Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2023

Con dấu "Ngự Tiền Nguyên Phòng". Thời Thiệu Trị và Tự Đức.

     

  I - CON DẤU TRÊN VĂN BẢN DIỆN TẤU THỜI VUA THIỆU TRỊ NGUYÊN NIÊN (1841). 


Hình 01 - Con dấu "Ngự Tiền Nguyên Phòng" ở góc phải dưới văn bản, bên hai chữ "diện phụng".

      Bản diện tấu viết theo lối khải thư. Đề ngày 20 tháng 3 năm Thiệu Trị Nguyên Niên (1841). Gồm 02 tờ giấy dó gấp đôi thành bốn trang (1). Không tính bìa cũng bằng giấy dó nhuộn màu xanh dương xậm. Khổ giấy 22,5cm x 35,5cm. Nội dung dàn trải hết gần ba trang, báo cáo về việc dep loạn thổ phỉ ở Vĩnh Long. Ở nơi cuối trang 03 có nêu rõ. Ông Phan Thanh Giản phụng thảo. Hai ông Trương Đăng Quế và Nguyễn Trung Mậu phụng kiểm. 


Hình 02 -  Phan Thanh Giản phụng thảo. Trương Đăng Quế và Nguyễn Trung Mậu phụng kiểm.

       Văn bản này được ba vị trong Cơ Mật Viện là Phan Thanh Giản, Trương Đăng Quế và Nguyễn Trung Mậu trực tiếp dâng lên vua Thiệu Trị trong buổi chầu (Diện phụng). Mặc dầu do quan chức trong Cơ Mật Viện soạn thảo nhưng không thấy đóng con dấu của cơ quan này.  
       Vua Thiệu Trị đã bút phê bằng mực đỏ (chu phê) vào gần cuối khe nằm chen giữa hai dòng thứ sáu và bảy của trang thứ nhì. 

                                  

        Hình 03 - Con dấu "Ngự Tiền Nguyên Phòng" (   房) thời Thiệu Trị Nguyên Niên. 

      Con dấu có kích thước khoảng một phân vuông được đóng vào góc phải dưới trang đẩu tiên của bản diện tấu. Mang bốn chữ: "Ngự Tiền Nguyên Phòng" (   房). (Xem hình 01). Chữ được chia đều ở bốn góc, khắc theo thể triện, lối dương văn, đơn biên. Đọc từ bên phải, trên xuống và qua trái.

      Chắc chắn là sau khi vua Thiệu Trị duyệt phê xong, văn bản này sẽ được chuyển đến cơ quan lưu trữ, lúc đó bộ phận tiếp nhận mới cho đóng con dấu "Ngự Tiền Nguyên Phòng" (   房) này vào. Nhà họa sĩ kiêm thư pháp gia Phùng Sơn Hoa  cũng cho biết thêm. Nội dung con dấu này có vẻ như chỉ danh cho nơi chốn lưu trữ văn thư có liên quan đến nhà Vua? (Chưa rõ ra sao cần phải xác minh).


II - CON DẤU TRÊN PHONG BÌ ĐỰNG QUỐC THƯ CỦA PHÁP HOÀNG NAPOLEON III. GỞI VUA TỰ ĐỨC.

      Phong bì được gấp từ một tờ giấy croquis mà thành. Trong đó đựng lá thư của Pháp Hoàng Napoleon III trả lời vua Tự Đức về việc xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường). Bức thư được chuyển theo đường phái bộ ngoại giao do Chánh sứ Phan Thanh Giản mang về. Năm Tự Đức Thập lục niên (1863). 

Hình 04. Mặt trước phong bì Quốc thư. Con dấu son ở góc trái dưới phong bì.



Hình 05. Con niêm biểu thị cho dòng họ Napoleon đã bị xé mất phần trên khi mở ra để lấy Quốc thư.

     Có thể nói là mỗi khi cầm cái phong bì đựng quốc thư, mọi sự chú ý của tôi đều dồn vào hàng chữ ghi ở mặt trước và con niêm biểu tượng cho dòng họ Napoleon đóng khằn ở mặt sau mà thôi. Không mấy gì quan tâm đến con dấu son nho nhỏ nằm ở góc phải dưới phong bì.

      Sau lần nhờ họa sĩ kiêm thư pháp gia Phùng Sơn Hoa đọc dùm con dấu trên văn bản diện tấu của ông Phan Thanh Giản. Nó đã có chút ấn tượng trong đầu. Chính thế mà trong một lần sắp xếp lại những văn bản triều Nguyễn. Khi cầm đến cái phong bì quốc thư con dấu son nho nhỏ đơn độc nằm ở góc trái dưới cái phong bì bên cạnh những hàng chữ nho viết bằng mực đen do thư lại ghi chú về những sự kiện xảy ra sau năm 1863 ở Nam Kỳ. Con dấu đã bắt tôi phải chú mục vào nó. Sau khi lôi bản diện tấu của Phan Thanh Giản ra để so sánh. Con dấu trên phong bì quốc thư cũng mang trong lòng bốn chữ "Ngự Tiền Nguyên Phòng" (   房).


                   

Hình 06 - Con dấu "Ngự Tiền Nguyên Phòng" ( 房) đóng trên phong bì đựng quốc thư của Pháp Hoàng gởi vua Tự Đức. Năm 1863. Do Phái bộ Phan Thanh Giản mang về.



III - NHẬN ĐỊNH VỀ CON DẤU CỦA THỜI VUA THIỆU TRỊ VÀ TỰ ĐỨC.

      Qua cái nhìn truy xét cẩn trọng vào hai con dấu đóng trên văn bản thời vua Thiệu Trị và trên phong bì quốc thư thời vua Tự Đức. Mặc dù nét mực son ăn không đều, chỗ còn chỗ mất hằn trên mặt hai loại giấy Đông-Tây rất khác biệt. Nhưng tựu chung vẫn thấy chúng có rất nhiều nét tương đồng. Sau khi thông qua sự đo đạc cẩn trọng từ trong ra ngoài. Có một sự rập khuôn không thể chối cãi. Từ kích thước cho đến dáng vẻ.

     Với hiện trạng như vậy. Ta có thể khẳng định con dấu "Ngự Tiền Nguyên Phòng" (   房) được sử dụng xuyên suốt qua hai triều đại. Từ thời vua Thiệu Trị Nguyên Niên (1841) qua đến thời Tự Đức Thập Lục Niên (1863). 

     Dựa theo thông tin về niên đại ghi trên hai phẩm vật quý hiếm này cho thấy là 22 năm. Không rõ các đời vua trước Thiệu Trị và sau vua Tự Đức có sử dụng con dấu này cho nơi lưu trữ những văn bản của nhà vua không nữa... 


Hình 07 - Hai con dấu để cạnh nhau cho thấy chúng là một và mang tính kế tục. Chứ không phải khắc riêng theo từng đời để sử dụng.



IV - LÝ GIẢI VỀ SỰ CHUYỂN BIẾN CỦA BỐN CHỮ "NGỰ TIỀN VĂN PHÒNG" 

Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân dẫn nguồn từ bài viết của nhà văn Phan Khôi.

 ....... Số là hồi đức Gia Long nhất thống Nam Bắc xong, lên ngôi thiên tử, có lập ra một quan nha gọi là “Thị thư viện”, gồm dăm mười tay văn thần hầu cận để phòng khi hỏi han việc chính trị và sai nghị thảo những dụ chỉ. Đến vua Minh Mạng tức vị, đổi "Thị thư viện" làm “Văn thư phòng”, cũng chỉ đổi cái tên thôi, chứ chức vụ vẫn y như trước.

Đến năm Minh Mạng thứ mười, vua cho cái tên “Văn thư phòng” nghe không thỏa, lại đổi lần nữa gọi là “Nội các”. Trong quan chế Đại Nam có cái tên Nội các là từ đó; nhưng chúng ta cũng nên biết cái tên ấy đã có trong quan chế của nhà Minh và nhà Thanh rồi, vua Minh Mạng chỉ chép theo.

Lần đổi tên này trở nên một sự thể to tát hơn. Liền đó vua dạy đình thần nghị định đặt ra những chức quan ở đó và nhiệm vụ của họ. Nghị quyết: Nội các có bốn viên đường quan quản lãnh, đều lấy các quan tam tứ phẩm ở các bộ viện sung vào, chứ không đặt chuyên viên. Lại đặt hai mươi tám thuộc viên, cũng lấy những người có viện hàm sung vào đó, trên đầu chức quan không cần trùm bằng hai chữ “Nội các”. Đến như nhiệm vụ thì trong đó chia ra bốn tòa: Thượng bửu, Thừa vụ, Bí thư và Biểu bộ, đại khái không khác mấy “Văn thư phòng” trước kia. Còn ban thứ thì Nội các đứng kề sau Lục bộ cả trên giấy má việc quan và giữa sân chầu.....
Năm 1934, Nam triều đã bãi Nội các mà lập ra Ngự tiền văn phòng, hiện đứng đầu cơ quan này một ông quan văn nhất phẩm. 
(Nguồn: Lại nguyên Ân. Một việc hay hay, ngồ ngộ: Nội các với Ngự Tiền Văn Phòng). 

 

V - NHỮNG THẮC MẮC XOAY QUANH CON DẤU.
      Dựa theo cụ Phan Khôi lý giải trên, chúng ta không thấy ông dẫn chứng hay nhắc nhở gì đến "Văn Thư Phòng" hoặc là "Nội các" do vua Minh Mang đặt ra nó có được thực hiện dưới thời Thiệu Trị và Tự Đức hay không? Vua Thiệu Trị và Tự Đức vẫn giữ theo lề cũ hay đã thay đổi thành "Ngự Tiền Nguyên Phòng". Cũng chưa rõ chức năng của "Ngự Tiền Nguyên Phòng" như thế nào? Nó là văn khố lưu giữ hay là nơi để vua tham khảo ý kiến các quan chức. Và không rõ trong những bộ sử liệu của triều Nguyễn có lý giải cho việc này không?

Cauminhngoc

20/4/2023.



(1) Theo phong cách của người xưa, giấy dó rất mỏng nên phải gấp đôi lại mới viết, tránh chuyện mực ngấm làm ảnh hưởng đến mặt sau.  






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét