Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

ĐỚI NGOẠN QUÂN VÀ TẤM THIỆP CHÚC TẾT NĂM 1964.

       Năm 1954 Trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định được thành lập ông Đới ngoạn Quân đã được mời về giảng dạy môn hội họa truyền thống Trung Hoa. Xuyên suốt 20 năm từ 1954 đến 1975 giảng dạy cho biết bao thế hệ họa sĩ Trường Gia Định về bộ môn này. Vì thế khi nhắc đến ông những người đã theo học ở trường Mỹ Thuật Gia Định không ai có thể quên vị thày nói tiếng Việt lơ lớ đáng mến. Ngoài lãnh vực hội họa, ông cũng rất nổi tiếng về môn điêu khắc trên ngà, xương và đá và đã từng vi khắc một bài thơ Kiều trên hạt gạo đem triển lãm tại Saigon.

   GS. Đới Ngoạn Quân (1913-2003). Hiệu Đan Lư và biệt hiệu: Đại Phủ. Người Bắc Kinh. Định cư tại  Cholon Viêt Nam năm 1946. Năm 1954. Ông được mời dạy môn thủy mặc tại Trường Mỹ Thuật Gia Định. Ông mất tại Pháp năm 2003. 


                     THIỆP CHÚC TẾT CỦA HỌA SĨ ĐỚI NGOẠN QUÂN VẼ.

    Mặt trong thiếp chúc tết. Đới ngoạn Quân - Đới Hà Mộ Chân kính hạ. Mực nho màu trên giấy "xín chỉ" trắng.  Kích thước: 10cm x 17cm. Thực hiện năm 1964. Đới Hà Mộ Chân là phu nhân của ông Đới ngoạn Quân. Như vậy thiệp chúc Tết này GS. Đới Ngoạn Quân vẽ ghi cùng phu nhân gởi chúc Tết GS. Bửu Cầm năm 1964.

     Bản thể là thiếp chúc Tết nên khổ giấy của nó có một diện tích bề mặt nhất định nhưng trong nó đã chứa đựng đầy đủ các yếu tố, tính chất và tài năng của một người có tầm vóc lớn về hội họa và điêu khắc vi tế trên đá, ngà và xương trong dòng nghệ thuật truyền thống Trung Hoa của họa gia Đới Ngoan Quân...
 
- Về hội họa.
    Với kích cỡ khiêm tốn 10cm x 17cm của thiệp Xuân. Nhưng bút pháp thể hiện cho thấy rất thư thái và chuẩn xác không phát lộ nét bại bút nào. Bố cục tổng thể chặt chẽ, nét bút rất minh bạch đĩnh đạc, phóng khoáng chừng mực và thật tự nhiên. Sự tạo hình nhánh thân cây trong vị thế tam phân. Tất cả đều trong tư thế vươn lên chắc khỏe, có tụ có tản tạo sự liên kết liền mạch rất chặt chẽ hợp lý và ông cũng khai thác đường nét lớn - nhỏ, ngắn - dài đặt chúng nằm xen kẽ bên nhau nhưng thật thông thoáng, thật hồn nhiên, tiết giảm được sự chuệch choạc dư thừa. Không thấy có sự chồng lấp, đan chen bít bùng ngộp hơi rối loạn mặc dù phồn tạp. Những cánh hoa mang nhiều sắc độ đậm nhạt, đa chiều kết hợp với những nhát điểm, phiệt cùng những nét gẩy ngắn mảnh để tạo hình khối cuống và nhụy cho ra những đóa hoa trong nhiều tư thế không hề trơ trẽn luộm thuộm và thô lậu. Những điều vi tế này đã tạo nên thần thái sinh động cho tác phẩm. Nhìn xa xa. Toàn thể cụm mai lung linh nhạt nhòa như đang hòa mình trong sương sớm bởi cách dụng mực tài hoa, điêu luyện của ông. Ta quán thu từ nền giấy trắng cùng màu mực nhạt nơi những thân cành và hoa cho chúng kết hợp lại. Cả hai thứ đó cộng hưởng với nhau đã dẫn dắt thị giác người thưởng ngoạn đến chốn hư ảo như qua màn sương khói lung linh kỳ diệu.

- Về chạm khắc: (1)
  Ba con dấu được đóng ở hai nơi.
       1/ Con dấu vuông mang chữ " Xuân chí nhân gian" khá lớn được đóng vào đáy góc trái. Nơi tập trung của sự phát tán. Có thể xem như là gốc cội. Cũng là đường dẫn vào bức tranh. Mang ẩn ý nguồn cội của sự sống và phát triển nên ông đã đặt " Xuân chí nhân gian" vào đó. Chuyện này làm cho bố cục thêm chắc chắn vững vàng, càng nổi bật phần lạc khoản lên và có cảm nhận như nó được đính lên thân cây vậy. Cách bố trí phần lạc khoản này cũng rất tuyệt. Nếu ghi vào nơi khác. Không những nó làm cho thêm nặng nề dẫn đến hỏng bức tranh.
       2/ Con dấu hình chữ nhật đứng mang chữ "Long đán". Chỉ danh cho năm hiện hữu " đầu năm Rồng". Có kích thước nhỏ hơn con dấu "Xuân chi nhân gian". Có vẻ như con dấu "Long đán" mới được họa sĩ Đới Ngoạn Quân khắc để sử dụng cho dịp đầu Xuân năm 1964!? Con dấu "Long Đán" ở vị trí này trên bức thiếp ta thấy con dấu giống như cánh thiệp xuân được treo đong đưa trên cành mai trong mỗi dịp xuân về... rất thi vị.
     Hai con dấu "Xuân Chí Nhân gian" và "Long Đán" này nằm ở trang ruột nơi hai góc đáy trái phải vị trí đắc địa của sự bố cục ấn chương làm tăng thêm giá trị của tấm thiếp. Có một sự đặt để thật tinh tế. Không thể lựa chọn chốn nào hay hơn cho được.

       3/ Con dấu tròn mang chữ "Cung hạ tân xuân" được đóng sau lưng bức vẽ. Thực tế  khi xếp lại. Bức vẽ sẽ nằm trong ruột và con dấu "Cung hạ tân Xuân" lại trở thành bìa ngoài. Với vị trí này ta sẽ thấy ngay con dấu khi rút từ phong bì ra. Sự gởi gắm chủ đề đến người nhận thật sâu sắc. Một sự sắp đặt rất ý nhị không thể chối cãi. Cần khẳng định là người nhận cũng phải là người rất am tường Hán học. (2).

     4/ Về kích thước: Họa sư Đới Ngoạn Quân vốn sở trường về chạm khắc trên đá, xương và ngà, với nét bút tinh xảo và cực kỳ vi tế. Nên vật liều được ông sử dụng để làm nền đa phần đều có diện tích bề mặt khá khiêm tốn. Vì vậy với tấm thiệp xuân này có kích thước: 10cm x 17cm, so với các vật liệu như: Đá; ngà hoặc xương mà họa sư Đới Ngoạn Quân thường sử dụng. Tính ra nó cũng thuộc hạng khá lớn...


                                            Con dấu "Cung Hạ Tân Xuân" đóng ở phía ngoài


                                                Chi tiết con dấu "Cung Hạ Tân Xuân"
     
        Với tất cả những gì phô diễn trên tấm thiệp Xuân này ta mới thấy thế nào là sự cẩn trọng của người cao đạo thâm thúy. Một tờ thiếp chúc Xuân có thể xem xong rồi vất đi khi hết hạn kỳ như lẽ thường tình. Nhưng đối với các bậc thâm nho nó không phải như vậy. Nó gói ghém nhiều ý nghĩa về lối cư xử của bậc trí tri uyên bác nếu không tinh tế ta sẽ không bao giờ hiểu được cách cư xử của những bậc đại trí với nhau. Nó cũng thể hiện được sự thông hiểu đồng cảm sâu sắc của người được tặng và đã giữ nó cho đến khi trao về tay người khác.


                      MỘT VÀI KỲ TRIỂN LÃM CỦA HỌA SƯ ĐỚI NGOẠN QUÂN.

      
Triển lãm. Những kiểu mặt nạ trong hát Bội Trung Quốc. 
Từ ngày: 18 tới 28/11/1960 tại Pháp quốc Văn Hóa Hiệp Hội.
Số. 22 đường Gia Long. Saigon.

Triển lãm. Những kiểu mặt nạ trong Hát Bội Trung Quốc. 
Từ ngày: 07 tới 16/12/1959 tại Phòng Thông Tin Việt Nam. Dường Tự Do. Saigon.

Triểm lãm. Ngà chạm và khắc. Từ ngày: 02 đến 08 Tháng 12 năm 1955. 
Tại Phòng Thông Tin. Đường Tụ Do. Saigon 






Cauminhngoc
  10/5/2017

Ghi chú: Toàn bộ phần chữ Hán và con dấu do học giả Phạm hoàng Quân đọc và chú thích.

(1) Theo như sự phân tích của học giả Phạm hoàng Quân. Tấm thiếp này thực hiện vào năm 1964. Với lập luận như sau:


Long đán [ có thể mang nghĩa "đầu năm thìn/rồng" ]. 
     Có 03 mốc thời gian để ta suy gẫm về năm con Rồng..

Năm Nhâm Thìn (1952). Có lẽ lúc này hoạt động giao lưu của ông Đới cũng chưa rộng trong làng văn sĩ VN. Nên chưa thể ký tặng. (1954 ông mới bắt đầu hòa nhập với công đòng người Việt khi vào dạy ở trường Mỹ Thuật Gia Định).

Năm Bính Thìn (1976). Giai đoạn khủng hoảng của giới học thuật nên sự giao tiếp có phần đình trệ. Năm này cũng là năm ông Đới rời VN đi Pháp định cư. Nên cũng khó ký tặng.

Năm Giáp Thìn. (1964). Năm này nằm trong giai đoạn thuận lợi trên đà phát triển sự nghiệp ông Đới. Nên sự quan hệ với giới học thuật tại Miền Nam có thể mở rộng nên đã ký tặng.


               Dựa theo con dấu “Long Đán”
           

đóng trên thiệp chúc Xuân. Ta có thể cho rằng thiệp chúc Tết này được vẽ vào năm Thìn. Cùng với lập luận về năm Thìn nêu trên ta cho rằng thiệp Xuân này được vẽ tặng vào đầu năm Giáp Thìn (1964). 


(2). Bức thiệp Xuân này do GS. Đới Ngoạn Quân vẽ để chúc Tết Giáo Sư Hán học Bửu Cầm.


TIỂU SỬ TÓM LƯỢC VỀ HỌA SĨ ĐỚI NGOẠN QUÂN.

Dưới đây là trích đoạn bài viết của Học giả, nhà nghiên cứu Hán Nôm Phạm hoàng Quân viết cho Chinese Heritage Centre, Singapore.
      12, Nanyang Drive (Nanyang Technological University) Singapore 


Đới Ngoan Quân 戴頑君 (1913 - 2003 ), người thành phố Hành Thuỷ 衡水市tỉnh Hà Bắc河北, từ thuở nhỏ đã yêu thích hội hoạ truyền thống. Năm 20 tuổi vào học ở Học viện Mỹ thuật Bắc Kinh 北京美術學院. Trong chiến tranh kháng Nhật, Đới Ngoan Quân bỏ học tòng quân. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, ông theo quân đội Trung Hoa sang Việt Nam tiếp nhận sự đầu hàng của quân đội Nhật Bản. Sau năm 1946, Đới Ngoan Quân giải ngũ và định cư Sài Gòn, theo nghiệp giảng dạy hội hoạ, năm 1976 di cư Paris 1, sống ở đây đến cuối đời, nhiều năm làm cố vấn văn hoá cho Âu Châu Thời báo.
   Năm 1954, khi trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật [Sài Gòn] thành lập, Đới Ngoan Quân được mời giảng dạy bộ môn Quốc hoạ Trung Hoa. Vốn là hoạ sĩ theo Kinh phái [Quốc hoạ truyền thống], ông sở trường công bút và ngoài tài nghệ hội hoạ còn nổi danh với những tác phẩm điêu khắc tinh xảo trên các loại vật liệu ngà, xương, đá v.v.2 Trong lĩnh vực thư pháp, Đới Ngoan Quân cũng nổi danh với thể chữ Lệ, nhiều văn nhân hoạ gia đương thời đã nhờ ông đề chữ nhan đề lên thi văn tập hoặc vựng tập, việc này ngoài ý nghĩa kỷ niệm sự giao tình, nó còn biểu lộ sự trọng thị tài năng và phẩm chất của ông trong cộng đồng.   
   Giỏi văn chương và được đào tạo nghệ thuật trong chốn hàn lâm nên ngoài tài năng về  thư hoạ điêu khắc, Đới Ngoan Quân còn có thêm sự hiểu biết sâu rộng về lý thuyết hội hoạ. Am hiểu về phong cách đặc điểm các hoạ phái cộng với biệt nhãn khi xem tranh, ông lại được giới thư hoạ gia đương thời khâm phục trong việc bình điểm tác phẩm. Các hoạ gia nổi danh như Lương Thiếu Hàng, Hoàng Hữu Mai, Hà Lãn Hùng...đã từng nhờ Đới Ngoan Quân viết lời tựa hoặc đề từ cho các ấn phẩm của họ3.
Tác phẩm của Đới Ngoan Quân gồm các loại như tranh thuỷ mặc, triện khắc, thư pháp, điêu khắc vi tế … đều được giới sưu tập trân quý, nhiều bảo tàng viện trên thế giới trưng bày. Ngoài những lần triển lãm ở Việt Nam và Pháp, trước sau có hơn 10 lần triển lãm tại ở các quốc gia khác. Tác phẩm “ Thiên phong hải đào - 天風海濤”  in trong vựng tập Việt Nam Sùng Chính Y viện Thư Hoạ nghĩa triển đặc tập 4 cho thấy rất rõ phong cách thuỷ mặc Kinh phái của Đới Ngoan Quân, bút pháp rắn chắc mà nhuần nhã, sử dụng công bút vừa đủ ở không gian cận cảnh, vừa hiện thực vừa ẩn dụ về những làn sóng biển mạnh mẽ hàng hàng lớp lớp, khiến người xem như nghe thấy trong tranh có tiếng gào rít và sự chuyển động của gió. Tác phẩm điêu khắc vi tế nổi tiếng nhất là văn bản Thánh Kinh- Tân ước toàn thư [ 馬可福音được khắc trên phiến ngà voi 7x 8 cm, toàn văn 16 chương cộng 18.000 chữ, khắc theo thể chữ Khải, cùng với phiến ngà khắc văn bản là 7 phiến khác khắc tranh minh hoạ, bộ ngà 8 miếng này hiện thuộc sở hữu của Bảo tàng viện Toà Thánh Vatican.
Năm 1985, Đới Ngoan Quân được phong Viện sĩ Danh dự Học viện Mỹ thuật Da Vinci [Italia]. Tại Pháp, năm 1986, thành phố Long le Saunier tặng Kỷ niệm chương Văn hoá, cùng năm này, thành phố Montelimar cử ông làm Chủ tịch Danh dự cho cuộc triễn lãm Tác phẩm mỹ thuật vi tế thế giới. Ngày 12 tháng 10 năm 1998, Đới Ngoan Quân được Thị trưởng Paris tặng Huy chương Văn hoá thành phố Paris, trong buổi lễ được tổ chức rất long trọng này, Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Sái Phương Bá蔡方柏 đã đọc diễn từ có đoạn: “ Ông Đới là một nhà ái quốc vĩ đại, là một nghệ thuật gia đa tài đa nghệ, thấm nhuần và am hiểu sâu sắc nền văn hoá Trung Quốc, trong con người ông tập trung nhiều phẩm chất ưu tú của dân tộc Trung Hoa.” 5. Trong cuộc sống, Đới Ngoan Quân rất nhiệt tâm trong việc công ích, Hoa kiều các giới tại Pháp một mực kính trọng. Tên Đới Ngoan Quân được ghi nhận trong Từ điển danh nhân nghệ thuật thế giới, Pháp quốc Mỹ thuật niên giám, Đương đại Thư hoạ triện khắc gia từ điển, Thế giới Hoa kiều Hoa nhân từ điển .v.v.6
   Hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam 30 năm, với khoảng 20 năm dạy vẽ tại trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật, ảnh hưởng của Đới Ngoan Quân đối với giới hoạ sĩ hàn lâm khá lớn, nhất là đối với những hoạ sĩ vẽ tranh lụa và tranh màu nước. Là hoạ sĩ theo Kinh phái, Đới Ngoan Quân khẳng định sự nghiệp hội hoạ và suốt đời theo phong cách của phái này. Kinh phái 京派hình thành khoảng đầu thế kỷ XX ở vùng Bắc Kinh, với các hoạ gia tiêu biểu như Kim Thành 金城(1878-1926), Diêu Hoa 姚華(1876-1930). Trong giai đoạn Quốc hoạ Trung Hoa đang hồi nhàm chán và bế tắc, hoạ sĩ theo hội hoạ truyền thống đã ra sức bảo tồn bằng những tìm tòi, gia giảm trong kỹ thuật bút pháp và  ý đồ nghệ thuật, cố gắng đưa hội hoạ truyền thống mang một sinh lực mới, đủ sức hấp dẫn thanh niên đương thời. Các hoạ sĩ Kinh phái vận động các trường học tổ chức giảng dạy môn quốc hoạ và để cố kết tinh thần thanh niên đối với văn hoá truyền thống, họ gọi Kinh phái là Quốc tuý phái 國粹派 7. Trong nhiều thành công của một đời người, điều đáng nói ở Đới Ngoan Quân có lẽ là việc ông đã dành cả đời vào mục tiêu phổ biến quốc hoạ Trung Hoa trên không gian Á- Âu rộng lớn.   



Chú thích

  1. theo Âu Châu Thời báo, bản Trung văn, số ra ngày 15 tháng 10 năm 1998. 歐洲時報星期四 15 Octobre 1998 . “戴頑君榮獲巴黎市文化銀質獎章
  2. theo Văn hoá & nghệ thuật người Hoa thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tác giả, Trung tâm văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, 2006. [ Phạm Hoàng Quân, Chương VIII, Hội hoạ và Thư pháp người Hoa TP. HCM], trang 233.
  3. Đề từ cho Nam Tú hoạ tập đệ nhị tập (1967) của thầy trò Lương Thiếu Hàng; đề tựa cho Hữu Mai hoạ tập 友梅畫集(1958) của Hoàng Hữu Mai黄友梅; viết lời giới thiệu các tác giả cho Cổ      Tùng Hiên sư sinh tác phẩm niên triển tập 古松軒師生作品年展集(1973) của thầy trò Hà Lãng Hùng何嬾熊
  4. Việt Nam Sùng Chính Y viện Thư Hoạ nghĩa triển đặc tập 越南崇正醫院書畫義展特輯, Hoa Nghệ Kha Thức ấn vụ cục xuất bản 華藝柯式印務局, Chợ Lớn 堤岸, 1970. (trang 64)
  5. theo Âu Châu Thời báo, bản Trung văn, số ra ngày 15 tháng 10 năm 1998.
  6. theo Âu Châu Thời báo, bản Trung văn, số ra ngày 15 tháng 10 năm 1998. Các sách này Âu Châu thời báo chỉ nêu tên sách, không rõ quốc gia xuất bản, nhà xuất bản và năm xuất bản. Ban biên tập và độc giả có thể tra cứu thêm để xác thực.
  7. theo Vương Bá Mẫn 王伯敏Trung Quốc Hội hoạ thông sử 中国绘画通史,  Tam Liên thư điếm xuất bản 生活-讀書-新知 三联書店, Bắc Kinh, 2000. [tập hạ, trang 404-407].

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét