Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

HS. HIẾU ĐỆ VÀ TÁC PHẨM SƠN MÀI " HÁN THỌ ĐÌNH HẦU ".

         Họa sĩ Hiếu Đệ. Tên thật Nguyễn tánh Đệ. Sinh ngày 01/8/1935. tại PhanThiết, tỉnh Bình Thuận. Mất ngày 16/4/2009 tại Hollan, tiểu bang Michigan Hoa Kỳ. Học tập 5 năm (1975-1980). Đi diện HO đến Hoa Kỳ năm 1989.


.
Hình A.
Quan Công. Hán Thọ Đình Hầu 漢受庭侯. Sơn mài/ván ép. Cỡ 50cm x 80cm. Không thấy ghi tác giả.
( Theo như lời học giả Phạm hoàng Quân thì bức tranh này do Họa sĩ Hiếu Đệ ( 1935-2009). Vẽ vào khoảng những năm 1980-1989. Trước khi ông xuất cảnh đi định cư tại Hoa Kỳ).

    Quan Công, Quan Vũ, Quan Vân Trường, Mỹ nhiêm Công..v.v.. là tên gọi cho một nhân vật lẫy lừng thời Tam Quốc bên Tàu. Nhân vật được hai nhà phê bình Thánh Thán và Mao tôn Cương đánh giá rất cao trong bộ Tam Quốc chí của tác giả La quán Trung. Một nhân vật Võ quan duy nhất được nhiều người Trung Quốc và một số dân chúng ở những nước lân bang kính trọng cho dựng miếu để thờ phụng. Không hiểu chuyện thờ cúng này bắt nguồn từ việc hiển thánh ở núi Ngọc Tuyền, khi ông cùng hai đệ tử hiện lên đòi trả thủ cấp và đã được nhà sư Phổ Tĩnh giáo hóa mà thành thần hay do lý lẽ nào khác và tục thờ cúng này phát nguồn tự khi nào cũng chưa ai nắm rõ ra sao ! Chỉ có một điều dễ dàng nhận thấy là. Bất cứ ở một đất nước nào trên trái đất này, nếu có người Hoa sinh sống lâu đời đều thấy có hiện tượng lập miếu thờ Quan Công. Có một chuyện theo khẩu truyền về tục thờ cúng nhân vật Quan Công này, chỉ nghe nói mà thuật lại chứ chưa hề được đọc quyển sách hay bài báo nào viết về chuyện này nên chưa rõ thực hư ra sao. Nhưng cũng xin thuật lại để tham khảo.
 
       Vào thời Khang Hy. Khi đó phong trào phản Thanh phục Minh xảy ra rất mạnh và khắp nơi. Khiến cho ông vua này phải ra tay đánh dẹp, dẫn đến chuyện phong trào kháng Thanh phục Minh phải rút vào hoạt động ngầm.
      Tương truyền rằng việc thờ Quan Công đã có từ lâu nhưng trong phạm vi hạn hẹp. Do hoạt động trốn tránh không công khai và có nhu cầu nhận dạng người cùng chí hướng, những nhóm phản Thanh phục Minh đã lợi dụng việc thờ cúng Quan Công và lấy hình ảnh Quan Công thờ trong nhà làm mật hiệu nhận nhau. Nhưng rồi chuyện lợi dụng này bị bại lộ. Khang Hy biết, nhưng không thể dẹp bỏ vì va chạm đến tín ngưỡng trong dân chúng. Vua Khang Hy tương kế tựu kế ra lịnh cho Sử Quán nghiên cứu viết sách ca ngợi, phong thần cho Quan Công, đồng thời cho lập miếu thờ phụng khắp nơi. Một cách lộng giả thành chân làm xáo trộn mật hiệu của nhóm chống đối...v..v... Ở Việt Nam chúng ta cũng có nhiều nơi thờ  cúng ba thày trò Quan Công. Đa số là người Hoa, cũng có một số người Việt đến viếng vào những dịp lễ Tết. Nhưng với tên gọi là Thờ Ông chứ không gọi tên.


Câu chuyện về bức tranh.

          Vào khoảng giữa năm 2012. Nhân dịp người bạn thân Phạm hoàng Quân. Một họa sĩ, thư pháp gia và chuyên nghiên cứu về Hán Nôm ghé nhà chơi. Khi tôi giới thiệu với ông về tấm sơn mài vẽ ba thày trò Quan Công treo trên  tường và tỏ ý tiếc cho tác phẩm vẽ rất đẹp, rất có thần như vậy mà không rõ tác giả là ai. 
          Ông Phạm hoàng Quân cho biết đây là phong cách của họa sĩ Hiếu Đệ khó mà lầm lẫn vì ông đã từng chứng kiến những tác phẩm vẽ rất gần gũi như thế này tại nhà họa sĩ Hiếu Đệ. Vào khoảng những năm 1985 đến 1989 trước khi họa sĩ Hiếu Đệ xuất cảnh. Ông đã từng cùng họa sĩ Văn Y rất thường xuyên đến nhà họa sĩ Hiếu Đệ để cùng với nhau " nhậu " giải buồn. Ông Phạm hoàng Quân cũng nói thêm là từ lúc đi học tập cải tạo về  năm 1980 cho tới lúc đi Mỹ năm 1989. Trong khoảng thời gian gần chục năm khi còn ở Việt Nam. Họa sĩ Hiếu Đệ đã có thực hiện một loạt tranh sơn mài về đề tài lịch sử, anh hùng. 


     Hiếu Đệ. Vua Quang Trung và Ban Tham Mưu. Phác thảo.Mực nho trên giấy dày. Khổ giấy: 60cm x 90cm. Có thủ bút của HS. Hiếu Đệ viết bằng bút bi ở góc phải dưới.

          Riêng bản thân tôi cũng sống trong giai đoạn giao thời sau 1975 đã chứng kiến cảnh các họa sĩ miền Nam lúc đó hầu hết đã chuyển qua vẽ lụa và làm tranh sơn mài để kiếm sống. Vì có máu mê tôi học làm sơn mài nơi nhà của HS Đào Mùi bên Thị Nghè ( Sau đổi tên thành Đào Nguyên. Một tay vẽ lụa nhanh đẹp rất được ưa chuộng vào thời kỳ này…). Sau một thời gian làm tại nhà vừa làm sơn mài và vẽ lụa. HS.Đào Mùi cho phát triển thêm nhóm sơn mài nên xưởng chuyển về khu vườn khá rộng ở nhà HS Mai văn Tố tại khu vực trại Đồng Tiến thuộc đường Nguyễn Trãi Quận I, phía sau chùa Lâm Tế. Khi thì vẽ lụa lúc làm sơn mài rất vui… Nên có thường gặp một số họa sĩ  như: Cù Nguyễn, Hồ hữu Thủ, Nguyễn Lâm, Hồ hoàng Đài, Mai văn Tố, Đỗ quang Em, Lâm xuân Hùng…v..v…Cớ sự là các ngài họa sĩ Trẻ và một số HS độc lập như Lê Lai, Lê Vượng, Hiếu Đệ.. v..v.. thất nghiệp. Chả có ma nào mướn các cụ làm…Đói đầu gối bò…Phải làm cái gì để mà sống chứ… Nó trở thành một phong trào tự phát rất rầm rộ. Các vị họa sĩ thất thời, tất thất nghiệp đã thi nhau mua vóc, lụa về vẽ. Với mục đích rất cao cả là kiếm miếng cơm để sống. Vì có lòng tự trọng. Giấy rách vẫn giữ lấy lề nên các tác phẩm của họ vẫn có chất lượng, mang tính nghệ thuật rất cao. Bằng chứng là khách nước ngoài và Việt Kiều cùng với những người thuộc diện HO xuất cảnh mang đi ra nước ngoài làm quà hay bán lại cho những người VN xa quê hương đã lâu để kiếm chút vốn lận lưng. Ở đời cái chuyện " mật đâu ruồi đó " là lẽ thường...Cung nhiều cầu ít... bão hòa thị trường. Cuối cùng phong trào này cũng chẳng đi đến đâu vì những lý do khách quan cũng như chủ quan.  Đã thế bọn làm ăn chụp giựt, trí trá của các thợ tay ngang hiệp sức cùng những họa sĩ non tay nghề mà muốn hốt bạo đã làm ảnh hưởng nặng nề đến phong trào này dẫn đến sự chết yểu sau năm 1990.
         Giòng chữ Hán hơi mờ trên góc phải trong tấm sơn mài là chữ “ HÁN THỌ ĐÌNH HẦU ” (漢受庭侯) . Chức này do Tào Tháo phong cho Quan Công khi ông về hàng Tào.
    Ông Phạm hoàng Quân nhà nghiên cứu Hán Nôm kiêm thư pháp gia đã quan sát rất kỹ và khẳng định tấm tranh sơn mài vẽ ba thày trò Quan Công này 100% do Hiếu Đệ thực hiện vì đã từng chính mắt thấy những tác phẩm tương tự như vậy do HS Hiếu Đệ thực hiện để tại nhà họa sĩ.
         Với một người rất cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói. Tôi tin vào lời ông Quân là sự thật. Với lại nhìn vào phần kỹ thuật, phong cách của tấm sơn mài thì người thực hiện được như nó phải là hạng họa sĩ cao thủ thứ thiệt trong làng sơn mài của Việt Nam chứ không thể ai khác. Càng không thể do các xưởng Cholon làm. Ta hãy quan sát nghệ thuật mài để lại nơi nét mặt của ba thày trò Quan Công cùng kỹ thuật sử dụng vàng bạc và các chất liệu khác trong tranh. Tất cả cho ta thấy một sự phối hợp khéo léo hợp lý, cẩn trọng, tinh tế đến từng phân vuông trên mặt tranh. Không phải ai cũng có thể thực hiện được như vậy. 
          Dựa vào lời xác nhận của người có uy tín cộng với chất lượng mỹ thuật có đẳng cấp. Chuyện họa sĩ Hiếu Đệ vẽ tấm Quan Công này là rất có cơ sở. 
          Có một điều quan trọng cần biết về chuyện tại sao không có chữ ký tác giả. Thông thường thì loại tranh thờ rất ít họa sĩ nào chịu ký tên. Tránh chuyện người ta thờ cả tên của mình. Đó cũng là thói quen trong chuyện vẽ tranh thờ của các họa sĩ Miền Nam.

        Ta quan sát kỹ những đường nét vẽ cũng như nghệ thuật mài bóc lớp sơn phủ cùng kỹ thuật khi làm sơn mài, cùng cách phối màu, sử dụng vàng bạc, tạo lên sự sinh động cho từng chi tiết trong tác phẩm. Ta có thể khẳng định đây là một tác phẩm nghệ thuật và cũng phải là tác phẩm duy nhất mới có sự đầu tư có tâm hồn vào những chi tiết phức tạp như vậy. Không thể là hàng mỹ nghệ làm hàng loạt.



Hình 01.   Gương mặt ba thày trò Quan Công.


         Tác giả cho ta thấy được ba gương mặt ở ba tính cách khác nhau.
  • Quan Công với mặt đỏ au, mắt xếch, râu năm chòm cho ta thấy một gương mặt phương phi toát lên cái khí phách hào hùng của bậc đại quân tử..
  • Quan Bình. với khuôn mặt trắng " Bạch diện " nho nhã, hiền hòa bản chất của văn nhân....
  • Chu Thương với mặt lọ chảo, râu hùm trông rất dữ tợn, mang tính chất nóng nảy bặm trợn của một người võ biền

                    
Hình 02. Gương mặt Quan Công và những nơi khác. Với kỹ thuật và nghệ thuật mài điêu luyện bóc đi lớp sơn phủ trên bề mặt ở nhiều cấp độ dày mỏng khác nhau để ửng lộ lớp sơn phía dưới lên với nhiều sắc độ để tạo khối.  




                     Hình 03.    Gương mặt Quan Bình.


Hình 04. Gương mặt Chu Thương. 

   
          Quan sát kỹ những chỗ mài lấy mất đi lớp sơn phủ một cách lam nham không đều. Nhờ thế mà nó lại tạo ra những sự hòa sắc rất tự nhiên, chuyển biến ra nhiều gam màu cùng gốc, cũng như hiệu ứng về tạo khối cho sự vật một cách rất lôi cuốn. Khuôn mặt và bờ vai là hai mảng tối, Tác giả đã đưa cái khăn choàng màu xanh vào để tách chúng ra rất điệu nghệ, tuyệt hay và làm cho ta cảm nhận được độ mềm mại của tấm vải qua cách mài lấy đi cũng như giữ lại những lớp sơn.

     Có ba khuôn mặt trong tác phẩm này. Gương mặt của Chu Thương có nhiều góc cạnh nhất. Hãy quan sát kỹ khuôn mặt đó. Với nghệ thuật mài điêu luyện cứ tưởng như là vẽ đã để lại trên lớp da mặt rất nhiều sắc độ khác nhau ở từng nơi, từng chỗ, hòa cùng một số đường vạch vét trũng của vật cứng trên mặt vóc để tạo hình. Cái tinh tế của họa sĩ Hiếu Đệ ở đây là việc ông đã mài lấy đi lớp sơn phủ để lộ ra màu trắng ở bên dưới để tạo điểm nhấn cho khuôn mặt. Một vệt trắng dọc trên sống mũi và hai điểm trắng khác mô tả cho sự bắt sáng của ánh mắt. Những mảng trắng này đã khiến cho cái mũi và cặp mắt nổi bật hẳn lên, bóc tách chi tiết khuôn mặt ra từng phần rất rõ ràng và nó cũng là điểm tương phản với cái cằm có bộ râu đen rậm ẩn chứa vành môi dưới. Một sắc tối trong tối rất linh hoạt.

Tóm lại những chi tiết dù nhỏ hay lớn của từng phần đã được tác giả thực hiện một cách linh hoạt, rồi cho chúng hỗ trợ và kết hợp với nhau để tạo khối, làm cho khuôn mặt trở nên sống động hẳn lên. 
       Có thể nói cách mài cẩn trọng và vi diệu của tác giả để đặc tả sự vật đến từng chi tiết như trên không phải họa sĩ nào cũng có thể thực hiện được một cách nghệ thuật như vậy.

     Một cái tuyệt của họa sĩ Hiếu Đệ trong tác phầm này là cách ông sử dụng màu xanh lơ. Có thể xem là màu chủ trong tác phẩm này. Ông đã khéo léo dùng nó làm đối trọng với màu nâu tối phông nền và lợi dụng sắc sáng nhẹ, dịu mát của nó để giảm bớt ánh sắc rực, nặng nề của vàng bạc hiển lộ dưới lớp sơn phủ bị mài mất rất điệu nghệ cũng như đan chen nó vào để tạo sự nhấn tách giữa các vật thể không cho chúng lẫn vào nhau thật tinh diệu. Họa sĩ Hiếu Đệ đã sử dụng màu xanh lơ để hòa sắc rất bản lãnh qua cách giữ lại lớp sơn phủ dày hay mỏng để tạo sự phong phú về sắc độ cùng họ cho tác phẩm. Thiếu nó, không hiểu tác phẩm này sẽ ra sao.  ( Hình A ).     



                        Hình 05.       Chân ghế bọc da Hổ ( góc phải dưới cùng ).


           Ta thấy rất rõ là lớp sơn phủ được mài lấy đi từng phần để lộ lớp bạc quỳ được dán phủ trên mảng sơn màu xanh của cái áo và màu trắng trên miếng da Hổ tạo cho người thưởng ngoạn thấy màu sắc đa dạng, phong phú và hấp dẫn.


                      Hình 06.       Ngọc đới những chi tiết trên áo.( phần bụng Quan Công ).


                     Hình 07.          Chi tiết chung quanh cuốn sách trên tay Quan Công.



           Quan sát kỹ từng chi tiết nhỏ của từng vật thể và những chỗ để lộ lớp bạc để đặc tả chiếc áo giáp óng ánh rất tuyệt. ( xem hình 01; 02; 05; 06; 07; 08 ).

                           Hình 08.Chân phải và miếng da bọc màu vàng ở đầu gối Quan Công.
                     
       Lớp sơn phủ trên miếng bạc được mài lấy đi nhiều hay ít tạo ra sự dày, mỏng tùy nơi, tùy chỗ để tạo ra nhiều sắc độ rất đẹp.



      Hình 09. Chi tiết trên Thanh Long đao. Nhờ những lớp mài bị đứt có chủ ý làm cho Thanh Long Đao thêm phần sinh động và lưỡi đao sáng loáng thể hiện sự sắc bén.

        Đối với sơn mài nghệ thuật, khi bước vào thời điểm mài những lớp sau cùng trước khi đánh bóng, các họa sĩ rất cẩn trọng ở giai đoạn này. Nó là khoảnh khắc biểu lộ đẳng cấp và tài năng của người họa sĩ. Ở sơn mài không như sơn dầu là có thể vẽ thêm nếu cần thiết phải bổ sung, cho nên lúc mài tác giả phải để hết tâm trí dõi theo từng chi tiết nhỏ dưới tờ giấy nhám sũng nước, những cái vuốt thật nhẹ nhàng như mơn trên mặt vóc, từ từ moi từng chút sơn nằm bên trên mỏng đi, lộ dần ra những lớp dưới, rồi dựa vào đó mà lấy làm chi tiết cho việc tạo hình, Đôi lúc phải dừng tay, đứng xa ngắm nghía, chiêm nghiệm xem chỗ nào cần phải dừng chỗ nào cần phải mài thêm. Có thể nói là lúc này người họa sĩ đang vẽ tác phẩm của mình bằng giấy nhám. Nói thế cũng không ngoa vì lúc mài sẽ làm mòn lớp sơn bên trên, tạo ra những chỗ mỏng chỗ dày, chỗ đứt hẳn lẫn lộn, trùng lấp bên nhau để lộ những lớp vẽ lần trước bên dưới cho ra rất nhiều sắc độ khác nhau rất thú vị. Ta cứ chịu khó quan sát những chi tiết trên thật kỹ, từng phân vuông nhỏ trên mặt tác phẩm sẽ cho ta thấy rất nhiều điều bất ngờ không thể tạo lại lần thứ hai. Đó cũng là đặc điểm của sơn mài truyền thống Việt Nam và cũng không nên nhầm lẫn với loại vẽ phủ sơn polysai của Nhật hay của Trung Quốc. 

Cauminhngoc 
Tháng 6/2013      


Thư pháp của Phạm Hoàng Quân (Vô gia cư sĩ). 





1 nhận xét: