CHUYỆN KHÔNG THỂ HIỂU NỔI…
Mọi chuyện không phải do sự tình cờ hay vô căn cứ mà chúng đều có nguồn gốc cả, chỉ có điều ta chưa phát hiện hoặc tìm được gốc tích của nó mà thôi!
Số là
trong lô tranh thuộc về thể loại phác thảo trên các loại giấy không
có ký tên người vẽ đã được tôi lưu trữ từ bao năm nay. Trong lô chưa rõ tác giả này có 07 tấm vẽ chân dung trên giấy
croquis. Với kích thước 32,5cm x 50cm. Có 02 bức vẽ bằng bút chì và 05 bức bằng
mực nho. Trong số 05 bức vẽ bằng mực nho này thì 03 bức vẽ trên giấy màu vàng nghệ ( hai bức vẽ chân dung bé trai và một vẽ chân dung bé gái ). Nơi 02 bức còn lại đều vẽ bé gái trên giấy trắng. Có điều đáng quan tâm là trong ba bức vẽ trên giấy croquis màu vàng nghệ. Ở 02 bức vẽ bé trai thì bức một còn nguyên, không thấy chữ ký tác giả, bức kia ở chỗ mé phải dưới cho thấy đã bị ai đó xé khoét đi để lại một lỗ thủng có cỡ: 03,5cm x 03cm. Và cũng trên giấy màu vàng nghệ tấm thứ ba vẽ bé gái cũng cho thấy bị xé đi hai chỗ, để lại hai lỗ thủng nằm
ngay dưới hình vẽ, lỗ nằm phía bên trái có cỡ: 04cm x 03cm, lỗ nằm phía bên phải có cỡ: 03.5cm x 03cm. Như vậy là trong tổng số 07 tờ không có chữ ký người vẽ thì có hai tờ bị xé móc mất ba chỗ. Chuyện thắc mắc về mấy lỗ thủng trên tranh là có, nhưng cũng
không lưu tâm nhiều đến chuyện này vì chẳng có cách nào biết được người vẽ... Tranh đắp đống trôi qua thời gian cũng phải đến vài chục năm…
I - BẢY TỜ VẼ TÁM HÌNH BẰNG MỰC NHO VÀ BÚT CHÌ KHÔNG THẤY CHỮ KÝ TÁC GIẢ. (Có một tấm vẽ hai mặt). (1)
Hình 01. Mực nho trên giấy croquis trắng.
Hình 02. Mực nho trên giấy croquis trắng.
Hình 03. Mực nho trên giấy croquis vàng.
Ở góc trái dưới và nơi góc phải dưới bị xé khoét đi mất để lại hai lỗ thủng.
Hình 04. Mực nho trên giấy croquis vàng. Ở góc phải dưới bị xé khoét đi mất để lại một lỗ thủng.
Hình 05. Bút nỉ trên giấy croquis vàng.
Hình 06. Phác thảo chì trên giấy croquis trắng.
Hình 07. Phác thảo chì trên giấy croquis trắng nơi mặt trước.
Hình 08. Phác thảo chì trên giấy croquis trắng nơi mặt sau.
Chú thích: Hình 07 & 08 vẽ ở hai mặt trước và sau trên cùng một tờ giấy croquis trắng .
II – NHỮNG BẢN VẼ BẰNG MỰC NHO CỦA VỢ CHỒNG NGUYỄN TRÍ MINH & TRƯƠNG THỊ THỊNH NĂM 1962 TRONG BỘ SƯU TẬP VŨ ĐÌNH HẢI.
Mãi cho đến tháng 01/2018. Nhờ mới làm quen
được một nhà sưu tập lớn Vũ Đình Hải. Trong tay ông có trên 200 tác phẩm hội họa gồm
các thể loại như: Sơn dầu, sơn mài , màu nước, tranh lụa, tranh đồ họa..v..v… Có
thể nói. Đây là một di sản mỹ thuật mang tầm vóc lớn, rất hiếm hoi trên trường
mỹ thuật hiện nay. Bộ sưu tập này chứa đựng được hầu hết tinh hoa của nền hội họa
miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Mặc dù sơ giao nhưng ông đã ưu ái gởi cho tôi
xem rất nhiều tranh… của từng họa sĩ trong bộ sưu tập của ông. Trong bộ sưu tập
về Nguyễn trí Minh và Trương thị Thịnh gần 50 bức mà ông gởi hình cho tôi xem, thấy có 03 tấm vẽ bằng mực
nho nhưng có tới 04 hình do ở một tấm hai vợ chồng họa sĩ cùng vẽ chung nơi hai mặt
trước và sau.
A - Của họa sĩ Nguyễn trí Minh.
Hình 09. Nguyễn trí Minh. Phác thảo bằng mực nho trên giấy croquis trắng.
B - Của họa sĩ Trương thị Thịnh.
Hình 10. Họa sĩ Trương thị Thịnh. Phác thảo bằng mục nho trên giấy croquis trắng. Chữ ký góc phải dưới. Nằm trong bộ sưu tập của ông Vũ Đình Hải.
Hình 11. Họa sĩ Trương thị Thịnh. Phác thảo bằng mục nho trên giấy croquis vàng. Chữ ký góc phải dưới. Nằm trong bộ sưu tập của ông Vũ Đình Hải.
Hình 12. Họa sĩ Trương thị Thịnh. Phác thảo bằng mục nho trên giấy croquis trắng. Chữ ký góc phải dưới. Nằm trong bộ sưu tập của ông Vũ Đình Hải.
Ba bức
tranh mực nho của nữ họa sĩ Trương thi Thịnh và một của họa sĩ Nguyễn Trí Minh trong
bộ sưu tập của ông Vũ Đình Hải. Hai bức số 10 & 11, họa sĩ Trương thị Thịnh vẽ riêng từng tờ. Bức số 12 vẽ cậu
bé nhìn thẳng bà Thịnh vẽ ở mặt sau chung một tờ với họa sĩ Nguyễn trí Minh vẽ cô bé đang cắm cúi viết ở mặt trước.
Hình 13. Cùng trên một tờ giấy họa sĩ Nguyễn Trí Minh vẽ bé gái đang viết ở mặt trước và họa sĩ Trương thị Thịnh vẽ cậu bé ở mặt sau. (Theo như lời nhà sưu tập Vũ đình Hải cho biết).
Dựa vào
hình họa và chủng loại giấy. Chúng cho ta những nhận xét như sau:
1 - Về tranh của họa sĩ Trương thị Thịnh.
- - Hai bức vẽ bé trai. Trong đó có một vẽ trên giấy màu vàng.
- - Môt bức
vẽ bé gái có đội nón…
Cả
ba đều có chữ ký của tác giả Trương thị Thịnh góc phải dưới nhưng không đề năm vẽ.
2 - Về tranh của họa sĩ Nguyễn
trí Minh.
-
Vẽ
cô bé đang ngồi cắm cúi viết bằng tay trái…tay phải chặn lên tờ giấy. Phía trên
đầu cô bé ông vẽ thêm hai cái dáng đầu của bé trai bằng mực màu đỏ.( Hình số 09 ). Bức này có chữ ký của Nguyễn
trí Minh và đề năm vẽ là 1962 nơi góc phải dưới. ( Cũng trên tờ giấy croquis này, bà Thịnh vẽ cậu
bé nhìn thẳng bằng mực nho ở mặt sau. Theo lời của nhà sưu tập Vũ Đình Hải cho biết )
Với những gì hiện hữu do nhà sưu tập Vũ Đình Hải cung cấp, ta có thể thấy được là vợ chồng Trí Minh vẽ những bức tranh này ở vào một
thời gian trong ngày… với những người mẫu chung là bé trai và gái.
III - SO
SÁNH GIỮA 03 BỨC TRANH CỦA NHÀ SƯU TẬP VŨ ĐÌNH HẢI VỚI 07 BỨC HIỆN CÓ.
1 - CỦA
NỮ HỌA SĨ TRƯƠNG THỊ THỊNH.
a/ So sánh về chữ ký và chân dung bé trai của HS. Trương thị Thịnh với bản vẽ bị xé mất chữ ký hiện đang lưu giữ. (2)
Hình 14. Phác thảo mực nho của họa sĩ Trương thị Thịnh.
Hình 15. Phác thảo bằng mực nho hiện đang lưu giữ. Phần chữ ký bị xé mất để lại một lỗ thủng.
Hình 16. Chỗ bị xé nơi bức vẽ bé trai được phóng lớn và thêm phần chú thích.
Xét về
nhân trắc học. Hai khuôn mặt của bé trai rất giống nhau. Chứng tỏ họa sĩ vẽ chân dung của một
người, chỉ khác về bút pháp.
Hình 17. Phác thảo bằng mực nho hiện đang lưu giữ. Phần chữ ký mé trái dưới và một chỗ khác nơi mé phảỉ dưới không rõ là ghi cái gì cũng bị xé mất....
Hình 18. Chỗ chữ ký nơi mé trái dưới trong phác thảo mực nho vẽ bé gái nơi "Hình 17" bị xé được phóng lớn và thêm phần chú thích...
Đặc biệt lưu ý là 02 bức tranh trên giấy croquis vàng vẽ bé trai và bé gái tôi hiện đang giữ không hiểu vì lý do gì đã bị
xé mất mấy lỗ. Xem kỹ lại sự xé có chủ đích chứ không phải vô
tình. Bằng chứng là tờ giấy được gấp lại rồi xé móc một mảng nhỏ chứ không xé
ngang hết tờ giấy. Cũng may là do sự xé móc như vậy nên còn sót lại chút bút tích phần đầu
và cuối của chữ ký nên dựa vào đó mà truy nguyên và phát hiện ra được đó là chữ ký của tác giả. Sau khi tham khảo những bức tranh và bút tích rất rõ ràng về chữ ký họa sĩ Trương thị Thịnh do nhà sưu tập V.Đ.H cung cấp. Dựa vào đó mà truy xét mới phát hiện. Những chỗ bị xé mất đi chính là
chữ ký của họa sĩ Trương thị Thịnh.
Hinh 19. Chữ ký của hs. Trương thị Thịnh nơi các bức tranh do ông Vũ đình Hải cung cấp được phóng lớn.
Nhận định
về chữ ký này của họa sĩ Trương thị Thịnh. Nét gạch ngang trên đầu hai chữ “ t ” đều có dạng " nét mác " đầu to đuôi nhỏ và nét vuốt đuôi cuối chữ ký có dáng mảnh và nhọn…
Quan sát
trên " hình 16 " và "hình 18". Phần bị xé được phóng lớn. Ta thấy rìa ngoài chỗ bị xé nơi mé trái và phải còn lưu lại hai vết mực. Bên trái phù hợp với nét gạch ngang của chữ “ t ” như
nét mác trong thư pháp. Ở bên phải có nét gạch ngang có dáng mảnh và nhọn thấy rất phù hợp với
nét vuốt nơi phần đuôi chữ ký họa sĩ Trương thị Thịnh.
Hình 20. Chữ ký của hs Trương thị Thịnh lấy từ một trong những bức phác thảo do nhà sưu tập Vũ Đình Hải cung cấp đem khoét hết phần chữ ký chỉ còn chừa lại hai vết mực đầu và cuối...
Hình 21. Chữ ký của hs Trương thị Thịnh bị xé mất còn sót lại hai vết mực ở đầu và cuối chữ ký nơi bức vẽ chân dung bé trai.
Hình 21bis. Chữ ký của hs Trương thị Thịnh bị xé mất còn sót lại hai vết mực ở đầu và cuối chữ ký nơi bức vẽ chân dung bé gái.
Đem chữ ký của HS. Thịnh khoét đi hết như Hình 17 chỉ chừa lại hai dấu vết đầu và đuôi của
chữ ký đem so với vết mực còn sót lại ở chỗ bị xé của Hình 21 & 21bis. Ta có thể khẳng định chữ ký của họa sĩ Trương thị Thịnh đã bị xé là chính xác không
còn nghi ngờ gì nữa…
b - So sánh sự giống nhau giữa các phác thảo khác.
Hình 22. Phác thảo chân dung bé trai nhìn nghiêng của hs Trương thị Thịnh....
Hình 23. Chân dung bé trai nhìn thẳng, hiện đang lưu giữ.
Xét về
hình họa chân dung giữa hai bức này. Ta có thể khẳng định rằng họa sĩ Trương thị
Thịnh vẽ cùng một người mẫu là bé trai, cùng chủng loại giấy chỉ khác chút về tư thế nhìn nghiêng và nhìn thẳng.
Hình 24. Chân dung bé gái vẽ bằng mực nho của hs Trương thị Thịnh của nhà sưu tập Vũ Đình Hải.
Hình 25. Chân dung bé gái vẽ bằng mực nho hiện đang lưu giữ.
Hình 26. Phác thảo chân dung bé gái nằm hiện đang lưu giữ...
Xét các bản vẽ phác thảo khuôn mặt các bé gái nơi Hình 24, 25 & 26. Ta thấy khuôn mặt các bé gái có nét rất giống nhau. Chứng tỏ vẽ chung một người làm mẫu.
2 – CỦA
HỌA SĨ NGUYỄN TRÍ MINH.
Hình 27. Phác thảo mực nho của hs Nguyễn trí Minh. Chữ ký góc trái dưới và ghi vẽ ngày 28/9/1962.
Hình 28. Phác thảo chì, không ghi tác giả.
Bức vẽ bé gái đang chăm chú viết tay trái bằng mực nho (hình 27), có ký tên họa sĩ Nguyễn trí Minh và năm vẽ 1962. So với bức bé gái cũng đang chăm chú viết tay trái bằng bút chì ( Hình 28 ) mà hiện tôi đang lưu giữ, không có chữ ký tác giả. Nhưng ta nhìn cử điệu của
hai bé gái này. Ta dứt khoát và khẳng định là hai bức phác thảo này do cùng một người vẽ. Vì ở phương diện tạo hình
ta thấy hai bé có cùng tư thế ngồi viết, cùng bằng tay trái… có hơi khác một chút là ở
dáng vẻ hơi cúi và nghiêng, cũng như có sự khác biệt lớn ở chỗ một vẽ bằng bút chì và một vẽ bằng mực nho… Mặc dù vậy nhưng phong cách hình họa lại không có sự khác biệt nhau mấy mà giống nhau đến 90%. Không thể do ai khác vẽ mà có sự trùng khớp đến như vậy được. Từ đó ta có thể khẳng định đích thị do họa sĩ Nguyễn trí Minh vẽ và hai phác thảo còn lại kia cũng do ông vẽ…
Hình 29. Phác thảo chì, không ghi tác giả...
Hình 30. Phác thảo chì còn dở dang...
Hai bản vẽ phác bé gái và trai nơi hình 29 & 30 vẽ trên cùng một tờ nơi hai mặt trước và sau đều không có chữ ký người vẽ.
Nếu chỉ xét riêng về hình họa giữa ba bức phác bằng mực nho (bốn hình) của vợ chồng Nguyễn trí Minh và Trương thị Thịnh vẽ do nhà sưu tập
Vũ Đình Hải cung cấp, đem so với bảy bức (tám hình) hiện tôi đang lưu giữ. Với những phân tích và nhận định nêu trên. Ta nắm chắc
là chúng phát xuất từ một nguồn gốc, cũng như xác định được chính xác việc
họa sĩ vẽ đến cho từng bức. Nếu cộng thêm chuyện chứng minh về phần chữ ký đã bị xé nơi
hai bức tranh do nữ họa sĩ Trương thị Thịnh vẽ nữa thì ta càng có thêm những yếu
tố chắc chắn để khẳng định là loạt tranh này. Gồm những bức của nhà sưu tập Vũ đình Hải và những bản tôi hiện đang lưu giữ đều do vợ chồng họa sĩ Nguyễn trí
Minh và Trương thị Thịnh đã cùng vẽ với nhau ở vào cùng hoàn cảnh, cùng thời điểm trong năm 1962 là hoàn toàn chính xác….
IV - KẾT LUẬN:
Đây là loạt tranh phác thảo gồm 03 bức của nhà sưu tập Vũ đình Hải và 07 bức do tôi hiện đang lưu giữ là của vợ chồng họa sĩ Nguyễn trí Minh và Trương thị Thịnh vẽ vào năm 1962 là điều hiển nhiên không thể chối cãi. Chỉ có điều không thể hiểu nổi là ai đó đã đang tay xé mất đi chữ ký trên tác phẩm của nữ họa sĩ Trương thị Thịnh...!? Một điều đáng buồn và tiếc nuối cho việc đã xảy ra. Phải chăng nó phát xuất từ sự thiếu ý thức tôn trọng và bảo vệ tác phẩm nghệ thuật...
Cauminhngoc
26/01/2018
Trương thị Thịnh. Cậu bé. Sơn dầu. Nguồn. Trường vẽ Gia Định.
(1) Rất có thể đây là những bức tranh màu nước của vợ chồng họa sĩ Nguyễn trí Minh và Trương thị Thịnh vẽ về hai người con gái và trai của mình là: Nguyễn trí minh Quang và Nguyễn trí minh Châu. Xét về tuổi tác hai đứa trẻ. Ông Minh và bà Thịnh kết hôn năm 1955 (Nguồn. Tranh Văn Học Nghệ Thuật. Phạm cao Hoàng). Ở bức hai vợ chồng cùng vẽ chung. Mặt của Nguyễn trí Minh vẽ phác cả hai người con có ghi vẽ ngày: 28/9/1962. Mặt sau bà Thịnh vẽ con gái không ghi ngày. Nếu đúng là họ dùng hai đứa con làm mẫu để vẽ và dựa vào ngày tháng mà ông Minh đã ghi. Ta có thể đoán được độ tuổi của hai đứa trẻ khi đó chừng 6, 7 tuổi, khá phù hợp với lứa tuổi của hai em bé trong những bức tranh.
(2) Quả thật! Mỗi khi nhìn thấy mấy cái lỗ trên hai bức tranh thật khó chịu! Có lúc đã tính chuyện cắt ngang vất quách phần mấy cái lỗ thủng đi cho đỡ tức mắt nhưng lại thấy tiếc cái kích thước của khổ giấy, đồng thời nếu cắt đi tấm tranh sẽ bị vuông vuông và tấm bé gái sẽ bị lẹm một chút vào mái tóc... mất tự nhiên nên gác bỏ ý định cắt xén đó... Cũng may là không cắt, chứ nếu cắt đi rồi thì giờ này chẳng còn gì để nói... và cũng chả biết của ai, chứ nói gì là biết được của Nguyễn trí Minh và Trương thị Thịnh vẽ. Rút kinh nghiệm! Chớ có vì cái khó chịu cỏn con mà làm hỏng đi những cái vốn có trong mẫu vật. Đôi khi nhờ vào những dữ kiện nho nhỏ, cứ tưởng là không có gì nó lại là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp ta dựa vào nó để giải mã được vấn đề... Có sao để vậy lại hay...