Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

ĐỚI NGOAN QUÂN và MỸ NHÂN HƯƠNG THẢO.




              CỤC ĐẤT THÓ TRONG NHÀ ĐỘT NHIÊN TRỞ THÀNH VÀNG THỎI.

   GS. Đới Ngoạn Quân (1913-2003). Hiệu Đan Lư và biệt hiệu: Đại Phủ. Người Bắc Kinh. Định cư tại  Cholon Viêt Nam năm 1946. Năm 1954. Ông được mời dạy môn thủy mặc tại Trường Mỹ Thuật Gia Định. Năm 1976 ông di cư sang Pháp và mất tại Paris năm 2003.

                                                Tác phẩm  “ Mỹ nhân hương thảo ”.
    Tác giả. Đới ngoan Quân. Mực trên giấy. Kích thước. 31cm x 54cm. Vẽ mùa Thu năm 1959.


        Đã lâu lắm rồi. Không thể nhớ nổi là vào lúc nào và mua của ai, giá cả là bao nhiêu. Nhưng chắc chắn có một điều đến với tôi là bức tranh này trông rất thanh nhã, nhẹ nhàng. Theo như kinh nghiệm bản thân, những bức tranh vẽ thuần túy là mực thì đa phần do các thi, thư gia thực hiện. Nếu do các họa gia vẽ thì đó là cách họ muốn biểu lộ kỹ năng điêu luyện dụng bút, mực cho mọi người thấy bản lãnh của mình. Đứng trước một tác phẩm loại này nếu có am hiểu về thi, thư và họa sẽ thấy được cái trác tuyệt hay vụng về trên từng nét bút của người vẽ ngay.
        Bức tranh thuần mặc trên giấy “ xín chỉ ” có kích thước trung bình là 31cm x 54cm.. vẽ một cụm lan đất gồm dăm phiến lá và hai vòi hoa. Một vòi vươn lên, một vòi hoành xuống dạng thác đổ, được tạo dáng thật vững vàng, chắc nịch. Lối bố cục về sự tương phản theo quan niệm Đông Phương thật dễ thương nổi bật trong tranh. Trên hai vòi hoa đó là những nụ hoa được tạo hình bởi những cánh hoa nho nhỏ e ấp tròn trịa mờ ảo. Cái nở, cái còn búp, khi tan, khi tụ kết thành chuỗi bên nhau.  Đan chen với những lọn lá ngắn, dài. Chỗ còn chỗ khuất, chỗ mong manh, chỗ dầy dặn trông thật xinh xắn thanh thoát. Tất cả phát nguồn từ bút pháp già dặn điêu luyện cùng thuật dụng mặc tài hoa. Tác giả phân bổ được nhiều sắc độ khác nhau đến từng mảng, qua từng đường nét trên mặt giấy. Không những cho người xem cảm nhận được độ dày mỏng, độ trong trẻo mà còn cho thấy cả một sự vi tế ở đôi chỗ như cạnh của phiến lá bị tưa nhẹ răng cưa, không thẳng bét. Toàn thể cụm Lan trông rất uyển chuyển, dịu dàng đang đong đưa trước gió, nghiêng mình vươn vào khoảng trời thông thoáng để hít thở bầu không khí êm đềm cội nguồn cho sự sống.
        Tổng thể bức tranh chỉ có hai sắc đậm, nhạt. Mặc dù chỉ là đen trắng nhưng do từ bản lãnh nghề nghiệp và đã làm chủ được ngọn bút của mình. Tác giả đã dẫn dắt ta vào sự ẩn dụ của sắc độ. Những sắc đậm. Biểu trưng cho sự khỏe mạnh sung mãn. Những chỗ nhạt nhòa trong veo như muốn lẫn cả vào màu của giấy. Muốn nói đến sự trong trắng, thanh thoát cùng mềm mại và dịu dàng. Trông vào ai cũng thấy sự trẻ trung đoan trang, nõn nà, phơi phới căng đầy nhựa sống mà tác giả muốn gởi gắm trong tác phẩm này qua cụm lan. 
        Trong tứ Quân tử họa. Lan là loại khó vẽ vì nó quá đơn giản, dữ kiện của vật mô tả không nhiều, không có sự trùng lắp, dập đè lên nhau mà tách ra từng chi tiết rõ ràng, không che dấu. Những nét dài của lá dễ làm cho người vẽ hụt tầm, hẫng tay hay khuỵu nửa vời, dễ lộ sự thô thiển luộm thuộm, non nớt. Bởi thế khi ta thấy một ai đó dám xuống bút vẽ trần xì một cây Lan thì đó là một người rất tự tin vào khả năng cầm bút của họ. Nhìn càng kỹ tác phẩm này càng thích.  Tôi chỉ lõm bõm đọc được Mỹ nhân…thảo. Kỷ Hợi…ở lạc khoản. Tên tác giả đọc không được vì viết theo lối hành thư. Tôi chủ quan cho là của anh thi thư gia Tàu nào đó trong Cholon vẽ tặng nhau chứ không phải là các họa gia tên tuổi vẽ cho dẫu có đẹp . Như thế thì không có giá trị mấy nên cũng làm biếng vác đi hỏi mới ra cớ sự. Thôi ta chơi ở cái đẹp, cái mình thích là được rồi. Tôi tự an ủi vậy. Một đánh giá của kẻ dốt chữ. Không đọc được phần lạc khoản, cũng không đọc nổi tên tác giả thì làm sao hiểu hết giá trị. Mỗi khi gặp được tấm nào hay, đẹp nếu mua được lại phải chạy tìm thày. Chính điều này đã làm tôi không còn mặn mà cho lắm về loại tranh thủy mặc. Nói thế không phải là tôi bỏ hẳn. Nếu nó có dấu hiệu xưa cũ. Những tấm nào vừa ý thích mắt thì vẫn hung hăng đưa sừng húc chứ không tha đâu à nha! Mê mà….
       Cái chuyện có mới nới cũ. Đó cũng là điều không tránh khỏi với bất cứ là ai. Những ngày nóng sốt, hăm hở từ từ tẻ lạnh, loãng dần. Bức tranh được cuộn lại cất, để dành thời gian cho việc ngắm những cái mới mua... Năm 2006. Lần đó tôi bán được một loạt tranh tên chục bức cộng hai tụng sách gần cả ngàn cuốn. Một tụng sách trên 400 cuốn giấy bổi káo cạnh như mới, nhiều cuốn trong đó còn có thêm chữ ký tác giả thuộc vào hàng đại lão quí hiếm. Một tụng sách gồm hơn 300 cuốn đa số là những tác giả nổi tiếng trong giới văn học hiện đại trước 1975 đề tặng mà tôi đã để dành và tuyển lựa cẩn thận từ khi khởi nghiệp. Ngài Luật sư đã bợ lô sách này của tôi là người Việt ( không phải Việt Kiều ) có văn phòng ở đường Hồng Bàng thuộc Quận 5 ở Cholon. Vị này được tôi đánh giá là có tầm hiểu biết mới, một đại gia chịu chơi. ( Bỏ ra hơn 30 miếng SIC mà không khen chịu chơi sao?). ( Không thích mấy về loạt sách có chữ ký nhưng có lẽ hai bạn Nhật Anh và Thanh Hoài của tôi tiếc nhất là tụng sách giấy bổi cho đến tận bây giờ…thì phải. Hai vị cũng đừng buồn vì ngài Luật sư ôm trọn gói, trong khi các bạn chỉ muốn mỗi loại sách giấy bổi thì làm sao…mặc dù rất quí các bạn ). Nhờ bán được lô tranh và sách đó nên có tiền rủng rỉnh. Những tấm tranh nào thích ý, tôi lôi ra đem đi cho làm khung tất, cỡ vài chục bức có, trong đó có tấm Phong Lan này. Xong khung. Tôi đem treo khắp, chỗ nào treo được là lên liền, còn lại chất xếp lớp ngay tại của hàng sách cũ của mình ở số 292 Võ văn Tần, Quận 3. Cánh cửa tiệm mở ra, đóng vào hai lần cho mỗi ngày. Thỉnh thoảng cũng lên đường không phải là ít những anh em họ hàng với tấm Lan. Riêng nàng mỹ nhân. Chả mấy ai buồn ỏ tới có lẽ vì nàng mộc mạc, chân chất quá. Gái quê không bắt mắt thiên hạ chăng?. Thời gian trôi qua. Bức tranh thỉnh thoảng lại thay đổi vị trí cũng chỉ quanh đi quẩn lại trong quán. Nói không thì cũng không đúng vì cũng đôi lần có người dạm ngõ, nghe tên tuổi nàng xong quất ngựa truy phong không chút bụi nào vương vãi trên mặt đường. Không biết bức tranh nghĩ gì? Không biết có bức xúc cho thân phận hẩm hiu, vô duyên của mình hay không! Còn tôi chừng mực nào đó vẫn có phần thờ ơ với nó vì ngậm lâu! Oải! Để rồi vào một sáng, tôi vừa mở cửa tiệm đã thấy nó nhảy từ trên cao xuống nằm sóng sượt dưới đất, khung gãy xiêu vẹo, kính vỡ tan nát văng tung tóe khắp nơi. May mà mặt mũi vẫn nguyên vẹn không bị kính vỡ cắt hay trầy xước gì. Thấy cái cảnh tang thương ngẫu lục này, tôi cũng có phần xon xót vu vơ đôi chút. Sau khi nhặt nhạnh dọn dẹp sạch sẽ. Tôi bẻ khung ngoài vất còn riềm giấy chung quanh cứ để nguyên như vậy dựng đại nó vào chỗ cũ mặc cho thời gian tắm gội từ đó đến nay. 








Một số ảnh chụp cận cảnh chi tiết quan trọng trong tác phẩm. " Mỹ nhân hương thảo ".

         Tháng 03/2012. Có dễ đã gần nửa thập niên nó quanh quẩn nằm vật vạ trong tiệm kiên trì chịu đựng cho cái số kiếp mong có ngày tỉnh giấc?. Cơ hội đã tới... Nàng Công chúa ngủ trong tiệm được đánh thức bởi một anh bạn trẻ người Hoa. Anh chàng này cũng đã từng mua sách của tôi đã nhiều lần bỗng dưng mất tăm dễ đến hơn 02 năm có ( Hỏi ra mới hay chàng đi làm nghĩa vụ quân sự ). Hôm nay anh bạn trẻ này quay trở lại bán cho tôi hai bức tranh thủy mặc và một bức thư pháp. Sau khi trả giá nhưng chưa ngã ngũ. Anh bạn trẻ quan sát tiệm và ngước nhìn lên bức tranh vẽ lan để mãi tít trên nóc kệ sách ở nơi góc nhà không mấy gì là sáng sủa cho lắm. Bức tranh này trước đây anh đã từng nhìn thấy nhưng chả hỏi han gì. Hôm nay lại đòi mua. Tôi chột dạ trả lời không bán và dùng nó treo làm mồi nhử. Một lúc… sau khi ngắm nghía. Tự dưng anh bạn trẻ này buột miệng nói:
              - Bức này của ông Đới ngoan Quân vẽ. Khi nghe qua tôi hơi hẫng…
              - Bức này của Đới ngoan Quân thiệt hả? Tôi hơi nâng thanh vực lên một chút tỏ sự ngạc nhiên.
              - Tui đâu có đọc được tiếng Hoa nhưng thấy vẽ đẹp nên giữ lại. Tôi tiếp.
              - Nè! Mỹ nhân hương thảo. Kỷ Hợi Thu. Đới ngoan Quân tả. Cầm bức tranh, đưa ngón tay chỉ vào từng chữ, chàng ta đọc vanh vách như Thần nhân khẩu ứng.
              - Tưởng chú bán con mua về chơi! Con cũng hay đi loanh quanh trong Cholon tìm mua nhưng không còn. Chàng ta tâm sự.
              - Nhà em có nhiều tranh không?
              - Có! Nhưng ít thôi!
………………………..
 Thế là nhờ một cậu bạn trẻ người Hoa mà tôi  đã nắm bắt được giá trị cộng hưởng đích thực của nó khi nắm rõ nguồn gốc tác giả bức tranh. Không còn mơ mơ màng màng như xưa nữa.  “ Mỹ nhân hương thảo ” đã bao năm bị bỏ bê, lăn lóc hết chỗ này qua góc nọ nơi tiệm sách cũ. Như nàng Công Chúa ngủ trong rừng. Bây giờ đã được đánh thức. Cô gái lọ lem bỗng chốc đã trở thành một Công Chúa. Làm sao?! Ai mà dám bỏ bê nàng nữa kia chứ !.
          Một tác phẩm quí, khá hiếm còn sót lại của họa gia Đới ngoan Quân. Một người có tên tuổi rất lớn đã từng sống tại miền Nam Việt Nam ba thập niên ( 1946-1976 ) và có dạy vẽ ở trường Mỹ Thuật Gia Định ở giữa thế kỷ XX. Câu chuyện cục đất thó bỗng chốc hóa thành cục vàng của tôi là vậy. 



Cauminhngoc
Tháng 05 /2013.

        MỘT VÀI KỲ TRIỂN LÃM CỦA HỌA SƯ ĐỚI NGOẠN QUÂN.

      
Triển lãm. Những kiểu mặt nạ trong hát Bội Trung Quốc. 
Từ ngày: 18 tới 28/11/1960 tại Pháp quốc Văn Hóa Hiệp Hội.
Số. 22 đường Gia Long. Saigon.

Triển lãm. Những kiểu mặt nạ trong Hát Bội Trung Quốc. 
Từ ngày: 07 tới 16/12/1959 tại Phòng Thông Tin Việt Nam. Dường Tự Do. Saigon.

Triển lãm. Ngà chạm và khắc. Từ ngày: 02 đến 08 Tháng 12 năm 1955. 
Tại Phòng Thông Tin. Đường Tụ Do. Saigon.


 Dưới đây là trích đoạn bài viết của Học giả, nhà nghiên cứu Hán Nôm Phạm hoàng Quân viết cho Chinese Heritage Centre, Singapore.
      12, Nanyang Drive (Nanyang Technological University) Singapore 



Đới Ngoan Quân 戴頑君 (1913 - 2003 ), người thành phố Hành Thuỷ 衡水市tỉnh Hà Bắc河北, từ thuở nhỏ đã yêu thích hội hoạ truyền thống. Năm 20 tuổi vào học ở Học viện Mỹ thuật Bắc Kinh 北京美術學院. Trong chiến tranh kháng Nhật, Đới Ngoan Quân bỏ học tòng quân. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, ông theo quân đội Trung Hoa sang Việt Nam tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật Bản. Sau năm 1946, Đới Ngoan Quân giải ngũ và định cư Sài Gòn, theo nghiệp giảng dạy hội hoạ, năm 1976 di cư Paris 1, sống ở đây đến cuối đời, nhiều năm làm cố vấn văn hoá cho Âu Châu Thời báo.

   Năm 1954, khi trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật [Sài Gòn] thành lập, Đới Ngoan Quân được mời giảng dạy bộ môn Quốc hoạ Trung Hoa. Vốn là hoạ sĩ theo Kinh phái [Quốc hoạ truyền thống], ông sở trường công bút và ngoài tài nghệ hội hoạ còn nổi danh với những tác phẩm điêu khắc tinh xảo trên các loại vật liệu ngà, xương, đá v.v.2 Trong lĩnh vực thư pháp, Đới Ngoan Quân cũng nổi danh với thể chữ Lệ, nhiều văn nhân hoạ gia đương thời đã nhờ ông đề chữ nhan đề lên thi văn tập hoặc vựng tập, việc này ngoài ý nghĩa kỷ niệm sự giao tình, nó còn biểu lộ sự trọng thị tài năng và phẩm chất của ông trong cộng đồng.   

   Giỏi văn chương và được đào tạo nghệ thuật trong chốn hàn lâm nên ngoài tài năng về  thư hoạ điêu khắc, Đới Ngoan Quân còn có thêm sự hiểu biết sâu rộng về lý thuyết hội hoạ. Am hiểu về phong cách đặc điểm các hoạ phái cộng với biệt nhãn khi xem tranh, ông lại được giới thư hoạ gia đương thời khâm phục trong việc bình điểm tác phẩm. Các hoạ gia nổi danh như Lương Thiếu Hàng, Hoàng Hữu Mai, Hà Lãng Hùng...đã từng nhờ Đới Ngoan Quân viết lời tựa hoặc đề từ cho các ấn phẩm của họ3.

Tác phẩm của Đới Ngoan Quân gồm các loại như tranh thuỷ mặc, triện khắc, thư pháp, điêu khắc vi tế … đều được giới sưu tập trân quý, nhiều bảo tàng viện trên thế giới trưng bày. Ngoài những lần triển lãm ở Việt Nam và Pháp, trước sau có hơn 10 lần triển lãm tại ở các quốc gia khác. Tác phẩm “ Thiên phong hải đào - 天風海濤”  in trong vựng tập Việt Nam Sùng Chính Y viện Thư Hoạ nghĩa triển đặc tập 4 cho thấy rất rõ phong cách thuỷ mặc Kinh phái của Đới Ngoan Quân, bút pháp rắn chắc mà nhuần nhã, sử dụng công bút vừa đủ ở không gian cận cảnh, vừa hiện thực vừa ẩn dụ về những làn sóng biển mạnh mẽ hàng hàng lớp lớp, khiến người xem như nghe thấy trong tranh có tiếng gào rít và sự chuyển động của gió. Tác phẩm điêu khắc vi tế nổi tiếng nhất là văn bản Thánh Kinh- Tân ước toàn thư [ 馬可福音] được khắc trên phiến ngà voi 7x 8 cm, toàn văn 16 chương cộng 18.000 chữ, khắc theo thể chữ Khải, cùng với phiến ngà khắc văn bản là 7 phiến khác khắc tranh minh hoạ, bộ ngà 8 miếng này hiện thuộc sở hữu của Bảo tàng viện Toà Thánh Vatican.
Năm 1985, Đới Ngoan Quân được phong Viện sĩ Danh dự Học viện Mỹ thuật Da Vinci [Italia]. Tại Pháp, năm 1986, thành phố Long le Saunier tặng Kỷ niệm chương Văn hoá, cùng năm này, thành phố Montelimar cử ông làm Chủ tịch Danh dự cho cuộc triễn lãm Tác phẩm mỹ thuật vi tế thế giới. Ngày 12 tháng 10 năm 1998, Đới Ngoan Quân được Thị trưởng Paris tặng Huy chương Văn hoá thành phố Paris, trong buổi lễ được tổ chức rất long trọng này, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Sái Phương Bá蔡方柏 đã đọc diễn từ có đoạn: “ Ông Đới là một nhà ái quốc vĩ đại, là một nghệ thuật gia đa tài đa nghệ, thấm nhuần và am hiểu sâu sắc nền văn hoá Trung Quốc, trong con người ông tập trung nhiều phẩm chất ưu tú của dân tộc Trung Hoa.” 5. Trong cuộc sống, Đới Ngoan Quân rất nhiệt tâm trong việc công ích, Hoa kiều các giới tại Pháp một mực kính trọng. Tên Đới Ngoan Quân được ghi nhận trong Từ điển danh nhân nghệ thuật thế giới, Pháp quốc Mỹ thuật niên giám, Đương đại Thư hoạ triện khắc gia từ điển, Thế giới Hoa kiều Hoa nhân từ điển .v.v.6
   Hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam 30 năm, với khoảng 20 năm dạy vẽ tại trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật, ảnh hưởng của Đới Ngoan Quân đối với giới hoạ sĩ hàn lâm khá lớn, nhất là đối với những hoạ sĩ vẽ tranh lụa và tranh màu nước. Là hoạ sĩ theo Kinh phái, Đới Ngoan Quân khẳng định sự nghiệp hội hoạ và suốt đời theo phong cách của phái này. Kinh phái 京派hình thành khoảng đầu thế kỷ XX ở vùng Bắc Kinh, với các hoạ gia tiêu biểu như Kim Thành 金城(1878-1926), Diêu Hoa 姚華(1876-1930). Trong giai đoạn Quốc hoạ Trung Hoa đang hồi nhàm chán và bế tắc, hoạ sĩ theo hội hoạ truyền thống đã ra sức bảo tồn bằng những tìm tòi, gia giảm trong kỹ thuật bút pháp và  ý đồ nghệ thuật, cố gắng đưa hội hoạ truyền thống mang một sinh lực mới, đủ sức hấp dẫn thanh niên đương thời. Các hoạ sĩ Kinh phái vận động các trường học tổ chức giảng dạy môn quốc hoạ và để cố kết tinh thần thanh niên đối với văn hoá truyền thống, họ gọi Kinh phái là Quốc tuý phái 國粹派 7. Trong nhiều thành công của một đời người, điều đáng nói ở Đới Ngoan Quân có lẽ là việc ông đã dành cả đời vào mục tiêu phổ biến quốc hoạ Trung Hoa trên không gian Á- Âu rộng lớn.   



Chú thích
  1. theo Âu Châu Thời báo, bản Trung văn, số ra ngày 15 tháng 10 năm 1998. 歐洲時報- 星期四 15 Octobre 1998 . “戴頑君榮獲巴黎市文化銀質獎章
  2. theo Văn hoá & nghệ thuật người Hoa thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tác giả, Trung tâm văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, 2006. [ Phạm Hoàng Quân, Chương VIII, Hội hoạ và Thư pháp người Hoa TP. HCM], trang 233.
  3. Đề từ cho Nam Tú hoạ tập đệ nhị tập (1967) của thầy trò Lương Thiếu Hàng; đề tựa cho Hữu Mai hoạ tập 友梅畫集(1958) của Hoàng Hữu Mai黄友梅; viết lời giới thiệu các tác giả cho Cổ Tùng Hiên sư sinh tác phẩm niên triển tập 古松軒師生作品年展集(1973) của thầy trò Hà Lãng Hùng何嬾熊
  4. Việt Nam Sùng Chính Y viện Thư Hoạ nghĩa triển đặc tập 越南崇正醫院書畫義展特輯, Hoa Nghệ Kha Thức ấn vụ cục xuất bản 華藝柯式印務局, Chợ Lớn 堤岸, 1970. (trang 64)
  5. theo Âu Châu Thời báo, bản Trung văn, số ra ngày 15 tháng 10 năm 1998.
  6. theo Âu Châu Thời báo, bản Trung văn, số ra ngày 15 tháng 10 năm 1998. Các sách này Âu Châu thời báo chỉ nêu tên sách, không rõ quốc gia xuất bản, nhà xuất bản và năm xuất bản. Ban biên tập và độc giả có thể tra cứu thêm để xác thực.
  7. theo Vương Bá Mẫn 王伯敏, Trung Quốc Hội hoạ thông sử 中国绘画通史,  Tam Liên thư điếm xuất bản 生活-讀書-新知 三联書店, Bắc Kinh, 2000. [tập hạ, trang 404-407].

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét