Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

TRANH LỤA! NÊN BẢO QUẢN NHƯ THẾ NÀO?

       
                                     
                   Tú Duyên. Bà cháu. Tranh lụa. Kích thước: 30cm x 30cm. Vẽ năm 1974. 
                             Bảo quản không kỹ. Mặt tranh có đôi chỗ bị côn trùng nhấm...




      Khí hậu vùng nhiệt đới có tính khô ẩm. Điều này tác động đến độ bền của những phẩm vật được lưu giữ rất nhiều. Riêng mảng tranh lụa của Việt Nam, việc bảo quản như thế nào cho tốt chính là sự trăn trở cho người sưu tập. Sẽ rất khó khắc phục nếu họa sĩ, người bồi tranh không chú ý đến vật liệu dùng để vẽ hay bồi ngay từ lúc ban đầu, đã thế gặp phải người sở hữu không quan tâm lắm đến chuyện bảo quản, dẫn đến hậu quả đáng tiếc cho bức tranh. Có lẽ! Ta cũng nên tìm hiểu đôi chút về những vật liệu quan yếu khi thực hiện một bức tranh lụa:  
       * - Lụa để vẽ. Chất liệu quan trọng nhất sử dụng làm nền vẽ, cũng là chất liệu cơ bản độ cho bền của tác phẩm. Đa phần họa sĩ sử dụng lụa sợi mỏng có màu trắng, sớ thật khít đều, mặt mịn. Lụa vẽ có pha sợi nylon nhiều sẽ khó mà ngậm màu lâu như lụa sợi tơ tằm vì sợi nylon không ngấm màu sâu và đều vào sớ sợi, thêm một khuyết điểm nữa là biểu khó ăn vào mặt giấy lót…Có lẽ ai cũng hiểu là lụa làm bằng tơ tằm hay sợi vải rất mỏng manh. Một chất liệu hữu cơ, mềm có độ bền không cao, bình thường để lâu ở những nơi có môi trường không tốt, ẩm thấp hay quá nóng sẽ dễ dẫn đến tình trạng hư hại một cách tự nhiên. Một bức tranh lụa, nếu không được bảo quản cẩn thận cũng sẽ dễ bị xuống màu, chất liệu bị khô giòn, côn trùng gặm nhấm dẫn đến hủy hoại. 
       * - Màu sử dụng để vẽ. Chất liệu quan trọng thứ nhì được xem là linh hồn của tác phẩm. Nếu họa sĩ có điều kiện sử dụng loại phẩm màu tốt, đương nhiên sẽ có độ bền cao. Nếu chẳng may gặp thời điểm khó khăn, không có những màu tốt họa sĩ phải gán ghép tạm bằng chất liệu không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến tác phẩm về lâu dài. Màu dùng cho vẽ lụa thông thường là màu nước được làm bằng khoáng chất hay thực vật. Màu khoáng ( chất vô cơ ) bền hơn. Màu thực vật ( chất hữu cơ ) dễ phai. Khi vẽ họa sĩ mô tả sự vật bằng nhiều sắc độ khác nhau, gặp phải một số màu hữu cơ không bền, tiếp xúc nhiều với ánh sáng trở nên mau phai làm cho bức tranh  không còn giữ được màu nguyên thủy, chỗ mất chỗ còn rất khó chịu. Bù lại nó thể hiện cho thấy tuổi đời của nó. Sau này có loại màu Acrylic rất thuận lợi trong việc sử dụng bởi nó mang nhiều đặc tính nổi trội hơn màu nước khi dùng để vẽ trên lụa hoặc các chất liệu khác.
       * - Hồ để bồi (1). Một phụ gia dùng để kết dính giữa tấm lụa và tờ giấy biểu (2). Nhờ lớp hồ tạo sự kết dính giữa tờ giấy biểu và tấm lụa. Đôi khi tác giả không đưa cho nhà bồi tranh mà tự làm lấy. Vì không có tay nghề nên lúc biểu hay bồi quét hồ quá dày và không đều tay làm cho hồ có chỗ dày chỗ mỏng, lâu ngày chỗ hồ mỏng mau khô không dính dễ dẫn đến bị dộp, chỗ hồ dày thì trở nên khô cứng bị giòn dễ gãy kéo theo mặt lụa gãy theo. Cộng thêm khí hậu ẩm tác động vào chất bột hồ bồi dày dễ dẫn đến mặt tranh bị ố vàng, thâm kim. Rất dễ bị các côn trùng gặm nhấm vì có lớp bột hồ bồi làm mồi. 
       * - Giấy biểu sau lưng tác phẩm. Lớp giấy được xem là quan trọng không kém gì tấm lụa. Nó ảnh hưởng độ bền của mặt tranh, giúp bức tranh dày dặn, cứng cáp hơn. Sớ lụa định hình không xô lệch và tạo được mặt phẳng tốt, cũng như góp phần giữ màu vẽ trên mặt lụa được bền hơn nhờ có sự ngấm vào giấy. Giấy biểu không tốt sẽ dễ bị giòn, ố vàng kéo theo mặt tranh ảnh hưởng theo, dẫn đến chuyện làm hư hỏng bức tranh. Việc biểu, bồi được thẳng thớm, mềm mại, mặt tranh không bị dộp, sớ lụa thẳng hàng, ngay ngắn không xô lệch...Tất cả những việc này phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề, đẳng cấp của nhà bồi tranh (3).
       
    
    Từ màu dùng để vẽ đến chất liệu của hồ, cho đến phần giấy để biểu phía sau lưng bức lụa. Sự tốt xấu của những phụ kiện đó nó quyết định đến cả 50% cho độ bền của tác phẩm. Còn lại là do khí hậu và thời tiết cùng sự gìn giữ của con người.…Trường hợp họa sĩ và nhà bồi tranh ở vào thời điểm khó khăn về kinh tế hay vật liệu nên phải dùng chất liệu không tốt. Những tác phẩm đó tự thân nó đã ở vào trạng huống kém chất lượng ngay từ ban đầu. Nhưng bù lại, đó lại là nét đặc trưng của thời điểm... Dấu ấn thời gian. Nhìn vào là biết nó ở đâu. Thuộc thời kỳ nào... 
    Nếu gặp phải những tác phẩm có giá trị cao không được bảo quản kỹ đã bị hư hỏng ít nhiều. Chưa có thể phục chế...hoặc phục chế quá tốn kém... Ta nên chấp nhận mức độ hư hại đó và không nên tự sửa chữa nếu không có tay nghề. 
   Để tránh cho tác phẩm không bị hư hại thêm.  
   1 - Nên để tranh ở nơi thông thoáng, khô ráo.
   2 - Tránh chỗ quá nóng, hay lạnh và ẩm.
   3 - Nếu có treo. Hãy lót một ít giấy dày có độ sốp cao sau lưng tranh để góp phần hút ẩm toát từ vách tường nếu có và lâu lâu cũng nên thay miếng giấy này.
   4 - Dùng băng keo bản to, dán bít các rãnh giữa khung và tấm ốp sau lưng tranh để côn trùng không thể chui vào gặm nhấm.
   5 - Tránh để nơi có ánh sáng mạnh chiếu trực tiếp vào mặt tranh thường xuyên. Nên treo nơi có ánh dịu mát là hay nhất (4).
   6 - Khi cho tranh vào khung kiếng. Phải để cho mặt tranh cách mặt kiếng vài ly. Không được cho áp, ép cứng mặt tranh vào mặt kính vì như vậy để lâu mặt lụa có hồ hít dính cứng vào kiếng sẽ làm cho tranh dễ bị ẩm mốc dẫn đến hư hỏng... Hiện nay các tiệm làm khung tranh có bán loại giấy làm " bo " cho tranh. Loại giấy dày này giúp cho mặt kiếng và mặt tranh luôn có một khoảng hở nhất định rất tốt.
   7 - Thỉnh thoảng cũng nên kiểm tra và quét bụi. Để kịp thời phát hiện mà tránh được những tai họa xảy đến cho bức tranh…
   8 - Nếu không treo, muốn cất đi. Không nên cuốn lại vì làm như thế lâu ngày nó sẽ trở thành nếp cong, đôi khi xảy ra tình trạng mặt lụa bị dộp vì khi bồi chỗ có hồ ít, kết dính kém, lúc cuộn lại chỗ đó bị tác động sẽ tự tách ra. Việc cuộn tranh lại để lâu ngày, khi mở xem, thân tranh sẽ bị oằn ưỡn không phẳng, nếu cố kéo, ép cho thẳng ra mặt tranh sẽ bị chớn gãy, nhiều lần sẽ rách. Tốt nhất khi muốn cất đi, nên tìm hai tấm carton có diện tích lớn hơn bức tranh, trải cho tranh nằm lọt vào trong giữa hai tấm carton rồi dùng kẹp nẹp cứng bốn mép tấm carton để cho tấm tranh nằm yên vị bên trong không bị xê dịch sẽ tránh được sự hư hỏng.
    9 - Tấm lót sau khung tranh nên dùng carton hay giấy dày cỡ 05 ly là tốt nhất. Tránh dùng ván ép, để lâu bị mọt ăn làm hỏng luôn cả bức tranh.
   10 - Về khung và "bo" tranh lụa. Tranh lụa, hay tranh vẽ trên giấy có màu sắc mờ ảo, dịu dàng, thanh thoát không rực rỡ, mạnh mẽ như tranh sơn dầu. Một phần tranh lụa, tranh giấy khi vẽ xong thường được viền chung quanh bằng một loại lụa hay giấy màu có hoa văn chìm nổi. Thường gọi là " bo " hay là " riềm " tranh. Tùy theo màu sắc và kích thước của bức tranh mà " bo " sẽ có độ rộng hẹp phù hợp, cùng màu sắc đồng bộ hay tương phản theo ý họa sĩ hay người sở hữu áp đặt (5). Lớp " bo " này được dùng với mục đích làm nổi bật nôi dung, tăng thêm phần thẩm mỹ cũng là để bảo vệ cho tranh. Chính vì yếu tố mỏng manh, dễ gãy, rách và bám bụi vào mặt lụa không thể lau chùi nên các nhà chơi tranh thường chọn cách lộng vào khung kính cho an toàn, tránh bụi bám và sự va quẹt có thể xảy ra làm hỏng tranh. Rất ít thấy dùng khung gỗ chạm trổ hay có nhiều chỉ viền phức tạp như tranh sơn dầu cho tranh lụa. Đa phần đều dùng khung nẹp đơn giản, thanh mảnh mộc mạc có màu đen hoặc nâu. Có lẽ để tránh bị cái khung chạm trổ chi phối làm cho bức tranh bị nặng nề, mất đi tính mong manh, dịu dàng của chất lụa đi chăng? Nói vậy, chuyên khung tranh không nhất thiết phải thế này hay thế nọ. Tất cả do sở thích của chủ sở hữu tác phẩm quyết định. Nói chung. Khung tranh giống như cái áo. Tùy theo người và túi tiền mà chọn vải may mặc.  Khung tranh cũng có sự thay đổi tùy theo sự sáng tạo của nhà làm khung của từng thời kỳ... 
      
     Thực tế hiện nay rất ít nhà họa sĩ chịu vẽ lụa đúng theo truyền thống chân chính. Bởi vì kỹ thuật vẽ hạn chế rất nhiều cho việc sáng tác. Đã thế, nếu tính về độ bền thì tranh lụa không thể so sánh được với tranh ở một số thể loại phổ thông khác. Như sơn dầu, sơn mài ... Không có sự canh tân... Phải chăng do bản chất mềm mại, màu sắc có phần nhẹ nhàng của nó nên điều muốn vượt ra khỏi cái bản chất cố hữu này e là có sự quá khó (6). Thị trường tiêu thụ hạn hẹp. Thị hiếu thưởng lãm có sự suy giảm do hiểu biết ít về tranh lụa truyền thống.... Một số nhà làm tranh dùng sơn dầu vẽ cho nhanh cho dễ. (7).  Đề tài nghèo nàn quanh đi quẩn lại cứ thiếu nữ rồi cảnh đồng quê. Ăn cắp ý tưởng, mẫu mã của nhau không sáng tạo... Thấy tác phẩm nào được ưa chuộng là thi nhau chép lại tràn ngập thị trường. Đã thế nhóm thợ thấy có ăn, vẽ nguệch ngoạc thô lậu, sản xuất hàng loạt giá bèo... Các họa sĩ chân chính không thể đáp ứng nhu cầu người mua (8). Những yếu tố này đã đẩy tranh lụa vào ngõ cụt. Những người hiểu biết chỉ có cách chọn tranh cũ có chút gì đó trong tranh để chơi...


        Phạm Tư. Phong cảnh. Lụa. Kích thước: 57cm x 68cm. Đầu thập niên 50/TK 20. Mặt lụa đã bị thời gian tác động làm cho tranh bị xậm màu.

        



                  Tú Duyên. Đi cày. Thủ ấn họa. Kích thước: 29,5cm x 61cm. Thập niên 60/ TK 20.



                      Trương văn Ý. Bến thuyền. Tranh lụa. Kích thước: 48cm x 78cm. Vẽ năm 1994.



                      Trương văn Ý. Khỏa thân. Tranh lụa. Kích thước: 50cm x 80cm. Vẽ năm 1993.


Ghi chú:

(1)  Hồ dùng để bồi tranh. Thông thường là bột ngũ cốc. Có thể là bột gạo, bột nếp, bột mì hoặc là loại khác. Tùy theo cách pha chế chất lượng bột làm hồ mà bức tranh sẽ mềm hay cứng. Đôi khi người bồi tranh yếu tay nghề cho thêm phụ gia bảo quản bằng hóa chất công nghiệp không phù hợp cũng là một trong những yếu tố làm xậm màu và suy giảm độ bền cho bức tranh. Không nên dùng nhựa cây để bồi hay sử dụng băng keo hoặc nhựa thông cũng như hóa chất để dán chữa chỗ rách. Việc này sẽ làm bức tranh bộ ố vàng chỉ trong thời gian ngắn.

(2 ) Lớp giấy đầu tiên bồi sau tấm lụa. Đa phần các nhà bồi tranh dùng giấy " xín chỉ "
của Tàu vì giấy trắng và mặt giấy không có tạp chất. Giấy rơm của ta cũng tốt nhưng giấy hơi bị vàng, mặt giấy không được sạch và ít thấy có khổ lớn.


(3 )  Ở đây tôi không nói đến việc bồi riềm chung quanh bức tranh vì thấy việc bồi riềm không còn cần yếu. Ngày nay trên thị trường đã có sản xuất một loại giấy dày vài ly, có thể sử dụng nó "bo" chung quanh bức tranh rất thuận tiện. Do vậy mà ta chỉ cần biểu một vài lớp vào lưng miếng lụa tranh giúp nó dày cứng thêm và thẳng rồi sau đó dùng loại giấy "bo" này làm viền bảo vệ chung quanh trước khi cho vào khung kiếng để treo. 

 (4)  Các bảo tàng phương Tây họ cấm không cho chụp hình với đèn sợ ánh sáng dập vào mặt tranh nhiều sẽ bị ảnh hưởng.

(5) Nói về Riềm hay Bo cho tranh lụa, tranh màu nước của Việt Nam. Các họa sĩ có thói quen làm bốn chiều cạnh diện tích đồng đều nhau. Kích cỡ từ 06cm đến 10cm. Riêng với tranh vẽ trên giấy hoặc lụa vẽ theo lối tranh thủy mặc Tàu thì việc dùng riềm cho tranh có khác. Cần phân biệt hai loại. Tranh vẽ dọc và tranh vẽ ngang.

       a -  TRANH VẼ THEO CHIỀU DỌC. 
      Thực ra việc làm riềm này là do các nhà làm khung hoặc bồi tranh chịu trách nhệm. Nhưng đôi khi chủ sở hữu tranh muốn làm theo ý ... Cũng nên tham khảo để tránh việc không được đẹp có thể xảy ra.    
      Các nhà bồi tranh thường gọi. 
* Miếng riềm trên đầu bức tranh là tấm " Thiên ". 
* Miếng riềm dưới chân bức tranh là tấm  " Địa ". 
* Hai miếng riềm chạy cặp theo bên trái và phải của bức tranh gọi là  tấm " Rìa biên trái, phải ". 
      Với quan niệm Trời lớn hơn Đất cho nên tấm Thiên và Địa có kích thước chiều dọc không đều nhau với tỷ lệ 60/ 40. ( Bề dọc của tấm Thiên: 60% và tấm Địa: 40% ). Thông thường bề dọc tối thiểu tấm Thiên bằng 1/3 chiều dọc nguyên gốc chưa bồi của bức tranh.
      Bề ngang của tấm Thiên và Địa sẽ tùy vào kích thước chiều ngang nguyên gốc của bức tranh. 
      
  
      Riêng hai tấm Rìa biên trái, phải, các nhà bồi tranh thường làm bề ngang từ: 05cm đến 08cm. Bề dọc của Rìa biên sẽ tùy thuộc vào chiều dài bức tranh. Đôi khi bức tranh lớn quá khổ, bề ngang rìa biên có thể lên đến 15cm, 20cm. 
     Nói chung. Tùy vào kích thước diện tích bức tranh. Các tấm Thiên, Địa và Rià biên sẽ tăng diện tích lên cho phù hợp... Mặc dù có diện tích thay đổi nhưng đa phần vẫn giữ bề dọc của Thiên và Địa với tỷ lệ là 60% và 40%
    TD. Bức tranh nguyên thủy chưa bồi có kích thước giấy chiều ngang là: 30cm. Chiều dọc là: 80cm. ( 30cm x 80cm ). Các tấm sẽ là: 
     - Tấm thiên: 60cm x 40cm. Bề dọc là 60cm. Bề ngang là 40cm.( Con số 40cm là do. Chiều ngang bức tranh: 30cm cộng thêm hai lần 05cm của rìa biên mỗi bên ). 
     - Tấm Đia: 40cm x 40cm. ( bề dọc tấm địa là 40cm. Bề ngang cũng là 40cm. Bởi 30cm chiều ngang bức tranh cộng riềm biên trái, phải là : 05cm + 05cm ). 
     - Tấm Rìa biên hai bên: Có bề ngang 05cm. Bề dọc 80cm ( 05cm x 80cm ) cho một bên.( 80cm là chiều dài của bức tranh ).
      Có một số nơi làm " bo " cho tranh thủy mặc, các miếng " bo " chung quanh tranh kích thước đều nhau. Có lẽ do quen mắt với kiểu bổi truyền thống của tranh Tàu nên nhìn vào kiểu mới này thấy không bắt mắt cho lắm... vì các riềm đều to bằng nhau bao chung quanh. Trong khi bức tranh có chiều ngang nhỏ. Chiều dọc lại dài. Nhìn vào thấy bức tranh như bị hai bên rìa biên ép vào. Rất tức mắt. Đã vậy có những bức tranh chỉ bồi trần xì hai tấm Thiên Địa, không có bồi tấm Rìa biên hai bên làm cho bức tranh như bị hụt hẫng...rất mất thẩm mỹ.

              Hình minh họa.






              b - TRANH VẼ THEO CHIỀU NGANG.

     Với loại tranh vẽ nằm ngang. Cách làm Riềm cũng giống như tranh dọc. Chỉ khác một đôi chút về kích thước riềm.  
     * Hai tấm trên đầu và dưới chân tranh nằm ngang không còn gọi là Thiên Địa nữa mà gọi là Riềm trên và dưới. Hai miếng này bắt buộc có cùng một kích thước. Thông thường chúng có mặt bản bề ngang chỉ từ 05cm đến 08cm mà thôi!. 
     * Hai tấm riềm nằm ở hai bên cạnh trái, phải bức tranh được gọi là riềm biên Tả và Hữu. Hai tấm này bắt buộc phải có cùng một kích thước. Diện tích của tấm biên Tả, Hữu này thông thường các nhà bồi tranh lấy kích thước của bề ngang mặt bản của tấm riềm trên hoặc dưới nhân lên gấp 05 lần. Đôi khi người ta cũng lấy tỷ lệ 1/4 chiều ngang nguyên gốc của bức tranh.   
TD.
    Bức tranh nguyên thủy có kích thước giấy: Ngang: 80cm. Dọc: 30cm. Các tấm riềm sẽ có kích thước là: 
     - Tấm Riềm trên dưới có mặt bản bằng nhau: 05cm x 80cm. ( Con số: 05cm là cạnh đứng mặt bản miếng riềm. Con số: 80cm. Tính theo chiều dài nằm ngang bức tranh ).   
     -  Tấm riềm biên Tả - Hữu có cùng kích thước: 40cm x 25cm cho một bên. 
* Con số 40cm là: 30cm chiều dọc của tranh cộng thêm 10cm của hai tấm riềm trên và dưới. 
* Con số 25cm là chiều ngang của tấm biên Tả hoặc Hữu.( Lấy 05cm mặt bản ngang của riềm trên dưới nhân cho 05 lần. Đôi khi người ta cũng lấy tỷ lệ 1/4 chiều ngang nguyên gốc của bức tranh ). 
      Tiêu chuẩn này không cố định. Người ta có thể lấy từ 05 lần trở lên. Ít hơn cũng được nhưng sẽ không đẹp. 
     Nói đơn giản, dễ hiểu là lấy chuẩn bo, riềm từ tranh dọc xoay ngang. 
* Hai tấm Thiên - Địa trở thành riềm ngang Tả - Hữu của bức tranh. Hai miếng này có diện tích to bằng nhau... chứ không còn lấy tỷ lệ 60% và 40% nữa. 
* Hai Rìa biên của tranh dọc sẽ trở thành Riềm ngang trên dưới của bức tranh và không gọi là Thiên Địa vì quá nhỏ.
     Tóm lại nếu là tranh nằm ngang. thì nên cho hai riềm biên trái phải có chiều ngang gấp năm lần chiều đứng của riềm trên, dưới... Không nên cho các riềm có kích thước bằng nhau dù là tranh ngang hay tranh dọc.

Hình minh họa.


  
      
     Đây chỉ là khái lược. Nếu đi sâu vào chi tiết thì thuật bồi tranh trục truyền thống của phương Đông. Nó là một nghệ thuật chứ không đơn giản như ta tưởng... Nhất là người Nhật Bản. 

(6) Họa sĩ Ngy cao Uyên có vẽ một số tranh lụa. Mới thoạt nhìn cứ tưởng là tranh sơn dầu ).



                             Hai bức tranh lụa của họa sĩ Ngy cao Uyên chụp từ báo. Vẽ trên lụa.

(7) Ở vào loai này. Một số họa sĩ muốn nhanh gon đã không dùng lụa dệt bằng tơ tằm mà dùng loại dệt thuần bằng sợi nylon hoặc pha lẫn vì giá thành rẻ, dễ mua. Khi vẽ trên chất liệu lụa nylon này họa sĩ lại dùng sơn dầu nên chất dầu ngấm ra mặt sau, làm cho lụa rất khó ăn vào giấy biểu. Gặp phải loại tranh này các nhà bồi tranh phải xử lý hồ cho phù hợp. Thường là hồ phải đặc. Nếu hồ loãng mặt tranh sẽ rất dễ bị bong, dộp. Chính vậy mà thân tranh có độ dày và cứng. không mềm như loại vẽ màu nước trên lụa truyền thống. 

(8) Không phải người thưởng ngoạn.

Cauminhngoc
  22/9/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét