Thứ Tư, 28 tháng 8, 2013

TẠI SAO TÀO THÁO LẠI CỐ TÌNH GIẾT NGŨ BÁ XA?

        LÒNG NHÂN CỦA KẺ LÀM CHÍNH TRỊ?


       Câu nói: “ Thà mình phụ người, hơn là để người phụ mình ”. Một câu nói vị mình là hơn cả rất nổi tiếng của Tào Tháo. Một nhân vật lẫy lừng trong bộ truyện Tam Quốc Chí . Ai đã từng nghiền ngẫm bộ truyện này đều không thể quên. Phải chăng họ Tào nói câu đó để biện minh cho hành động của kẻ ác nhân hay còn một lý do nhân đạo nào khác?
        Câu chuyện xảy ra trong bộ truyện Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa của tác giả La quán Trung. Khi họ Tào hiến đao giết hụt Đổng Trác. Trên đường chạy trốn đã bị lính của Trần Cung lúc đó đang giữ chức Tri huyện Huyện Trung Quận bắt được. Thực chất là Trần Cũng cũng đã biết qua Tào Tháo từ trước nhưng chưa có dịp đàm đạo. Nay được dịp trao đổi và đã thấy được nghĩa cử hào hùng của họ Tào nên từ bỏ tất cả để đi theo phò.
        Hai người cùng nhau chạy trốn. Khi tới đất Thành Cao thì trời vừa tối. Tào Tháo rủ Trần Cung cùng vào xin tá túc qua đêm ở nhà một người bạn của cha mình tên là Ngũ bá Xa. Gặp nhau đàm đạo. Ngũ bá Xa cho biết là Đổng Trác chỉ thị vẽ hình Tào Tháo dán khắp nơi để truy nã và gia đình Tào Tháo đã chạy thoát qua Trần Lưu để lánh nạn hết rồi. Tào Tháo cũng đem chuyện thích khách họ Đổng kể hết mọi sự cho Ngũ bá Xa nghe và trên đường trốn chạy đã gặp Trần Cung ra sao. Sau một hồi đàm đạo. Ngũ bá Xa vào trong nhà dặn dò gia nhân rồi bước ra nói với Tào Tháo và Trần Cung rằng trong nhà không có rựu ngon nên để qua xóm bên mua một ít về nhắm. Nói xong cỡi La đi liền. Tào Tháo cùng Trần Cung ngồi một lúc lâu. Bỗng nghe phía sau nhà có tiếng mài dao. Hai người đang tỏ ý nghi ngờ về thái độ của Ngũ bá Xa nay lại nghe tiếng mài dao, cả hai cùng lặng lẽ lẻn ra phía sau dò xét thì nghe:
 - Bắt nó rồi trói lại.
         Không còn nghi ngờ gì nữa. Như vậy là Ngũ bá Xa đi báo quan còn đám gia nhân này muốn giết mình.  Hai người xông vào nhà trong, gặp bất cứ già trẻ gì đều giết hết. Tất cả tám mạng người. Khi xuống đến bếp thì bắt gặp một con heo bị trói nằm đó. Cả hai biết mình giết nhầm người tốt. Lập tức lên ngựa chạy trốn. Đi chưa được bao xa thì thấy Ngũ bá Xa cỡi La dủng đỉnh trở về. Ngũ bá Xa hỏi sao không ở lại. Tào Tháo trả lời vì có tội nên không dám ở lâu. Nói rồi cáo từ ra đi. Đi một một vài bước. Tào Tháo quay ngựa chạy lại nói với Ngũ bá Xa rằng có người ở phía sau lưng. Ngũ bá Xa vừa quay lại xem sao. Tào Tháo vung gươm giết luôn.
       Trần Cung kinh sợ vội hỏi:
- Vừa rồi đã giết oan tám mạng người, bây giờ còn giết nữa sao?
       Tào Tháo đáp.
- Nếu để Bá Xa về thấy cái cảnh toàn gia bị giết, ắt là hắn phải hô hoán lên thì lúc đó ta chạy đâu cho thoát?
        Trần Cung nói:
- Mình đã biết là giết oan mà còn giết nữa là bất nghĩa lắm.
         Tào Tháo nói:
- Thà là mình phụ người còn hơn là để người phụ mình.
Sau đó Trần Cung định giết Tào Tháo nhưng không thực hiện và bỏ đi.

         Câu chuyện xảy ra thật thương tâm. Ai cũng thấy cái ác tâm của Tào Tháo cộng thêm câu nói càng làm tăng thêm tính gian hùng. Đó là câu chuyện trong tiểu thuyết, tính xác thực không rõ như thế nào. Nay ta chỉ dựa vào hư cấu của câu truyện mà bàn thử xem bản chất của sự việc và tâm ý của họ Tào ra sao.

       Theo tôi. Nếu Tào Tháo không giết Ngũ bá Xa để cho ông ta sống. Khi Ngũ bá Xa về nhà sẽ rơi vào ba trường hợp.
- Cực kỳ phẫn uất, đau khổ khi thấy toàn gia bị giết hại.
- Đi báo quan để tố cáo hành vi của hai kẻ thủ ác?
- Tìm Tào Tháo và Trần Cung để trả thù?
Với ba tình huống đó Ngũ bá Xa sẽ xử trí ra sao?
       * Nếu đi báo quan? Như vậy là vì thù nhà mà quên đi đại sự. Người quân tử thời đó thà chịu thiệt về mình chứ không thể hại người đang bị hoạn nạn vì việc đại cục. Huống chi người đang gặp sự cố đó lại là con của người bạn thân. Đi báo quan. Làm như thế là bất nghĩa.
       * Nếu đi tìm Tào Tháo và Trần Cung để trả thù. Chắc chắn là không thể vì tuổi già sức yếu. Biết kẻ thù mà không làm gì được. Như thế là mang tội bất hiếu với tổ tông.
       * Nếu không báo quan, không trả thù được, vẫn sống mà cứ phải ôm những hình ảnh thương tâm canh cánh trong lòng suốt một quãng đời còn lại quả là đau đớn tột cùng, không thể nào nói hết.

        Có phải vì không muốn cho Ngũ bá Xa đau khổ, mang tiếng bất nghĩa và bất hiếu nên Tào Tháo đã ra tay giết luôn, để cho Ngũ bá Xa không bị rơi vào hoàn cảnh cực kỳ đau đớn và khó xử như đã nói trên và nhận hết tội lỗi về phía mình chăng? Hay có thể biện minh  rằng đó là cái bản chất “  Nhân đạo ” của người làm chính trị?
       
       Có lẽ trong cuộc đời cầm quân của Tào Tháo chỉ có Trần Cung và Quan Công là đã theo hắn một thời gian rồi mà dứt áo trốn đi. Còn ra, hầu như những tướng đã về qui thuận dưới trướng của hắn rồi thì đều cúc cung tận mệnh phục vụ, không hề có ý phản lại hoặc bỏ đi với chủ khác. Một cái "tuyệt" rất đáng để suy gẫm về tài thu phục nhân tâm của họ Tào trong bộ Tam Quốc chí.    


Cauminhngoc.
24/8/1013.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét