Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

CHUYỆN MUA BÁN.


CHUYỆN MUA TRANH. ( Một số trao đổi trên Phố mua Bán ).


Nói về chuyện đi mua tác phẩm xưa của một họa gia có tên tuổi, hay được đánh giá là có giá trị nghệ thuật cao.  
  Biết nói như thế nào cho phải. Dễ thì cũng dễ đấy. Nhưng bảo khó thì nó cũng không sai.
  " Chơi đồ cổ là chơi trên sự thiếu hiểu biết của thiên hạ " một câu nói hơi  "shóc" không biết của ai mà tôi đã từng nghe. Nhưng muốn thực hiện được nó bạn phải là người có bản lãnh thực sự. Nếu không thì bạn sẽ ôm một mớ xà bần mà cứ tưởng là vàng thỏi.
   * Cái dễ cho ta là khi gặp phải người bán không biết gì về giá trị của nó. Trường hợp này. Vận may đã mỉm cười với bạn. Với điều kiện bạn phải am hiểu hơn họ. Nếu không  bạn sập bẫy...kẻ săn...nai.
   * Cái khó cho bạn. Đó là gặp phải người am hiểu rất rõ về giá trị đích thực về sản phẩm đang trong tay họ ( Điều này là chắc như bắp đá vì từ khi mua về họ đã có rất nhiều thời gian để tìm hiểu về nó ). Với những người như thế này. Cơ hội trúng mánh bạn nên loại bỏ...mà cần xem xét những yếu tố quan trọng về cái mình sắp mua. Đó là:
   - Người bán có uy tín hay không?
   - Giá cả như thế nào? Bạn không nên ảo tưởng về chuyện vớ bẫm khi người bán họ có quá trình kinh nghiệm trong nghề. Mà chỉ mong vào chuyện thương lượng làm sao để chuyện giảm giá có phần lợi cho mình thì hay hơn.
   - Sản phẩm mình muốn mua đúng là có giá trị thật không?
 Với những tác phẩm có tuổi cỡ 50, 60 năm còn dễ thở... Từ 70 năm trở lên " thất thập cổ lai hy ". Tranh cỡ này...chắc hẳn là phải hiếm và quí. ( Chỉ nói về những tác phẩm của những họa gia tên tuổi. Chớ nhầm lẫn giữa mỹ thuật và mỹ nghệ.... Hai cái nó cách xa nhau dữ lắm đó...)
   - Người bán có dám viết văn bản cam kết đảm bảo với bạn về sản phẩm của họ là chính bản không?
   - Hãy lắng nghe để hiểu biết về họ cũng như nghe họ tán về sản phẩm họ có trong tay. Hãy cố gắng nhận xét về giá trị đích thực có đúng là là như thế hay bị thêm gia vị vào quá nhiều. Nếu không am hiểu hơn thì nên lắng nghe. Không mua được cũng có một bài học kinh nghiệm cho bản thân.
   - Chớ coi thường họ...Sự hiểu biết của mỗi người đều có sở trường sở đoản...Nên tôn trong lẫn nhau là hơn cả. Hãy học từ họ những cái bạn chưa thấu đáo.
   - Có nhiều người bán rất là khó chịu...Họ chỉ tiếp bạn khi họ cảm thấy bạn có khả năng... Bạn hiểu biết thật sự cộng thêm sự ham thích...nhiệt tình. Hỏi dấm dớ...chắc là bạn sẽ nhìn thấy con cá vàng đang lửng lơ thản nhiên bơi... Bạn đi mua hột xoàn hay đi mua viên bi thủy tinh về cho con chơi vậy?
   - Cái tốt nhất nếu không đủ bản lãnh thì hãy tìm một chuyên gia có tính trung thực cao đi cùng cố vấn cho bạn.
   Cho nên muốn mua một tác phẩm nghệ thuật có tầm vóc thực sự. Trước hết bạn phải nắm vững về nó về mọi khía cạnh sản phẩm muốn mua. Còn giá cả nó là một chuyện khó chịu nhất... Khi muốn mua nên tham khảo trước về giá cả những sản phẩm cùng trang lứa trên thị trường so sánh thật kỹ về mọi mặt và tùy theo khả năng về tài chính cộng thêm sở thích của mình rồi quyết định tới hay dừng...Chuyện này đỡ mất thì giờ cho đôi bên.
   - Nếu đủ khả năng. Công thêm cái thích. Cứ mạnh dạn " Kỳ kèo bớt một thêm hai " không xong...quyết định ngay...Tránh cho chuyện hối tiếc có tiền vẫn đứng ngó nó treo trên tường nhà người khác.
   - Chớ nên ảo tưởng đánh đồng giá cả giữa tranh cũ của tác giả nổi tiếng với tranh cũ vớ vẩn hay tàm tạm.... Và cũng đừng quá ngạc nhiên khi thấy một trời cao so với vực thẳm suy nghĩ của mình xuất hiện giữa nhà khi họ báo giá.
   - Một tác phẩm nghệ thuật có tầm cỡ càng để lâu sẽ tăng thêm giá trị về kinh tế cũng như văn hoá. Thang bậc giá trị được tính theo cái giá người mua cuối cùng.
   Đôi lời trao đổi cùng quí vị trên Phố có thể là chưa tốt nhưng cũng mong đóng góp đôi chút cho vui cùng các bạn.
Thân mến
Cauminhngoc.


Chuyện mua tranh...( tiếp theo ).
      - Luôn luôn phải ghi nhớ trong đầu. " Mua lầm. Bán khó lầm...". Với những người bán có nhiều kinh nghiệm. Cơ hội được " bắt tận tay, day tận trán " những vật phẩm có giá trị lớn mà họ lưu giữ sẽ có diễn tiến hơi phức tạp. Họ thăm dò, tìm hiểu bạn từng chút. Họ đo " Tăng-xông " bạn xem như thế nào. Họ sợ mất công, đôi khi còn gặp cảnh bực mình vì đối tượng đòi mua không biết chút gì về giá trị của nó...cứ nghĩ rẻ mua chơi...Đừng buồn và trách họ khó...Nếu bạn có tư tưởng dấm dớ đó thì họ cũng nghĩ. Đâu có rảnh dữ dzậy...cả đống tiền của..mà tự dưng rước...về xem chơi cho vui à ???. Tiên trách kỷ hậu trách nhân. Các cụ xưa đã dặn rồi...không nhớ sao?
       Xin kể một câu chuyện đã từng xảy ra. Một Việt Kiều nọ muốn mua bức tranh con  mèo do Foujita vẽ trao tay tại chỗ cho người hâm mộ vào năm 1941 nhân cuộc triển lãm trao đổi văn hóa giữa Nhật và Đông Dương trưng bày tại Nhà Hát lớn Saigon. Bức này gốc là của cụ Vương hồng Sển. Theo lời kể. Khi ấy đã chịu khó xếp hàng và phải chìa ra một đồng vàng ( hay 10 đồng ) lúc đó để lấy con mèo về chơi. Không hiểu sao lại lọt vào tay nhà văn miền Nam chuyên viết truyên trinh thám kiêm mua bán cổ vật lão luyện này. 
      Không hẹn với người mua tại nhà mình mà lại hẹn gặp ở quán cà phê. Sau một chặp trao đổi hơn hai giờ đồng hồ. Vị nhà văn khả kính tuyên bố là mình không có bức tranh con mèo đó. Thế mới điên!!!  Khi mới nghe kể. Tôi cũng có ý trách vị nhà văn nọ về cách sử sự. Nhưng sau này...
   - ANH TA CHẲNG BIẾT CHÚT GÌ VỀ TRANH CẢ...CÓ ĐƯA CHO HẮN XEM HẮN CŨNG CHỈ NGHĨ LÀ GIẤY CHÙI MIỆNG THÔI !!! MÀ TRANH QUÍ...CÓ RẺ ĐÂU....NÓI KHÔNG CÓ CHO NÓ DZÌA CHO RỒI!
Vị nhà văn này đã nói như thế. 
     Cái tốt nhất là hãy suy nghĩ nghiêm cẩn vào. Đừng bao giờ nghĩ là mình khôn mà hãy nắm bắt giá trị cho thật đúng đắn. Số tiền bỏ ra lớn chứ không nhỏ. Một trò chơi máu thịt không cho phép nhầm lẫn...bông lơn...Muốn sở hữu quí vật giá trị lớn thì phải đánh đổi bằng một cái gì đó tương xứng. Không ai dại khôn trong chuyện này. Điều muốn nói. Ta có đủ bản lãnh hay không mà thôi.
Thân mến
Cauminhngoc  


     Hôm qua đọc vụ bức tranh con mèo của cụ V. anh viết, em hết ngủ luôn. Trời ơi, lẽ ra... haizz... mình chậm nhịp rồi.
                                   ( Sao y bản chánh của Đôn Phạm )

      Sao! Tiếc hả? Chậm là chậm làm sao? Muốn đến xúc hả? Có biết ngài nhà văn đó là ai không. Bạn bè thường gọi là NGỌC SƠN. Giới văn bút gọi ổng là PHI LONG tác giả của những bộ truyện " Con tàu máu ",  " Bàn tay máu "..v.v.. Những bộ truyện của ông hiện nay cũng rất hiếm trên thị trường sách cũ. Ổng cũng là bạn của cụ Vương nữa đấy. Tui xin kể bạn nghe một câu chuyện về ổng.
   Có một ngài nọ tìm đến tận nhà xin mua một món nghe nói là rất quí đang nằm trong tay cụ nhà văn này.
   Sau vài tuần trà cùng những lời trao đổi qua lại. Đương nhiên là vị khách có thời gian tha hồ ngắm nghía những món chưng bày trong sảnh đường. Chủ nhân ngôi nhà cũng đủ thời gian nắn gân vị khách quí.
    Đến khi vào vấn đề thì vị nhà văn khả kính của chúng ta nhẹ nhàng và rất ư là lịch sự phát biểu.
   - Dạ! Món đó giá trị nó cao lắm! Nếu ngài muốn xem xin vui lòng đặt cọc cho bỉ nhân 20,000 USD. Rồi bỉ nhân sẽ đem ra cung thỉnh ngài thưỡng lãm. Nếu ngài không vừa lòng thì bỉ nhân sẽ hoàn tiền lại đủ không mất một tẹo.
   Vị khách chưng hửng! Đi xem đồ cụ bán mà phải đặt cọc sao? Tôi đã mua đâu mà rộn!?
    Thế là vị khách ra về. Không hiểu vì tức khí hay vì không mang theo tiền và không lần quay trở lại.  Sự việc xảy ra chỉ có đôi bên. Ấy thế mà lại được phát tán ra giang hồ rất ư là chóng vánh. Chưa rõ do bên nào xì ra nhưng lời đồn thì mang nội dung cay cú như sau : 
     - Đồ lão già cà chớn...Đồ hâm...cám lợn... Bán không bán thì thôi để mà ôm...Tự nhiên bắt người ta đặt cọc...mới cho coi...Khùng nặng rồi... 
     Đại để câu chuyện nó là như thế. Bạn Đôn Phạm nghĩ sao? Còn tiếc hông? Nghe đồn để bắt được con Mèo đó vị nhà văn của chúng ta cũng hao tâm tổn lực lắm lắm. Biết tánh cụ Sển chưa? Đâu phải có tiền lại xìa ra là cụ bán ngay cho đâu. Lai tỉnh bới ....Đôn Phạm...
   Thôi!  Xem con " Mèo " cũng của Foujita nằm ngoài bìa cuốn cataloge cuộc triển lãm vào năm 1941. Dù chỉ là in. Nhưng chữ ký thì chính xác là thủ bút của Foujita cũng vào năm 1941 đấy. Xem cho đỡ ghiền he! 

Ghi chú: Chữ ký trên tác phẩm nằm nơi khuỷu hai chân sau. Chữ ký thật cùng năm bằng mực bút máy không rõ đen hay xanh nay đã phai màu nằm phía dưới đầu con mèo nằm ngủ.

Thân mến
Cauminhngoc.





Tường thuật trực tiếp buổi phân bua về chuyện muốn coi tranh phải đặt cọc...
     Cứ duỗi ra mà nói. Thật khó phân giải như thế nào. Ai cũng ôm cứng cái lý của mình. " Sư nói sư phải, Vãi nói vãi hay ". Cho nên cứ nghe hai bên họ phân giải xong sẽ tính.
Bên bán:
     Kính thưa quí vị. Những nhà sưu tập cổ vật. Những nhà nghiên cứu phê bình. 
Kính thưa...( Xin phép cắt bớt...)
   Trước hết tôi xin hỏi rằng. Nếu quí vị có một món cổ vật quí hiếm qui ra giá trị kim tiền cũng có thể là một tài sản kha khá trong tay. Thế thì có người ngỏ ý muốn mua quí vị có sẵn lòng mang ngay ra cho họ xem không? ( Có tiếng xì xào...)
  Tôi xin mạn phép hỏi tiếp.
- Quí vị có chắc là họ có đủ nguồn tài chánh để mua không?
- Quí vị có biết chắc rằng họ có đủ khả năng, trình độ thẩm định, đánh giá món hàng này là gì không?
- Quí vị có đo được thiện chí của họ về chuyện mua bán như thế nào chưa. Hay họ chỉ muốn đến xem cho biết. Đó chưa kể đôi khi cho xem có người phát biểu lung tung, nói năng ấm ớ thêm tức.
- Giả xử trong lúc xem họ lỡ tay đánh rớt bể hoặc hư hỏng họ phải đền như thế nào? Cho nên cái chuyện này nó tế nhị lắm. Họ có buồn cũng chịu. Dứt khoát phải đo " Tăng xông " cái đã. Nếu họ chịu đặt cọc...Quyết định này được xem như là thiện chí. Câu chuyện chả có gì phải nói cho đôi bên. Mấy người đi trước đã dặn dậy mà. Xin hết!!!
    ( Không ai vỗ tay ta...? )
Bên mua.
 - Quái dị... Quái đản...1?
    Xin cắt...miễn tường thuật tiếp vì những lời lẽ quá khích khó nghe, mang nặng tính cay cú, dè bỉu ... Cúp...Cúp máy.

Người tường thuật tại chỗ.
Cauminhngoc




Xin trao đổi với quí vị một chút về chuyện tại sao có một số người lại khoái mua tranh cũ hơn là đi mua tranh mới cho dù biết chắc rằng mua tranh mới an toàn mà rẻ nữa không hề bị gạt.
1 - Màu sơn cũ và mới cho ta cảm xúc khác nhau.
2 - Ta có thể trúng đậm, tranh mới không hề.
3 - Không mất công chờ mà chỉ chồng thêm tuổi lên. Giá trị chỉ Thiên.
4 - Vớ đúng của hiếm! Niềm vui nói sao ta? Mới làm sao có đặng!
5 - Đã có trường hợp cục đất thó để trong nhà bỗng thành cục vàng SJC. Của mới làm sao có.
6 - Không khí có khác biệt giữa phòng tranh treo tuyền cũ, treo tuyền mới. Theo bạn? 
--------------------------------
Chia sẻ nhiêu thôi! Tự tìm thêm xem...Dzui lắm.
Thân mến
Cauminhngoc




       Rất cảm ơn bạn đã phân định. Đúng sai? Còn tùy. Tôi chỉ đồng ý với bạn một phần nào thôi. Nếu mà bàn về cái dzụ này nó lê thê lắm, mỗi người mỗi ý. Tui gặp goài hà.
       Chắc chắn rồi. Đương nhiên phải là những cái hay cái đẹp đích thực, tự thân nó đã toát lên được cái giá trị của nó chứ. Phải hiểu là cái cũ có tầm vóc chứ đâu phải cứ cũ là có giá trị đâu. Ở đây tôi muốn chia sẻ với những người khoái mua tranh cũ biết gạn đục khơi trong cơ. Không phải là sự lựa chọn khi đi mua tranh hay khuyên bảo cách chơi. Bạn đọc kỹ lại phần tôi viết xem có đúng thế không nhé! 
Nếu bạn gặp một tấm tranh của Trịnh Tam Tuyệt  ( Biệt danh của Trịnh Mãn Thanh, thày dạy vẽ cho vợ ông Tưởng giới Thạch ) ổng vẽ bụi trúc to oành cỡ Đại trung đường đề tặng cho TT quá vãng Ngô đình Diệm cỡ năm 1958, 59 gì đó lâu quá rồi quên mất tiêu, vì biết ngài TT này rất khoái trúc ( Hổng tin thì cứ tìm giấy tờ hành chánh vào giai đoạn này coi. Con dấu nào cũng có bụi trúc hết trọi ) vào dịp ổng qua VN triển lãm tranh giao lưu Văn hóa chẳng lẽ bức tranh này không có giá trị vì là quà tặng sao?  
     Đương nhiên! Bạn muốn chơi tranh cũ ( Chơi trên sự thiếu hiểu biết của thiên hạ.) thì bạn phải có kiến thức như thế nào chứ. Đó là điều khẳng định. ( Coi chừng mình lại thiếu hiểu biết hơn thiên hạ thì...chỉ có chết! ). Cùi bắp, ABC khoanh, ham lợi...lọt giếng...thế thôi...Mà có lọt đìa mới sáng mắt được. Ai biểu " nghèo " mà ham... Chết ráng chịu... than chi...?
Thôi heng!
Thân mến


     Một vài bạn có ghé hỏi tôi về chuyện tranh pháo. Đa phần là muốn sở hữu những tác phẩm có giá trị lớn về mọi mặt trong lãnh vực nghệ thuật. Quả thật tôi cũng không biết trả lời sao cho phải. Tôi lập lại lời của người bạn. " Càng ít người biết càng dễ mua! Càng nhiều người biết càng khó mua!?". Sự là thế! Nhiều người chú ý! Biết nó! Bạn nghĩ sao nếu bạn chưa biết nó rõ bằng thiên hạ? Bạn biết chưa tới! Cái gì sẽ xảy ra? Chỉ có Bụt nặn bằng đất mới vô tư. Còn Thổ Địa nghe nói rất thích ăn oản.... Bạn cũng nên suy nghĩ là mình mua cái gì? Của ai? Cho đỡ mất thì giờ...Tôi thấy ý kiến của bạn Mạnh Thắng rất hay. Nay xin đăng lại để mọi người tham khảo. 



" Vào đây thấy các bác Buôn chuyên thấy phức tạp phết chuyên mua tranh ! Theo tôi mà tôi đang tập tênh chơi như sau : 
1.không mua tranh cũ dù của ai nôi tiếng nêu không thì giá rất hợp lý thì mới xem xét !
2. Mua tranh để chơi cho mình phải tự mình nhìn thấy thinh thích , càng nhìn lâu lại thấy hay hay là xem xét
3. Không cân quan tâm tác giả tiếng tăm vì Minh không có tiên để mua mà nên ngắm để tự rút ra bức tranh người khác vẽ có nét gì khác mà vẫn thấy hay hay là xem xét
4. Nên mua của ông nào đang vẽ mình chứng kiến là ăn chắc không có vẽ lại , bức càng to càng tốt như dài 3-4 m thì bọn chép tranh khó mà chép !"
 (Sao y bản chính của bạn Mạnh Thắng)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét