Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

TẢN MẠN MỘT ĐÔI MÓN " NGỰ DỤNG " ĐÃ THỈNH ĐƯỢC.



                  TẢN MẠN MỘT ĐÔI MÓN " NGỰ DỤNG " ĐÃ THỈNH ĐƯỢC.

     Nói về thú chơi của mọi người rất khó mà định hình nó như thế nào. Có thể nói nó rất đa dạng. Trăm người vạn ý. Không ai có thể nói cái thú chơi của mình là siêu đẳng là ưu việt hơn cả. Mỗi người theo ý chủ quan hoặc nghiêng theo một chiều sở thích nào đó mà bỏ công sức ra sưu tập. Khi đã thích một cách cực đoan thì không còn cái nào để mà so sánh. Một điều cần lưu tâm đó là: Những phẩm vật được dày công sưu tập đó có được đại đa số nhà nghiên cứu chân chính đồng quan điểm, điều công nhận giá trị đích của nó thực hay không. Chiêm nghiệm điều này cần phải có thái độ thật nghiêm túc không thể qua loa, xí xóa. Cái dù là cái dù. Cái lọng có rách nó vẫn là cái lọng. Không thể gọi khác đi được. Chính vậy mà có những thú chơi nó sẽ tích lũy cho người sở hữu một giá trị kinh tế không thể chối cãi. Có những thú chơi chỉ có giá trị với một cá nhân. Khi thả ra nó chỉ là một đống  ba rọi, làng nhàng đem so kè về kinh tế chả là bao nhiêu. Cái gì cũng phải kinh qua một quá trình tích lũy, học hỏi rút kinh nghiệm từ những người đi trước. Một đầu óc biết cầu thị, sáng suốt sẽ giúp rất nhiều cho người sưu tập. Một lời nói của người đi trước đã kinh qua cuộc sống trong làng đôi khi hơn cả việc ta đọc nhiều quyển sách mà vẫn chưa chắc đã tìm thấy lối ra. Một cách tốt nhất là phải học cách chơi, cách sưu tập...Phải tìm ra chân lý. Phải gạn đục khơi trong để tìm chọn và tích lũy những vật phẩm tinh túy cho bõ công lưu trữ. Cũng như phải hiểu rốt ráo lãnh vực đầu tư với tầm nhìn đã được xác lập này nó sẽ dẫn  mình đến đâu.
      - Quí hồ tinh hay quí hồ đa?
      - Có phải hiếm là tinh?
      - Có phải lâu đời mới quí! Gần đây... không giá trị.
      Chuyện này cần phải có kinh nghiệm thẩm định để đưa ra lời giải đáp cho hợp lý, hợp tình. Nhà sưu tập chân chính không chấp nhận chuyện chín bỏ làm mười...mà phải khắt khe, chắt lọc, phải thấu hiểu được cái hồn của vật phẩm cùng sự truyền cảm giữa nó và ta. Cũng nên hiểu cho. Một vật đã kinh qua khoảng thời gian nào đó mà vẫn tồn tại đến nay. Đó là vật chứng, nhân chứng của lịch sử. Tự thân nó đã chứa đựng tất cả những gì muốn nói ở thời điểm được khai sinh để cho thế hệ mai sau nhìn vào và hiểu được. Như thế thì độ tuổi càng lâu. Giá trị của nó càng tăng. Không phải nói thế rồi cái gì lâu đời cũng quí! Hiển nhiên là phải có cái tâm, cái trí, cái tri và cái hành cùng sự hợp nhất của con người gởi gắm và gìn giữ vào đó nữa. Điểm nhấn cực kỳ quan trọng.
     Khi đã có con người thổi vào vật thể đó một linh hồn. Cũng còn tùy cái phẩm của vật chứng đó như thế nào. Lúc đó giá trị thực của nó sẽ biểu lộ ra trước mắt những người am hiểu sự việc. Những điều này chỉ xảy ra ở sự kinh qua nhiều hay ít chứ không phải ai cũng có được tâm ý đó. Cũng là cái cốt lõi của việc sưu tập.
      Phẩm vật, dụng cho thú chơi nó cũng phân ra nhiều thứ bậc. Đôi khi người ta hay nói rằng: " Nhìn vào những gì anh khoe. Tôi có thể đoán được vị trí của anh trong làng! ". Thế đấy! Những người đẳng cấp chân chính sẽ biết được anh ngồi nơi chiếu nào ở làng là vậy.
       Dân sưu tập cũng đánh giá rất cao những phẩm vật có mang trong nó một dấu ấn lịch sử đặc biệt hay những món dành riêng cho Vua, Chúa. Bởi những thể loại này đã không nhiều mà lại có dính dáng đến những người có quyền lực tối thượng của một quốc gia nữa. Đương thời đó. Những phẩm vật này chỉ được phép sử dụng trong cung. Cấm ngặt chuyện người dân thường sử dụng. Trừ việc các quan có công trạng được Vua ban thưởng mang về làm vật trân quí, thờ phụng chứ cũng không dám đem ra dùng.
      Ngoài những món ngự dụng ra. Nếu xét về văn bản. Cũng còn tùy thuộc vào văn kiện đó như thế nào. Tự thân có nói lên được sự quan trọng. Cái giá trị bất biến với lịch sử của nó hay không? Quí nhất vẫn là những bản có bút phê của Vua. Bản văn chu phê này có nhiều dạng. Có thể là từ Nội các, hoặc do các Bộ trực tiếp tấu lên hay từ các nơi gởi về  trình lên để Vua duyệt. Bản văn sau khi đã Chu phê nó sẽ được lưu trữ ở tàng thư của triều đình. Từ bản chu phê đó cơ quan hữu trách sẽ cho thực hiện một bản sao có đóng dấu của nơi chuyên trách rồi tư xuống các cơ quan trực thuộc để chiếu theo đó mà thi hành. Tất cả những bản lưu lại triều đình không nhất thiết phải có chu phê đều được gọi là bản " Giáp " ( 甲 ). Những bản văn mang chữ " Giáp " này rất hiếm có trong xã hội. Từ những việc binh biến hay một sự kiện nào đó nó mới bị thất thoát ra ngoài. Người sưu tập được nó cũng là một cơ duyên lớn chứ không dễ gì...

                                        Hình 01. Bản văn thời Gia Long ngoài bìa có chữ Giáp,



VUA GIA LONG NGỰ BÚT. ( CHU PHÊ )


                                  Hình 01.  Gia Long Thập Thất Niên/ (1818). Tháng 7. Ngày 16.
                      嘉隆十七年.(戊寅).七月. 陸日.

Tập văn bản QUẢNG NAM DOANH có Chu phê của Vua Gia Long. Bút điểm và phê màu mực chu sa. 
Gồm có 06 tờ (12 trang). Có con dấu của Quảng Nam Doanh hình bát giác. Dấu giáp lai màu đỏ. 
Khổ giấy 23cm x 35cm.



                                 Hình 02.  Gia Long Thập Thất Niên/ (1818).Tháng 7. Ngày 16.
                                               嘉隆十七年.(戊寅).七月. 日.

Tập văn bản QUẢNG NAM DOANH có Chu phê của Vua Gia Long. Bút điểm và phê màu mực chu sa. 
Gồm có 09 (18 trang). Có con dấu của Quảng Nam Doanh hình bát giác. Dấu giáp lai màu đỏ.  
Khổ giấy 25cm x 35cm.

                                    Hình 03.  Gia Long Thập Thất Niên/ (1818). Tháng 7. Ngày 19.
                          嘉隆十七年.(戊寅).七月. 玖日.

Tập văn bản QUẢNG NAM DOANH có Chu phê của Vua Gia Long. Bút điểm và phê màu mực chu sa. 
Gồm có 06 tờ (12 trang). Có con dấu của Quảng Nam Doanh hình bát giác. Dấu giáp lai, dấu xác định hình vuông màu đỏ. \
Khổ giấy 22.5cm x 35cm.




VUA THIỆU TRỊ NGỰ BÚT. ( CHU PHÊ )


Hình 01.   Thiệu Trị Ngũ Niên./ Ất Tỵ. (1845). Tháng 6. Ngày 17.
                         紹治五年.(乙巳). 六月./ 

Tập văn bản có CHU PHÊ của Vua Thiệu Trị. Chữ viết và điểm bằng mực chu sa.
Gồm có 04 tờ (08 trang). Có con dấu của Thanh Hóa... và một số dấu đóng giáp lai hình vuông mang sắc đỏ.
Khổ giấy 22.5cm x 34.5cm.


                               Hình 02.  Thiệu trị Ngũ Niên/ Ất Tỵ. (1845). Tháng 6. Ngày 14.
                     紹治五年. (乙巳). 六月./ 肆日

Tập văn bản có CHU PHÊ của Vua Thiệu Trị. Chữ viết và điểm bằng mực chu sa.
Gồm có 10 tờ (20 trang). Có con dấu của Thanh Hóa và một số dấu đóng giáp lai hình vuông mang sắc đỏ.
Khổ giấy 22.8cm x 35cm.


                          Hình 03.  Thiệu Trị Nguyên Niên/ Tân Sửu./ (1841). Tháng 4. Ngày 20.
                       紹治元年.(辛丑).肆月. 貳

        Tập văn bản thuộc dạng " Diện tấu " do ông Phan Thanh Giản viết để dâng lên Vua Thiệu Trị tại một buổi chầu vào năm 1841. Có CHU PHÊ của Vua Thiệu Trị. Chữ viết và điểm bằng mực chu sa.
        Ngoài giá trị CHU PHÊ. Tập văn bản này có thêm một giá trị đặc biệt bởi vì toàn bộ văn bản này là sự chấp bút của Phan Thanh Giản. 
        Gồm có 04 tờ (08 trang). Viết chính thức chỉ có hai trang.
        Ngoài hai bút tích đặc biệt vừa nêu trên còn có con dấu duy nhất “NGỰ TIỀN NGUYÊN PHÒNG”. Chỗ này là nơi lưu trữ những văn bản của các vị Vua.  ( Con dấu này cũng được đóng trên phong bì Napoléon III gởi trả lời về việc xin chuộc Ba Tỉnh Miền Đông Nam Bộ của Vua Tự Đức năm 1863 ).
 Khổ giấy 22.5cm x 35.5cm.


Hình 04. Con dấu " Ngự tiền nguyên phòng ".(  御前原房 ). Được đóng ở đáy góc phải của bản diện tấu


ĐỒ NGỰ DỤNG.


Hình 01.  Trong đáy tô viết bốn chữ " Thiệu Trị niên chế " 紹治年製 )Vẽ hai con rồng có 5 móng đuổi nhau chung quanh thân cái tô. Con thăng bỡn trái châu. Con giáng phun mưa tạo ra ba quầng như cái mão ngay trên đầu bốn chữ Thiệu Trị niên chế. Toàn thân vẽ men màu lam trên nền trắng. Đường kính: 13,8cm. Cao 05,4cm. Tiếng kêu rất thanh ngân như tiếng chuông khi gõ vào.


Hình 02.   Mặt trong. Phủ lớp men trắng. Trên miệng có viền một đai kim loại màu đen.

VUA TỰ ĐỨC NGỰ DỤNG.



                                           Hình 01. Mặt trước.

MẶT TRƯỚC.

Những hàng chữ viết hoa bằng tiếng Pháp ở giữa phong bì.

                    ÔNG HOÀNG RẤT CAO CẢ. RẤT ƯU TÚ ĐẦY UY QUYỀN.

                                                 VUA NƯỚC ANNAM.

                       NGƯỜI BẠN TỐT RẤT QUÍ TRỌNG CỦA CHÚNG TÔI.


Hàng chữ Nho bên góc phải trên.

Tự Đức Thập Lục Niên. (  嗣德十六年 )  
Nhất Thiên Bát Bách Lục Thập Tam Niên. (一千八百六十三年)

Đại Pháp Quốc Hoàng Đế Thư Tự Nam Sứ Lai Triều Hiệp Lễ Sự.
(大法國皇帝書敍南使來朝合禮事)

    Góc trái dưới có một con dấu cỡ một phân vuông màu đỏ. “ NGỰ TIỀN NGUYÊN PHÒNG ”.   (  御前原房 ). Đây là nơi lưu trữ những Ngự Lãm&Ngự Phê của Vua ).

         Hình 02.  Con dấu có mang chữ triện: “ NGỰ TIỀN NGUYÊN PHÒNG ”.(  御前原房 ).Được đóng ở đáy góc trái của phong bì.  

     Một số chữ Nho viết trên mặt bì thư là ghi chú của thư lại cho những việc xảy ra ở các Tỉnh thuộc Nam Kỳ xảy ra sau năm 1863.


                                         Hình 03.  Măt sau phong thư. Con niêm khằn sau bì thư.

MẶT SAU
     Duy nhất chỉ có một con niêm bằng giấy hình tròn in rập nổi biểu tượng Con Ó. Quốc huy của Đệ Nhị Đế Chế thuộc Pháp hoàng Napoléon III bao chung quanh có 18 vòng cung nhỏ răng cưa. Con niêm đã bị giới chức thời xưa xé mất một nửa để lấy lá thư bên trong ra. Theo lệ thường sau khi bỏ lá thư vào, mặt sau phong bì sẽ được dán lại hoặc đổ xi rồi dùng con dấu bằng sắt ấn vào để niêm phong. Ở những phong bì dạng cao cấp họ thường có con niêm và để thêm một giải lụa đỏ vào trước khi đổ xi. Khi mở ra người đọc chỉ cần cầm giải lụa đỏ kéo mạnh để mở bì thư. Ở Phong bì Quốc thư này vì thế mà mất đi phần trên con niêm... 

NHẬN XÉT:
     Phong bì này có giá trị rất đặc biệt trong một giai đoạn lịch sử của đất nước ở Thế kỷ 19. Vì nó là một hiện vật duy nhất minh chứng cho việc trao đổi bằng văn bản thư tín giữa Vua Việt Nam và Vua Pháp trong giai đoạn hai Quốc gia đang còn tranh chấp. Thể hiện sự bình đẳng giữa hai quốc gia. Sau sự kiện này. Đất nước đã bị Thực dân Pháp đánh thôn tính từ từ, lãnh thổ bị chia cắt không còn toàn vẹn. Cái thế đối nghịch giữa hai quốc gia bị thu nhỏ mất đi cái thế cân bằng. Mọi việc không còn trọn vẹn ý nghĩa như xưa và hầu như không còn có một cuộc trao đổi thư tín nào nữa. 
     Đây là phong bì thuộc dạng đi theo sứ bộ, trong đó đựng thư trả lời của Vua Pháp Napoléon III gởi cho Vua Tự Đức 16. vào năm 1863. Về việc xin chuộc ba tỉnh miền Đông Nam Bộ: Biên Hòa, Gia Định và Định Tường.. . Do phái bộ Phan thanh Giản làm Chánh sứ. Phạm phú Thứ và Ngụy Khắc Đản làm Bồi sứ cầm về.   
     Một phong bì ngoại giao giữa hai quốc gia có dấu vết xưa nhất tính đến thời điểm này. Chưa thấy xuất hiện một cái nào khác ngoài phong bì này.

    Một Phong bì có giá trị cho hai Quốc Gia. Đó là Việt Nam và Pháp. Những người sưu tập những dữ liệu lịch sử đều muốn có nó trong bộ sưu tập của mình. 

VUA THÀNH THÁI NGỰ DỤNG.





                                                      Hình 01. Mặt trước. 
                                 
Hàng chữ in trên cùng.                                        
                   TOÀN QUYỀN ĐÔNG DƯƠNG

Hàng chữ giữa bì thư viết bằng bút rông, mực đen đã phai màu .
                  HOÀNG ĐẾ NƯỚC AN NAM.


Giòng chữ Nho góc phải trên:
THÀNH THÁI TAM NIÊN.( 成泰三年 )( Thành Thái năm thứ ba ). (1891).
Giòng chữ Nho bên rìa trái.
QÚY TOÀN QUYỀN ĐẠI THẦN ĐA LA TẠ BIỂU.
 ( 貴  全     權    大   臣  多 羅  謝 表)
( ĐA LA là tên của Toàn Quyền Đông Dương Jean Marie Antoine de LANESSAN, do quan chức của ta đặt để gọi cho tiện. Ông giữ chức Toàn Quyền Đông Dương từ 26 tháng 6 năm 1891 đến 29 tháng 12 năm 1894 ).

       Căn cứ vào chữ viết trên phong bì ghi Thành Thái Tam Niên ( tức năm 1891 Dương Lịch ). Như vậy ta có thể cho rằng khi De Lanessan lên giữ chức vụ này năm 1891. Vua Thành Thái có gởi Biểu thăm hỏi chúc mừng ngày nhậm chức và đây là phong bì đựng thư tạ Biểu của De Lanessan.


                                 
                                         Hình 02.  Mặt sau. Không có dấu vết gì.

Cauminhngoc



07/03/2014 

LỜI TÂM SỰ CỦA CHỦ "THỚT" CAUMINHNGOC.








LTS.

      Những bài viết trong blog này mang tính chủ quan rất cao của một cá nhân yêu thích về lịch sử, văn học và nghệ thuật đậm chất cho đời thêm vui. Do không có trường lớp. Do sự học hỏi chưa đến nơi đến chốn, hiểu biết nửa vời mà ham nói nên đôi lúc làm cho những nhà nghiên cứu, phê bình bị xúc phạm khi ghé mắt đọc nó. Nhưng biết làm sao. Không giãi bày ra lấy ai hiểu cho...cứ coi như làm một bài luận văn cho thày chấm điểm. Có lẽ như thế thì may ra mới mong được các nhà phê bình chân chính hoan hỉ... nguôi ngoai không chấp...
     Những giòng chữ viết ở đây không hề có tham vọng dẫn dắt bất cứ ai...việc đó đã có sự giáo hóa ở các nhà trường. Ở đây chỉ là sự cảm nhận chủ quan khi đứng trước một vật chứng lịch sử. Một quyển sách quí hiếm. Một bức vẽ mà cá nhân này thích chí... Không hề có ý tâng bốc hay đề cao... mà với bản thân vô danh...thì lời nói lẩn quẩn đó đâu phải là chân lý... Tất cả chỉ là thấy sao nói vậy theo suy nghĩ, lập luận của riêng mình... Sự trình bày có thể luộm thuộm không mạch lạc, làm cho người đọc khó hiểu... xin thông cảm cho vì trình độ có hạn...

 Cũng xin có lời nhắn nhủ với những ai đã cần phải sử dụng đến hình ảnh hay trích đoạn bài viết trong những trang của Cauminhngoc này. Xin vui lòng ghi chú nguồn cho tỏ. Nếu sử dụng trong mục đích kinh doanh, có lợi nhuận phải được sự đồng ý của chủ sở hữu blog Cauminhngọc. 
 
 Rất đa tạ.
Cauminhngoc


     
 

Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

THỬ TÌM HIỂU GIÁ TRỊ MỘT TÁC PHẨM VẼ CHÂN DUNG CỦA HS.NGUYỄN SÁNG CHƯA TỪNG CÔNG BỐ) (IV).


Phần Thứ Tư.

THỬ TÌM HIỂU GIÁ TRỊ MỘT TÁC PHẨM VẼ CHÂN DUNG CỦA HỌA SĨ NGUYỄN SÁNG VẼ THÁNG 01 NĂM 1944.


                   Nguyễn Sáng. Chân dung cô gái xứ Bắc. Than thỏi (fusain) trên giấy. Vẽ năm 1944.
  

            Trong giới sưu tập họ đã đưa ra một số đều kiện dùng làm tiêu chuẩn để đánh giá một vật phẩm và rất coi trọng những món nào mang trên mình một trong những yếu tố có tính chất sau đây: 
      - Văn hóa.
      - Lịch sử.
      - Nghệ thuật.
      - Kinh tế. 
      Nếu hội đủ được càng nhiều yếu tố trên thì giá trị của nó càng tăng. Chính vậy ta thử nhận định xem tác phẩm này của Nguyễn Sáng có hội đủ được những điều vừa nêu ra hay không? Hay ở mức độ nào?

       1 - /  Đây là tác phẩm vẽ truyền thần bằng than thỏi [fusain]của HS. Nguyễn Sáng. Tác phẩm được thực hiện vào dịp triển lãm tranh và vẽ chân dung lấy tiền cứu trợ vào tháng Chạp năm Quí Mùi. Tại Hà nội. Bức tranh mới được phát hiện vào giữa tháng 01 năm 2005. Chưa từng được công bố.   
                                                                                           [ Văn hóa. Nghệ thuật. Lịch sử ]
    
       2 - /  Tính đến thời điểm tháng 01 năm 2005. Bức tranh này đã được 61 tuổi.  Đối với những tác phẩm của HS. Nguyễn Sáng đã được công bố. Ta có thể nói rằng tác phẩm này có độ tuổi cao nhất hay nói khác đi là xuất hiện sớm nhất của HS. Nguyễn Sáng tính đến thời điểm này ( Tháng 4/ 2014 ).
    Có thể xem chữ ký “Văn Sáng”. Viết theo lối chữ triện trong bức tranh “Cô gái Hà-Nội”. Vẽ năm 1944 là chữ ký của thời kỳ đầu. Vì chữ ký của ông trên bức vẽ mẹ nhà sưu tập tranh Đức Minh, vào năm 1945. Cũng viết theo khuôn khổ này, nhưng có chút khác biệt là ông viết thêm đầy đủ họ tên và chữ lót: “Nguyễn văn Sáng” vào bức tranh. Sau này ông chỉ ký hai chữ “Nguyễn Sáng” theo chữ viết thông thường…
                                                                                                    [ Văn hóa. Lịch sử ]
    
       3 - /  Bức tranh này do Nguyễn Sáng vẽ khi còn là sinh viên năm thứ Tư của trường Mỹ Thuật Đông Dương ở Hà nội. Mặc dù đang là sinh viên của năm thứ tư mà vẫn được BTC mời ra để giao trọng trách này chứng tỏ tài năng của ông đã được mọi người đánh giá rất cao.
                                                                                                    [  Tài năng nghệ thuật]
    
       4 - /  Những bức tranh của các họa sĩ của trường Mỹ Thuật Đông Dương vẽ từ 1945 trở về trước hiện nay rất hiếm trên thị trường. Ngay cả trong Bảo Tàng Quốc Gia cũng chả có được bao nhiêu. Chính vậy mà dòng tranh này rất được giới sưu tập ngưỡng mộ, săn lùng và được đánh rất cao trong các buổi đấu giá ở nước ngoài. Một số nhà sưu tập tầm cỡ trong nước cũng đã chịu khó bay ra nước ngoài tham dự với mong muốn đem những kiệt tác về cho đất nước. May mắn thay bức tranh này có đủ những yếu tố đó.

" Nhà sưu tập Gérard Chapuis, người đang lưu giữ được nhiều tranh gốc của danh họa Việt Nam, cũng cho rằng: “ Đến hiên nay, trên thị trường tìm được tranh của Nguyễn Sáng là rất hiếm, bới vậy nếu phát hiện được tranh nào của ông, chúng ta nên giới thiệu để công chúng tìm hiểu thưởng ngoạn”. 
            ( Sao y nguồn: Nguyễn Sáng - danh họa có tranh được công nhận bảo vật quốc gia.  Trần trung Sáng ).
                                                                                                       [ Kinh tế]

      
      5 - /  Trong lịch sử hội họa của VN. Khi nhắc đến thời điểm chính thức tiếp cận, học hỏi với nền hội họa phương Tây người ta thường lấy cái mốc năm 1925. Vì đây là năm chính quyền thực dân Pháp cho thành lập một trường dạy vẽ tại Hả nội lấy tên là “ Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ” dạy cho ba nước Việt-Miên-Lào. Với chế độ thi tuyển, mỗi năm đều có mở khóa mới; thời gian cho mỗi khóa học là 05 năm. Họa sĩ Nguyễn Sáng theo học khóa XIV từ năm 1940-1945. Khóa này có thể xem là cuối cùng của thời kỳ đầu. Nhưng ngay chính trong thời kỳ sơ khai này lại sản sinh ra nhều bậc tài danh làm rạng rỡ nền mỹ thuật nước nhà. Những nghiên cứu, những thành quả của họ đã giúp nâng cao, phát huy nền nghệ thuật truyền thống; đặt nền tảng cho những thế hệ sau này dựa vào đó mà phát triển. Một thời kỳ bùng vỡ trên phương diện nghệ thuật rất đáng kinh ngạc. Những tác phẩm của họ để lại không thể chê vào đâu được. Tài năng của họ không những chỉ trong nước mà còn vang dội ra tận mãi trời Tây. Điển hình là hai bộ tứ về hội họa, đã được những bậc trí giả ba miền xưng tụng còn truyền đến ngày nay.
                     “ Nhất Trí - Nhì Lân - Tam Vân - Tứ Cẩn”
      Bộ tứ thứ hai:
                     “ Nhất Sáng - Nhì Liên - Tam Nghiêm - Tứ Phái ”
      Như thế theo sự sắp xếp trên; Nguyễn Sáng được vinh dự xếp hàng đầu của bộ tứ thứ hai; đã cho ta thấy sự đồng tình của mọi người về tài năng cũng như sự cống hiến của ông trong lãnh vực nghệ thuật đối với xã hội Việt nam chúng ta. 
                                                                                         [ Văn hóa. Nghệ thuật]
      
       6 - /  Trong giới sưu tập và chơi cổ ngoạn. Người ta đánh giá rất cao những món đồ có mang tính chất Lịch sử. Ở bức tranh này có một hoàn cảnh lịch sử rất rõ nét, đó là con dấu của BTC được đóng vào nói lên cái mục đích của mình. Cũng nhờ con dấu này mà khi mọi người nhìn vào biết được một sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.
       Năm 1943, Hà nội bị ném bom, bởi phi cơ Đồng minh. Chủ đích là đánh vào các vị trí đóng quân của Nhật. ( Hoàn cảnh Đệ nhị Thế chiến ).
                                                                                           
     [ Ghi chú: Khi Hà nội bị ném bom. Trường Mỹ thuật Đông Dương phải di chuyển để tránh vạ. Ông JONCHÈRE lúc đó làm Hiệu trưởng đã dẫn sinh viên Kiến trúc và Điêu khắc chạy vào Đàlạt. Còn lại chuyển cả lên Văn miếu ở gần thị xã Sơn Tây tiếp tục dạy học cho các khóa từ XIII trở đi. Với ba ông thày bám lớp là. Inguimberty. Nam Sơn . Tô ngọc Vân.] [ Theo “ Tản mạn về đào tạo Mỹ thuật xưa và nay” của Lê thanh Đức đăng trong báo Mỹ thuật số 38 tháng 6 năm 2001.]
                                                                                                                [ Lịch sử]


       7 - /  Con dấu này xác nhận vào tháng  01 năm 1944 [ Tức tháng Chạp năm Quí Mùi âm lịch] đã có một cuộc triển lãm. Cuộc triển lãm này có thể xem là kỳ triển lãm cuối cùng của thời kỳ sơ khai nền hội họa VN thuộc Pháp. Bức tranh có mang con dấu này giống như là một bức thông điệp, dấu ấn một thời đã qua. Một tác phẩm của thời tiền chiến đúng nghĩa (1). Cái vô cùng quí giá của nó là dấu ấn đó được nằm trên một tác phẩm hội họa chứ không phải trên sách báo hay là trên một lãnh vực đại chúng nào khác. 
                                                                                                     [ Lịch sử]


       8 - / Sự cách tân trong tác phẩm này của họa sĩ Nguyễn Sáng là ông đã ứng dụng một số thuân pháp mềm mại của ngọn bút lông, cùng ý tưởng triết lý Phương Đông thông qua thỏi than cứng ngắc cho thấy trỉnh độ điêu luyện, dẫn dắt người xem vượt qua những qui luật hội họa đã tồn tại đi đến một cảnh giới sinh động đầy sự mới lạ của mình.
      Để minh chứng cho những gì đã nêu trên xin trích dẫn một đoạn của tác giả Viết Hiền viết trong báo Bình Định. Văn hóa. Thể thao.
  ". Là một sinh viên nắm khá vững về hình họa cơ bản nhưng Sáng không phục tùng lối vẽ trường quy, mà đi theo lối vẽ lược tả. Thậm chí Sáng không ngần ngại tuyên bố thẳng: "Lối vẽ tỉa, vẽ chi tiết, vẽ tả thực, nệ vào mẫu của nhà trường là cách dạy mỹ nghệ, chứ không phải cách dạy mỹ thuật".
                                                                                                       [ Nghệ thuật ].

          Như vậy muốn được mọi người đánh giá là một phẩm vật có giá trị cao phải bao gồm bốn yếu tố: Văn hóa. Lịch sử. Nghệ thuật. Kinh tế. Dựa vào một số nhận định và truy xét đã nêu. Tác phẩm vẽ truyền thần cô gái xứ Bắc này của HS. Nguyễn Sáng đã hội đủ những yếu tố đó. Ta có thể khẳng định. Đây là một tác phẩm có giá trị rất lớn và rất quí hiếm của HS. Nguyễn Sáng. Cũng có thể nói đây là bức tranh xuất hiện sớm nhất (Năm 1944) của ông tính đến thời điểm năm 2014 này. Vấn đề rất quan trọng cho một tác phẩm nghệ thuật hội họa là ở chỗ đó. Không phải tác phẩm nào cũng có được. 
                                                    
             (1)  Kể từ  02 tháng 9 năm 1945. Khi VN tuyên bố Độc Lập. Người ta lấy sự kiện lớn của năm 1945 này làm cột mốc để phân biệt với thời kỳ thuộc địa và thời kỳ chiến tranh chống Pháp. Chính vì thế mà những gì  xảy ra trước sự kiện lịch sử 1945 này người ta thường gọi là thời tiền chiến.   



          
              Bức tranh vẽ mẹ nhà sưu tập tranh Đức Minh. Vẽ bằng phấn tiên. Ký tên theo lối chữ triện...

Hình. 01. Phấn tiên/ giấy. 57cm x 40cm. 1945.

Hình 01.Bis

Bức tranh vẽ ông Thụy Ký. Vẽ bằng sơn dầu. Ký tên theo lối chữ triện. 

Hình 02. Sơn dầu/ bố. 55cm x 41.5cm. 1945
 
Hình 02.Bis
Hình 01&02. Nguồn: Nguyễn Sáng. Tác giả Quang Việt. NXB. Mỹ Thuật. Hanoi

                                                                                   
                                                         
           GIẤY ĐỀ NGHỊ XIN NHẬP HỘ KHẨU VÀO TP.HCM CHO HỌA SĨ NGUYỄN SÁNG.



Tư liệu riêng của người viết.

                                            Cauminhngoc             
                                  Saigon ngày 24 tháng 3 năm 2005. 


Cauminhngoc
                                                                         25/02/2014. 

ÁO XANH hay ÁO BAY...TRONG THƠ CỦA BÙI GIÁNG?

   
Bùi Giáng và hai câu thơ thủ bút của ông.

                                       “ Biển dâu sực tỉnh giang hà,
                             Còn sơ nguyên mộng sau tà áo bay ”.



                                      Hình 01. Thủ bút của Bùi Giáng trên giấy tập học trò.


  Tình cờ đọc trong một quyển sách đã được phát hành trong nước về thơ của thi cuồng Bùi Giáng. Loạt sách được xuất bản ồ ạt sau khi thi sĩ họ Bùi mất. Không nhớ là bài thơ có tựa là gì. Nằm trong quyển nào! Chỉ nhớ rõ là hai câu cuối là:

                                         " Biển dâu sực tỉnh giang hà,
                                            Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh ".
     Vì không nhớ tựa chỉ nhớ hai câu trên nên gõ vào Google để tìm thì thấy hiện lên nguyên bài thơ có tựa là:

                                                        Áo xanh.

                                           Lên mù sương, xuống mù sương
                                           Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu
                                           Tuổi thơ em có buồn nhiều
                                           Thì xin cứ để bóng chiều đi qua
                                           Biển dâu sực tỉnh giang hà
                                           Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh .
                                                                                     ( Nguồn Wikipedia )

      Hầu như tất cả các mục về thi ca của Bùi Giáng trên mạng mỗi khi có nhắc đến bài thơ này đều dùng chữ " ÁO XANH " làm tựa. Coi như khẳng định.
       Thật ra nếu không có thủ bút xác thực của thi cuồng Bùi Giáng thì chẳng bao giờ dám nêu vấn đề này ra. Nhưng xét thấy rằng hai chữ nằm ở cuối cùng của hai câu thơ trong tờ thủ bút, họ Bùi viết là: " ÁO BAY ". Có sự khác biệt với hai chữ cuối " ÁO XANH " nằm trong bài thơ có sáu câu tựa là " ÁO XANH " của Bùi Giáng được đăng ở Wikipedia, nên dùng tờ thủ bút này để đặt vấn đề xem sao.
     

                        Hình 02.  Nguyễn văn Hào. Chân dung Thi cuồng Bùi Giáng.
                            Chì trên giấy. Cỡ 12.3cm x 17.4cm. Năm vẽ. 1980. Chữ ký đáy góc trái.

                      Hình 03.   Nguyễn văn Hào. Chân dung Thi cuồng Bùi Giáng.
                            Chì trên giấy. Cỡ 12.3cm x 17.4cm. Năm vẽ. 1980. Chữ ký đáy góc trái.


                                                                        Hình 04.


                                 Hình 05. Thủ bút của Bùi Giáng. Có ghi chú viết tại gia đình bé Hào.

      Tôi có được ba trang thủ bút của Bùi Giáng viết trên hai tờ giấy học trò và hai bức chân dung vẽ bằng bút chì của một họa sĩ có ký tên áng chừng như là Nguyễn văn Hào. Tất cả do một người bạn sơ giao tặng cách nay đã khá lâu có dễ đã hơn 20 năm. 
     Cả 03 thủ bút của Bùi Giáng đều không có ghi năm tháng nhưng ở nơi hai tấm vẽ chân dung thì có ghi rõ là năm 1980 và người tặng có nói cho biết đó là chân dung vẽ nhà thơ Bùi Giáng. Cũng chưa rõ là hai bức chân dung này được vẽ vào cùng một thời điểm với những thủ bút của họ Bùi viết tại nhà bé Hào hay ở một thời điểm khác, nơi khác? Nhưng chắc chắn tất cả những vật phẩm đó tôi được tặng cùng một lúc, từ một người. Có điều mấy vần thơ này làm sau hay trước năm 1980 cũng là một thắc mắc...
       Trong ba tờ thủ bút. Có một tờ chỉ viết một mặt với hai câu thơ lục bát:
                                      " Biển dâu sực tỉnh giang hà.
                                        Còn sơ nguyên mộng sau tà áo bay ".
       Hai câu này Bùi Giáng viết bằng loại bút nỉ, mực xanh chứ không phải là nguyên cả bài gồm 06 câu như đăng trên mạng Wikipedia. Như vậy bài thơ " ÁO XANH " gồm sáu câu lục bát này chưa rõ xuất xứ: Cấp độ xác thực của nó? Thi cuồng họ Bùi đã viết ra hay do người khác ghi lại và như thế nó xảy trong trường hợp nào? Ở đâu?  Với cái tựa " ÁO XANH " của bài thơ là của Bùi Giáng đặt hay do nhà biên tập lấy từ hai chữ cuối bài thơ mà thành?!
       Xét về ý, cùng câu chữ nơi tổng thể sáu câu lục bát trong bài thơ có tựa " ÁO XANH " của Bùi Giáng. Ngoài cái tựa là  " ÁO XANH " lấy từ hai chữ cuối của câu cuối cùng bài thơ. Xem ra toàn thể bài thơ không hề thấy có chút ý gì hay chữ nào cho thấy thi cuồng họ Bùi nói về chiếc áo cả. 
      Nếu như hai chữ " ÁO BAY" đem thay thế hai chữ " ÁO XANH " để cho đúng với nguyên gốc của tác giả thì bài thơ này còn nên giữ cái tựa " ÁO XANH " nữa hay không? Đó là những điều mà chúng ta cần xem xét lại. Trừ trường hợp chứng minh được rõ ràng bằng văn bản, hay thủ bút là cái tựa " ÁO XANH " do Bùi Giáng đặt.
      Có lẽ ai cũng biết. Trong thi ca đôi khi chỉ một vài chữ nó  làm cho tác phẩm trở nên trác tuyệt hơn hẳn... 
   Và " ÁO BAY " hay " ÁO XANH ". Cái nào Bùi Giáng hơn? Ta thử xét từng câu.   

Câu 01. " Biển dâu sực tỉnh giang hà..." 
             Tác giả muốn nói đến một trạng huống biến động đột ngột có dính dáng đến sông nước. " Biển dâu ". Một điển tích xưa nói đến một sự biến đổi. " Sực tỉnh ". Trạng huống xảy ra đột ngột làm cho giật mình. " Giang hà ". Chỉ về sông nước. 

Câu 02. " Còn sơ nguyên mộng sau tà áo bay.."
            Câu này cho thấy một trạng thái hiển lộ, phơi bày ra một cái gì đó khi tà áo bị hất tung lên
      " ÁO BAY ". Được xem như là một hình thái " động " của chủ thể, cộng hưởng với cái " động " của câu trên... đã làm tăng thêm cường độ Bùi Giáng trong chất thơ của ông...
         Câu: " Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh ". Theo tôi nó không liền mạch với trạng thái hoàn toàn " động "của câu trên. Bởi những chữ "...sau tà áo xanh ". Nó chỉ cho ta thấy đang ở trạng thái tĩnh hoàn toàn.
      
      Hai câu thơ này có thể hiểu. Đại để là họ Bùi đang đi lang thang, nghêu ngao trên đường. Bất chợt một cơn gió ập đến hất tung tà áo và lộ ra cái " sơ nguyên mộng " của cô gái đi ngược chiều làm cho thi sĩ nhà ta sảng hồn cảm xúc ứng khẩu thành thơ và được ghi lại bởi chính tác giả tại nhà bé Hào....

        Tóm lại. Tổng thể ý tưởng của hai câu đều chứa đựng một hành vi biến động đột ngột, hiển lộ của vật chất trong cõi người ta, chúng bổ sung cho nhau rất tuyệt. Một tâm ý rất Bùi Giáng nếu ai đã từng nghe ông đứng giữa đường hay giữa chợ chửi rủa Nguyễn Du không tiếc lời với ngôn ngữ Bùi Giáng vì cái tội làm thơ lục bát quá tuyệt... Đôi lúc với những lời phát ngôn hóm hỉnh, trơ tráo làm cho các bà các cô phải đỏ mặt vội vã...bước nhanh vẫn không kịp. Những tình huống như thế này rất ý vị và không bao giờ còn nữa....Tất cả đã vỡ òa vào chốn hư không...của nỗi nhớ. 
       Như vậy! Nếu dùng hai chữ " ÁO XANH " thì có chuyển tải hết được cái ảo diệu của ngôn ngữ, cái tâm ý ngàn thu... rớt hột của thi cuồng họ Bùi không?
      Mục đích chính là tìm căn nguyên của sự việc... nên đặt vấn đề. Cái nào đúng! Cái nào sai? Có cần đính chính lại theo thủ bút của họ Bùi hay cứ để như vậy?  Rất mong được sự chỉ giáo của các học giả...

Trân trọng.
Cauminhngoc.
03/3/2014