Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2013

Họa sĩ PHÙNG DỤ và TÁC PHẨM " DŨNG VÃNG TRỰC TIỀN ".


      Nói về ngựa trong tranh Trung Quốc dường như không nhiều so với các loại tranh hoa điểu, thảo trùng và sơn thủy. Có lẽ do khó khăn, phức tạp về cách ứng vật tả hình nên ít có người theo đuổi chăng?  Phải chăng do những ngăn trở ấy mà ta chỉ thấy được một số ít tác phẩm về ngựa còn để lại của các họa gia cổ xưa khá lẫy lừng, tiêu biểu như Hàn Cán đời Đường, Triệu mạnh Phủ đời Nguyên  ..v..v... cho đến thời cận đại có những tên tuổi như Lương thế Ninh (Giuseppe Castiglione- 1688-1766 ) đời Thanh. Một nhà truyền giáo người Ý khi ở Trung Quốc đã vẽ một loạt tranh về ngựa mang phong cách thủy mặc kết hợp với kỹ thuật hội họa phương Tây. Tiêu biểu là bức " Bách mã " đồ rất đồ sộ. Gần đây ở Thế kỷ 20 có Từ bi Hồng, Diệp túy Bạch rất nổi tiếng về vẽ ngựa với mạch bút "Tả ý ảo thị".…
      Nói như vậy không phải không có người đeo đuổi về lối vẽ ngựa trong tranh thủy mặc, nhưng để trở thành một "Gia" có phong cách tiêu biểu thì số lượng không quá đôi bàn tay cho vài chục cái trăm năm của đời người. Cũng khó mà nói như thế nào cho trọn vẹn khi ta chưa thể thống kê về chuyện này. Ở đây chỉ với cái nhìn hạn hẹp về một tác phẩm vẽ ngựa của một họa sĩ lão thành người Hoa sinh sống ở Cholon, đã từng có sự đóng góp nhất định cho nền hội họa truyền thống Trung Quốc ở nước ngoài và ông cũng khá nổi tiếng trong cộng đồng của người Hoa sống tại Việt Nam. Đó là Họa sĩ Phùng Dụ hay còn gọi là Phùng Dũ. Không rõ ông tự học hay theo với thày nào. Ông để lại bao nhiêu tác phẩm với thể loại gì. Nhưng chắc chắn một điều. Ông có viết sách về mẫu chữ đẹp và thành lập một xưởng vẽ khá tên tuổi trong Cholon mang tên "Phùng Dũ". Xin dừng mạch nói về tác giả để giới thiệu một tác phẩm vẽ ngựa của ông còn lưu lại được thực hiện rất gần đây vào năm Tân Tỵ ( 2001 ). Năm đầu tiên của thế kỷ 21. Một tác phẩm có ảnh hưởng ít nhiều phong cách vẽ ngựa của đại họa gia Diệp Túy Bạch theo truyền thống (1) nhưng vẫn cho thấy được những nét mạnh mẽ rất riêng của ông.


                             Hình 01 -  Phùng Dụ. Dũng vãng trực tiền.
                      Mực nho trên giấy. Kích thước. 43cm x 69.5cm. Vẽ năm 2001.

   Nhìn vảo tổng thể. Một con ngựa được vẽ theo lối “ Tả ý ảo thị ” trong tư thế rất dũng mãnh đang cất cao đầu hí vang, phi thẳng về phía trước với bút pháp rất hoạt và sinh động. 



                  Hình 02 - Chụp chi tiết phần đầu con ngựa. 
    Những nét bỏ lửng, điểm, phiệt, móc nơi mõm và cổ con ngựa rất hoạt. Ta có cảm nhận như nó đang hí lên.



                       Hình 03 - Chụp chi tiết phần cổ và ức con ngựa
         Những mảng mực loang đậm nhạt, lớn nhỏ cùng kỹ thuật dụng bút, mực đa phương chiều tuyệt vời liên kết với khoảng trắng mặt giấy tạo khối cho những cơ bắp như đang căng ra, vồng lên nơi ức con ngựa bừng bừng sức sống .


Hình 04 - Chụp chi tiết phần chân trước con ngựa.
Những nét bỏ lửng tạo cho người thưởng ngoạn thấy lung linh huyền ảo...của sự vật đang chuyển động. 

Hình 05 - Chụp chi tiết phần thân và đuôi con ngựa.
Cái đuôi là điểm then chốt trong bố cục tạo hình trong tác phẩm này. Nó làm cho bức tranh thêm sinh động đồng thời cũng là một điểm tựa, quân bình cho trục nghiêng của toàn thân con ngựa không bị đổ...


           Tôi cho rằng “ Tả ý ảo thị ”.  Là một lối vẽ phức hợp, trong đó sự vật mô tả được nhấn mạnh chủ yếu bằng đường nét, mảng cùng sắc độ của mực trên giấy. Một hình thức bố cục gắn kết giữa mảng nét cùng sắc độ đơn thuần của mực phối hợp với khoảng trống màu trắng của giấy để tạo ảo giác. Một lối khai thác sự đong đưa huyền ảo, bất định không trọn vẹn, không rõ nét qua phần tiếp thu của thị giác, từ đó khiêu gợi một sự bù đắp bổ sung từ sự tưởng tượng của cá thế tiếp thụ.  Một khuynh hướng định hình sự vật ở trạng thái mơ hồ, không rõ ràng qua sự cảm nhận bằng tâm trí thưởng ngoạn ". (Cauminhngoc)    



     Trong hội họa cái khó là làm sao dùng bút mực tĩnh diễn đạt được cái động lung linh của sự vật. Nên nhớ. Cái động trên mặt giấy chỉ là sự nắm bắt, ghi lại cái hành cử nhất thời, cực ngắn trong một khoảnh khắc nhất định ở trạng thái đứng hình của một vật đang chuyển dịch . Cho nên muốn mô tả được cái động linh hoạt trong tĩnh phải cần có sự hỗn hợp từ những yếu tố động đa phương chiều của tạo hình liên kết với sự ảo thị  để làm cho sự cảm nhận của trí não khi qui nạp thông qua thị giác thưởng ngoạn có suy diễn để biến thể hình thái tĩnh ra động tưởng tượng.

       Ở tác phẩm này tác giả đã chọn một hình thái chuyển động nhất thời vào một khoảnh khắc đứng hình thích hợp nhất để gợi cho thị giác người xem nhận thức ngay được sự vật. Con ngựa với mảng lông bờm cùng đuôi tung bay. Cơ bắp nơi cổ, ức vồng lên căng ra, toàn thân đang thúc lại một khối. Bung một chân trước trong tư thế duỗi chạm đất làm điểm tựa cho sức bật, ba cái còn lại trong trạng thái cất cao khỏi mặt đất, Tất cả kết hợp với nhau trở thành một hình thể đang chuyển động như muốn bay lên rất mạnh mẽ.
      Bức tranh rất đẹp, rất thần thái. Họa sĩ Phùng Dụ đã thành công trong việc đem hình ảnh thực đang trong trạng thái động ở từng bộ phận trên thân con ngựa diễn đạt lại bằng ngòi bút lông qua những nét, mảng trực, điểm, câu, phiệt, bỏ lửng cùng những vệt loang đậm, nhạt lớn nhỏ đa sắc độ của mực ẩn hiện trên sắc trắng mặt giấy làm nổi bật cái khí thế hùng dũng, mạnh bạo đúng bản chất của một loài vật sống bằng bốn vó, càng được sải dài tung mình phi nước đại phỉ chí càng tăng thêm sức mạnh. Một ảnh tĩnh với bút pháp Tả ý ảo thị của tác giả khiêu gợi thành cái động trong tâm thức người thưởng lãm quả là tuyệt bút.

     Cái đuôi. Một bộ phận cứ tưởng không quan trọng. Nhưng thực tế lại là một thành phần không thể thiếu. Nó là chốn biểu lộ trạng thái bản năng đang hoặc sắp diễn ra của động vật. Trong tranh này cái đuôi nó cũng biểu lộ cho ta thấy con ngựa đang ở trạng thái nào. Về mặt thẩm mỹ, nếu cái đuôi vẽ không đồng bộ với tổng thể bức tranh sẽ hỏng… Ở đây tác giả dùng cái đuôi phất ngược thành một điểm tựa cho trục nghiêng  kéo dài từ cái mõm xuống tận chân con ngựa, giúp cho chủ thể có độ lượn vững vàng không bị đổ. Một bố cục tái quân bình bằng những nét bút tạo ra mảng đuôi ngựa thật phóng khoáng mạnh mẽ vừa đủ, rất hay. Nếu như ngắn hay nhỏ đi một chút sẽ yếu, to hơn sẽ nặng nề trì trệ. Bởi thế sự vừa đủ... cũng là một yếu tố thành bại của tác phẩm…


                                            
                                Hình 06 -  Trục nghiêng tạo dáng trong tác phẩm.

(1)  Theo truyền thống của người Hoa. Khi kính phục một ai đó, họ có thể bỏ ra cả đời người để học tập mô phỏng lại những gì của người mình sùng bái càng giống càng thể hiện tài năng, bản lãnh của mình... 

Cauminhngoc
24/5/2013. 

Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

ĐỚI NGOAN QUÂN và MỸ NHÂN HƯƠNG THẢO.




              CỤC ĐẤT THÓ TRONG NHÀ ĐỘT NHIÊN TRỞ THÀNH VÀNG THỎI.

   GS. Đới Ngoạn Quân (1913-2003). Hiệu Đan Lư và biệt hiệu: Đại Phủ. Người Bắc Kinh. Định cư tại  Cholon Viêt Nam năm 1946. Năm 1954. Ông được mời dạy môn thủy mặc tại Trường Mỹ Thuật Gia Định. Năm 1976 ông di cư sang Pháp và mất tại Paris năm 2003.

                                                Tác phẩm  “ Mỹ nhân hương thảo ”.
    Tác giả. Đới ngoan Quân. Mực trên giấy. Kích thước. 31cm x 54cm. Vẽ mùa Thu năm 1959.


        Đã lâu lắm rồi. Không thể nhớ nổi là vào lúc nào và mua của ai, giá cả là bao nhiêu. Nhưng chắc chắn có một điều đến với tôi là bức tranh này trông rất thanh nhã, nhẹ nhàng. Theo như kinh nghiệm bản thân, những bức tranh vẽ thuần túy là mực thì đa phần do các thi, thư gia thực hiện. Nếu do các họa gia vẽ thì đó là cách họ muốn biểu lộ kỹ năng điêu luyện dụng bút, mực cho mọi người thấy bản lãnh của mình. Đứng trước một tác phẩm loại này nếu có am hiểu về thi, thư và họa sẽ thấy được cái trác tuyệt hay vụng về trên từng nét bút của người vẽ ngay.
        Bức tranh thuần mặc trên giấy “ xín chỉ ” có kích thước trung bình là 31cm x 54cm.. vẽ một cụm lan đất gồm dăm phiến lá và hai vòi hoa. Một vòi vươn lên, một vòi hoành xuống dạng thác đổ, được tạo dáng thật vững vàng, chắc nịch. Lối bố cục về sự tương phản theo quan niệm Đông Phương thật dễ thương nổi bật trong tranh. Trên hai vòi hoa đó là những nụ hoa được tạo hình bởi những cánh hoa nho nhỏ e ấp tròn trịa mờ ảo. Cái nở, cái còn búp, khi tan, khi tụ kết thành chuỗi bên nhau.  Đan chen với những lọn lá ngắn, dài. Chỗ còn chỗ khuất, chỗ mong manh, chỗ dầy dặn trông thật xinh xắn thanh thoát. Tất cả phát nguồn từ bút pháp già dặn điêu luyện cùng thuật dụng mặc tài hoa. Tác giả phân bổ được nhiều sắc độ khác nhau đến từng mảng, qua từng đường nét trên mặt giấy. Không những cho người xem cảm nhận được độ dày mỏng, độ trong trẻo mà còn cho thấy cả một sự vi tế ở đôi chỗ như cạnh của phiến lá bị tưa nhẹ răng cưa, không thẳng bét. Toàn thể cụm Lan trông rất uyển chuyển, dịu dàng đang đong đưa trước gió, nghiêng mình vươn vào khoảng trời thông thoáng để hít thở bầu không khí êm đềm cội nguồn cho sự sống.
        Tổng thể bức tranh chỉ có hai sắc đậm, nhạt. Mặc dù chỉ là đen trắng nhưng do từ bản lãnh nghề nghiệp và đã làm chủ được ngọn bút của mình. Tác giả đã dẫn dắt ta vào sự ẩn dụ của sắc độ. Những sắc đậm. Biểu trưng cho sự khỏe mạnh sung mãn. Những chỗ nhạt nhòa trong veo như muốn lẫn cả vào màu của giấy. Muốn nói đến sự trong trắng, thanh thoát cùng mềm mại và dịu dàng. Trông vào ai cũng thấy sự trẻ trung đoan trang, nõn nà, phơi phới căng đầy nhựa sống mà tác giả muốn gởi gắm trong tác phẩm này qua cụm lan. 
        Trong tứ Quân tử họa. Lan là loại khó vẽ vì nó quá đơn giản, dữ kiện của vật mô tả không nhiều, không có sự trùng lắp, dập đè lên nhau mà tách ra từng chi tiết rõ ràng, không che dấu. Những nét dài của lá dễ làm cho người vẽ hụt tầm, hẫng tay hay khuỵu nửa vời, dễ lộ sự thô thiển luộm thuộm, non nớt. Bởi thế khi ta thấy một ai đó dám xuống bút vẽ trần xì một cây Lan thì đó là một người rất tự tin vào khả năng cầm bút của họ. Nhìn càng kỹ tác phẩm này càng thích.  Tôi chỉ lõm bõm đọc được Mỹ nhân…thảo. Kỷ Hợi…ở lạc khoản. Tên tác giả đọc không được vì viết theo lối hành thư. Tôi chủ quan cho là của anh thi thư gia Tàu nào đó trong Cholon vẽ tặng nhau chứ không phải là các họa gia tên tuổi vẽ cho dẫu có đẹp . Như thế thì không có giá trị mấy nên cũng làm biếng vác đi hỏi mới ra cớ sự. Thôi ta chơi ở cái đẹp, cái mình thích là được rồi. Tôi tự an ủi vậy. Một đánh giá của kẻ dốt chữ. Không đọc được phần lạc khoản, cũng không đọc nổi tên tác giả thì làm sao hiểu hết giá trị. Mỗi khi gặp được tấm nào hay, đẹp nếu mua được lại phải chạy tìm thày. Chính điều này đã làm tôi không còn mặn mà cho lắm về loại tranh thủy mặc. Nói thế không phải là tôi bỏ hẳn. Nếu nó có dấu hiệu xưa cũ. Những tấm nào vừa ý thích mắt thì vẫn hung hăng đưa sừng húc chứ không tha đâu à nha! Mê mà….
       Cái chuyện có mới nới cũ. Đó cũng là điều không tránh khỏi với bất cứ là ai. Những ngày nóng sốt, hăm hở từ từ tẻ lạnh, loãng dần. Bức tranh được cuộn lại cất, để dành thời gian cho việc ngắm những cái mới mua... Năm 2006. Lần đó tôi bán được một loạt tranh tên chục bức cộng hai tụng sách gần cả ngàn cuốn. Một tụng sách trên 400 cuốn giấy bổi káo cạnh như mới, nhiều cuốn trong đó còn có thêm chữ ký tác giả thuộc vào hàng đại lão quí hiếm. Một tụng sách gồm hơn 300 cuốn đa số là những tác giả nổi tiếng trong giới văn học hiện đại trước 1975 đề tặng mà tôi đã để dành và tuyển lựa cẩn thận từ khi khởi nghiệp. Ngài Luật sư đã bợ lô sách này của tôi là người Việt ( không phải Việt Kiều ) có văn phòng ở đường Hồng Bàng thuộc Quận 5 ở Cholon. Vị này được tôi đánh giá là có tầm hiểu biết mới, một đại gia chịu chơi. ( Bỏ ra hơn 30 miếng SIC mà không khen chịu chơi sao?). ( Không thích mấy về loạt sách có chữ ký nhưng có lẽ hai bạn Nhật Anh và Thanh Hoài của tôi tiếc nhất là tụng sách giấy bổi cho đến tận bây giờ…thì phải. Hai vị cũng đừng buồn vì ngài Luật sư ôm trọn gói, trong khi các bạn chỉ muốn mỗi loại sách giấy bổi thì làm sao…mặc dù rất quí các bạn ). Nhờ bán được lô tranh và sách đó nên có tiền rủng rỉnh. Những tấm tranh nào thích ý, tôi lôi ra đem đi cho làm khung tất, cỡ vài chục bức có, trong đó có tấm Phong Lan này. Xong khung. Tôi đem treo khắp, chỗ nào treo được là lên liền, còn lại chất xếp lớp ngay tại của hàng sách cũ của mình ở số 292 Võ văn Tần, Quận 3. Cánh cửa tiệm mở ra, đóng vào hai lần cho mỗi ngày. Thỉnh thoảng cũng lên đường không phải là ít những anh em họ hàng với tấm Lan. Riêng nàng mỹ nhân. Chả mấy ai buồn ỏ tới có lẽ vì nàng mộc mạc, chân chất quá. Gái quê không bắt mắt thiên hạ chăng?. Thời gian trôi qua. Bức tranh thỉnh thoảng lại thay đổi vị trí cũng chỉ quanh đi quẩn lại trong quán. Nói không thì cũng không đúng vì cũng đôi lần có người dạm ngõ, nghe tên tuổi nàng xong quất ngựa truy phong không chút bụi nào vương vãi trên mặt đường. Không biết bức tranh nghĩ gì? Không biết có bức xúc cho thân phận hẩm hiu, vô duyên của mình hay không! Còn tôi chừng mực nào đó vẫn có phần thờ ơ với nó vì ngậm lâu! Oải! Để rồi vào một sáng, tôi vừa mở cửa tiệm đã thấy nó nhảy từ trên cao xuống nằm sóng sượt dưới đất, khung gãy xiêu vẹo, kính vỡ tan nát văng tung tóe khắp nơi. May mà mặt mũi vẫn nguyên vẹn không bị kính vỡ cắt hay trầy xước gì. Thấy cái cảnh tang thương ngẫu lục này, tôi cũng có phần xon xót vu vơ đôi chút. Sau khi nhặt nhạnh dọn dẹp sạch sẽ. Tôi bẻ khung ngoài vất còn riềm giấy chung quanh cứ để nguyên như vậy dựng đại nó vào chỗ cũ mặc cho thời gian tắm gội từ đó đến nay. 








Một số ảnh chụp cận cảnh chi tiết quan trọng trong tác phẩm. " Mỹ nhân hương thảo ".

         Tháng 03/2012. Có dễ đã gần nửa thập niên nó quanh quẩn nằm vật vạ trong tiệm kiên trì chịu đựng cho cái số kiếp mong có ngày tỉnh giấc?. Cơ hội đã tới... Nàng Công chúa ngủ trong tiệm được đánh thức bởi một anh bạn trẻ người Hoa. Anh chàng này cũng đã từng mua sách của tôi đã nhiều lần bỗng dưng mất tăm dễ đến hơn 02 năm có ( Hỏi ra mới hay chàng đi làm nghĩa vụ quân sự ). Hôm nay anh bạn trẻ này quay trở lại bán cho tôi hai bức tranh thủy mặc và một bức thư pháp. Sau khi trả giá nhưng chưa ngã ngũ. Anh bạn trẻ quan sát tiệm và ngước nhìn lên bức tranh vẽ lan để mãi tít trên nóc kệ sách ở nơi góc nhà không mấy gì là sáng sủa cho lắm. Bức tranh này trước đây anh đã từng nhìn thấy nhưng chả hỏi han gì. Hôm nay lại đòi mua. Tôi chột dạ trả lời không bán và dùng nó treo làm mồi nhử. Một lúc… sau khi ngắm nghía. Tự dưng anh bạn trẻ này buột miệng nói:
              - Bức này của ông Đới ngoan Quân vẽ. Khi nghe qua tôi hơi hẫng…
              - Bức này của Đới ngoan Quân thiệt hả? Tôi hơi nâng thanh vực lên một chút tỏ sự ngạc nhiên.
              - Tui đâu có đọc được tiếng Hoa nhưng thấy vẽ đẹp nên giữ lại. Tôi tiếp.
              - Nè! Mỹ nhân hương thảo. Kỷ Hợi Thu. Đới ngoan Quân tả. Cầm bức tranh, đưa ngón tay chỉ vào từng chữ, chàng ta đọc vanh vách như Thần nhân khẩu ứng.
              - Tưởng chú bán con mua về chơi! Con cũng hay đi loanh quanh trong Cholon tìm mua nhưng không còn. Chàng ta tâm sự.
              - Nhà em có nhiều tranh không?
              - Có! Nhưng ít thôi!
………………………..
 Thế là nhờ một cậu bạn trẻ người Hoa mà tôi  đã nắm bắt được giá trị cộng hưởng đích thực của nó khi nắm rõ nguồn gốc tác giả bức tranh. Không còn mơ mơ màng màng như xưa nữa.  “ Mỹ nhân hương thảo ” đã bao năm bị bỏ bê, lăn lóc hết chỗ này qua góc nọ nơi tiệm sách cũ. Như nàng Công Chúa ngủ trong rừng. Bây giờ đã được đánh thức. Cô gái lọ lem bỗng chốc đã trở thành một Công Chúa. Làm sao?! Ai mà dám bỏ bê nàng nữa kia chứ !.
          Một tác phẩm quí, khá hiếm còn sót lại của họa gia Đới ngoan Quân. Một người có tên tuổi rất lớn đã từng sống tại miền Nam Việt Nam ba thập niên ( 1946-1976 ) và có dạy vẽ ở trường Mỹ Thuật Gia Định ở giữa thế kỷ XX. Câu chuyện cục đất thó bỗng chốc hóa thành cục vàng của tôi là vậy. 



Cauminhngoc
Tháng 05 /2013.

        MỘT VÀI KỲ TRIỂN LÃM CỦA HỌA SƯ ĐỚI NGOẠN QUÂN.

      
Triển lãm. Những kiểu mặt nạ trong hát Bội Trung Quốc. 
Từ ngày: 18 tới 28/11/1960 tại Pháp quốc Văn Hóa Hiệp Hội.
Số. 22 đường Gia Long. Saigon.

Triển lãm. Những kiểu mặt nạ trong Hát Bội Trung Quốc. 
Từ ngày: 07 tới 16/12/1959 tại Phòng Thông Tin Việt Nam. Dường Tự Do. Saigon.

Triển lãm. Ngà chạm và khắc. Từ ngày: 02 đến 08 Tháng 12 năm 1955. 
Tại Phòng Thông Tin. Đường Tụ Do. Saigon.


 Dưới đây là trích đoạn bài viết của Học giả, nhà nghiên cứu Hán Nôm Phạm hoàng Quân viết cho Chinese Heritage Centre, Singapore.
      12, Nanyang Drive (Nanyang Technological University) Singapore 



Đới Ngoan Quân 戴頑君 (1913 - 2003 ), người thành phố Hành Thuỷ 衡水市tỉnh Hà Bắc河北, từ thuở nhỏ đã yêu thích hội hoạ truyền thống. Năm 20 tuổi vào học ở Học viện Mỹ thuật Bắc Kinh 北京美術學院. Trong chiến tranh kháng Nhật, Đới Ngoan Quân bỏ học tòng quân. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, ông theo quân đội Trung Hoa sang Việt Nam tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật Bản. Sau năm 1946, Đới Ngoan Quân giải ngũ và định cư Sài Gòn, theo nghiệp giảng dạy hội hoạ, năm 1976 di cư Paris 1, sống ở đây đến cuối đời, nhiều năm làm cố vấn văn hoá cho Âu Châu Thời báo.

   Năm 1954, khi trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật [Sài Gòn] thành lập, Đới Ngoan Quân được mời giảng dạy bộ môn Quốc hoạ Trung Hoa. Vốn là hoạ sĩ theo Kinh phái [Quốc hoạ truyền thống], ông sở trường công bút và ngoài tài nghệ hội hoạ còn nổi danh với những tác phẩm điêu khắc tinh xảo trên các loại vật liệu ngà, xương, đá v.v.2 Trong lĩnh vực thư pháp, Đới Ngoan Quân cũng nổi danh với thể chữ Lệ, nhiều văn nhân hoạ gia đương thời đã nhờ ông đề chữ nhan đề lên thi văn tập hoặc vựng tập, việc này ngoài ý nghĩa kỷ niệm sự giao tình, nó còn biểu lộ sự trọng thị tài năng và phẩm chất của ông trong cộng đồng.   

   Giỏi văn chương và được đào tạo nghệ thuật trong chốn hàn lâm nên ngoài tài năng về  thư hoạ điêu khắc, Đới Ngoan Quân còn có thêm sự hiểu biết sâu rộng về lý thuyết hội hoạ. Am hiểu về phong cách đặc điểm các hoạ phái cộng với biệt nhãn khi xem tranh, ông lại được giới thư hoạ gia đương thời khâm phục trong việc bình điểm tác phẩm. Các hoạ gia nổi danh như Lương Thiếu Hàng, Hoàng Hữu Mai, Hà Lãng Hùng...đã từng nhờ Đới Ngoan Quân viết lời tựa hoặc đề từ cho các ấn phẩm của họ3.

Tác phẩm của Đới Ngoan Quân gồm các loại như tranh thuỷ mặc, triện khắc, thư pháp, điêu khắc vi tế … đều được giới sưu tập trân quý, nhiều bảo tàng viện trên thế giới trưng bày. Ngoài những lần triển lãm ở Việt Nam và Pháp, trước sau có hơn 10 lần triển lãm tại ở các quốc gia khác. Tác phẩm “ Thiên phong hải đào - 天風海濤”  in trong vựng tập Việt Nam Sùng Chính Y viện Thư Hoạ nghĩa triển đặc tập 4 cho thấy rất rõ phong cách thuỷ mặc Kinh phái của Đới Ngoan Quân, bút pháp rắn chắc mà nhuần nhã, sử dụng công bút vừa đủ ở không gian cận cảnh, vừa hiện thực vừa ẩn dụ về những làn sóng biển mạnh mẽ hàng hàng lớp lớp, khiến người xem như nghe thấy trong tranh có tiếng gào rít và sự chuyển động của gió. Tác phẩm điêu khắc vi tế nổi tiếng nhất là văn bản Thánh Kinh- Tân ước toàn thư [ 馬可福音] được khắc trên phiến ngà voi 7x 8 cm, toàn văn 16 chương cộng 18.000 chữ, khắc theo thể chữ Khải, cùng với phiến ngà khắc văn bản là 7 phiến khác khắc tranh minh hoạ, bộ ngà 8 miếng này hiện thuộc sở hữu của Bảo tàng viện Toà Thánh Vatican.
Năm 1985, Đới Ngoan Quân được phong Viện sĩ Danh dự Học viện Mỹ thuật Da Vinci [Italia]. Tại Pháp, năm 1986, thành phố Long le Saunier tặng Kỷ niệm chương Văn hoá, cùng năm này, thành phố Montelimar cử ông làm Chủ tịch Danh dự cho cuộc triễn lãm Tác phẩm mỹ thuật vi tế thế giới. Ngày 12 tháng 10 năm 1998, Đới Ngoan Quân được Thị trưởng Paris tặng Huy chương Văn hoá thành phố Paris, trong buổi lễ được tổ chức rất long trọng này, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Sái Phương Bá蔡方柏 đã đọc diễn từ có đoạn: “ Ông Đới là một nhà ái quốc vĩ đại, là một nghệ thuật gia đa tài đa nghệ, thấm nhuần và am hiểu sâu sắc nền văn hoá Trung Quốc, trong con người ông tập trung nhiều phẩm chất ưu tú của dân tộc Trung Hoa.” 5. Trong cuộc sống, Đới Ngoan Quân rất nhiệt tâm trong việc công ích, Hoa kiều các giới tại Pháp một mực kính trọng. Tên Đới Ngoan Quân được ghi nhận trong Từ điển danh nhân nghệ thuật thế giới, Pháp quốc Mỹ thuật niên giám, Đương đại Thư hoạ triện khắc gia từ điển, Thế giới Hoa kiều Hoa nhân từ điển .v.v.6
   Hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam 30 năm, với khoảng 20 năm dạy vẽ tại trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật, ảnh hưởng của Đới Ngoan Quân đối với giới hoạ sĩ hàn lâm khá lớn, nhất là đối với những hoạ sĩ vẽ tranh lụa và tranh màu nước. Là hoạ sĩ theo Kinh phái, Đới Ngoan Quân khẳng định sự nghiệp hội hoạ và suốt đời theo phong cách của phái này. Kinh phái 京派hình thành khoảng đầu thế kỷ XX ở vùng Bắc Kinh, với các hoạ gia tiêu biểu như Kim Thành 金城(1878-1926), Diêu Hoa 姚華(1876-1930). Trong giai đoạn Quốc hoạ Trung Hoa đang hồi nhàm chán và bế tắc, hoạ sĩ theo hội hoạ truyền thống đã ra sức bảo tồn bằng những tìm tòi, gia giảm trong kỹ thuật bút pháp và  ý đồ nghệ thuật, cố gắng đưa hội hoạ truyền thống mang một sinh lực mới, đủ sức hấp dẫn thanh niên đương thời. Các hoạ sĩ Kinh phái vận động các trường học tổ chức giảng dạy môn quốc hoạ và để cố kết tinh thần thanh niên đối với văn hoá truyền thống, họ gọi Kinh phái là Quốc tuý phái 國粹派 7. Trong nhiều thành công của một đời người, điều đáng nói ở Đới Ngoan Quân có lẽ là việc ông đã dành cả đời vào mục tiêu phổ biến quốc hoạ Trung Hoa trên không gian Á- Âu rộng lớn.   



Chú thích
  1. theo Âu Châu Thời báo, bản Trung văn, số ra ngày 15 tháng 10 năm 1998. 歐洲時報- 星期四 15 Octobre 1998 . “戴頑君榮獲巴黎市文化銀質獎章
  2. theo Văn hoá & nghệ thuật người Hoa thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tác giả, Trung tâm văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, 2006. [ Phạm Hoàng Quân, Chương VIII, Hội hoạ và Thư pháp người Hoa TP. HCM], trang 233.
  3. Đề từ cho Nam Tú hoạ tập đệ nhị tập (1967) của thầy trò Lương Thiếu Hàng; đề tựa cho Hữu Mai hoạ tập 友梅畫集(1958) của Hoàng Hữu Mai黄友梅; viết lời giới thiệu các tác giả cho Cổ Tùng Hiên sư sinh tác phẩm niên triển tập 古松軒師生作品年展集(1973) của thầy trò Hà Lãng Hùng何嬾熊
  4. Việt Nam Sùng Chính Y viện Thư Hoạ nghĩa triển đặc tập 越南崇正醫院書畫義展特輯, Hoa Nghệ Kha Thức ấn vụ cục xuất bản 華藝柯式印務局, Chợ Lớn 堤岸, 1970. (trang 64)
  5. theo Âu Châu Thời báo, bản Trung văn, số ra ngày 15 tháng 10 năm 1998.
  6. theo Âu Châu Thời báo, bản Trung văn, số ra ngày 15 tháng 10 năm 1998. Các sách này Âu Châu thời báo chỉ nêu tên sách, không rõ quốc gia xuất bản, nhà xuất bản và năm xuất bản. Ban biên tập và độc giả có thể tra cứu thêm để xác thực.
  7. theo Vương Bá Mẫn 王伯敏, Trung Quốc Hội hoạ thông sử 中国绘画通史,  Tam Liên thư điếm xuất bản 生活-讀書-新知 三联書店, Bắc Kinh, 2000. [tập hạ, trang 404-407].

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

KTS. NGÔ VIẾT THỤ VÀ TÁC PHẨM " NGÕ TRÚC ".


KTS. NGÔ VIẾT THỤ VÀ TÁC PHẨM " NGÕ TRÚC ".



Hình 01 - HS. Ngô viết Thụ. “ Ngõ Trúc ”. Sơn dầu/ bố. Kích thước 74cm x 93cm. Năm 1965. Chữ ký góc phải dưới.



                                                      Hình 02. Trích đoạn tổng thể phần giữa.


          Hình 03. Chi tiết bố cục những mảng lá trúc. Với bút pháp này muốn vẽ lại cho giống...?


                                                      Hình 04. Chi tiết phần phối sắc nóng...


                                                      Hình 05.  Chi tiết phần phối sắc lạnh...


                      Hình 06. Chữ ký của ông Ngô Viết Thụ ở góc phải dưới bức tranh. Năm 1965.


Hình 07. Chữ ký của ông Ngô Viết Thụ trên một chứng thư vào năm 1961 (Rìa trái giữa).
( Tư liệu do nhà sưu tập tranh Miền Nam. Ông Vũ Đình Hải cung cấp ).


          Ông Ngô Viết Thụ đã từng đoạt giải Khôi Nguyên La Mã năm 1955. Một giải thưởng về kiến trúc mang tầm vóc Quốc Tế rất được thế giới kính nể. Ông cũng đã để lại những công trình kiến trúc đồ sộ như: Dinh Độc Lâp. Viện Đại học Huế, Viện nguyên tử Đà Lạt, Làng Đại học Thủ Đức, Công trường Mê Linh, Trụ sở Phong Trào Liên Đới Phụ Nữ Việt Nam và một số công trình khác rải rác ở một số thành lớn miền Nam Việt Nam..v..v... Có thể nói rằng KTS. Ngô Viết Thụ là một trong những người Việt Nam đã làm rạng danh cho đất nước bằng chính cái nghê nghiệp lẫy lừng của mình...

          Với những tác phẩm hội họa của Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ ( 1926-2000 ) đa phần điều có chút gì đó gợi ý cho mọi người thoáng nghĩ đến nghề nghiệp lẫy lừng của ông. Vì vậy mà mỗi khi đứng trước một tác phầm hội họa nào đó của Ngô Viết Thụ vẽ. Những nét ngang bằng sổ thẳng, khô cứng của ngành kiến trúc nó cứ bãng lãng trong từng tác phẩm, khó mà gột bỏ đi cho hết được… Một sự thật hiển nhiên không thể tránh khi mà cái nghề đã trở thành nghiệp ăn sâu vào tiềm thức con người.       
 
         Riêng về tác phẩm “ Ngõ Trúc ” của Ngô viết Thụ vẽ ở đây lại khác hẳn. Ta gọi ông là " Họa sĩ " đích thực cũng không sai chút nào. Bởi vì bút pháp trong tác phẩm này không còn một tí chút gì dính dáng đến nghề nghiệp Kiến trúc lẫy lừng của ông từ bao lâu nay.
       Trong tác phẩm " Ngõ Trúc ". Nó hàm chứa một cái gì đó sâu thẳm, chất nghệ sĩ tính lắng đọng trong từng mảng mầu nét cọ. Những đường cào vét, mạch vuốt ngắn dài dứt khoát của một vật cứng đã bóc đi lớp sơn bề mặt làm ửng lộ ngẫu nhiên sắc trắng lam nham của lớp bố nền khiến chúng nổi bật giữa những mảng màu đa sắc xẫm nhạt khó có mà lập lại mà Ngô Viết Thụ đã dày công bố cục phủ trùm khắp diện tích mặt bố làm nền móng cơ bản cho tác phẩm. Một lối tạo hình bằng vật cứng tác động lên lớp sơn vẽ còn ướt, lộ lớp sơn trắng bên dưới để tạo dáng cho thân cành nhánh lá của cây trúc khá mới lạ, khiến chúng như đang rực rỡ dưới ánh nắng ban mai, trông thật thanh thoát và sinh động. Khác hẳn với những thân đoạn phân lóng thực tế và không chút ảnh hưởng bởi dòng tranh thủy mặc mà từ lâu nay mọi họa gia mặc nhiên tuân thủ không ai dám vượt thoát,.. Ngô Viết Thụ đã có lối tạo hình riêng, không câu nệ vào chi tiết thực của sự vật mà chỉ muốn mọi người thấy hình dáng tổng thể của cây trúc đang chen mình trong rặng trúc ở phạm trù nghệ thuật bồng bềnh thơ mộng quấn quýt bên nhau theo nhãn quan ảo-thị Ngô viết Thụ. Hãy nhìn kỹ phần không gian ảo thị của ông qua cách diễn cảm màn sương ban mai bãng lãng bên trời bằng sắc độ nhạt nhòa, như thể làn sương sớm mong manh đang cố vươn mình len lỏi vào khắp chốn, như muốn ngăn trở những tia nắng rực rỡ của buổi bình minh đang chầm chậm lan tỏa bám nhẹ lên từng thân cây khóm lá. Sự ấm áp của ngày mới xua tan đi cái lạnh lẽo của đêm trường còn lẩn khuất sau rặng trúc có con đường làng nhỏ bé thấp thoáng uốn lượn như e ấp một tâm hồn nhàn tản, ẩn dật đâu đây....
        Tư duy bùng vỡ trong miền sâu thẳm của tâm thức! Một tác phẩm về trúc hoàn toàn mới lạ so với những cây, bụi trúc của các họa gia lấy lừng từ trước đến giờ trên họa trường. Ngô Viết Thụ đã mạnh dạn đem những nghĩ suy bay bổng của mình dàn trải vào trong tác phẩm như một lời nhắn gởi đến người thưởng ngoạn rằng đây là hội họa của hội họa đích thực chứ không phải là bản vẽ phối cảnh xây dựng để trình cho gia chủ xem trước lúc khởi công...

      Tôi rất thích tác phẩm Ngõ Trúc này. Cũng đã bao lần sử dụng thời gian rảnh rỗi của những buổi tối đến ngồi trước nó chiêm nghiệm từng chút, từng chút nơi những vệt vét, vết cào, cùng những mạch vuốt ngắn dài để lại trên mặt bố những đường gân nét chỉ thật  thanh thoát và mềm mại không thể lập lại lần thứ hai được tự nhiên và thanh thoát như thế cho được. Việc bào cuốn đi lớp sơn vẽ trên mặt, khiến màu trắng của lớp bố nền ửng lên như bắt sáng, nổi bật giữa những gam màu xậm tối đa sắc nhạt nhòa của tổng thể. Tất cả như đang vươn mình đón nhận những tia nắng ấm áp của buổi bình minh, lẫn trong tiếng xào xạc của cành lá đong đưa e ấp trong màn sương sớm nương theo làn gió se lạnh êm đềm lướt qua ... Một tác phẩm hội họa đầy ấn tượng, cực kỳ sống động và tôi thấy tự đáy lòng mình với dạt dào cảm súc.


                                      “ Lung linh sương sớm, mờ ngõ trúc,
                                         Văng vẳng chuông xa, tỏ lối về ”.
                                                                         ( Cauminhngoc )

         Tôi mua bức này cùng hai bức nữa cũng là tranh sơn dầu đã khá lâu phải trên năm năm có, do người bạn giới thiệu mua tại nhà một vị cán bộ về hưu, ông còn ba bốn tấm nữa nhưng vì thấy không thích nên bỏ qua. Có một chuyện muốn nói về bức tranh này. Khi đứng trước nó ở nhà người chủ cũ. Tôi mường tượng như đã thấy nó ở đâu rồi. Nó có vẻ quen quen. Tôi cố gợi nhớ nhưng mãi không được.
         Khi rước về nhà xong xuôi, tôi cố tìm trong đống sách nghệ thuật để dành làm tư liệu. May quá! Tôi thấy nó nằm trong cuốn “ Nghệ Thuật Việt Nam Hiện Đại ” do họa sĩ Nguyễn văn Phương làm chủ biên. Tôi đem ra so sánh. Hơi khó khăn vì trong sách in khổ nhỏ lại là đen trắng nhưng cũng không đến nỗi là không so sánh được. Tôi hơi băn khoăn.    

          Nhìn tổng thể giống nhau đến gần trăm phần trăm. Từ cách vẽ, chi tiết bụi trúc đến ánh sáng lung linh trong tranh. Có điểm khác biệt rất lớn làm cho tôi phải khựng mạch say. Đó là: Nơi góc phải dưới bức tranh trước mặt có chữ ký tác giả và ghi năm 1965. Trong cuốn sách " Nghệ thuật Việt Nam Hiện đại " không có. Tôi vội lật ra đằng sau cuốn sách tìm năm xuất bản. Thời điểm xuất bản là năm 1962.
          Tôi đặt vấn đề: Thật hay giả?  Tác giả vẽ hai tấm chăng?
          Suy đi, nghĩ lại! Làm sao có thể vẽ giả được khi trong sách tranh tuyền là đen trắng. Tranh thực tế tôi đang có trong tay toàn màu. Chẳng lẽ anh chàng nào vẽ giả lại sáng tạo ra toàn thể màu sắc cho bức tranh? Tôi không tin là ai đó có thể làm được chuyện này! Tới phần chữ ký và năm vẽ. Trong sách không có. Tranh thực tế thì ngoài chữ ký ra còn đề năm vẽ là 1965 nữa. Tôi lật trang cuối cùng của quyển sách nơi phần ghi chú lưu chiếu để xem cho kỹ lại. Không có gì khác ngoài thông tin ban đầu tôi đã xem là quyển sách được phát hành năm 1962. Càng rối thêm một khúc. Có sự sai biệt rất khó chịu! Tại sao bức tranh được chụp để in vào quyển sách là vào năm 1962 mà tác phẩm thực sự ngoài đời lại được ký tên năm 1965? Chẳng lẽ ông Thụ lại đi vẽ hai tấm? Cũng có thể lắm! Điên cái đầu! 

                            
                                                Ảnh A.                                    Ảnh B.
         Hình 08. Bên trái (Ảnh A). Tranh màu chuyển thành đen trắng. Bên phải (Ảnh B) lấy từ trong sách "Nghệ Thuật Việt Nam Hiện Đại". Ảnh A chuyển qua đen trắng để tiện bề so sánh.

       Để giải đáp cho việc này theo kinh nghiệm vốn có. Tôi đem hai bản tranh vẽ thực và hình chụp trong sách để sát bên nhau. So đi sánh lại rất nhiều chi tiết có phần gần giống nhau thật tỉ mỉ. Đo lấy tỷ lệ ở những vị trí đặc biệt có dạng tương đồng giữa sách và tranh đem so sánh. Đa phần cho thấy chúng có sự gần giống rất lớn! Như vậy trường hợp ông Ngô viết Thụ vẽ hai tấm bị loại bỏ. Vì nếu vẽ lại không thể nào giống nhau quá xít sao từng chi tiết như vậy được. Nhất là những vệt vét tạo gân lá và thân cây có tính ngẫu nhiên không thể lập lại. Khó có ai mà chịu khó ngồi tỉ mỉ vẽ chi tiết từng sợi gân lá cho được. Nếu có đi chăng nữa cũng khó mà đạt được hiệu quả tự nhiên như thế. Và cũng không thể nào tạo được chất phóng khoáng trong mạch cọ bay bướm và tài hoa như vậy. Với những người như Ngô Viết Thụ nói riêng và các họa sĩ có đẳng cấp khác nói chung vào thời gian trước 1975. Vì lòng tự trọng, không ai làm chuyện vẽ lại tranh của mình cho dù họ có tâm đắc, yêu thích tác phẩm đó đến mấy đi chăng nữa. Cũng như không muốn mọi người gọi mình là đồ " nhai lại ". Tôi càng tin tưởng vào điều mình suy nghĩ khi đứng trước tác phẩm này của ông Ngô Viết Thụ. Chỉ còn chữ ký và năm vẽ là cái mà tôi cần tìm lời giải đáp. Thế rồi sự việc cũng sáng tỏ. Số là sau những lúc chăm chú tìm lời giải mãi không ra. Tôi xếp quyển sách lại, nghỉ một lát… Không chủ đích, tình cờ tôi lật lật quyển “ Nghệ Thuật Việt Nam Hiện Đại ” ra xem, cố moi móc sợ mình còn sơ sót chỗ nào chưa xem đến... Không sót gì… Tôi không nản, lật đến phần tiểu sử các họa sĩ được in trong sách xem chân dung ông Ngô Viết Thụ ra sao. Ối!... Tôi định thần nhìn cho kỹ bức tranh bên cạnh ông Thụ. Nó đây rồi.!  Nút thắt đã tìm được đầu mối để mở. Cứ chiếu theo sách này mà nói thì. Trước năm 1962. Để có tư liệu, ông Phương đã phải đi gặp từng họa sĩ xin chụp chân dung và những tác phẩm, hầu phục vụ cho việc in thành họa tập. Khi gặp Ngô viết Thụ đúng vào lúc ông đang vẽ bức “ Ngõ trúc ” dở dang còn nằm trên giá vẽ. Ông Phương chụp luôn cho thêm phần sống động. Thế mới xảy ra cớ sự... Có điều không hiểu vì lý do gì!? Vẽ từ năm 1962 để mãi đến 03 năm sau 1965. Ông Thụ mới ký tên của mình vào tác phẩm "Ngõ Trúc" của mình!?
     Đây cũng là một dữ kiện thú vị, lạ lẫm đã xảy ra rất cần lưu ý trong chuyện chơi tranh cũ. Rất may là có tư liệu để đối chứng và lý giải. Không thì cũng mệt mỏi lắm chứ không chơi... (1)


                 Cuốn sách " Nghệ thuật Việt Nam hiện đại " do họa sĩ Nguyễn văn Phương chủ biên.


Lý lịch quyển " Nghệ thuật Việt Nam Hiện Đại ". Ở cuối sách.


                  Tác phẩm " Ngõ trúc "  in đen trắng trong sách. Nơi góc phải dưới không có chữ ký...


       Trang giới thiệu trong sách. Ở góc phải dưới bức tranh sát tay áo không thấy có chữ ký của Ngô viết Thụ. 


                                         
      KTS/ Họa sĩ.  Ngô viết Thụ đứng bên tác phẩm Ngõ trúc đang vẽ dở dang. Chưa có chữ ký nơi góc phải dưới…

Trang mục lục hình in đen trắng có chú tên từng tác phẩm và tác giả: H. 46 - NGÕ TRÚC của Ngô viết Thụ.

         Bức tranh "Sơn hà cẩm tú" do Ngô Viết Thụ vẽ hiện đang treo trong Dinh Độc Lập 
(Nguồn Google)  


                   Đồ án được giải thưởng Khôi nguyên La Mã của KTS Ngô Viết Thụ



                                         Bảng đồng gắn ở Dinh Độc Lập ( Saigon )


                                
Bản vẽ mặt tiền trụ sở "Phong Trào Liên Đới Phụ Nữ Việt Nam". Đường 3 Tháng 2. Quận. 10 (Trần quốc Toản cũ). Bên cạnh nhà hát Hòa Bình. Do KTS. Ngô Viết Thụ thiết kế năm 1962. 
    Phong trào Phụ nữ Liên Đới do bà Ngô Đình Nhu sáng lập năm 1958. Sau khi chế độ TT. Ngô Đình Diệm bị lật đổ nơi này được lấy làm tru sở của Hội Đồng Minh tham chiến tại Việt Nam.

Chi tiết phần chú thích trên bản vẽ ghi ngày 31/8/1962. Phụ tá. KTS. Bonin










( 1 ) Sau này dựa vào chữ ký của ông Ngô Viết Thụ trên một chứng thư cấp cho Họa sĩ Nguyễn Trí Minh vào năm 1961. ( Hình 07 ). Tôi khẳng định tác phẩm " Ngõ Trúc " đích thực là của ông Ngô Viết Thụ vẽ và cũng là bản duy nhất được ký tên muộn sau 03 năm. Không thể chối cãi. Đông thời chuyện vẽ xong xếp để đó chưa ký tên vội cũng là điều thường thấy nơi các hạ sĩ... Đến một dịp nào đó họa sĩ lôi ra ký tên và năm vào tặng hay bán... Việc xảy ra khá phổ biến trong họa trường.


Cauminhngoc           
Tháng 05/ 2013


ANTOINE PONCHIN! ÔNG LÀ AI ?.


                 PHONG CẢNH "EO GIÓ"
                                        BẰNG SƠN DẦU TRÊN GỖ MÍT 
          CỦA HỌA SĨ ANTOINE  PONCHIN TẠI VIỆT NAM.



      Antoine Ponchin ( 1873-1934 ). Phong cảnh biển Eo Gió. Qui Nhơn. Sơn dầu trên gỗ  mít. Năm vẽ: 1923 -1931.


Góc đứng của HS. Antoine Ponchin ở trên đỉnh núi mé bên trái nhìn xuống vụng biển Eo Gió. 
(Nguồn ảnh: TUK Trvel)




                           GIẢI THƯỞNG ĐÔNG DƯƠNG.
         1. Giải thưởng Đông Dương trước khi Trường Mỹ thuật Đông  Dương ra đời:
Họa sĩ có tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Hội thuộc địa nghệ sĩ Pháp” sẽ qua một cuộc tuyển chọn, người đoạt giải được trao tặng một năm du lịch nghiên cứu, cộng thêm vé hạng nhất khứ hồi, một tài trợ là 1.200 đồng Đông Dương và đi lại miễn phí trên toàn Đông Dương. Xin lưu ý là đầu thế kỷ, 1 đồng Đông Dương trị giá 3 quan Pháp. Từ năm 1925 đến 1927, tỉ giá trung bình là 14 quan Pháp. Năm 1931, đồng Đông Dương theo tỉ giá kim bảng vị (giá vàng) và cố định là 10 quan Pháp (13).
               Danh sách các họa sĩ được đoạt giải là :
                         1910 - Ferdinand Olivier (Martigues 1873 - 1957).
                         1911 - François de Marliave (Toulon 1874 - Draguignan 1953).
                         1912 - Augustin Carréra (Madrid 1878 - Paris 1952).
                         1913 - Martinien Salgé (Marseille 1878 – Jouques 1946).
                         1914 – Charles Dominique Fouqueray (Le Mans 1869 - Paris 1956)
                         Vào thời kỳ đại thế chiến thứ nhất (1914-1918), việc phát giải thưởng Đông Dương bị gián đoạn cho đến năm 1920.
                         1920 - Victor Tardieu (Lyon 1870 - Hà Nội 1937).
                         1921 - Paul Jouve (Marlotte 1878 - Paris 1973).

                         1922 - Antoine Ponchin (Marseille 1872 - 1934).

                         1923 (14) - Georges Michel, còn gọi là Géo Michel (Paris 1885 -?)
                         1924 - Jean Bouchaud (Saint-Herblain 1891- Nantes 1977).
( Dựa theo trang  WWW.hcmf.edu.vn của Trường Đại Học Mỹ Thuật TP.HCM )

             

                     TIỂU SỬ TÓM LƯỢC CỦA   ANTOINE  PONCHIN.
               Antoine Ponchine sinh năm 1872 và mất năm 1934. Thọ 62 tuổi. Ở Marseille. Thành phố cảng rất lớn và nổi tiếng của nước Pháp. Ông học vẽ tại Paris với hai họa sĩ Jules Galiardini và Fernand Humbert. Antoine Ponchin đã đoạt giải Đông Dương vào năm 1922. Sau Victor Tardieu. Người sáng lập ra trường Mỹ Thuật Đông Dương 02 năm. Theo qui định ông được tặng một chuyến du lịch một năm qua Đông Dương. Cộng vé khứ hồi hạng nhất và 1,200 đồng Đông Dương. Đi lại miễn phí toàn Đông Dương. Ông đã sống ở Việt Nam một thời gian chừng 6, 7 năm (1925 -1931). Trong thời gian lưu tại Việt Nam. Ông đã nhận dạy bộ môn điêu khắc ở Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương khóa I & II ( Từ 1925 đến 1931). Ngoài ra ông còn dạy vẽ ở một số trường phổ thông tại Hanoi nữa. Không hiểu là ông rời khỏi VN chính xác vào năm nào. Chỉ biết là ông mất tại nơi sinh năm 1934 mà thôi.( Có một số trang Web nói ông mất năm 1933. )

       Cập nhật ngày 11 tháng 11 năm 2024.


    Theo Anthony Nguyen. Nhà nghiên cứu về Trường Mỹ Thuật Đông Dương đã đăng trên trang FB của anh. Ngày 11/11/2024. Xin sao y bản chính ở phần cuối bài đăng " Những thông tin sai trong sách họa sĩ Quang Phòng (phần 3)".


     Trích đoạn đoạn cuối bài. 
      "...Khi đọc các lá thư Tardieu nói đến công việc trang trí Đh Đông Dương em có liên tưởng đến công trình của Ponchin ở trường Albert Sarraut, ở sảnh chính của trường Ponchin đã phải vẽ 5 tác phẩm đại diện cho 5 xứ Bắc-Trung-Nam Kỳ, Cao Miên và Lào. Trong một số lá thư Tardieu có nhắc đến việc phải đi thực địa lấy tư liệu ở Huế, Cao Miên và Lào để vẽ tranh. Em khá tin là các tác phẩm về các xứ khác ngoài Bắc Kỳ Tardieu vẫn sẽ phải thực hiện vì công trình Đh Đông Dương do Phủ Toàn Quyền phụ trách và chi ngân sách, và công trình này mang tính biểu tượng cho cả khối Đông Dương chứ không chỉ Bắc kỳ.

Hy vọng sẽ có những nghiên cứu trong tương lai làm sáng tỏ vấn đề này".

    Cũng trên trang FB này qua sự trao đổi ở phần bình luận bên dưới giữa: Cấn Đình Việt và Anthony Nguyen. Nội dung cho biết năm bức tranh của Antoine Ponchin vẽ hiện năm trong khu vực VPTWĐ. Một nơi không thể tiếp cận nên chưa rõ sự thể như thế nào.

   

          Bổ sung thêm bài viết cũ có phần rõ ràng hơn:

         Theo như bài viết. “Ngồi buồn gõ tí cho vui”. Paris, 29/10/2017 của Nghệ Thuật Xưa cho biết thì dự án mà hai cha con nhà Ponchin thực hiện ở Bắc Kỳ khá đồ sộ không kém gì dự án của cụ Victor Tardieu. Nó bao gồm hai bức tranh tường khổ lớn 4m7 x 3m trên tường phòng chính của trường Albert-Saraut. Ngoài ra phía hành lang danh dự của trường này còn được Antoine Ponchin trang trí tranh phong cảnh của 5 nước thuộc địa, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Campuchia và Lào. Phần thư viện của trường là một diện tích khoảng 57m vuông trang trí bởi năm tranh tường khổ lớn với năm chủ đề Khoa Học, Nghệ Thuật, Nông Nghiệp, Công Nghiệp và Tài Chính. Cũng vào thời gian này Antoine Ponchin còn trang trí phòng tiệc cho Phủ Toàn Quyền nữa. Việc Antoine Ponchin được mời trang trí phòng tiệc cho Phủ Toàn Quyền đã cho thấy nhà cầm quyền bấy giờ tin tưởng ông như thế nào? Bởi đây là phòng tiếp đón những khách mời là những nhân vật chính trị quan trọng.

      Như vậy họa sĩ Antoine Ponchin đã có những công trình về tranh bích họa tại trường Albert Sarraut và một số nơi ở miền Bắc Việt Nam. Có thể nói là khá đồ sộ. Đây cũng là một phát hiện rất mới mẻ và đầy thú vị về họa sĩ Antoine Ponchin mà trước giờ chúng ta rất ít khi nói về ông mà chỉ thường hay nhắc đến họa sĩ Victor Tardieu và Joseph Inguimberty. Đó cũng là một thiếu sót lớn... 

    (Có lời xin lỗi bạn Nghệ Thuật Xưa. Nhà chuyên khảo về Trường Mỹ Thuật Đông Dương.Hanoi, vì đã xử dụng nguồn bài viết “Ngồi buồn gõ tí cho vui”. Paris, 29/10/2017 của bạn. Rất mong được thông cảm).

     Tranh của Antoine Ponchin. Người thày dạy điêu khắc cho Khóa I&II tại trường Mỹ Thuât Đông Dương vẽ về Việt Nam rất hiếm thấy. Phải chăng thời gian lưu trú tại Việt Nam không lâu mà lại còn phải đảm trách vẽ bích họa cho một số công trình lớn như đã kể trên nên thời gian sáng tác riêng cho mình không nhiều nên ít được nhắc đến?


MÔ TẢ KHÁI QUÁT VỀ BỨC TRANH.


           Tranh vẽ cảnh vách núi đá bên bờ biển. Bằng sơn dầu trên gỗ mít. Có cỡ 40cm x 31cm. Khung bằng gỗ quí. Có khuynh hướng rất rõ được làm tại Việt Nam. Tấm này ông Ponchin không có ghi năm và chú vẽ tại nơi nào. Nhưng dựa vào năm mất của ông 1934 tại Pháp và thời gian ông dạy điêu khắc Khóa I&II (1925-1931) tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Với tác phẩm vẽ cảnh biển này. Ta có thể cho là ông vẽ vào khoảng những năm từ 1925-1931 khi ở Việt Nam.( Sau khi đoạt giải thưởng Đông Dương năm 1922. Ông được tài trợ qua du lịch ở ba nước Đông Dương ở lại khoảng trên dưới 10 năm. Mất năm tại Pháp năm.1933-1934? ). 
       Tranh này ông vẽ theo lối tả chân. Quan sát cảnh vật thật mà vẽ. Chưa nắm rõ ông vẽ cảnh biển này ở VN hay nơi nào đó ở Đông Dương. Nếu cho rằng ông vẽ cảnh biển này ngoài ba nước Đông Dương thì không hợp lý cho lắm. Chẳng lẽ ông mang miếng gỗ mít này từ VN đi đến một nơi nào đó trên thế giới vẽ xong mang về VN bán? Chuyện này hơi khó xảy ra vì phương tiện đi lại đầu thế kỷ XX rất khó khăn chứ không thoải mái như hiện nay. Cho nên giả thuyết cho rằng ông ở đâu thì đi vẽ những phong cảnh nơi đang cư ngụ đó là hợp lý nhất. Ta hãy quan sát những tác phẩm ông đã để lại khi qua một số nước, phần nào nó đã giải đáp cho việc này. Và ta cũng có thể dựa vào tác phẩm mà đoán. Cảnh này chỉ vẽ ở hai nước là VN và Campuchia mà thôi vì Lào không có biển. Rất tiếc thời gian qua đã xóa mất dấu vết tên của tác phẩm, chính chuyện này mà nó làm cho chúng ta thật bối rối khi muốn đi tìm nguồn gốc. Nhưng khuynh hướng thiên về phong cảnh ở Việt Nam nhiều hơn Campuchia vì ông sống và dạy vẽ ở Việt Nam là chính. Và với sở thích vẽ biển nên khung cảnh các vùng đất mũi vươn ra biển của miền Trung hẳn là đã cuốn hút ông rất nhiều. Nhất là những vùng có sẵn đường sá thuận lợi cho việc đi lại như Eo Gió  ở Qui Nhơn, mũi Đại Lãnh hoặc Mũi Kê Gà càng tạo nhiều thuận lợi cho việc ông đi đến để vẽ... Nhưng trong tác phẩm này Eo Gió là có phần hợp lý hơn cả vì đây là vùng núi đá không có cây cỏ bao phủ và nhất là hình ảnh hai hòn đảo nhỏ ngoài khơi ở các nơi mũi Đại Lãnh và Kê gà không có...


Eo Gió. Qui Nhơn. Nếu đứng ở một vị trí bên trái nơi mạn Bắc của Eo Gió phần lấn ra biển (Phía trái ảnh chụp) thì sẽ thấy thêm được dải đá phía Nam vươn ra biển giống với bức tranh hơn và vị trí hai hòn đảo ngoài khơi là mốc để nhận định là ông vẽ ở Eo Gió chứ không phải nơi nào khác...
  
                                                  Eo Gió. Qui Nhơn và hai hòn đảo ngoài khơi.

          Eo Gió. Qui Nhơn. Con đường lên tham quan thắng cảnh này nằm vắt ngang giữa dải núi đá có hình cánh cung vươn ra ôm lấy biển mang tên Eo Gió. Đứng nơi đây có thể  nhìn thấy hòn đảo phía ngoài khơi rất rõ. Với vị trí hình chụp này, ta có thể suy ra. Hòn đảo trước mặt thuộc hướng Đông. Dải núi bên tay trái thuộc hướng Bắc. Dải núi bên tay phải thuộc hướng Nam...  


       Eo Gió. Cánh núi đá bên mé trái. (Vị trí chụp đứng hơi chếch về hương tay trái ( Hướng Bắc ) của núi đá Eo Gió. Có lẽ Antoine Ponchin đã chọn điểm đứng để vẽ nằm trên đỉnh rặng núi này với hướng nhìn từ phía Bắc vào Nam nên ta thấy hòn đảo ngoài khơi thuộc hướng Đông nằm ở bên phải hình chụp. Trong tranh nằm bên mé trái...



                Antoine Ponchin. Phong cảnh biển Eo Gió. Qui Nhơn. Vị trí đứng vẽ nằm ở trên đỉnh, khu vực vành cung hướng Bắc để nhìn ra biển nên ta thấy hai hòn đảo ngoài khơi nằm gần sát nhau.


       Bức tranh cả một trời thơ mộng, đầy nắng và gió của vùng biển. Có lẽ Tác giả đã đứng trước nó thật lâu để chiêm nghiệm. Rồi dùng kinh nghiệm nghề nghiệp và sự khéo léo của đôi tay cùng cách biết khai thác, xử lý rốt ráo tính ưu việt của chất liệu để chuyển tải trọn vẹn cái chiều không gian bên ngoài vào trong tác phẩm của mình.
       Từ những vệt ngập sơn đa sắc tấp trên măt gỗ. Có chỗ miết mỏng mịn màng. Có nơi đắp dày lam nham, lồi lõm. Những gam màu. Có nơi rực sáng. Chói chang. Có nơi om tối. Nặng nề, u uẩn. Lúc hài hòa. Khi đối nghịch. Tất cả được tạo ra bởi những nhát cọ thật linh hoạt uyển chuyển mang đầy ắp cảm xúc của A. Ponchin.
        Ánh nắng chói chan phủ dập trên vách núi lồi lõm, gập gềnh cao vợi. Mặt nước biển xanh rì, sâu thẳm mênh mông, trải dài đến tận chân trời tít tắp. Hai chủ thể chính của tác phẩm. Cũng chính là sự đối nghịch của thiên nhiên trước con người. Phải chăng đó là câu chuyện muốn kể? Hay ông muốn mượn hình ảnh vật thể thiên nhiên để gởi gắm những rung động từ chính tâm hồn mình, chuyển tải đến với mọi người thưởng ngoạn một cách tích cực nhất?
      Tóm lại tác phẩm này chính là sự kết hợp rất nhuần nhuyễn của tâm hồn, chất liệu và đôi tay tài hoa của người họa sĩ có bản lãnh nghề nghiệp, làm cho người thưởng lãm cảm nhận được trọn vẹn cái không khí trong lành ấm áp của biển. Tạo cho người xem có cảm giác như mình đang đứng trước nó, dưới ánh nắng rực rỡ tận hưởng những trận gió mát từ biển khơi thổi vào lồng lộng. Đó cũng là cái khéo của tác giả.
      (Bút pháp đặc tả cảnh ven bờ biển và núi đá hùng vĩ rất sinh động. Ông mô tả ánh nắng hắt trên vách đá bằng những nét cọ rất linh hoạt. Để lại trên mặt gỗ những gợn màu cùng độ dày mỏng khác biệt nằm bên nhau. Nhìn vào ta cảm nhận được ngay cái ánh sáng rực rỡ, gay gắt của vùng nhiệt đới hắt trên mặt đá lam nham, lồi lõm. Sự tương phản giữa mặt nước biển xanh rì nặng chịch với vách đá phản chiếu cái nắng chói chan bạc phếch soi bóng nhạt nhòa lung linh trên mặt nước. Một sự kết hợp sắc độ rất nhuần nhuyễn của người họa sĩ có bản lãnh nghề nghiệp làm cho người thưởng lãm thấy như mình đang đứng trước bãi biển thật. Đó cũng là cái khéo của tác giả.)





                                  Một số chi tiết của tác phẩm được chụp cận cảnh...


        Đến thời điểm này 2010 tại Việt Nam trong giới chơi tranh cũng rất ít người biết về ông. Chỉ có một số báo chí viết bằng tiếng Pháp ở những thời điểm trước 1945 thỉnh thoảng có nhắc đến ông. Có lẽ thời gian sống tại VN quá ngắn với lại những tác phẩm của ông để lại không nhiều. Một phần tranh của ông chuyên vẽ biển có lẽ vậy nên ít người Việt Nam biết đến. Nhưng sự nghiệp của ông trên bình diện Quốc tế thì lại khác. Họ biết khá nhiều về ông qua sự nghiệp đóng góp các tác phẩm mỹ thuật còn lưu lại tại các bộ sưu tập tư nhân, ở các bảo tàng trên thế giới.


LÝ LỊCH MUA.

      Tôi mua tấm tranh của họa sĩ Ponchin này cùng với một bức tranh thủ ấn họa của họa sĩ Tú Duyên và một bức vẽ đôi trâu cày có ký tên Trí (Nguyễn Gia Trí) trong gia đình vị nhiếp ảnh gia lão thành đã khuất, tại vùng Dakao, Tân Định. Qua một người bạn giới thiệu. Khi mới mua tôi cũng không có gì chú tâm cho lắm. Chỉ biết là một họa sĩ Tây vẽ biển khá đẹp. Nhưng tôi cũng có một thắc mắc. Không biết cảnh này vẽ ở đâu. Tại sao lại vẽ trên gỗ mít. Một loại đặc chủng của người Việt. Với kiến thức hạn hẹp, cùng với khổ tranh khá nhỏ nên tôi cũng có ý xem thường. không mấy gì xăm soi về nó cho lắm. Khung gỗ quí, qua lâu năm nên có vẻ đanh chắc còn khá tốt. Đinh treo lâu ngày rỉ sét đã gãy. Tôi có đóng đinh mới vào để treo lên nhưng gỗ cứng quá, sợ tét nên thôi. Tôi bèn dựng đại trên đầu tủ nơi gian ngoài. Cái máu cứ muốn rõ ngọn ngành nên có lần đã đem lên Phomuaban.com. Cứ mong được có lời giải. Hoàn toàn tắc….Thời gian cứ thế mà trôi…bức tranh chả ai quan tâm cứ thế mà yên vị. ( Cứ như lúc này ai mà biết đến xin mua chắc là rẻ…).
        Mãi đến khi tôi mua được một lô sách vài trăm cuốn. Trong đó có cuốn Trường Đại Học Mỹ Thuật Hà Nội 1925-1990.





    Từ khi mua được quyển sách này tôi cũng chả để ý. Chỉ có khái niệm mua về để đó làm tài liệu. Khi nào cần thì mang ra xem, tra cứu. Tôi đã quên tấm Ponchin.
         Cho đến một buổi tối. Sau khi làm mãi một việc về nhạc tôi cũng chan chán. Với tay lật chồng sách trước mặt vô tình nhìn thấy nó. Tự dưng tôi có ý muốn tìm hiểu xem có vị họa sĩ nào có tranh nổi tiếng mà không có trong này không? Đầu nghĩ tay lật…Cho đến trang các vị thày của Trường.

Có PONCHIN ở đây.




      Tôi chợt chú ý vì nhìn thấy chữ “ PONCHIN ”. Một sức hút làm cho  tôi thèm muốn tìm hiểu thêm về vị thày giáo này. Lật tới lui cuốn sách xem đi xem lại đến cả chục lần. Thật đáng buồn! Không biết gì hơn ngoài một giòng chữ ngắn gọn nằm im thim thíp :
     - Ponchin :  dạy điêu khắc khóa I, II. ( Như minh họa trên ).
     Hơn 10 giờ tối, cả nhà đã đi ngủ. Trong bụng nóng như hơ. Cái tên Ponchin nổ lùng bùng trong đầu. Không biết bức tranh gỗ mít của mình để dưới nhà có cái tên giống như trong quyển sách này không? Lâu quá rồi không nhớ rõ. Tôi vội đặt quyển sách xuống bàn. Chạy xuống nhà dưới, với lấy bức tranh xuống vác lên gác. Dưới ánh đèn. Mắt căng ra nhìn vào phần tên tác giả.  Tên thì đúng rồi chỉ có khác chút là trước cái tên ở bức tranh của tôi còn có thêm một chữ viết tắt tròn tròn trông giống như chữ  “ Q.” hay chữ “ G ” gì đó không rõ. Trong đầu liên tưởng ngay đến chuyện trách cứ các ngài làm sách của ta quá cẩu thả. Tên họ không nêu đầy đủ. Các vị cứ nhìn lên trang minh họa sẽ thấy ngay. Một loạt tên trần xì không ai có chữ đệm chữ lót gì sất. Lại phải cất công lục thôi. Chắc cũng phải mất đến cả hơn nửa tháng không chừng…Mày mò tùm lum không hiệu quả gì. Đến lượt đống báo cũ bằng tiếng Pháp “ France Illustration ” có một cuốn duy nhất có vài giòng nói về ông họa sĩ Antoine Ponchin nào đó có gởi tranh tham gia cuộc triển lãm một bức tranh vẽ biển. Tôi thật thất vọng. Suy nghĩ thoái trào so với lòng hăng say cách đây vài tuần. Lòng hăm hở có phần xì van giảm áp. Nhưng cũng chưa thất vọng hoàn toàn. Dẫu sao vẫn còn cái đà… Còn nước còn tát. Vốn dĩ lớn lên vào thời kỳ giao thoa. Nửa cầm bút mực, nửa cầm bút bi đã quen. Nay đến thời kỳ nhấn phím @ tôi có phần dốt nát về loại này.
  - Đi mà hỏi Goolge.  Cứ dzô đó rồi làm dzầy…dzầy… Một người bạn nhắc khéo sau khi nghe tôi giãi bày. Nghe lời. Tôi vào bấm. Ponchin. Chả có dính tí tẹo nào đến chuyện của mình cả. Coi kỹ vào…Lòng kiên trì của tôi đã được đền đáp. Một giòng chữ Antoine Ponchin và có cả tranh bán trên mạng. Đa đã dzậy ta…Có cục gì tròn tròn đứng trước cái tên kìa!...Ay da! Hao hao giống cái của mình ta…Xem kỹ….Thế là trúng mánh…Chữ tròn tròn đó là chữ  " A " được thể hiện theo lối chữ viết hoa. Không phải là chữ " Q "hay chữ " G " như nếp suy nghĩ từ trước tới giờ. Thế mà mình cứ đinh ninh là chữ đứng đầu trước cái tên phải viết theo lối chữ in hoa mới chết. Mới mất công. Thôi dù sao mình cũng đã đạt được mục đích thế là dzui rồi. Quí vị xem thử coi nó " đã " cỡ nào nhé!

Ba tác phẩm tiêu biểu cho họa sĩ Antoine Ponchin tìm thấy trên mạng.


                            Antoine Ponchin.   Bord de Mer sur la Cote bleure. 33cm x 23.3cm


                                          Antoine Ponchin.    L' Entree du port . 54cm x 65cm



Antoine Ponchin.   Vue d' Antbes le Fort Carre. 33cm x 23.3cm



và bức tranh hiện có.

                                               Antoine Ponchin.  Eo Gió. Qui Nhơn. 

     Một kinh nghiệm quí báu. Chớ nên xem thường bất cứ vật gì khi nó có dấu hiệu lạ…Cẩn thận phải để ý tìm hiểu về nó cho kỹ. Bạn sẽ phát hiện ra giá trị của nó. Nếu ngay chính bản thân nó đã có giá trị đích thực không gán ghép.
     Đây là tấm tranh có giá trị về mặt lịch sử hội họa cận đại của VN. Vì ông là một trong những người thày đưa bộ môn nghệ thuật của phương Tây vào dạy cho người Việt chúng ta. Nó cũng có giá trị kinh tế rất cao dựa vào nhiều yếu tố . Hiếm , đẹp, của bậc thày đã một thời đã dẫn dắt thế hệ đầu tiên của nền hội họa Việt Nam hiện đại.


Giai đoạn 1925 - 1945


Đăng tải bởi Administrator on . Posted in Lịch sử




Danh sách các học giả và họa sỹ nổi tiếng của trường Mỹ thuật Đông Dương:


STT
HỌ TÊN
GIẢI THƯỞNG / HỌC THUẬT
1
Họa sỹ Alix Aymé (1894-1989)
Chuyên nghiên cứu về lịch sử sơn mài châu á
2
Điêu khắc gia Antoine Ponchin (1872 – 1933)
Giải thưởng Đông Dương, 1922
3
Kiến trúc sư Charles Batteur
Chuyên nghiên cứu về kiến trúc đình làng Bắc Bộ của trường Viễn Đông Bác cổ (EFEO)
4
Điêu khắc gia Evarist Jonchère (1892 – 1956)
Giải thưởng Roma 1925
Giải thưởng Đông Dương 1932
5
Kiến trúc sư Ernest Hébrad
Giải thưởng Roma 1904
6
Họa sỹ Georges Barrière (1881 – 1944)
Giải thưởng Đông Dương 1934
7
Họa sỹ Henri Dabadie (1867 -1957)
Giải thưởng Đông Dương 1928
8
Họa sỹ Joseph Inguimberty (1896 – 1971)
Giải thưởng Blumenthal 1922
9
Họa sỹ Jules Besson (1868 -)
Giải thưởng Đông Dương 1925
10
Họa sỹ Lucien Liève (1878 - )
Giải thưởng Đông Dương1929

Học giả Louis Bezacier
Giáo sư khảo cổ học của trường Viễn Đông Bác cổ (EFEO)
11
Họa sỹ Louis Rollet (1895 –1988)
Giải thưởng Madagascar 1929
Giải thưởng Đông Dương 1930
12
Họa sỹ Paul Emile Legouez (1882 -)
Giải thưởng Đông Dương 1926
13
Họa sỹ Paul Jouve (1878 -1973)
Giải thưởng Đông Dương 1921
14
Họa sỹ Raymond Virac (1892 – 1946)
Giải thưởng Đông Dương 1927
Giải thưởng Madagascar 1936
15
Họa sỹ Victor Tardieur (1870 – 1937)
Giải thưởng Đông Dương 1920
16
Học giả Victor Goloubew
Chuyên gia khảo cổ của trường Viễn Đông Bác cổ
 Trích nguồn: Trường Đại Học Mỹ Thuật Việt Nam.

Cauminhngoc
05/3/2012