Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

HỌA SĨ NGUYỄN SÁNG VÀ TÁC PHẨM VỪA TRÒN 70 TUỔI (1944-2014) CHƯA TỪNG CÔNG BỐ (1)


HỌA SĨ NGUYỄN SÁNG VÀ TÁC PHẨM VỪA TRÒN 70 TUỔI                      (1944-2014) CHƯA TỪNG CÔNG BỐ (1)


                                                                                                                                                                                                                             
                   Nguyễn Sáng. Chân dung cô gái xứ Bắc. Chì than trên giấy. Vẽ năm 1944


                                   
Phần Thứ Nhất.

ĐÔI ĐIỀU VỀ BỨC TRANH CHÂN DUNG CÔ GÁI XỨ BẮC CỦA HỌA SĨ
                    NGUYỄN SÁNG VẼ VÀO THÁNG  01 NĂM 1944.         
                                
                                          [ Tức tháng Chạp năm Quí Mùi âm lịch]

       Theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu và phê bình hội họa. Một tác phẩm muốn trở thành kiệt tác, cần đáp ứng một số điểm cần thiết như sau: Trình độ điêu luyện. Sự cách tân và Ý tưởng.
      1 - Về trình độ điêu luyện.
      Khi đánh giá những thành quả nổi bật của một họa sĩ. Kỹ thuật là một trong những tiêu chuẩn đầu tiên được xét đến. Một họa sĩ tài ba bắt buộc phải có sự am hiểu tinh thông những kỹ năng tự nhiên, lẫn kiến thức và trí tưởng tượng để nâng những kỹ năng này lên cùng những qui luật hội họa đã tồn tại đi đến những giới hạn mới.
      Trình độ điêu luyện làm cho sự thành thạo những kỹ năng xuất hiện trông tự nhiên và đơn giản.
      2 - Sự cách tân.
      Trong công việc ghi lại những qui luật nghệ thuật đã tồn tại, đưa ra những ngôn ngữ hội họa mới. Những lớp họa sĩ theo sau đã phát triển và xây dựng thêm thông qua những thành tựu của họ.[2].
      3 - Ý tưởng.
      Người họa sĩ đòi hỏi phải có trí và tri. Xử dụng hội họa làm phương tiện để chuyển tải những suy nghĩ của mình cho mọi người thấy được cái lý trong cuộc sống, dẫn dắt mọi người đi đến một thế giới của Chân - Thiện - Mỹ  vượt không gian và thời gian.
     Quay trở lại với tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Sáng để tìm xem ông có đáp ứng được những tiêu chí trên hay không?. Trước hết chúng ta cần minh định cho rõ giữa lối vẽ " Truyền thần " và vẽ " hoạ hình ", rồi sau đó xét tác phẩm này của ông thuộc diện nào!

 VẼ THEO LỐI " TRUYỀN THẦN ".
                 Theo tôi VẼ TRUYỀN THẦN là vẽ người mẫu ngồi trước mặt. Người hoạ sĩ sẽ xử dụng bản lãnh cùng tay nghề của mình. Quán thu những tinh túy nơi nhân vật trực diện, rồi gạn đục khơi trong để tạo thành tác phẩm hoàn chỉnh trong một khoảng thời gian nào đó bằng bất cứ chất liệu nào.

VẼ THEO LỐI " HOẠ HÌNH ".
                 Một thủ thuật dựa vào tấm hình chụp hay bất cứ loại hình nào khác đã có sẵn để làm vật mẫu mà sao chép lại. 
                                         
       
      Hình.01. Nguyễn Sáng. Chân dung cô gái xứ Bắc. Chì than trên giấy. Vẽ năm 1944
     
     Dựa vào nội dung con dấu do Ban Mỹ Thuật của Tổng Hội Sinh Viên Trường Đại Học Đông Dương đóng khống trước khi giao cho họa sĩ Nguyễn Sáng. Ta có thể khẳng định bức chân dung bán thân cô gái xứ Bắc này được thực hiện bằng lối vẽ truyền thần với chất liệu Than [Fusain] trên giấy dày [Croquis]. Nhân vật nữ này là người đã có lòng hảo tâm đóng góp cho việc gây quỹ Cây Mùa Xuân. Tháng Chạp năm Quý Mùi (Tháng 01/1944) nên đã được họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ đáp lễ trực tiếp ngay tại buổi triển lãm để làm kỷ niệm.  



                                            Hình 02.  Chi tiết tổng thể khuôn mặt cô gái.
     
      

1 - Trình độ điêu luyện:

         Người mẫu trong tư thế hơi nghiêng về phía trái. Đôi mắt nhìn chênh chếch lên bên phải đầy ắp mông lung, xa vắng. Chiếc mũi trông dáng vẻ hơi tẹt nhưng rất phù hợp với khuôn mặt. Đôi môi hơi dày, ngậm nhưng hé nhẹ như cố tạo cho mình sự tự nhiên trước đám đông đang ngắm nhìn mình. Khuôn trăng đầy đặn, phúc hậu. Tóc uốn quăn nhẹ, dài chấm vai, chải bồng phía trên trán. Hai bên thái dương chải tém ngược về phía sau, kẹp lại. Thân mặc áo dài, vải có nền hoa to. Hai vai áo may nhún bồng. Cổ áo cứng, cao chừng hai, ba phân liền mạch ôm quanh cổ giáp mí ở sau gáy. Không hở nơi yết hầu, cũng không có hàng nút xẻ chạy từ cổ xuống nách như kiểu áo dài truyền thống. Nhìn cái áo người mẫu đang mặc trong tranh này ta hiểu. Toàn bộ hàng nút cài nằm ở phía sau lưng. Từ gáy xẻ thẳng một hàng, dọc theo xương sống đến tận thắt lưng. Khi mặc sẽ chui vào như mặc áo đầm và phải có người ở đằng sau cài nút dùm. Biểu lộ cho thấy một kiểu cách của giới thượng lưu, giàu có luôn luôn có kẻ hầu người hạ. Dựa vào tác phẩm này. Chắc chắn đây là một trong những kiểu áo thời trang của nữ giới thượng lưu ở Hà Thành trong thập niên 40 của Thế kỷ XX này.
      Một số điểm quan trọng cần lưu ý trong bức tranh.
      - Vẽ trực tiếp người thật tại buổi lễ. ( Vẽ truyền thần )
      - Vẽ trong khoảng một thời gian nhất định, không thể kéo dài. ( Thời gian bị khống chế ).
      - Những nét vẽ cực giản, rõ ràng, dứt khoát, không dấu vết tẩy xóa. ( Thể hiện tài năng ).
      Ngoài những đặc điểm nêu trên. Nếu ta quan sát kỹ hơn, sẽ phần nào hiểu được tâm ý của tác giả. Nguyễn Sáng muốn thể hiện cho mọi người thấy được bản lĩnh tài hoa của mình qua sự kết hợp đầy sáng tạo những gì đã hấp thu từ cách sử dụng nhuần nhuyễn ngòi bút lông để viết chữ Nho thuở còn đi học ở quê nhà. Đem phối ngẫu với kỹ thuật hội họa Phương Tây hiện đại được tôi luyện trong trường Mỹ thuật để tạo thành tác phẩm này.
      Trong hội họa. Ngoài ý tưởng ra, ai cũng hiểu màu sắc, đường nét, bố cục là ngôn ngữ chính. Ở một tác phẩm vẽ toàn màu. Sự đa sắc dễ lôi cuốn và hấp dẫn người thưởng ngoạn. Nó cũng dễ dàng che lấp đi những sai sót nếu có trong tác phẩm. Nhưng đối với tác phẩm vẽ đơn sắc. Chủ yếu nó chỉ có đường nét, sắc độ đậm nhạt, rất dễ làm cho người thưởng ngoạn nhàm chán, rất dễ lộ ra những nét bại bút, khó mà dấu diếm cho được. Chính vậy để tạo được sự hấp dẫn trong tác phẩm đơn sắc của mình, người họa sĩ phải có bản lãnh, phải có kỹ thuật điêu luyện. Từ mỗi đường nét, từ trong từng mảng đậm nhạt phải biểu lộ được tính công phu, mới lạ, linh hoạt, nhuần nhuyễn. Có thế mới kích thích. Mới truyền được nguồn rung cảm xâu đậm đến người xem, mới mong có sự đồng cảm với những gì mình muốn nói trong tác phẩm.


2 - Sự cách tân:

        Ở trong bức chân dung này. HS Nguyễn Sáng đã rất khéo léo khai thác cái tính ưu việt cùng sự đa dạng của đường nét, mảng cùng sắc độ đậm nhạt thông qua thỏi than để lại trên mặt giấy trắng đã làm nổi bật những kỹ thuật điêu luyện. Nào là nét vờn, nào là mảng vuốt, khi lượn, lúc nhấn liếc liên tục nối tiếp đan chen, chồng lắp lên nhau không ngừng nghỉ mà hình thành nên tác phẩm. Ông đã thực hiện thành công những suy nghĩ của mình và dẫn dắt chúng ta đi vào thế giới của sự thông thoáng, đơn giản một cách tài tình không chút cầu kỳ phức tạp chỉ trong một  khoảng thời gian thật ngắn. Có lẽ không quá 15 phút. Sự phối hợp giữa đường nét và mảng cực kỳ chính xác và dứt khoát. Nếu chịu khó ta có thể đếm được những lần ông xuống tay. Mọi người thưởng lãm sẽ thấy ngay lập tức, một cách rõ ràng không thể nhầm lẫn giữa các đường nét với nhau. Lúc thì ngắn gọn, chắc, sắc. Khi thì dài mềm mại, uyển chuyển đong đưa như sợi tơ bay. Nhát sau hỗ trợ nét trước cùng nhau nhảy múa trên mặt giấy, như một bản luân vũ bay bướm của đường nét cùng những mảng xẫm nhạt thật tuyệt vời. Tất cả những gì ta thấy, cũng như cảm nhận đều do bàn tay khéo léo, tài năng cùng với sự suy nghĩ đầy sáng tạo của chàng sinh viên năm thứ tư Trường Mỹ Thuật Đông Dương ở thời điểm sơ khai mới được tiếp cận với nền hội họa phương Tây. Một sự kiện quá mới mẻ với người VN lúc đó. Nhưng với tài năng và kỹ thuật điêu luyện của HS Nguyễn Sáng. Thỏi than cứng ngắc vô cảm đã trở thành ngọn bút lông mềm mại. Một ảnh hưởng sâu đậm của lúc học chữ Nho thời thơ ấu. Chính vậy nên ta không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy những thuân pháp trong hội họa Trung Quốc, cũng như một số đường nét quen thuộc trong thư pháp của các nước có thói quen sử dụng ngọn bút lông để viết ở vùng châu Á. Nó xuất hiện một cách rõ ràng, xuyên suốt trong tác phẩm này của ông. Nào là.
      - Liễu điệp thuân. ( Nét trông như lá cây Liễu, hai đầu nhọn, thân ngắn, bụng to ).
      - Tùng điệp thuân. ( Trông như lá cây Tùng, nhọn đầu lớn dần về đuôi lá ).
      - Lan điệp thuân. ( Trông như lá cây Lan, đầu đuôi nhọn, thân dẹt dài ). 
( Xin lưu ý. Lan điệp thuân gần giống như Liễu điệp thuân nhưng Lan điệp thuân có dáng thế to lớn và dài hơn ).
      - Nét Mác. ( Đầu lớn hơi vát, nhỏ dần về đằng chuôi.Trông giống như lưỡi của thanh đao, mác ).
      - Nét móc câu. ( Trông cong cong như lưỡi câu cá ).
      - Du ty.  ( Trông thật mảnh. Mong manh như sợi tơ ).
   Một sự cách tân khá độc đáo của Nguyễn Sáng trong kỹ thuật sử dụng than chì, khác hẳn với kỹ thuật của trường lớp đã học. Ta có thể thấy rõ việc này nếu đem so sánh với một số tác phẩm của các họa sĩ Việt Nam qua vài thập niên gần đây sẽ rõ.

          Sự cách tân những nét vẽ trong tác phẩm được cho là rất gần gũi với những thuân pháp nêu trên được minh chứng bằng những hình ảnh dưới:

                                                    
                                                      Hình 03. Nét Liễu điệp thuân.


                                                       
                                                        Hình 04. Nét Tùng điệp thuân.

                                                         
                                                        Hình 05. Nét Móc câu.

                                                         
Hình 06. Nét mác và Lan điệp thuân.

                Hình 07. Những nét chắt lọc bên phía vai phải mô tả nếp áo được may theo kiểu nhún bồng..


                                                         
Hình 08. Nét Du ty ( Tơ bay ). Nét rất mảnh kéo dài xuống vượt qua chữ ký và con dấu của BTC(3) .

Để minh chứng cho những gì đã nêu trên xin trích dẫn một đoạn của tác giả Viết Hiền viết trong báo Bình Định. Văn hóa. Thể thao.
  ". Là một sinh viên nắm khá vững về hình họa cơ bản nhưng Sáng không phục tùng lối vẽ trường quy, mà đi theo lối vẽ lược tả. Thậm chí Sáng không ngần ngại tuyên bố thẳng: "Lối vẽ tỉa, vẽ chi tiết, vẽ tả thực, nệ vào mẫu của nhà trường là cách dạy mỹ nghệ, chứ không phải cách dạy mỹ thuật".

     3 - Ý tưởng:

    Toàn bộ những thuân pháp đã nêu trên đã thay thế cho những nét cơ bản. Thẳng bét, thô, mạnh, đan chéo ..v.v..phức hợp trong kỹ thuật vẽ than, bút chì của hội họa phương Tây. Một sự tinh giản đầy sáng tạo,  hết sức nhuần nhuyễn, rất mới lạ. Một ứng dụng thành công của HS. Nguyễn Sáng khi dùng những nét đặc trưng, mềm mại, uyển chuyển và thanh mảnh trong thư pháp, hội họa Viễn Đông phối hợp với kỹ thuật tạo hình phương Tây để hình thành một phong cách riêng, độc đáo của mình. Một thủ pháp khác biệt hẳn với tất cả mọi người từ trước tới nay trong lãnh vực vẽ chân dung. Phải có hiểu biết rộng về thư họa Trung Hoa, có lăn lộn trong giới nghệ thuật, mới cảm thụ, mới hiểu được cái chân tài năng của ông đã để lại cho hậu thế trong tác phẩm này như thế nào. Ngoài ra HS. Nguyễn Sáng còn muốn cho mọi người thấy và hiểu được cái tính ẩn dụ thâm trầm, cao diệu của người phương Đông trong lối diễn đạt. Để cho mọi người cảm nhận được cái tính liên tục của vũ trụ trong đời sống muôn loài. Cái không gian cần thiết để phát triển, để vươn tới, để lớn lên không ngừng, không thể dứt, còn nữa, còn tiếp diễn mãi mãi của vật thể. Trong những trường hợp như thế này Nguyễn Sáng đã cố tình chừa khoảng trống chung quang người thiếu nữ rất lớn, không bó lại. Cho người thưởng lãm cái nhận thức thoải mái, thông thoáng. Sự vật trong tranh không bị gò bó, ngộp thở. Thông thường cứ theo truyền thống vẽ xong dừng ở một nơi nào đó sau cùng và dùng chữ ký của tác giả để đóng khung, định hình. Nhưng ở trong tác phẩm này họa sĩ Nguyễn Sáng cho ta một khái niệm chứa đựng một ẩn ý là. Còn nữa chưa phải đến đây là hết. Để thể hiện ý này  ông đã dùng một vài nét cực mảnh như những sơi tơ phát xuất từ nách áo phải của cô gái kéo dài xuống hơi chếch vào trong vượt qua con dấu của BTC xuống gần tận đáy của bức tranh.  Một việc làm có chủ đích chứ không phải lỡ tay hay vô tình mà ra. Đây cũng là cách bố cục ý tưởng mang tính thâm trầm ẩn dụ của tác giả muốn gởi gắm.
         Tóm lại. Với tính chủ quan của người viết, dựa vào những gì đã thấy và muốn nói lên suy nghĩ của mình về tác phẩm này của HS Nguyễn Sáng.

                                                                             Saigon ngày 10 tháng 02 năm 2005
                                                                                              Cauminhngoc
                                                                            (Người phát hiện, lưu giữ và giới thiệu).

(1) Bài này viết xong ngày 10/02/2005. Có nghĩa là sau khi mua tác phẩm này được gần một tháng. Vì có mục đích riêng nên chưa công bố. Đã qua 10 năm và trước đó 60 năm. Tổng cộng tác phẩm này ẩn mình đúng 70 năm. Nay thấy rằng không nên khư khư cất giữ mãi tác phẩm của một họa sĩ có tầm vóc lớn trong thời kỳ vàng son Mỹ Thuật Đông Dương Việt Nam để mà thưởng ngoạn riêng. Làm như thế gần như là một hành vi che dấu, có tội lớn với tác giả. Nay xin công bố để mọi người nhận định và chiêm ngưỡng và rất xin lỗi vì hình ảnh không được rõ. Đó là chủ ý của người viết.

(2) Tham khảo báo Mỹ Thuật do Hội Mỹ Thuật Việt Nam xuất bản tháng 4/2002.

(3) Theo nguồn Wikipedia về trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam cho biết. 
Năm 1943 vì nạn oanh tạc của máy bay Đồng minh Trường phải tản cư dời bỏ Hà Nội.
- Tháng 12/1943, Mỹ ném bom Hà Nội, theo chủ trương của Nha học chính Đông Dương các trường phải sơ tán khỏi Hà Nội. 
    Điều này đã giải thích cho việc tại sao Ban Mỹ thuật Trường Đại học Đông Dương đứng ra tổ chức cuộc triển lãm để lấy tiền cứu trợ đồng bào bị nạn bom chứ không do Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương đứng ra tổ chức. 


 


    











                        




                 




    





              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét