Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

TẢN MẠN MỘT ĐÔI MÓN " NGỰ DỤNG " ĐÃ THỈNH ĐƯỢC.



                  TẢN MẠN MỘT ĐÔI MÓN " NGỰ DỤNG " ĐÃ THỈNH ĐƯỢC.

     Nói về thú chơi của mọi người rất khó mà định hình nó như thế nào. Có thể nói nó rất đa dạng. Trăm người vạn ý. Không ai có thể nói cái thú chơi của mình là siêu đẳng là ưu việt hơn cả. Mỗi người theo ý chủ quan hoặc nghiêng theo một chiều sở thích nào đó mà bỏ công sức ra sưu tập. Khi đã thích một cách cực đoan thì không còn cái nào để mà so sánh. Một điều cần lưu tâm đó là: Những phẩm vật được dày công sưu tập đó có được đại đa số nhà nghiên cứu chân chính đồng quan điểm, điều công nhận giá trị đích của nó thực hay không. Chiêm nghiệm điều này cần phải có thái độ thật nghiêm túc không thể qua loa, xí xóa. Cái dù là cái dù. Cái lọng có rách nó vẫn là cái lọng. Không thể gọi khác đi được. Chính vậy mà có những thú chơi nó sẽ tích lũy cho người sở hữu một giá trị kinh tế không thể chối cãi. Có những thú chơi chỉ có giá trị với một cá nhân. Khi thả ra nó chỉ là một đống  ba rọi, làng nhàng đem so kè về kinh tế chả là bao nhiêu. Cái gì cũng phải kinh qua một quá trình tích lũy, học hỏi rút kinh nghiệm từ những người đi trước. Một đầu óc biết cầu thị, sáng suốt sẽ giúp rất nhiều cho người sưu tập. Một lời nói của người đi trước đã kinh qua cuộc sống trong làng đôi khi hơn cả việc ta đọc nhiều quyển sách mà vẫn chưa chắc đã tìm thấy lối ra. Một cách tốt nhất là phải học cách chơi, cách sưu tập...Phải tìm ra chân lý. Phải gạn đục khơi trong để tìm chọn và tích lũy những vật phẩm tinh túy cho bõ công lưu trữ. Cũng như phải hiểu rốt ráo lãnh vực đầu tư với tầm nhìn đã được xác lập này nó sẽ dẫn  mình đến đâu.
      - Quí hồ tinh hay quí hồ đa?
      - Có phải hiếm là tinh?
      - Có phải lâu đời mới quí! Gần đây... không giá trị.
      Chuyện này cần phải có kinh nghiệm thẩm định để đưa ra lời giải đáp cho hợp lý, hợp tình. Nhà sưu tập chân chính không chấp nhận chuyện chín bỏ làm mười...mà phải khắt khe, chắt lọc, phải thấu hiểu được cái hồn của vật phẩm cùng sự truyền cảm giữa nó và ta. Cũng nên hiểu cho. Một vật đã kinh qua khoảng thời gian nào đó mà vẫn tồn tại đến nay. Đó là vật chứng, nhân chứng của lịch sử. Tự thân nó đã chứa đựng tất cả những gì muốn nói ở thời điểm được khai sinh để cho thế hệ mai sau nhìn vào và hiểu được. Như thế thì độ tuổi càng lâu. Giá trị của nó càng tăng. Không phải nói thế rồi cái gì lâu đời cũng quí! Hiển nhiên là phải có cái tâm, cái trí, cái tri và cái hành cùng sự hợp nhất của con người gởi gắm và gìn giữ vào đó nữa. Điểm nhấn cực kỳ quan trọng.
     Khi đã có con người thổi vào vật thể đó một linh hồn. Cũng còn tùy cái phẩm của vật chứng đó như thế nào. Lúc đó giá trị thực của nó sẽ biểu lộ ra trước mắt những người am hiểu sự việc. Những điều này chỉ xảy ra ở sự kinh qua nhiều hay ít chứ không phải ai cũng có được tâm ý đó. Cũng là cái cốt lõi của việc sưu tập.
      Phẩm vật, dụng cho thú chơi nó cũng phân ra nhiều thứ bậc. Đôi khi người ta hay nói rằng: " Nhìn vào những gì anh khoe. Tôi có thể đoán được vị trí của anh trong làng! ". Thế đấy! Những người đẳng cấp chân chính sẽ biết được anh ngồi nơi chiếu nào ở làng là vậy.
       Dân sưu tập cũng đánh giá rất cao những phẩm vật có mang trong nó một dấu ấn lịch sử đặc biệt hay những món dành riêng cho Vua, Chúa. Bởi những thể loại này đã không nhiều mà lại có dính dáng đến những người có quyền lực tối thượng của một quốc gia nữa. Đương thời đó. Những phẩm vật này chỉ được phép sử dụng trong cung. Cấm ngặt chuyện người dân thường sử dụng. Trừ việc các quan có công trạng được Vua ban thưởng mang về làm vật trân quí, thờ phụng chứ cũng không dám đem ra dùng.
      Ngoài những món ngự dụng ra. Nếu xét về văn bản. Cũng còn tùy thuộc vào văn kiện đó như thế nào. Tự thân có nói lên được sự quan trọng. Cái giá trị bất biến với lịch sử của nó hay không? Quí nhất vẫn là những bản có bút phê của Vua. Bản văn chu phê này có nhiều dạng. Có thể là từ Nội các, hoặc do các Bộ trực tiếp tấu lên hay từ các nơi gởi về  trình lên để Vua duyệt. Bản văn sau khi đã Chu phê nó sẽ được lưu trữ ở tàng thư của triều đình. Từ bản chu phê đó cơ quan hữu trách sẽ cho thực hiện một bản sao có đóng dấu của nơi chuyên trách rồi tư xuống các cơ quan trực thuộc để chiếu theo đó mà thi hành. Tất cả những bản lưu lại triều đình không nhất thiết phải có chu phê đều được gọi là bản " Giáp " ( 甲 ). Những bản văn mang chữ " Giáp " này rất hiếm có trong xã hội. Từ những việc binh biến hay một sự kiện nào đó nó mới bị thất thoát ra ngoài. Người sưu tập được nó cũng là một cơ duyên lớn chứ không dễ gì...

                                        Hình 01. Bản văn thời Gia Long ngoài bìa có chữ Giáp,



VUA GIA LONG NGỰ BÚT. ( CHU PHÊ )


                                  Hình 01.  Gia Long Thập Thất Niên/ (1818). Tháng 7. Ngày 16.
                      嘉隆十七年.(戊寅).七月. 陸日.

Tập văn bản QUẢNG NAM DOANH có Chu phê của Vua Gia Long. Bút điểm và phê màu mực chu sa. 
Gồm có 06 tờ (12 trang). Có con dấu của Quảng Nam Doanh hình bát giác. Dấu giáp lai màu đỏ. 
Khổ giấy 23cm x 35cm.



                                 Hình 02.  Gia Long Thập Thất Niên/ (1818).Tháng 7. Ngày 16.
                                               嘉隆十七年.(戊寅).七月. 日.

Tập văn bản QUẢNG NAM DOANH có Chu phê của Vua Gia Long. Bút điểm và phê màu mực chu sa. 
Gồm có 09 (18 trang). Có con dấu của Quảng Nam Doanh hình bát giác. Dấu giáp lai màu đỏ.  
Khổ giấy 25cm x 35cm.

                                    Hình 03.  Gia Long Thập Thất Niên/ (1818). Tháng 7. Ngày 19.
                          嘉隆十七年.(戊寅).七月. 玖日.

Tập văn bản QUẢNG NAM DOANH có Chu phê của Vua Gia Long. Bút điểm và phê màu mực chu sa. 
Gồm có 06 tờ (12 trang). Có con dấu của Quảng Nam Doanh hình bát giác. Dấu giáp lai, dấu xác định hình vuông màu đỏ. \
Khổ giấy 22.5cm x 35cm.




VUA THIỆU TRỊ NGỰ BÚT. ( CHU PHÊ )


Hình 01.   Thiệu Trị Ngũ Niên./ Ất Tỵ. (1845). Tháng 6. Ngày 17.
                         紹治五年.(乙巳). 六月./ 

Tập văn bản có CHU PHÊ của Vua Thiệu Trị. Chữ viết và điểm bằng mực chu sa.
Gồm có 04 tờ (08 trang). Có con dấu của Thanh Hóa... và một số dấu đóng giáp lai hình vuông mang sắc đỏ.
Khổ giấy 22.5cm x 34.5cm.


                               Hình 02.  Thiệu trị Ngũ Niên/ Ất Tỵ. (1845). Tháng 6. Ngày 14.
                     紹治五年. (乙巳). 六月./ 肆日

Tập văn bản có CHU PHÊ của Vua Thiệu Trị. Chữ viết và điểm bằng mực chu sa.
Gồm có 10 tờ (20 trang). Có con dấu của Thanh Hóa và một số dấu đóng giáp lai hình vuông mang sắc đỏ.
Khổ giấy 22.8cm x 35cm.


                          Hình 03.  Thiệu Trị Nguyên Niên/ Tân Sửu./ (1841). Tháng 4. Ngày 20.
                       紹治元年.(辛丑).肆月. 貳

        Tập văn bản thuộc dạng " Diện tấu " do ông Phan Thanh Giản viết để dâng lên Vua Thiệu Trị tại một buổi chầu vào năm 1841. Có CHU PHÊ của Vua Thiệu Trị. Chữ viết và điểm bằng mực chu sa.
        Ngoài giá trị CHU PHÊ. Tập văn bản này có thêm một giá trị đặc biệt bởi vì toàn bộ văn bản này là sự chấp bút của Phan Thanh Giản. 
        Gồm có 04 tờ (08 trang). Viết chính thức chỉ có hai trang.
        Ngoài hai bút tích đặc biệt vừa nêu trên còn có con dấu duy nhất “NGỰ TIỀN NGUYÊN PHÒNG”. Chỗ này là nơi lưu trữ những văn bản của các vị Vua.  ( Con dấu này cũng được đóng trên phong bì Napoléon III gởi trả lời về việc xin chuộc Ba Tỉnh Miền Đông Nam Bộ của Vua Tự Đức năm 1863 ).
 Khổ giấy 22.5cm x 35.5cm.


Hình 04. Con dấu " Ngự tiền nguyên phòng ".(  御前原房 ). Được đóng ở đáy góc phải của bản diện tấu


ĐỒ NGỰ DỤNG.


Hình 01.  Trong đáy tô viết bốn chữ " Thiệu Trị niên chế " 紹治年製 )Vẽ hai con rồng có 5 móng đuổi nhau chung quanh thân cái tô. Con thăng bỡn trái châu. Con giáng phun mưa tạo ra ba quầng như cái mão ngay trên đầu bốn chữ Thiệu Trị niên chế. Toàn thân vẽ men màu lam trên nền trắng. Đường kính: 13,8cm. Cao 05,4cm. Tiếng kêu rất thanh ngân như tiếng chuông khi gõ vào.


Hình 02.   Mặt trong. Phủ lớp men trắng. Trên miệng có viền một đai kim loại màu đen.

VUA TỰ ĐỨC NGỰ DỤNG.



                                           Hình 01. Mặt trước.

MẶT TRƯỚC.

Những hàng chữ viết hoa bằng tiếng Pháp ở giữa phong bì.

                    ÔNG HOÀNG RẤT CAO CẢ. RẤT ƯU TÚ ĐẦY UY QUYỀN.

                                                 VUA NƯỚC ANNAM.

                       NGƯỜI BẠN TỐT RẤT QUÍ TRỌNG CỦA CHÚNG TÔI.


Hàng chữ Nho bên góc phải trên.

Tự Đức Thập Lục Niên. (  嗣德十六年 )  
Nhất Thiên Bát Bách Lục Thập Tam Niên. (一千八百六十三年)

Đại Pháp Quốc Hoàng Đế Thư Tự Nam Sứ Lai Triều Hiệp Lễ Sự.
(大法國皇帝書敍南使來朝合禮事)

    Góc trái dưới có một con dấu cỡ một phân vuông màu đỏ. “ NGỰ TIỀN NGUYÊN PHÒNG ”.   (  御前原房 ). Đây là nơi lưu trữ những Ngự Lãm&Ngự Phê của Vua ).

         Hình 02.  Con dấu có mang chữ triện: “ NGỰ TIỀN NGUYÊN PHÒNG ”.(  御前原房 ).Được đóng ở đáy góc trái của phong bì.  

     Một số chữ Nho viết trên mặt bì thư là ghi chú của thư lại cho những việc xảy ra ở các Tỉnh thuộc Nam Kỳ xảy ra sau năm 1863.


                                         Hình 03.  Măt sau phong thư. Con niêm khằn sau bì thư.

MẶT SAU
     Duy nhất chỉ có một con niêm bằng giấy hình tròn in rập nổi biểu tượng Con Ó. Quốc huy của Đệ Nhị Đế Chế thuộc Pháp hoàng Napoléon III bao chung quanh có 18 vòng cung nhỏ răng cưa. Con niêm đã bị giới chức thời xưa xé mất một nửa để lấy lá thư bên trong ra. Theo lệ thường sau khi bỏ lá thư vào, mặt sau phong bì sẽ được dán lại hoặc đổ xi rồi dùng con dấu bằng sắt ấn vào để niêm phong. Ở những phong bì dạng cao cấp họ thường có con niêm và để thêm một giải lụa đỏ vào trước khi đổ xi. Khi mở ra người đọc chỉ cần cầm giải lụa đỏ kéo mạnh để mở bì thư. Ở Phong bì Quốc thư này vì thế mà mất đi phần trên con niêm... 

NHẬN XÉT:
     Phong bì này có giá trị rất đặc biệt trong một giai đoạn lịch sử của đất nước ở Thế kỷ 19. Vì nó là một hiện vật duy nhất minh chứng cho việc trao đổi bằng văn bản thư tín giữa Vua Việt Nam và Vua Pháp trong giai đoạn hai Quốc gia đang còn tranh chấp. Thể hiện sự bình đẳng giữa hai quốc gia. Sau sự kiện này. Đất nước đã bị Thực dân Pháp đánh thôn tính từ từ, lãnh thổ bị chia cắt không còn toàn vẹn. Cái thế đối nghịch giữa hai quốc gia bị thu nhỏ mất đi cái thế cân bằng. Mọi việc không còn trọn vẹn ý nghĩa như xưa và hầu như không còn có một cuộc trao đổi thư tín nào nữa. 
     Đây là phong bì thuộc dạng đi theo sứ bộ, trong đó đựng thư trả lời của Vua Pháp Napoléon III gởi cho Vua Tự Đức 16. vào năm 1863. Về việc xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Bộ: Biên Hòa, Gia Định và Định Tường.. . Do phái bộ Phan thanh Giản làm Chánh sứ. Phạm phú Thứ và Ngụy Khắc Đản làm Bồi sứ cầm về.   
     Một phong bì ngoại giao giữa hai quốc gia có dấu vết xưa nhất tính đến thời điểm này. Chưa thấy xuất hiện một cái nào khác ngoài phong bì này.

    Một Phong bì có giá trị cho hai Quốc Gia. Đó là Việt Nam và Pháp. Những người sưu tập những dữ liệu lịch sử đều muốn có nó trong bộ sưu tập của mình. 

VUA THÀNH THÁI NGỰ DỤNG.





                                                      Hình 01. Mặt trước. 
                                 
Hàng chữ in trên cùng.                                        
                   TOÀN QUYỀN ĐÔNG DƯƠNG

Hàng chữ giữa bì thư viết bằng bút rông, mực đen đã phai màu .
                  HOÀNG ĐẾ NƯỚC AN NAM.


Giòng chữ Nho góc phải trên:
THÀNH THÁI TAM NIÊN.( 成泰三年 )( Thành Thái năm thứ ba ). (1891).
Giòng chữ Nho bên rìa trái.
QÚY TOÀN QUYỀN ĐẠI THẦN ĐA LA TẠ BIỂU.
 ( 貴  全     權    大   臣  多 羅  謝 表)
( ĐA LA là tên của Toàn Quyền Đông Dương Jean Marie Antoine de LANESSAN, do quan chức của ta đặt để gọi cho tiện. Ông giữ chức Toàn Quyền Đông Dương từ 26 tháng 6 năm 1891 đến 29 tháng 12 năm 1894 ).

       Căn cứ vào chữ viết trên phong bì ghi Thành Thái Tam Niên ( tức năm 1891 Dương Lịch ). Như vậy ta có thể cho rằng khi De Lanessan lên giữ chức vụ này năm 1891. Vua Thành Thái có gởi Biểu thăm hỏi chúc mừng ngày nhậm chức và đây là phong bì đựng thư tạ Biểu của De Lanessan.


                                 
                                         Hình 02.  Mặt sau. Không có dấu vết gì.

Cauminhngoc



07/03/2014 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét