Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

BẬC THẦY VỀ VẼ QUẢNG CÁO Ở MIỀN NAM TRƯỚC NĂM 1975

      Năm 1975 như một nhát cắt làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt xã hội miền Nam, ví thể như người ta lật bàn tay. Những gì bên dưới bây giờ nổi phềnh lên bề mặt và ngược lại những gì lềnh bềnh bên trên từ trước đến giờ bị lật úp chìm vào bóng tối. Nói đây không phải là nhắc để phân biệt mà chỉ muốn nói đến những gì đình đám suốt vài thập kỷ nay bị chôn vùi không còn ai biết đến. Điển hình câu chuyện nghệ thuật trong mảng quảng cáo tiếp thị mà cố họa sĩ Phạm văn Quan cũng chỉ là một trong những, nhưng cũng không phải là cá biệt.
       Họa sĩ Phạm văn Quan (  ? - 1999 ). Chưa rõ ông xuất thân từ trường mỹ thuật nào. Đông Dương, Gia Định hay tự học? Chỉ có điều rõ ràng là tôi đã có dịp theo chân người bạn đến tư gia người con mua ít món thuộc di sản của ông mà những người trong gia đình không cần sử dụng nữa... Căn nhà lầu mang số: 535/23b. Đường Nguyễn tri Phương. Quận 10 tại Saigon là do ông tạo dựng và để lại cho các con sau khi ông qua đời vào năm 1999. Bản thân ông đã từng làm Trưởng ban quảng cáo cho hãng bia, nước ngọt B.G.I. (1)  Không rõ ông đã vào làm việc cho hãng từ năm nào. Càng không rõ khi hãng B.G.I ở vào những ngày tháng năm 1975 và năm 1977 khi bàn giao cho chủ mới, ông có còn được lưu dụng hay không nữa? Nhưng căn cứ vào một bản vẽ quảng cáo cho " Bia 33 de lux export " đã cũ kỹ, ngay dưới chữ ký tác giả có ghi năm 1953.

                Phạm văn Quan. Bia 33 de lux export. kích thước: 31cm x 37cm. Vẽ năm 1953.

     Nhờ vào bút tích này mà ta có thể đoán là ông đã làm việc cho hãng B.G.I  chí ít cũng phải từ năm 1953. Không biết đích xác về nhân thân cũng như quá trình hoạt động trong mảng nghệ thuật hội họa quảng cáo của ông vì thuộc lớp hậu sinh xa lạ. Nhưng có lẽ lớp người cùng thời, chung ngành nghề hẳn rất biết ông là ai! (2)  Tóm lại tôi chỉ biết tí chút về ông qua lời kể của người con khi đứng ra chủ trì cho việc mua bán. Do không quen trực tiếp mà phải qua trung gian người bạn hàng dẫn đến nên không tiện hỏi thăm chi tiết về nhân thân của cố họa sĩ, cho dù có gặp trực tiếp người con. Đó cũng là điều đáng tiếc do thiếu kinh nghiệm.
      Sau khi xem loạt tranh sơn dầu trên 100 bức đủ mọi kích thước chất khắp nhà. Với biệt nhãn về hạng mục tranh quảng cáo là tác phẩm nguyên gốc, nên tôi chỉ chọn mua toàn bộ lô tranh mẫu, bản gốc vẽ bằng màu nước do ông thực hiện cho hãng B.G.I cùng một số hãng rất nổi tiếng khác ở miền Nam trước ngày 30/4/1975, cùng hai món gia dụng bằng pha lê. Đĩa hiệu Etling, bình hoa hiệu Daum France. Có thể xem loạt tranh này là những sản phẩm vẽ bằng tay cuối của ngành quảng cáo ở Việt Nam còn sót lại với số lượng kha khá của một họa sĩ thuộc hàng trưởng bối trong lãnh vực quảng cáo mà tôi bắt gặp. Theo thiển nghĩ cũng là điều may mắn cho bản thân.(3) Thông thường khi họa sĩ vẽ xong ( có khi vài ba mẫu ) đem trình lên cơ quan chủ quản chọn và phê duyệt. Khi bản vẽ được chấp thuận. Nó được xem là bản mẫu gốc và được giao cho các họa sĩ phụ trách ở công trường dựa theo đó mà thực hiện cho đúng không được phép tự ý thay đổi. Thông thường những bản vẽ này được thực hiện trên giấy, nên khi đem ra sử dụng bị tác động bởi thời tiết lẫn con người lại mở ra cuộn vào để đối chiếu quá nhiều lần nên dẫn đến chuyện bị nhàu nát hư hỏng đến phải vất bỏ. Một lý do khác nữa là những mẫu đã qua sử dụng coi như không còn giá trị nên xếp vào hồ sơ lưu, cho đến một lúc nào đó cảm thấy không cần thiết nữa sẽ đem hủy. Do những lý do vừa kể trên nên các bản vẽ gốc trở nên rất hiếm hoi, khó kiếm.
        Trở lại loạt tranh mẫu của họa sĩ Phạm văn Quan hiện đang được bản thân lưu giữ. Với số lượng tương đối nhiều, chất lượng còn rất tốt, gần như 100%. Phải chăng do tính cẩn thận và sự quyết tâm lưu giữ đứa con tinh thần của họa sĩ nên mới còn được như vậy? (4) Cũng từ loạt tranh này, nó cho thấy cố họa sĩ Phạm văn Quan đã có sự cống hiến rất lớn lao và xuyên suốt một thời gian dài hơn 20 năm, không những chỉ cho hãng B.G.I mà còn một số hãng tên tuổi khác nữa. Nơi các bản vẽ do ông thiết kế luôn đẹp, mới lạ, màu sắc tươi nhuận rất bắt mắt. Có thể cho rằng chính những điều này đã giúp cho các sản phẩm của Hãng Bia nước ngọt B.G.I cùng một số thương hiệu lớn như: Bột giặt Viso, Pin con Ó, Bột ngọt Vị Hương Tố..v..v... trở nên quen thuộc, nổi đình đám khắp chốn ở miền Nam, thậm chí còn kéo dài thêm một thời gian sau năm 1975 nữa là vậy (5). Không rõ câu: " Sinh nghề, tử nghiệp " có vận vào các họa sĩ làm nghề vẽ quảng cáo không?  Khi mà mọi người chỉ nhìn thấy và để ý đến những hình ảnh màu sắc mượt mà, hấp dẫn của sản phẩm chứ có mấy ai để ý đến người tạo dựng ra nó! Chuyện càng trở nên nghiệt ngã hơn khi đất nước có sự đổi thay hoàn toàn cộng với sự phát triển quá nhanh của nền kỹ thuật in ấn về quảng cáo làm cho sự cống hiến âm thầm của giới họa sĩ chọn nghề quảng cáo làm lẽ sống đi vào ngõ cụt. Càng thêm thê thảm hơn cho những ai không có sự đổi thay kịp thời... Sự cáo chung của công việc quảng cáo thủ công trước cơn bão tiến hóa kỹ thuật quảng cáo thời @ là điều hiển nhiên chẳng còn gì để nói..... Nếu có chút gì thì đó là sự nhặt nhạnh những mẩu vật rơi rớt để nhớ lại thời đã qua... mà thôi!


                                           A - MỘT SỐ BẢN VẼ VỀ BIA "33".

                  Hai mẫu vẽ về bia 33 cho quảng cáo ngoài trời của họa sĩ Phạm văn Quan.

 

Qua ảnh cho thấy bản vẽ thứ nhì đã được cho thực hiện trên mành mành. Không rõ năm nào. Nhưng chắc chắn phải trước năm 1975.
Nguồn google. ( Hình ảnh VietNam.com ).


 


MỘT VÀI BẢN VẼ VỀ LA-VE CON CỌP. CỦA HỌA SĨ PHẠM VĂN QUAN.

 


Nhãn hiệu Biere Larue con cọp được thực hiện trên bìa lịch.



B - MỘT SỐ BẢN VẼ QUẢNG CÁO CHO NƯỚC NGỌT & XÁ XỊ.

Hai bản vẽ mẫu cho nhãn hiệu nước ngọt "top".



 


Hai bản vẽ cho nước ngọt nhãn hiệu "segi". Hình ảnh con ngựa có cánh được vẽ chi tiết khác nhau.

Hình ảnh con ngựa trên nhãn hiệu "segi" được thực hiện trên lịch có khác với hai mẫu trên. Có lẽ ông đã vẽ đến ba mẫu cho con ngựa...


 

 


 


C - MỘT VÀI BẢN VẼ QUẢNG CÁO CHO SIRO.

  


D - MỘT SỐ BẢN VẼ CÁC CÁC HÃNG SẢN XUẤT CHẤT TẨY RỬA.

 




 


D - CÁC HÃNG KHÁC.

 



E - MINH HỌA CHO BÌA NHẠC VÀ BÁO XUÂN.







BÁO XUÂN " NGÀY MỚI " NĂM 1960.










MỘT VÀI BẢN VẼ GỐC VỀ QUẢNG CÁO CỦA NHỮNG HỌA SĨ KHÁC.


VIỆT NAM CÔNG THƯƠNG NGÂN HÀNG.

Bản gốc. Màu nước trên giấy dày. HS. Nguyễn Chương.



NÔNG - CÔNG THƯƠNG NGÂN HÀNG.


Bản gốc. Màu nước trên giấy dày. HS. Nguyễn Chương.


HỌA SĨ MÕ VẼ CHO PHIM " NHÀ TÔI ".

Họa sĩ Mõ. Bản gốc. Mực nho trên giấy kiếng mờ. 

HỌA SĨ UYÊN HUY VẼ CHO GIẢI LỰC SĨ ĐẸP VIỆT NAM LẦN 1.  NĂM 1993. 


Uyên Huy ( Huỳnh văn Mười). Bản gốc. Mực nho trên giấy kiếng mờ .


PHỤ CHÚ.

(1) Người họa sĩ được chọn vào làm cho hãng B.G.I vào thời điểm này hẳn tay nghề phải vượt trội hơn mọi họa sĩ khác. Đó là điều chắc chắn và những gì của ông để lại cho thấy tài năng của ông rất đa dạng và phong phú...

(2) Có lần trò chuyện cùng họa sĩ Nguyễn Trung  còn gọi là Trung lớn do ông lớn tuổi. ( Trong giới họa sĩ họ gọi vậy để phân biệt với HS. Nguyễn Trung trong nhóm Hội họa sĩ Trẻ. Vì hai người đều mang tên Nguyễn Trung ). HS. Trung lớn cho biết HS. Phạm văn Quan là người giới thiệu cho ông vào học trường Mỹ Thuật Gia Định. 

(3)  Lý do. Với số bản có ký tên thì không nói. Một số không ký tên, nếu không mua chung cùng lúc chắc khó mà biết của ai. Một điều làm cho thế hệ đi sau muốn xác minh rất khó khăn... Cũng không thể trách các cụ được vì bản phác thảo không phải là tác phẩm nên các cụ thường không ký tên...Đôi khi vẽ xong chưa vừa ý cũng nên cũng không ký tên, những tác phẩm này đã dẫn đến chuyện tranh cãi trong giới sưu tập...

(4) Có thể do ông đảm trách chức vụ Trưởng Ban Quảng Cáo của B.G.I nên có đủ điều kiện để thu giữ và bảo quản những tác phẩm của mình...   

(5) Các thương hiệu còn tồn tai sau 30/4/1975 một số năm như:  Bia 33,  Pin Con Ó,  Bột giặt Viso, Bông Bạch Tuyết,  Bột ngọt Vị Hương Tố, Giấy Cogido...v..v...

Cauminhngoc
03/8/2016.

1 nhận xét:

  1. xin cám ơn tác giả bài viết đã có có nhiều thông tin hay và bổ ích, bản thân rất thích sưu tập về các vật phẩm tư liệu về hãng B.G.I, S.E.G.I, nhạc tờ và một số thứ khác gần như thế nên hôm nay biết được các bức vẽ mà mình đã từng nhìn thấy hoặc đang có là do họa sĩ Phạm Văn Quan vẽ thì rất vui và....(không thể diễn tả đc) :)

    Trả lờiXóa