Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

KTS. NGÔ VIẾT THỤ VÀ TÁC PHẨM " NGÕ TRÚC ".


KTS. NGÔ VIẾT THỤ VÀ TÁC PHẨM " NGÕ TRÚC ".



Hình 01 - HS. Ngô viết Thụ. “ Ngõ Trúc ”. Sơn dầu/ bố. Kích thước 74cm x 93cm. Năm 1965. Chữ ký góc phải dưới.



                                                      Hình 02. Trích đoạn tổng thể phần giữa.


          Hình 03. Chi tiết bố cục những mảng lá trúc. Với bút pháp này muốn vẽ lại cho giống...?


                                                      Hình 04. Chi tiết phần phối sắc nóng...


                                                      Hình 05.  Chi tiết phần phối sắc lạnh...


                      Hình 06. Chữ ký của ông Ngô Viết Thụ ở góc phải dưới bức tranh. Năm 1965.


Hình 07. Chữ ký của ông Ngô Viết Thụ trên một chứng thư vào năm 1961 (Rìa trái giữa).
( Tư liệu do nhà sưu tập tranh Miền Nam. Ông Vũ Đình Hải cung cấp ).


          Ông Ngô Viết Thụ đã từng đoạt giải Khôi Nguyên La Mã năm 1955. Một giải thưởng về kiến trúc mang tầm vóc Quốc Tế rất được thế giới kính nể. Ông cũng đã để lại những công trình kiến trúc đồ sộ như: Dinh Độc Lâp. Viện Đại học Huế, Viện nguyên tử Đà Lạt, Làng Đại học Thủ Đức, Công trường Mê Linh, Trụ sở Phong Trào Liên Đới Phụ Nữ Việt Nam và một số công trình khác rải rác ở một số thành lớn miền Nam Việt Nam..v..v... Có thể nói rằng KTS. Ngô Viết Thụ là một trong những người Việt Nam đã làm rạng danh cho đất nước bằng chính cái nghê nghiệp lẫy lừng của mình...

          Với những tác phẩm hội họa của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ ( 1926-2000 ) đa phần điều có chút gì đó gợi ý cho mọi người thoáng nghĩ đến nghề nghiệp lẫy lừng của ông. Vì vậy mà mỗi khi đứng trước một tác phầm hội họa nào đó của Ngô Viết Thụ vẽ. Những nét ngang bằng sổ thẳng, khô cứng của ngành kiến trúc nó cứ bãng lãng trong từng tác phẩm, khó mà gột bỏ đi cho hết được… Một sự thật hiển nhiên không thể tránh khi mà cái nghề đã trở thành nghiệp ăn sâu vào tiềm thức con người.       
 
         Riêng về tác phẩm “ Ngõ Trúc ” của Ngô viết Thụ vẽ ở đây lại khác hẳn. Ta gọi ông là " Họa sĩ " đích thực cũng không sai chút nào. Bởi vì bút pháp trong tác phẩm này không còn một tí chút gì dính dáng đến nghề nghiệp Kiến trúc lẫy lừng của ông từ bao lâu nay.
       Trong tác phẩm " Ngõ Trúc ". Nó hàm chứa một cái gì đó sâu thẳm, chất nghệ sĩ tính lắng đọng trong từng mảng mầu nét cọ. Những đường cào vét, mạch vuốt ngắn dài dứt khoát của một vật cứng đã bóc đi lớp sơn bề mặt làm ửng lộ ngẫu nhiên sắc trắng lam nham của lớp bố nền khiến chúng nổi bật giữa những mảng màu đa sắc xẫm nhạt khó có mà lập lại mà Ngô Viết Thụ đã dày công bố cục phủ trùm khắp diện tích mặt bố làm nền móng cơ bản cho tác phẩm. Một lối tạo hình bằng vật cứng tác động lên lớp sơn vẽ còn ướt, lộ lớp sơn trắng bên dưới để tạo dáng cho thân cành nhánh lá của cây trúc khá mới lạ, khiến chúng như đang rực rỡ dưới ánh nắng ban mai, trông thật thanh thoát và sinh động. Khác hẳn với những thân đoạn phân lóng thực tế và không chút ảnh hưởng bởi dòng tranh thủy mặc mà từ lâu nay mọi họa gia mặc nhiên tuân thủ không ai dám vượt thoát,.. Ngô Viết Thụ đã có lối tạo hình riêng, không câu nệ vào chi tiết thực của sự vật mà chỉ muốn mọi người thấy hình dáng tổng thể của cây trúc đang chen mình trong rặng trúc ở phạm trù nghệ thuật bồng bềnh thơ mộng quấn quýt bên nhau theo nhãn quan ảo-thị Ngô viết Thụ. Hãy nhìn kỹ phần không gian ảo thị của ông qua cách diễn cảm màn sương ban mai bãng lãng bên trời bằng sắc độ nhạt nhòa, như thể làn sương sớm mong manh đang cố vươn mình len lỏi vào khắp chốn, như muốn ngăn trở những tia nắng rực rỡ của buổi bình minh đang chầm chậm lan tỏa bám nhẹ lên từng thân cây khóm lá. Sự ấm áp của ngày mới xua tan đi cái lạnh lẽo của đêm trường còn lẩn khuất sau rặng trúc có con đường làng nhỏ bé thấp thoáng uốn lượn như e ấp một tâm hồn nhàn tản, ẩn dật đâu đây....
        Tư duy bùng vỡ trong miền sâu thẳm của tâm thức! Một tác phẩm về trúc hoàn toàn mới lạ so với những cây, bụi trúc của các họa gia lấy lừng từ trước đến giờ trên họa trường. Ngô Viết Thụ đã mạnh dạn đem những nghĩ suy bay bổng của mình dàn trải vào trong tác phẩm như một lời nhắn gởi đến người thưởng ngoạn rằng đây là hội họa của hội họa đích thực chứ không phải là bản vẽ phối cảnh xây dựng để trình cho gia chủ xem trước lúc khởi công...

      Tôi rất thích tác phẩm Ngõ Trúc này. Cũng đã bao lần sử dụng thời gian rảnh rỗi của những buổi tối đến ngồi trước nó chiêm nghiệm từng chút, từng chút nơi những vệt vét, vết cào, cùng những mạch vuốt ngắn dài để lại trên mặt bố những đường gân nét chỉ thật  thanh thoát và mềm mại không thể lập lại lần thứ hai được tự nhiên và thanh thoát như thế cho được. Việc bào cuốn đi lớp sơn vẽ trên mặt, khiến màu trắng của lớp bố nền ửng lên như bắt sáng, nổi bật giữa những gam màu xậm tối đa sắc nhạt nhòa của tổng thể. Tất cả như đang vươn mình đón nhận những tia nắng ấm áp của buổi bình minh, lẫn trong tiếng xào xạc của cành lá đong đưa e ấp trong màn sương sớm nương theo làn gió se lạnh êm đềm lướt qua ... Một tác phẩm hội họa đầy ấn tượng, cực kỳ sống động và tôi thấy tự đáy lòng mình với dạt dào cảm súc.


                                      “ Lung linh sương sớm, mờ ngõ trúc,
                                         Văng vẳng chuông xa, tỏ lối về ”.
                                                                         ( Cauminhngoc )

         Tôi mua bức này cùng hai bức nữa cũng là tranh sơn dầu đã khá lâu phải trên năm năm có, do người bạn giới thiệu mua tại nhà một vị cán bộ về hưu, ông còn ba bốn tấm nữa nhưng vì thấy không thích nên bỏ qua. Có một chuyện muốn nói về bức tranh này. Khi đứng trước nó ở nhà người chủ cũ. Tôi mường tượng như đã thấy nó ở đâu rồi. Nó có vẻ quen quen. Tôi cố gợi nhớ nhưng mãi không được.
         Khi rước về nhà xong xuôi, tôi cố tìm trong đống sách nghệ thuật để dành làm tư liệu. May quá! Tôi thấy nó nằm trong cuốn “ Nghệ Thuật Việt Nam Hiện Đại ” do họa sĩ Nguyễn văn Phương làm chủ biên. Tôi đem ra so sánh. Hơi khó khăn vì trong sách in khổ nhỏ lại là đen trắng nhưng cũng không đến nỗi là không so sánh được. Tôi hơi băn khoăn.    

          Nhìn tổng thể giống nhau đến gần trăm phần trăm. Từ cách vẽ, chi tiết bụi trúc đến ánh sáng lung linh trong tranh. Có điểm khác biệt rất lớn làm cho tôi phải khựng mạch say. Đó là: Nơi góc phải dưới bức tranh trước mặt có chữ ký tác giả và ghi năm 1965. Trong cuốn sách " Nghệ thuật Việt Nam Hiện đại " không có. Tôi vội lật ra đằng sau cuốn sách tìm năm xuất bản. Thời điểm xuất bản là năm 1962.
          Tôi đặt vấn đề: Thật hay giả?  Tác giả vẽ hai tấm chăng?
          Suy đi, nghĩ lại! Làm sao có thể vẽ giả được khi trong sách tranh tuyền là đen trắng. Tranh thực tế tôi đang có trong tay toàn màu. Chẳng lẽ anh chàng nào vẽ giả lại sáng tạo ra toàn thể màu sắc cho bức tranh? Tôi không tin là ai đó có thể làm được chuyện này! Tới phần chữ ký và năm vẽ. Trong sách không có. Tranh thực tế thì ngoài chữ ký ra còn đề năm vẽ là 1965 nữa. Tôi lật trang cuối cùng của quyển sách nơi phần ghi chú lưu chiếu để xem cho kỹ lại. Không có gì khác ngoài thông tin ban đầu tôi đã xem là quyển sách được phát hành năm 1962. Càng rối thêm một khúc. Có sự sai biệt rất khó chịu! Tại sao bức tranh được chụp để in vào quyển sách là vào năm 1962 mà tác phẩm thực sự ngoài đời lại được ký tên năm 1965? Chẳng lẽ ông Thụ lại đi vẽ hai tấm? Cũng có thể lắm! Điên cái đầu! 

                            
                                                Ảnh A.                                    Ảnh B.
         Hình 08. Bên trái (Ảnh A). Tranh màu chuyển thành đen trắng. Bên phải (Ảnh B) lấy từ trong sách "Nghệ Thuật Việt Nam Hiện Đại". Ảnh A chuyển qua đen trắng để tiện bề so sánh.

       Để giải đáp cho việc này theo kinh nghiệm vốn có. Tôi đem hai bản tranh vẽ thực và hình chụp trong sách để sát bên nhau. So đi sánh lại rất nhiều chi tiết có phần gần giống nhau thật tỉ mỉ. Đo lấy tỷ lệ ở những vị trí đặc biệt có dạng tương đồng giữa sách và tranh đem so sánh. Đa phần cho thấy chúng có sự gần giống rất lớn! Như vậy trường hợp ông Ngô viết Thụ vẽ hai tấm bị loại bỏ. Vì nếu vẽ lại không thể nào giống nhau quá xít sao từng chi tiết như vậy được. Nhất là những vệt vét tạo gân lá và thân cây có tính ngẫu nhiên không thể lập lại. Khó có ai mà chịu khó ngồi tỉ mỉ vẽ chi tiết từng sợi gân lá cho được. Nếu có đi chăng nữa cũng khó mà đạt được hiệu quả tự nhiên như thế. Và cũng không thể nào tạo được chất phóng khoáng trong mạch cọ bay bướm và tài hoa như vậy. Với những người như Ngô Viết Thụ nói riêng và các họa sĩ có đẳng cấp khác nói chung vào thời gian trước 1975. Vì lòng tự trọng, không ai làm chuyện vẽ lại tranh của mình cho dù họ có tâm đắc, yêu thích tác phẩm đó đến mấy đi chăng nữa. Cũng như không muốn mọi người gọi mình là đồ " nhai lại ". Tôi càng tin tưởng vào điều mình suy nghĩ khi đứng trước tác phẩm này của ông Ngô Viết Thụ. Chỉ còn chữ ký và năm vẽ là cái mà tôi cần tìm lời giải đáp. Thế rồi sự việc cũng sáng tỏ. Số là sau những lúc chăm chú tìm lời giải mãi không ra. Tôi xếp quyển sách lại, nghỉ một lát… Không chủ đích, tình cờ tôi lật lật quyển “ Nghệ Thuật Việt Nam Hiện Đại ” ra xem, cố moi móc sợ mình còn sơ sót chỗ nào chưa xem đến... Không sót gì… Tôi không nản, lật đến phần tiểu sử các họa sĩ được in trong sách xem chân dung ông Ngô Viết Thụ ra sao. Ối!... Tôi định thần nhìn cho kỹ bức tranh bên cạnh ông Thụ. Nó đây rồi.!  Nút thắt đã tìm được đầu mối để mở. Cứ chiếu theo sách này mà nói thì. Trước năm 1962. Để có tư liệu, ông Phương đã phải đi gặp từng họa sĩ xin chụp chân dung và những tác phẩm, hầu phục vụ cho việc in thành họa tập. Khi gặp Ngô viết Thụ đúng vào lúc ông đang vẽ bức “ Ngõ trúc ” dở dang còn nằm trên giá vẽ. Ông Phương chụp luôn cho thêm phần sống động. Thế mới xảy ra cớ sự... Có điều không hiểu vì lý do gì!? Vẽ từ năm 1962 để mãi đến 03 năm sau 1965. Ông Thụ mới ký tên của mình vào tác phẩm "Ngõ Trúc" của mình!?
     Đây cũng là một dữ kiện thú vị, lạ lẫm đã xảy ra rất cần lưu ý trong chuyện chơi tranh cũ. Rất may là có tư liệu để đối chứng và lý giải. Không thì cũng mệt mỏi lắm chứ không chơi... (1)


                 Cuốn sách " Nghệ thuật Việt Nam hiện đại " do họa sĩ Nguyễn văn Phương chủ biên.


Lý lịch quyển " Nghệ thuật Việt Nam Hiện Đại ". Ở cuối sách.


                  Tác phẩm " Ngõ trúc "  in đen trắng trong sách. Nơi góc phải dưới không có chữ ký...


       Trang giới thiệu trong sách. Ở góc phải dưới bức tranh sát tay áo không thấy có chữ ký của Ngô viết Thụ. 


                                         
      KTS/ Họa sĩ.  Ngô viết Thụ đứng bên tác phẩm Ngõ trúc đang vẽ dở dang. Chưa có chữ ký nơi góc phải dưới…

Trang mục lục hình in đen trắng có chú tên từng tác phẩm và tác giả: H. 46 - NGÕ TRÚC của Ngô viết Thụ.

         Bức tranh "Sơn hà cẩm tú" do Ngô Viết Thụ vẽ hiện đang treo trong Dinh Độc Lập 
(Nguồn Google)  


                   Đồ án được giải thưởng Khôi nguyên La Mã của KTS Ngô Viết Thụ



                                         Bảng đồng gắn ở Dinh Độc Lập ( Saigon )


                                
Bản vẽ mặt tiền trụ sở "Phong Trào Liên Đới Phụ Nữ Việt Nam". Đường 3 Tháng 2. Quận. 10 (Trần quốc Toản cũ). Bên cạnh nhà hát Hòa Bình. Do KTS. Ngô Viết Thụ thiết kế năm 1962. 
    Phong trào Phụ nữ Liên Đới do bà Ngô Đình Nhu sáng lập năm 1958. Sau khi chế độ TT. Ngô Đình Diệm bị lật đổ nơi này được lấy làm tru sở của Hội Đồng Minh tham chiến tại Việt Nam.

Chi tiết phần chú thích trên bản vẽ ghi ngày 31/8/1962. Phụ tá. KTS. Bonin










( 1 ) Sau này dựa vào chữ ký của ông Ngô Viết Thụ trên một chứng thư cấp cho Họa sĩ Nguyễn Trí Minh vào năm 1961. ( Hình 07 ). Tôi khẳng định tác phẩm " Ngõ Trúc " đích thực là của ông Ngô Viết Thụ vẽ và cũng là bản duy nhất được ký tên muộn sau 03 năm. Không thể chối cãi. 


Cauminhngoc           
Tháng 05/ 2013




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét