HS. Hiếu Đệ. Hán Thọ Đình Hầu ( 漢受庭侯 ). Quan Công.
Sơn mài trên vóc ván ép. Kích thước: 50cm x 80cm. Năm vẽ: 1980-1989.
Có thể nói. Hình tượng nhân vật trong thời Tam Quốc được sùng bái, lập miếu tôn thờ nhiều nhất, không ai khác. Hán Thọ Đình Hầu. Quan Công. Nơi nào có người Hoa sinh sống. Nơi đó sẽ thấy hình tượng nhân vật này. Họ lấy ông làm biểu tượng cho nghiã khí và tiết tháo. Bởi tính trượng nghiã. Hình ảnh về Quan Công được thể hiện rất đa dạng. Như chém Nhan Lương. Phò nhị tẩu. Kết nghĩa vườn đào. Tam cố thảo lư. Tha Tào ở Hoa Dung Đạo..v..v.. Những hình ảnh này xuất hiện ở những quán ẩm thực, xe hủ tíu của người Hoa ở Saigon trước 1975, được vẽ trên kiếng trang trí với những màu sắc rất rực rỡ. Riêng ảnh tượng về bộ ba Quan Công, Quan Bình và Chu Thương được thực hiện rất nghiêm cẩn ở trên các chất liệu thông dụng để thờ chứ không dùng làm vật trang trí như những hình ảnh khác nói về ông.
TẠI SAO KHỔNG MINH DÙNG QUAN CÔNG Ở HOA DUNG ĐẠO MÀ KHÔNG DÙNG AI KHÁC? PHẢI CHĂNG VÌ THUYẾT " CHÂN VẠC "?
Khổng Minh ( Nguồn Wikipedia. Khổng Minh ).
Sau khi cầu được trận gió Đông để cho Chu Du sử dụng và cũng là mượn trận gió trái mùa này giong buồm chuồn về Kinh Châu cho mau, tránh chuyện bị Chu Du sai quân đuổi theo mượn thủ cấp. Một chuyện chắc chắn chả ai muốn việc đó xảy đến với mình.
Về đến Kinh Châu. Khổng Minh cùng Lưu Bị tức tốc cho triệu tập ngay tướng sĩ dưới trướng giao cho việc bố phòng nút chặn ở các nơi trọng yếu, đón đợi quân Tào chạy qua chận đánh, chiếm đoạt lương thảo, quân khí làm chiến lợi phẩm. Mọi người đến đâu và phải làm gì được Khổng Minh đều động phát lạc rất cụ thể. Riêng Quan Công đứng trơ trơ ra cả buổi mà không hề thấy Khổng Minh đá động gì đến. Chịu không nổi cái kiểu coi như không có mình ở đây, Quan Công đã phải ào ra gặng hỏi. Lúc ấy Khổng Minh mới nói. Có một việc cực kỳ quan trọng. Phải bắt bằng được Tào Tháo...Chưa biết giao cho ai!?! Nếu Quan Công muốn nhận việc này thì phải viết " Quân lệnh trạng ". Lý do vì sợ Quan Công có ân tình với Tào Tháo mà thả đi không giết. Một kiểu khích tướng để Quan Công phải thực hiện đến nơi đến chốn. Không xong sẽ bị tội chết. Sau khi viết cam kết. Quan Công nhận lệnh dẫn binh mai phục chờ Tào Tháo. Đúng như dự đoán của Khổng Minh. Vốn tính đa nghi cố tật Tào Tháo bỏ đường lớn kéo đám tàn binh chạy men theo con hẻm núi độc đạo Hoa Dung. Nơi có Quan Công đang chực sẵn. Vào thế cùng Tào Tháo phải đích thân giáp mặt Quan Công nhắc lại ơn nghĩa khi ông phò hai chị dâu về hàng qua sự bắc cầu của bạn cũ Trương Liêu. Quan Công trả lời đã giết Nhan Lương, Văn Xú để trả ơn rồi ..v..v... Tào Tháo nhắc chuyện qua ngũ quan trảm lục tướng lúc ông dẫn hai chị dâu trốn sang đất Viên Thiệu tìm Lưu Bị. Đang dùng giằng thì Trương Liêu chạy đến. Nhìn nhau mà không nói gì. Đã thế nhìn thấy đám đám quân Tào thất trận nhếch nhác qùi lạy như tế sao xin tha mạng. Quan Công động lòng trắc ẩn, quay ngựa cho quân Tào qua hết không bắt một ai cũng như không ra lệnh cho binh sĩ chiếm lấy một thứ gì của quân Tào làm chiến lơi phẩm. Quan Công kéo quân về tay không chịu tội chết với Khổng Minh...
Theo như trong bộ truyện diễn tiến như vậy và Khổng Minh có lý giải cho Lưu Bị biết là mạng của Tào Tháo chưa tận, nên có cử ai khác chặn ở Hoa Dung đạo thì họ Tào vẫn thoát. Vì thế cử Quan Công ra đó cho ông có dịp trả ơn để không còn áy náy về sau.... Thực sự có đúng như thế không?
Ta nên nhớ! Khi Khổng Minh còn ở lều tranh đã lập ra thuyết " Chân vạc ". Mong tìm được người có trí lực, ông sẽ hợp tác, mượn tay nhân vật này ứng dụng kế sách của mình cùng việc thi thố tài năng với các thế lực đang tranh giành quyền lực ngoài thực tế. Một chủ thuyết dựa vào sự bất ổn của thiên hạ mà an thân trong lúc góp mặt với đời mà ông đã ấp ủ trong lòng. Bởi vậy! Khi biết Lưu Bị đến tìm (1). Mặc dù đã ngầm chọn và nắm rõ về nhân thân cũng như chí hướng rồi. Xem ra Khổng Minh cũng chưa an tâm cho lắm. Chuyện " Tam cố thảo lư " đầy khổ ải, nhọc nhằn của ba anh em kết nghĩa Lưu Quan Trương phải cất công lặn lội đến dãy núi " Rồng nằm " ở ba thời điểm khác nhau để cầu hiền, không phải là ngẫu nhiên, mà do một sự sắp đặt có chủ ý. Một cách thử lại bài toán trước khi dụng người bởi tính cẩn thận của Khổng Minh. Từ chuyện giả tảng, khệnh khạng cả vài canh giờ bắt Lưu Hoàng Thúc phải chắp tay đứng ngóng ngoài hiên cả buổi dưới trời tuyết giá mới ra tiếp.(2) Cũng là cố tình tạo sự chướng tai gai mắt thực tế để xem phản ứng, tính ý cụ thể của người mình sắp theo phò ra sao. Không chỉ có thế. Tấm bản đồ cốt lõi của sự việc do Khổng Minh đích thân chu du khắp nơi vẽ, được tên tiểu đồng treo lên. Trên đó được chú thích cặn kẽ ưu khuyết của từng vùng. Cục diện tương lai được phân đinh sẵn, rất cụ thể. Dựa vào đó Khổng Minh trình bày sách lược an bang tế thế, phương sách đối phó với các thế lực đang tồn tại hùng cứ tứ phương ra sao và khuyến cáo họ Lưu phải giành cho bằng được lòng dân để dựng nghiệp lớn. Một cách chứng tỏ tài năng vượt trội của mình cho Lưu Bị thấy mà phải khẩu phục, tâm phục ngay từ buổi đầu tiếp xúc để rồi toàn tâm nhất ý tuân thủ những gì ông vạch ra sau này.
Khổng Minh biết Lưu Bị còn cô thế. Không nắm được Thiên thời như Tào Tháo. Cũng chưa tìm ra mảnh đất để cắm dùi thì lấy đâu được Địa lợi như Tôn Quyền. Chỉ có Nhân hòa là còn để ngỏ. Một thứ vô hình không như ngôi báu và lãnh địa để cho các thế lực có thể nhìn vào mà tranh dành chiếm đoạt. Khổng Minh đã " vồ " ngay lấy, áp đặt cho Lưu Bị. Muốn Lưu Bị phải ra sức thu phục nhân tâm với chính nghĩa con cháu nhà Hán (3). Phải tìm cách lôi cuốn trăm họ đang ly tán, khổ sở chết chóc vì chiến tranh triền miên, giặc dã cướp bóc nổi lên khắp nơi không biết dựa vào ai, về với mình! Nắm được thế " Nhân hòa " là đã tạo dựng được một thế đứng vững chắc trong thiên hạ. Đó là lẽ sống cũng là một phần không thể thiếu, tiềm ẩn trong kế sách " Chân vạc ".
Khổng Minh quá cao tay, đứng trên thiên hạ thấu hiểu được thế cục hiện hữu nên đã chớp thời cơ, vận dụng cái nhân tâm thuần lý nhưng lại tiềm tàng một sức mạnh khủng khiếp " lòng dân " ở đời, dúi vào tay Lưu Bị. Tuyệt hơn cả! Ông triển khai " lòng nhân từ chính tri " biến thành " cái ách " chân lý quàng vào cổ Lưu Bị. Đương sự không hề thấy bị trói buộc mà tự nguyện đưa lưng ra gánh vác. Có thể nói ông đã đi vào tim óc Lưu Bị. Nắm chắc được tử huyệt của một người mang tham vọng xây dựng Đế nghiệp mà tay trắng. Chưa có lấy một rẻo đất nương thân. Chưa biết phải làm những gì và phải nhờ ai. Cho nên! Khi Khổng Minh đã cố tình thì họ Lưu dính cựa là cái chắc. Làm sao mà Lưu Bị không bị choáng ngợp trước những lý lẽ thực tiễn đầy hứa hẹn sẽ đem lại thành quả rực rỡ cho tương lai như thế? Một cái kiểu " Bó lúa trước mõm ngựa " trong truyện ngụ ngôn.
Của tội! Tiếng tăm của hai nhân vật " Phục Long, Phượng Sồ " luôn ám ảnh họ Lưu từ khi gặp Tư Mã Đức Tháo..(4) Việc đại sự, không có một trong hai thì không xong. Chả riêng ai! Mọi thức giả thời đó đều nói như thế... Cho nên. Trước mặt Lưu Bị lúc này. Con đường duy nhất dẫn đến sự thành công là phải ôm chặt lấy Khổng Minh và học thuyết " Tam phân " của hắn. Lưu Bị đã cho rằng mình như cá gặp nước, rồng mắc cạn vượt ao tù... từ khi diện kiến Khổng Minh...là vậy!
Không sai! Mới chân ướt, chân ráo Khổng Minh đã châm một mồi lửa nơi đồi Bác Vọng, đốt tàn Tân Dã giúp cho họ Lưu thể hiện được hình ảnh " cứu dân độ thế " để thu phục tình cảm trăm họ. Trơ mặt " mượn không trả " đất Kinh Châu của Đông Ngô đề có chỗ dựa, đồng thời làm bàn đạp chiếm Thục xưng Vương. Gây nên được sự tranh giành dai dẳng giữa ba nước Thục, Ngụy và Ngô đúng theo kế sách đã vạch. Cho nên khi chiến sự giữa Ngụy - Ngô xảy ra. Để tránh cho Đông Ngô nhỏ bé bị diệt vong bởi lực lượng hùng hậu của quân Ngụy, ảnh hưởng đến cục diện tam phân hiện tại đã tốn bao công sức gầy dựng. Khổng Minh vén áo, đích thân khăn gói quả mướp đi sang Đông Ngô thuyết khách, xin cùng chung lưng đánh Ngụy. Mặc dù là phải đi cầu cạnh nhờ vả như thế. Nhưng Khổng Minh lại trịch thượng, không muốn để lộ cái yếu điểm của mình, lại muốn Đông Ngô phải cầu cạnh xin mình trợ giúp cho việc đánh Tào.(5)
Suốt thời gian cu ki ở Đông Ngô. Khổng Minh vẫn bình chân như vại. Sau bao nhiêu chuyện phải tranh luận đấu đá, tránh né các cuộc mưu hại của nhóm mưu sĩ Đông Ngô và Chu Du (6)...Cuối cùng Khổng Minh vẫn được như ý. Rồi chiến thắng Xích Bích thành công. Quận Ngụy đại bại. Tào Tháo dở khóc dở cười hao binh thiệt tướng trên đường rút chạy...Nếu lúc này Thục ra sức triệt hạ quân Tào càng nhiều càng tốt, rồi hiệp lực cùng Đông Ngô đánh thốc vào Hứa Đô. Chắc cũng không phải là khó... Riêng chuyện trực diện với Tào Tháo ngay trận tiền như ở Hoa Dung đạo. Ngàn năm một thuở. Nếu Khổng Minh không dùng Quan Công mà cho tập trung tất cả lực lượng, cử Trương Phi cộng thêm một số tướng tài nữa, hạ quyết tâm bắt bằng được Tào Tháo... Chuyện này có thể nói. Khổng Minh nắm trong lòng bàn tay... Nhưng... Nếu làm thẳng như vậy, triệt được Tào Tháo, cục diện chỉ còn lại Thục và Ngô, rơi vào chuyện lưỡng hổ tương tranh. Chẳng bao giờ Khổng Minh muốn thế... Phải để cho Tào Tháo sống và chạy thoát mới giữ trọn vẹn được thế ba chân như tâm nguyện.
Bởi thế! Chuyện Khổng Minh dùng Quan Công ở Hoa Dung đạo mà không dùng ai khác đã chứng minh một cách triệt để về sự trung thành với thuyết " Chân vạc " của mình như thế nào. Khổng Minh là người thông tuệ, hiểu rõ tâm ý, khả năng đến từng người tướng dưới trướng nên chuyện dùng ai, vào việc gì, rất chính xác và có hiệu quả cao. Biết Quan Công trượng nghĩa. Đã mang ơn ai, phải đền đáp cho bằng được. Việc Quan Công chùn tay tha Tào không ngoài sự tiên liệu của Khổng Minh và con cờ Quan Công đã đi đúng nước mà Khổng Minh mong muốn.
Khổng Minh mãi mãi vẫn được xem là nhân vật Quân sư kỳ tài của thời Tam quốc. Thông qua con cờ Lưu Bị. Ông đã hoàn thành một cách tốt đẹp kế sách của mình đề ra là khấy động thiên hạ để an thân cùng gia đình trong suốt thời gian xuất thế làm chính trị. Ông đã minh chứng tài năng, trí tuệ trác tuyệt có một không hai của mình trước thiên hạ. Có thể thấy được ngay từ khi còn khoác bầu rượu túi thơ ngao du cùng bạn bè bàng bạc trong bộ truyện. Chỉ chịu bó tay ở đồi Ngũ Trượng lúc vạt áo của Ngụy Diên làm tắt phụt ngọn đèn chủ tinh vì " Số trời ".
Tóm lại! Khổng Minh là nhân vật ngoại hạng. Là người kiến tạo ra thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Hay nói khác hơn. Khổng Minh là mẫu người tạo ra lịch sử chứ không phải là con người trong lịch sử vậy! Hoặc giả: " Anh hùng tạo thời thế " chứ không phải " Thời thế tạo anh hùng ".
Cauminhngoc
14/10/2014.
(1) Đây rồi! Chờ mãi... Tay này chơi được đây! Vai vế chú của Vua mà! Thây kệ!!! Xa xa một chút thì đã làm sao! vẫn còn hơn không! Chính danh! Chính danh rồi!!!.... "
(2) Chắc mẩm là ổng ngồi trong nhà quấn chăn rung đùi nhẩm trà " địa" tướng cách họ Lưu và " ngọ " hắn có những phản ứng ra sao khi bị " đì " cả buổi như vậy!
(3) Một tay cáo già!!! Từ con một người dệt chiếu vô danh, trên răng dưới dép. Trong thời loạn lạc túm cơ hội gần Vua. Bèn xin tra cứu gia phả nhận họ hàng để gây thanh thế! May sao lại trở thành Hoàng thúc thật...chứ không thì... Lúc này mới thấy là câu " một giọt máu đào, hơn ao nước lã " có giá trị tuyệt đối...
(4) Với ai thì chưa biết! Chứ với cha nội Khổng Minh này thì chắc cú là chả đã khéo léo mượn mấy cái " lỗ miệng gang thép " của những tay ẩn sĩ như: Tư Mã Đức Tháo, Thôi châu Bình, Mạnh công Uy và Thạch quảng Nguyên ...và bao nhiêu nữa không biết... kế đến là Từ Thứ tiếp thị tên tuổi cho mình với thiên hạ ngay từ khi còn nằm ngủ ngày ở núi Ngọa Long kia ...
(5) Đi nhờ người mà lại muốn người phải mở lời cầu cạnh mình giúp. Có lẽ chỉ có Khổng Minh. Đó cũng là cái tuyệt của ông....
(6) Đọc trong bộ truyện Tam Quốc này. Sự đố kỵ của Chu Du đối với Khổng Minh quả là cực đoan và tự mình hại mình. Thật ra Khổng Minh đâu có ý đồ gì mưu hại Chu Du. Bởi vậy khi Chu Du chết. Khổng Minh có sang đọc bài điếu tang thương tiếc làm cho tướng sĩ Đông Ngô phải nhỏ lệ. Đó là thực lòng??? Có lẽ Khổng Minh cũng rất muốn Chu Du sống để lèo lái một trong ba chân vạc cùng với mình! Phải chăng Chu Du không hiểu như thế?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét