loại tranh khắc gỗ này là các cạnh rìa của hai mảng màu tiếp cận nhau đôi chỗ gợn lên gờ màu có thể là do khi chà sát mạnh màu dư đã có khuynh hướng dồn ra bên ngoài canh rìa phiến gỗ mà đọng lại. Lại có những vệt quầng quầng chạy theo vòng không đều khi cục chà ép đánh lên mặt lưng giấy đã để lại rất rõ ở những nơi có phông nền lớn. Một bầu trời mới cho từng tấm tranh. Vừa lạ và đẹp. Trong mấy năm bán sách đôi khi cũng gặp những quyển sách quí, lạ, nhưng chưa bao giờ bị bí như lần này. Không xác định được nó là gì. Tôi cứ loay hoay xem mãi mà không biết chán. Cuối cùng trước khi đi ngủ. Tôi nhủ, ngày mai sẽ phải hỏi anh Hà tem xem sao.

(Còn nữa)

 20 - NHỮNG MẨU CHUYỆN TRONG CHỢ SÁCH CŨ ĐẶNG THỊ NHU Ở QUẬN 1 SAIGON.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét