Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

" TÁC PHẨM ". NHẬN ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG ?

        
VanKy.Ng. Trên cánh đồng buổi sơm mùa thu. Sơm mài/ván ép. Kt; 90cm x 60cm x 04 tấm. Chữ ký. Góc phải dưới. Có thể trước năm 1975.


Tạ Tỵ. Lòng mẹ. Điêu khắc đồng/ nền ván ép. KT: 67cm x 82cm. (Tính luôn khung). Cuối thập niên 50/TK.20. Chữ ký bằng logo nằm trong nhãn "Lòng mẹ".



     Khi người nghệ sĩ đã xác định một ý niệm, kết hợp cảm xúc dâng trào, cũng là khoảnh khắc hình tượng mơ ảo trong tiềm thức xúc tác với thế giới hình thể thực tại của vạn vật được biến cải qua ý thức bản ngã dẫn đến sự bùng vỡ triết lý nghệ thuật để hình thành một tác phẩm…Chính những cảnh giới trí tri nội tại thoát khỏi thân xác, hòa nhịp cùng kỹ năng điêu luyện cá thể đã lưu dấu bằng màu sắc và hình dạng dàn trải trên mặt phẳng chất liệu đóng khung. Những trạng huống phức hợp tĩnh định này là nhân tố đánh động xúc cảm ảo thị nơi người thưởng lãm, giúp họ có điều kiện chiêm nghiệm tác phẩm bằng ngôn ngữ hội họa tích cực, phần nào kéo gần khoảng cách giữa tư duy của tác giả và người thưởng lãm. Mặc dầu tác phẩm đôi khi không mô tả sự vật với hình thái ấn tượng hay hiện thực..v.v… mà biểu diễn qua mô thức ẩn ngữ hội họa với bản thể đang tồn tại trong trạng thái tĩnh định hoàn toàn trước nhãn giới khách quan. Dẫu vậy nó vẫn có khả năng dẫn dắt người có sự kiến trải mỹ học đa thức chìm vào trạng thái biến động nội tâm với cả một miền triết lý mỹ cảm nghệ thuật. Nói như thế có nghĩa là " Dù cuồng quái như thế nào đi chăng nữa cũng không nên vượt qua cái lý của sự vật ".
       Cho nên việc nhận định như thế nào cho phải, cho đúng về một tác phẩm nghệ thuật, ta cần phải định dạng lại nguồn thưởng lãm và giá trị nội tại của tác phẩm. Sự thưởng lãm và tác phẩm nghệ thuật không thống nhất hay đồng dạng... Có được nhận thức sâu hay bộc phát rung cảm nội tâm trọn vẹn khi đứng trước tác phẩm hội họa! Điều này cũng còn tùy thuộc vào sự kiến trải của chủ thể thưởng lãm với môi trường nghệ thuật ra sao... Sự bộc phát tâm thức lãnh hội, chính là ý thức cảm thụ cá biệt bất lưỡng thể...
   Không gian, thời gian, hình thể, sắc màu, tư duy cùng phương thức kỹ thuật thể hiện của tác giả là sự gợi mở của tác phẩm. Những điều đó ấn định cho đẳng cấp.


        Ở đây cũng cần nêu lên một vấn đề trong việc. Đọc, nhận định hay phê bình. Có chăng là chuyện áp đặt tư duy của người viết nhận định vào tác phẩm của một họa sĩ nào đó? 
       Điều này không phải là chuyện bất khả! Bởi việc thưởng lãm nghệ thuật hay bình phẩm nó giống như thày bói mù sờ voi. Tất cả mang khuynh hướng chủ quan của người thưởng lãm hay phê bình nên đôi khi nó cũng có chiều lệch khó tránh. Việc nhận xét, đọc hay phê bình muốn được xem là chân chính, phải là sự cảm nhận chủ quan trung thực vô tư, vị nghệ thuật. Là sự đào sâu phân tích, đọc được những ẩn ngữ chứa đựng nơi những mô thức hiện tồn trong tác phẩm một cách hợp lý lẽ, có khoa học. Còn như vị lợi mà cố tình áp đặt những điều vô thể, vô thức, vô căn nguyên trở thành hữu thể, hữu thức bằng lý luận thiếu vắng khoa học thì chuỵện này cũng không thể cấm cản một ai đó làm điều họ muốn "áp đặt"!  Vì vậy! Đây là chuyện luôn phải có tính vô tư từ mọi phía khi trực diện với chủ đề. Cần phải khách quan và sáng suốt mà quán thu, nhận định những gì đã được phơi bày trước mắt để đánh giá thực hư sự việc có chuyện "áp đặt" hay không. Nên hiểu cho! Trong hội họa hay bất kỳ loại hình nào khác, không phải lúc nào cũng có dịp đọc hay được nghe những lý giải bởi người tạo tác mà đa phần ta bắt gặp chuyện này ở những nhận xét, phê bình chủ - khách quan của tha nhân trên sách báo hoặc thông tin đại chúng. Ở những tác phẩm có thể tính vượt trội của các bậc thầy thường cho thấy. Ngoài chất mỹ thuật ra trong nó luôn hàm chứa thêm tính triết-văn cùng những ẩn ngữ bác học trong cách thể hiện. Họ sẽ không bao giờ muốn tự đóng khung tư tưởng của mình bằng những lý giải dưới bất cứ hình thức nào, mà luôn để cho người thưởng ngoạn tự chiêm nghiệm và bay bổng với tư duy của bản thân thông qua những hình tướng mang tính gợi ý được tác giả dàn trải trong tác phẩm. Làm như thế, việc thưởng ngoạn sẽ được đa dạng hóa, phong phú hóa không bị khô cứng, không bị đóng khung bởi những lời diễn giải trần trụi, đôi khi giết chết tác phẩm chỉ vì mọi chuyện đã quá rõ ràng, không còn gì để nói...
       Chuyện áp đặt hay phát hiện ẩn ngữ trong tác phẩm! Nó rất rõ ràng dưới mắt người khảo cứu am tường có đẳng cấp. Họ biết đâu là vu vơ, đâu là vì vụ lợi, đâu là giải mã ẩn ngữ vụ việc khi nhìn vào vật phẩm. Chuyện gì cũng phải thấu tình đạt lý. Chính danh, trung thực là hơn cả. Người " đọc " phải thật cẩn trọng, mở đúng cánh cửa bản chất sự việc. Có nghĩa là người " đọc " phải tinh tế, khai thác diễn giải một cách cụ thể và khoa học ngay từ những hình tố biểu lộ trong vật phẩm. Muốn như vậy dứt khoát tác phẩm phải có những dáng vóc, hình thể hiển lộ rõ ràng. Điều này sẽ khơi gợi tâm thức những người có khả năng nhạy bén về phê bình, khảo cứu nắm bắt. Từ những yếu tố đã quán thu hòa nhịp cùng tâm thức sáng tạo mà tuôn trào những luận giải theo cảm súc chủ quan thành mạch văn học gởi đến mọi người tìm sự đồng cảm. Việc làm này không thể tạo dựng, đổi trắng thay đen, dựng đứng nói không thành có cho được. Tất cả phải có sự nhất quán, mạch lạc phù hợp với bản chất hiện hữu, phải thật trung thực và trong sáng và luôn mang tính viện dẫn khoa học, chuẩn xác...v..v... " Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu ". Cụ Tú Xương đã có lời dặn như thế... Khẳng định một điều. Không có lửa lấy gì có khói?. Không bột sao gột nên hồ? Không chân lấy gì bước? Không chữ lấy gì mà đọc và có ý mới có tưởng là vậy.
      Bộ môn khảo cổ học và phê bình, lý luận hội họa được sinh ra phải chăng là để giải quyết cho việc này. Và đôi khi cũng chỉ vì chuyện " thiếu niềm tin " hoặc " với chưa tới " về "người phê bình" cũng như "người đọc" nên bị tha nhân gán buộc cho là viết viển vông, áp đặt là vậy? 

Cauminhngoc

24/9/2014

 

        Cám ơn các bạn Trùng Nhị, Định vương và Trần Thư đã ghé thăm và đóng góp ý kiến.
Thưa các bạn.
        Với một người có trách nhiệm, có tinh thần tự trọng nghề nghiệp thì sự học hỏi và ứng dụng không phải là công việc sao chép mà nên hiểu rằng. Cùng ngôn ngữ nhưng phải có tiếng nói và cách bày tỏ riêng. Tùy khi mà ngữ điệu có sự bổng trầm. Phải biết khai thác tính đa dạng, kết hợp với dạng ngữ khác để cho phong phú về văn ngữ. Đó chính là sự thành công của người làm nghệ thuật chân chính. Không mải miết dùi mài một bút pháp, vì như thế sẽ dễ dàng thành thói quen dẫn đến nhàm chán. Phải có sự lăn xả, tìm tòi, lãnh hội, phát kiến, luôn hướng tới phía trước mới mong có được bản ngã trong sáng, mới mong đánh động những tư duy sâu thẳm nội tại, tạo cơ hội cho sự bùng vỡ tâm thức, biến nó trở thành cơn lốc xoáy cuồn cuộn trong tâm hồn. Khi bộc phát sẽ hòa nhập vào khả năng tôi luyện của thân xác thực sinh một bản thể có những ẩn ngữ, công án để mọi người thưởng lãm suy gẫm. Đó là tác phẩm nghệ thuật... Tôi thấy Tạ Tỵ đã đi từng bước trên những nẻo đường đầy chông gai này....và ông đã thành công.
Thân mến.
Cauminhngoc. 
( Trao đổi trên Phố Mua Bán về Tạ Tỵ ).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét