Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

KHỔNG MINH và THUYẾT " CHÂN VẠC ".

     
 


                                 HS. Hiếu Đệ.  Hán Thọ Đình Hầu (  漢受庭侯 ). Quan Công.
                         Sơn mài trên vóc ván ép. Kích thước: 50cm x 80cm. Năm vẽ: 1980-1989.

      Có thể nói. Hình tượng nhân vật trong thời Tam Quốc được sùng bái, lập miếu tôn thờ nhiều nhất, không ai khác. Hán Thọ Đình Hầu. Quan Công. Nơi nào có người Hoa sinh sống. Nơi đó sẽ thấy hình tượng nhân vật này. Họ lấy ông làm biểu tượng cho nghiã khí và tiết tháo. Bởi tính trượng nghiã. Hình ảnh về Quan Công được thể hiện rất đa dạng. Như chém Nhan Lương. Phò nhị tẩu. Kết nghĩa vườn đào. Tam cố thảo lư. Tha Tào ở Hoa Dung Đạo..v..v.. Những hình ảnh này xuất hiện ở những quán ẩm thực, xe hủ tíu của người Hoa ở Saigon trước 1975, được vẽ trên kiếng trang trí với những màu sắc rất rực rỡ. Riêng ảnh tượng về bộ ba Quan Công, Quan Bình và Chu Thương được thực hiện rất nghiêm cẩn ở trên các chất liệu thông dụng để thờ chứ không dùng làm vật trang trí như những hình ảnh khác nói về ông.
 

TẠI SAO KHỔNG MINH DÙNG QUAN CÔNG Ở HOA DUNG ĐẠO MÀ KHÔNG DÙNG AI KHÁC? PHẢI CHĂNG VÌ THUYẾT " CHÂN VẠC "?

Khổng Minh ( Nguồn Wikipedia. Khổng Minh ).

        Sau khi cầu được trận gió Đông để cho Chu Du sử dụng và cũng là mượn trận gió trái mùa này giong buồm chuồn về Kinh Châu cho mau, tránh chuyện bị Chu Du sai quân đuổi theo mượn thủ cấp. Một chuyện chắc chắn chả ai muốn việc đó xảy đến với mình.
       Về đến Kinh Châu. Khổng Minh cùng Lưu Bị tức tốc cho triệu tập ngay tướng sĩ dưới trướng giao cho việc bố phòng nút chặn ở các nơi trọng yếu, đón đợi quân Tào chạy qua chận đánh, chiếm đoạt lương thảo, quân khí làm chiến lợi phẩm. Mọi người đến đâu và phải làm gì được Khổng Minh đều động phát lạc rất cụ thể. Riêng Quan Công đứng trơ trơ ra cả buổi mà không hề thấy Khổng Minh đá động gì đến. Chịu không nổi cái kiểu coi như không có mình ở đây, Quan Công đã phải ào ra gặng hỏi. Lúc ấy Khổng Minh mới nói. Có một việc cực kỳ quan trọng. Phải bắt bằng được Tào Tháo...Chưa biết giao cho ai!?! Nếu Quan Công muốn nhận việc này thì phải viết " Quân lệnh trạng ". Lý do vì sợ Quan Công có ân tình với Tào Tháo mà thả đi không giết. Một kiểu khích tướng để Quan Công phải thực hiện đến nơi đến chốn. Không xong sẽ bị tội chết. Sau khi viết cam kết. Quan Công nhận lệnh dẫn binh mai phục chờ Tào Tháo. Đúng như dự đoán của Khổng Minh. Vốn tính đa nghi cố tật Tào Tháo bỏ đường lớn kéo đám tàn binh chạy men theo con hẻm núi độc đạo Hoa Dung. Nơi có Quan Công đang chực sẵn. Vào thế cùng Tào Tháo phải đích thân giáp mặt Quan Công  nhắc lại ơn nghĩa khi ông phò hai chị dâu về hàng qua sự bắc cầu của bạn cũ Trương Liêu. Quan Công trả lời đã giết Nhan Lương, Văn Xú để trả ơn rồi ..v..v... Tào Tháo nhắc chuyện qua ngũ quan trảm lục tướng lúc ông dẫn hai chị dâu trốn sang đất Viên Thiệu tìm Lưu Bị. Đang dùng giằng thì Trương Liêu chạy đến. Nhìn nhau mà không nói gì. Đã thế nhìn thấy đám đám quân Tào thất trận nhếch nhác qùi lạy như tế sao xin tha mạng. Quan Công động lòng trắc ẩn, quay ngựa cho quân Tào qua hết không bắt một ai cũng như không ra lệnh cho binh sĩ chiếm lấy một thứ gì của quân Tào làm chiến lơi phẩm. Quan Công kéo quân về tay không chịu tội chết với Khổng Minh...
       Theo như trong bộ truyện diễn tiến như vậy và Khổng Minh có lý giải cho Lưu Bị biết là mạng của Tào Tháo chưa tận, nên có cử ai khác chặn ở Hoa Dung đạo thì họ Tào vẫn thoát. Vì thế cử Quan Công ra đó cho ông có dịp trả ơn để không còn áy náy về sau.... Thực sự có đúng như thế không?

       Ta nên nhớ! Khi Khổng Minh còn ở lều tranh đã lập ra thuyết " Chân vạc ". Mong tìm được người có trí lực, ông sẽ hợp tác, mượn tay nhân vật này ứng dụng kế sách của mình cùng việc thi thố tài năng với các thế lực đang tranh giành quyền lực ngoài thực tế. Một chủ thuyết dựa vào sự bất ổn của thiên hạ mà an thân trong lúc góp mặt với đời mà ông đã ấp ủ trong lòng. Bởi vậy! Khi biết Lưu Bị đến tìm (1). Mặc dù đã ngầm chọn và nắm rõ về nhân thân cũng như chí hướng rồi. Xem ra Khổng Minh cũng chưa an tâm cho lắm. Chuyện " Tam cố thảo lư " đầy khổ ải, nhọc nhằn của ba anh em kết nghĩa Lưu Quan Trương phải cất công lặn lội đến dãy núi " Rồng nằm "  ở ba thời điểm khác nhau để cầu hiền, không phải là ngẫu nhiên, mà do một sự sắp đặt có chủ ý. Một cách thử lại bài toán trước khi dụng người bởi tính cẩn thận của Khổng Minh. Từ chuyện giả tảng, khệnh khạng cả vài canh giờ bắt Lưu Hoàng Thúc phải chắp tay đứng ngóng ngoài hiên cả buổi dưới trời tuyết giá mới ra tiếp.(2)  Cũng là cố tình tạo sự chướng tai gai mắt thực tế để xem phản ứng, tính ý cụ thể của người mình sắp theo phò ra sao. Không chỉ có thế. Tấm bản đồ cốt lõi của sự việc do Khổng Minh đích thân chu du khắp nơi vẽ, được tên tiểu đồng treo lên. Trên đó được chú thích cặn kẽ ưu khuyết của từng vùng. Cục diện tương lai được phân đinh sẵn, rất cụ thể. Dựa vào đó Khổng Minh trình bày sách lược an bang tế thế, phương sách đối phó với các thế lực đang tồn tại hùng cứ tứ phương ra sao và khuyến cáo họ Lưu phải giành cho bằng được lòng dân để dựng nghiệp lớn. Một cách chứng tỏ tài năng vượt trội của mình cho Lưu Bị thấy mà phải khẩu phục, tâm phục ngay từ buổi đầu tiếp xúc để rồi toàn tâm nhất ý tuân thủ những gì ông vạch ra sau này.
      Khổng Minh biết Lưu Bị còn cô thế. Không nắm được Thiên thời như Tào Tháo. Cũng chưa tìm ra mảnh đất để cắm dùi thì lấy đâu được Địa lợi như Tôn Quyền. Chỉ có Nhân hòa là còn để ngỏ. Một thứ vô hình không như ngôi báu và lãnh địa để cho các thế lực có thể nhìn vào mà tranh dành chiếm đoạt. Khổng Minh đã " vồ " ngay lấy, áp đặt cho Lưu Bị. Muốn Lưu Bị phải ra sức thu phục nhân tâm với chính nghĩa con cháu nhà Hán (3). Phải tìm cách lôi cuốn trăm họ đang ly tán, khổ sở chết chóc vì chiến tranh triền miên, giặc dã cướp bóc nổi lên khắp nơi không biết dựa vào ai, về với mình! Nắm được thế " Nhân hòa " là đã tạo dựng được một thế đứng vững chắc trong thiên hạ. Đó là lẽ sống cũng là một phần không thể thiếu, tiềm ẩn trong kế sách " Chân vạc ".
        Khổng Minh quá cao tay, đứng trên thiên hạ thấu hiểu được thế cục hiện hữu nên đã chớp thời cơ, vận dụng cái nhân tâm thuần lý nhưng lại tiềm tàng một sức mạnh khủng khiếp " lòng dân " ở đời, dúi vào tay Lưu Bị. Tuyệt hơn cả! Ông triển khai " lòng nhân từ chính tri "  biến thành " cái ách " chân lý quàng vào cổ Lưu Bị. Đương sự không hề thấy bị trói buộc mà tự nguyện đưa lưng ra gánh vác. Có thể nói ông đã đi vào tim óc Lưu Bị. Nắm chắc được tử huyệt của một người mang tham vọng  xây dựng Đế nghiệp mà tay trắng. Chưa có lấy một rẻo đất nương thân. Chưa biết phải làm những gì và phải nhờ ai. Cho nên! Khi Khổng Minh đã cố tình thì họ Lưu dính cựa là cái chắc. Làm sao mà Lưu Bị không bị choáng ngợp trước những lý lẽ thực tiễn đầy hứa hẹn sẽ đem lại thành quả rực rỡ cho tương lai  như thế?  Một cái kiểu " Bó lúa trước mõm ngựa " trong truyện ngụ ngôn.
       Của tội! Tiếng tăm của hai nhân vật " Phục Long, Phượng Sồ " luôn ám ảnh họ Lưu từ khi gặp Tư Mã Đức Tháo..(4) Việc đại sự, không có một trong hai thì không xong. Chả riêng ai! Mọi thức giả thời đó đều nói như thế... Cho nên. Trước mặt Lưu Bị lúc này. Con đường duy nhất dẫn đến sự thành công là phải ôm chặt lấy Khổng Minh và học thuyết " Tam phân " của hắn. Lưu Bị đã cho rằng mình như cá gặp nước, rồng mắc cạn vượt ao tù... từ khi diện kiến Khổng Minh...là vậy!
       Không sai! Mới chân ướt, chân ráo Khổng Minh đã châm một mồi lửa nơi đồi Bác Vọng, đốt tàn Tân Dã giúp cho họ Lưu thể hiện được hình ảnh " cứu dân độ thế " để thu phục tình cảm trăm họ. Trơ mặt " mượn không trả " đất Kinh Châu của Đông Ngô đề có chỗ dựa, đồng thời làm bàn đạp chiếm Thục xưng Vương. Gây nên được sự tranh giành dai dẳng giữa ba nước Thục, Ngụy và Ngô đúng theo kế sách đã vạch. Cho nên khi chiến sự giữa Ngụy - Ngô xảy ra. Để tránh cho Đông Ngô nhỏ bé bị diệt vong bởi lực lượng hùng hậu của quân Ngụy, ảnh hưởng đến cục diện tam phân hiện tại đã tốn bao công sức gầy dựng. Khổng Minh vén áo, đích thân khăn gói quả mướp đi sang Đông Ngô thuyết khách, xin cùng chung lưng đánh Ngụy. Mặc dù là phải đi cầu cạnh nhờ vả như thế. Nhưng Khổng Minh lại trịch thượng, không muốn để lộ cái yếu điểm của mình, lại muốn Đông Ngô phải cầu cạnh xin mình trợ giúp cho việc đánh Tào.(5)
        Suốt thời gian cu ki ở Đông Ngô. Khổng Minh vẫn bình chân như vại. Sau bao nhiêu chuyện phải tranh luận đấu đá, tránh né các cuộc mưu hại của nhóm mưu sĩ Đông Ngô và Chu Du (6)...Cuối cùng Khổng Minh vẫn được như ý. Rồi chiến thắng Xích Bích thành công. Quận Ngụy đại bại. Tào Tháo dở khóc dở cười hao binh thiệt tướng trên đường rút chạy...Nếu lúc này Thục ra sức triệt hạ quân Tào càng nhiều càng tốt, rồi hiệp lực cùng Đông Ngô đánh thốc vào Hứa Đô. Chắc cũng không phải là khó... Riêng chuyện trực diện với Tào Tháo ngay trận tiền như ở Hoa Dung đạo. Ngàn năm một thuở. Nếu Khổng Minh không dùng Quan Công mà cho tập trung tất cả lực lượng, cử Trương Phi cộng thêm một số tướng tài nữa, hạ quyết tâm bắt bằng được Tào Tháo... Chuyện này có thể nói. Khổng Minh nắm trong lòng bàn tay... Nhưng... Nếu làm thẳng như vậy, triệt được Tào Tháo, cục diện chỉ còn lại Thục và Ngô, rơi vào chuyện lưỡng hổ tương tranh. Chẳng bao giờ Khổng Minh muốn thế... Phải để cho Tào Tháo sống và chạy thoát mới giữ trọn vẹn được thế ba chân như tâm nguyện.
        Bởi thế! Chuyện Khổng Minh dùng Quan Công ở Hoa Dung đạo mà không dùng ai khác đã chứng minh một cách triệt để về sự trung thành với thuyết " Chân vạc " của mình như thế nào. Khổng Minh là người thông tuệ, hiểu rõ tâm ý, khả năng đến từng người tướng dưới trướng nên chuyện dùng ai, vào việc gì, rất chính xác và có hiệu quả cao. Biết Quan Công trượng nghĩa. Đã mang ơn ai, phải đền đáp cho bằng được. Việc Quan Công chùn tay tha Tào không ngoài sự tiên liệu của Khổng Minh và con cờ Quan Công đã đi đúng nước mà Khổng Minh mong muốn.
       Khổng Minh mãi mãi vẫn được xem là nhân vật Quân sư kỳ tài của thời Tam quốc. Thông qua con cờ Lưu Bị. Ông đã hoàn thành một cách tốt đẹp kế sách của mình đề ra là khấy động thiên hạ để an thân cùng gia đình trong suốt thời gian xuất thế làm chính trị. Ông đã minh chứng tài năng, trí tuệ trác tuyệt có một không hai của mình trước thiên hạ. Có thể thấy được ngay từ khi còn khoác bầu rượu túi thơ ngao du cùng bạn bè bàng bạc trong bộ truyện. Chỉ chịu bó tay ở đồi Ngũ Trượng lúc vạt áo của Ngụy Diên làm tắt phụt ngọn đèn chủ tinh vì " Số trời ".
      Tóm lại! Khổng Minh là nhân vật ngoại hạng. Là người kiến tạo ra thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Hay nói khác hơn. Khổng Minh là mẫu người tạo ra lịch sử chứ không phải là con người trong lịch sử vậy! Hoặc giả: " Anh hùng tạo thời thế " chứ không phải " Thời thế tạo anh hùng ".

Cauminhngoc
14/10/2014.

(1)  Đây rồi! Chờ mãi... Tay này chơi được đây! Vai vế chú của Vua mà! Thây kệ!!! Xa xa một chút thì đã làm sao! vẫn còn hơn không! Chính danh! Chính danh rồi!!!....  "  

(2)  Chắc mẩm là ổng ngồi trong nhà quấn chăn rung đùi nhẩm trà " địa"  tướng cách họ Lưu  và "  ngọ "  hắn có những phản ứng ra sao khi bị " đì " cả buổi như vậy! 

(3) Một tay cáo già!!! Từ con một người dệt chiếu vô danh, trên răng dưới dép. Trong thời loạn lạc túm cơ hội gần Vua. Bèn xin tra cứu gia phả nhận họ hàng để gây thanh thế! May sao lại trở thành Hoàng thúc thật...chứ không thì... Lúc này mới thấy là câu " một giọt máu đào, hơn ao nước lã " có giá trị tuyệt đối... 


(4) Với ai thì chưa biết! Chứ với cha nội Khổng Minh này thì chắc cú là chả đã khéo léo mượn mấy cái "  lỗ miệng gang thép " của những tay ẩn sĩ như:  Tư Mã Đức Tháo, Thôi châu Bình, Mạnh công Uy và Thạch quảng Nguyên ...và bao nhiêu nữa không biết... kế đến là Từ Thứ tiếp thị tên tuổi cho mình với thiên hạ ngay từ khi còn nằm ngủ ngày ở núi Ngọa Long kia ...

(5) Đi nhờ người mà lại muốn người phải mở lời cầu cạnh mình giúp. Có lẽ chỉ có Khổng Minh. Đó cũng là cái tuyệt của ông....

(6) Đọc trong bộ truyện Tam Quốc này. Sự đố kỵ của Chu Du đối với Khổng Minh quả là cực đoan và tự mình hại mình. Thật ra Khổng Minh đâu có ý đồ gì mưu hại Chu Du. Bởi vậy khi Chu Du chết. Khổng Minh có sang đọc bài điếu tang thương tiếc làm cho tướng sĩ Đông Ngô phải nhỏ lệ. Đó là thực lòng??? Có lẽ Khổng Minh cũng rất muốn Chu Du sống để lèo lái một trong ba chân vạc cùng với mình! Phải chăng Chu Du không hiểu như thế?






Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

" TÁC PHẨM ". NHẬN ĐỊNH NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG ?

        
VanKy.Ng. Trên cánh đồng buổi sơm mùa thu. Sơm mài/ván ép. Kt; 90cm x 60cm x 04 tấm. Chữ ký. Góc phải dưới. Có thể trước năm 1975.


Tạ Tỵ. Lòng mẹ. Điêu khắc đồng/ nền ván ép. KT: 67cm x 82cm. (Tính luôn khung). Cuối thập niên 50/TK.20. Chữ ký bằng logo nằm trong nhãn "Lòng mẹ".



     Khi người nghệ sĩ đã xác định một ý niệm, kết hợp cảm xúc dâng trào, cũng là khoảnh khắc hình tượng mơ ảo trong tiềm thức xúc tác với thế giới hình thể thực tại của vạn vật được biến cải qua ý thức bản ngã dẫn đến sự bùng vỡ triết lý nghệ thuật để hình thành một tác phẩm…Chính những cảnh giới trí tri nội tại thoát khỏi thân xác, hòa nhịp cùng kỹ năng điêu luyện cá thể đã lưu dấu bằng màu sắc và hình dạng dàn trải trên mặt phẳng chất liệu đóng khung. Những trạng huống phức hợp tĩnh định này là nhân tố đánh động xúc cảm ảo thị nơi người thưởng lãm, giúp họ có điều kiện chiêm nghiệm tác phẩm bằng ngôn ngữ hội họa tích cực, phần nào kéo gần khoảng cách giữa tư duy của tác giả và người thưởng lãm. Mặc dầu tác phẩm đôi khi không mô tả sự vật với hình thái ấn tượng hay hiện thực..v.v… mà biểu diễn qua mô thức ẩn ngữ hội họa với bản thể đang tồn tại trong trạng thái tĩnh định hoàn toàn trước nhãn giới khách quan. Dẫu vậy nó vẫn có khả năng dẫn dắt người có sự kiến trải mỹ học đa thức chìm vào trạng thái biến động nội tâm với cả một miền triết lý mỹ cảm nghệ thuật. Nói như thế có nghĩa là " Dù cuồng quái như thế nào đi chăng nữa cũng không nên vượt qua cái lý của sự vật ".
       Cho nên việc nhận định như thế nào cho phải, cho đúng về một tác phẩm nghệ thuật, ta cần phải định dạng lại nguồn thưởng lãm và giá trị nội tại của tác phẩm. Sự thưởng lãm và tác phẩm nghệ thuật không thống nhất hay đồng dạng... Có được nhận thức sâu hay bộc phát rung cảm nội tâm trọn vẹn khi đứng trước tác phẩm hội họa! Điều này cũng còn tùy thuộc vào sự kiến trải của chủ thể thưởng lãm với môi trường nghệ thuật ra sao... Sự bộc phát tâm thức lãnh hội, chính là ý thức cảm thụ cá biệt bất lưỡng thể...
   Không gian, thời gian, hình thể, sắc màu, tư duy cùng phương thức kỹ thuật thể hiện của tác giả là sự gợi mở của tác phẩm. Những điều đó ấn định cho đẳng cấp.


        Ở đây cũng cần nêu lên một vấn đề trong việc. Đọc, nhận định hay phê bình. Có chăng là chuyện áp đặt tư duy của người viết nhận định vào tác phẩm của một họa sĩ nào đó? 
       Điều này không phải là chuyện bất khả! Bởi việc thưởng lãm nghệ thuật hay bình phẩm nó giống như thày bói mù sờ voi. Tất cả mang khuynh hướng chủ quan của người thưởng lãm hay phê bình nên đôi khi nó cũng có chiều lệch khó tránh. Việc nhận xét, đọc hay phê bình muốn được xem là chân chính, phải là sự cảm nhận chủ quan trung thực vô tư, vị nghệ thuật. Là sự đào sâu phân tích, đọc được những ẩn ngữ chứa đựng nơi những mô thức hiện tồn trong tác phẩm một cách hợp lý lẽ, có khoa học. Còn như vị lợi mà cố tình áp đặt những điều vô thể, vô thức, vô căn nguyên trở thành hữu thể, hữu thức bằng lý luận thiếu vắng khoa học thì chuỵện này cũng không thể cấm cản một ai đó làm điều họ muốn "áp đặt"!  Vì vậy! Đây là chuyện luôn phải có tính vô tư từ mọi phía khi trực diện với chủ đề. Cần phải khách quan và sáng suốt mà quán thu, nhận định những gì đã được phơi bày trước mắt để đánh giá thực hư sự việc có chuyện "áp đặt" hay không. Nên hiểu cho! Trong hội họa hay bất kỳ loại hình nào khác, không phải lúc nào cũng có dịp đọc hay được nghe những lý giải bởi người tạo tác mà đa phần ta bắt gặp chuyện này ở những nhận xét, phê bình chủ - khách quan của tha nhân trên sách báo hoặc thông tin đại chúng. Ở những tác phẩm có thể tính vượt trội của các bậc thầy thường cho thấy. Ngoài chất mỹ thuật ra trong nó luôn hàm chứa thêm tính triết-văn cùng những ẩn ngữ bác học trong cách thể hiện. Họ sẽ không bao giờ muốn tự đóng khung tư tưởng của mình bằng những lý giải dưới bất cứ hình thức nào, mà luôn để cho người thưởng ngoạn tự chiêm nghiệm và bay bổng với tư duy của bản thân thông qua những hình tướng mang tính gợi ý được tác giả dàn trải trong tác phẩm. Làm như thế, việc thưởng ngoạn sẽ được đa dạng hóa, phong phú hóa không bị khô cứng, không bị đóng khung bởi những lời diễn giải trần trụi, đôi khi giết chết tác phẩm chỉ vì mọi chuyện đã quá rõ ràng, không còn gì để nói...
       Chuyện áp đặt hay phát hiện ẩn ngữ trong tác phẩm! Nó rất rõ ràng dưới mắt người khảo cứu am tường có đẳng cấp. Họ biết đâu là vu vơ, đâu là vì vụ lợi, đâu là giải mã ẩn ngữ vụ việc khi nhìn vào vật phẩm. Chuyện gì cũng phải thấu tình đạt lý. Chính danh, trung thực là hơn cả. Người " đọc " phải thật cẩn trọng, mở đúng cánh cửa bản chất sự việc. Có nghĩa là người " đọc " phải tinh tế, khai thác diễn giải một cách cụ thể và khoa học ngay từ những hình tố biểu lộ trong vật phẩm. Muốn như vậy dứt khoát tác phẩm phải có những dáng vóc, hình thể hiển lộ rõ ràng. Điều này sẽ khơi gợi tâm thức những người có khả năng nhạy bén về phê bình, khảo cứu nắm bắt. Từ những yếu tố đã quán thu hòa nhịp cùng tâm thức sáng tạo mà tuôn trào những luận giải theo cảm súc chủ quan thành mạch văn học gởi đến mọi người tìm sự đồng cảm. Việc làm này không thể tạo dựng, đổi trắng thay đen, dựng đứng nói không thành có cho được. Tất cả phải có sự nhất quán, mạch lạc phù hợp với bản chất hiện hữu, phải thật trung thực và trong sáng và luôn mang tính viện dẫn khoa học, chuẩn xác...v..v... " Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu ". Cụ Tú Xương đã có lời dặn như thế... Khẳng định một điều. Không có lửa lấy gì có khói?. Không bột sao gột nên hồ? Không chân lấy gì bước? Không chữ lấy gì mà đọc và có ý mới có tưởng là vậy.
      Bộ môn khảo cổ học và phê bình, lý luận hội họa được sinh ra phải chăng là để giải quyết cho việc này. Và đôi khi cũng chỉ vì chuyện " thiếu niềm tin " hoặc " với chưa tới " về "người phê bình" cũng như "người đọc" nên bị tha nhân gán buộc cho là viết viển vông, áp đặt là vậy? 

Cauminhngoc

24/9/2014

 

        Cám ơn các bạn Trùng Nhị, Định vương và Trần Thư đã ghé thăm và đóng góp ý kiến.
Thưa các bạn.
        Với một người có trách nhiệm, có tinh thần tự trọng nghề nghiệp thì sự học hỏi và ứng dụng không phải là công việc sao chép mà nên hiểu rằng. Cùng ngôn ngữ nhưng phải có tiếng nói và cách bày tỏ riêng. Tùy khi mà ngữ điệu có sự bổng trầm. Phải biết khai thác tính đa dạng, kết hợp với dạng ngữ khác để cho phong phú về văn ngữ. Đó chính là sự thành công của người làm nghệ thuật chân chính. Không mải miết dùi mài một bút pháp, vì như thế sẽ dễ dàng thành thói quen dẫn đến nhàm chán. Phải có sự lăn xả, tìm tòi, lãnh hội, phát kiến, luôn hướng tới phía trước mới mong có được bản ngã trong sáng, mới mong đánh động những tư duy sâu thẳm nội tại, tạo cơ hội cho sự bùng vỡ tâm thức, biến nó trở thành cơn lốc xoáy cuồn cuộn trong tâm hồn. Khi bộc phát sẽ hòa nhập vào khả năng tôi luyện của thân xác thực sinh một bản thể có những ẩn ngữ, công án để mọi người thưởng lãm suy gẫm. Đó là tác phẩm nghệ thuật... Tôi thấy Tạ Tỵ đã đi từng bước trên những nẻo đường đầy chông gai này....và ông đã thành công.
Thân mến.
Cauminhngoc. 
( Trao đổi trên Phố Mua Bán về Tạ Tỵ ).



TRANH LỤA! NÊN BẢO QUẢN NHƯ THẾ NÀO?

       
                                     
                   Tú Duyên. Bà cháu. Tranh lụa. Kích thước: 30cm x 30cm. Vẽ năm 1974. 
                             Bảo quản không kỹ. Mặt tranh có đôi chỗ bị côn trùng nhấm...




      Khí hậu vùng nhiệt đới có tính khô ẩm. Điều này tác động đến độ bền của những phẩm vật được lưu giữ rất nhiều. Riêng mảng tranh lụa của Việt Nam, việc bảo quản như thế nào cho tốt chính là sự trăn trở cho người sưu tập. Sẽ rất khó khắc phục nếu họa sĩ, người bồi tranh không chú ý đến vật liệu dùng để vẽ hay bồi ngay từ lúc ban đầu, đã thế gặp phải người sở hữu không quan tâm lắm đến chuyện bảo quản, dẫn đến hậu quả đáng tiếc cho bức tranh. Có lẽ! Ta cũng nên tìm hiểu đôi chút về những vật liệu quan yếu khi thực hiện một bức tranh lụa:  
       * - Lụa để vẽ. Chất liệu quan trọng nhất sử dụng làm nền vẽ, cũng là chất liệu cơ bản độ cho bền của tác phẩm. Đa phần họa sĩ sử dụng lụa sợi mỏng có màu trắng, sớ thật khít đều, mặt mịn. Lụa vẽ có pha sợi nylon nhiều sẽ khó mà ngậm màu lâu như lụa sợi tơ tằm vì sợi nylon không ngấm màu sâu và đều vào sớ sợi, thêm một khuyết điểm nữa là biểu khó ăn vào mặt giấy lót…Có lẽ ai cũng hiểu là lụa làm bằng tơ tằm hay sợi vải rất mỏng manh. Một chất liệu hữu cơ, mềm có độ bền không cao, bình thường để lâu ở những nơi có môi trường không tốt, ẩm thấp hay quá nóng sẽ dễ dẫn đến tình trạng hư hại một cách tự nhiên. Một bức tranh lụa, nếu không được bảo quản cẩn thận cũng sẽ dễ bị xuống màu, chất liệu bị khô giòn, côn trùng gặm nhấm dẫn đến hủy hoại. 
       * - Màu sử dụng để vẽ. Chất liệu quan trọng thứ nhì được xem là linh hồn của tác phẩm. Nếu họa sĩ có điều kiện sử dụng loại phẩm màu tốt, đương nhiên sẽ có độ bền cao. Nếu chẳng may gặp thời điểm khó khăn, không có những màu tốt họa sĩ phải gán ghép tạm bằng chất liệu không đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến tác phẩm về lâu dài. Màu dùng cho vẽ lụa thông thường là màu nước được làm bằng khoáng chất hay thực vật. Màu khoáng ( chất vô cơ ) bền hơn. Màu thực vật ( chất hữu cơ ) dễ phai. Khi vẽ họa sĩ mô tả sự vật bằng nhiều sắc độ khác nhau, gặp phải một số màu hữu cơ không bền, tiếp xúc nhiều với ánh sáng trở nên mau phai làm cho bức tranh  không còn giữ được màu nguyên thủy, chỗ mất chỗ còn rất khó chịu. Bù lại nó thể hiện cho thấy tuổi đời của nó. Sau này có loại màu Acrylic rất thuận lợi trong việc sử dụng bởi nó mang nhiều đặc tính nổi trội hơn màu nước khi dùng để vẽ trên lụa hoặc các chất liệu khác.
       * - Hồ để bồi (1). Một phụ gia dùng để kết dính giữa tấm lụa và tờ giấy biểu (2). Nhờ lớp hồ tạo sự kết dính giữa tờ giấy biểu và tấm lụa. Đôi khi tác giả không đưa cho nhà bồi tranh mà tự làm lấy. Vì không có tay nghề nên lúc biểu hay bồi quét hồ quá dày và không đều tay làm cho hồ có chỗ dày chỗ mỏng, lâu ngày chỗ hồ mỏng mau khô không dính dễ dẫn đến bị dộp, chỗ hồ dày thì trở nên khô cứng bị giòn dễ gãy kéo theo mặt lụa gãy theo. Cộng thêm khí hậu ẩm tác động vào chất bột hồ bồi dày dễ dẫn đến mặt tranh bị ố vàng, thâm kim. Rất dễ bị các côn trùng gặm nhấm vì có lớp bột hồ bồi làm mồi. 
       * - Giấy biểu sau lưng tác phẩm. Lớp giấy được xem là quan trọng không kém gì tấm lụa. Nó ảnh hưởng độ bền của mặt tranh, giúp bức tranh dày dặn, cứng cáp hơn. Sớ lụa định hình không xô lệch và tạo được mặt phẳng tốt, cũng như góp phần giữ màu vẽ trên mặt lụa được bền hơn nhờ có sự ngấm vào giấy. Giấy biểu không tốt sẽ dễ bị giòn, ố vàng kéo theo mặt tranh ảnh hưởng theo, dẫn đến chuyện làm hư hỏng bức tranh. Việc biểu, bồi được thẳng thớm, mềm mại, mặt tranh không bị dộp, sớ lụa thẳng hàng, ngay ngắn không xô lệch...Tất cả những việc này phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề, đẳng cấp của nhà bồi tranh (3).
       
    
    Từ màu dùng để vẽ đến chất liệu của hồ, cho đến phần giấy để biểu phía sau lưng bức lụa. Sự tốt xấu của những phụ kiện đó nó quyết định đến cả 50% cho độ bền của tác phẩm. Còn lại là do khí hậu và thời tiết cùng sự gìn giữ của con người.…Trường hợp họa sĩ và nhà bồi tranh ở vào thời điểm khó khăn về kinh tế hay vật liệu nên phải dùng chất liệu không tốt. Những tác phẩm đó tự thân nó đã ở vào trạng huống kém chất lượng ngay từ ban đầu. Nhưng bù lại, đó lại là nét đặc trưng của thời điểm... Dấu ấn thời gian. Nhìn vào là biết nó ở đâu. Thuộc thời kỳ nào... 
    Nếu gặp phải những tác phẩm có giá trị cao không được bảo quản kỹ đã bị hư hỏng ít nhiều. Chưa có thể phục chế...hoặc phục chế quá tốn kém... Ta nên chấp nhận mức độ hư hại đó và không nên tự sửa chữa nếu không có tay nghề. 
   Để tránh cho tác phẩm không bị hư hại thêm.  
   1 - Nên để tranh ở nơi thông thoáng, khô ráo.
   2 - Tránh chỗ quá nóng, hay lạnh và ẩm.
   3 - Nếu có treo. Hãy lót một ít giấy dày có độ sốp cao sau lưng tranh để góp phần hút ẩm toát từ vách tường nếu có và lâu lâu cũng nên thay miếng giấy này.
   4 - Dùng băng keo bản to, dán bít các rãnh giữa khung và tấm ốp sau lưng tranh để côn trùng không thể chui vào gặm nhấm.
   5 - Tránh để nơi có ánh sáng mạnh chiếu trực tiếp vào mặt tranh thường xuyên. Nên treo nơi có ánh dịu mát là hay nhất (4).
   6 - Khi cho tranh vào khung kiếng. Phải để cho mặt tranh cách mặt kiếng vài ly. Không được cho áp, ép cứng mặt tranh vào mặt kính vì như vậy để lâu mặt lụa có hồ hít dính cứng vào kiếng sẽ làm cho tranh dễ bị ẩm mốc dẫn đến hư hỏng... Hiện nay các tiệm làm khung tranh có bán loại giấy làm " bo " cho tranh. Loại giấy dày này giúp cho mặt kiếng và mặt tranh luôn có một khoảng hở nhất định rất tốt.
   7 - Thỉnh thoảng cũng nên kiểm tra và quét bụi. Để kịp thời phát hiện mà tránh được những tai họa xảy đến cho bức tranh…
   8 - Nếu không treo, muốn cất đi. Không nên cuốn lại vì làm như thế lâu ngày nó sẽ trở thành nếp cong, đôi khi xảy ra tình trạng mặt lụa bị dộp vì khi bồi chỗ có hồ ít, kết dính kém, lúc cuộn lại chỗ đó bị tác động sẽ tự tách ra. Việc cuộn tranh lại để lâu ngày, khi mở xem, thân tranh sẽ bị oằn ưỡn không phẳng, nếu cố kéo, ép cho thẳng ra mặt tranh sẽ bị chớn gãy, nhiều lần sẽ rách. Tốt nhất khi muốn cất đi, nên tìm hai tấm carton có diện tích lớn hơn bức tranh, trải cho tranh nằm lọt vào trong giữa hai tấm carton rồi dùng kẹp nẹp cứng bốn mép tấm carton để cho tấm tranh nằm yên vị bên trong không bị xê dịch sẽ tránh được sự hư hỏng.
    9 - Tấm lót sau khung tranh nên dùng carton hay giấy dày cỡ 05 ly là tốt nhất. Tránh dùng ván ép, để lâu bị mọt ăn làm hỏng luôn cả bức tranh.
   10 - Về khung và "bo" tranh lụa. Tranh lụa, hay tranh vẽ trên giấy có màu sắc mờ ảo, dịu dàng, thanh thoát không rực rỡ, mạnh mẽ như tranh sơn dầu. Một phần tranh lụa, tranh giấy khi vẽ xong thường được viền chung quanh bằng một loại lụa hay giấy màu có hoa văn chìm nổi. Thường gọi là " bo " hay là " riềm " tranh. Tùy theo màu sắc và kích thước của bức tranh mà " bo " sẽ có độ rộng hẹp phù hợp, cùng màu sắc đồng bộ hay tương phản theo ý họa sĩ hay người sở hữu áp đặt (5). Lớp " bo " này được dùng với mục đích làm nổi bật nôi dung, tăng thêm phần thẩm mỹ cũng là để bảo vệ cho tranh. Chính vì yếu tố mỏng manh, dễ gãy, rách và bám bụi vào mặt lụa không thể lau chùi nên các nhà chơi tranh thường chọn cách lộng vào khung kính cho an toàn, tránh bụi bám và sự va quẹt có thể xảy ra làm hỏng tranh. Rất ít thấy dùng khung gỗ chạm trổ hay có nhiều chỉ viền phức tạp như tranh sơn dầu cho tranh lụa. Đa phần đều dùng khung nẹp đơn giản, thanh mảnh mộc mạc có màu đen hoặc nâu. Có lẽ để tránh bị cái khung chạm trổ chi phối làm cho bức tranh bị nặng nề, mất đi tính mong manh, dịu dàng của chất lụa đi chăng? Nói vậy, chuyên khung tranh không nhất thiết phải thế này hay thế nọ. Tất cả do sở thích của chủ sở hữu tác phẩm quyết định. Nói chung. Khung tranh giống như cái áo. Tùy theo người và túi tiền mà chọn vải may mặc.  Khung tranh cũng có sự thay đổi tùy theo sự sáng tạo của nhà làm khung của từng thời kỳ... 
      
     Thực tế hiện nay rất ít nhà họa sĩ chịu vẽ lụa đúng theo truyền thống chân chính. Bởi vì kỹ thuật vẽ hạn chế rất nhiều cho việc sáng tác. Đã thế, nếu tính về độ bền thì tranh lụa không thể so sánh được với tranh ở một số thể loại phổ thông khác. Như sơn dầu, sơn mài ... Không có sự canh tân... Phải chăng do bản chất mềm mại, màu sắc có phần nhẹ nhàng của nó nên điều muốn vượt ra khỏi cái bản chất cố hữu này e là có sự quá khó (6). Thị trường tiêu thụ hạn hẹp. Thị hiếu thưởng lãm có sự suy giảm do hiểu biết ít về tranh lụa truyền thống.... Một số nhà làm tranh dùng sơn dầu vẽ cho nhanh cho dễ. (7).  Đề tài nghèo nàn quanh đi quẩn lại cứ thiếu nữ rồi cảnh đồng quê. Ăn cắp ý tưởng, mẫu mã của nhau không sáng tạo... Thấy tác phẩm nào được ưa chuộng là thi nhau chép lại tràn ngập thị trường. Đã thế nhóm thợ thấy có ăn, vẽ nguệch ngoạc thô lậu, sản xuất hàng loạt giá bèo... Các họa sĩ chân chính không thể đáp ứng nhu cầu người mua (8). Những yếu tố này đã đẩy tranh lụa vào ngõ cụt. Những người hiểu biết chỉ có cách chọn tranh cũ có chút gì đó trong tranh để chơi...


        Phạm Tư. Phong cảnh. Lụa. Kích thước: 57cm x 68cm. Đầu thập niên 50/TK 20. Mặt lụa đã bị thời gian tác động làm cho tranh bị xậm màu.

        



                  Tú Duyên. Đi cày. Thủ ấn họa. Kích thước: 29,5cm x 61cm. Thập niên 60/ TK 20.



                      Trương văn Ý. Bến thuyền. Tranh lụa. Kích thước: 48cm x 78cm. Vẽ năm 1994.



                      Trương văn Ý. Khỏa thân. Tranh lụa. Kích thước: 50cm x 80cm. Vẽ năm 1993.


Ghi chú:

(1)  Hồ dùng để bồi tranh. Thông thường là bột ngũ cốc. Có thể là bột gạo, bột nếp, bột mì hoặc là loại khác. Tùy theo cách pha chế chất lượng bột làm hồ mà bức tranh sẽ mềm hay cứng. Đôi khi người bồi tranh yếu tay nghề cho thêm phụ gia bảo quản bằng hóa chất công nghiệp không phù hợp cũng là một trong những yếu tố làm xậm màu và suy giảm độ bền cho bức tranh. Không nên dùng nhựa cây để bồi hay sử dụng băng keo hoặc nhựa thông cũng như hóa chất để dán chữa chỗ rách. Việc này sẽ làm bức tranh bộ ố vàng chỉ trong thời gian ngắn.

(2 ) Lớp giấy đầu tiên bồi sau tấm lụa. Đa phần các nhà bồi tranh dùng giấy " xín chỉ "
của Tàu vì giấy trắng và mặt giấy không có tạp chất. Giấy rơm của ta cũng tốt nhưng giấy hơi bị vàng, mặt giấy không được sạch và ít thấy có khổ lớn.


(3 )  Ở đây tôi không nói đến việc bồi riềm chung quanh bức tranh vì thấy việc bồi riềm không còn cần yếu. Ngày nay trên thị trường đã có sản xuất một loại giấy dày vài ly, có thể sử dụng nó "bo" chung quanh bức tranh rất thuận tiện. Do vậy mà ta chỉ cần biểu một vài lớp vào lưng miếng lụa tranh giúp nó dày cứng thêm và thẳng rồi sau đó dùng loại giấy "bo" này làm viền bảo vệ chung quanh trước khi cho vào khung kiếng để treo. 

 (4)  Các bảo tàng phương Tây họ cấm không cho chụp hình với đèn sợ ánh sáng dập vào mặt tranh nhiều sẽ bị ảnh hưởng.

(5) Nói về Riềm hay Bo cho tranh lụa, tranh màu nước của Việt Nam. Các họa sĩ có thói quen làm bốn chiều cạnh diện tích đồng đều nhau. Kích cỡ từ 06cm đến 10cm. Riêng với tranh vẽ trên giấy hoặc lụa vẽ theo lối tranh thủy mặc Tàu thì việc dùng riềm cho tranh có khác. Cần phân biệt hai loại. Tranh vẽ dọc và tranh vẽ ngang.

       a -  TRANH VẼ THEO CHIỀU DỌC. 
      Thực ra việc làm riềm này là do các nhà làm khung hoặc bồi tranh chịu trách nhệm. Nhưng đôi khi chủ sở hữu tranh muốn làm theo ý ... Cũng nên tham khảo để tránh việc không được đẹp có thể xảy ra.    
      Các nhà bồi tranh thường gọi. 
* Miếng riềm trên đầu bức tranh là tấm " Thiên ". 
* Miếng riềm dưới chân bức tranh là tấm  " Địa ". 
* Hai miếng riềm chạy cặp theo bên trái và phải của bức tranh gọi là  tấm " Rìa biên trái, phải ". 
      Với quan niệm Trời lớn hơn Đất cho nên tấm Thiên và Địa có kích thước chiều dọc không đều nhau với tỷ lệ 60/ 40. ( Bề dọc của tấm Thiên: 60% và tấm Địa: 40% ). Thông thường bề dọc tối thiểu tấm Thiên bằng 1/3 chiều dọc nguyên gốc chưa bồi của bức tranh.
      Bề ngang của tấm Thiên và Địa sẽ tùy vào kích thước chiều ngang nguyên gốc của bức tranh. 
      
  
      Riêng hai tấm Rìa biên trái, phải, các nhà bồi tranh thường làm bề ngang từ: 05cm đến 08cm. Bề dọc của Rìa biên sẽ tùy thuộc vào chiều dài bức tranh. Đôi khi bức tranh lớn quá khổ, bề ngang rìa biên có thể lên đến 15cm, 20cm. 
     Nói chung. Tùy vào kích thước diện tích bức tranh. Các tấm Thiên, Địa và Rià biên sẽ tăng diện tích lên cho phù hợp... Mặc dù có diện tích thay đổi nhưng đa phần vẫn giữ bề dọc của Thiên và Địa với tỷ lệ là 60% và 40%
    TD. Bức tranh nguyên thủy chưa bồi có kích thước giấy chiều ngang là: 30cm. Chiều dọc là: 80cm. ( 30cm x 80cm ). Các tấm sẽ là: 
     - Tấm thiên: 60cm x 40cm. Bề dọc là 60cm. Bề ngang là 40cm.( Con số 40cm là do. Chiều ngang bức tranh: 30cm cộng thêm hai lần 05cm của rìa biên mỗi bên ). 
     - Tấm Đia: 40cm x 40cm. ( bề dọc tấm địa là 40cm. Bề ngang cũng là 40cm. Bởi 30cm chiều ngang bức tranh cộng riềm biên trái, phải là : 05cm + 05cm ). 
     - Tấm Rìa biên hai bên: Có bề ngang 05cm. Bề dọc 80cm ( 05cm x 80cm ) cho một bên.( 80cm là chiều dài của bức tranh ).
      Có một số nơi làm " bo " cho tranh thủy mặc, các miếng " bo " chung quanh tranh kích thước đều nhau. Có lẽ do quen mắt với kiểu bổi truyền thống của tranh Tàu nên nhìn vào kiểu mới này thấy không bắt mắt cho lắm... vì các riềm đều to bằng nhau bao chung quanh. Trong khi bức tranh có chiều ngang nhỏ. Chiều dọc lại dài. Nhìn vào thấy bức tranh như bị hai bên rìa biên ép vào. Rất tức mắt. Đã vậy có những bức tranh chỉ bồi trần xì hai tấm Thiên Địa, không có bồi tấm Rìa biên hai bên làm cho bức tranh như bị hụt hẫng...rất mất thẩm mỹ.

              Hình minh họa.






              b - TRANH VẼ THEO CHIỀU NGANG.

     Với loại tranh vẽ nằm ngang. Cách làm Riềm cũng giống như tranh dọc. Chỉ khác một đôi chút về kích thước riềm.  
     * Hai tấm trên đầu và dưới chân tranh nằm ngang không còn gọi là Thiên Địa nữa mà gọi là Riềm trên và dưới. Hai miếng này bắt buộc có cùng một kích thước. Thông thường chúng có mặt bản bề ngang chỉ từ 05cm đến 08cm mà thôi!. 
     * Hai tấm riềm nằm ở hai bên cạnh trái, phải bức tranh được gọi là riềm biên Tả và Hữu. Hai tấm này bắt buộc phải có cùng một kích thước. Diện tích của tấm biên Tả, Hữu này thông thường các nhà bồi tranh lấy kích thước của bề ngang mặt bản của tấm riềm trên hoặc dưới nhân lên gấp 05 lần. Đôi khi người ta cũng lấy tỷ lệ 1/4 chiều ngang nguyên gốc của bức tranh.   
TD.
    Bức tranh nguyên thủy có kích thước giấy: Ngang: 80cm. Dọc: 30cm. Các tấm riềm sẽ có kích thước là: 
     - Tấm Riềm trên dưới có mặt bản bằng nhau: 05cm x 80cm. ( Con số: 05cm là cạnh đứng mặt bản miếng riềm. Con số: 80cm. Tính theo chiều dài nằm ngang bức tranh ).   
     -  Tấm riềm biên Tả - Hữu có cùng kích thước: 40cm x 25cm cho một bên. 
* Con số 40cm là: 30cm chiều dọc của tranh cộng thêm 10cm của hai tấm riềm trên và dưới. 
* Con số 25cm là chiều ngang của tấm biên Tả hoặc Hữu.( Lấy 05cm mặt bản ngang của riềm trên dưới nhân cho 05 lần. Đôi khi người ta cũng lấy tỷ lệ 1/4 chiều ngang nguyên gốc của bức tranh ). 
      Tiêu chuẩn này không cố định. Người ta có thể lấy từ 05 lần trở lên. Ít hơn cũng được nhưng sẽ không đẹp. 
     Nói đơn giản, dễ hiểu là lấy chuẩn bo, riềm từ tranh dọc xoay ngang. 
* Hai tấm Thiên - Địa trở thành riềm ngang Tả - Hữu của bức tranh. Hai miếng này có diện tích to bằng nhau... chứ không còn lấy tỷ lệ 60% và 40% nữa. 
* Hai Rìa biên của tranh dọc sẽ trở thành Riềm ngang trên dưới của bức tranh và không gọi là Thiên Địa vì quá nhỏ.
     Tóm lại nếu là tranh nằm ngang. thì nên cho hai riềm biên trái phải có chiều ngang gấp năm lần chiều đứng của riềm trên, dưới... Không nên cho các riềm có kích thước bằng nhau dù là tranh ngang hay tranh dọc.

Hình minh họa.


  
      
     Đây chỉ là khái lược. Nếu đi sâu vào chi tiết thì thuật bồi tranh trục truyền thống của phương Đông. Nó là một nghệ thuật chứ không đơn giản như ta tưởng... Nhất là người Nhật Bản. 

(6) Họa sĩ Ngy cao Uyên có vẽ một số tranh lụa. Mới thoạt nhìn cứ tưởng là tranh sơn dầu ).



                             Hai bức tranh lụa của họa sĩ Ngy cao Uyên chụp từ báo. Vẽ trên lụa.

(7) Ở vào loai này. Một số họa sĩ muốn nhanh gon đã không dùng lụa dệt bằng tơ tằm mà dùng loại dệt thuần bằng sợi nylon hoặc pha lẫn vì giá thành rẻ, dễ mua. Khi vẽ trên chất liệu lụa nylon này họa sĩ lại dùng sơn dầu nên chất dầu ngấm ra mặt sau, làm cho lụa rất khó ăn vào giấy biểu. Gặp phải loại tranh này các nhà bồi tranh phải xử lý hồ cho phù hợp. Thường là hồ phải đặc. Nếu hồ loãng mặt tranh sẽ rất dễ bị bong, dộp. Chính vậy mà thân tranh có độ dày và cứng. không mềm như loại vẽ màu nước trên lụa truyền thống. 

(8) Không phải người thưởng ngoạn.

Cauminhngoc
  22/9/2014