Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA SƠN MÀI VÀ SƠN DẦU.


           Nói về sự khác biệt giữa hai thể loại tranh sơn mài và tranh sơn dầu. Một sự tương phản, đối lập mà ta nhìn thấy rất rõ. Một bên bay bướm, phóng khoáng, nhanh chóng. Một bên chăm chút tỉ mỉ, gò bó, chậm chạp gần như rị mọ.
           Với tranh sơn dầu khi thực hiện nó sẽ có những sự thoải mái về bút pháp, kỹ thuật không bó buộc cũng như dụng màu để lại trên mặt bố. Có thể vẽ chồng đắp lên nhiều lớp. Màu sắc rất phong phú, đa dạng. Không bị ảnh hưởng khi pha trộn vào nhau. Có thể tạo ra những sắc độ tùy thích, khi dụng màu trực tiếp trên mặt bố. Sơn dầu không giới hạn độ dày mỏng cũng như độ đặc loãng của chất liệu vẽ và không đòi hỏi phải có độ phẳng cũng như độ bóng ở mặt tranh. 


                          HS. TRÍ. Nữ nghệ sĩ vỹ cầm. Sơn dầu trên bố. Kích thước 75cm x 100cm.    
     Sự tung hoành, bay bướm không bị câu thúc bởi kỹ thuật. Ở đây ta thấy đầy đủ sự phóng túng của bút pháp cùng kỹ thuật dụng sơn và màu....trong tác phẩm " Nữ nghệ sĩ vỹ cầm " này.

            Ngược lại với sơn dầu. Sơn mài rất khó thực hiện trong lãnh vực này. Nó lệ thuộc nhiều vào sản phẩm sơn và màu sẵn có. Các màu thường là chất vô cơ vì chất hữu cơ sẽ bị nhựa của cây sơn hủy hoại. Mặc dầu chất màu vô cơ có thể pha trộn tìm màu trung gian nhưng nó vẫn bị ảnh hưởng cũng như bị chi phối rất mạnh bởi sự rực rỡ của các chất sơn son, vàng bạc, vỏ trứng và đen nhánh của sơn ta..v.v...rất khó hòa hợp vì thế mà có những màu đi chung sẽ bị chìm lỉm mất đi tính năng vốn có. Chính vì những lý do trên nên đa phần các họa sĩ chỉ xử dụng các màu theo sơn mài truyền thống. Một khi trong tác phẩm xử dụng nhiều đến các chất kim loại hay vỏ trứng, các màu khác chỉ mang tính điểm xuyết...Một tác phẩm sơn mài thiếu vắng chất vàng bạc hay vỏ trứng bị xem như là mất chất...nó trở thành bức tranh sơn dầu được thực hiện bằng chất liệu sơn mài... 
           Sơn mài mỹ nghệ hay nghệ thuật nó đòi hỏi một mặt phẳng gần như tuyệt đối và phải có độ bóng.  Không chấp nhận độ lồi lõm, gợn sóng và mờ. Càng bóng càng đẳng cấp. Chính thế mà khi xem một bức sơn mài có đôi người nhìn nghiêng để xem độ bóng, phẳng mà đánh giá tay nghề người thực hiện. 
           (Trong giới họa sĩ chuyên ngành sơn mài giai đoạn 1985-1995. Họa sĩ Lâm xuân Hùng ( Hùng nhí ) là người rất được các đàn anh cùng ngành như Hồ hữu Thủ, Nguyễn Lâm và một số họa sĩ khác rất kiềng vì tác phẩm sơn mài nào của anh cũng có độ bóng tuyệt vời. Một bí quyết trong kỹ thuật đánh bóng mà những họa sĩ làm sơn mài ai cũng thèm và muốn có. Hỏi tới! Chàng " Hùng nhí " cứ tít mắt, nhe răng cười trừ...) (1)
             


    Lê Thy. Đình làng và tư tưởng Việt Nho. Sơn mài trên gỗ mít. Kích thước 60cm x 90cm. Năm 1950. 

         Ở đây! Trong tác phẩm " Đình làng và tư tưởng Việt Nho ". Ta thấy tất cả những chất liệu vốn có của sơn mài: Vàng, bạc, vỏ trứng, sơn cánh gián, sơn then, màu chu...v.v... Với kỹ thuật và màu sắc cùng tư duy áp đặt vào bức tranh sơn mài vào thời điểm bình minh của nghệ thuật sơn mài (1940- 1950). Tạo dựng được một tác phẩm như thế này quả là một kỳ công. Một kiệt tác. Hiện nay ( 2013 ). Với sự hỗ trợ đầy đủ, đa diện về màu sắc và kỹ thuật. Nhưng để sáng một bức tranh thấm đẫm sự phức tạp như tác phẩm " Đình làng và tư tưởng Việt Nho " không phải ai cũng thực hiện được.


            Một nét cọ trên nền bố sẽ giữ được gần như trọn vẹn sắc độ, uy lực, khí phách, dày mỏng của sơn qua nét bút...Không bị gò bó, cản trở bởi việc thực hiện một hay nhiều lần...Cũng như chất sơn dùng để vẽ có thể loãng hay đặc, dày mỏng tùy ý... Tất cả sẽ được giữ lại hầu như trọn vẹn trên mặt tác phẩm.
            Nhưng trên sơn mài nó ngược lại hoàn toàn. Trên mặt vóc trơ, cứng không có độ ngấm như bố, vải. Chất sơn dùng để vẽ không được quá đặc hoặc loãng. Phải tương đối nhất quán. Khi vẽ xuống phải đều tay, tản mịn. Nếu sơn loãng sẽ bị chảy làm biến dạng. Cảm xúc nhất thời, bay bổng không có trong lúc vẽ. Chỉ có sự cần cù tỉ mỉ. Đó là chưa kể sau khi vẽ xong phải phủ lên một lớp sơn quang rồi đem ủ sẽ gặp nhiều trở ngại trong kỹ thuật làm cho bị hư hỏng. Sau khi ủ cho khô, mặt tranh bị chai cứng, mới lấy ra mài, tạo độ phẳng cần thiết để tiếp tục các công đoạn đã dư định cho đến khi hoàn thành... Chính vì sự lệ thuộc vào phần kỹ thuật này mà nó làm mất đi hầu hết những tính chất tự nhiên của nét bút...và màu sắc cũng bị ảnh hưởng ít nhiều bởi lớp sơn phủ. Bút càng mịn, đều... khi mài sẽ không bị đứt. Nếu trên mặt vóc có độ lồi lõm cao không đều. Khi mài chỗ thấp sẽ bị mòn trước lòi vóc...Từ chuyên môn gọi là " đứt ". Ta sẽ khó mà thấy được những nét bút bay bướm, linh hoạt trên tấm sơn mài... Nói thế không phải là sơn mài không có những giây phút thăng hoa trong lúc thưc hiện. Ngoài việc tạo hình, người họa sĩ làm sơn mài phải biết khai thác qua nhiều công đoạn vẽ  phủ ủ qua nhiều lần - nhiều lớp lớp. biết tận dụng chất liệu vàng bạc vỏ trứng và công đoạn mài. Những điều này nó sẽ cho thấy tài năng, tư duy sáng tạo, đẳng cấp của người họa sĩ qua cách thể hiện trên mặt bằng tác phẩm. Với tác phẩm của người có đẳng cấp thì khi ta nhìn vào, trước hết là thấy ngay được dấu ấn của sự đầu tư đầy trí tuệ từ bố cục, hình họa đến màu sắc cùng sự gắn kết các chất liệu đầy sự công phu, tỷ mỷ. Họ khai thác được tính chất của chất liệu, đưa chúng vào đúng nơi đúng chỗ để cho chúng nói lên được tất cả ý đồ của tác giả muốn giải bày qua từng lớp vẽ-phủ-mài trước sau chồng lấp lên nhau rất nhiểu lần, cho chúng hòa quyện với nhau một cách thật tự nhiên. Việc này cũng giúp cho họ khai thác sự viễn cận một cách tinh tế qua từng lớp trước sau chứ không như sơn dầu dùng màu đậm nhạt để mô tả chuyện này. Bởi vậy khi ta nhìn vào một tác phẩm của bậc thày sơn mài sẽ thấy hình họa trong tác phẩm thật óng ả, có chiều sâu phối cảnh rất sinh động chứ không dàn trải trên một mặt phẳng, nhìn chỉ bắt mắt lúc ban đầu, sau đó không còn gì để nói nữa là vậy...    


       Bến thuyền. Chưa rõ tác giả. Sơn mài trên gỗ mít. Kích thước 57,5cm x 86cm. Thực hiện năm 1947. 
Giai đoạn thử nghiệm, tìm tòi màu sắc cho sơn mài.  Một sự mới mẻ, nhẹ nhàng, tươi sáng. Một sự vượt thoát khỏi các màu truyền thống. 

    Nhìn thoáng qua tác phẩm trên. Ta thấy có vẻ rất đơn giản. Nhưng vào thời điểm năm 1947. Một thời kỳ mà tất cả các họa sĩ còn đang mày mò cố gắng tìm mọi cách để thay thế, vượt thoát ra khỏi những sắc màu cũng như kỹ thuật của sơn mài truyền thống thì bức tranh này xứng đáng được đánh giá là một tác phẩm có phong cách mới với sự trỗi dậy, một canh tân về màu sắc cho sơn mài. Rất tiếc...và  không hiểu vì sao họa sĩ lại không thích danh vào tác phẩm của mình?

  


                        Hóa đơn của tấm sơn mài " Bến thuyền "


     Trong lúc thực hiện công đoạn cuối trên tác phẩm sơn mài, đối với người non tay, những sự cố đứt, cháy sẽ là tai hoạ. Nhưng với những cao thủ đôi khi những sự cố này lại là điểm dừng nghệ thuật...là lúc để cho tâm hồn loang theo vệt nước dưới tờ giấy nhám trong bàn tay. Nếu có sự bay bổng trong sơn mài thì chỉ có trong khoảnh khắc này. Giây phút phiêu bồng, diễn đạt cảm súc nghệ thuật qua việc mài đi hay giữ lại. Tóm lại lúc mài là lúc thể hiện cái tính năng nghệ thuật rất nhạy cảm cao độ của người nghệ sĩ...

 Cauminhngoc.

    (1)   Sơn mài ở Việt Nam có ba hệ phái chính: Theo lối Nhật Bản. Lối Tiều Châu Trung Quốc và Sơn mài truyền thống Việt Nam.
    a / - Theo lối Nhật vẽ sống trên vóc hay nền dán vàng hoặc bạc rồi phủ lớp dầu bóng (Polysai). Không mài phẳng, chấp nhận độ lồi lõm khi vẽ. Sử dụng đa sắc, đa dạng chất liệu cùng vàng bạc, vỏ trứng...v..v...Theo lối này, trước năm 1975 nổi tiếng có họa sĩ Nguyễn văn Minh và lò sơn mài " Mê Linh " của ông.
   b / - Theo lối Trung Quốc. Vẽ sống để nguyên trạng bút pháp trên vóc, không phủ, không mài. Thường dùng màu đa sắc, rắc bột vàng bạc, kim nhũ. Ít khi sử dụng vỏ trứng. Loại này chỉ có người Hoa dùng sản xuất cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của họ. Người Việt không làm thể loại này.
   c / - Theo lối sơn mài truyền thống Việt Nam. Vẽ phủ rồi mài. Không chấp nhận lồi lõm mà phải thật phẳng. Chuộng độ bóng. Sử dụng vàng bạc, vỏ trứng và màu thường dùng là: Chu son, cánh gián, then đôi khi có thêm một vài màu khác, không đa sắc. Sau này có thêm thể loại sơn mài khắc trũng (Coromandel). Loại này thường dùng trong mỹ nghệ vì có kỹ thuật khắc trũng tương đối dễ thực hiện, chủ yếu khai thác đường nét, không đòi hỏi độ phẳng, độ bóng, đáp ứng nhu cầu hàng loạt. Ưu điểm là dùng màu sắc phong phú do không phủ và mài nên không bị ảnh hưởng bởi chất sơn phủ, không mất thời gian ủ khô và mài. Đa số các họa sĩ có tầm cỡ ở miền Nam trước 1975 rất ít dùng đến thể loại này vì nó không tạo được những đột biến đặc sắc trong nghệ thuật như sơn mài truyền thống. Riêng lò Thành Lễ có họa sĩ Duy Liêm thỉnh thoảng cũng có đem sử dụng loại này cho tác phẩm của mình. Sau 1975 một vài họa sĩ Giải Phóng đi hẳn theo lối này. Nổi tiếng có họa sĩ Thái Hà.
     Không nên nhầm lẫn giữa kỹ thuật làm vóc (Tìm hiểu trong kỹ thuật làm vóc sơn mài) với kỹ thuật vẽ phủ mài và vẽ không phủ mài. Giữa lối vẽ không phủ mài và vẽ có phủ mài độ khó của vẽ phủ mài cao hơn phức tạp hơn do mỗi lần vẽ xong một lớp phải đem ủ khô sau đó mới mài để giữ lấy tinh túy, thần thái của tạo hình nguyên ý và họa sĩ vẽ thêm từng phần trước sau theo sự xếp đặt thứ tự để tạo độ viễn cận hoặc bố cục theo ý muốn, cho nên họ có thể vẽ chồng lên nhau cả chục lớp cùng trên một mặt vóc để hình thành tác phẩm của mình và cứ mỗi lần vẽ xong một lớp như thế lại phải phủ một lớp sơn then rồi đem ủ, sau đó lấy ra mài đi những lớp không cần thiết chỉ giữ lại những gì được cho là tinh hoa của nghệ thuật. Trong lúc mài chỉ cần mạnh tay hay sơ ý có thể làm hỏng đi ý đồ của tác giả. Còn vẽ không phủ mài vẽ xong để nguyên, hoặc giả có mài thì cũng chỉ mài sống trên màu vẽ không phủ và ủ nên giữ được tính chất ban đầu do không lệ thuộc vào phủ và mài.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét