Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

ANTOINE PONCHIN! ÔNG LÀ AI ?.


                 PHONG CẢNH "EO GIÓ"
                                        BẰNG SƠN DẦU TRÊN GỖ MÍT 
          CỦA HỌA SĨ ANTOINE  PONCHIN TẠI VIỆT NAM.



      Antoine Ponchin ( 1873-1934 ). Phong cảnh biển Eo Gió. Qui Nhơn. Sơn dầu trên gỗ  mít. Năm vẽ: 1923 -1931.


Góc đứng của HS. Antoine Ponchin ở trên đỉnh núi mé bên trái nhìn xuống vụng biển Eo Gió. 
(Nguồn ảnh: TUK Trvel)




                           GIẢI THƯỞNG ĐÔNG DƯƠNG.
         1. Giải thưởng Đông Dương trước khi Trường Mỹ thuật Đông  Dương ra đời:
Họa sĩ có tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Hội thuộc địa nghệ sĩ Pháp” sẽ qua một cuộc tuyển chọn, người đoạt giải được trao tặng một năm du lịch nghiên cứu, cộng thêm vé hạng nhất khứ hồi, một tài trợ là 1.200 đồng Đông Dương và đi lại miễn phí trên toàn Đông Dương. Xin lưu ý là đầu thế kỷ, 1 đồng Đông Dương trị giá 3 quan Pháp. Từ năm 1925 đến 1927, tỉ giá trung bình là 14 quan Pháp. Năm 1931, đồng Đông Dương theo tỉ giá kim bảng vị (giá vàng) và cố định là 10 quan Pháp (13).
               Danh sách các họa sĩ được đoạt giải là :
                         1910 - Ferdinand Olivier (Martigues 1873 - 1957).
                         1911 - François de Marliave (Toulon 1874 - Draguignan 1953).
                         1912 - Augustin Carréra (Madrid 1878 - Paris 1952).
                         1913 - Martinien Salgé (Marseille 1878 – Jouques 1946).
                         1914 – Charles Dominique Fouqueray (Le Mans 1869 - Paris 1956)
                         Vào thời kỳ đại thế chiến thứ nhất (1914-1918), việc phát giải thưởng Đông Dương bị gián đoạn cho đến năm 1920.
                         1920 - Victor Tardieu (Lyon 1870 - Hà Nội 1937).
                         1921 - Paul Jouve (Marlotte 1878 - Paris 1973).

                         1922 - Antoine Ponchin (Marseille 1872 - 1934).

                         1923 (14) - Georges Michel, còn gọi là Géo Michel (Paris 1885 -?)
                         1924 - Jean Bouchaud (Saint-Herblain 1891- Nantes 1977).
( Dựa theo trang  WWW.hcmf.edu.vn của Trường Đại Học Mỹ Thuật TP.HCM )

             

                     TIỂU SỬ TÓM LƯỢC CỦA   ANTOINE  PONCHIN.
               Antoine Ponchine sinh năm 1872 và mất năm 1934. Thọ 62 tuổi. Ở Marseille. Thành phố cảng rất lớn và nổi tiếng của nước Pháp. Ông học vẽ tại Paris với hai họa sĩ Jules Galiardini và Fernand Humbert. Antoine Ponchin đã đoạt giải Đông Dương vào năm 1922. Theo qui định ông được tặng một chuyến du lịch một năm qua Đông Dương. Cộng vé khứ hồi hạng nhất và 1,200 đồng Đông Dương. Đi lại miễn phí toàn Đông Dương. Ông đã sống ở Việt Nam một thời gian không rõ là bao lâu. Trong thời gian lưu tại Việt Nam. Ông đã nhận dạy bộ môn điêu khắc ở Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương khóa I & II ( Từ 1925 đến 1931). Ngoài ra ông còn dạy vẽ ở một số trường phổ thông tại Hanoi nữa. Không hiểu là ông rời khỏi VN vào năm nào. Chỉ biết là ông mất tại nơi sinh năm 1934 mà thôi.( Có một số trang Web nói ông mất năm 1933. )
   


MÔ TẢ KHÁI QUÁT VỀ BỨC TRANH.


           Tranh vẽ cảnh vách núi đá bên bờ biển. Bằng sơn dầu trên gỗ mít. Có cỡ 31cm x 40cm. Khung bằng gỗ quí. Có khuynh hướng rất rõ được làm tại Việt Nam. Tấm này ông Ponchin không có ghi năm và chú vẽ tại nơi nào. Nhưng dựa vào năm mất của ông 1934 tại Pháp và thời gian ông dạy điêu khắc Khóa I&II (1925-1931) tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Với tác phẩm vẽ cảnh biển này. Ta có thể cho là ông vẽ vào khoảng những năm từ 1925-1931 khi ở Việt Nam.( Sau khi đoạt giải thưởng Đông Dương năm 1922. Ông được tài trợ qua du lịch ở ba nước Đông Dương ở lại khoảng trên dưới 10 năm. Mất năm tại Pháp năm.1933-1934? ). 
       Tranh này ông vẽ theo lối tả chân. Quan sát cảnh vật thật mà vẽ. Chưa nắm rõ ông vẽ cảnh biển này ở VN hay nơi nào đó ở Đông Dương. Nếu cho rằng ông vẽ cảnh biển này ngoài ba nước Đông Dương thì không hợp lý cho lắm. Chẳng lẽ ông mang miếng gỗ mít này từ VN đi đến một nơi nào đó trên thế giới vẽ xong mang về VN bán? Chuyện này hơi khó xảy ra vì phương tiện đi lại đầu thế kỷ XX rất khó khăn chứ không thoải mái như hiện nay. Cho nên giả thuyết cho rằng ông ở đâu thì đi vẽ những phong cảnh nơi đang cư ngụ đó là hợp lý nhất. Ta hãy quan sát những tác phẩm ông đã để lại khi qua một số nước, phần nào nó đã giải đáp cho việc này. Và ta cũng có thể dựa vào tác phẩm mà đoán. Cảnh này chỉ vẽ ở hai nước là VN và Campuchia mà thôi vì Lào không có biển. Rất tiếc thời gian qua đã xóa mất dấu vết tên của tác phẩm, chính chuyện này mà nó làm cho chúng ta thật bối rối khi muốn đi tìm nguồn gốc. Nhưng khuynh hướng thiên về phong cảnh ở Việt Nam nhiều hơn Campuchia vì ông sống và dạy vẽ ở Việt Nam là chính. Và với sở thích vẽ biển nên khung cảnh các vùng đất mũi vươn ra biển của miền Trung hẳn là đã cuốn hút ông rất nhiều. Nhất là những vùng có sẵn đường sá thuận lợi cho việc đi lại như Eo Gió  ở Qui Nhơn, mũi Đại Lãnh hoặc Mũi Kê Gà càng tạo nhiều thuận lợi cho việc ông đi đến để vẽ... Nhưng trong tác phẩm này Eo Gió là có phần hợp lý hơn cả vì đây là vùng núi đá không có cây cỏ bao phủ và nhất là hình ảnh hai hòn đảo nhỏ ngoài khơi ở các nơi mũi Đại Lãnh và Kê gà không có...


Eo Gió. Qui Nhơn. Nếu đứng ở một vị trí bên trái nơi mạn Bắc của Eo Gió phần lấn ra biển (Phía trái ảnh chụp) thì sẽ thấy thêm được dải đá phía Nam vươn ra biển giống với bức tranh hơn và vị trí hai hòn đảo ngoài khơi là mốc để nhận định là ông vẽ ở Eo Gió chứ không phải nơi nào khác...
  
Eo Gió. Qui Nhơn.

          Eo Gió. Qui Nhơn. Con đường lên tham quan thắng cảnh này nằm vắt ngang giữa dải núi đá có hình cánh cung vươn ra ôm lấy biển mang tên Eo Gió. Đứng nơi đây có thể  nhìn thấy hòn đảo phía ngoài khơi rất rõ. Với vị trí hình chụp này, ta có thể suy ra. Hòn đảo trước mặt thuộc hướng Đông. Dải núi bên tay trái thuộc hướng Bắc. Dải núi bên tay phải thuộc hướng Nam...  


Eo Gió. Cánh núi đá bên mé trái. (Vị trí chụp đứng hơi chếch về hương tay trái ( Hướng Bắc ) của núi đá Eo Gió. Có lẽ Antoine Ponchin đã chọn điểm đứng để vẽ nằm trên đỉnh rặng núi này với hướng nhìn từ phía Bắc vào Nam nên ta thấy hòn đảo ngoài khơi thuộc hướng Đông nằm ở bên phải hình chụp. Trong tranh nằm bên mé trái...



                                   Antoine Ponchin. Phong cảnh biển Eo Gió. Qui Nhơn.


       Bức tranh cả một trời thơ mộng, đầy nắng và gió của vùng biển. Có lẽ Tác giả đã đứng trước nó thật lâu để chiêm nghiệm. Rồi dùng kinh nghiệm nghề nghiệp và sự khéo léo của đôi tay cùng cách biết khai thác, xử lý rốt ráo tính ưu việt của chất liệu để chuyển tải trọn vẹn cái chiều không gian bên ngoài vào trong tác phẩm của mình.
       Từ những vệt ngập sơn đa sắc tấp trên măt gỗ. Có chỗ miết mỏng mịn màng. Có nơi đắp dày lam nham, lồi lõm. Những gam màu. Có nơi rực sáng. Chói chang. Có nơi om tối. Nặng nề, u uẩn. Lúc hài hòa. Khi đối nghịch. Tất cả được tạo ra bởi những nhát cọ thật linh hoạt uyển chuyển mang đầy ắp cảm xúc của A. Ponchin.
        Ánh nắng chói chan phủ dập trên vách núi lồi lõm, gập gềnh cao vợi. Mặt nước biển xanh rì, sâu thẳm mênh mông, trải dài đến tận chân trời tít tắp. Hai chủ thể chính của tác phẩm. Cũng chính là sự đối nghịch của thiên nhiên trước con người. Phải chăng đó là câu chuyện muốn kể? Hay ông muốn mượn hình ảnh vật thể thiên nhiên để gởi gắm những rung động từ chính tâm hồn mình, chuyển tải đến với mọi người thưởng ngoạn một cách tích cực nhất?
      Tóm lại tác phẩm này chính là sự kết hợp rất nhuần nhuyễn của tâm hồn, chất liệu và đôi tay tài hoa của người họa sĩ có bản lãnh nghề nghiệp, làm cho người thưởng lãm cảm nhận được trọn vẹn cái không khí trong lành ấm áp của biển. Tạo cho người xem có cảm giác như mình đang đứng trước nó, dưới ánh nắng rực rỡ tận hưởng những trận gió mát từ biển khơi thổi vào lồng lộng. Đó cũng là cái khéo của tác giả.
      (Bút pháp đặc tả cảnh ven bờ biển và núi đá hùng vĩ rất sinh động. Ông mô tả ánh nắng hắt trên vách đá bằng những nét cọ rất linh hoạt. Để lại trên mặt gỗ những gợn màu cùng độ dày mỏng khác biệt nằm bên nhau. Nhìn vào ta cảm nhận được ngay cái ánh sáng rực rỡ, gay gắt của vùng nhiệt đới hắt trên mặt đá lam nham, lồi lõm. Sự tương phản giữa mặt nước biển xanh rì nặng chịch với vách đá phản chiếu cái nắng chói chan bạc phếch soi bóng nhạt nhòa lung linh trên mặt nước. Một sự kết hợp sắc độ rất nhuần nhuyễn của người họa sĩ có bản lãnh nghề nghiệp làm cho người thưởng lãm thấy như mình đang đứng trước bãi biển thật. Đó cũng là cái khéo của tác giả.)





   Một số chi tiết của tác phẩm được chụp cận cảnh...


        Đến thời điểm này 2010 tại Việt Nam trong giới chơi tranh cũng rất ít người biết về ông. Chỉ có một số báo chí viết bằng tiếng Pháp ở những thời điểm trước 1945 thỉnh thoảng có nhắc đến ông. Có lẽ thời gian sống tại VN quá ngắn với lại những tác phẩm của ông để lại không nhiều. Một phần tranh của ông chuyên vẽ biển có lẽ vậy nên ít người Việt Nam biết đến. Nhưng sự nghiệp của ông trên bình diện Quốc tế thì lại khác. Họ biết khá nhiều về ông qua sự nghiệp đóng góp các tác phẩm mỹ thuật còn lưu lại tại các bộ sưu tập tư nhân, ở các bảo tàng trên thế giới.


LÝ LỊCH MUA.

      Tôi mua tấm tranh của họa sĩ Ponchin này cùng với một bức tranh thủ ấn họa của họa sĩ Tú Duyên và một bức vẽ đôi trâu cày có ký tên Trí trong gia đình vị nhiếp ảnh gia lão thành đã khuất, tại vùng Dakao, Tân Định. Qua một người bạn giới thiệu. Khi mới mua tôi cũng không có gì chú tâm cho lắm. Chỉ biết là một họa sĩ Tây vẽ biển khá đẹp. Nhưng tôi cũng có một thắc mắc. Không biết cảnh này vẽ ở đâu. Tại sao lại vẽ trên gỗ mít. Một loại đặc chủng của người Việt. Với kiến thức hạn hẹp, cùng với khổ tranh khá nhỏ nên tôi cũng có ý xem thường. không mấy gì xăm soi về nó cho lắm. Khung gỗ quí, qua lâu năm nên có vẻ đanh chắc còn khá tốt. Đinh treo lâu ngày rỉ sét đã gãy. Tôi có đóng đinh mới vào để treo lên nhưng gỗ cứng quá, sợ tét nên thôi. Tôi bèn dựng đại trên đầu tủ nơi gian ngoài. Cái máu cứ muốn rõ ngọn ngành nên có lần đã đem lên Phomuaban.com. Cứ mong được có lời giải. Hoàn toàn tắc….Thời gian cứ thế mà trôi…bức tranh chả ai quan tâm cứ thế mà yên vị. ( Cứ như lúc này ai mà biết đến xin mua chắc là rẻ…).
        Mãi đến khi tôi mua được một lô sách vài trăm cuốn. Trong đó có cuốn Trường Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội 1925-1990.





    Từ khi mua được quyển sách này tôi cũng chả để ý. Chỉ có khái niệm mua về để đó làm tài liệu. Khi nào cần thì mang ra xem, tra cứu. Tôi đã quên tấm Ponchin.
         Cho đến một buổi tối. Sau khi làm mãi một việc về nhạc tôi cũng chan chán. Với tay lật chồng sách trước mặt vô tình nhìn thấy nó. Tự dưng tôi có ý muốn tìm hiểu xem có vị họa sĩ nào có tranh nổi tiếng mà không có trong này không? Đầu nghĩ tay lật…Cho đến trang các vị thày của Trường.

Có PONCHIN ở đây.




      Tôi chợt chú ý vì nhìn thấy chữ “ PONCHIN ”. Một sức hút làm cho  tôi thèm muốn tìm hiểu thêm về vị thày giáo này. Lật tới lui cuốn sách xem đi xem lại đến cả chục lần. Thật đáng buồn! Không biết gì hơn ngoài một giòng chữ ngắn gọn nằm im thim thíp :
     - Ponchin :  dạy điêu khắc khóa I, II. ( Như minh họa trên ).
     Hơn 10 giờ tối, cả nhà đã đi ngủ. Trong bụng nóng như hơ. Cái tên Ponchin nổ lùng bùng trong đầu. Không biết bức tranh gỗ mít của mình để dưới nhà có cái tên giống như trong quyển sách này không? Lâu quá rồi không nhớ rõ. Tôi vội đặt quyển sách xuống bàn. Chạy xuống nhà dưới, với lấy bức tranh xuống vác lên gác. Dưới ánh đèn. Mắt căng ra nhìn vào phần tên tác giả.  Tên thì đúng rồi chỉ có khác chút là trước cái tên ở bức tranh của tôi còn có thêm một chữ viết tắt tròn tròn trông giống như chữ  “ Q.” hay chữ “ G ” gì đó không rõ. Trong đầu liên tưởng ngay đến chuyện trách cứ các ngài làm sách của ta quá cẩu thả. Tên họ không nêu đầy đủ. Các vị cứ nhìn lên trang minh họa sẽ thấy ngay. Một loạt tên trần xì không ai có chữ đệm chữ lót gì sất. Lại phải cất công lục thôi. Chắc cũng phải mất đến cả hơn nửa tháng không chừng…Mày mò tùm lum không hiệu quả gì. Đến lượt đống báo cũ bằng tiếng Pháp “ France Illustration ” có một cuốn duy nhất có vài giòng nói về ông họa sĩ Antoine Ponchin nào đó có gởi tranh tham gia cuộc triển lãm một bức tranh vẽ biển. Tôi thật thất vọng. Suy nghĩ thoái trào so với lòng hăng say cách đây vài tuần. Lòng hăm hở có phần xì van giảm áp. Nhưng cũng chưa thất vọng hoàn toàn. Dẫu sao vẫn còn cái đà… Còn nước còn tát. Vốn dĩ lớn lên vào thời kỳ giao thoa. Nửa cầm bút mực, nửa cầm bút bi đã quen. Nay đến thời kỳ nhấn phím @ tôi có phần dốt nát về loại này.
  - Đi mà hỏi Goolge.  Cứ dzô đó rồi làm dzầy…dzầy… Một người bạn nhắc khéo sau khi nghe tôi giãi bày. Nghe lời. Tôi vào bấm. Ponchin. Chả có dính tí tẹo nào đến chuyện của mình cả. Coi kỹ vào…Lòng kiên trì của tôi đã được đền đáp. Một giòng chữ Antoine Ponchin và có cả tranh bán trên mạng. Đa đã dzậy ta…Có cục gì tròn tròn đứng trước cái tên kìa!...Ay da! Hao hao giống cái của mình ta…Xem kỹ….Thế là trúng mánh…Chữ tròn tròn đó là chữ  " A " được thể hiện theo lối chữ viết hoa. Không phải là chữ " Q "hay chữ " G " như nếp suy nghĩ từ trước tới giờ. Thế mà mình cứ đinh ninh là chữ đứng đầu trước cái tên phải viết theo lối chữ in hoa mới chết. Mới mất công. Thôi dù sao mình cũng đã đạt được mục đích thế là dzui rồi. Quí vị xem thử coi nó " đã " cỡ nào nhé!

Ba tác phẩm tiêu biểu cho họa sĩ Antoine Ponchin tìm thấy trên mạng.


                            Antoine Ponchin.   Bord de Mer sur la Cote bleure. 33cm x 23.3cm


      Antoine Ponchin.                 L' Entree du port . 54cm x 65cm



Antoine Ponchin.            Vue d' Antbes le Fort Carre. 33cm x 23.3cm



và bức tranh hiện có.

                                               Antoine Ponchin.  Eo Gió. Qui Nhơn. 

     Một kinh nghiệm quí báu. Chớ nên xem thường bất cứ vật gì khi nó có dấu hiệu lạ…Cẩn thận phải để ý tìm hiểu về nó cho kỹ. Bạn sẽ phát hiện ra giá trị của nó. Nếu ngay chính bản thân nó đã có giá trị đích thực không gán ghép.
     Đây là tấm tranh có giá trị về mặt lịch sử hội họa cận đại của VN. Vì ông là một trong những người thày đưa bộ môn nghệ thuật của phương Tây vào dạy cho người Việt chúng ta. Nó cũng có giá trị kinh tế rất cao dựa vào nhiều yếu tố . Hiếm , đẹp, của bậc thày đã một thời đã dẫn dắt thế hệ đầu tiên của nền hội họa Việt Nam hiện đại.


Giai đoạn 1925 - 1945


Đăng tải bởi Administrator on . Posted in Lịch sử




Danh sách các học giả và họa sỹ nổi tiếng của trường Mỹ thuật Đông Dương:


STT
HỌ TÊN
GIẢI THƯỞNG / HỌC THUẬT
1
Họa sỹ Alix Aymé (1894-1989)
Chuyên nghiên cứu về lịch sử sơn mài châu á
2
Điêu khắc gia Antoine Ponchin (1872 – 1933)
Giải thưởng Đông Dương, 1922
3
Kiến trúc sư Charles Batteur
Chuyên nghiên cứu về kiến trúc đình làng Bắc Bộ của trường Viễn Đông Bác cổ (EFEO)
4
Điêu khắc gia Evarist Jonchère (1892 – 1956)
Giải thưởng Roma 1925
Giải thưởng Đông Dương 1932
5
Kiến trúc sư Ernest Hébrad
Giải thưởng Roma 1904
6
Họa sỹ Georges Barrière (1881 – 1944)
Giải thưởng Đông Dương 1934
7
Họa sỹ Henri Dabadie (1867 -1957)
Giải thưởng Đông Dương 1928
8
Họa sỹ Joseph Inguimberty (1896 – 1971)
Giải thưởng Blumenthal 1922
9
Họa sỹ Jules Besson (1868 -)
Giải thưởng Đông Dương 1925
10
Họa sỹ Lucien Liève (1878 - )
Giải thưởng Đông Dương1929

Học giả Louis Bezacier
Giáo sư khảo cổ học của trường Viễn Đông Bác cổ (EFEO)
11
Họa sỹ Louis Rollet (1895 –1988)
Giải thưởng Madagascar 1929
Giải thưởng Đông Dương 1930
12
Họa sỹ Paul Emile Legouez (1882 -)
Giải thưởng Đông Dương 1926
13
Họa sỹ Paul Jouve (1878 -1973)
Giải thưởng Đông Dương 1921
14
Họa sỹ Raymond Virac (1892 – 1946)
Giải thưởng Đông Dương 1927
Giải thưởng Madagascar 1936
15
Họa sỹ Victor Tardieur (1870 – 1937)
Giải thưởng Đông Dương 1920
16
Học giả Victor Goloubew
Chuyên gia khảo cổ của trường Viễn Đông Bác cổ
 Trích nguồn: Trường Đại Học Mỹ Thuật Việt Nam.

Cauminhngoc
05/3/2012



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét