Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Họa sĩ PHÙNG DỤ và TÁC PHẨM " DŨNG VÃNG TRỰC TIỀN ".


      Nói về ngựa trong tranh Trung Quốc dường như không nhiều so với các loại tranh hoa điểu, thảo trùng và sơn thủy. Có lẽ do khó khăn, phức tạp về cách ứng vật tả hình nên ít có người theo đuổi chăng?  Phải chăng do những ngăn trở ấy mà ta chỉ thấy được một số ít tác phẩm về ngựa còn để lại của các họa gia cổ xưa khá lẫy lừng, tiêu biểu như Hàn Cán đời Đường, Triệu mạnh Phủ đời Nguyên  ..v..v... cho đến thời cận đại có những tên tuổi như Lương thế Ninh (Giuseppe Castiglione- 1688-1766 ) đời Thanh. Một nhà truyền giáo người Ý khi ở Trung Quốc đã vẽ một loạt tranh về ngựa mang phong cách thủy mặc kết hợp với kỹ thuật hội họa phương Tây. Tiêu biểu là bức " Bách mã " đồ rất đồ sộ. Gần đây ở Thế kỷ 20 có Từ bi Hồng, Diệp túy Bạch rất nổi tiếng về vẽ ngựa với mạch bút "Tả ý ảo thị".…
      Nói như vậy không phải không có người đeo đuổi về lối vẽ ngựa trong tranh thủy mặc, nhưng để trở thành một "Gia" có phong cách tiêu biểu thì số lượng không quá đôi bàn tay cho vài chục cái trăm năm của đời người. Cũng khó mà nói như thế nào cho trọn vẹn khi ta chưa thể thống kê về chuyện này. Ở đây chỉ với cái nhìn hạn hẹp về một tác phẩm vẽ ngựa của một họa sĩ lão thành người Hoa sinh sống ở Cholon, đã từng có sự đóng góp nhất định cho nền hội họa truyền thống Trung Quốc ở nước ngoài và ông cũng khá nổi tiếng trong cộng đồng của người Hoa sống tại Việt Nam. Đó là Họa sĩ Phùng Dụ hay còn gọi là Phùng Dũ. Không rõ ông tự học hay theo với thày nào. Ông để lại bao nhiêu tác phẩm với thể loại gì. Nhưng chắc chắn một điều. Ông có viết sách về mẫu chữ đẹp và thành lập một xưởng vẽ khá tên tuổi trong Cholon mang tên "Phùng Dũ". Xin dừng mạch nói về tác giả để giới thiệu một tác phẩm vẽ ngựa của ông còn lưu lại được thực hiện rất gần đây vào năm Tân Tỵ ( 2001 ). Năm đầu tiên của thế kỷ 21. Một tác phẩm có ảnh hưởng ít nhiều phong cách vẽ ngựa của đại họa gia Diệp Túy Bạch theo truyền thống (1) nhưng vẫn cho thấy được những nét mạnh mẽ rất riêng của ông.


                             Hình 01 -  Phùng Dụ. Dũng vãng trực tiền.
                      Mực nho trên giấy. Kích thước. 43cm x 69.5cm. Vẽ năm 2001.

   Nhìn vảo tổng thể. Một con ngựa được vẽ theo lối “ Tả ý ảo thị ” trong tư thế rất dũng mãnh đang cất cao đầu hí vang, phi thẳng về phía trước với bút pháp rất hoạt và sinh động. 



                  Hình 02 - Chụp chi tiết phần đầu con ngựa. 
    Những nét bỏ lửng, điểm, phiệt, móc nơi mõm và cổ con ngựa rất hoạt. Ta có cảm nhận như nó đang hí lên.



                       Hình 03 - Chụp chi tiết phần cổ và ức con ngựa
         Những mảng mực loang đậm nhạt, lớn nhỏ cùng kỹ thuật dụng bút, mực đa phương chiều tuyệt vời liên kết với khoảng trắng mặt giấy tạo khối cho những cơ bắp như đang căng ra, vồng lên nơi ức con ngựa bừng bừng sức sống .


Hình 04 - Chụp chi tiết phần chân trước con ngựa.
Những nét bỏ lửng tạo cho người thưởng ngoạn thấy lung linh huyền ảo...của sự vật đang chuyển động. 

Hình 05 - Chụp chi tiết phần thân và đuôi con ngựa.
Cái đuôi là điểm then chốt trong bố cục tạo hình trong tác phẩm này. Nó làm cho bức tranh thêm sinh động đồng thời cũng là một điểm tựa, quân bình cho trục nghiêng của toàn thân con ngựa không bị đổ...


           Tôi cho rằng “ Tả ý ảo thị ”.  Là một lối vẽ phức hợp, trong đó sự vật mô tả được nhấn mạnh chủ yếu bằng đường nét, mảng cùng sắc độ của mực trên giấy. Một hình thức bố cục gắn kết giữa mảng nét cùng sắc độ đơn thuần của mực phối hợp với khoảng trống màu trắng của giấy để tạo ảo giác. Một lối khai thác sự đong đưa huyền ảo, bất định không trọn vẹn, không rõ nét qua phần tiếp thu của thị giác, từ đó khiêu gợi một sự bù đắp bổ sung từ sự tưởng tượng của cá thế tiếp thụ.  Một khuynh hướng định hình sự vật ở trạng thái mơ hồ, không rõ ràng qua sự cảm nhận bằng tâm trí thưởng ngoạn ". (Cauminhngoc)    



     Trong hội họa cái khó là làm sao dùng bút mực tĩnh diễn đạt được cái động lung linh của sự vật. Nên nhớ. Cái động trên mặt giấy chỉ là sự nắm bắt, ghi lại cái hành cử nhất thời, cực ngắn trong một khoảnh khắc nhất định ở trạng thái đứng hình của một vật đang chuyển dịch . Cho nên muốn mô tả được cái động linh hoạt trong tĩnh phải cần có sự hỗn hợp từ những yếu tố động đa phương chiều của tạo hình liên kết với sự ảo thị  để làm cho sự cảm nhận của trí não khi qui nạp thông qua thị giác thưởng ngoạn có suy diễn để biến thể hình thái tĩnh ra động tưởng tượng.

       Ở tác phẩm này tác giả đã chọn một hình thái chuyển động nhất thời vào một khoảnh khắc đứng hình thích hợp nhất để gợi cho thị giác người xem nhận thức ngay được sự vật. Con ngựa với mảng lông bờm cùng đuôi tung bay. Cơ bắp nơi cổ, ức vồng lên căng ra, toàn thân đang thúc lại một khối. Bung một chân trước trong tư thế duỗi chạm đất làm điểm tựa cho sức bật, ba cái còn lại trong trạng thái cất cao khỏi mặt đất, Tất cả kết hợp với nhau trở thành một hình thể đang chuyển động như muốn bay lên rất mạnh mẽ.
      Bức tranh rất đẹp, rất thần thái. Họa sĩ Phùng Dụ đã thành công trong việc đem hình ảnh thực đang trong trạng thái động ở từng bộ phận trên thân con ngựa diễn đạt lại bằng ngòi bút lông qua những nét, mảng trực, điểm, câu, phiệt, bỏ lửng cùng những vệt loang đậm, nhạt lớn nhỏ đa sắc độ của mực ẩn hiện trên sắc trắng mặt giấy làm nổi bật cái khí thế hùng dũng, mạnh bạo đúng bản chất của một loài vật sống bằng bốn vó, càng được sải dài tung mình phi nước đại phỉ chí càng tăng thêm sức mạnh. Một ảnh tĩnh với bút pháp Tả ý ảo thị của tác giả khiêu gợi thành cái động trong tâm thức người thưởng lãm quả là tuyệt bút.

     Cái đuôi. Một bộ phận cứ tưởng không quan trọng. Nhưng thực tế lại là một thành phần không thể thiếu. Nó là chốn biểu lộ trạng thái bản năng đang hoặc sắp diễn ra của động vật. Trong tranh này cái đuôi nó cũng biểu lộ cho ta thấy con ngựa đang ở trạng thái nào. Về mặt thẩm mỹ, nếu cái đuôi vẽ không đồng bộ với tổng thể bức tranh sẽ hỏng… Ở đây tác giả dùng cái đuôi phất ngược thành một điểm tựa cho trục nghiêng  kéo dài từ cái mõm xuống tận chân con ngựa, giúp cho chủ thể có độ lượn vững vàng không bị đổ. Một bố cục tái quân bình bằng những nét bút tạo ra mảng đuôi ngựa thật phóng khoáng mạnh mẽ vừa đủ, rất hay. Nếu như ngắn hay nhỏ đi một chút sẽ yếu, to hơn sẽ nặng nề trì trệ. Bởi thế sự vừa đủ... cũng là một yếu tố thành bại của tác phẩm…


                                            
                                Hình 06 -  Trục nghiêng tạo dáng trong tác phẩm.

(1)  Theo truyền thống của người Hoa. Khi kính phục một ai đó, họ có thể bỏ ra cả đời người để học tập mô phỏng lại những gì của người mình sùng bái càng giống càng thể hiện tài năng, bản lãnh của mình... 

Cauminhngoc
24/5/2013. 

1 nhận xét: