HỌA SĨ TẠ TỴ VÀ TÁC PHẨM “ LÒNG MẸ ”.
TÁC PHẨM ĐIÊU KHẮC ĐỒNG (PHÙ ĐIÊU ) THỰC HIỆN VÀO KHOẢNG 1955 - 1960
Hình 01 - Tạ Tỵ. Lòng mẹ.
Điêu khắc đồng ( Phù điêu ) gắn trên nền ván ép. Thực hiện vào khoảng năm: 1955-1960.
Hình 1bis. Lời tựa cho cuốn cataloge triển lãm tranh năm 1951 của họa sĩ Tạ Tỵ (trang 07).
Nhắc đến họa sĩ Tạ Tỵ. Có thể nói là rất nhiều báo chí trong cũng như ngoài
nước cùng thông tin trên mạng đề cập về ông. Riêng mảng thông tin trên mạng thì
rất thuận lợi và nhanh chóng. Nó giúp cho mọi người dễ dàng tìm hiểu về tiểu sử
cũng như quá trình hoạt động nghệ thuật của ông cấp thời và các nhà phê bình
đều cho rằng ông là người đầu tiên tại Việt
Nam đeo đuổi trường phái hội
họa lập thể (cubism) này.
(1)
Khi nói về Tạ Tỵ. Nguyễn Quỳnh và nhà
phê bình Huỳnh hữu Ủy cho rằng:
“ Không
khác mấy cách đánh giá của chúng tôi về Tạ Tỵ, Nguyễn Quỳnh cũng có viết mấy
câu về Tạ Tỵ trong bài tổng kết ngắn Nhìn lại hội họa Việt Nam hiện đại
(1930-1975): Một bài học để so sánh và tìm hiểu. (Tạp chí Hợp Lưu, số 10,
1993):
Tạ Tỵ không hiểu đã xem
tranh lập thể ở đâu mà thường được coi là họa sĩ Việt Nam đầu tiên đưa hình khối vào
tranh. Tuy rằng tranh lập thể của ông không đúng là lập thể kiểu Braque,
Picasso hay Gris, nhưng ông đã có công thổi vào trong khung cảnh hội họa Việt
Nam còn phôi thai trong lịch sử nhân loại, một luồng gió mới. Sau ông, ta thấy
rất nhiều bìa nhạc mang màu sắc “lập thể”. Hạn từ Sáng Tạo do nhóm của họa sĩ Tạ
Tỵ nêu lên rất xúc động trong tâm hồn của thế hệ trẻ. Tranh lập thể của Tạ Tỵ
lạ lùng như thơ mới theo kiểu Apollinaire và Prévert tại Việt Nam thuở ấy.” ( Nguồn. Nguyentrong
tao.info )
Hình 02. Tạ Tỵ. ( nguồn google ).
Nói làm gì khi tranh của Tạ Tỵ chỉ là những Braque, Picasso
và Gris nhỏ! Theo tôi. Tạ Tỵ đã xem ở đâu hay chưa xem, không quan trọng. Cái
quan trọng là mọi người đã thấy gì trong tác phẩm của ông, cái đó mới là vấn
đề. Có lẽ ông thấy rất rõ và muốn thoát ra khỏi cái trói buộc hiện hữu nên đã
giải phóng nó đến một trạng thái mới. Một việc làm có chủ ý, có trăn trở chứ
không cóp nhặt gán ghép.
Và trong “ Hồi ký văn nghệ “ Tạ Tỵ có viết:
“ Về phương diện chuyên môn, tuy cùng theo một
phương pháp cấu tạo họa phẩm; nhưng mỗi họa sĩ có lối diễn tả
riêng. Điều này rất dễ nhận biết , nếu chúng ta để 2 tác
phẩm: 1 của PICASSO, I của BRAQUE bên cạnh nhau, sẽ thấy sự cách
biệt ; tuy cả 2 đều đi tìm chiều thứ 4 ( 4è
dimension), tức chiều động
của sự vật được mang vào nghệ thuật tạo hình. Cái khối phương
lập ( cube) mà Picasso
dùng không phải là cái
khối mà BRAQUE hoặc GLELZESS đem áp dụng trong
kích thước hoạ phẩm của mình. Sự cá biệt của mỗi họa sĩ
tạo cho mỗi người chỗ đứng riêng rẽ, không trộn lẫn, không dung hòa. Nó là
định luật chung của mỗi trường phái tạo
hình. Những tác phẩm của
tôi cũng không đi ra ngoài định luật đó, vì thế,
không thể có sự so sánh, hoặc sự trùng hợp giữa tôi và Picasso hoặc của các danh họa tây phương khác - tôi chỉ là người họa sĩ Việtnam
mở đường, phá vỡ cái quan niệm cũ rích của nền hội họa do
Trường Mỹ thuật Đông Dương đào tạo, đạp đổ bức tường
thành kiến, coi người họa sĩ là chiếc máy chụp hình, một người thợ vẽ không hơn
là nhà sáng tạo “. ( Nguồn: nguyentrongtạo.info )
Chính điều này
Nguyễn Quỳnh cũng công nhận và đã viết.
“ ….Sau ông, ta thấy rất nhiều bìa nhạc mang
màu sắc “lập thể”. Hạn từ Sáng Tạo do nhóm của họa sĩ Tạ Tỵ nêu lên rất xúc
động trong tâm hồn của thế hệ trẻ. Tranh lập thể của Tạ Tỵ lạ lùng
như thơ mới theo kiểu Apollinaire và Prévert tại Việt Nam thuở ấy.”
Như
vậy chứng tỏ là Tạ Tỵ đã mở lối cho thế hệ đi sau. Không
những ông đã đưa hình khối vào tranh như Nguyễn Quỳnh đã nói mà ông còn đem lập
thể (cubism) vào trong hình khối của điêu khắc. Điển hình như tác phẩm “ Lòng
mẹ ” này. Rất tiếc ở đây không có nhiều những tác phẩm thuộc thể loại này để
minh họa. Nhưng ít ra cũng có một tác phẩm để dẫn chứng. ( Xem hình 01 ).
Mọi người đều biết và đã hiểu như thế. Nhưng có
đôi mảng mà họa sĩ Tạ Tỵ đã từng đeo đuổi và thực hiện nhưng không hề được nhắc
đến. Đó là lãnh vực tranh đồ họa, gốm và điêu khắc và sơn mài..v..v.. Không hiểu là những
tác phẩm đó của Tạ Tỵ được đánh giá như thế nào. Có được xem là tác phẩm nghệ
thuật không? Tại sao các nhà phê bình cũng như chính Tạ Tỵ lại không đả động
đến những lãnh vực này dẫu chỉ một đôi lời giới thiệu thoáng qua!? Hay các tác
phẩm thuộc mảng này tác giả sáng tác không nhiều, không còn lưu giữ, đã thế
lại ít lộ diện trên mặt bằng xã hội nên các nhà phê bình chưa gặp cũng như tác
giả đã không còn hiện vật để minh chứng vì thế mà đã cho qua không nhắc đến
chăng? Nếu đúng như thế, ta phải đặt vấn đề vể chuyện này. Không rõ hiện nay
ngoài những gì của Tạ Tỵ đã được công bố. Còn bao nhiêu thể loại khác của ông
đang còn nằm lẩn khuất trong dân gian chưa được phát hiện? Lý ra, lúc họa sĩ Tạ
Tỵ còn sinh tiền các khảo cứu và phê bình phải khai thác tận gốc rễ để nắm rõ
sự việc mà triển khai mà hệ thống lại. Chí ít cũng nhắc đến, bổ sung cho kho tư
liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Tạ Tỵ không bị thiếu sót, để cho thế hệ đi
sau có dữ liệu mà tham khảo, truy cứu, đỡ bị hụt hẫng vì không tìm thấy nguồn
gốc trong sự nghiệp cơ bản của ông.
“ Tạ
Tỵ cũng thực hiện một số đĩa gốm với phong cách Lập thể của mình. Những tác
phẩm độc đáo này không nhiều ”.
Hình 03. Tạ Tỵ. Đĩa gốm màu ( Nguồn: tienve.org ).
Trong cuốn cataloge triển lãm tranh của Tạ Tỵ vào năm 1951. Trong mục lục có chụp hình ghi:
Hình 03a - Sơn mài. Hoa Đăng. Bộ 04 tấm. Không ghi kích thước. Thực hiện năm 1946.
Hình 03b - Sơn mài. Tĩnh vật. Bộ một tấm. Không ghi kích thước. Thực hiện năm 1951.
Sở dĩ tôi có ý này bởi vì hiện tại. Đầu thế kỷ
21. Ở nước ta, đa phần chỉ là những nhà chơi tranh tự phát, chưa có kinh
nghiệm. Những người sưu tập có đẳng cấp thì ngại không góp mặt. Còn những người
có lòng đam mê chân chính muốn đóng góp thì không đủ khả năng. Một số có khả
năng lại không được hướng dẫn chu đáo, chỉ dựa vào những gì nghe được để mà
chơi, chứ chưa có bản lãnh để ứng phó cũng như tự khẳng định mình. Nhà phê bình nghệ thuật Long Ân đã đưa ra một nhận định như sau về phê bình nghệ thuật ở Việt Nam chúng ta:
" Cái khó khăn khác mà những người làm hội họa
Việt Nam
là sự hiếm hoi những người viết phê bình hội họa. Lý do thật nhiều, mà một vài
thí dụ là - sự e ngại của người làm hội họa phải nói về chính mình hay về một
người làm hội họa khác - không có nhu cầu phê bình hội họa vì không có thúc đẩy
của nhu cầu thưởng ngoạn hội họa. Sự khan hiếm con người phê bình hội họa khiến
cho sinh hoạt hội họa thiếu những khích thích tố cần thiết, khiến người thưởng
ngoạn hội họa được cung cấp hạn chế những giới thiệu và giải thích hội họa cũng
như hướng dẫn thưởng thức hội họa. Một số người Việt Nam có một quan niệm hội họa khá lạ
lùng: “Nghệ Thuật không có giải thích.”.
(Nguồn: Google: Tạ Tỵ-Passion4Art )
Tôi hiện đang
lưu giữ được 03 tác phẩm của Tạ Tỵ. Một đôi mảng xem như mới mẻ vì chưa từng được các
nhà phê bình quan tâm nói đến. Gồm có:
- Một tác phẩm điêu khắc đồng (Hình 01). Dạng cực kỳ hiếm.
- Một bản kẽm khắc chân dung Phan lạc Tuyên
(Hình 04 ). Đa phần là bản vẽ... ít thấy bản khắc kẽm.
- Một bản tranh khắc gỗ (Hình 04bis ). Loại tranh khắc gỗ cũng ít gặp...
So với sự nghiệp đồ sộ vể hội họa và văn chương của Tạ Tỵ. Ba tác
phẩm vừa nêu thật là nhỏ bé. Nhưng dẫu gì nó cũng là thành quả lao động trí tuệ của ông
đã hé nụ trong dòng tranh đồ họa và điêu khắc và sẽ là thiếu sót nếu chúng
ta bỏ qua không nhắc đến. Nên chăng những thành quả đó của Tạ Tỵ cần phải được quan tâm nghiên cứu hệ thống lại một cách
nghiêm túc để khỏi bị rơi vào quên lãng một cách đáng tiếc. Rõ ràng Tạ Tỵ không chỉ vẽ sơn dầu, viết văn và làm thơ...
Hình 04. Ảnh chụp khi ông Phan lạc Tuyên còn trẻ.
Hình 04bis. Tạ Tỵ. Chân dung nhà thơ Phan lạc Tuyên. Bản khắc
kẽm và bản in trên giấy.
Với cái nhìn
thông tuệ. Tạ Tỵ đã mô tả nét đặc thù “ lưỡng mục bất đồng ” của Phan lạc Tuyên
bằng hai con ngươi lệch nhau lớn và nhỏ.
Hình 04c. Tạ Tỵ. Mẫu tử. Tranh mộc bản. Khổ giấy: 26cm x 36cm. Năm 1964.
TÁC PHẨM ĐIÊU KHẮC "LÒNG MẸ" CỦA TẠ TỴ VÀ LOGO TRÊN TÁC PHẨM.
Tạ Tỵ. Lòng mẹ. Điêu khắc đồng ( Phù điêu ) gắn trên nền ván ép.
Thực hiện vào khoảng năm: 1955-1960.
Đây là một tác phẩm điêu khắc ( Phù điêu ) thực hiện bằng chất liệu đồng, được cho là của họa sĩ Tạ Tỵ, mới được phát hiện trong tháng 04 năm 2014. Xét chi ly toàn thể không thấy chữ ký tác giả. Nhưng với bản diện của logo có ký hiệu " CON RẮN ", kết hợp những hình thái được biểu lộ, cùng màu sắc đặc trưng rất quen thuộc của Tạ Tỵ thì đối với những nhà nghiên cứu có năng lực khó mà nhầm lẫn giữa ông với một tác giả nào khác cho được. Chưa rõ tác phẩm " Lòng mẹ " của Tạ Tỵ này đã ra đời trong hoàn cảnh và đích xác là năm nào. Nhưng với dấu ấn thời gian tác động lên toàn thể tác phẩm, chúng ta có thể ước chừng nó ra đời vào khoảng giữa thập niên 50 của thế kỷ 20. Cũng có thể sớm hoặc trễ hơn, nhưng thấy rằng sự cách biệt về năm tháng này không quan trọng bằng việc phát hiện được một tác phẩm " mới lạ " cực kỳ hiếm của Tạ Tỵ. Một tác phẩm đầy trí tuệ đã ẩn mình qua bao nhiêu năm trường, thuộc bộ môn phải dựa vào kỹ thuật cơ khí khi muốn thực hiện. Có lẽ vì thế mà trở thành ít ỏi, cực hiếm so với các tác phẩm ở những bộ môn khác mà Tạ Tỵ đã kinh qua. Đây cũng là điều may mắn cho những người yêu thích bộ môn điêu khắc nói riêng và về họa sĩ Tạ Tỵ nói chung. Nếu như sự việc " phát lộ " này không xảy ra. Chắc hẳn là chúng ta cũng chẳng hề biết rằng Tạ Tỵ đã có một tác phẩm có tầm vóc dữ dội như thế. Nói thì vậy! Chúng ta cũng cần phải xác lập vấn đề cho thật minh bạch tránh việc " râu ông này cắm cằm bà kia " không hay. Muốn thế, ta hãy đào sâu vào bản chất nơi ba mảng chính đã cấu tạo thành tác phẩm "Lòng mẹ" độc đáo này gồm: Cái logo, phần điêu khắc đồng và phần nền là miếng ván ép xem sao.
Trước hết hãy đọc đôi giòng mà Tạ Tỵ đã viết đề tựa cho cuốn cataloge triển lãm tranh năm 1951, để phần nào nắm bắt thêm về quan điểm nghệ thuật của ông.
" Sức mạnh của nghệ thuật càng lên thì con người càng cao quý, vì cái chứa đựng "bên trong" bao giờ cũng tới trường cửu. Người nghệ sĩ cần chất "Hồn" hơn chất "Xác", ở đấy phần màu sắc dâng lên và đập mạnh vào trí não trút xuống bàn tay thần diệu. Biến chuyển của thời gian đã giúp cho Vũ Trụ thay đổi màu áo, trái lại Thời gian đối với lòng Nghệ sĩ hầu như không có. Vì thế người Nghệ sĩ của phái "họa sống", chỉ đi tìm cái "Đẹp" của Tư tưởng cái "Hay" của vĩnh viễn. Kỹ thuật chỉ là phương tiện thứ hai để diễn đạt phần thu hút thứ nhất: "Lý trí". Những cái gì đã lọt vào khe mắt của "Nghệ sĩ mới" đều phải lọc qua và đảo lộn, xoay theo chiều cân đối ".
I – TÌM HIỂU VỀ CÁI LOGO ĐÍNH TRÊN NHÃN TÁC PHẨM “ LÒNG MẸ ”.
Hình 05 – Nhãn thích
danh tác phẩm và logo của tác giả. Khắc
và tô màu trên nền mica trong suốt.
Hình 06 - Logo của Tạ Tỵ ( đã phóng
lớn ).
( Quan sát kỹ vào cái logo nêu
trên, ta thấy rõ là đã được thực hiện bằng máy khắc thủ công. Với kỹ thuật này
người thợ sẽ thực hiện ngược chiều với bản mẫu. Sau khi khắc xong là công đoạn
dùng sơn đắp vào từng phần phía sau, mục đích làm cho hình khắc nổi
bật ra mặt trước miếng mica trong suốt. Cả một chuỗi phức tạp cho phần thực hiện.
Máy Khắc này khá gọn và rất phổ biến ở Miền Nam. Các đơn vị có nhiều phòng ban
thường hay dùng nó để khắc bảng tên cho cá nhân hay bảng chỉ danh những danh xưng
trực thuộc của đơn vị hoặc phục vụ các nhu cầu khác. Bảng tên này có thể để trên
bàn làm việc hay gắn trước cửa để chỉ rõ phần hành của nó cho mọi người hiểu rõ.
Máy này chắc chắn là không thể thiếu trong cơ quan CTCT. Nơi mà Tạ Tỵ phục vụ và
chắc nó cũng được ông sử dụng để khắc bảng tên cho tác phẩm này ).
Theo bản diện Logo do họa sĩ Tạ Tỵ thiết kế đính trong cái nhãn tác phẩm “ Lòng mẹ ” được minh họa ở trên. Chưa rõ là ông có sử dụng nó cho tác phẩm nào nữa không? Nhưng tính đến thời điểm hiện tại năm 2014. Thông qua những tác phẩm của Tạ Tỵ đã góp mặt trên văn họa trường thì tín chương (logo) này chưa thấy ông thực hiện nó trên tác phẩm nào khác! Phải chăng đây là tín chương duy nhất mang tính cá biệt. Tạ Tỵ muốn có một cái gì độc đáo để gởi gắm vào tác phẩm " Lòng mẹ" nên đã tạo ra cái logo với nhiều ẩn dụ này và ông xem nó cũng là một tác phẩm, chỉ dùng một lần không lặp lại! Một hình thức dùng ký hiệu thay cho việc thích danh quen thuộc vào tác phẩm. Có phải đó cũng là một cách thể hiện tính thâm trầm của người nghệ sĩ?
A - Thử phân tích và tìm hiểu ý nghĩa của hình dáng cùng màu sắc trong Logo.
Quan sát cái logo theo thứ tự từ
ngoài vào trong.
- Ngoài cùng là một đường vành tròn màu vàng, bao quanh nền xanh dương.
- Kế tiếp, lọt trong vòng tròn là một đường vành hình vuông, mang màu trắng bao quanh nền nâu.
- Tiếp đến là một đường vành hình tam giác đều, mang màu trắng bao quanh nền vàng.
- Trong cùng, ở ngay trung tâm, cũng là lõi của ba hình
tròn, vuông và tam giác một " CON RẮN " cách điệu dáng chữ “ S ” có màu đỏ son.
Tất cả những hình
ảnh này được khắc chìm sâu vào trong, ở phía sau lưng miếng mica trắng trong suốt. và gồm có 05 màu sơn: Vàng, xanh dương, nâu, trắng và
đỏ. ( hình 06 ).
Trước hết ta thử phân tích ý tưởng theo:
01 – Về
hình dáng:
a/ - Hình tròn. Với đường vành
tròn màu vàng ôm nền màu xanh dương. Hình tròn biểu tượng
của bầu trời. Chỉ Thiên. ( Dương ).
b/ - Hình vuông. Nằm gọn trong vòng tròn với
đường viền màu trắng ôm nền nâu, nằm đè lên nền xanh dương của vòng tròn. Hình vuông biểu
tượng của đất. Chỉ Địa. ( Âm ). ( Theo sự tích " Bánh dày bánh chưng " của Việt Nam chúng ta. Bánh dày tròn biểu thị cho Trời. Bánh chưng vuông biểu thị cho Đất ).
c/ - Hình tam giác. Nằm trong hình vuông với đường viền màu trắng ôm nền vàng, nằm đè lên nền nâu của hình vuông. Hình tam giác ở
đây biểu tượng cho con người: Chỉ Nhân. ( lấy hình tượng từ chữ Nhân (人)
d/ - Hình con rắn đang
ngóc đầu lên, giống như chữ “ S ”. Có màu đỏ, nằm trên nền vàng của hình tam giác. Nếu ta nhìn kỹ sẽ thấy phần đuôi rất dài kéo
tận đáy góc trái tam giác cân. Chỉ Vật. Con rắn = Tỵ. Cũng là tên của tác giả. Tạ Tỵ. Thay vì ký tên vào tác phẩm như bình thường, ông dùng ký hiệu " CON RẮN " đặt để vào trung tâm của biểu tượng Thiên, Địa, Nhân để xưng danh. Đó cũng là một cách thích danh mang tính ẩn dụ, rất độc đáo mà Tạ Tỵ đã khai thác và đưa vào trong tác phẩm của mình. ( Trong một số tác phẩm vào thời kỳ đầu, hình dáng chữ "S" đã từng xuất hiện trong tranh của ông ).
Mới thoạt nhìn, nó chỉ cho ta thấy một cái logo
đa sắc, hình thái phức hợp, cầu kỳ. Nhưng khi định tâm quan sát và phân tích
kỹ, ta mới thấy được cái độc đáo, cái tuyệt của Tạ Tỵ. Ông đã vận dụng luận thuyết về Nhân
sinh quan và Vũ trụ quan phương Đông gởi gắm vào các hình thể tròn, vuông, tam
giác.[ Tam tài (三才 ) ] … Từ cái lớn nhất là bầu trời. ( Biểu tương cho vũ trụ là hình Tròn bên ngoài cùng ) đến Đất, cái chứa đựng, nuôi dưỡng hết thảy vạn vật. (Biểu tượng hình Vuông nằm trong bầu trời). Nhỏ
nhất là con người và vật chúng. ( Biểu tượng hình Tam giác và con rắn nằm trong lõi. Người cùng vạn vật sống dưới bầu trời trên mặt đất ). Mọi thứ được Tạ Tỵ đặt để lồng vào nhau rất mật thiết. Nhất quán tương sinh. Tất cả là dạng thể
hình học đầy tính ẩn dụ được Tạ Tỵ vay mượn để tạo hình cho cái logo. Tất cả được sắp đặt có tâm ý chủ động chứ không phải nguệch ngoạc thô thiển mà thành. Và chính điều này cho ta
thấy được tầm vóc của người tạo lập, đã biến cái logo nho nhỏ trở thành một tác
phẩm nghệ thuật có ẩn chứa triết lý sâu sắc để cho mọi người suy
gẫm.
Hình. 07. Thiền sư Sengai (1751-1837). Bức tranh vẽ vào khoảng thế kỷ 18.
( Nguồn: 100 năm hội họa Trừu tượng. Nguyễn Quân ).
Cũng là hình thái Thiên-địa-nhân nhưng tùy theo tư duy của mỗi người, nên cách thể hiện vì thế mà có sự khác biệt.
* Với Thiền sư Sengai (Nhật Bản). Ngài cho rằng con người là một sự kết nối giữa trời và đất, nên ngài đã vẽ ba biểu tượng thành một hàng ngang như một mắt xích đan kết với nhau. (Hình 07).
* Đối với Tạ Tỵ của chúng ta thì lại cho rằng. Sự vật có sự bao trùm và chứa đựng lẫn nhau nên ông đã thể hiện bằng cách vẽ ba biểu tượng có một sự lồng ghép vào nhau từ cái lớn nhất đến bé nhất đồng tâm. Tam thể đồng tâm. Thông qua bản diện của cái logo nêu trên. ( Hình 06 ).
02 – Về màu sắc.
Hình 08. Hình minh họa về Ngũ hành và màu sắc ( Nguồn: tracuu.tuvisomenh.com ).
Dựa vào màu sắc của
ngũ hành theo quan niệm phương Đông. Ta thử xem có gì khác biệt.
Người xưa đã mượn
hình cùng sắc của 05 loại vật chất để mô tả cho ngũ hành. Một học thuyết dịch
chuyển không ngừng ( hành ) trong mối quan hệ vạn vật tương sinh, tương khắc.
Học thuyết ngũ hành chính là qui luật vận động của sự vật. Trong logo của Tạ
Tỵ ta thấy cũng có năm màu (ngũ sắc):
- Vàng =
Thổ ( đất ).
- Xanh dương
= Thủy. ( nước ).
- Trắng =
Kim. ( kim loại ).
- Nâu = Mộc. ( cây )
- Đỏ = Hỏa. ( lửa ).
Sự không giống nhau hoàn toàn nơi bản diện sắc màu theo quy ước của cổ nhân, nhưng tựu chung điều có đủ số lượng biểu thị cho năm nguyên tố cơ bản của năm trạng thái sự vật. Và những sắc màu ông thường sử dụng, ta thấy
nó rất mật thiết với khái niệm về sắc màu của ngũ hành. Những sắc màu được hiểu như là
những nguyên tố cơ bản tương sinh tương khắc của vạn vật. Với ông, tất cả sắc
màu đó là những lời lẽ vô thanh sâu lắng được đem phối hợp với ngôn ngữ hình
họa lập thể Tây phương để trở thành những tác phẩm ẩn chứa một thế giới quan
của riêng mình và...
“ … vào năm
1951, ông tổ chức một triển lãm cá nhân tại Hà Nội. Cuộc triển lãm mang tên Hội Hoạ Hiện Đại.
Tạ Tỵ viết lời mở đầu cho quyển catalogue:
Cái Đẹp là… điều mà tiềm thức phải đã phải làm
việc để nâng cao lên giá trị giữa mực sống bình thường. Cái Động của Thiên
nhiên quay theo với sức nóng của mặt trời cũng như luật tuần hoàn của kiếp
sống. Thay đổi luôn luôn biến chuyển từ Vô Hình đến Hữu Hình, từ Xanh đến Vàng,
từ Hồng đến Tím và xê dịch với tốc độ của thời gian. Nghệ thuật chứa đựng trong
lòng nó cái sức sống tiềm tàng của Đất, Trời. Tiếng nói của Vũ trụ là Âm thanh
và Mầu sắc. Phần Âm thanh rung lên rồi tan đi, Mầu sắc còn lại nói sự “cựa
mình” của Sự Vật.
Qua những lời này, người ta
thấy Tạ Tỵ nhắm đến sự khái quát hóa trong tranh, hay nói một cách khác, tranh
của ông không chỉ thể hiện cảm xúc, nó là nỗ lực của trí tuệ để cảm nhận và
biểu hiện thế giới quanh mình “. (
Nguồn: tienve.org ).
Như vậy. Cả một triết thuyết âm dương, ngũ hành.
Một phạm trù trừu tượng cơ bản để lý giải nguồn gốc vũ trụ. Một thế giới quan
của người xưa được Tạ Tỵ gói gọn vào trong logo của mình trông thật đơn giản.
Nếu không nhờ nó, ta sẽ khó mà biết được ông đã nói gì, muốn chuyển tải những gì trong bảng màu ông yêu thích và ta cũng
có thể xem cái logo này là một tác phẩm tuyệt vời về đồ họa của ông.
Hình 08bis - Ngoài bìa và trang đầu tiên cuốn Cataloge triển lãm tranh của Tạ Tỵ năm 1951.
Khổ sách: 16.5cm x 21cm. In tại nhà in Văn Giao. 88 Lò đúc. Hanoi. Năm 1951.
3 - Sự tương đồng về màu sắc của logo với một số tác phẩm khác của Tạ Tỵ.
Hình 09. Logo ở tác
phẩm “ Lòng mẹ ” của Tạ Tỵ. Hình 10. Tác phẩm của Tạ Tỵ qua ảnh chụp.
Hình. 11. Tác phẩm của Tạ Tỵ qua ảnh chụp. Hình 12.
Tác phẩm của Tạ Tỵ qua ảnh chụp.
Hình 13/ 14. Tác phẩm của Tạ Tỵ qua ảnh chụp.
Hình 15. Tạ Tỵ. Mùa xây dựng. Phụ bản báo Xây dựng mới.
( Những tác phẩm hội họa của Tạ Tỵ trên được lấy từ nguồn google ).
Hình 15a. Tạ Tỵ. Mùa xây dựng. "Bản gốc". Màu nước trên giấy dày. Dùng làm mẫu để in ra các phụ bản cho báo Xây Dựng Mới. Nên màu sắc có sự khác biệt. (Nguồn: Trong bộ sưu tập của ông Vũ Đình Hải).
Rất dễ nhìn thấy bảng màu trong Logo của HS.
Tạ Tỵ đã rải đầy ở trong những tác phẩm khác của ông. Một hệ thống màu quen
thuộc đã được dàn trải xuyên suốt qua các thời kỳ, có thay đổi chăng chỉ là
những hình thể. Chắc chắn là rất ít người quan tâm phân tích đến những
màu sắc trong tác phẩm của ông, mặc dù ông đã từng viết." Tiếng nói của Vũ trụ là Âm thanh và Mầu sắc. Phần Âm thanh rung lên rồi tan đi, Mầu sắc còn lại nói sự “cựa mình” của Sự Vật ". Ta hy vọng rằng, khi bắt gặp được thông điệp ẩn
chứa trong cái logo của ông nơi tác phẩm điêu khắc “ Lòng mẹ ”. Chúng ta sẽ có những suy nghĩ khác và hiểu được tại sao ông đã chọn những màu sắc này. Nhóm màu đã gợi cho
ông những ý tưởng sâu lắng về vũ trụ, con người, về cuộc đời và nhịp sống. Chính
thế mà ông biến nó thành những thông điệp gởi gắm nó vào trong tranh của mình
để mọi người cùng suy gẫm … ( Xem minh họa về màu sắc trong tranh Tạ Tỵ qua những tác phẩm. Hình: 10, 11, 12, 13, 14 và 15. Nguồn Goolge ).
B - PHẦN CHỮ KÝ CỦA TÁC GIẢ.
Trong tác phẩm " Lòng mẹ " này, ta không tìm thấy chữ ký Tạ Tỵ như thông thường. Nhưng nếu chúng ta quan sát trong lõi cái logo sẽ thấy một hình ảnh giống như mẫu tự " S " màu đỏ trên nền vàng, nằm gọn trong một hình tam giác có viền trắng. Chữ " S " này có cái đầu hơi ngắn và cái đuôi dài hơn bình thường trông giống như con rắn. (Xem hình 15bis ).
Hình 15bis. Hình ảnh con rắn trong logo...
Với người Việt Nam thì ai
cũng biết con rắn còn được gọi là " Tỵ " theo 12 con giáp. Họa sĩ Tạ
Tỵ dùng ký hiệu con rắn thay cho tên gọi của mình. Do đó mà chúng ta sẽ
không thể tìm thấy chữ ký Tạ Tỵ như bình thường nữa. Đã dùng ký hiệu " Con
Rắn " rồi, chẳng lẽ lại viết thêm hai chữ Tạ Tỵ. Như thế có quá dư thừa
không? Có quá lạm dụng tên tuổi của mình trong một tác phẩm không?. ? Một điều rất quan trọng nữa
là tổng thể tác phẩm mang đầy tính ẩn dụ và triết lý nhân sinh và vũ trụ quan thì chuyện tạo dựng một
chữ ký mang tính gợi mở vẫn mang tính trọn vẹn hơn...
Cuối cùng với hình ảnh " Con Rắn
" ẩn dụ thay cho chữ ký của mình ở đây. Có thể nói là rất tuyệt vời, rất
phù hợp với tổng thể của tác phẩm " Lòng mẹ " đầy tính nhân văn và triết lý sâu sắc. Rất hiếm thấy trong suốt quá trình sáng tác của ông.
II –
TÌM HIỂU VỀ PHẦN ĐIÊU KHẮC ĐỒNG CỦA TÁC PHẨM "LÒNG MẸ".
Hình 16 - Tạ Tỵ. Lòng mẹ. Điêu khắc đồng ( Phù điêu ) gắn trên ván
ép.
Tác phẩm “ lòng mẹ ” của họa sĩ Tạ
Tỵ. Thuộc thể loại điêu khắc lập thể ( phù điêu ). Chất liệu bằng đồng, được áo ngoài một
lớp sơn đen. Gắn trên miếng ván ép có nhiều vân gỗ. Thực hiện đâu đó trong khoảng những năm: 1955 - 1960 hoặc giả trước nữa (1). Nhìn toàn cảnh tác phẩm. Nổi bật lên hình
ảnh người mẹ đang cho con bú, chung quanh vân gỗ nhìn như mây và nước cuồn cuộn. ( Hình 16).
Một tác
phẩm đương đại ở dạng thức phá vỡ cái chân phương, mũm mĩm dễ nhìn đã tồn tại từ bao lâu
nay trong điêu khắc. Tạ Tỵ muốn người xem thấy một cái gì đó mới trong cách thể
hiện. Làm cho mọi thứ trở nên lạ lẫm, bị bẻ gãy, cắt ráp đầy góc
cạnh của một thế giới lập phương chuyển dịch trong cái nhìn cố định. Những ý
tưởng đa chiều trên mặt phẳng trong tranh được ông chuyển thể qua thế giới chạm
khắc có hình khối đa diện, đa góc cạnh dày và mỏng. Khơi động các chiều nổi, tương
tác với mặt cắt có độ uốn lượn chứ không mơ hồ phẳng phiu như trong tranh…Những
hình thể được chắt lọc, những đường nét hài hòa, gãy gọn trong điêu khắc được
ông dàn trải lên từng centimet vuông.
Một sự cẩn trọng, nghiêm cẩn đến từng nơi chốn cho dù ở góc khuất...
Hình 17 và 17bis. Tác phẩm
điêu khắc đồng và tranh khắc gỗ cùng đề tài về tình mẫu tử của Tạ Tỵ. Phải chăng một ý niệm đã luôn đeo đuổi ông. Đứa con luôn được che chở, ấm
áp trong lòng mẹ, dù cho gió bão, lũ lụt ngoài đời.
A - PHẦN ĐIÊU KHẮC ĐỒNG:
Cách khai thác lối tạo hình khái niệm và mang tính ẩn dụ trong phần điêu khắc đồng của Tạ Tỵ.
1 - PHẦN ĐẦU NGƯỜI.
Pieta_detail.
Hình 18. Hình ảnh cái đầu nghiêng của Đức mẹ và Chúa Giê-su qua cách tạo dáng của người xưa.
( Nguồn 24h.com.vn và nghethuattthanh.net)
* Cái đầu nghiêng trong tác phẩm "Lòng mẹ".
Hình 18a. Tạo dáng cái đầu nghiêng cá biệt thường thấy trong những tác phẩm của Tạ Tỵ. (Nhìn kỹ nơi phía dưới của trũng mắt ta sẽ thấy một vòng tròn nhỏ như con ngươi ).
Từ hình ảnh cái đầu nghiêng thể hiện sự thánh thiện, âu yếm, che chở của Đức Mẹ Maria bế Chúa hài đồng. Rồi đến cái đầu gãy gập biểu hiện cho sự hy sinh, cam chịu, chấp nhận trước mọi nghịch cảnh mà người xưa đã tạo dựng một cử điệu gây xúc cảm rất mạnh mẽ để mô tả Chúa Giê-su bị câu thúc trên thánh giá để chuộc tội cho loài người. Một kiểu thức tạo hình của thời cổ xưa. Một cách biểu cảm cho hiệu quả tối đa về sự thánh thiện, cam chịu cùng sự hy sinh cho tình thương yêu... Ở tác phẩm này Tạ Tỵ đã khai thác, vay mượn từ những phương thức tạo hình đầy ấn tượng của người xưa để biểu diễn điều muốn nói trong tác phẩm của mình thông qua hình ảnh người mẹ.
* Chân dung bán diện.
Hình 18b. Chân dung bán diện trên bản điêu khắc đồng của Tạ Tỵ.
Riêng về hình ảnh chân dung bán diện. Một sự thể hiện quen thuộc của Tạ Tỵ. Ta thường thấy ông thực hiện trên đại đa số những khuôn mặt hí họa các nhân vật nổi tiếng trong giới văn chương nghệ thuật của Việt Nam. Điều gì ông muốn nói ở hình dạng này? Có phải ông muốn đề cập đến vấn đề con người luôn có hai mặt? Phải chăng đó là ngữ nghĩa của hai chữ " CON NGƯỜI " khi tách riêng ra. Mỗi vế bao hàm một triết lý sâu xa về bản chất. " CON " (Thú tính) và " NGƯỜI " (Nhân tính) trong cõi đời. Phải chăng đó là tính " Thiện " và " Ác " hay " Niềm vui " và " nỗi buồn " " Hạnh phúc " hoặc " khổ đau "...v..v... Phải chăng đó cũng là sự tương phản trong cuộc sống được " phát lộ " hoặc " tiềm ẩn " thông qua thân xác của động vật bậc cao loài người? Chân dung bán diện mang thông điệp đầy trí tuệ này do Tạ Tỵ tạo dựng, một lần nữa được ông khắc họa trong tác phẩm " Lòng mẹ " bằng hình ảnh mái tóc cách điệu với bốn mảng nằm ngang chồng đè lên nhau che hết nửa phần trên khuôn mặt người mẹ. (hình 18b).
" Chân dung bán diện ". Chỉ vẽ một nửa khuôn mặt, còn bên kia bỏ trống. Một kiểu thức mới lạ trong làng hội họa Việt Nam kể từ khi có Trường Mỹ Thuật Đông Dương. Họa sĩ Tạ Tỵ đã tạo cho mình một nét riêng độc đáo trong lối vẽ chân dung hí họa. Nhìn vào không thể nhầm lẫn với bất cứ ai....
Chân dung bán diện của các nhân vật nổi tiếng qua cái nhìn Tạ Tỵ.
Hình 18c. Chân dung bán diện và mái tóc kỷ hà quen thuộc trong những tác phẩm của họa sĩ Tạ Tỵ.
(Nguồn Google. Hình ảnh cho Tạ Tỵ ).
* Mái tóc.
Ở phần mái tóc này cho thấy hai khái niệm.
a - Khái niệm về hình ảnh chiếc nón lá.
b - Khái niệm mang tính ẩn dụ.
a - Về hình ảnh chiếc nón lá.
Hình 18d. Mái tóc mang hình ảnh chiếc nón lá.
Nhìn vào ngoại hình phần cái đầu của người mẹ. Ta
thấy một mảng hình chóp với hai đường vát nghiêng mạnh bạo đổ dốc về hai bên. Bên
trong có bốn giải nằm ngang. Nhỏ trên đỉnh lớn dần
xuống phía dưới úp chụp che nửa khuôn mặt, tạo thành một tam giác đỉnh hướng
thiên. Họa sĩ Tạ Tỵ đã cách điệu mái tóc để chuyển tải một ẩn dụ chứ không vẽ xõa
dài bềnh bồng như thường thấy trong các tác phẩm khác của ông. Còn về hình tam
giác úp chụp lên đầu người mẹ ở đây làm cho mọi người liên tưởng đến chiếc nón
lá quen thuộc của dân tộc Việt Nam. Chiếc nón lá. Vật dụng thân thương gắn liền bao thế hệ cùng nếp sinh hoạt đồng áng, phố thị... Chiếc nón lá giúp cho mọi người tránh mưa, che cơn nắng rát mặt, xém da trên khắp mọi nẻo đường bôn ba mưu cầu sự sống quanh năm suốt tháng, cả ngày lẫn đêm mỗi khi ra khỏi nhà. Có thể là chiếc quạt trong phút nghỉ ngơi dưới tiết trời oi ả. Cũng là vật dụng giúp họ vục nước giải tỏa cơn khát bên sông. Cũng gắn liền với tuổi học trò thơ ngây, duyên dáng nghiêng che...v..v... Một hình ảnh tình tự dân tộc. Một nét văn hóa đặc trưng khó mà lẫn lộn với các nước khác chung quanh.
Trong tranh của Tạ Tỵ ở thời kỳ đầu. Tác giả thường đặt để chiếc nón lá có dạng hình tam giác trên cái đầu người nhỏ xíu rất cá biệt...(hình 18e; 18g ). Có phải đó là sự ghi nhớ, muốn đánh dấu thời điểm bằng hình ảnh về chiếc nón lá thân thương gắn đã liền bao đời... Nay đang dần dà bị mai một bởi nếp sống mới!? Ông muốn giữ lại hình ảnh chiếc nón lá trong tác phẩm như một thông điệp gởi cho mai sau chăng?
Hình ảnh chiếc nón lá trong những tác phẩm của Tạ Tỵ.
Hình 18e. Tạ Tỵ. Xây dựng mới. Phụ bản Báo Xây dựng mới. Năm 1958.
Hình 18g. Ta Tỵ. Ráng trời đỏ. Sơn dầu trên carton.
b - Khái niệm mang tính ẩn dụ.
Hình 18g. Mái tóc với những đường kỷ hà mang dạng số ẩn ngữ triết lý.
Với những đường kỷ hà, mảng cắt, vét nằm ngang, dọc không đều được giản lược có tính toán để tạo mảng đa chiều đan chen. Mái tóc này được ông thể hiện rất rõ nét, đúng và đủ với sự tư duy không thừa thiếu bằng:
* " Bốn " mảng dẹt lớn nằm đè ngang che nửa khuôn mặt phía trên.
* " Tám " mảng nhỏ ở bên dưới khuôn mặt nằm vắt lên trên bờ vai trái.
* " Năm " vệt nhỏ thả trên bờ vai phải, phía sau cái cổ.
Tất cả ba con số: 04; 08 và 05 phủ trùm lên chung quanh khuôn mặt người mẹ. Những con số thuộc dạng ẩn ngữ của phương Đông thường dùng, mang tính biểu tượng cho mỗi tiến trình hay từng trạng thái biến động trong thiên nhiên quang năm suốt tháng vây bủa lên con người được Tạ Tỵ phác họa lên mái tóc ... làm cho ta phải liên tưởng đến: " Tứ thời ", " Bát tiết ". Hiện tượng của thiên nhiên xảy ra trong năm. Và " Năm canh ". Thời gian vận hành trong một đêm (2). Con số 05 ở đây cũng có thề cho là " Ngũ uẩn ". Năm yếu tố tạo thành con người và toàn bộ tâm thân (3). Hai con số 04 và 08 này cũng
gói ghém thêm một ý niệm khác là: “ Bốn phương tám hướng ”. Biểu thị cho sự bươn chải khắp chốn phương trời để mưu sinh. Có lẽ họa sĩ Tạ Tỵ cho rằng tất cả là do sự biến thiên của vũ trụ luôn đeo bám, phủ trùm trên toàn thể vạn vật, tác động chi phối rất nhiều vào cuộc sống con người nói chung và người mẹ nói riêng, nên ông đã chọn cách thể hiện như trên.
Có thể nói riêng phần cái đầu trong tác phẩm " Lòng mẹ " này đã gợi lên biết bao nhiêu hình ảnh về sự thúc phược của môi trường sống đối với con người. Nói riêng. Người mẹ quanh năm suốt tháng, ngày đêm không quản nắng mưa nhọc nhằn ( Tứ thời, bát tiết) tần tảo bươn chải khắp chốn mưu sinh ( Bốn phương tám hướng ) mong cho gia đình và con cái được ấm no hạnh phúc. Không kể những khi trái gió trở trời con cái đau ốm, người mẹ thức trắng đêm ( Năm canh ) vỗ về, ru con cho được an giấc... Họa sĩ Tạ Tỵ đã đặt để con số 5 ( Năm canh ) ở vị trí bên cạnh cái cổ của người mẹ, đồng thời đó cũng là cái cần của cây đàn. Một sự gắn kết có chủ đích. Nó gợi sự liên tưởng đến âm thanh, giọng nói. lời ru tiếng hát, tiếng vỗ về.. v..v... trong những đêm trường của người mẹ dỗ dành đứa con được yên giấc mỗi khi đầu giăng cuối giăng.
Ngoài những điều sâu xa đó, ông còn cho ta thấy sự tinh tế đến từng chi tiết của mình. Vầng trán, gióng mũi, bờ môi và cằm được đem đặt để vào từng vị trí đúng với hình thái của nó qua dáng cách lập thể. Tất cả những gì nơi đây cho thấy rõ một cái gì rất thánh thiện, cam chịu.. Nhìn kỹ vào trũng mắt ta còn thấy được cả một vòng tròn nhỏ như con ngươi. Một vi tế rất đáng trân trọng, mặc dù chuyện này có thể bỏ qua, nhưng ông vẫn thực hiện. Đó cũng là việc để người thưởng lãm thấy rõ được đẳng cấp bậc thày, việc làm cẩn trọng, có trách nhiệm của ông.
2 - PHẦN CỔ VÀ VAI NGƯỜI.
Hình 19. cái cổ và
đôi vai.
a - Cái cổ.
Kết hợp với đầu nghiêng là cái cổ dài, to ngang khỏe mạnh, vát mỏng đổ nghiêng vào trong, phần dày vênh chếch lên phía ngoài, được đặt để nằm giữa hai bờ
vai đầy đặn, kéo xuống vùng trũng là vú bên phải. Toàn thể phần này trông giống như hình dáng của cây đàn guitar. Và ta cũng phải hiểu. Hình ảnh cái cần đàn to, mạnh mẽ đó chính là cái cổ người mẹ. Điều Tạ Tỵ muốn nhấn mạnh về nơi phát xuất ra âm thanh. Mượn nó để biểu diễn cho nơi truyền tải những tiếng ru, điệu hò hùng tráng, du dương muôn thuở, đầy ắp sự yêu thương từ trong tâm hồn của người mẹ để vỗ về, ấp ủ đứa con trong vòng tay ấm áp! Không quản năm tháng, ngày và đêm.... .
b - Đôi vai.
Đôi vai được họa sĩ Tạ Tỵ tạo hình rất dày dặn, to khỏe. Bên trái nhô cao đỡ lấy cái đầu một cách chắc chắn. Bên phải xuôi, oằn xuống gánh chịu cái cổ to bản vắt ngang, giống như cái đòn gánh đè lên phần đuôi tóc. Hiệu ứng của hình ảnh dẫn đến. Nhô lên để chống đỡ. Oằn xuống để gánh vác, chịu đựng. Phải chăng trước cuộc sống người mẹ phải dang đôi vai ra gánh vác, chịu đựng mọi sự... để nuôi dưỡng cho con khôn lớn? Những ẩn dụ đầy sâu sắc được thể hiện qua những hình thẻ dáng cách cực kỳ đơn giản trên bản đồng đã nói lên cái tuyệt vời của người tạo tác ra nó. Xứng danh là bậc thày trong giới mỹ thuật nước nhà.
Tóm lại: Nhìn vào cái cần cổ to khỏe, đôi vai mạnh mẽ và chiếc vú trũng sâu. Đem kết hợp lại nó cho ta thấy cây đàn guitar rất rõ ràng. Một hình ảnh quen thuộc thường thấy xuất hiện trong những tác phẩm của họa sĩ Tạ Tỵ. Với cách tạo hình vay mượn những vật thể thật đơn giản nhưng phong phú và đa dạng để gởi gắm ý tưởng trong hội họa của Tạ Tỵ. Nó đã gợi mở cho mọi người thấy được nét tài hoa rất cá biệt về phong cách tạo hình nghệ thuật mang tính ẩn dụ hàm chứa ý tưởng sâu sắc của ông... Trong tác phẩm này Tạ Tỵ đã vay mượn hình thể con người để diễn cảm, để nói về lời ru tiếng hát của người mẹ bằng hình ảnh cây đàn guitar... Một ẩn dụ rất sáng tạo, rất tuyệt vời... Dù khó tính đến mấy cũng không thể chê vào đâu được...
Hình ảnh cây đàn guitar thường thấy xuất hiện trong những tác phẩm của Tạ Tỵ. Nhất là trên các bìa nhạc từ năm 1951 và 1954.
( Tư liệu bìa nhạc do hai bạn Thông và Quang cung cấp ).
3 - PHẦN THÂN NGƯỜI.
Hình 20. Sự tương phản " đầy-vơi " nơi đôi vú người mẹ.
Ở Phần thân người này. Có ba phần cần lưu ý. Đứa trẻ, đôi vú người mẹ và cánh tay.
* Đứa trẻ. Hình ảnh đứa con trong tư thế đang nhoài người áp vào thân mẹ. Khuôn mặt không có hình dạng, mà chỉ là sự khoét trũng, đối diện với vùng trũng lớn của bầu vú mẹ. Có thể nói rằng hai vùng trũng có chủ đích trong tác phẩm này chỉ sự chứa đựng. ( Vùng trũng, luôn là nơi chốn chứa đựng...nước đọng vùng trũng ). Hình ảnh cả hai vùng trũng lớn nhỏ nằm cạnh nhau cộng với đôi tay đứa trẻ....Khái niệm của sự bưng lên uống lấy, như đang tận hưởng những gì có được trong tầm tay. Gợi lên sự tiếp nhận và ban truyền muôn thuở của tình mẫu tử...
Một sự tinh tế khác trong cách tạo dáng nơi thân hình đứa con khi Tạ Tỵ cố tình cho bàn chân đứa bé ló khỏi cái mông. Một phần rất nhỏ trong khối tổng thể nhưng cho thấy tác giả cẩn trọng trong cách tạo dáng đến bực nào. Những cái nhỏ cứ tưởng không là gì. Nhưng chính nó lại là điều mà người thưởng lãm đòi hỏi nơi họa sĩ có đẳng cấp.
* Đôi vú. Hai bầu vú mẹ. Nơi chứa đựng nguồn sữa, mạch sống từ
người mẹ truyền cho con được mô tả bằng hai khối hình nón tương phản.
Cái nhô cao. Cái trũng xuống.
Một tư duy có tầm vóc bậc thày. Khi tác giả đã tạo hình
cho đôi vú có sự tương phản trực diện. Một cái căng đầy nhựa sống vồng
lên tròn trịa như ngọn núi biểu thị cho sự chứa đựng. Một cái trũng xuống. Cái
vú trũng này chìm sâu vào trong thân thể người mẹ như muốn nói về mạch ngầm
thương yêu vô tận. Hay là những gì tinh túy nhất bên trong cơ thể người mẹ được
kết tinh lại để biến thành chất dinh dưỡng nuôi cho đứa con khôn lớn. Rất gần gũi
với câu ca dao: “ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”
* Cánh tay. Đôi tay người mẹ được khắc họa to khỏe vòng xuống ôm, đỡ đứa trẻ. Một cách diễn đạt sự luôn luôn che chở cho đứa con bằng đôi tay, tấm lòng người mẹ.
Nơi đây cả là một triết lý hình thể thâm thúy mà Tạ Tỵ đã sáng tạo đưa vào trong tác phẩm. Mọi thứ đã trở thành một ngôn ngữ nghệ thuật trác tuyệt của riêng ông, một đóa hoa đầy màu sắc và hương thơm cực quý không thể chối cãi, không dễ bắt gặp trong rừng nghệ thuật.
4 - PHẦN CHI DƯỚI.
Hình 21. Những đường cắt gọt trong tạo hình trong tác phẩm “ lòng
mẹ ”.
Đôi chân: Tạ Tỵ đã tạo dáng đôi chân dài ngắn. Đã cho thấy một hình ảnh bước thấp bước cao của sự di chuyển vội vã. Những cử điệu được khắc họa bằng ngôn ngữ điêu khắc lập thể trông thật chắc khỏe và sinh động. Nói lên được sự tất bật vất vả của người mẹ luôn phải bươn chải khắp bốn phương trời để mưu sinh mong nuôi con cho khôn lớn.
Với tất cả những ý tưởng sâu lắng về tình mẫu tử qua hình ảnh thân thương người mẹ ôm ấp đứa con trong lòng. Tạ Tỵ đã vay mượn ngôn ngữ lập thể trong hội họa đem dàn trải lên khối đồng vô tri, hình thành một tác phẩm điêu khắc thật tuyệt vời, rất nhân bản. Thật không dễ dàng chút nào nếu không có kiến thức sâu rộng lẫn tài hoa cùng hồn nghệ sĩ đích thực.
Và ta cũng có thể hiểu vì sao các tác phẩm điêu khắc, đồ họa, sơn mài và gốm của ông rất hiếm hoi trên mặt bằng xã hội. Nhất là đối với tác phẩm điêu khắc bằng kim loại, việc thực hiện đòi hỏi phải có công cụ, bản lãnh, có cái nhìn sắc bén, tay nghề để xử lý những phân đoạn kỹ thuật phức tạp. Các thao tác trong lúc thực hiện các hạng mục này vấp phải sự khó khăn gấp nhiều lần so với việc thực hiện một tác phẩm hội họa, tranh đồ họa hay gốm. Chính thế mà những tác phẩm điêu khắc luôn luôn có phần hiếm hoi hơn các tác phẩm ở các dạng khác là vậy. Không chỉ riêng ở Tạ Tỵ mà các tác phẩm điêu khắc của các điêu khắc gia khác cũng nằm trong trường hợp này.
III - TÌM HIỂU VỀ PHẦN NỀN CỦA TÁC PHẨM ĐIÊU KHẮC "LÒNG MẸ":
Hình 22. Những vân gỗ trên nền miếng ván ép. Lấy phần hông của người mẹ làm chuẩn. Phía trên, bên dưới mô tả trời mây nước và cách bố trí bản điêu khắc đồng hơi bó xuống phía dưới, tạo nên sự không cân xứng theo phong cách phương Đông...
Nếu như tác phẩm điêu khắc này được họa sĩ Tạ Tỵ đặt lên trên một nền vải nhung hay một mặt nền nào khác cho dẫu là vật liệu quí, chắc chắn nó sẽ không bao giờ đạt được hiệu quả đầy ấn tượng như đặt để lên trên mặt phẳng một miếng ván ép như thế này. Tạ Tỵ đã khai thác được cái tự nhiên đa dạng của vân gỗ và dùng nó để mô tả những hình thái thiên nhiên có liên quan đến môi trường sống của con người. - Từ phần hông trở lên, Những vân gỗ có dáng vẻ như mây gió cuồn cuộn vần vũ trên bầu trời.
- Từ phần từ hông trở xuống các vân gỗ như những đợt sóng dào dạt vỗ bờ lênh láng.
Tạ Tỵ đã khéo léo chọn lựa. Giao cho phần phông nền một sứ mệnh cực kỳ quan trọng, chứa đựng cả một ý niệm đầy trí tuệ, không thể thay thế. Cái không gian rộng lớn của trời đất bao trùm sự vận hành của của vũ trụ tiến hóa, biến đổi không ngừng chi phối vạn vật. Mở ra ý tưởng: Đứa con luôn được bảo bọc bởi tình thương yêu mẫu tử bất diệt của người mẹ, nuôi con khôn lớn trước những phong ba bão táp cuộc đời.
Có một điểm mà ta cần đặc biệt lưu ý. Đó là cách Tạ
Tỵ gắn bản điêu khắc đồng lên bề mặt miếng ván ép. Khai thác nó làm phần nền cho tác phẩm. Ở đây cho thấy có sự tư
duy chắt lọc và nghiêm cẩn chứ không phải vô tình mà ra. Ông đã không đặt để bản điêu khắc đồng ở ngay
phần trung tâm miếng ván ép mà lại bố trí cho nó hơi xệ xuống về phía dưới. Khiến
cho phần nền ván ép ở phía bên trên dư ra, có phần rộng lớn hơn. Trong
khi phần dưới chân bị thu hẹp lại. Rất không cân xứng. Nhưng đây là một việc làm
có chủ đích chứ không phải vô tình. Một quan niệm về Thiên và Địa của giới học
thuật Đông phương mà họ luôn tuân thủ. Phần trời (Thiên) bao giờ cũng phải lớn
rộng hơn phần đất (Địa). (Điều này ta thường bắt gặp ở loại tranh trục của
Trung Quốc. Người thợ bồi tranh luôn để cho phần riềm bảo vệ bức tranh ở bên trên
(Thiên) chiếm 60%. Phần riềm bên dưới (Địa) chỉ có 40% mà thôi. Khác hẳn với phương
Tây. Riềm bảo vệ bức tranh, bốn bên thường làm đều nhau). Họa sĩ Tạ Tỵ vay
mượn ý tưởng này đem vào trong tác phẩm “Lòng Mẹ” của mình khi ông đặt bản đồng
lên trên miếng ván ép ở tư thế rất không đều đặn như thế. Nhưng nó lại rất phù hợp với quan
niệm về Thiên Địa của phương Đông mà ông đã lãnh hội. Rất phù hợp với phần vân gỗ tren nền ván ép. Sự thể hiện chăm chút đến từng chi tiết như thế
này càng khiến cho tác phẩm trở nên cuốn hút, đánh động mạnh mẽ đến tâm ý của
người thưởng lãm mỗi khi đứng trước nó. Đồng thời cũng cho thấy được sự nắm bắt
sâu rộng về học thuật Đông phương của Tạ Tỵ sâu sắc như thế nào xuyên suốt qua
tác phẩm “Lòng Mẹ” này.
Tóm lại. Thông
qua tư duy ngôn ngữ hội họa cùng sự dàn trải ý tưởng ẩn chứa trong từng hình thể áp đặt vào logo, rồi đến từng nơi chốn trong tác phẩm điêu
khắc và phần nền ván ép. ( ba tác phẩm trong một ), đủ để ta khẳng định về vị trí bậc thày của Tạ Tỵ trong làng nghệ thuật nói chung và ngành điêu khắc nói riêng. Cũng không ngần ngại gì khi cho rằng tác phẩm " Lòng mẹ " này của Tạ Tỵ là một sự bùng vỡ triết lý nghệ thuật, triết lý hình thể rất đẳng cấp, có tính nghệ thuật rất cao, ẩn chứa nhiều thông điệp nhân sinh, vũ trụ quan nhắn gởi đến người thưởng lãm. Một tác phẩm vượt trội, dẫn dắt người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, cuốn hút đến từng phân vuông một trên bản thể. Rất khó mà tìm được một tác phẩm nghệ thuật nào trong sự nghiệp của Tạ Tỵ có mang đầy đủ cả về " ý " lẫn " hình " vượt qua được tác phẩm " Lòng mẹ " này. Nếu không muốn nói rộng ra...
Có vẻ đây là tác phẩm điêu khắc cực kỳ hiếm hoi, thuộc một trong những bộ môn mà họa sĩ Tạ Tỵ đã kinh qua chưa từng được biết đến. Cũng là lần đầu tiên được phát hiện, lộ dạng công khai trên trường nghệ thuật điêu khắc và hội họa tại Việt Nam.
IV – VIỆC ĐẶT TÊN CHO TÁC PHẨM.
Giữa hai cụm từ “ Tình mẫu tử ” và “ Lòng mẹ ” có gì khác biệt?
a/ Tình mẫu tử: Mẫu là mẹ. Tử là con. Là cụm từ Hán Việt. Nói về tình cảm thiêng liêng yêu thương vô bờ bến của người mẹ đối với con cái.
b/ Lòng mẹ:
- Lòng. Nghĩa đen: Một từ chỉ ruột gan nội tạng. Nghĩa bóng nội tâm, tâm hồn. Môt tình cảm bộc phát sâu xa từ bên trong của con người.
- Mẹ: Chỉ về người phụ nữ có con.
“ Lòng mẹ ” là cụm từ thuần Việt. Được dùng để mô tả lòng thương yêu bao la, sự hy sinh không quản ngại của người mẹ đối với con cái.
Cả hai cụm từ “ Tình mẫu tử ” và “ Lòng mẹ ” đều chỉ danh cho tình yêu thương của người mẹ đối với con cái của mình…
Vậy “ Tình mẫu tử ” và “ Lòng mẹ ” có gì khác biệt?
- Cụm từ “ TÌNH MẪU TỬ ”. Giúp cho người nghe thấy và nhìn được sẽ cảm nhận một cách mơ hồ về một tình cảm thân thương giữa mẹ và con. Nó không khiêu gợi được tâm trạng sâu lắng thắm thiết mà chỉ cho thấy sự việc có vẻ bao quát, rộng lớn và hơi mông lung… không sâu sát về hình ảnh người mẹ trong tâm trí con người…. Nó sẽ cho mọi người có cảm nhận chung chung giống như các cụm từ khác như: Tình phụ tử; Tình yêu đôi lứa; Tình yêu nhân loại; Tình yêu tổ quốc… v…v…
- Hai chữ “ LÒNG MẸ ”. Cụm từ này rất dễ giúp cho người nghe thấy và nhìn thấy nghĩ ngay đến tình cảm gần gũi, ấm áp thân thương, banh da xẻ thịt của người phụ nữ. Một gợi nhớ đến sự phơi bày cả gan ruột, hy sinh vô bờ bến, không quản gian nan khổ cực, chấp nhận hy sinh bản thân để bảo vệ cho con cái của người mẹ…
Với những lý giải vừa nêu trên. Theo ý chủ quan của người viết. Cụm từ “ Lòng mẹ ”. Dễ đánh động đến tâm thức của mọi người, khiến họ cảm nhận một cách thấm thía, sâu sắc về tấm lòng yêu thương của người mẹ đối với con cái hơn là cụm từ “ Tình mẫu tử ”… Có phải vì thế mà họa sĩ Tạ Tỵ đã sử dụng cụm từ “ LÒNG MẸ ” cho tác phẩm này thay vì dùng cụm từ “ TÌNH MẪU TỬ ”?
V - HOÀN CẢNH RA ĐỜI.
Với những đường nét rất sắc xảo, thật
tinh tế và mượt mà, đã được thực hiện trên khối đồng một cách chỉn chu như ta
thấy nơi tác phẩm điêu khắc đồng " Lòng mẹ ". Chắc chắn là tác giả phải
có một cơ sở chuyên ngành về kỹ thuật tiện, phay, bào, nguội rất tốt mới tạo
tác được như vậy. Nếu không có hành nghề cơ khí, thì việc sắm dụng cụ kỹ thuật
để trong nhà là một chuyện không tưởng. Từ đó ta có thể suy ra rằng, việc thực
hiện tác phẩm " Lòng mẹ " này sớm nhất cũng phải từ năm 1954. Có
nghĩa là từ khi Tạ Tỵ di cư vào Saigon rồi gia nhập quân đội ở ngành Chiến
Tranh Chính Trị. Một đơn vị có rất nhiều phương tiện về kỹ thuật và máy móc để
hỗ trợ cho công việc tuyên truyền của chính phủ. Có thể nói mảnh đất quân đội
đã hỗ trợ rất tốt, tạo nhiều sự thuận lợi cho công việc sáng tác của ông. Tác
phẩm điêu khắc đồng " Lòng mẹ " của Tạ Tỵ là một tiêu bản nặng về kỹ
thuật cơ khí đã biểu lộ rất rõ cho việc ra đời trong hoàn cảnh này.
Theo như lời của các nhà nghiên cứu và phê bình thì mãi đến
năm 1960, Tạ Tỵ mới chuyển sang sáng tác theo lối Trừu tượng. Như vậy tác phẩm
" Lòng mẹ " đầy chất Lập Thể này phải chăng được thực hiện trong giai
đoạn từ năm 1955 đến 1960. Khi mà trường phái Lập Thể vẫn còn ngự trị mạnh mẽ trong
ông. Và thêm một dữ kiện được xem là đồng
dạng minh dẫn trong bài. Đó là bản kẽm khắc họa chân dung ông Phan Lạc Tuyên (
Hình 04 ). Do họa sĩ Tạ Tỵ thực hiện năm 1956. Ở giai đoạn đầu lúc ông mới gia
nhập vào Tổng Cục CTCT. Với hai tác phẩm nặng về kỹ thuật cơ khí. Một là chân
dung ông Phan Lạc Tuyên. Hai là tác phẩm “ Lòng mẹ ”. Chúng là một minh chứng hùng
hồn cho thấy họa sĩ Tạ Tỵ đã từng dùng phương tiện cơ khí trong việc thực hiện ở
một số tác phẩm của mình… Dựa vào năm ra đời bản kẽm chân dung ông Phan Lạc Tuyên
năm 1956 (4). Ta có thể cho rằng tác phẩm “ Lòng mẹ ” được Tạ Tỵ sáng tác vào giai đoạn
từ những năm 1955 đến 1960 là hợp lý vì tính đồng dạng về phương diện dùng kỹ
thuật cơ khí để tạo dựng tác phẩm.
Có thể nói giai đoạn ở trong quân ngũ thuộc
Tổng cục CTCT là điểm mở đầu hanh thông mang nhiều thuận lợi để cho Tạ Tỵ xả
nguồn sáng tác, tuôn trào những tác phẩm mà ông đã đeo đuổi từ khi ra trường bị
dồn nén, thúc phược từ bấy lâu. Theo nguồn Wikipedia cho biết. Tạ Tỵ có hai cuộc
triển lãm vào năm 1956 và năm 1961 tại Saigon. Số lượng 60 tác phẩm cho mổi lần
triển lãm. Cả hai cuộc triển lãm đã cho thấy một số lượng tranh không nhỏ. Phải
chăng nó đã minh chứng về sự thuận lợi mà Tổng cục CTCT đã vô tình hay hữu ý hỗ
trợ cho công việc sáng tác của Tạ Tỵ như thế nào khi ở trong quân ngũ.
Xin mượn lời viết của nhà phê bình Long Ân:
" Chúng ta hãy nhìn vào chính con người họa sĩ, những suy nghĩ của họ, những kỹ thuật của họ gửi trong tác phẩm ".
VI. KẾT
LUẬN:
Một tác phẩm khi ta càng đào sâu vào. Mỗi phần sẽ cho thấy cả
là một sự trăn trở đầy sáng tạo. Trong đó chứa đựng tính ẩn dụ, triết lý nhân
sinh và quan niệm sống của con người rất thâm thúy. Cái tuyệt của Tạ Tỵ trong
tác phẩm “ Lòng mẹ ” này là ông đã mượn cái hữu thể vật chất để chuyển tải cái
vô thể tâm thức thành một tác phẩm đầy ấn tượng. Có nghĩa là ông sáng tạo ra những
mô thức kỷ hà trên nền tảng kỹ thuật điêu khắc, hình họa hữu thể phức hợp để phô
diễn những tư duy triết lý nhân sinh quan và vũ trụ quan trong đời sống con người
nói chung và về người mẹ nói riêng mà không cần dùng đến tính năng của văn tự. Mỗi
mảng, mỗi vị trí và mỗi mô thức... được chắt lọc rất cẩn trọng và mạch lạc ở mức
vừa đủ, không chút dư thừa đến mỗi từng chi tiết. Điều này khiến
chúng phát huy được bản thể một cách mạnh mẽ và rõ ràng, đủ sức truyền tải cho
người xem thấy được những điều muốn nói về lòng yêu thương, sự gắn kết, sự hy
sinh vô bờ bến của người mẹ trong suốt cuộc đời vì đứa con...
Có
thể nói đây là một tác phẩm của Trí – Tri, của Tri Hành hợp nhất, của triết lý
nhân sinh, vũ trụ quan đầy ắp tính ẩn dụ cao diệu của bậc đại lão sư Tạ Tỵ. Một
tác phẩm ở thể loại điêu khắc ( Phù điêu ) mang chủ đề về tấm lòng người mẹ được triển khai trên chất liệu đồng bằng kỹ thuật cơ khí rất tinh tế và công phu. Có thể cho là có một không hai trong làng nghệ thuật hội họa Việt
Nam….
Xin nhắc lại
những điều họa sĩ Tạ Tỵ đã nói:
" Sức mạnh của nghệ thuật càng lên
thì con người càng cao quý, vì cái chứa đựng "bên trong" bao giờ cũng
tới trường cửu. Người nghệ sĩ cần chất "Hồn" hơn chất
"Xác", ở đấy phần màu sắc dâng lên và đập mạnh vào trí não trút xuống
bàn tay thần diệu. Biến chuyển của thời gian đã giúp cho Vũ Trụ thay đổi màu
áo, trái lại Thời gian đối với lòng Nghệ sĩ hầu như không có. Vì thế người Nghệ
sĩ của phái "họa sống", chỉ đi tìm cái "Đẹp" của Tư tưởng
cái "Hay" của vĩnh viễn. Kỹ thuật chỉ là phương tiện thứ hai để diễn
đạt phần thu hút thứ nhất: "Lý trí". Những cái gì đã lọt vào khe mắt
của "Nghệ sĩ mới" đều phải lọc qua và đảo lộn, xoay theo chiều cân đối
".
Cauminhngoc
(Người phát hiện, lưu giữ và giới thiệu).
18/04/2014.
Họa sĩ Tạ Tỵ( 1922-2004)
(ảnh nguồn: newvietart.com)
.
(1)
Theo họa sĩ Trịnh Cung, Tạ
Tỵ là người gắn bó và đi đầu trong phong cách hội họa lập thể ở Việt Nam từ thập
niên 1940 đến 1960.
Sang thập niên 1970, ông
chuyển sang phong cách trừu tượng. (Nguồn Wikipedia ).
(2) TỨ THỜI-BÁT TIẾT. (四時 - 八節)
TỨ THỜI:
Một năm có bốn mùa.
* Mùa Xuân, bắt đầu từ tháng Giêng đến hết tháng Ba.
* Mùa Hạ, bắt đầu từ tháng Tư đến hết tháng Sáu.
* Mùa Thu, bắt đầu từ tháng Bảy đến hết tháng Chín.
* Mùa Đông, bắt đầu từ tháng Mười đến hết tháng Chạp.
BÁT TIẾT.
Tám thời gian tính theo khí hậu trong năm, gồm các tiết.
1 - Tiết Lập Xuân: Bắt đầu mùa Xuân, vào ngày 4-5 tháng 02 Dương
lịch.
2 - Tiết Lập Hạ: Bắt đầu mùa Hạ, vào ngày 6-7 tháng 05 Dương lịch.
3 - Tiết Lập Thu: Bắt đầu mùa Thu, vào ngày 9-10 tháng 08 Dương
lịch.
4 - Tiết Lập Đông: Bắt đầu mùa Đông, vào ngày 7-8 tháng 11 Dương
lịch.
5 - Tiết Xuân phân: Thời tiết bắt đầu vào mùa Xuân, vào ngày 21-22
tháng 03 Dương lịch, ngày mặt trời qua Xuân phân điểm. Lúc đó ngày và đêm dài
bằng nhau.
6 - Tiết Thu phân: Thời tiết bắt đầu vào mùa Thu, vào ngày 23-24
tháng 9 Dương lịch. , ngày mặt trời qua Thu phân điểm. Lúc đó ngày và đêm dài
bằng nhau.
7 - Tiết Hạ chí: Thời tiết bắt đầu vào mùa Hạ, vào ngày 21-22
tháng 6 Dương lịch, ngày mặt trời qua điểm Hạ chí. Lúc đó Bắc bán cầu ngày dài
nhất và ngắn nhất.
8 - Tiết Đông chí: Thời tiết bắt đầu vào mùa Đông, vào ngày 22-23
tháng 12 Dương lịch, ngày mặt trời qua điểm Đông chí. Lúc đó ngày rất ngắn và
đêm rất dài.
( Theo Tự điền Hán Việt. Nguyễn quốc Hùng ).
NĂM CANH: (
五 更)
Theo như sự phân lập của người xưa thì một đêm có NĂM CANH.
1 - Canh một.... từ 19 giờ đến 21 giờ.
2 -
Canh hai.... từ 21 giờ đến 23 giờ.
3 - Canh ba.... từ 23 giờ đến 01 giờ. (Nửa đêm giờ Tý, canh ba).
4 - Canh tư.... từ 01 giờ đến 03 giờ.
5 - Canh năm.... từ 03 giờ đến 05 giờ.
BỐN PHƯƠNG TÁM HƯỚNG.
* Từ điển tiếng Việt trực tuyến http://vndic.naver.vn giảng rằng: Bốn phương tám hướng là tất cả mọi phương, mọi hướng trong bầu trời. Cụm từ này đồng nghĩa với bốn phương.
* Trong thuật phong thủy, người ta căn cứ vào bốn phương đầu tiên là Đông, Tây, Nam, Bắc mà lập thành tám hướng tính theo ngược chiều kim đồng hồ gồm: Chính Đông, Đông Bắc, Chính Bắc, Tây Bắc, Chính Tây, Tây Nam, Chính Nam, Đông Nam, mỗi hướng 45 độ. Tám hướng này lại chia nhỏ thành 24 phương vị, mỗi phương vị 15 độ .
* Cách hiểu thông thường là như thế. Tuy nhiên, còn có một cách hiểu nữa theo hướng triết học, như cách giải thích của tác giả Đinh Hà Triều (giáo viên Trường THPT Xuân Diệu, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).
Trước tình hình này, tác giả đã cố gắng vận dụng một số tài liệu liên quan viết về truyền thống triết học và ngữ văn phương Đông thời Trung đại để tự trang bị cho mình một cách hiểu tương đối thỏa đáng, sau đó để có thể cắt nghĩa cho học sinh.
" Thiên “Tề tục huấn” sách Hoài Nam Tử có ghi: “Tứ phương, thượng hạ vị chi vũ” (bốn phương, trên dưới, gọi là vũ). “Vãng cổ lai kim, vị chi trụ” (xưa qua nay lại, gọi là trụ). Như vậy, vũ là khái niệm chỉ khoảng không, tức không gian; trụ là khái niệm chỉ thời gian ".
* Sách Cơ sở Ngữ pháp Hán Nôm tập 1 (GS. Lê Trí Viễn chủ biên, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1984) ở mục từ Vũ có giải nghĩa: “6 phương: trên, dưới, đông, tây, nam, bắc”. “Trụ chỉ quá khứ, hiện tại”. Vũ trụ: Nói chung chỉ cả không gian và thời gian theo quan niệm cổ nhân (Sđd, tr 168).
Như vậy, vũ trụ được hiểu một cách nhất quán là khái niệm chỉ chung toàn bộ thực tế vật chất khách quan trong không gian và thời gian. Nói tóm lược:
Vũ trụ = Vũ + Trụ = Không gian + Thời gian
= 6 hướng + 2 hướng
= 8 hướng ( Nguồn: Báo Đà Nẵng điện tử ).
(3) NGŨ UẨN: ( 五蘊)
1 - SẮC
( 色). Chỉ thân và sáu giác quan (hay còn gọi là lục căn. Bao gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), do Tứ đại chủng tạo thành. Đó là bốn yếu tố: Đất, nước, gió, lửa. Sắc tạo nên các giác quan và đối tượng của chúng.
2 - THỤ
( 受). Tức là toàn bộ cảm giác, không phân biệt chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính.
3 - TƯỞNG
(想). là nhận biết các tri giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị... kể cả nhận biết ý thức đang hiện diện.
4 - HÀNH
( 行). là những hoạt động tâm lý sau khi có TƯỞNG. Ví dụ: Chú ý, đánh giá, vui thích, ghét bỏ, quyết tâm, tỉnh giác. HÀNH là đối tượng đã tạo nên nghiệp thiện ác.
5 - THỨC
( 識). Bao gồm sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quan: Ý thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. THỨC phụ thuộc vào sáu căn tiếp xúc với sáu trần để hình thành nên sáu THỨC. Nếu không có thức người ta sẽ không phân biệt được màu sắc hay âm thanh..v..v.. ( nguồn Wikipedia ).
(4) TẠ TỴ NÓI VỀ PHAN LẠC TUYÊN.
Tạ
Tỵ nói về Phan lạc Tuyên.
Nơi tôi
làm việc [ bây giờ ] có thêm 1 nhà thơ, đó là đại
úy Phan Lạc Tuyên. Tác phong của Phan Lạc Tuyên rất nhà binh. Anh thay Đỗ
Tốn trông nom tờ TIỀN PHONG. Phan Lạc Tuyên dáng ngưởi hơi mập, đặc
biệt mắt lé; nhưng không đến nỗi nào! Tính tình hơi khô khan một chút, nhưng có
lòng với anh em. Anh sống cuộc đời lính chiến đấu lâu rồi, mới ngồi ở văn
phòng, nên đôi khi có hành động hơi cứng rắn. Cái gì
không ưng ý, anh nói thẳng, chứ không quanh co, hoặc sợ mất lòng ai
hết. Người ta biết tiếng Phan Lạc Tuyên qua bài thơ TÌNH QUÊ HƯƠNG
, được nhạc sĩ ĐAN THỌ phổ nhạc. Sự giao du giữa tôi và Phan
Lạc Tuyên ở mức độ vừa phải, không thân, không
sơ. Đặc biệt, anh rất mê tranh của tôi. Anh có ghé thăm nhà
tôi 1 vài lần, để xem tranh và bày tỏ cảm tưởng về lối vẽ trừu tượng, mà tôi đang thực hiện, dự
tính cho cuộc triển lãm sắp tới. Anh ngỏ ý muốn mua tác phẩm với
giá đặc biệt. Tôi đồng ý và chỉ xin mượn lại để trưng bầy
khi có triển lãm.
Phan Lạc
Tuyên tuy không nói thẳng ra, nhưng qua lời bóng gió, tôi biết anh không
ưa chế độ Ngô Đình Diệm. Một hôm, anh lục tủ hồ sơ, vô tình tìm thấy 1 bài viết
đả kích ông Diệm, anh biết bài đó ai viết, ở giai đoạn nào. Anh cầm xấp bài,
vẫy tôi lại chỗ vắng, bảo:
- Ông ơi, tôi thấy bài này trong tủ hồ sơ, ông hủy ngay đi, nếu ai biết, chắc
ông sẽ không yên thân đâu ?
Nói xong,
anh đưa xấp bài cho tôi. Nhìn chữ viết, không phải là nét chữ của tôi, mà của 1
trong những người thuộc ban biên tập chống ông Diệm dưới thời tướng Hinh –
nhưng dù sao, tôi cũng phải chịu trách nhiệm. Tôi cảm ơn Phan Lạc Tuyên, xé nhỏ
xấp bài, quăng vào thùng rác phi tang ! Nhưng Phan Lạc Tuyên cũng không
làm chung với tôi lâu . Anh xin được thuyên chuyển qua đơn vị
Biệt động quân, nhưng vẫn ở trong ngành Chiến tranh tâm lý (danh
xưng mới của Phòng 5).
Rồi tình
hình chính trị của miền Nam
dưới chế độ Ngô Đình Diệm không còn êm ả nữa. Những đợt sóng ngầm chống
đối đã nổi lên, báo trước những gì sẽ xảy ra, nếu chính quyền không khôn khéo
sửa đổi cho hợp lòng người. Nhưng ông Diệm quá tin váo sự ngay thẳng của mình,
cũng như tinh thần chống Cộng tuyết đối của chế độ, do ông và gia đình điều
khiển- nên mới đưa đên cuộc đảo chính của đại tá Nguyễn Chánh Thi ,
tư lệnh Nhảy Dù, và các đơn vị Biệt động quân – trong đó có Phan Lạc Tuyên,
vào 1960. Cuộc đảo chính thất bại, những tay chủ
chốt lên máy báy, qua tị nạn ở Cao Miên (Campuchia), trong đó có cả Phan Lạc
Tuyên.
Kể từ
ngày đó, giữa tôi và Phan Lạc Tuyên không 1 lần gặp lại. Sau những
ngày tháng lưu vong nơi xứ người, không hiểu sao Phan Lạc Tuyên
lại đi theo Mặt
trận giải phóng, ra Hànội, và được đi Liên Xô học về lịch sử, và có văn bằng phó tiến sĩ. ( HS. Tạ Tỵ đã thực hiện bản khắc kẽm chân dung Phan Lạc Tuyên năm 1956 ở trong giai đoạn 1954-1960 ).
TÀI LIỆU THAM KHẢO.
Xin lưu ý. Để thuận tiện cho người viết cũng như người đọc. Phần TÀI LIỆU THAM KHẢO được ghi trực tiếp ngay sau phần dẫn nguồn và nằm trong ngoặc đơn.