Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

HỌA SĨ LÝ TÙNG NIÊN VỚI THUÂN PHÁP SƠN THỦY THEO PHÁI TÂN LĨNH NAM CHOLON.

Lý Tùng Niên với Sơn Thủy.


      Họa sĩ Lý Tùng Niên là lớp đệ tử hàng thứ nhất của họa sĩ Lương Thiếu Hàng. ( Ông Lương là người Hoa đầu tiên sinh sống tại miền Nam Việt Nam theo học trường phái Tân Lĩnh Nam do họa sĩ Triệu Thiếu Ngang khởi xướng và đã mở lớp dạy vẽ theo trường phái này tại Cholon trước năm 1975). Sau năm 1975. Họa sĩ Lý tùng Niên sáng lập ra Nam Tú Nghệ Uyển mở lớp dạy vẽ nối bước thày của mình. Ông Lý khá nổi tiếng trong giới học thuật của người Hoa trong Cholon. Những người Việt có quan tâm hoặc để ý theo dõi về nghệ thuật hội họa thủy mặc theo truyền thống Trung Quốc ở Cholon ít nhiều gì ai cũng đều nghe đến tên tuổi của ông.
    Tranh của ông Lý vẽ cũng không nhiều do bản tính cẩn trọng, khiêm tốn. Ông từng nói công việc làm mới quí. Không cần thiết phải ồn ào phô trương thanh thế. Trong tranh của ông luôn cho ta thấy được những kỹ năng và kinh nghiệm sâu rộng trong xử dụng bút mực phối hợp với  thuân pháp hội họa mà ông lãnh hội được từ phái cổ và Tân Lĩnh Nam. Mỗi tác phẩm của ông đều có một cái gì đó cuốn hút người thưởng lãm bởi sự ảo diệu, tinh túy cùng sự phong phú trong từng đường nét nhẹ mảnh, ngắn dài thật bay bướm. Với những thao tác nhuần nhuyễn kết hợp phong thái " Tả ý ảo thị ". Khi nghiêng, nhấn đè tận dụng từng loại bầu bút lớn nhỏ để tạo mảng, vệt mảnh, thô đậm mô tả sự vật làm cho ta luôn thấy hình ảnh thật mềm mại, dịu dàng rất tự nhiên không khô khan cứng ngắc. Ông khai thác phạm trù sắc độ tương phản đậm nhạt cho từng nơi chốn rất hợp lý. Dụng mực lúc khô, khi ướt phối hợp nhau thật đa dạng và rất linh hoạt. Sự đan chen, chồng lấp từng nơi từng chỗ, hỗ trợ hòa quyện vào nhau rất tinh tế, gây cho người xem rơi vào trạng thái ảo thị rất tuyệt diệu. Không những thế các thuân pháp vẽ sơn thủy truyền thống cũng được ông sử dụng nhưng trong trạng huống biến cốt theo trường phái Tân lĩnh Nam, làm cho người thưởng thức có chung một nhịp đập của con tim với tác giả. Những gì ông đã làm và để lại cho thấy ông rất xứng đáng ở vị trí đầu đàn cho thế hệ thứ hai của phái Lĩnh Nam tại Việt Nam.
     Dưới đây xin giới thiệu một tác phẩm sơn thủy của ông, được cho là vẽ phối cảnh theo lối " thâm viễn ". " Thâm viễn " là một trong ba dạng thức được quy ước chung về tầm nhìn trước sự vật (góc độ quan sát) cho thể loại vẽ tranh sơn thủy của Trung Quốc. Gọi là " Tam viễn "(1). Được phân định như sau:
- Bình viễn. Vẽ phong cảnh khoáng đãng trải rộng, bát ngát mênh mông,  Trong đó con người (nếu có) chỉ là những nhân tố để khiêu gợi cảm xúc nhỏ bé trước thiên nhiên.( Đa phần tranh ngang )
- Cao viễn. Mô tả cảnh vật thiên nhiên có núi cao sừng sững hùng vỹ, rừng rậm trùng trùng điệp điệp. 
- Thâm viễn. Dùng để mô tả cảnh núi rừng hoang vu, sâu thẳm sương khói huyền bí. 


 Lý tùng Niên. Sơn thủy. Thủy mặc trên giấy. Kích thước: 58cm x 80cm. năm vẽ: Trước năm 1975.



CHI TIẾT:  


Cách xử lý mực thật tinh tế tạo cho người xem thấy khoảng xa xa mênh mông sương khói.
  







Những cách xử lý mực tạo ảo giác cho người xem và những chi tiết được diễn đạt rất rõ ràng từng phần không lẫn lộn. Những tàng cây rất sống động,trông thật tự nhiên qua lối xử lý chồng lẫn đậm nhạt của mực.(Lộng cốt). Những tàng cây, lớn nhỏ, gần xa, thấp thoáng được ông gởi gắm bằng
những nét bút tinh diệu của một họa sĩ có tài năng.


















 Cách xử lý mực thật tinh tế tạo cho người thưởng lãm thấy như khóm cây đang lung linh trong màn sương nhẹ








Cauminhngoc
08/08/2015

(1). Phép " Tam viễn " là qui ước về tầm nhìn trước thiên nhiên do một họa gia nổi tiếng thời nhà Tống của Trung Quốc tên là Quách Hy lập luận. ( Theo TS. Nguyễn đình Phức. " Về phương thức tiếp cận không gian trong thơ Đường ). 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét