Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

GIAI THOẠI CÓ THỂ ĐẸP HƠN GIÁ TRỊ ĐÍCH THỰC BỨC TRANH?

 “ ….Vì đôi lúc, bức tranh không đẹp, không giá trị, nhưng câu chuyện người họa sỹ vẽ nên bức tranh trong hoàn cảnh nào và cách sở hữu như thế nào thì đó là cái đep có khi còn đẹp hơn giá trị bức tranh ”.  
        ( Trao đổi trên Phố Mua Bán ).


Lê Thy. Đình làng và tư tưởng Việt Nho. Sơn mài/gỗ mít. KT: 90cm x 60cm. Năm vẽ: Đầu thập niên 5-/TK.20. Chữ ký: Góc trái dưới. Khung nguyên thủy.



    Chuyện này cũng hơi ngặt. Nói như bạn đã bày tỏ thì phải xác định rõ mình chơi cái gì. Chơi tranh hay chơi giai thoại? Riêng với cá nhân tôi. Giai thoại là giai thoại. Mỹ thuật là mỹ thuật. Không thể có chuyện nhầm lẫn giữa hai thứ cho được. Giai thoại không thể nào làm cho mọi người quan tâm đến nỗi quên đi giá trị tầm thường hay giá trị lớn lao đích thực của tác phẩm. Giai thoại chỉ là tình huống phi vật thể xảy ra trong một hoàn cảnh đặc biệt được đem ra gắn kết để giải thích hoàn cảnh ra đời hay sự xuất hiện trở lại của vật phẩm nào đó. Chuyện này có thể thật và cũng có thể là dàn dựng. Nếu chuyện giai thoại có thật đi chăng nữa. Nó cũng chỉ có giá trị trên mặt đưa đẩy…thêm thắt cho ý vị trong lúc trà dư tửu hậu. Chỉ khoác thêm phần hào nhoáng bên ngoài cho tác phẩm vốn tự thân đã có giá trị sẵn rồi! Không thể nào với một sản vật tầm thường mà có được giai thoại hay. Điển hình vài bức sơn mài rẻ tiền được trao tặng từ các cuộc lễ hội lớn. Hay những sản phẩm bậc trung được bán đấu giá. Với mức giá của nó đến nỗi tranh của cụ Trí vẫn còn kém xa. Mặc dầu được loan tin rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước, thậm chí lan ra cả một số nước bạn, trước và sau khi bán. Như vậy. Nó có phải là giai thoại về sản phẩm đó hay không? Ấy thế mà sau buổi đấu giá đình đám, nó trở nên lặng như tờ. Chả ai quan tâm nó đi đâu về đâu!. Nếu có thì cũng chỉ suýt xoa tiếc nuối cho đống tiền được bỏ ra… Vì sao? Bởi vì chính người tạo tác ra sản phẩm đó không có gì đặc biệt để cho mọi người phải hào hứng theo dõi. Còn như nếu rơi vào trường hợp những người có tên tuổi trong xã hội, được mọi người luôn quan tâm thì lại khác. Ví như bộ tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn gia Trí hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Thành phố đường Phó đức Chính, Quận I. Nó cũng có một giai thoại dễ thương...Vào thời điểm tranh pháo trên thị trường cao ngất cũng chỉ đôi ba chục ngàn đô. Vậy mà nhà nước đã dám bỏ ra cả trăm ngàn đô Mỹ dùng quyền tiên mãi giữ lại bộ tranh.( lúc này cụ Trí còn sống. Ai vẽ ra cũng bán được. Với cụ sao lại cấm. ). Không muốn cho tác phẩm có tầm vóc quốc gia bán ra nước ngoài. Với số tiền được cho là khá lớn vào thời điểm đó làm cho ngài Bác sĩ Ngô văn Quỹ động lòng y đức, đã phản biện. Tại sao không dùng số tiền lớn lao đó để hỗ trợ cho các gia đình khó khăn, xây dựng cầu đường cho nông thôn! Chứ không nói gì đến chuyện xây Nhà thương để cứu giúp cho những đồng bào bĩ cực mà trong đó có ngài là thực thể. ( Việc này nếu không được báo chí loan tin thì có lẽ chẳng ai biết ông có tấm lòng "Bồ Tát" như thế. Không rõ là khi ông khám bệnh cho con dân có tính phí....? Có lẽ thế mà ông chỉ muốn xây dựng cầu đường. Tránh những việc dính dáng đến nghề nghiệp của mình chăng?). Đấy cũng là giai thoại. Bởi thế nếu có một tình huống cá biệt. Hay - dở nào đó xảy ra, nó sẽ trở thành giai thoại ngay và giai thoại đó sẽ gắn kết sống mãi với tác phẩm. Tự mọi người sẽ thích thú kể cho nhau nghe, lâu dần trở thành giai thoại. Kinh nghiệm cho thấy nó cũng chỉ xảy ra với những tác giả, tác phẩm đình đám mà thôi! Còn đối với một sản vật tầm thường của một nhân vật bình thường thì khó mà làm cho mọi người chú ý. Chuyện tô vẽ, kể lể dẫu có thật hay. Với bản thân vật thể thuộc hạng thứ cấp thì dù cho nói mấy cũng khó mà chấp nhận khi mà mọi người nhìn thấy sản phẩm đó chả ra gì. Giai thoại là chuyện kể. Lời nói gió bay!!! Do vậy khó mà có giai thoại hay tồn tại để so sánh giữa giá trị sản phẩm yếu kém và giai thoại về nó cái nào hay hơn. Giá trị muôn đời vẫn nằm ở bản thể tác phẩm. Tự thân nó sẽ có sức sống, có sức chuyển tải, hấp dẫn tự nhiên đến người am hiểu. Sẽ được xã hội tôn vinh mà có sức sống lâu dài. Lúc đó giai thoại là thứ ăn theo sẽ có đất sống. Có một vài mẩu chuyện hay về giai thoại hội họa xứ Nhật. Tôi không nhớ chi tiết nhưng đại ý: 
       Có một vị sứ quân rất hùng mạnh cát cứ ở một vùng đất khá rộng lớn. Ông rất đam mê hội họa. Trong cung điện của ông ngoài những tác phẩm lẫy lừng còn có một bức tranh cổ, bút tích của vị thiền sư rất nổi tiếng mà ông rất yêu quí, trân trọng. Chẳng may vào một lần ông rời khỏi cung điện đi thực hiện một sứ mệnh nào đó. Ở nhà cung điện bị hỏa hoạn thiêu rụi không còn sót một chút gì. Mọi người ai cũng cho rằng bức tranh quí kia đã bị hủy hoại vì trận hỏa hoạn đó rồi. Khi vị sứ quân trở về với niềm đau khổ vì mất đi một phẩm vật quí. Nhưng khi mọi người dọn dẹp. Bất ngờ phát hiện ra bức tranh nằm trong bụng một người gia nhân. Mọi người hiểu ra. Để cứu một tác phẩm nghệ thuật của chủ nhân mình yêu thích. Người gia nhân đã hy sinh thân mình bằng cách bọc nó trong một lớp vải, tự rạch bụng ra nhét vào và nằm xấp xuống, nếu lửa có cháy, qua thân xác của con người cũng không ảnh hưởng đến bức tranh….Chuyện này là một giai thoại của nước Nhật và có lẽ chỉ có người Nhật mới có tinh thần như thế và cũng cần xác định lại cho rõ. Người gia nhân đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ một tác phẩm hội họa rất quí giá chứ không phải là thứ tầm tầm, kha khá...
     Cũng một chuyện nữa xảy ra ở xứ mặt trời mọc. Số là có một vị họa sư nổi tiếng về vẽ rồng ở xứ nọ…Một vị Lãnh chúa của xứ đó cũng có sở thích mê rồng. Khi nghe được tin về vị họa sư này như thế. Vị lãnh chúa ngỏ ý  muốn đến xem. Một lệnh được ban ra…Vị họa sư hẹn sau một tháng mới cho xem. Có lẽ ai cũng hiểu quyền lực của các lãnh chúa thời xưa nó như thế nào…Vị lãnh chúa nén giận đợi… Sau một tháng. Tiền hô hậu ủng đến tư thất vị họa sư để xem con rồng được vẽ nó đẹp như thế nào…Sau khi nghi lễ lỉnh kỉnh chủ khách xong. Vị họa sư trịnh trọng dâng lên tác phẩm vẽ rồng của mình cho vị Lãnh chúa thưởng lãm…Một trận lôi đình bộc phát khi nhìn vào bức tranh. Rồng đâu chẳng thấy mà chỉ thấy mỗi vệt mực ngoằn ngoèo trên tờ giấy. Lệnh chém đầu được ban ra. Lúc đó vị họa sư mới sai gia nhân mang ra những cuộn giấy khác đưa cho vị lãnh chúa xem…Mỗi cuộn giấy trong đó là một hình dáng con rồng rất tỉ mỉ, chi tiết ở nhiều tư thế và tình huống…Chỉ vào những cuộn giấy đó. Vị họa sư trình bày với vị lãnh chúa là ông đã bỏ rất nhiều công sức trong tháng để vẽ. Nhưng tất cả đều là tầm thường gò bó, chỉ nói lên được cái hình dáng bên ngoài, không xứng đáng để cho vị lãnh chúa thưởng lãm. Bức tranh được trình lên ban đầu. Đó mới chính là tác phẩm đích thực. Nó vượt khỏi khái niệm hình họa dung tục và được thể hiện bằng tinh hoa, thần thái của ý niệm bút pháp. Cái thần cách sinh động của tâm thức bùng vỡ thông qua ý niệm bút pháp duy nhất để lại trên mặt giấy… Đó mới là tác phẩm vẽ rồng mà vị họa sư muốn cho vị lãnh chúa thưởng lãm. Một giai thoại đề cao tính cách trác tuyệt của thuật dụng mực, bút đã toát lên cái khí và thần trong hội họa của những bậc thày...
    Hai mẩu chuyện này đều cho thấy nguồn gốc tác phẩm đã có tầm vóc ra sao rồi. Cho nên những giai thoại này nó càng làm tăng thêm giá trị của vật phẩm đó mà thôi.
     Một người khoác danh nghệ sĩ mà non tay nghề nhưng có kinh nghiệm từng trải trong cuộc sống, có cơ trí giảo hoạt. Chắc chắn là sẽ có nhiều tình huống ly kỳ, hấp dẫn bù đắp cho sự yếu kém nơi tác phẩm của họ. Hoặc kẻ nào đó muốn bán vật phẩm lưu trữ của mình với giá cao. Họ sẽ không ngại chuyện gắn kết, thêm thắt rất nhiều chuyện bay bổng cho vật phẩm của mình, mục đích làm tăng thêm phần hấp dẫn, vượt quá giá trị thật để lừa người cả tin, giới rủng rỉnh nhưng “ chơi bằng lỗ tai ” vào tròng. Tôi xin kể lại vài chuyện cho vui.
     Có anh bạn trẻ đã từng mua của tôi vài bức tranh và anh bạn đó cũng biết rõ chuyện tôi đã “ thỉnh ” được một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sáng với giá cả như thế nào ngay từ khi mới mua. Bẵng đi một thời gian khá lâu cũng cỡ khoảng năm, sáu năm gì đó, anh bạn trẻ tìm đến gặp tôi. Hai bên hàn huyên cũng khá lâu sau thời gian dài gặp lại. Tôi cũng được anh cho biết là trong thời gian ít xuất hiện đó anh đã lùng sục tìm mua được khá nhiều tranh có giá trị. Tôi đã có lời chúc mừng về việc này. Trước lúc ra về anh bạn trẻ tỏ ý muốn mua lại bức tranh Nguyễn Sáng của tôi. … Không hiểu là anh còn nhớ cái giá mà tôi phải bỏ ra lúc mới mua với số tiền tính bằng vàng mà tôi đã có tâm sự nhân lúc anh đến nhà xem tận mắt bức tranh không? Không kể đến cái giá của một vị luật sư đã trả gấp đôi giá mua cho bức tranh khi mới đem về mà tôi cũng đã từng kể cho anh nghe. Mọi chuyện cho qua. Tôi chỉ nhắc lại số tiền mà tôi đã bỏ ra mua lúc ban đầu tính bằng “ cây ”. Anh công nhận chuyện này tôi nhắc lại là đúng. Rồi làm bài tính nhẩm xong phát biểu là đắt quá. Anh so sánh với hai tác phẩm vẽ thời kháng chiến của Tô ngọc Vân mà anh đã mua chỉ có 5000USD. ( vào thời điểm của năm 2012). Tôi chúc mừng chuyện gặp may này…anh bạn trẻ hào hứng kể cho tôi nghe về giai thoại ra đời của hai bức tranh do vị họa sĩ thuật lại.
     " Hai bức tranh này được họa sĩ Tô ngọc Vân vẽ vào lúc dừng chân tạm nghỉ lấy sức sau thời gian hành quân. Nhóm người của họa sĩ Tô ngọc Vân vào trú ngụ ở nhà một người dân trong làng, rảnh rỗi nổi máu họa sĩ. Tô ngọc Vân đã vẽ tặng chủ nhà hai bức chân dung…Cuộc hành quân tiếp diễn…vài năm sau đó Tô ngọc Vân tử trận…Mọi việc được sống lại khi người đệ tử của Tô ngọc Vân khi xưa giờ đã trở thành họa sĩ, sau ngày đất nước gom về một mối. Người trở thành họa sĩ hôm nay đã nhớ đến những giây phút bên thày mình năm xưa! Không quản ngại gian nan vì nẻo đường xa xôi đã chịu khó lặn lội lên mạn ngược để xin “thỉnh” lại hai tác phẩm trân quí mang bút tích của thày mình vẽ thuở xưa đem về xuôi chiêm ngưỡng… Người bạn trẻ thuật lại là vị họa sĩ này đã ngỏ lời có phần hậu hĩnh. Thân nhân người quá cố đồng ý chọn việc vị họa sĩ sẽ vẽ lại chân dung người đã khuất có mặc áo, thay vì cởi trần như lúc ban đầu mà họa sĩ Tô ngọc Vân đã thực hiện, để thờ cho trang nghiêm kèm một số tiền nhang khói ". Một giai thoại rất đẹp về nguồn gốc hai tác phẩm của danh họa Tô ngọc Vân. Hiện nay hai tác phẩm này đã thuộc quyền sở hữu của anh bạn trẻ tôi quen. Cấu thành bởi sự quý mến của vị họa sĩ đệ tử Tô ngọc Vân với anh bạn trẻ tôi quen. Lý do chính đáng được đưa ra: 
      Giờ này ông đã khá giả không cần tiền nên bán rẻ cho anh bạn trẻ hai bức tranh của danh họa Tô ngọc Vân làm kỷ niệm… để đời!
   
   Đâu đó còn cái cảnh trước khi cho khách vào xem những phẩm vật lưu giữ của mình muốn bán đã thắp nhang van vái!?!? Có người còn cất công mở đến hai ba lớp cửa sắt để mời khách vào xem…những món muốn bán của mình…nghe đâu những thứ chứa trong phòng mỗi món đáng giá từ vài trăm ngàn đến bạc triệu đô la Mỹ!?!?.
   
    Thế đấy! Muốn mua một món đường được là đã phải mắt trước mắt sau rồi! Đắn đo…bứt rứt khi đứng trước một kiệt tác của cha ông không rõ là ngày nào đó nghe có ngươi hô hoán lên…họ đang giữ tác phẩm gốc tại nhà.         
   Buồn buồn ngồi…ngẫm…so với các nước chung quanh! Vài chục năm trước nền mỹ thuật của họ lẹt đẹt sau mình cả khúc…bây giờ nhìn lại mình trở thành kẻ đi sau họ cả vài chục lần hơn thế… Giá cả, uy tín trên thương trường Quốc tế của họ cao ngất ngưởng. Trong lúc mình vẫn ì ạch loanh quanh với những tác phẩm không bằng một sản phẩm mỹ nghệ cao cấp nước bạn. Tại mình tất! Dân bản xứ mà không biết trân trọng với những tác phẩm nghệ thuật của chính xứ mình, thế thì làm sao bảo bạn bè, xóm riềng trân quí tác phẩm của xứ mình cho được? Niềm tự trọng con người, lẫn nghề nghiệp không bằng việc mong muốn được vinh thân phì da. Khi bán được. Cứ thế mà vẽ lại, làm giả cốt để hốt cho đẫy, bất kể liêm sỉ, hậu quả. Mỹ thuật cao quý độc bản thành mỹ nghệ hàng loạt. Giả thật khó phân. Đưa những người yêu thích vào thế việt vị…. Các nhà sưu tập có tên tuổi thì co lại không dám lộ dạng triển lãm giao lưu vì sợ bị sao chép, của giả tràn lan trên thị trường. Làm cho giá trị thật của vật chủ sở hữu bị giảm sút. Muốn bán cũng không xong. Bảo tàng thì nghèo nàn. Có gì treo nấy. Không có kinh phí thu mua…. Chức năng hạn chế không đủ cho giới ham mê nghệ thuật dựa vào tìm hiểu, học hỏi. Như thế làm sao khích lệ được những thế hệ trẻ đi sau lăn xả…Ôi thôi! Đủ thứ. Nhìn vào cứ như nồi " rựa mận thiu "... Chịu khó nhìn vào sinh hoạt thị trường tranh trong nước tất rõ…
        Trên đây là một vài suy nghĩ chủ quan các bạn sẽ thử suy gẫm tìm hiểu xem thực hư ra sao…riêng bản thân cũng đã chiêm nghiệm…CHO ĐỜI THÊM VUI. Nếu có gì không phải xin bỏ quá đi cho.

Thân mến. 
Cauminhngoc
24/7/2014


"Bà xã" đứng bên tác phẩm sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí được nhà nước lấy quyền tiên mãi để giữ lại. Hiện đang trưng bày trong Viện Bảo Tàng Thành Phố đường Phó đức Chính Quận I.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét