TÌNH YÊU
THẦM LẶNG CỦA NGƯỜI HỌA SĨ THỂ HIỆN TRONG TRANH.
Họa sĩ Hoàng hữu Mai. Thiếu nữ nằm. Mực nho trên giấy. Kích thước: 37cm x 43cm. Năm vẽ: 1960. Chữ ký và con dấu góc phải dưới.
Họa sĩ Hoàng hữu Mai. Thiếu nữ nằm. Mực nho trên giấy. Kích thước: 37cm x 43cm. Năm vẽ: 1960. Chữ ký và con dấu góc phải dưới.
Một bức tranh mà có đến năm chữ ký cùng với
những giòng tâm sự não nề đầy ắp thương yêu sầu nhớ đến người tình xa cách. Những
khoảnh khắc dằn vặt của từng thời điểm được họa sĩ ghi lại trong tâm trạng trăn
trở, da diết đeo đẳng suốt 15 năm! Một chuyện tình của người họa sĩ được thổ lộ
bằng bút tích ghi nhiều lần vào trong một bức tranh do chính mình vẽ nghĩ cũng
ít thấy.
Họa sĩ Hoàng hữu Mai (1) thể hiện bức
tranh của mình bằng mực nho trên giấy croquis. Với góc nhìn phối cảnh từ đỉnh đầu
nhân vật xuôi về phía chân, mô tả một cô gái với thân hình tròn lẳn trong tư thế
nằm nghiêng cong mình co gối, làn tóc trải dài bồng bềnh vương vấn, bờ má gối hờ
trên đôi tay búp măng biểu lộ một hình thái cô đơn, sầu não tràn đầy súc cảm…..
Kỹ thuật phối cảnh và hình họa rất chuẩn mực. Tất cả được thể hiện dưới mạch
bút thần thái nhấn nhá khi mảnh khi thô, khi ngắn khi dài thật mềm mại và dứt
khoát, vờn lướt như đang múa trên mặt giấy croquis chai cứng bắt mực rất kém chứ
không ngậm nhanh như giấy “xín chỉ” để lại những mảng, vệt mực chứa đựng rất
nhiều sắc độ xậm nhạt mờ - tỏ, lúc non yếu, lúc già dặn cực kỳ điêu luyện thông qua ngọn bút lông mềm mại trông rất lôi cuốn và sinh động. Với bao lần xuống
tay nhưng không hề thấy một nét bại bút, thô lậu nào trong bức tranh, quả là
trác tuyệt. Một sự tài hoa, một bản lĩnh bậc thầy trong giới sử dụng
bút lông và mực nho của họa sĩ Hoàng hữu Mai được nhìn thấy từ tác phẩm này.
Bức tranh có ghi năm vẽ chính thức là 1960
cùng con dấu khắc chữ “MAI” bằng quốc ngữ theo thể triện nằm dưới chữ ký. Sát nơi
rìa cạnh góc phải trên có hai giòng chữ Hoa với con dấu treo phía dưới cũng là
chữ quốc ngữ được khắc theo lối chữ triện, có phần lớn hơn con triện chỗ chữ ký
một chút.
Điểm đặc biệt của bức tranh này là ở phần
lạc khoản. Tất cả gồm bốn mảng, phân bổ chung quanh hình họa thiếu nữ do chính
tác giả viết với những lời độc thoại đầy ắp nỗi niềm. Có ba mảng thấy ghi cùng
năm 1969 mà không thấy ngày và tháng. Là phía góc trái trên, góc trái dưới và góc phải dưới. Riêng phần lạc khoản thứ tư nơi góc phải trên là có ghi
đầy đủ cả ngày tháng năm. 01/6/1075. Tất cả bốn lạc khoản này đều có chữ ký tác
giả. Dựa vào năm tháng chú trên bản vẽ, tính từ lần vẽ chính thức ký năm 1960. Trên bức vẽ còn cho thấy có đến ba lần ghi năm 1969 ở phần lạc khoản và một lần ghi năm 1975. Ta có một khoảng thời gian là 15 năm... Như vậy sự lưu giữ tác phẩm này cho riêng mình của họa sĩ Hoàng Hữu Mai ít nhất cũng là 15 năm... Sau thời gian chính thức ghi trên tác phẩm này không rõ những gì đã xảy đến với ông cho tới khi nó trôi nổi ra ngoài vào năm 1998...
CHI TIẾT
CÁC LẠC KHOẢN TRÊN BỨC TRANH.
1 – Góc phải dưới.
Hình 1.
Thủ bút của họa sĩ Hoàng hữu Mai.
Một bài
thơ một dòng thơ dại
Em ơi
hai nắng mấy thu rồi
Mười năm
em vẫn mộng mơ sao
Đứng lên
ăn nói một đôi lời
Anh
thương em lắm lắm em ơi
Chữ ký và lạc khoản ghi. " Mai. 1969 "
Chữ ký và lạc khoản ghi. " Mai. 1969 "
2 – Góc trái dưới.
Hình 2.
Thủ bút của họa sĩ Hoàng hữu Mai.
Một nè bịnh
Hai nè
đau yếu
Ba nè cảnh
khổ tới lui hoài
Không tiền
dư của hồn về trển
Có đâu rảnh
rỗi ngắm hình em
Chữ ký và lạc khoản ghi. " Mai. 1969 "
Chữ ký và lạc khoản ghi. " Mai. 1969 "
3 – Góc trái trên.
Hình 3.
Thủ bút của họa sĩ Hoàng hữu Mai.
Em buồn
anh có gì vui
Dòng đời
sao tránh buồn đau khổ
Em ơi ráng
chịu cảnh cơ trời
Năm này
anh bịnh lắm mình ơi
Chữ ký và lạc khoản ghi. " Mai. 1969 "
Chữ ký và lạc khoản ghi. " Mai. 1969 "
4 – Góc phải trên.
Hình 4. Thủ bút của họa sĩ Hoàng
hữu Mai.
Nhìn lại
hình anh vẽ
Nhìn ảnh
vẽ em nằm
Em ơi
anh xấu hổ
Vì phải
sống mê tâm
Vợ con
trong đời Ngụy
Chữ ký và lạc khoản ghi. " 01/6/1075. Mai "
Chữ ký và lạc khoản ghi. " 01/6/1075. Mai "
Cauminhngoc
31/01/2018
(1) Chưa nắm rõ về lý lịch
tác giả nhưng trong cuốn Nguyệt san “ Thế giới tự do”. Tập IX_ Số 1. Năm 1960.
Ở hai trang 34 & 35 qua bài viết “ Tìm hiểu hội họa ” của họa sĩ Đào sĩ Chu
giới thiệu một số họa sĩ có tác phẩm trưng bày trong cuộc triển lãm với chân
dung tác giả đứng bên cạnh. Kỳ triển lãm hội họa này được trưng bày tại Hội
Liên Lạc Nghiên Cứu Văn Hóa Á Châu đường Lê Văn Duyệt cũ.
Hình ảnh các họa sĩ của kỳ triển lãm hội họa năm 1960 được
trưng bày tại Hội Liên Lạc Nghiên Cứu Văn Hóa Á Châu. Họa sĩ Hoàng hữu Mai đứng thứ hai từ trái qua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét