HỌA SƯ HÀ LÃN HÙNG (何 懶 熊).
Họa sĩ Hà Lãn Hùng. Hiệu Cổ Tùng, biệt hiệu Hùng Nhĩ. Người huyện Tân Hội, Tỉnh Quảng Đông, Môn đồ Hỗ phái. Từng theo học Vương Nhất Đình, sang Việt Nam năm 1932, dạy văn chương và hội hoạ ở trường trung học Trung Hoa, Hà Nội. Năm 1946 vào Chợ Lớn, giảng dạy tại các trường Quảng Triệu, Tuệ Thành, Lĩnh Nam…
Ông là người đa tài. Nhất là thi ca. Trong tác phẩm của ông có rất nhiều bài thơ do ông sáng tác. Ông khá nổi tiếng ở Cholon trước năm 1975. Và ông là một trong “Tứ đại danh hoạ” đứng đầu “Tứ Đại phái” vùng Sài Gòn- Chợ Lớn trước 75... Được phân định như sau: Đứng đầu Kinh phái là Đới Ngoạn Quân; Hổ phái là Hà Lãn Hùng; Lĩnh Nam phái là Lương Thiếu Hàng và Tây phái là Sài Đinh (Vẽ sơn dầu).
Quyển họa tập “Cổ Tùng Hiên sư sinh tác phẩm niên triển tập” ( 古松軒師生作品年展集). Của thầy trò Hà Lãn Hùng (何 懶 熊). Ấn hành vào năm 1973. Do họa sĩ Đới Ngoạn Quân đề tựa. Họa sĩ Hà lãn Hùng cũng là người cùng thời với một số họa sĩ rất nổi tiếng khác như: Trương Quýnh Sơ; Trần Kim Hồng; Đới ngoạn Quân; Lương Thiếu Hàng...v...v... và một số nhân vật nổi tiếng về văn học khác nữa. Mẹ ông là bà Lý Liên Tử.
Bà Đinh Lan Phương, học trò và cũng là phu nhân của Hà tiên sinh, giới thiệu vựng tập “Thế giới Hà thị tông thân họa triển”, in ở Hương Cảng năm 2000, qua đó cho thấy Hà Lãng Hùng từng được bảo tàng lịch sử Mỹ thuật Đài Bắc mua tranh và triện khắc vào các năm 1966 và 1971. Môn đồ Hỗ phái ở Chợ Lớn nay phần nhiều định cư hải ngoại, trong số hữu danh có họa sĩ người Việt Nguyễn Thị Hảo. (Rất tiếc là chưa gặp được tư liệu nào nói về năm sinh cũng như năm mất của họa sĩ Hà Lãn Hùng).
Cauminhngoc
Dưới đây là bài viết của nhà nghiên cứu Hán Nôm kiêm thư pháp gia Phạm Hoàng Quân.
Hội họa Chợ Lớn một thời
Với người dân Chợ Lớn, nhất là những hoạ sĩ, vẽ tranh là thú
thư giãn và cũng là cách để gìn giữ di sản.
Tây Phái. Cách nay 75 năm, họa sĩ Lưu Khúc Tiều (hiệu Sài Định, 1900 –
1978), sau khi du học ở Nhật và Pháp, mở lớp dạy vẽ tranh sơn dầu (oil
painting) ở Chợ Lớn, hoạt động mỹ thuật này có thể xem là khá sớm trong lịch sử
hội hoạ Chợ Lớn, nhưng hoạ phái theo Tây này nhanh chóng lạc lõng. Ngày nay nhiều
tiệm sách cũ ở Sài Gòn – Chợ Lớn còn bày bán tập tranh Lưu Khúc Tiều Sài Định họa
tập in năm 1971.
Hoạt động hội họa của người Hoa ở Chợ Lớn chỉ mới được du nhập
từ Trung quốc vào khoảng thập niên 30 thế kỷ trước, theo bước chân của giới trí
thức, văn nghệ sĩ chạy loạn cuộc chiến Trung – Nhật. Thời điểm này cũng là giai
đoạn định hình của ba trường phái lớn của hội hoạ thủy mặc Trung Hoa là Kinh
phái, Hỗ phái và Lĩnh Nam phái.
Hỗ phái
Cổ Tùng hiệu chủ nhân Hà Lạng
Hùng là môn đồ Hỗ phái, người huyện Tân Hội, Quảng Đông, từng theo học Vương Nhất
Đình, sang Việt Nam năm 1932, dạy văn chương và hội hoạ ở trường trung học
Trung Hoa, Hà Nội. Năm 1946 vào Chợ Lớn, giảng dạy tại các trường Quảng Triệu,
Tuệ Thành, Lĩnh Nam… Cách nay năm năm, bà Đinh Lan Phương, học trò và cũng là
phu nhân của Hà tiên sinh, giới thiệu vựng tập Thế giới Hà thị tông thân họa
triển in ở Hương Cảng năm 2000, qua đó cho thấy Hà Lãng Hùng từng được bảo tàng
lịch sử Mỹ thuật Đài Bắc mua tranh và triện khắc vào các năm 1966 và 1971. Môn
đồ Hỗ phái ở Chợ Lớn nay phần nhiều định cư hải ngoại, trong số hữu danh có họa
sĩ người Việt Nguyễn Thị Hảo.
Kinh phái
Năm 1954, môn hội họa thủy mặc được trường cao đẳng Mỹ thuật
(Sài Gòn) đưa vào chương trình giảng dạy chính thức, họa sĩ Đới Ngoan Quân là
người đầu tiên phụ trách môn học này. Đới Ngoan Quân người Quảng Đông, tốt nghiệp
họa viện Quảng Châu, môn đồ Kinh phái, là một trí thức đa tài, vẽ tranh, viết
chữ, điêu khắc môn nào cũng tinh tế. Ngoài các họa sĩ người Hoa, tầm ảnh hưởng
của Đới Ngoan Quân lan rộng đến thế hệ họa sĩ người Việt đương thời, kỳ pháp dụng
bút, mực trong thủy mặc được linh động ứng dụng trong tranh màu nước và tranh lụa.
Năm 1992, một triển lãm cá nhân của Đới Ngoan Quân được tổ chức tại trung tâm
Văn hoá Pháp (TP.HCM). Cách đây năm năm, điêu khắc gia Bàng Nghiêu Dân, người
thông dịch khi Đới Ngoan Quân giảng học, cho biết ông Đới vẫn sống ở Pháp và
sáng tác đều đặn, dù tuổi đã quá 90.
Cùng xuất thân từ Kinh phái còn có họa sĩ Chiêm Quốc Hùng,
người Quảng Đông, tốt nghiệp họa viện Quảng Châu, thụ nghiệp thuỷ mặc truyền thống
với các danh họa Trung Quốc như Hoàng Quân Bích, Triệu Hạo Công. Từ năm 1956 đến
1975, dạy thủy mặc ở trường cao đẳng Mỹ thuật Huế, các hoạ sĩ người Việt Tôn Thất
Văn, Đinh Cường lĩnh hội nhiều ở bút pháp họ Chiêm. Sau năm 1975, Chiêm Quốc
Hùng vào Sài Gòn, dạy vẽ tại nhà riêng, trong số những người đến thụ nghiệp có
Trương Lộ, hiện là một hoạ sĩ hữu danh. Trương Lộ chịu ảnh hưởng nhiều ở ông về
kỹ pháp công bút và ký họa nhân thể.
Nếu có dịp ghé chùa Hoa Nghiêm (của người Hoa) trên đường Trần
Kế Xương quận Phú Nhuận, hãy tham quan ngôi tháp phía sau chùa, đó là một công
trình điêu khắc đá độc đáo. Tám phiến đá kết thành tám mặt tháp là một bộ tranh
khắc liên hoàn, hình tượng 16 vị La Hán, thần thái sinh động và linh dị. Từ bộ
tranh gốc của Quán Hưu thời Ngữ Đại, bộ tranh này là một phiên bản xuất sắc
không kém các phiên bản ở những ngôi chùa vùng Tứ Xuyên, Quảng Tây, kể cả bộ khắc
gỗ lưu ở Tịnh Từ tự, Tây Hồ, Hàng Châu. Người thực hiện bộ tranh này là họa sĩ
Tả Bạch Đào, người Hồ Nam, học họa viện Quảng Châu sống ở Chợ Lớn từ năm 1954.
Hoạ sĩ Trần Đức Minh thuật lại rằng, thầy tôi đã ở hẳn trong chùa và ăn chay suốt
hơn mười tháng để hoàn thành tác phẩm tuyệt xảo đó.
Lĩnh Nam phái
Nhiều họa sĩ người Hoa hữu danh hiện nay như Lý Tùng Niên,
Lư Tòng Đạo, Mạc Ái Hoàn, Trương Hán Minh, Lý Trung Lương… xuất thân từ Đông
Phương nghệ uyển, một trường vẽ theo họa phái Lĩnh Nam, do Lương Thiếu Hàng mở
tại Chợ Lớn năm 1960. Trong những họa sĩ tiên phong, có lẽ Lương Thiếu Hàng, là
người được nhiều thành tựu, môn đồ đông đảo, trong đó có nhiều người thành
danh. Trong lời tựa vựng tập Nam tứ họa san in năm 1966, Lương Thiếu Hàng viết:
“Tôi sinh trưởng trong một gia đình nông dân, sớm mồ côi cha… vừa trưởng thành,
tôi được ông Lý Thọ Ấm, một họa sĩ có tiếng, chỉ dạy khá nhiều về hội họa. Kế đến
tôi theo học trường Mỹ thuật Đông Nam ở Quảng Châu, sau khi tốt nghiệp, tôi lại
xin học trường Mỹ thuật Vạn Quốc ở Hương Cảng để nghiên cứu cách dung hoà nghệ
thuật Đông – Tây. Vừa lúc gặp môn phái hội họa Lĩnh Nam đang lúc hưng khởi, khiến
tôi tìm đến Lĩnh Nam hoạ uyển và xin học với thầy Triệu Thiếu Ngang”.
Lúc Lương Thiếu Hàng tìm đến cầu học, Triệu Thiếu Ngang đã lừng
lẫy danh tiếng, họ Triệu đã đưa nghệ thuật Lĩnh Nam lên tới đỉnh, là truyền
nhân của Cao Kỳ Phong (một trong Lĩnh Nam tam kiệt), họ Triệu đã gây tiếng vang
lớn trong nước và ảnh hưởng đến Hoa kiều của hơn mười quốc gia hải ngoại. Trong
hơn mười hoạ sĩ xuất sắc đời thứ hai phái Lĩnh Nam, Từ Bi Hồng nhận định rằng
Triệu Thiếu Ngang xứng đáng là thủ lĩnh.
Lý thuyết và lược sử hội họa Trung Hoa, được trình bày có hệ
thống, được biết sớm ở Việt Nam do họa sĩ Nam Sơn Nguyễn Văn Thọ (đồng sáng lập
trường Mỹ thuật Đông Dương) với thiên khảo cứu Pháp ngữ La Peinture Chinoise
đăng trên tạp chí Nam Phong số tháng 11.1929.
Hoạ Họa đàn Chợ Lớn những năm 60, 70 bắt đầu phấn phát, các
bậc tiền bối ươm giống gieo mầm đều là những trí thức tài hoa, hầu hết xuất
thân từ những trường vẽ lớn ở Trung Quốc hoặc được thụ nghiệp với các cao thủ
trong làng hội họa.
Năm 1970, trong một cuộc triển lãm gây quỹ mua sắm trang thiết
bị cho bệnh viện Sùng Chính (nay là trung tâm Chấn thương chỉnh hình) đã có đến
113 họa sĩ tham dự, cùng với 30 hoa sĩ đến từ Hương Cảng và 64 hoạ sĩ đến từ
Đài Loan. Cuộc triển lãm có quy mô tổng lực này tề tựu thầy trò của đủ bốn phái
ở Chợ Lớn (Tây hoạ Sài Đinh; Kinh phái Đới Ngoan Quân, Tả Bạch Đào; Hỗ phái Hà
Lãng Hùng; Lĩnh Nam Lương Thiếu Hàng), họa sĩ Lý Tùng Niên, người đã tham dự cuộc
bày tranh này, năm nay 78 tuổi, mắt sáng lên khi nghe nhắc đến chuyện cũ, ông bảo
rằng đó là cuộc triển lãm ấn tượng nhất trong đời, là cuộc hội ngộ sinh động và
rất đẹp.
Ba họa phái.
Vùng Bắc Bình và các hoạ viện vẫn trung thành với phương
pháp truyền thống, gọi là Kinh phái (Quốc tuý phái) với đại biểu Kim Thành,
Diêu Hoa…; Vùng Thượng Hải, Hàng Châu hình thành Hỗ phái với Vương Nhất Đình,
Ngô Đại Trừng… cách tân thủy mặc theo xu hướng bố cục Tây họa, màu sắc mạnh mẽ ...; Vùng Quảng Châu, Lĩnh Nam phái được sáng lập bởi ba bậc thầy từng du học nhiều
năm ở Nhật Bản: Cao Kiếm Phụ, Cao Kỳ Phong và Trần Thụ Nhân. Những hoạ sĩ xuất
thân từ phái họa Kinh, Hỗ, Lĩnh Nam lần lượt sang Chợ Lớn.
Đặc điểm, ước lệ của ba phái:
1. Kinh phái: đường nét được khảo tả cẩn thận, chỉn chu, nét
viền nhuyễn màu sắc với gam màu trung hoà, dùng nhiều các màu chàm, vàng đất,
son nhẹ. Bố cục kín đáo, không thưa, không dày.
2. Hỗ phái: đường nét vững chắc, nét viền to, không đều, màu sắc tương phản, sắc độ đậm. Bố cục thật dày khít hoặc để trống nhiều nơi.
3. Lĩnh Nam: đường nét giản lược hoặc không sử dụng nét viền, màu sắc đậm và chuyển sắc độ nhanh. Bố cục thoáng, mặt tranh nhiều phần trắng.
VÀI BỨC TRANH THUỘC CÁC MÔN PHÁI CỦA NGƯỜI HOA Ở CHOLON VIỆT NAM.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét