Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

HỘI QUẢNG-TRỊ HUẾ HAY HỘI QUẢNG TRI. CÁI NÀO ĐÚNG?

     Trong cuộc triển lãm kỷ niệm 250 ngày sinh của thi hào Nguyễn Du vào cuối năm 2015 tại TP, HCM, có nhắc đến quyển " Tập Văn Họa Kỷ Niệm Nguyễn Du ". Chính quyển này ở phần cuối, nơi khung ghi lý lịch quyển sách đã bị cho là có lỗi morasse ở cụm từ " Hội Quảng-Trị Huế ".


                                                                  Trang bìa Tập Văn Họa....


                                     Hai trang trong cận bìa trước Tập Văn Họa...


                               Hai trang trong chữ quốc ngữ của Tập Văn Họa...



                            Hai trang có phần chữ Hán-Nôm trong Tập Văn Họa...



                  Khung lý lịch cuối sách có cụm từ " Hội Quảng-Trị Huế " bị cho là sai...




     Lập luận của ông Lam Điền đăng trên báo Tuổi Trẻ Online:


SỔ TAY:     Báo Tuổi Trẻ online
26/11/2015 20:29 GMT+7

-        TTO - Khi thông tin về Tuần lễ triển lãm kỷ niệm 250 năm ngày sinh thi hào Nguyễn    
     
      Du tại TP.HCM loan trên các báo, có một chi tiết bị viết sai ở nhiều báo, là “Hội Quảng Trị - 

     Huế”, thay vì viết đúng phải là Hội Quảng Tri (không có dấu nặng).



     Khung ghi niên đại trên Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du với lỗi morasse “Hội Quảng Trị - 

         Huế” thay vì viết đúng phải là Hội Quảng Tri (không có dấu nặng) - Ảnh: L.Điền



           Cái sai này bắt nguồn từ một ý định tốt đẹp, đó là quảng bá quyển sách Tập Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du (sau đây gọi tắt là Tập văn họa), do Hội Quảng Tri thực hiện vào năm 1942.
-          Điều ít ai ngờ tới là một quyển sách “hoành tráng về nhiều mặt” như thế, mà lại mắc lỗi morasse khi in ấn.
-          Quái lạ hơn, cùng một lỗi bị mắc ở hai chỗ: đầu sách trong mục giới thiệu đơn vị xuất bản ghi rõ ràng “Hội Quảng Trị”, nơi cuối sách trong khung ghi chú niên đại cũng ghi rõ “Sách Nguyễn Du Văn họa tập do Hội Quảng-Trị Huế xuất bản, do nhà in Ngày Nay, 80 đường Quan Thánh, Hà Nội, in xong ngày 10 Septembre 1942”. Đây chính là chỗ mà các báo vừa rồi khi đưa tin đã chép lại đúng “nguyên văn” từ tập sách. Có lẽ, ban tổ chức hoặc người cung cấp thông tin đã không lưu ý đến cái dấu nặng nhỏ nhoi ấy để cải chính chỗ sai này, nên các báo cứ thế chép theo bản chụp trang sách, và… sai theo.
-               Một hội bề thế như vậy, đảm đương việc xuất bản một quyển sách quan trọng như vậy, với ban biên tập gồm các tên tuổi như Đào Duy Anh, Đào Đăng Vỹ, Hoài Thanh, Tôn Quang Phiệt, Phan Văn Dật… mà lại để xảy ra cái lỗi morasse bé cỏn con khiến cho đời sau chép sai loạn cả lên, quả là cái dấu nặng ấy không hề nhẹ vậy.

Muốn đọc nguyên bản xin vào trang.  Quảng Tri - Quảng Trị: Cái dấu nặng không… nhẹ
                                                                               ( Nguồn báo Tuổi Trẻ Online)


Trích từ báo Thanh Niên ra ngày 05/08/2016. đưa tin:

Bảo tồn hay dỡ bỏ dấu tích Hội Quảng Tri?
05:16 AM - 05/08/2016 Thanh Niên

Nhiều ý kiến cho rằng nên bảo tồn theo hướng phát triển, không di dời trụ sở UBND P.Phú Hòa.


            Hình ảnh phường Phú Hòa hiện nay vốn là trụ sở của Hội Quảng-Trị Huế ngày xưa.

     
Bên trên là lập luận của ông Lam Điền trên báo Tuổi Trẻ và tin trên báo Thanh Niên. Cả hai đều dùng cụm từ " Hội Quảng Tri ".


      Thử tìm hiểu đôi chút về cách sử dụng cái gạch nối trong cách dùng từ.
      Cách dùng cái gạch nối giữa những chữ  theo quan điểm trước 1975.
“ Cuối thế kỷ 19, thời chữ Quốc Ngữ mới được hình thành. ông Trương Vĩnh Ký đã viết “Để tránh lẫn lộn từ đơn và từ đôi, từ kép, chúng tôi đã chấp nhận, trong các từ điển, văn phạm và các ấn bản khác của chúng tôi, dùng gạch nối để xác định từ kép và ghép đôi một số mẫu âm làm cho âm cuối dễ nghe như líu-lo, dăng dẳng”.Sau này, dựa trên các ấn phẩm xuất bản trước năm 1975, các tác giả vẫn còn dùng dấu gạch nối đối với từ ghép “.
Nó được sử dụng trong một số trường hợp như:
+ Nhân Danh (tên tục, tên Hiệu ): Lợi-Ký, Đức-Thành,Trần-Phong-Thái, Bảo-Thịnh, Đức-Phú, Ng-V-Hảo,…
+ Địa danh, nơi chốn: Việt-Nam, Sài-Gòn, Đà-Lạt, Thuận-An-Đường, Hồi-Sanh-Đường, Hiển-Khánh,…
+ Tính từ đặc biệt: Thế-Hệ, Hạnh-Phúc, Hưng-Thịnh, Chánh-Nghĩa, Phát-Tài,…
                                                         (Nguồn trên FB của LƯU CHỮ- The lost Type Vietnam);

Dựa theo nội dung ý nghĩa về cái gạch nối được nêu trên. Dưới đây là  hai văn bản cụ thể có những cụm từ sử dụng cái gạch nối:
      1/  Trong phần cuối cuốn sách “ Nguyễn Du văn họa tập ”. 
A - Nơi phần cuối. Có một trang in nội dung chi tiết về lý lịch xuất bản cho mỗi quyển sách.




    Theo như khung này. Hai cụm từ có gạch nối là: hai chữ Quảng - Trị ( Có dấu nặng ) và Hà – Nội.
Như vậy hai cụm có gạch nối đó đã chứng minh cho mục đích dùng để chỉ về địa danh. Tỉnh Quảng – Trị và thủ đô Hà – Nội.

         B - Nơi trang 05 của Tập Văn Họa... Trong khung lên danh sách các hội ủng hộ và những nhân sự đóng góp công sức để hình thành quyển sách nơi giòng đầu tiên cũng ghi Hội Quảng-Trị (có dấu nặng và gạch nối).

                                
Với ghi chú ở trong khung. Đã cho thấy quyển sách được giới trí thức cùng văn nghệ sĩ thời đó quan tâm như thế nào...
                               
         Trong khung giòng đầu tiên. Mặc dù không có chữ Huế đằng sau nhưng cũng đã ghi rõ ràng là: Hội Quảng-Trị. Có gạch nối và dấu nặng rất rõ. Không phải là Quảng Tri. 



      Xuất bản: Hội Quảng - Trị. Như vậy trong quyển Tập Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du ... có hai chỗ có dùng cụm từ: " Hội Quảng-Trị ". Một ở trang 05 và một ở trang ghi phần lý lịch nằm nơi cuối sách. Có khác ở phần cuối sách trong khung về lý lịch cuốn sách có thêm chữ Huế sau chữ Quảng-Trị... Xét kỹ đã cho thấy hai chữ Quảng-Trị đều có gạch nối và dấu nặng. ( Ông Lam Điền cho là lỗi morasse ).


2/  Nơi bản dự thảo tập chương trình quảng cáo cho buổi diễn vở kịch “GHEN” của Đoàn phú Tứ vào năm 1944, được Bùi Xuân Các thực hiện bằng lối viết tay  Cũng ghi rõ hội Quảng-Trị Huế. 


 Quảng - Trị Huế. Bản viết tay cho thấy có nét gạch nối đứng giữa hai chữ Quảng–Trị và chữ Trị có dấu nặng rất rõ ràng. Một chứng cứ xác thực bằng văn bản của người sồng cùng thời (1944) để lại chứ không phải do lập luận vu vơ, gán ghép...


          Trang giới thiệu tên những người vào các vai và nhân vật trong vở kịch. Mở màn lúc 21 giờ.


Trang bìa của tập chương trình vở kịch " Ghen " có ghi diễn tại " Hội Quảng-Trị Huế ". Tối 10 Juin 1944. Một chứng cứ bằng văn bản của người xưa viết vào năm 1944.  


     Nhìn vào hai văn bản. Một viết tay của Bùi xuân Các và một in nằm trong phần lý lịch cuốn sách cho thấy sự nhất quán của người  xưa  trong  việc dùng gạch nối để xác định cụm từ chỉ về địa danh của hai chữ Quảng – Trị và thường kèm theo chữ Huế đi sau để trở thành cụm từ đầy đủ " Hội Quảng-Trị Huế ".
    Cũng nên nhớ cho đây là văn bản và cách sử dụng từ của những người đang làm việc ở vào ngay thời điểm họ đang sinh sống. Bởi vậy khi sử dụng chắc chắn là phải cẩn trọng đúng theo nhu cầu và ý muốn của họ. Nhất lại là các vị có tên tuổi trong văn đàn đứng ra đảm trách in một quyển sách có tầm vóc quan trọng để kỷ niệm một nhà thơ lớn như thi hào Nguyễn Du, nên tính cẩn trọng vốn có của người xưa khiến họ lại càng không thể xem thường khi được giao trọng trách duyệt bản thảo. Thực tế “ Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du ” vỏn vẹn chỉ có 26 tờ vị chi là 52 trang thuần túy chữ Việt và Hán Nôm  ( Không tính 11 tờ phần tranh minh họa ) thì chuyện sai là hơi khó xảy ra. Nếu cho là có sự sơ xuất trong lúc kiểm duyệt bản morasse đi chăng nữa. Khi duyệt bản in thử nếu thấy có sai sót thì chuyện in tờ đính chính hẳn là phải có. Theo sự nắm bắt chủ quan thực tế của bản thân khi đã ba lần cầm trong tay ba ấn bản quyển Tập Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du này. Chưa hề thấy có kèm theo tờ " ĐÍNH CHÍNH " nào cả. Điều này có đủ để minh chứng cho chuyện quyển sách không có gì sai sót cần phải đính chính không? Kể cả các bài in bằng chữ Hán, phần rất dễ bị sai sót. Nếu như ta cứ nhất nhất cho rằng cả Ban biên tập quyển sách làm việc cẩu thả.  Vậy chẳng lẽ bản viết tay của Bùi xuân Các trong bản thảo tập chương trình cho buổi diễn kịch “ Ghen ” của Đoàn phú Tứ chưa quá năm tờ viết tay cũng sai lỗi chính tả sao?
     Một điểm cần lưu ý. Trong văn bản người xưa viết rõ ràng là :  Hội Quảng – Trị Huế. Giữa hai chữ Quảng –Trị luôn có gạch nối và có chữ Huế sau cùng. Và đây cũng là danh xưng chính thức của hội đoàn nên không thể có chuyện viết sai hoặc nhầm lẫn dẫn đến việc hiểu sai lệch ý nghĩa của cụm từ đã được chọn dùng làm tên gọi biểu tượng cho hội. Mặc dù đôi khi chỉ có cụm từ. " Hội Quảng-Trị "  không có chữ Huế. Nhưng chữ vẫn ghi rõ là: " HỘI QUẢNG-TRỊ ".
      Nếu như cứ dựa theo lời ông Lam Điền phải là " Quảng Tri" mới đúng. Câu hỏi được đặt ra là: Chẳng lẽ các vị trong Ban Tổ Chức và những nhân sự trong hội hàng bao nhiêu người lại không rõ tên hội đoàn của mình được đọc viết và dùng như thế nào sao?  Với các nhân vật như ông Lam Điền nêu ra gồm: Đào Duy Anh, Đào Đăng Vỹ, Hoài Thanh, Tôn Quang Phiệt, Phan Văn Dật…cùng nhà xuất bản Ngày Nay. Một thành phần nhân sự và nhà xuất bản có tên tuổi như vậy lại không đính chính khi có lỗi morasse trong một quyển sách quan trọng như thế và:
  * Nếu như chỉ viết: Hội Quảng Tri thì còn đúng với ý người xưa không? 
  * Nếu khẳng định là Hội Quảng Tri là đúng. Vậy cái gạch nối rất rõ ràng giữa hai chữ Quảng-Trị vì lý do gì mà bỏ đi để trở thành Quảng Tri?
 * Nếu thêm chữ Huế vào thành cụm từ " Hội Quảng Tri Huế " (Không có dấu nặng và cái gạch nối). Ý nghĩa nó có sai biệt thế nào với cụm từ " Hội Quảng-Trị Huế "? ( Có dấu nặng và cái gạch nối ).
   * Nếu hiểu theo ý nghĩa. Hội Quảng-Trị Huế (viết đúng như văn bản của người xưa) là do nhóm người làm công việc văn hóa ở hai Tỉnh Quảng – Trị và Huế đứng ra thành lập hội có trụ sở trên đất Huế. Có gì là không phải? Cớ sao cứ phải là Quảng Tri mới được.
    * Từ khi thành lập Hội Quảng-Trị Huế và năm 1942 khi xuất bản quyển." Tập Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du ." cho đến ngày nay ( Năm 2016. Trước khi có bài của ông Lam Điền ) chưa thấy có ai trong giới văn học xưa cũng như nay phản ứng về cụm từ của " Hội Quảng-Trị Huế " là sai. ( Nhắc lại cho rõ. Bản thủ bút của Bùi xuân Các viết năm 1944 cũng ghi rõ là " Hội Quảng-Trị Huế " ).
    * Khi quyển sách in xong chắc chắn sẽ có chuyện duyệt lại lần cuối trước khi phát hành. Nếu có sai sót vì lỗi morasse thì chuyện cho in thêm tờ đính chính kèm theo sách hẳn là không khó. Và cũng chưa phát hiện có tờ đính chính nào kèm theo quyển Tập Văn Họa kỷ niệm Nguyễn Du này. Chứng tỏ không có chuyện ở lỗi morasse. ( Nhắc lại ). Và cứ cho là có tờ đính chính nhưng bị thất lạc. Vậy bản viết tay của ông Bùi xuân Các cũng bị viết sai sao?

     * Một mấu chốt rất quan trọng cần đặc biệt lưu ý. Buổi diễn vở kịch GHEN đươc thông báo rộng rãi là sẽ diễn tại địa điểm nổi tiếng ở Huế khi đó là: Hội Quảng-Trị Huế. Một địa chỉ quan trọng chỉ nơi chốn để mọi người đến xem. Thử hỏi ông Bùi xuân Các có dám viết sai không? Nếu nó là Hội Quảng Tri? 
       Và nếu quý vị khẳng định Quảng Tri mới đúng thì xin hãy trưng ra chứng cớ cụ thể. Bằng văn bản hay hình ảnh để cho mọi người thông suốt, cũng để tránh chuyện chỉ có suy luận suông hoặc nói vu vơ, chả đáp ứng được điều gì. Người viết sợ nhất là câu: "Tôi nghe nói vậy" hay "Tôi nghĩ là vậy!".
 
     Theo ý kiến chủ quan của tôi. Các vị chủ biên quyển  Tập Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du đã làm đúng chức năng của mình không sai sót. Bởi vì trong quyển sách Kỷ niệm văn họa Kiều in năm 1942. Đã có đến hai chỗ dùng từ "Quảng-Trị" mà không thấy có in tờ đính chính (1) để chỉnh sửa và bản viết tay của Bùi xuân Các viết năm 1944. Cũng dùng cụm từ " Quảng-Trị".
      Chuyện phê phán, nhận định của chúng ta ngày nay chỉ là sự suy diễn chủ quan của người hậu sinh không phải là ý của các cụ ngày xưa… Như vậy có nên áp đặt suy nghĩ của người ngày nay để cho rằng người xưa đúng-sai chăng? Trong đó có bài viết này.
    
     Tóm lại. Bài viết này cũng chỉ mới đưa ra vài dữ liệu. Chưa thể đã chính xác... Chuyện này rất cần phải có sự góp ý của các nhà sử học minh định lại cụm từ " Hội Quảng-Trị Huế " để cho người sau không dùng sai, hiểu lệch nguồn gốc. Rất mong được chỉ giáo của các vị học giả. 
     Rất mong ông Lam Điền thứ lỗi vì đã không liên hệ trao đổi trước với ông khi viết bài này...


Cauminhngoc
07/8/2016

(1). Tờ đính chính trong quyển "Cổ văn Trung Quốc của Nguyễn hiến Lê" được dán ở phía sau cùng của quyể sách. Thông thường khi phát hiện ra lỗi chính tả hay viết sai chữ. Tác giả dùng phần đính chính để điều chỉnh lại cho đúng.

  





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét