Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

CHUYỆN MUA TRANH...


CHUYỆN MUA TRANH…


Họa sĩ: Duy Thanh. Thung lũng hồng. Kt: 80cm x 100cm. Năm vẽ: 1961. Chữ ký góc phải dưới.




        Nói về chuyện đi mua tác phẩm xưa cũ của một họa gia có tên tuổi hay được đánh giá là có giá trị nghệ thuật cao.  
  Biết nói như thế nào cho phải. Dễ thì cũng dễ đấy. Nhưng bảo khó thì nó cũng không sai.
  " Chơi đồ cổ là chơi trên sự thiếu hiểu biết của thiên hạ " một câu nói hơi  "shóc" không biết của ai mà tôi đã từng nghe. Nhưng muốn thực hiện được nó bạn phải là người có bản lãnh thực sự. Nếu không thì bạn sẽ ôm một mớ xà bần mà cứ tưởng là vàng thỏi.
   * Cái dễ cho ta là khi gặp phải người bán không biết gì về giá trị của nó. Trường hợp này. Vận may đã mỉm cười với bạn. Với điều kiện bạn phải am hiểu hơn họ. Nếu không  bạn sập bẫy...kẻ săn...nai.
   * Cái khó cho bạn. Đó là gặp phải người am hiểu đã rất rõ  giá trị đích thực về sản phẩm đang trong tay họ ( Điều này là chắc như bắp đá vì từ khi mua về họ đã có rất nhiều thời gian để tìm hiểu về nó ). Với những người như thế này. Cơ hội trúng mánh bạn nên loại bỏ...mà cần xem xét những yếu tố quan trọng về cái mình sắp mua. Đó là:
   - Người bán có uy tín hay không?
   - Giá cả như thế nào? Bạn không nên ảo tưởng về chuyện vớ bẫm khi người bán họ có quá trình kinh nghiệm trong nghề. Mà chỉ mong vào chuyện thương lượng làm sao để chuyện giảm giá có phần lợi cho mình thì hay hơn.
   - Sản phẩm mình muốn mua đúng là có giá trị người thật vật thật không? Với sự hiểu biết có bề dày kinh nghiệm của người sỡ hữu. Tranh có độ tuổi 50, 60 năm còn dễ thở... Từ 70 năm trở lên " thất thập cổ lai hy ". Loại này...chắc hẳn là phải hiếm và quí. ( Chỉ nói về những tác phẩm của những họa gia tên tuổi và chớ nhầm lẫn giữa mỹ thuật và mỹ nghệ. Hai cái nó cách xa nhau dữ lắm đó...)
   - Người bán có dám cam kết làm giấy đảm bảo với bạn về sản phẩm của họ là chính bản không?
   - Hãy lắng nghe để hiểu biết về họ cũng như nghe họ tán về sản phẩm họ có trong tay. Hãy cố gắng nhận xét về giá trị đích thực có đúng là là như thế hay bị thêm gia vị vào quá nhiều. Nếu không am hiểu hơn thì nên lắng nghe. Không mua được cũng có một bài học kinh nghiệm cho bản thân.
   - Chớ coi thường họ...Sự hiểu biết của mỗi người đều có sở trường sở đoản...Nên tôn trọng lẫn nhau là hơn cả. Hãy học từ họ những cái bạn chưa thấu đáo.
   - Có nhiều người bán rất là khó chịu...Họ chỉ tiếp khi họ cảm thấy bạn có khả năng, hiểu biết thật sự cộng thêm sự ham thích...nhiệt tình. Hỏi dấm dớ...chắc là bạn sẽ nhìn thấy con cá vàng đang lửng lơ thản nhiên bơi...Bạn đi mua hột xoàn hay đi mua viên bi thủy tinh về cho con chơi vậy?
   - Cái tốt nhất nếu không đủ bản lãnh thì hãy tìm một chuyên gia có tính trung thực cao đi cùng cố vấn cho bạn.
   Cho nên muốn mua một tác phẩm nghệ thuật có tầm vóc thực sự. Trước hết bạn phải nắm vững giá cả tương đối về nó, về mọi khía cạnh sản phẩm muốn mua. Còn giá cả nó là một chuyện khó chịu nhất... Khi muốn mua nên tham khảo trước về giá cả những sản phẩm cùng trang lứa trên thị trường so sánh thật kỹ về mọi mặt và tùy theo khả năng về tài chính cộng thêm sở thích của mình rồi quyết định tới hay dừng. Đỡ mất thì giờ cho đôi bên.
   - Nếu đủ khả năng. Công thêm cái thích. Cứ mạnh dạn " Kỳ kèo bớt một thêm hai " không xong...quyết định ngay...Tránh cho chuyện hối tiếc có tiền vẫn đứng ngó nó treo trên tường nhà người khác.
   - Chớ nên ảo tưởng đánh đồng giá cả giữa tranh cũ của tác giả nổi tiếng với tranh cũ vớ vẩn hay tàm tạm. Và coi chừng bị hẫng khi thấy một trời cao vòi vọi so với vực thẳm suy nghĩ của mình xuất hiện giữa nhà khi họ báo giá...
   - Một tác phẩm nghệ thuật có tầm cỡ càng để lâu sẽ tăng thêm giá trị về kinh tế cũng như văn hoá. Thang bậc giá trị được tính theo cái giá người mua cuối cùng.
      - Luôn luôn phải ghi nhớ trong đầu. " Mua lầm. Bán khó lầm...". Với những người bán có nhiều kinh nghiệm. Cơ hội được " bắt tận tay, day tận trán " những vật phẩm có giá trị lớn mà họ lưu giữ sẽ có diễn tiến hơi phức tạp. Họ thăm dò, tìm hiểu bạn từng chút. Họ đo " Tăng-xông " bạn xem như thế nào. Họ sợ mất công, đôi khi còn gặp cảnh bực mình vì đối tượng đòi mua không biết chút gì về giá trị của nó...cứ nghĩ rẻ mua chơi...Đừng buồn và trách họ khó...Nếu bạn có tư tưởng dấm dớ đó thì họ cũng nghĩ. Đâu có rảnh dữ dzậy...cả đống tiền của..mà tự dưng rước...về xem chơi cho vui à ???. Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Các cụ xưa đã dặn rồi...không nhớ sao?
      
       Một câu chuyện đã từng xảy ra. Một Việt Kiều nọ muốn mua bức tranh con  mèo do Fujita đích thân vẽ ngay tại chỗ trao cho người hâm mộ, nhân cuộc triển lãm trao đổi văn hóa giữa Nhật và Đông Dương trưng bày tại Dinh Xã Tây (Tòa Đô Chính Saigon ngày nay) vào Tháng 22 năm 1941. Bức này gốc là của cụ Vương hồng Sển khi ấy đã chịu khó xếp hàng và phải chìa ra một đồng vàng lúc đó để lấy con mèo về chơi. Không hiểu sao lại lọt vào tay nhà văn miền Nam chuyên viết truyên trinh thám kiêm mua bán cổ vật lão luyện này. Không hẹn với người mua tại nhà mình mà lại hẹn gặp ở quán cà phê. Sau một chặp trao đổi. Vị nhà văn khả kính tuyên bố là mình không có bức tranh con mèo đó. Thế mới điên. Khi nghe kể. Lúc đầu tôi cũng có ý trách vị nhà văn nọ. Nhưng sau này...
   - ANH TA CHẲNG BIẾT CHÚT GÌ VỀ TRANH CẢ...CÓ ĐƯA CHO HẮN XEM HẮN CŨNG CHỈ NGHĨ LÀ GIẤY CHÙI MIỆNG THÔI !!! MÀ TRANH QUÍ...CÓ RẺ ĐÂU....NÓI KHÔNG CÓ CHO NÓ DZÌA CHO RỒI!
Vị nhà văn này đã nói như thế.

                                                                             
Chữ ký Foujita trên cuốn catalog triển lãm tại Dinh Xã Tây (Tòa Đô Chính hiện nay ). Năm 1941.


     Thêm một câu chuyện mua bán làm tôi cũng có chút băn khoăn.
    Có anh bạn trẻ khoe với tôi mua được hai bức tranh của Tô ngọc Vân vẽ chân dung một người vào thời kháng chiến trong lúc đi qua làng nọ cùng người học trò. Sau đó Tô ngọc Vân mất trong chiến tranh. Hết loạn...một thời gian sau người học trò trở thành họa sĩ ( Người bạn trẻ không nói tên). Vì kính trọng thày mình, cũng như hiểu tranh của thày mình bây giờ đứng ở vị trí nào trong thị trường...nên đã quay trở lại gia đình có bức tranh trên đang dùng làm hình thờ với đề nghị đưa một số tiền và vẽ lại người trong tranh có mặc thêm áo thay vì mình trần để thờ cho trang trọng.         

    Người bạn trẻ đã mua lại bức tranh này thêm một bức nữa của cùng họa sĩ trên, nghe đâu chừng 4000usd thời điểm sau năm 2000. Tôi hỏi sao ông họa sĩ bán rẻ vậy? Anh bạn trả lời. Bây giờ ổng giàu lắm không cần tiền...?!?!...nên bán!
    Các bạn thử nghĩ xem. Tranh của thày mình, đã từng một thời gắn bó trong kháng chiến. Vị trí xã hội và trong làng thuộc đẳng cấp. Nhất Trí... nhì Lân... tam Vân... tứ Cẩn. Dân trong làng ai cũng thèm có một bức trong bộ sưu tập...Căng mắt mà tìm...(Coi chừng căng quá toét mắt...mù dở,thong manh thì chết đấy!). Gặp...giá cả mãi trên trời xanh...với không tới...
    Quả là khó nghĩ. 
    Anh bạn trẻ của tôi gặp may khi gặp được một người quá giàu không cần tiền và coi rẻ kỷ niệm giữa và thày trò. Càng không hề quan tâm đến bậc thang và vinh dự trong làng hội họa của một người có đẳng cấp khi sở hữu được nhiều tác phẩm lớn chăng?
   
    Thêm một chuyện nữa cho đủ bộ tam sên.
Trên Phố Mua Bán. Có anh bạn bí danh " Bin " đã từng viết trong phản hồi của tôi rằng. Có ông tên " Bổng Hàng Buồm " sở hữu hàng vài trăm chữ ký của ngài họa sĩ Bùi xuân Phái, trên mảnh giấy cỡ 10cm x 15cm. Giá bán cứ 100USD/tờ. Muốn mua phải tầm đến tận nhà, xìa tiền ra, cộng thêm thái độ kính cẩn, năn nỉ thì ngài mới bán cho. Nếu thắc mắc vặn vọ bị đuổi ra khỏi cửa tức thì không bán...thế mới kinh.

Nguyên văn lời của bạn Bin.
         ...................................................................................................


" Chữ ký của Bùi Xuân Phái từ lâu đã là cái thú sưu tầm của nhiều người. 

Người lưu giữ được nhiều chữ ký nhất vẫn là ông Bổng Hàng Buồm.

Ông này có khoảng vài trăm chứ ký (kích thước 10cm x15cm)."

( sao y bản chính )


    Họa sĩ họ Bùi. Tranh không nhiều vì khó khăn trong cuộc sống ( nghe đồn) không có vật tư để vẽ ( sơn dầu quí hơn vàng trong thời kỳ đó. ) Ông lay hoay chỉ nguệch ngoạc bằng màu bột, màu nước( đa số)...trên bất cứ cái gì...thèm vẽ.... nghiện vẽ mà!...Thế thì lấy đâu ra giấy để mà ký tên trần xì hàng loạt ? ( thế mới lạ ).
   Cái tốt nhất là hãy suy nghĩ nghiêm cẩn vào. Đừng bao giờ nghĩ là mình khôn mà hãy nắm bắt giá trị cho thật đúng đắn. Số tiền bỏ ra lớn chứ không nhỏ. Một trò chơi máu thịt không cho phép nhầm lẫn...bông lơn...Muốn sở hữu quí vật giá trị lớn thì phải đánh đổi bằng một cái gì đó tương xứng. Không ai dại khôn trong chuyện này. Điều muốn nói. Ta có đủ bản lãnh hay không mà thôi.

Cauminhngoc  
Tháng 05/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét